NGÀY ĐÓ lâu lắm rồi trên một vùng quê nghèo, tạm gọi là vùng KINH TẾ, tôi khó lòng quên được hình ảnh các em bé vùng nương rẫy và mái trường tranh rách nát, tả tơi. Những em học trò hàng ngày vừa phụ giúp gia đình việc làm nông vừa có một hạnh phúc, sung sướng nhất đời là được TỚI TRƯỜNG "kiếm đôi ba chữ". Người viết vẫn luôn tin rằng được tới trường là một hạnh phúc lớn nhất của các em.
Rẫy rừng, miếng cơm độn sắn, cái áo chẳng lành trong mười hai tháng của một năm dài, ngoại trừ năm ba ngày tết. Chúng mừng vui với lớp bạn quê cùng lớp. Chúng sung sướng để được ngồi cùng nhau dưới những dãy bàn xiêu vẹo để được thấy cô thầy, những lớp người khác với cha mẹ chúng.
CÔ GIÁO LỚP 3 (vợ tác giả) đứng cùng lớp chụp tại NGÔI TRƯỜNG QUÊ XÃ SƠN MỸ. Ngôi trường này của CHƯƠNG TRÌNH QUỐC VỤ KHANH/ KHẨN HOANG LẬP ẤP CỦA DI DÂN QUẢNG TRỊ VÀO HÀM TÂN NĂM 1974, CÒN SÓT LẠI vào thời gian chụp hình này ĐÃ SỤP ĐỔ MỘT NỬA NHƯNG VẪN CÒN HƠN MỘT NỬA DÙNG để DẠY HỌC (hình 1984 của tác giả)
Những đôi chân trần, quần đùi và cái áo vá nhưng các em đó vẫn tự hào do các em là HỌC TRÒ. Các em vui sướng, hăng hái đọc bài theo thầy cô. Những viên phấn cô thầy viết phải tiết kiệm từng chữ; những nét chữ các em nắn nót say mê. Những cuốn vở hay mấy tờ giấy vàng ố, hiếm hoi lại nâng niu quý báu...
Có ai sống những qua những ngày cơ khổ đó mới biết được cái HẠNH PHÚC của các em trong những buổi tới trường. Hầu hết các em đều là học trò nghèo. Các em còn là những tay lao động dù không phải là CHÍNH nhưng rất cần cho gia đình- nhà nào làm nương rẫy đều cần.
Cha mẹ cần các em, từ đi BỎ HỘT trong những trận mưa đầu mùa, cho đến bới cơm vào rừng, đi lượm than vụn giúp kinh tế trong nhà và còn đi giữ rẫy nhất là khi mùa màng thu hoạch. Tiếng trẻ con kêu phụ họa với người lớn kèm theo tiếng gỏ đủ thứ... từ nồi niêu song bể hay còi ...nhằm để xua đuổi bầy keo bọn khỉ... đang phá bắp, lúa...
Đêm về các em được ở nhà để người lớn vào chòi giữ rẫy thay các em. Người lớn ở lại ban đêm để canh heo phá sắn.
Rồi hàng năm NGÀY TẾT THẦY CÔ 20 tháng 11 LẠI ĐẾN.
Bên mái trường tranh rách nát, trống trãi, bàn ghế gãy đổ chơ vơ, có những khuôn mặt thập thò. Các em học trò ngày đó cũng biết kiếm làm sao cho ra những thứ gì để tỏ chút lòng tri ân thầy cô của chúng.
Có em có được xâu cá, chúng cặm đâu hôm qua. Có đứa xin mạ đâu được mấy lon đậu xanh hay đậu huyết gì đó ...nói sao hết những món quà nhà quê cho những ngày THẦY CÔ năm đó.
Ôi thật thà và chất phác đến tội nghiệp trong lòng?!
VỢ tôi đi dạy, tức là cô giáo làng vào thuở đó. Mấy chục đồng lương và 13 ký gạo đó là đời sống của một người đi làm nghề dạy học. Một thời kinh tế bao cấp và chốn rẫy rừng tự cung tự cấp của một thời hoang sơ của một xã hội mới bắt đầu như khởi thủy của một THUỞ HỒNG HOANG ?
ĐẸP LÀM SAO, NHỮNG TẤM LÒNG TRẺ NHỎ
Mái trường tranh, vách lá hở hang cùng những cái bàn xiêu vẹo. Phấn viết cho Cô Thầy giảng bài cho các em vẫn thiếu. Trước mặt cô thầy, các em ngồi yên chăm chỉ nhưng bụng các em đang trưa xép lẹp. Tan buổi học chúng còn vào rẫy ...những lần mót khoai, sắn và những mớ than vụn trong rừng và những đồng bạc góp nhặt thêm cho đời sống gia đình.
*
Hôm nay nơi chốn thị thành hay quê hương đã thay đổi. NGày Thầy Cô Giáo là một ngày Hội Tưng Bừng nào hoa nào quà cáp đủ thứ vật phẩm đắt tiền. Những lớp thầy cô trong thế hệ sau này đang có những ngày hội vui vẻ bên bao thứ quà tặng quý giá từ nhiều tầng lớp học trò trong một xã hội đầy đủ vật chất ...
Tôi chạnh lòng nhớ về hình ảnh ngày trước mà thuơng cho những đôi mắt tinh anh và khao khát học hành của các em nhỏ một thời dưới mái trường làng ...ôi những đôi mắt sáng ngời, thông minh, nhưng lắm gian nan chịu đựng thương khó bao ngày. Thật buồn cho các em phải sinh ra nơi vùng thôn dã. Những đôi chân trần bé nhỏ, những buổi trưa sau buổi học, em vội vào rừng. Trên đôi vai nhỏ, em còn gánh vác một bổn phận- phải giúp mẹ cha giành lại miếng ăn từ thú rừng hoang dại. Những trái bắp trái dưa, nhành lúa rẫy... nhiều loại thú rừng đang chực chờ phá hoại. Tiếng la, tiếng gỏ của các em, một lần nữa, lồng lộng vang lên:
-Cóc, cóc,...xèng xèng, huầy huầy huầy!!!
bao âm thanh hỗn tạp vang dội một góc rừng...
Do đó là mạch sống, là mồ hôi nước mắt của cha mẹ, của các em. Người và thú rừng đang giành giựt hay canh nhau giữa từng giấc ngủ...
Có những con cá, những lon bắp, mớ đậu đẫm mồ hôi các em. Tình cảm chân thành và chất phác, từng hun đúc từ một vùng quê nghèo khó trong ngày Tết Thầy Cô làm tôi xúc động và nhớ mãi trong đời ./.
ĐINH HOA LƯ 20/11/2020
edit 19/11/2022
No comments:
Post a Comment