GỐC TÍCH “CON ĐƯỜNG NGỰ” TRƯỚC CỬA HẬU CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ - Đinh Hoa Lư
Trong bài ký ức HAI BÊN CON ĐƯỜNG NGỰ, người viết có giới thiệu sơ qua về lai lịch con ĐƯỜNG NGỰ. Nhưng do bài viết dài quá nên xin trích riêng GỐC TÍCH CON ĐƯỜNG NGỰ làm một bài riêng biệt để tiện bề cho bạn đọc theo dõi.
Trước tiên người viết xin dẫn trước Con Đường Ngự là con đường từ Cổng Thành Cửa Hậu (cổng Lao xá) ngó thẳng về tận con sông Vĩnh Định. Con đường này là con đường đất cao rộng, xe chạy được ngăn đôi cánh đồng Cổ thành ra hai. Nay Cửa Hậu thì còn nhưng ngó ra con đường đó thì bị xây nhà lấn chiếm hết dấu tích, chỉ còn một gờ đất mong manh ngoài đồng xa mà thôi.
Đinh Hoa Lư
CON ĐƯỜNG NGỰ là đường nào? Tôi viết đến đây chắc bạn đọc ít ai biết. Đó là con đường gắn liền với tôi lúc sinh ra cho đến lúc khôn lớn. Đó là chặng đường gần hai mươi năm tôi sống trước Cửa Lao Xá, Thành Cổ Quảng Trị.
Theo Lịch sử thì tả quân Lê văn Duyệt cũng là một võ tướng thời xưa. Công tội là chuyện của nhà Nguyễn. Đến đời Thiệu Trị cũng được phục danh. Hiện tại cái Lăng Ông to lớn gần Chợ Bà Chiểu, Sài Gòn, ai đi thăm Sài Gòn mà chẳng ghé một lần.
Đối diện Cửa Hậu (Thành Cổ) là con Đường Ngự nhưng nay đã bị lấn chiếm xây dựng mất tên
Đường Phan Đình Phùng trước đây trong bản đồ thành phố Quảng Trị đã có. Đáng tiếc, hiện nay Quảng Trị mới đã đặt tên con đường Lê Văn Duyệt xưa thành tên Phan Đình Phùng rồi.
LAI LỊCH CON ĐƯỜNG NGỰ
Con đường này chính ngay Cửa Hậu ngó ra thẳng về An Tiêm có thể là đụng đến con sông đào Vĩnh Định. Lúc tôi còn nhỏ, mệ ngoại tôi thuờng kể là con đường vua Ngự nên gọi là thế nhưng trong nhà ngoại tôi không biết vua nào? Chẳng qua là truyền miệng cho nhau. Cho đến gần đây, ông Nguyễn Lý Tưởng, cựu dân biểu VNCH có giải thích thêm thời vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở 1884, đặt tên để ghi nhớ vua Hàm Nghi khi thất thủ kinh thành 1884 có di chuyển qua đây. Dân quân ở đây đắp thành một con đường đất lớn để quan quân di chuyển. Nhưng ông Nguyễn Lý Tưởng cũng không phải cư dân tại phường Đệ Tứ nên lai lịch của Đường Ngự cũng chưa cụ thể cho lắm.
May thay sau một thời gian liên lạc hay theo dõi cho đến nay người viết mới gở ra dần hồi cái ‘múi’ của gốc tích con đường này.
Trước tiên chúng ta phải nhờ nhà biên khảo Tuệ Chương tức là bác Hoàng Long Hải người phường Đệ Tứ trong bài “Phường Đệ Tứ” có nói đến cụ Ưng Siêu.
Vậy cụ Ưng Siêu là Ai?
Theo ông Hoàng Long Hải (nhà văn Tuệ Chương)
“Ông Ưng Siêu, còn có tên là Ưng Ly, con ông Hồng Chiêu, ông Hồng Chiêu là con trưởng vua Thiệu Trị. - Trong Việt Nam Sử Lược thì gọi Hồng Chiêu là Hồng Bảo thay vì Hồng Chiêu. Vì việc tranh ngôi giữa Hồng Bảo và Hồng Nhậm, - tức vua Tự Đức, mà Hồng Bảo bị bức tử. Đến đời Ưng Siêu, ông dính líu vào vụ Cao Bá Quát, thường gọi là ‘Giặc Châu Chấu’, nên bị tước bỏ ‘quốc tính’ (họ vua), đổi tên là Nguyễn Siêu và bị đuổi khỏi kinh thành. Ông Nguyễn Siêu về sinh sống tại Quảng Trị. Con cháu đổi từ ‘Nguyễn Phước...’ ra ‘Nguyễn Thành...’.
Các ông Nguyễn Thành Đăng, có thời làm quận trưởng Trung Lương, em là Nguyễn Thành Hương, nguyên chánh sở giáo dục Phú Yên, là con của ông Nguyễn Khánh (ông Ngự Khanh) tên trong gia phả là Bửu Khánh, là con của ông Ưng Siêu”. (*)
Vợ thứ sáu của ông Ưng Siêu là bà Nguyễn Thị Giao, thường gọi là Bà Nghè, nhà ở xóm đại tá Bé. Bà có hai người con gái lớn tên là Diệu, còn gọi là Bà Kỳ (chị), lấy chồng Tây, sau đi Pháp. Người kế là Nguyễn Thị Nam Hy, còn gọi là bà Kỳ (em), tên trong gia phả là Công Tằng Tôn Nữ Kim Hy (hay Nam Hy?), và một người con trai tên là Nguyễn Thành Quế, (Vĩnh Quế) làm trưởng chi thông tin thị xã Quảng Trị (khoảng 1950) và các anh Nguyễn Thành Ngô, Nguyễn Thành Đồng. (1)
Bà Kỳ (em) là vợ thứ hai ông Xã Bào (Võ Bào) là thân sinh anh Võ Tử Đản (xin xem bài Làng Nại Cửu), cách nhà mẹ tôi chỉ có một cái hàng rào. Bà có người con trai riêng là Trương Đá, trung úy Dù (4) và ba con gái là An (hiện còn ở Quảng Trị), Mỹ (tên là Mỹ nên ở Hoa Kỳ?), và Tịnh hiện ở Hà Nội.”
(Hoàng Long Hải)
Ông Nguyễn Thanh Quế (trái) và thân phụ Đinh Hoa Lư. Hình 2 người bạn cuối thập niên 1950s tại Cam Lộ (hình gia đình)
Bác Nguyễn Thanh Quế là bạn cùng thời với ba tôi. Ở phường Đệ Tứ bác Quế là chỗ quen biết với nhà ngoại tôi và lúc bác làm trưởng chi thông tin tại Cam Lộ thì ba tôi làm bên chi CA nên có tấm hình đính kèm trong bài một tấm hình nay người viết còn giữ.
*
Tuy nhiên theo tin tức của cháu nội của cụ Ưng Siêu thì nhà văn Hoàng Long Hải có thể là người nghe nên còn có nhiều điểm chưa chính xác về thân thế và con cháu của cụ Ưng Siêu:
Tay sáo Nguyễn Thành Tín (sinh 1957) hiện đang sinh sống tại Thị Trấn Vĩnh An, là con trai bác Nguyễn Thanh Quế người cùng phường Đệ Tứ và quen biết với anh em tôi. Nhờ viết bài “HAI BÊN CON ĐƯỜNG NGỰ”, Thành Tín mới xác nhận là Ông Bà Nội của Tín tức là Cụ Ưng Siêu và Bà Nghè là người ĐẶT TÊN cho con Đường Ngự (cũng như nhiều con kiệt khác trong Phường).
Nguyễn Thành Tín có trả lời tác giả như sau:
“Cảm ơn anh P. Bài viết mần chợt dzớ tới ba tui có lần dzắc về Ông Nội tui một thời sơ khai ở Đệ Tứ. Trước số là Ông Cố tui, (Nguyễn Phúc Hồng Chiếu,Trưởng Tử của Vua Thiệu Trị, lý do nội bộ phải bôn ba ra tận Quảng Bình và sinh Ô. nội ở đó (Nguyễn Phúc Ưng Siêu,1866-1942). Đến thời vua Hàm Nghi (Nguyễn Phúc Ưng Lịch) xuất bôn để lãnh đạo phong trào chống Pháp,lập căn cứ tại Tuyên Hoá, Quảng Bình (1885) thì Ô. nội tui theo giúp. Tới năm 1888, tên phản thần Trương Quang Ngọc bắt vua nộp cho Pháp. Ô. nội tui phải thay tên Nguyễn Thái Xuân, vô Quảng Trị tránh Việt gian truy lùng. Lấy vùng ruộng hoang sơ từ sông Vĩnh Định chạy tới An Tiêm ra tới thành cổ... Sau thời tạm yên lấy Bà nội tui (bà Nghè) sinh được 3 gái,1 trai là ba tui. Để nhớ thời giúp vua Hàm Nghi,nghe đâu Ông Bà đặt nhiều tên xóm trong đó có đường Ngự như bài viết. Ông tôi đi nhiều nơi, ới mô cũng có vợ có con (sơ sơ 9 bà khoảng 21 con!, may là ai cũng hiếu học, có việc lương thiện yêu nước để sống). Lúc tui ra đời (1957), ở gần trước nhà Bác Nẫm, ba của anh Đại tá N. Bé, đại uý Bích... số 41b Lê Văn Duyệt, Đệ tứ phường tới '72...”
Theo Gia Phả của Nguyễn Thành Tín, nói về Cụ Ưng Siêu thì anh Tín có hiệu đính lại nguyên văn sau:
“Khi cuối đời (cải tạo về) Ba Tín gắng viết gia phả trên một tờ vở hs màu vàng ố (khoảng ba đời). Chừ tới phiên tiếp nối đời thứ tư được chừng mô sót lại dù mấy chục năm sống quen khó nghèo, ít gặp ai, tĩnh lặng, khiêm nhường và cô độc. Nhà biên khảo Tuệ Chương có nhắc Ông Nội tui bị rút quốc tính, đuổi khỏi kinh thành vì dính líu Giặc Châu Chấu của Cao Bá Quát, ra Quảng Trị đổi tên Nguyễn Siêu... Khi Cao Bá Quát làm Giáo thụ Quốc Oai, Sơn Tây (1852), nổi loạn chống triều đình và bị giết (1854) thời vua Tự Đức thì Ô nội tui chưa ra đời (1866-1942). Trong gia phả là Thái Công Chu Tử Nguyễn Phúc Ưng Siêu, tự là Ưng Lý, Nguyễn Thái Xuân, sinh ở Quảng Bình, lớn hơn vua Hàm Nghi Ưng Lịch(1872) sáu tuổi, yêu nước cùng chống Pháp. Đến thời vua Thành Thái mời về Huế giao cho Vỹ Dạ lập dinh, nhưng Ô tui từ chối. Nhà biên khảo có thể nghe ai đó truyền miệng nên sai vài chi tiết .."
(Nguyễn Thành Đồng là thân sinh của Nguyễn Thanh Điền và Nguyễn Thị Thanh Tâm (phường đệ tứ) Đinh Hoa Lư nhớ ông bác Nguyễn Thành Ngô làm gì đó bị giam Côn Sơn sau thời đệ nhị Cộng Hòa được tha về trong phường, sau 1968 chuyên làm nghề y tá trong phường Đệ Tứ. Bác Ngô sau này là anh rể của chú Liệu bạn cậu Võ Bình tôi. Nhờ dành dụm, bác làm được cái nhà ngói rất to đẹp sau xóm nhà hay garage Đức Lợi của ông Trương Long (ông thân của Trương Sừng, người bạn cùng xóm) gần nhà của bạn học Nguyễn Thị Thanh Tâm. Thời gian Thành Cổ hay bị pháo kích (trước 1972) căn nhà ngói mới này chỉ bị một quả hỏa tiễn lạc trong đêm nên bị sụp hoàn toàn; rất may không ai chết)
Hình Cửa Hậu sau 1972
DẤU VẾT CÒN SÓT LẠI CỦA CON ĐƯỜNG NGỰ RA SAO?
Thành thật cám ơn lòng tốt của một bạn đọc tên là Nguyễn Kim hiện đang sống tại làng Cổ Thành Hạnh Hoa (bà ngoại tôi gốc họ Lê làng này). Chuyện cảm tạ là do bạn đọc này đã thông cảm với nỗi niềm tác giả nên vội ra ngay đồng lúa Cổ Thành chụp lại cho một tấm hình ghi dấu vết sót lại của Đường Ngự dưới đây:
Bức hình này người viết xin đánh dấu hôm nay là ngày 2/8/2019. Lấy từ cái mốc thời gian là năm 1972 tức đã 47 năm hay non nửa thế kỷ lạnh lùng trôi đi, nay con Đường Ngự chỉ còn là gờ đất mỏng manh giữa cảnh đồng lúa lên xanh tốt.
Bao nhiêu kỷ niệm ập về cho người viết bài này. Chính đây là đoạn đường mà người viết thời còn bé bỏng hay men theo con con đường này đi về tận bờ sông Vĩnh Định rồi phanh mấy vạt dưa quả của người làng An Tiêm trồng ven bờ để tìm ra năm ba con rế trong mùa hè nghỉ học. Thuở đó gờ đất này là một con bờ đất cao chia cánh đồng lúa ra hai. Thỉnh thoảng mới có một cái cống đất thông nước ruộng cho cánh đồng. Giờ đây đoạn đường phía khởi đầu con đường đã không còn. May thay phía cuối cùng là ruộng không ai giành đất xây dựng mới còn một ít dấu vết.
Có còn hơn không; cám ơn bạn đọc Kim Nguyễn một lần nữa, đã hào sảng thời gian cung cấp cho một tấm hình minh chứng cho một dấu vết lịch sử của thành phố Quảng Trị năm xưa.
PHẦN KẾT
Rõ ràng thế gian vật đổi sao dời. Bóng ác tà hàng ngày vẫn dọi trên quê hương thôn cũ nhưng cảnh đó người đây sao lắm nỗi buồn từ chiến tranh tàn phá cho đến cái cảnh thiên cư người đi kẻ tới, xây dựng cát cứ XÓA NHÒA tất cả.
Người Quảng Trị ra đi có dịp hồi cố hương nay có lắm kẻ tìm không ra dấu vết gốc tích địa vật xa xưa. Trong những mất mát đó có số phận CON ĐƯỜNG NGỰ một con đường nối kết với thăng trầm lịch sử và làm đề tài khi kể chuyện cho con cháu chúng ta nghe.
Tiếc làm sao cho cảnh đời và sự thăng trầm nhân thế. Người viết chỉ một mong rằng mai đây CON ĐƯỜNG NGỰ xin được nằm trong văn chương truyền khẩu dù mang tính địa phương thôi. Và họa may có ai đó đang ở hay sinh hoạt trên múi đầu hay hai bên vị trí con đường trong bài viết này có thể chút nào đó NAO LÒNG do biết rằng ngày xưa, ngay địa điểm này, có con một con đường mang hai chữ VUA ĐI.
Đinh Hoa Lư
edition 20/11/2022
No comments:
Post a Comment