TỈNH BÌNH TUY
Ðất nước Quê hương Con người: Tỉnh Bình Tuy
Lời nói đầu: Bình Tuy trước năm 1975 là một tỉnh rất nhỏ nằm về phía Bắc của Vùng 3 Chiến Thuật, tuy là tỉnh nhỏ nhưng không phải dễ ở! Bằng chứng chỉ trong có 4 năm (1971 1975) thay đổi tới 6 vị tỉnh trưởng, trong đó 3 vị là đại tá và 3 vị là trung tá. Ngoài ra trong mùa hè đỏ lửa 1972, khoảng 20 ngàn đồng bào nạn nhân chiến cuộc Quảng Trị (gồm 3 quận Gio Linh, Cam Lộ và Ðông Hà) đã vào định cư ở Bình Tuy (1972 1975), Hiện nay tại Song Thành Minnesota có rất nhiều gia đình quê quán Bình Tuy hay Quảng Trị thế hệ thứ nhất đến thế hệ thứ 3 sinh sống & làm việc ở Minnesota.
Tháng 6, 2012
Hoàng Thân Vinh***
Ðịa danh Bình Tuy có lẽ ít người biết đến vì nó chỉ là một tỉnh nhỏ trước tháng 4/1975 thuộc vùng 3 chiến thuật, đây là một tỉnh tân lập được chính quyền thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm lập nên, vào năm 1957 với vị tỉnh trưởng đầu tiên là Thiếu tá Lê Văn Bường. (khác với ông dân biểu cũng tên Bường, người gốc Quảng Bình).
Ông Lê Văn Bường trước đó là đại úy quận trưởng quận Tiên Phước tỉnh Quảng Nam. Tỉnh Bình Tuy chỉ có 3 quận Hàm Tân, Tánh Linh và Hoài Ðức với dân số của Tỉnh chỉ chừng hơn 70 ngàn người, trong đó hơn 10 ngàn là dân tộc ít người phần lớn ở quận Tánh Linh. Ông Bường được vinh thăng thiếu tá và được bổ nhậm tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng tỉnh Bình Tuy. Về mặt địa lý, phía Bắc giáp tỉnh Phan Thiết, phía Nam giáp tỉnh Long Khánh, phía Tây giáp tỉnh Lâm Ðồng, và phía Ðông dĩ nhiên giáp biển Ðông. Thế mạnh của tỉnh là Lâm nghiệp và Ngư nghiệp (vì tỉnh có nhiều rừng và giáp bờ biển). Ðất đai thổ nhưỡng nói chung, không tốt lắm, như khu rừng lá (lá dùng để lợp nhà) mọc hoang dài dọc theo quốc lộ số 1, chừng 30 km, không cây nào khác mọc được, nên nông nghiệp còn yếu. Vì là tỉnh tân lập, nên có chừng 50% là dân địa phương và 50% là dân tứ xứ qui tụ về, như quận Hoài Ðức với 4 xã Vỏ Ðắc (quận lỵ) Vỏ Xu, Sùng Nhơn và Hiếu Ðức, quận này có con sông lớn La Ngà chảy qua, sông La Ngà phần thượng nguồn sau khi chảy băng qua Quốc lộ số 20 (ở đoạn cách ngã ba Dầu Giây chừng 33 Km) chảy qua tỉnh Long Khánh rồi về tỉnh Bình Tuy. Xã Vỏ Ðắc có một phần đất đỏ thích hợp cho cây công nghiêp, dân chúng phần nhiều ở Quảng Nam Quảng Ngãi vào định cư lập dinh điền từ thời đệ I Cọng Hòa của Tổng Thống Diệm. Quận Tánh Linh nghèo nàn, quận lỵ nằm trong xã Lạc Tánh, còn 3 xã khác là Duy Cần, Huy Khiêm và Hiếu Tín, có một số buôn làng dân tộc thiểu số (đồng bào Thượng). Quận Tánh Linh lâu rồi có một trận chiến ở Ấp Ruộng gần nhà thờ Công Giáo làm chết 2 phía giao tranh rất nhiều nhân mạng! Có thể nói Tỉnh Bình Tuy ngoài dân địa phương còn dung nạp 4 sắc dân có chữ đầu là Quãng (Tứ Quãng bao gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Quảng Bình, nếu nói thêm tỉnh tân lập thời Tổng Thống Diệm là Quãng Tín thì đúng là Ngủ Quãng). Riêng Quận Hàm Tân (Tỉnh lỵ), Hàm Tân là 1 trong 3 địa điểm tập kết của Cán binh Cọng Sản để trở ra Bắc, theo qui định của Hiệp định Genève ký 20 tháng 7, 1954, 2 địa điểm tập kết kia là Bình Ðịnh và Cà Mau, không biết trên thực tế CSBV còn để lại bao nhiêu cán binh hoạt động nằm vùng ở đây mà không tập kết ra Bắc! Quận Hàm Tân có nhiều đồng bào gốc Quảng Bình vào đây lập nghiệp trong thời TT Diệm, họ là những người cần cù chịu khó làm ăn, đa phần theo đạo Công Giáo, sống hòa hợp thích nghi với người dân địa phương một cách hài hòa tốt đẹp! Một con sông thứ 2 tuy không lớn nhưng khá quan yếu, có tên là sông Dinh chảy từ hướng Tây băng ngang qua Quốc lộ số 1 rồi chảy về hướng Ðông, sông này được các khe suối chung quanh góp nước trên đường đi rồi chảy ra biển Ðông, sông Dinh chỉ có nhiều nước vào mùa mưa, còn mùa khô hạn rất ít nước có khi cạn trơ thấy đáy! Trước khi ra biển Ðông chừng 2 Km, sông uốn khúc chảy qua gần Tòa Hành Chánh tỉnh, và gần đó có xây một con đập chắn ngang, gọi là đập Ðá Dựng, để giữ nước dùng cho nhà máy nước sạch ở đây, cung cấp nước cho tỉnh lỵ cũng như thị trấn Lagi, nghe đâu cũng vì đập Ðá Dựng và nhà máy nước sạch (cung cấp nước) này mà tỉnh trưởng đầu tiên của tỉnh ông Lê Văn Bường bị án tử hình! (Sẽ nói ở đoạn sau). Cách tỉnh lỵ chừng 4 5 Km có một phi trường nhỏ với phi đạo ngắn, chỉ sử dụng cho loại máy bay nhỏ đáp, như máy bay cesna chẳng hạn!
Ðầu năm 1971 tôi được cử về làm trưởng ty điền địa tỉnh này, tỉnh lỵ ở gần thị chấn thương mãi Lagi thuộc quận Hàm Tân. Ðối diện trước cơ quan tôi là trường trung học phổ thông cấp 2 và cấp 3 lầu đúc, đẹp bề thế khang trang! Tuy là tỉnh nhỏ ít dân cư, nhưng cũng không phải là dễ ở, bằng chứng là trong 4 năm làm việc ở đây (1971-1975) thay đổi tới 6 vị tỉnh trưởng, trong đó 3 vị là trung tá và 3 vị là đại tá! Trước khi nói về 6 vị tỉnh trưởng trên, xin được nói qua về ông Lê Văn Bường vị tỉnh trưởng đầu tiên của tỉnh tân lập, thời Tổng thống Ngô Ðình Diệm đâu năm 1961 không biết ông tỉnh trưởng Bường làm việc gì sai trái hay tham nhũng trong việc xây dựng đập Ðá Dựng và nhà máy nước sạch cho tỉnh, mà ông bị kết án tử hình, án chưa thi hành, kịp đến đảo chánh 1 tháng 11, 1963 Tổng Thống Diệm và bào đệ cố vấn Nhu bị giết chết, ông Lê Văn Bường trốn thoát và nghe đâu qua sống lưu vong bên Cambodge, đâu cuối năm 1972 hay đầu 1973 ông có về lại Bình Tuy (tôi gặp ông duy nhất 1 lần ở Chùa Tỉnh hội Phật giáo Bình Tuy dưới tên mới là ông Tôn Thất Bình). Sau lần gặp đó đâu chừng 1 năm, được tin ông mất vì tai biến mạch máu não (stroke), do bà Th X. nói như vậy! Sở dĩ ông Bường về lại Bình Tuy là vì ông có người vợ trẻ đẹp ở đó, bà Vũ thị Th X và có với ông 4 người con, gồm 3 gái 1 trai. (Ông tỉnh trưởng Bường lấy bà Th X. khi tình cờ gặp cô nữ sinh trẻ mới 16 tuổi và quá xinh đẹp trong 1 buổi ủy lạo các chiến sĩ VNCH, sau đó không bao lâu bà trở thành vợ chính thức của ông ta!). Việc này tôi biết rõ vì cô Th. X. có người anh ruột là anh Vũ Phúc Th. là nhân viên trong cơ quan của tôi.
Ðầu năm 1971 tôi về nhận nhiệm sở, ông đại tá Trần Vãng Khoái người Bắc làm tỉnh trưởng, đâu gần 1 năm sau ông đổi về Saigon, Ðại Tá Huỳnh Công Thành thay thế, ông này lớn tuổi hơi mập và lùn, đâu giữa năm 1972 ông bị tai nạn rớt máy bay trực thăng phải vào Tổng Y Viện Cộng Hòa ở Saigon điều trị (nghe báo chí lúc đó nói máy bay bị rơi do đổ xăng ở Phan Thiết trong xăng có lẩn nước, sau đâu chừng 2 tháng thì ông mất!). Trung tá Nguyễn Thọ Lập lớn tuổi tạm quyền tỉnh trưởng (ông này vừa lùn vừa lé, trước đây lúc làm việc ở Hội An Quảng Nam tôi đã gặp ông ta, khi đó ông là trung tá trung đoàn trưởng trung đoàn 51 biệt lập, Bộ tư lệnh đóng quân cách Hội An chừng 3 4 Km). ông chỉ tạm quyền chừng hơn 2 tháng, vị thứ 4 là trung tá Nguyễn Ngọc Ánh (trẻ khóa 16 trường Võ Bị Ðalat), hiện định cư ở Austin Texas, lúc làm việc ở Austin TX tôi có qua lại thăm viếng ông ta (1994 1996), vị thứ 5 là trung tá Nguyễn Văn Sĩ đang là tham mưu trưởng tiểu khu Bình Tuy được lên thay thế Trung Tá Ánh (ông Sĩ lớn hơn ông Ánh chừng 3 4 tuổi, cả 2 ông tuy nhà binh nhưng trông rất bạch diện thư sinh). Hiện ông Sĩ định cư ở Nam California. Ðâu khoảng giữa năm 1974 thì vị thứ 6 là Ðại Tá Trần Bá Thành thay thế trung tá Sĩ (trước đây đại tá Thành đã là trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 48 thuộc Sư Ðoàn 18 Bộ Binh). Trong buổi tiệc nhậm chức (tống cựu nghinh tân), tại phòng khánh tiết tỉnh, với chừng 30 ty sở trưởng nội ngoại và các trưởng phòng bên tiểu khu, khi nói chuyện về cuộc đời quân ngũ của mình, và nói chơi về tài thiện xạ của mình, đại tá đã dùng súng bắn hơi nòng dài nhắm lên trần béton, đã bắn rơi 1 con thằn lằn đang đậu trên đó rớt xuống sàn! Khách dự tiệc vỗ tay tán thưởng!
Các ty sở trưởng ngoại thuộc như anh Trần Bất Nhựng trưởng ty Công Chánh, anh Lương Thế Bỉnh trưởng ty Kiểm Lâm, anh Ðốc sự hành chánh Chi trưởng ty Xã Hội, tỉnh đoàn Cán bộ XDNT trước là đại úy Linh, sau là anh Bình người Bắc nhỏ con thay thế, sau 4, 1975 hình như anh ở Ngã ba Ông Tạ, và lái xe chở khách loại trung, anh Vũ Ðán Bình hiệu trưởng trường trung học, anh Trang thanh tra ty tiểu học, ông Bùi Xuân Huyến người Huế mập mạp, lớn tuổi làm trưởng ty nông nghiệp có lẽ là người lâu năm nhất ở đây, thiếu tá Hiền người Huế thì làm trưởng ty Cảnh Sát Quốc Gia, sau anh Hiền là trung tá Huỡn người Nam lớn tuổi thay thế, hiện nay 2 anh Hiền và Huỡn đều định cư ở San Jose Bắc California, anh Long trưởng ty cấp thủy, tuy trẻ tuổi nhưng đầu tóc bạc nhiều, sau 1975 đi cải tạo về anh giữ xe đạp ở chợ An Ðông,
Những người làm việc kỳ cựu trong tỉnh trước tiên là ông Trần Thanh Sử người Phan Thiết, phó tỉnh trưởng, đẹp trai hơn tôi chừng 4-5 tuổi, tánh tình dễ thương, các đốc sự hành chánh khác như các anh Diệm mập hơi lé trông coi về hành chánh, anh Anh mập tròn mang kính trắng coi về kinh tế, sau coi về nội an, anh Nguyễn Công X L. coi tài chánh (sau gọi là trung tâm chuẩn chi). Ngoài ra trong Tòa Hành Chánh tỉnh còn có 3 ông là ông Công, ông Tồn và ông Ngưỡng người Huế là lâu đời nhất (chức vụ của 3 ông này cao nhất chỉ là trưởng phó phòng mà thôi!) Như ông Công có nhà ở và buôn bán chạp phô tạp hóa ngay trong chợ Lagi, anh Tồn ở gần nhà thờ Tin Lành, còn như ông Ngưỡng người Huế chẳng hạn, tuy có xây được 1 căn nhà lầu đúc lớn, nhưng phải nói bà vợ ông Ngưỡng cũng tội nghiệp lắm, ngày nào cũng xách giỏ xách bán các món ăn đặc sản Huế như (bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh ít bánh ram, v.v.) bán đủ 7 ngày trong tuần, đi bộ vất vả từ Lagi lên tỉnh lỵ, vừa rao hàng, vừa bán!
Qua khỏi trường trung học đi về phía biển là trường tiểu học Ðồng Tiến, Cha Hoàng làm hiệu trưởng (cha cũng là sĩ quan tuyên úy Công Giáo bên tiểu khu). Ði xuống nửa là tỉnh đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, đi thêm chừng 50 mét là khuông viên ty công chánh kiến thiết rộng rãi lúc đầu là anh Trần Bất Nhựng làm trưởng ty, sau là kỹ sư Khôi thay thế, anh Tấn đeo kiếng trắng làm phó kiến thiết, anh Sơn làm phó công chánh, sau tháng 4,1975 anh ở khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật ở Saigon. Còn bên trái trường trung học, đi ngược về phía biển là Ty Tiểu Học, với 1 ông lớn tuổi làm trưởng ty, anh Trang mập làm thanh tra, sau ty tiểu học đổi thành Sở giáo dục, anh Lộc người Huế làm chánh Sở Giáo Dục. Bên tay mặt ty điền địa qua con đường nhỏ, là khoảng đất trống rộng rãi, tới gần ngả 3 đường đi vào Tòa Hành Chánh tỉnh, là trụ sở ty thông tin do anh Lê làm trưởng ty, sau này thay người khác không nhớ tên, đi vào hướng tỉnh, là khuôn viên đất ty điền địa mới, chỉ mới xây văn phòng nhỏ và hàng rào, (dự trù trong tương lai có ngân khoản sẽ xây trụ sở chính sau!). Ði tiếp vào là bệnh viện dân y và quân y hỗn hợp, do B/S Bạch làm giám đốc kiêm trưởng ty y tế, BS Thịnh phụ tá, bên quân đội đại úy BS Minh trông coi. Ði tiếp nửa là trụ sở tòa án Bình Tuy. Qua khỏi tòa án là con đường lớn (ngả 4 này là 2 con đường lớn giao nhau. Qua khỏi ngã tư là trụ sở rộng rãi của cơ quan cố vấn Mỹ tỉnh Bình Tuy. Tiếp theo là Ty Nông Nghiệp, tiếp theo nữa là Văn phòng Ðại diện Phủ Quốc Vụ Khanh Bác Sĩ Phan Quang Ðán, tiếp theo là vị trí đóng quân của chi đoàn thiết giáp (bánh hơi) do Ðại úy Tơ chỉ huy. Còn như ty điền địa hiện hữu chỉ là 1 ngôi nhà tuy biệt lập nhưng nhỏ làm việc chật chội! Từ trụ sở này đi về phía chợ Lagi, bên cạnh là nhà ở của trưởng ty điền địa, kế bên là nhà ở của trưởng ty an ninh quân đội (trước là Thiếu Tá Trí, người Quảng Trị, sau là thiếu tá Hùng người Bắc, thay thế chỗ ông Trí, còn Thiếu Tá Trí ra làm việc ở Phan Thiết), bên cạnh là nhà của ông Nghĩa, phó chủ tịch Hội Ðồng Tỉnh, nhà có mở cửa hàng bán đồ tạp hóa, (không may trong khi di tản ở Vũng Tàu tháng 4, 1975 ông bị thiệt mạng), kế bên là nhà ông Hà Tôn Ðông, chủ tịch Hội Ðồng Tỉnh, kế bên nữa là trụ sở Ty Sắc Tộc địa phương, anh Bah người thiểu số làm trưởng ty, cạnh đó là con đường đất sỏi dẫn vào các nhà trong khu cư xá công chức! Qua con đường này là trung tâm tiếp vận do Trung Tá Cát mập và thấp làm chỉ huy trưởng, qua nữa là cơ quan cấp thủy do anh Long đầu tóc bạc trẻ, làm trưởng cơ quan. Phía dưới thị trấn Lagi có 2 cơ quan, đó là Ty Kiểm Lâm với anh Lương Thế Bỉnh làm trưởng ty, và Ngân Hàng Phát Triển Nông Thôn mà anh Hữu làm giám đốc, phụ tá hay kiểm soát viên là anh Nam, rồi phòng Ngư Nghiệp, thuộc ty Nông Nghiệp, v.v…
Tháng 3 năm 1972, CSBV tràn qua vĩ tuyến 17, trước sự tấn công bất ngờ và vũ bão của họ, Sư Ðoàn 3 Bộ Binh VNCH bị tan rã, Chuẩn Tướng Giai bị kỷ luật. Quảng Trị tạm thời bị thất thủ (nhà binh, nhà văn Phan Nhật Nam khóa 18 Võ Bị Ðà Lạt đã viết cuốn sách “Mùa Hè đỏ lửa” nói về cảnh đồng bào chạy vào Huế lánh nạn trên đại lộ kinh hoàng Quảng Trị, cùng diễn tả trận đánh khổ nạn và dân chúng bị chết chóc điêu linh khi di tản này!). Sau đó nhân kỷ niệm Quân lực VNCH ngày 19 tháng 6, 1972, TT Thiệu đã ra lệnh cho tướng tư lệnh Quân Khu I Trung Tướng Ngô Quang Trưởng trong vòng 3 tháng phải tái chiếm lại Quảng Trị, quân lính Sư Ðoàn 1 Bộ Binh và các đơn vị tăng phái như Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Ðộng Quân, Nhảy Dù, v.v… và cũng nhờ sự yểm trợ phi pháo tối đa của quân đội đồng minh Mỹ, vùng I Chiến thuật đã hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn đúng 3 ngày, nghĩa là ngày 16 tháng 9, 1972 lá cờ Quốc gia màu Vàng 3 sọc đỏ lại tung bay phất phới trên cổ thành Quảng Trị, và vì Bắc quân được lệnh liều mình, cố tử thủ trong cổ thành, tuy thắng lợi nhưng quân ta cũng đã bị nhiều tổn thất! Sau này ở Mỹ đọc được một số tài liệu về trận tái chiếm lại Cổ thành Quảng Trị, được biết sở dĩ Mỹ yểm trợ tối đa cho Tướng Trưởng được xem như cố ý đánh bóng vị tướng này, như là một con cờ dự bị trong tương lai của người Mỹ vậy! (Hãy nhớ lại mà xem trong trận chiến hành quân Lam Sơn 719 qua Hạ Lào, năm 1971 chỉ đâu có hơn 1 năm trước đó thôi, quân ta đã không thành công, và phải gánh chịu nhiều tổn thất, phải hiểu rằng vào gần vùng hậu cần của Bắc quân, chúng ăn thua đủ và đời nào chúng chịu thua!). Sau ngày quân lực 19 tháng 6, 1972 đâu chừng hơn 1/2 tháng, đúng ngày 7 tháng 7, 1972 Tổng Thống Thiệu đáp máy bay trực thăng xuống mặt trận An Lộc đang còn bốc khói lửa, gắn sao chuẩn tướng cho người hùng tử thủ trận địa An Lộc (đâu 68 ngày), là Tướng Lê Văn Hưng (trận này Cộng quân dùng 4 sư đoàn quyết tiêu diệt 1 sư đoàn phía VNCH nhưng đã không thành công). Và cũng nhờ các trận đánh này đã có bài hát: “Bình Long anh dũng, Kom Tum kiêu hùng và Trị Thiên vùng dậy.” Khi chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị (16/9/1972) lại có câu: “Cờ bay, cờ bay, trên thành phố thân yêu!”
Tỉnh Quảng Trị thất thủ cuối tháng 3, 1972, đồng bào Quảng Trị nhất là 3 quận Ðông Hà, Cam Lộ và Gio Linh phần lớn đi định cư ở Bình Tuy với sự giúp đỡ của Quốc Vụ Khanh, BS Phan Quang Ðán, 2 vị quận trưởng ở Quảng Trị là Thiếu Tá Ðăng mập lớn tuổi và Thiếu Tá Huệ trẻ tuổi cũng đi theo dân vào Bình Tuy chọn giúp địa điểm định cư cho đồng bào, số lượng đâu chừng 20-25 ngàn người. (ông Huệ hiện ở San Jose nhà ĐHL) Tỉnh Bình Tuy thiết lập 2 khu định cư chính có tên là khu định cư Ðông Hà (nằm bên cạnh tỉnh lộ đi vào tỉnh cách ngả 3 Bình Tuy Quốc lộ số 1 chừng 3 4 cây số) và khu định cư thứ 2 có tên gọi là Khu định cư Ðồng Ðền (trên đường liên tỉnh lộ đi Xuyên Mộc Bà Rịa, cách ngã tư Hiến Binh củ chừng 5 6 cây số). Ðất đai nói chung tuy không được tốt mấy, nhưng được phối hợp chọn lựa, có lẽ yếu tố an ninh là trên hết (gần tỉnh lỵ). Khu Ðông Hà này đối diện bên kia đường tỉnh lộ là Cô nhi viện Bồ Câu Trắng với Linh Mục Hoan làm giám đốc, đâu năm 2008 cha Hoan có ghé thăm tiểu bang Minnesota, tôi gặp đức cha ở nhà hàng Hoa Biển đường University Thành Phố Saint Paul MN (lúc này cha đã lên chức Giám mục). Cô nhi viện này còn có sự giúp đỡ của cha Mỹ, lúc còn nhỏ tôi và cha Mỹ cùng học chung lớp nhì (lớp 4) trường tư thục Việt Hương do cha Ðài làm hiệu trưởng thì phải, giáo viên đứng lớp là 2 chị em cô Nguyện và cô Hảo dạy, 2 cô giáo này có cô em ruột tên Trang, anh Hoàng Trọng Trạch học lớp nhất là nổi hơn cả!
Ðồng bào Quảng Trị định cư được cấp tiền nuôi ăn ít nhất là 6 tháng đến 1 năm, tính theo đơn vị gia đình được cấp đất thổ cư (đơn vị 200 m2), cấp tiền làm nhà, cấp đất canh tác mỗi gia đình chừng 1/2 mẫu (5,000m2) đất đã được khai quang sẵn để dễ dàng cho đồng bào canh tác (ở khu Ðông Hà đất canh tác do nhà thầu tư nhân khai quang, giá khai quang đâu gần 100 ngàn đồng/mẫu, còn Khu Ðồng Ðền do đơn vị Công Binh khai quang,( công binh này đóng tại dốc Tân Sơn ) có lẽ Phủ QVK chỉ trả tiền xăng nhớt.). Ðịnh cư với nhiều đồng bào là 1 công việc to lớn, nên Phủ QVK/PQÐ có lập riêng 1 văn phòng đại diện ở tỉnh với Ðại Tá Nguyễn Văn Chuyên làm giám đốc văn phòng này (trước đây đại tá Chuyên đã từng làm tỉnh trưởng Long Khánh).Nói chung các ty sở nội ngoại thuộc của tỉnh đóng góp sức mình tuy theo phần việc chuyên môn trong vụ định cư của đồng bào Quảng Trị bận rộn nhất là các Ty Xã Hội, Công Chánh Kiến Thiết, Ðiền Ðịa, Nông Nghiệp, Cán Bộ XDNT, Thông Tin v.v… và các ty hành chánh, tài chánh nội thuộc tòa hành chánh tỉnh. Trong khu vực Ðồng Ðền này có một vị Linh Mục rất nổi tiếng, đó là LM Nguyễn Viết Khai người hơi thấp, và hình như cái đầu không bao giờ ở yên trên cổ ông ta (ông hay lắc lắc cái đầu!). Thời đệ nhất Cộng Hòa, LM Khai rất thân thuộc với Dinh Ðộc Lập, nhiều lúc ông tự nhận là người lo phần hồn cho các yếu nhân phủ Tổng thống thời đó! Có thể nói vào thời đệ nhất Cọng Hòa, LM Khai như là người có uy thế bao trùm ảnh hưởng lên chính quyền cũng như ngoài xã hội, nói khác đi chỉ sau có LM Cao Văn Luận, Viện trưởng viện đại học Huế mà thôi! Trong hơn 4 năm làm việc tôi chỉ gặp LM Khai có 2-3 lần, trong đó 1 lần ông tới cơ quan tôi về việc đất đai. Nhưng cũng lại có người nói ông bị rút phép thông công (không được đứng trên nhà thờ với tư cách là một vị linh mục!) nguyên do nghe nói hồi đó ông LM có liên hệ trên mức tình cảm với cô Năm Nhân H., chủ tiệm bán hay cung cấp văn phòng phẩm tòa hành chánh tỉnh, cũng như các cơ quan ty sở ngoại thuộc. (LM Khai được biết đã qua đời đâu năm 2000). Ở Bình Tuy còn có Linh Mục Hoa hạt trưởng, ngài cũng có làm thơ với bút hiệu Xuân Ly Băng! Nghe nói sau 1954, ông Trần Ðình Trường lúc đó ở Nghệ An thấy không thể ở với CS, ông đã trốn qua ngả Lào rồi sau vào Saigon, lúc đầu tạm trú tại khu nhà chung của giáo phận Vinh số 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm Saigon quận 1, mới đầu ông tạm làm tài xế cho Linh Mục Khai, hiện nay ở Mỹ là ông tỷ phú Trường chủ nhân của nhiều khách sạn ở New York, thường là mạnh thường quân cho các cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ, trong vụ khủng bố 911 ở New York năm 2001 ông từng hiến tặng cho hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ cả 2 triệu dollar, cũng như đã cứu trợ và giúp đỡ thiên tai ở châu Phi! Cũng nhờ ông Trường là chủ của nhiều tàu buôn lớn trước 30/4/1975 (tàu có tên gọi Trường Xuân, là tên ghép của ông và người vợ) mà bao nhiêu ngàn người lánh nạn CS đã được vượt thoát khỏi VN tháng 4, 1975. Những điều về ông Trường tôi biết được qua ông Dược Sĩ Nguyễn Ðức Chân (sanh 1932), quê ở huyện Hương Khê, Nam Hà Tỉnh (cỡ ngang tuổi ông Trường), ông Chân năm 1955 vượt biển bằng ghe gần Thanh Hóa, ghe chở cả 100 mạng người, tấp vào Truồi, Cầu Hai sau đó được đưa lên Huế làm ở cơ quan phủ đặc ủy di cư, 2 năm sau ông Chân vào Saigon, (có lúc LM Khai mời ông Chân làm hiệu trưởng trường tư thục Ngô Ðình Khôi ở Phan Thiết nhưng ông từ chối vì đang là sinh viên trường Dược), sau này tên trường được đổi là trường Chính Tâm và ông Cao Xuân Hiệp (sanh 1935) người Diễn Châu Bắc Nghệ An, sau đi Khóa 22 Thủ Ðức, qua Mỹ diện HO 4, hiện định cư ở Houston Texas, cả 2 ông này đều đã từng tạm ngụ số 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm quận 1 Saigon nói trên, ông Hiệp ở chung phòng với ông Trường, còn ông Chân khác phòng, thì nay ông Chân đã định cư ở Virginia, lúc đó ông Long cũng là bạn ông Trường và là thư ký riêng của cha Trương Cao Khẩn, Linh Mục Khẩn phụ trách các việc liên quan tới giáo phận Vinh. (Bỏ qua về vấn đề tình cảm riêng tư, mà mỗi cá nhân một khác nhau, không ai giống ai, “bá nhân bá bọc chứa,” người thích uống rượu, người hút thuốc, người thích ca hát có máu văn nghệ, người có máu cờ bạc, có người lại thích đa thê! Nhưng nếu chỉ nói riêng về lãnh vực kinh doanh thì xin hiểu cho tôi, tôi nói về ông Trường với tất cả tấm lòng kính trọng và khâm phục! Người tay không mà dựng nên cơ đồ dù ở VN trước 1975, hay sau 1975 qua Mỹ định cư mới là người tài giỏi!). Ca dao ta vẫn nói; “nước lã mà vả nên hồ, tay không mà dựng cơ đồ mới hay!” (Ðược biết ông Trường đã mất tháng 4, 2012)
trích từ báo
No comments:
Post a Comment