Sunday, November 6, 2022

TRẦN TÚY HUỆ - LỚP TÔI NGÀY ĐÓ & CHUYỆN THUỞ HỌC TRÒ





LỚP TÔI NGÀY ĐÓ

Trần túy Huệ



Nhân gian có câu: Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò, thật quả không sai, áp dụng vô lớp tôi thì đúng 100%. Thuở đó, lớp đệ tam C2 của tôi niên khóa 69-70 học ở dãy gần MACV- Lũ học trò được góp từ nhiều lớp đệ tứ trong trường, cùng với một số từ các trường công tư ở các quận lị như Triệu phong - Đông hà - Cam lộ- Gio linh- Hải lăng. Có nhiều bạn chưa biết nhau. Duy có điều là nghịch ngợm và ngổ ngáo là trong lớp có lắm đứa tương đồng. Phía nữ chúng tôi nghịch nhất là cô nàng Mỹ Liên. Ngoài ra các bạn nữ khác thì vui tính và chăm học như TN Diệu Liên, Ng thị Nhạn , Tống thị Huê, Lê thị Hạnh, Hương Thủy, Mỹ Tín, Huyền, Lệ Hằng V.v..

Mỹ Liên- Túy Huệ 1970

Trưởng ban 'chọc phá' lớp tôi Lê thị Mỹ Liên thuở đó dong dỏng người nước da không được trắng lắm, tóc dài ưa thắt bím hai bên - Cứ mỗi lần điểm danh , nghe đến tên bạn nào thuộc ‘giống trái’ là ả ta tiếp theo : “rụng cuống”. Trong lớp Mỹ Liên hay đặt tên các bạn theo đặc điểm từng người: Ví dụ, Mỹ Tín có mấy cái răng cời duyên , y thị bèn dỏng dạc gọi Mộng Cời, NG thị Muội trong một lần điểm danh cô giáo đọc nhầm là Nuôi, rứa là cô nàng được mang tên mới là Ngọc Nuôi. Lê đình Bình bị y thị kêu là Cu Lì Lì chẳng biết tại răng ? Còn riêng tôi hắn cải sang tên mới là Mộng Đở. Chẳng là tại vì có lần giờ CD thầy giáo bận việc phải rời lớp. Trước khi đi, thầy dặn lớp trật tự rồi ra bài cho học sinh làm, đề bài tôi còn nhớ rõ: Quốc hồn, quốc túy là gì? Lớp học im lặng làm bài được một lát. Có vài tiếng thở ra, tôi dòm quanh thấy cả lớp nghệt mặt ra , cắn bút nhíu mày hỏi nhau:

- Quốc túy là chi rứa bây?

đứa ni dòm đứa kia lắc đầu. Bất chợt có ai đó cao giọng:

- hỏi Túy Huệ tề, quốc túy là chi rứa Huệ ơi ?

Đang ngẫm nghĩ làm bài , tự nhiên nghe réo tên, phản ứng tự nhiên tôi kêu lên:

- Đỡ rứa, răng hỏi tui?

Cả lớp cười ầm lên làm tui đỏ mặt cúi đầu. Lại tiếng một ai đó nữa, giọng kéo dài:

-Người ta hỏi thôi, có ai dở chưởng ra mô mà đòi đỡ?

Rứa là từ đó Mỹ Liên mỗi khi muốn kêu tới tui, hắn dõng dạc:" Mộng Đỡ", và cái tên cúng cơm cha mẹ đặt cho của tui hắn đã thực sự quên luôn . Nói tới điều ni vì có lần lớp tôi tổ chức du ngoạn lăng tẩm Huế. Cả lớp tập trung đúng giờ tại nhà Mỹ Liên để chờ xe. Tui vì còn phải cầu viện ông anh họ xin giúp ba tôi mới cho đi nên tới trễ. Vừa bước tới cửa, Mỹ Liên thở ra:

-Con Mộng Đở tới rồi thầy, đi thôi cả trưa !

Thầy Anh Văn nhìn tui rồi thở ra:

-mai chừ cứ nghe nói chờ M Đở, thầy không nghĩ ra ai, té ra là T Huệ.

-Cho tới chừ hai đứa cách nhau nửa vòng trái đất, mỗi khi tâm sự qua phôn, thỉnh thoảng hắn vẫn còn kêu tui là M Đở. Ngoài mấy cô bạn trong lớp còn thêm một bạn nam sinh bị cải tên nữa. Từ cái tên hiền lành: Nguyễn văn Hiếu sang gọi là Babilac chỉ vì anh chàng có khuôn mặt 'búng ra sữa' , thật là tội nghiệp và bất lợi cho anh chàng khi tán gái !

Cô bạn có lắm chiêu đùa tai quái; một bận nghỉ hai giờ đầu y thị rủ tui lên dãy lầu chơi, tui cũng đi theo hắn. Tới phòng cuối của dãy, hắn dừng lại gõ cửa. Vị giáo sư phụ trách môn toán hay lý hóa chi đó mở cửa ngó ra. Mỹ Liên tới gần nói với thầy xin gặp một ai đó, thầy giáo kêu tên một anh học sinh đi ra cửa, mặt lạ hoắc. Mỹ Liên quay qua tui:

- Đở tề, dôn mi ra đó, ưng nói chi thì nói đi.

Tui thộn mặt ra không biết hắn đang muốn điều chi; anh con trai cũng rứa, M Liên liến thoắng quay qua tui lay vai nói:

-Con ni bờ hớ quá! cấy dôn rồi mà còn ồ ngai chi nữa, ưng chi thì nói đi để dôn mi còn phải vô học cho kịp giờ.

Anh con trai mặt đỏ lừ, hấp tấp trở vô lại chỗ ngồi. Thầy giáo biết M Liên muốn đùa nên chỉ đứng cười, còn hai đứa tui vừa kéo nhau đi xuống cầu thang vừa gây gỗ nhau. M Liên vừa cười toe vừa chạy bay về lớp. Những trò đùa vẫn từng ngày- từng ngày xảy ra. Có lần ra chơi tui với M Liên lục 'cặp táp' Mộng Cời để tìm đọc trộm thư tình mà mấy ông con trai trồng cây si cô nàng gởi tới. Vốn Mỹ Tín rất dễ thương , đào hoa nên có nhiều chàng để ý, thỉnh thoảng có thư nên tụi tui hay ưa đọc lén. Bữa đó không có thư, hai đứa tìm thấy có bốn đồng bạc lẻ, bèn ‘xi tiêu’ rồi rủ nhau xuống nhà chú Phi mua kẹo ăn . Cả bọn 3 đứa: M Liên, Muội và tui đang vừa đi vừa giành ăn. Tới lớp sớn sác không nhìn, đi ào vô tỉnh bơ, nửa đường mới nhận ra trên bàn giáo sư có thầy giáo mới đang ngồi nhìn cả bọn, thất kinh 3 đứa chạy ùa về chỗ ngồi, quên không lên tiếng xin phép. Thì ra vị giáo sư mới dạy thay thầy sử địa cũ đã vô lớp, tụi tui cứ tưởng chưa có thầy nên mới tự nhiên như 'người Hà Nội'. Lúc này M Liên nhìn lên, tui cũng rứa và liếc qua hắn tui thấy hắn đang bụm miệng che nụ cười rồi ghé tai tui nói nhỏ :

-Thầy ni giống Ấn độ quá mi hỉ ?

Tui dòm kỷ thầy, quả thầy giống ông Ấn độ nơi gói bột cà ri. Tui buộc miệng:

-cà ri nị !

Con nhỏ khoái chí cười to: "đúng quá" . Thầy nghiêm mặt nhìn hai đứa, M Liên bụm miệng nín khe. Hắn còn nhận xét,

-thầy có hai chùm râu mép dài le ngoe coi mất trật tự, nhìn khó chịu quá mi hí !

Tui chêm vô:

-hay là có dịp mô đó mình tết con rít râu cho thầy đẹp trai hơn hơn hè!

Nhỏ liền đập vai tui cười đưa ý kiến:

- mi phải cột ruy băng nữa mới đẹp nghe!

Hai đứa khúc khích cười. Thầy giáo nghe nhưng vốn tính độ lượng không truy tội chúng tôi .

Tuần tiếp đến giờ thầy, M Liên ôm bụng rên lên:

- thấy thầy là tau đói bụng quá!

Tui hỏi:

- tại răng?

- môn sử địa, hai giờ cuối , trưa rồi mà nhìn thầy là cứ nhớ đến tô cà ri vẻ răng mà không đói cho được? Mô rồi, dây nơ mi hứa đem đi mô ! mau lên tết rít cho thầy đi.
Rứa là lại cười toe cả hai đứa- và chúng tôi gọi thầy là thầy 'cà ri nị' từ đó.Và cũng từ đó tụi tui rất trông đến giờ sử địa để được nghe thầy giảng bài. Thầy có lối giảng bài rất hấp dẫn nên cả lớp đều chú ý nghe dù giờ thầy lúc nào cũng thấy đói bụng .

Bao nhiêu năm qua rồi, chuyện cũ có thể được bắt đầu kể lại bằng hai tiếng ngày xưa, rứa mà mỗi khi nhớ lại như mới vừa xảy ra hôm qua, vẫn làm tui bật cười vì sự nghịch ngợm của nhân vật thứ ba sau quỉ và ma! của lũ học trò lớp tôi ngày đó./

=================== 
CHUYỆN  THUỞ HỌC TRÒ 

by Trần túy Huệ 


(riêng về các bạn đệ tam C niên khoá 1969-1970 NH) Trần túy Huệ



Sau 4 năm học từ niên khóa 65-66, một lần nữa cảm giác bỡ ngỡ lại đến khi tôi bước chân vào lớp đệ tam niên khóa 69-70. Bỡ ngỡ vì lẽ các bạn cùng lớp từ 4 năm qua nay đã chia nhau đi theo từng ban mà mỗi ban bạn đã tự chọn lựa, dựa vào ý thích hay khả năng của mình. Lớp học tôi bây gìơ là một tập hợp từ rất nhiều trường lớp: từ trường BĐTT, Têrêxa hay các từ ĐH, HL, CL, GL, TP v.v..Thuở ấy hs trong lớp nữ bao cũng chỉ không quá 1/3 sĩ số, điều này khiến cho cô bé học trò dù không được ‘ái ố mỹ miều’ như một số nhỏ, luôn luôn các cô đều được (hay bị) một vài cái đầu ‘húi cua’ theo sau. Tôi cũng không ngoại lệ, dù lúc đó tôi thuộc nhóm ngây ngô trong lớp. Mới khai giảng được không bao lâu , chưa biết hết tên các bạn cùng lớp, một buổi trên đường đi học về 1 mình, tôi nghe tiếng kêu sau lưng “ cho nói chuyện một chút .” Quay lại, tôi thấy một tên con trai quen quen, sau một giây nhớ ra tôi biết tên này học cùng lớp, nhưng vẫn chưa biết tên. Tôi ngẩn ra nhìn hắn, linh tính dạy tôi không nên ‘ nghe chuyện’ của mấy tên con trai đòi ‘nói chuyện’ với vẻ mặt hơi ‘bất thường’. Thế là tôi thoái thác “tui không có chuyện chi để nói cả” rồi hấp tấp đi như chạy về nhà. Tưởng rứa là yên, nhưng không. Một bữa trưa đi học về, vừa bước chân vô cửa tôi đã thấy ba tôi vẻ mặt hằm hằm, tay lăm lăm cầm cái chổi lông gà đưa về hướng tôi to tiếng hỏi:

-Đứng đó tau hỏi, đứa mô gởi thư cho mi ri?

Tôi nhìn theo hướng ba tôi chỉ-một xấp thư nằm lộn xộn trên bàn:

-Dạ con không biết, thư chi rứa?

Ba tôi điên tiết:
-Đừng có giả đò hỉ ! gởi tới tên mi mà nói không biết.
-Con không biết ai gởi thiệt mà !

Ba tôi bật dậy la to:

thương nì …yêu nì…sau mỗi chữ “Nì” là một cán chổi vụt vào mông tôi đau điếng..

Ông còn hăm he:

-liệu hồn đó, mi mới nứt mắt mà bày đặt ‘trai gái’ chết với tau nghe chưa?


Trần túy Huệ va Le thi My Lien 1969 du lich lang Tu Duc Hue


Lứa tuổi 16, thuở đó tôi chưa biết ‘yêu tinh’ chi hết- chừ bị đòn oan vì tên tôi nằm ở bì thư. Sau đó ba tôi vò lại một cục liệng vô thùng rác, tôi chỉ đọc được một thoáng phía ngoài bì: người gởi là tên học trò cùng lớp- thiệt là tức ‘bất chết luôn!’ Đó là tên đã chận đường ‘đòi nói chuyện’ hôm trước. Hắn đã viết thư rồi nhờ em trai tôi đem về. Thằng nhỏ ‘cắc cớ’ đưa cho ba tôi mới xảy ra cớ sự. Tôi bị đòn oan, đang tìm cách trả đũa thì lại vướng thêm cái cảnh bực mình: hễ sắp tới giờ đi học lại nhìn thấy ‘Hắn’ bên kia đường chờ để cùng đi. Tôi ‘tỵ nạn’ bằng cách mỗi sáng đợi mấy nhóm bạn nữ sinh đi cùng đường để nhập bọn cho an toàn.

Trên đoạn đường đi cùng bọn tôi tâm sự vụn vặt hay đùa cợt vô tư. Trong đám không có cô nào cùng lớp , nhóm này từ đường Gia Long, Trưng Trắc, có nhiều bạn từ hướng Phan đình Phùng. Tuổi trẻ dễ thân thiện cho nên có bạn cũng ‘đồng bệnh tương lân’ vơí tôi muốn ‘tỵ nạn’ mấy ông con trai ‘theo đuôi’. Suốt đoạn đường nếu có tay ‘húi cua’ nào muốn ‘léng phéng’ là cả bọn cùng ‘chẩu mỏ’ chọc quê.

Một bữa nọ, đang rôm rả nói cười một đứa trong bọn tôi chợt dừng lại, chỉ tay qua bên kia đường:

-Ê, tụi bây coi tề..

cả bọn ngó qua thấy một ông mặc áo liền quần đang chận đường tán tỉnh một chị nữ sinh. Tôi kêu lên:

-Ông nớ có ‘lông mày môi’ bây ơi ! tau nghe nói mấy ông nớ xạo lắm!

Một đứa khác lên tiếng:

-Chị nớ là người trong mộng của anh tau đó, đứa mô qua ‘giải vây’ đi?

Con nhỏ bạn quay qua tôi, vừa nói vừa xô mạnh.

-đi qua cứu bồ đi.

Bất đắc dĩ tôi làm mặt tỉnh bơ ‘xấn xổ’ tới đứng giữa hai người, quay qua hướng ông ‘ria mép’:

-Chừ mà chú còn đứng đây răng ! thím đau ‘bất chết’ ở nhà tề! chú mau về đi, chú mau về đi!

Ông ‘lông mày môi’ tròn xoe mắt:

-Thím nào !!! đau gì thế?

-Đừng giả đò nữa, thím vợ chú chứ ai, thím đau bụng đẻ chớ đau chi nữa mà hỏi, về mau đem thím đi nhà hộ sinh cho kịp không thím đẻ ‘vại ra trữa nhà’ đó nghe.
Chị nữ sinh nghe đến đây thì ù té chạy vô trường không còn dám quay lại. Tôi cũng chạy theo bén gót trước khi ‘đại nạn’ xảy đến.

Bước vô lớp tôi còn cảm thấy tim đập ‘loạn xà ngầu’, tự nhủ thầm “răng mình gan dữ không biết, vừa rồi mình giải vây hay phá đám chị nữ sinh nớ?”

Tuổi nhỏ mau quên, sau 5 tiết học mọi chuyện qua đi, tôi lại tiếp tục đứng trước cổng trường chờ nhập bọn với nhóm bạn nữ sinh đó để cùng tung tăng về nhà.
Xui quá, mấy o nớ nghỉ 2 gìơ cuối nên tôi đành lẫn vào mấy o khác nhưng chỉ đi cùng một đoạn đường thôi. Rồi từng đứa, từng đứa lần lượt rẽ vào ngõ nhà họ. Giờ chỉ còn lại mình tôi giữa trưa hè nắng gắt, ôi cái bụng xẹp lép đói meo. Cũng hay, có mấy gói kẹo me mấy bạn cho hồi sáng, dòm quanh không thấy ai (ăn mà cũng mắc cỡ) tôi mò trong cặp lôi ra nhấm nháp một mình…chợt một người từ trong hẽm bước vụt ra đâm sầm vào vào cái cặp trên tay tôi, cái cặp bị hất mạnh xuống đường. Bao nhiêu gia tài học trò giờ đây la liệt, vung vãi ra đường. “Thủ phạm’ phải ngồi chồm hổm lượm lại mọi thứ bỏ vào cặp tôi. Tôi bặm môi, trợn mắt dòm xuống ‘chẩu mỏ’ định mắng cho cái tên ‘sớn sác’ một trận cho đỡ tức trong bụng, chưa kịp hả miệng thì ‘thủ phạm’ ngẩn lên cười to:

-O nhỏ ơi o nhỏ, sao bé tếu quá vậy?

tôi nhìn qua tay anh ta đưa lên thì mơí tá hỏa- cái hình ông HYNOS tôi cắt ra từ hộp kem đánh răng định bụng sẽ gởi cho ông bạn anh L. anh con ông bác tôi vì anh ta cứ muốn viết thư làm quen. Chả là vì anh em tôi chỉ suýt soát tuổi nhau, anh họ tôi chỉ hơn tôi 3 tuổi, không chịu đi học tiếp, chọn kiếp nhà binh. Anh tôi đóng ở Đ nẵng, tụi tôi vẫn thư từ liên lạc đều với nhau. (thuở đó chưa có điện thoại phổ thông như hiện nay)Nội dung những là thư của em gái anh chỉ là những câu chuyện thường nhật được tôi khôi hài đi nên mỗi lần đọc thư tôi anh tôi cười thật to làm cho ông bạn cùng đơn vị của anh tôi tò mò năn nỉ xin đọc ‘ké’. Tiến thêm bước nữa, lại nỉ năn anh tôi muốn làm anh em kết nghĩa để liên lạc thư từ. Nghe qua cũng vô hại, tôi định viết thư trả lời anh ấy về câu hỏi “thích mẫu con trai nào?” Tôi đang định tâm cắt mẫu ÔNG HYNOS này và rằng “đây là thần tượng của tôi”.

Thiệt là tai hại, cái ông ria mép, giọng nói Bắc kỳ đã khám phá ra cái nghịch ngầm của tôi.

“ Thiệt là quê xệ!”-tôi giật phắt cái cặp táp, ngoe-ngoảy bỏ đi.

Có tiếng lải-nhải sau lưng tôi:

- O nhỏ ơi! anh xin lỗi rồi đó, còn bé thì phải tỏ ra hối lỗi đi chớ?

Tôi ngẩn ngơ:

-Cái chi?chú muốn chi nữa?

-Thì chuyện hồi sáng đó, bé quên rồi ư? Nói cho bé biết, anh là trai một mẹ anh già lắm rồi nên anh muốn có bạn gái để sau đó cưới cho mẹ một nàng dâu. Anh phải lấy phép một tuần về đây thăm bà chị vì nghe nói gái miền Trung hiền lành chung thủy. Giờ tìm mãi mới gặp được một cô ưng ý, đang làm quen thì bé xen vào phá đám, giờ cô nàng không còn tin anh nữa. Anh lại hết thời gian đi phép, bé phải điền vào
‘chổ trống’, giờ anh theo bé về nhà nghe?


Thế mà tôi vẫn không hiểu ý, tôi dừng lại:

-Chỗ trống mô? Răng tui phải điền vô? Để làm chi rứa?

- thì bé phải làm quen với anh, làm đối tượng của anh rồi..rồi.
.
Chợt hiểu ra tôi la toáng lên:
- Chú ni bờ hớ quá! Tui mới 16 tuổi đừng đi theo tui, tránh ra đi.

-Không được, bé phải đền bù cái tội tày trời hồi sáng.

Ông ta nhất quyết không tránh đường, tôi phải xuống nước năn nỉ:

- Tui phải về, bụng tui đang sôi rồn rột đây nì.

- anh ta hốt hoảng :

sao bé đau bụng ư? Ai bảo ăn me cam thảo cho lắm vào.

“chết!”, ông ta đang hiểu lầm lớn, tôi la to:

- chú ni bờ hớ rứa, bụng tôi sôi vì đói có đau bụng mô mà nói dị rứa.
vậy sao? Anh cũng đang đói đây mình vào quán ăn trưa nghe?

Nghe vậy tôi lại càng hoảng hơn, chuyện này đối với tôi mới chính là chuyện ‘tày trời’.
Thế là còn lại bao gói me tôi ‘dụi’ đại vào tay anh ta.

- Nì, tui đền cho chú đây, ăn đi cả đói bụng, tui phải về không thì ba tui ‘trọi cho mà lũng trôốt’.

Bất ngờ vì mớ me cam thảo tự dưng bị ‘dụi’ đại vào tay nữa ngớ ra vì mấy tiếng nói rặc ròng ‘thổ ngữ’ của tôi nên ông ta đứng như trời trồng. Thừa dịp, tôi co giò dông thẳng-vừa chạy tôi vừa hú hồn. “Thật đáng kiếp cho mình ai biểu nghe nhỏ tê xúi dại, phá đám người ta, chừ bị họ đùa dai trả đũa, thật đáng đời.”

Mấy chục năm trôi qua mau, nghĩ tới chuyện xưa khi mình đã là trung niên thiếu phụ, tôi nhớ câu tục ngữ “gậy ông đập lưng ông” mà nếu theo tiếng Quảng trị là “cậy mệ đập mệ” thì thật là đúng cho những trò đùa tai quái của thuở học trò.

San Jose April 24, 2008
Trần túy Huệ
(NH 65-72)

No comments:

Post a Comment