***
đông về lụt tới- mạ chẳng đủ áo ấm che thân
Thời nay có thể ít ai còn cảm hết cơn lạnh đông về như xưa nữa. Có thể chúng ta nhờ đầy đủ tiện nghi trong cuộc sống hơn xưa chăng?
Nhắc về đông lạnh chắc hẳn chúng ta còn nhớ mấy câu ngày trước:
- Lạnh chi mà lạnh dữ rứa!
- Lạnh thấm thía, lạnh trong xương lạnh ra!
-Đắp ba lớp mà hắn vẫn còn lạnh!
Hay tệ hơn:
-Lạnh cứng tay cứng chưn!
Còn nhiều câu than thở về cảm giác lạnh lẽo khi màn mưa Quảng Trị vẫn dai dẳng ngày này qua ngày khác. Quảng Trị vào đông, một bầu trời cứ mãi một màu xám xịt, màn mưa tiếp nối giăng giăng...
Mùa đông tháng giá ập về. Ai bận bịu công chuyện mới ra đường. Những tấm ni lông choàng quanh người, gió bay phần phật. Mưa tạt chiều nào, ta vội kéo che chiều đó. Ngày đó, có người dưới quê lên còn bận cái áo tơi, tức là áo mưa chằm bằng lá nón. Khách quê vào nhà, vội dựng cái tơi đó ngoài hiên.
Nước nguồn về, lụt tới, nước tràn vào mảnh ruộng trước nhà, mạ bì bõm lội, nhưng thân người chẳng đủ áo ấm che thân.
Căn nhà miền trung phần nhiều "hở hang", trống trải nhiều nơi nên khó ngăn gió lành lùa. Người thành phố còn có mền bông, mền dạ lính nặng chịch. Chốn làng quê ít nói đến chuyện sắm mền. Lạnh thì nhớ đến than. Những gánh than ưu tiên dùng vào dịp tết khi người ta cần rim mứt, nhưng chuyện dùng than đốt cho mấy tháng lạnh mùa đông thì coi bộ mấy ai? Nhắc đến đây, người viết tưởng tượng đến hơi ấm từ lò than rực hồng. Ngày cận tết, mùi thơm mứt gừng xông ngát mũi. Thích thú làm sao, làn hơi ấm từ hai, ba lò than hồng lan tỏa khắp nhà. Mùi mứt và hơi ấm lò than, đó là mùi hương của đông về tết đến. Đã năm mươi năm như còn phảng phất quanh tôi ?
Đông về, chợ đò thưa thớt chẳng biết bán món chi họa chăng vài ba gánh cải cay hé bông vàng chóe , hay mấy gánh kiệu lá dài xanh mướt. Trên chợ Tỉnh, phố xá chìm trong màn mưa. Mấy quán hàng, tiệm ăn ế khách. Miệt quê cảnh còn buồn hơn, ngoài bờ tre làng chỉ còn là một cánh đồng loáng nước, vài con nhạn lướt qua.
khoai măng
Cả bầu trời sang đông ẩn hiện trong màn mưa- mây xám ngắt. Miếng ăn hiếm hoi trong ngày đông lạnh. Rầm lúa quý giá bà con ít khi đụng đến. Khoai sắn phơi khô, giờ quý giá làm sao?
Vài con cá trời lạnh cũng chẳng bao giờ ngoi lên mặt nước , họa chăng mùa đầu mùa lụt còn đi cất rớ được vài ngảu cá "lòng tong". Mùa đông, người làm nông hết việc. Trên cái nền đất trong nhà , bộ ngựa cũ dành cho cụ nhà trên. Mấy cái giường tre ọp ẹp, tấm chiếu đơn sơ, hiếm khi thấy được cái mền giống người thành phố. Mẹ kể rằng, ngày đó người dưới quê còn đắp chiếu thay mền!
mang tơi đội nón
Thời nay khác xưa nhiều rồi. Xe cộ đầy đủ, vật chất các thứ dư thừa. Cách biệt thôn quê với thành thị chẳng còn khác xa. Từ cái ăn, chuyện ở cho đến thứ đắp trong mùa đông tháng giá, hôm nay xem chừng dễ có.
Từng đợt gió lạnh buốt thổi về. Rồi màn mưa kéo dài lê thê trên bầu trời xứ Quảng. Lớp tuổi về sau may mắn đầy đủ hơn trước. Do vậy, khó mà cảm nhận thật lòng ý nghĩa của câu “được mùa chớ phụ môn khoai" của ông bà chúng ta ngày trước. Ngày xưa, mẹ tằn tiện chắt chiu từng miếng cơm manh áo để phòng “tháng Bảy nước nhảy lên bờ", khi lụt về phủ ngập khắp nơi.
Sẽ có lúc nào đó chúng ta ngồi nhớ lại mùa đông lạnh lẽo của quê hương ngày trước. Giờ đây nơi chốn thị thành, có khi ta mong lạnh nhiều để có dịp bận vào những áo ấm đủ màu, đủ kiểu. Biết bao nhiêu áo ấm đẹp xinh, cất mãi, chẳng có cơ hội bận vào? Thành phố càng lúc càng nhiều loại xe. Có thể do vậy nên hình ảnh những đôi tình nhân cùng bận áo lạnh, sánh bước bên nhau xem chừng khá hiếm?
Giờ đây cuộc sống đầy đủ hơn xưa. Có thể thiên hạ càng trở nên bận bịu mọi thứ trên đời. Cơm áo gạo tiền là nhu cầu căn bản, ban sơ; nhưng khi đủ rồi ai ai cũng mong cầu hơn nữa? bao thứ sang hơn, xa xỉ hơn, ngon hơn hay lạ miệng hơn... chẳng bao giờ thấy đủ.
Tâm lý lạ lùng con người vẫn vậy. Sẽ có lúc, chúng ta ngồi một mình chợt 'thèm' trở về cái cảm giác rét mướt Đông Xưa, trong cơn lạnh trời đông nhưng quanh ta, vẫn đầy ăm ắp bao ấm áp gia đình ./.
ĐHL December 2013
UPDATE 1/11/2022
No comments:
Post a Comment