Wednesday, November 23, 2022

VĨNH BIỆT TRƯỜNG SƠN


 

Monday, December 26, 2016

ĐỘNG ÔNG DO XUÂN 1975

Nếu chiều nay lỡ hẹn không về.
Thì Xuân năm nay Xuân sẽ buồn.
Sẽ buồn hơn mấy cội mai già.
và mùa Xuân quên mặc áo mới. 
(Anh Việt Thu)

***

    Quà cho lính tiền phương chỉ đơn sơ, vài cặp bánh chưng, vài chiếc bánh ú tượng trưng cho hương vị xuân dân tộc nhưng tụi mình cảm động biết bao! Dân hồi cư, không còn trợ cấp, đa số sống nhờ vào đồng lương hạn hẹp khó khăn hay người làm ruộng chỉ vài ba miếng ruộng nhưng tấm lòng hậu phương, tình cảm cho người lính tiền đồn, bà con không bao giờ phai nhạt. 

Những người lính nhớ làm sao mấy cặp bánh ú đơn sơ nhưng lại đầy ắp tình cảm. Chút quà lên núi đã sưởi ấm lòng người lính tiền phương.  Quà hậu phương chia đều cho từng tiểu đội. Bên hầm chiến đấu, hay cạnh giao thông hào, vài ba miếng lá chuối, những cái bánh tết lính vừa ăn xong. Không ai vứt đi xa như muốn giữ lại chút hình ảnh tết từ gia đình, những người thân yêu dưới kia ngày xuân đang nhớ lính.


Lính cầm súng ngồi cạnh giao thông hào, anh chợt nhớ ngày xưa. Cuối năm chờ tết, cả nhà cạnh bếp lửa hồng, bên nồi bánh chưng xanh bốc khói trong đêm trừ tịch. Ôi khung trời kỷ niệm ngày nào gợi lại trong tâm tư người lính. Rồi lính thật xúc động khi chia cho nhau mấy cái bánh ú từ đồng bằng gửi lên. Chiếc xe đơn vị mới trở về lại hậu cứ tại Diên Sanh ngày hôm qua. Trên đỉnh cao, người lính còn cố trông theo một làn bụi đỏ cuộn mờ sau chiếc GMC,đang chạy  vòng vèo theo con đường sơn đạo rồi khuất dạng sau mãng đồi xa xa.



 Xin cám ơn những tấm lòng vàng, xin cám ơn cám ơn tình cảm thắm thiết hậu phương thương mến. Trên đỉnh quê hương dù người lính  đón Tết bằng những túi gạo sấy, ít lon thịt heo nấu loãng thế mà tụi mình vẫn khắn khít biết bao. Chiều ba mươi Tết có vài đứa bò lên chóp cao kiếm ra một bao đầy rau má, về chốt chia nhau để có thêm chút nào đó chất tươi. Tụi mình vẫn quen rồi, không than van, không buồn phiền. Lính tiền đồn, chấp nhận lâu rồi, đơn sơ bình dị.  

Xuân về rồi. Làm sao quên được phút giây trừ tịch của năm Một Chín Bảy Lăm. Giây phút chuyển mình năm cũ và mới; nhưng phút giây đó ai có ngờ đâu là đó là lần trừ tịch cuối cùng của đời lính chiến VNCH và rồi sẽ không bao giờ có lại trên đỉnh cao quê hương một lần nào nữa. 
Xuân Một Chín Bảy Lăm đang về trên mọi nẻo đường đất nước. Không riêng một ai mà cho cả miền nam có một trừ tịch cuối cùng để rồi tức tưởi chia tay tiễn đưa một MÙA XUÂN CỘNG HÒA về miền dĩ vãng. 

 Riêng trên đỉnh cao này, cũng như nhấp nhô những đỉnh cao bè bạn có những đứa như mình vẫn còn đang đối diện với những đồi tranh trãi dài bất tận. Chiều về, lính lắng tai nghe tiếng con chi bìm bịp kêu buồn. Đêm về, anh cố căng mắt hướng về bóng tối của rừng khuya sâu thẳm. Có tiếng chim Từ Quy gọi đàn trong đêm, lính đợi ánh dương lên để biết mình đã qua một đêm vô sự. 

Xuân quê hương đang về trên muôn nơi- người lính tiền đồn biết lắm, nhưng mùa xuân chưa về nơi đây- chốn núi rừng chưa ai nghĩ đến một mùa xuân.


Đối diện Động Tiên (295 met) -những ngày cuối cùng
vòng tròn đánh dấu điểm đóng quân cuối cùng của tác giả trong nghiệp lính ngày 17/3/1975

dấu vòng tròn là chốt cuối cùng đối diện Động Tiên 295 mét, ngày cuối cùng là ngày 17/3/1975



Xuân 1975 - mùa xuân cuối cùng của người lính VNCH 

Sau Tết đơn vị mình lại được lệnh di chuyển xa thêm, mặt trước động Ông Do, đối diện với Động Tiên, trong bản đồ cao hơn đỉnh Tiểu đoàn 105 hai mươi mét. Trung đội mình là tiền đồn cho đại đội 2, xem như là chốt xa nhất, giáp với phía bên kia. Những ngày này nghe tin Ban Mê Thuột đã mất (10/3/1975), không khí càng căng thẳng thêm!

Ngày nào trời quang đãng, đứng dưới giao thông hào, mình ló đầu ngó về dưới kia qua khe Trai. Dòng Thạch Hãn lượn vòng qua Trấm, tạo thành khúc sông hình chữ U rồi  xuôi về An Đôn, Như Lệ.


Sông lặng lẽ trôi qua chiếc cầu Ga sụp đổ từ mùa hè 1972. Sông sẽ qua một thành phố năm xưa đổ nát, lau lách đìu hiu.

cổng trường Trung Học Nguyễn Hoàng

Sông có hỏi bao người năm cũ nay biền biệt phương nào? Sông thương cho một mái trường, sông khóc cho bao cuộc đời truân chuyên của người dân Quảng trị, "đất cày lên sỏi đá".  Máu và nước mắt quê hương như quyện vào nhau, dệt nên khúc sử bi ai, thống khổ! Thạch Giang như người cô đơn về ngang bến cũ, nay vắng chuyến đò ngang. Sông chợt ngậm ngùi cho phố xưa đổ nát. Ôi bao gạch đá hoang tàn cùng lau lách đìu hiu.

17/3/1975

Ai ngờ đâu! đây là ngày cuối cùng trên rặng Trường Sơn. Những toán lính âm thầm bỏ núi. Những toán quân có lệnh rút lui lần lượt mất dạng, khuất hút trong những mảng rừng tranh. Không gian lặng phắt, rừng núi như muốn 'nín thinh',  mọi vật đều im lìm đến rợn người!
 Một ngày lính không còn nghe được tiếng chim. Trời không gió, chẳng mây, từng trái tim, từng ý nghĩ, đồn đoán khô cứng đến nghẹt thở. Lính không còn biết đến những gì đang xảy ra phía đồng bằng, những nơi mà người lính giữ núi sắp về?

Tạm nghỉ trên đồi 90. Hai tiểu đoàn 105 và 122 gặp nhau. Người tiểu đoàn trưởng 122, anh Quang (Lê văn) người anh cùng xóm, một người anh hiền lành hiếu học. Sau mấy năm xa rời Quảng trị, hai anh em gặp nhau cùng màu áo lính. Một ngày xưa, anh Quang rất mến đứa em này, người lính trẻ nhớ sao nụ cười hiền hậu của một người anh.  Ai ngờ đâu lần gặp này lại vĩnh biệt chia xa.( Thiếu tá Lê văn Quang 2 tuần sau hi sinh tận Quảng Ngãi- những ngày tan tác)
 
Tiếp tục về lại đồng bằng, người lính bất chơt ngoái nhìn lại chóp núi phía sau lòng trào dâng niềm luyến lưu chốt cũ.
Núi rừng ơi, lính bỏ đi mà không lời từ tạ. Chợt ngậm ngùi, lính bỗng thốt lên:

TRƯỜNG SƠN ƠI ! TA XIN VĨNH BIỆT !

ĐHL

nhớ ngày vĩnh biệt Động Ông Do 17/3/ 1975 
edit 20/1/2024

Quân Bắc Việt chiếm đỉnh Ông Đô sau khi VNCH rút lui 



ĐHL  edition  18/12/2021 USA

No comments:

Post a Comment