THÔN BA LĂNG
Bãi cát vàng ven biển tưởng như xôn xao dưới gót giày những người mới tới. Cát lại bồi hồi lưu luyến tiễn đưa những người sắp được trở về "tuyến trong", nơi đó ít nhiều cũng còn thấy người dân mới hồi cư chứ không hoang vắng như chốn này. Nơi này trên bản đồ gọi là Thôn Ba Lăng là căn cứ của Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn 105. Vừa từ những chiếc GMC nhảy xuống, chúng tôi đứng đây như người khách mới, tần ngần ngắm từng đợt sóng lao xao vỗ vào bờ. Cát trắng sạch mịn màng. Tôi cố ngước mắt nhìn ra khơi: ở đây chỉ là một vùng biển hoang sơ, chấm phá vài con chim biển. Có đám chim hải âu bay vờn quanh chúng tôi hai đơn vị đang hoán chuyển với nhau -người xuống kẻ leo lên xe, một khung cảnh huyên náo cả lên. Có một khẩu 106 ly đang hướng nòng trực xạ ra biển, súng này của đơn vị TQLC ở xen với ĐPQ chúng tôi.
Đại đội 2 chúng tôi nhận lệnh Tiểu đoàn men theo mép biển, lội bộ sát mép sóng tiến ngược lên hướng bắc độ 5 cây số thì đến ranh giới hai phe. Trên bản đồ đề thôn Vĩnh Huề, thực tại là một đồng cỏ hoang vu. Tôi lặng lẽ quan sát quanh mình. Đôi lúc tôi khám phá vài ba nền nhà cũ, dấu vết nhạt nhòa trên đồng cỏ ẩm ướt gần mấy đầm 'nước lợ' (nửa mặn nửa ngọt). Lật tấm bản đổ luôn mang theo trong mình, tôi tìm vị trí thôn Vĩnh Huề. Hai chữ Vĩnh Huề đập vào mắt tôi cảm thấy chút gì lạ lùng đối với các địa danh khác. Trong kia là Thôn Thanh Hội nơi BCH Đại Đội 2 đóng. Xa hơn là Long Quang, Lễ Xuyên những thôn làng chỉ còn những cái tên trên tấm bản đồ
Căn cứ Cửa Việt mất từ đêm rạng Ngưng Bắn 27/1/1973 do vậy chúng tôi ở đây là lằn ranh cuối cùng của 2 phe. Qua khỏi lằn ranh này ra hướng bắc là phía bên kia ...
-Chừ thì mi làm răng thoải mái bằng tau hả Linh? Tau
chừ ở xa ‘mặt trời’ (ám chỉ đại đội trưởng), tau lại có
nước trong - có cả biển thơ -biển mộng nữa đây nghe
Linh !
2 trung đội trưởng Lê văn Linh và Đinh trọng Phúc gặp lại nhau lần đầu tiên sau 40 năm xa cách tại ngày Hội Ngộ Thừa Thiên Huế tại San Jose CA ngày 10/3/2013
Tôi cười thầm cho ý nghĩ là lạ của mình .
Tôi lại nhớ đến mấy thằng bạn khác đều mới ra trường như tôi, lại cùng về chung một đại đội 2 này. Nào Tùng, nào Ngọc cũng là dân Huế như thằng Linh. Tùng và Ngọc thì ít nói hơn, trầm hơn. Bốn trung đội trưởng chúng tôi cùng xếp áo thư sinh tòng quân sau Mùa Hè đỏ Lửa 1972, lại cùng gặp nhau nơi tuyến đầu Quảng Trị này. Trong khi "dân Nguyễn Hoàng" như Thái Đào cũng khoác áo 'ka ki' một năm nhưng lại phục vụ ngược vào xứ Huế. Số phận Thái Đào thiếu may mắn! chỉ một thời gian ngắn ra đơn vị Đào đã trở thành phế binh mất một chân.
Chuyện thực tế tiếp đến là củi. Lính chúng tôi chỉ dám thu dọn rồi gom lá dương khô mà nấu ăn thôi. Chúng tôi phải gìn giữ mấy tàng cây rậm để ngụy trang ẩn nấp. Hơn nữa, đất ven biển cần mấy hàng dương này để chống nạn cát lấn dần vào phía trong. Chốn biển vắng vẻ buồn tênh. Đôi khi tôi có một ít cảm hứng khi ngồi một mình ngắm trời mây, tai lắng nghe tiếng dương reo theo gió. Trời vào hạ rồi đây. Mấy tuần này gió Lào bắt đầu thổi mạnh. Sóng biển ban ngày bị gió Lào thổi ra cản lại nên chỉ thấy lăn tăn. Chiều về, trời trở Nồm. Gió vào lại đất liền sóng mới lớn hơn. Lúc này tôi nghe rõ tiếng sóng vỗ bờ , thêm làn gió mang đầy hơi biển mát lạnh khoan khoái vô cùng!
Sáng ngày 20-6-74 hồi 6 giờ 30 sáng. Sĩ quan trực Trung Tâm Hành Quân Lữ Đoàn, Thiếu Uy Chương và Trung Úy Vinh được Tiểu đoàn 105 Địa Phương Quân tại (418-626) báo cáo thấy một tàu, không phải là loại tàu đánh cá vẫn xuất hiện thường ngày, tàu này đang di chuyển về hướng Nam cách bờ khoảng hơn một cây số, trời quang đãng. Có thể quan sát thấy tàu nhưng không thấy chi tiết như là mang cờ nước nào hoặc số đăng bộ. Tàu tiếp tục đi qua TĐ2/TQLC tại (463-585) thì trời đã sáng rõ, nơi đây báo cáo là chiếc tàu vận tải loại lớn hơn LCM, và nhỏ hơn LCU di chuyển về hướng Nam cách bờ khoảng hơn một cây số, có mang cờ Việt cộng.( MTGPMN) Lữ Đoàn báo cáo lên BTL/SĐ/TQLC ở Hương Điền tại (634-428) , đồng thời xin Bộ Tư Lệnh xác nhận có tàu bạn đi công tác đặc biệt ở phiá Bắc trở về không.
Bộ Tư Lệnh xác nhận là không có tàu nào của Hải Quân hoặc của đơn vị Đặc Biệt nào hoạt động ở vùng này trong buổi sáng ngày hôm đó. Lữ Đoàn cho lệnh các đơn vị sẵn sàng đồng thời điều động Chi Đoàn 3/20 chiến xa M48 và Trung Đội Đại bác 106 ly của Lữ Đoàn di chuyển ra Mỹ Thủy. Đại Tá LĐT/LĐ/258, Trung Tá Đoàn Trọng Cảo Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh, Thiếu Tá Quách Ngọc Lâm Trưởng Ban 4 Lữ Đoàn có mặt ở Mỹ Thủy khi chiếc tàu đang từ Bắc di chuyển xuống.
9 giờ Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân Tư Lệnh Sư Đoàn đã dùng trực thăng bay trên vùng để quan sát chiếc tàu lạ. Lúc này tất cả các thành phần có mặt ở Mỹ Thủy đã bố trí sẵn sàng.
9 giờ 45 tàu đi ngang Mỹ Thủy và BCH/LĐ được các giới chức có thẩm quyền xác nhận chắc chắn không phải là tàu Bạn. Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh TQLC được lệnh tác xạ ngăn chặn để tàu phải ngừng và cặp vào Mỹ Thủy nhưng tàu vẫn chạy và còn tác xạ xối xả vào các đơn vị ta bằng đại liên 50. Đại Úy Chi Đoàn Trưởng Chi Đoàn 3/20 chiến xa M48 được lệnh khai hỏa vì tàu ở trong tầm tác xạ, lúc này là 10 giờ sáng ngày 20 tháng 6 năm 74 vị trí tàu tại (500-580), mới chỉ có loạt đạn Đaị bác 90mm đầu tiên, chiếc tàu đã bị chiến xa M48 bắn trúng khu vực máy tàu nằm phiá sau làm hư hại, tàu mất thăng bằng quay vòng tròn và từ từ chìm dần, đây là vùng biển không sâu nên tàu không chìm hẳn, phía mũi tàu còn nổi ở trên mặt nước.
Có 1 thủy thủ nhẩy ra khỏi tàu nhưng vì quá xa bờ nên bị chết đuối. Người này đã được các anh em TQLC vớt lên và chôn cất tại Mỹ Thủy.
Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC có cho 1 toán người nhái do Đại Úy Đào Ngọc Kỳ chỉ huy, đến Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn để được hướng dẫn ra chỗ chiếc tàu chìm. Toán người nhái được Công Binh Lữ Đoàn đưa ra chỗ tàu chìm bằng xuồng cao su. Đại Úy Kỳ báo cáo là tàu chở đầy các thùng gỗ lương thực đóng hộp có nhãn hiệu của Trung quốc, thùng gỗ lớn bằng thùng đạn pháo binh 105 ly của Mỹ. (thịt lợn hộp Trung Cộng 500 gam sau này lên núi có chia lại cho các tiểu đoàn ĐPQ một tiểu đội khoảng 2 hộp -ĐHL) rất nhiều đạn dược các loại cho súng cá nhân và súng cối 82 ly, thủy thủ đoàn còn lại trong tàu là 7 người, tất cả đều chết. Sau khi chiếc tầu Bắc việt bị bắn chìm thì 1 Chiến hạm của Hải Quân Việt Nam cũng được Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 điều động có mặt ở cạnh chiếc tàu bị bắn chìm, để đề phòng trường hợp Hải quân Việt cộng có thể từ Cửa Việt đến tiếp cứu đồng đội.
Trưa ngày 20 Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân Tư lệnh Sư Đoàn TQLC cũng đến Mỹ Thủy. Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 258/TQLC đã hướng dẫn Chuẩn Tướng Tư Lệnh TQLC xem các thùng thực phẩm khô, đạn dược của Trung cộng và tài liệu.
Chiếc tàu này mang số danh bộ T- 174 thuộc Trung đoàn 5 Hải quân Bắc việt trú đóng tại Cửa Việt ( 344-700). Còn tàu này xuất phát từ đâu và sẽ đi đến đâu thì không có tài liệu nào nói về việc này nên không thể biết được tàu này sẽ đi về đâu vì thủy thủ đoàn không còn người nào sống sót. Chúng tôi có theo dõi trên hệ thống truyền tin của phiá Việt cộng nhưng không thấy họ đả động gì đến biến cố này. Có thể Bắc việt sợ nếu lên tiếng công nhận là tàu của họ thì có thể có hậu quả nghiêm trọng không có lợi cho phiá Cộng sản.
Không biết Tàu này đi lạc hay đi về đâu, không có gì để kiểm chứng, nhất là ngày hòm đó trời quang đãng, tầm quan sát xa, nếu nói là đi lạc 30 cây số về hướng Nam thì cũng rất là mơ hồ không chính xác, và nếu sự thật là tàu đi lạc 30 cây số thì Sĩ quan Hải quân Bắc việt quá giỏi về Hải hành.
Theo tôi nghĩ rất có thể chúng đi tiếp tế cho một trạm tiếp nhận nào của chúng ở phía Nam Quảng Trị hoặc Bắc Thừa Thiên. Khó mà tin đươc là tàu việt cộng đi lạc.
Đây là chuyện khó tin nhưng có thật đã xẩy ra ở cuộc chiến Việt Nam là Thiết Giáp bắn chìm tầu của Hải quân Bắc việt xâm nhập miền Nam. Cũng Chi Đoàn 3/20 chiến xa M48 tăng phái cho Lữ Đoàn 258 tại Ái Tử tháng tư năm 1972 đã cùng với các đơn vị TQLC bắn hạ nhiều chiến xa trong cuộc tấn công phối hợp Bộ binh và Chiến xa của Quân đội Bắc việt đầu tiên trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam ngày 9 tháng 4 năm 1972 tại chiến trường Quân Khu 1.
Sau khi sự xâm nhập bằng đường biển bị phát giác thì Hải Quân Việt Nam có mặt thường xuyên để tuần tiễu khu vực Nam Cửa Việt.
nguồn
http://tqlcvn.org/chiensu/cs-ld258-chientich-saucung-73.htm
No comments:
Post a Comment