Monday, January 6, 2025

THƯƠNG VỀ MIỀN TRUNG


(tu bút)

Đã bao lâu rồi không về Miền Trung thăm người em
Nắng mưa đêm ngày cách trở, giờ xa xôi đôi đường
Người ơi Có về miền quê hương thùy dương
Nước chảy còn vương bao niềm thương,
cho nhắn đôi lời..
.

(Nhạc Minh Kỳ)

    Mưa quê hương, đó là lúc ta đưa tay hứng những giọt nước trong ngần, mát lạnh; chợt một niềm thương, nỗi nhớ len lén vào lòng. Kỷ niệm về một thuở tuổi thơ, những chiếc thuyền giấy nổi bập bềnh theo trọt nước trước hiên. Ngày đó xa rồi,  dưới mái tranh quê hay miền trung chứa chan hoài niệm.  Nhưng mỗi khi quê hương đang chống chọi trong dòng nước lũ cố tìm sự sống thì bao giọt mưa kia lại hiện thân cho nỗi lo sợ hãi hùng. Mưa quê hương mỗi lúc đông về kèm theo nước lũ đó là lúc trời đất biến thành khổ ải, tang thương phủ chụp lên lớp người dân nghèo lam lũ. Bao dòng nước mắt đau thương miền trung sao vẫn tuôn rơi mãi với số phận định phần.


Cố gắng quên, nói cho văn vẻ hơn ta sẽ cho rằng mưa là "khúc luân vũ đáng yêu" từ trời cao trong bao giọt nước trong ngần, long lanh rơi xuống trần gian. Chất phát cùng gần gũi với người làm ruộng- mưa là lúc kẻ nông phu ngước mặt nhìn trời, lòng hả hê vui sướng khi nghĩ đến bao hạt lúa vàng căng đầy nhựa sống cho mùa gặt tới.  



Lắm lúc mưa là lúc người thi sĩ nhìn qua khung cửa hay nghe tiếng nước rơi trên hàng sầu đông rồi dệt nên nhiều vần thơ mượt mà, cảm tác. Người nhạc sĩ chợt rung động vội ghi ngay từng nốt nhạc buồn trong tiếng mưa rơi. Lại buồn thay cho người cô phụ, con tim giá băng quặn thắt, bao năm dài nhớ chồng vĩnh viễn đi xa. Tình cảm hơn, ta lại nghĩ về bao mối tình mãi vương vấn tơ lòng, ai đó lúc tương tư  trên  căn gác vắng. Sống với hoài niệm, biết ơn, ta sẽ nhớ về chuyện ngày xưa trên vùng biên giới xa xôi, có anh chiến sĩ vội kéo tấm poncho  lúc màn mưa theo gió quất xối xả vào người...


hình- khoai măng cắt khô dành khi ăn độn


Nói sao hết chuyện trần gian khi mưa trời rơi xuống.  Dù sao chăng nữa, mưa muôn đời vẫn là mưa. Đó là sự  kết tinh bao làn hơi, trả lại thế gian những giọt nước tinh khiết, sau bao chuyến phiêu lưu kỳ thú trong không gian thênh thang và quãng khoát. Những mầm xanh sẽ nhú, bao mạch sống sẽ tiếp nối vào đời cũng nhờ mưa. Lạy trời mưa xuống    Lấy nước tôi uống  Lấy ruộng tôi cày... 


Niềm ước mơ, mong muốn của người dân quê mộc mạc biết chừng nào. Biết bao khao khát nhưng thực tế của những ai từng an phận với đời sống "chân lấm tay bùn".  Cuộc đời của lớp người "cày sâu cuốc bẫm" như quyện vào những câu ca dao chất phát truyền miệng với nhau dù qua bao nhiêu thế hệ người làm nông vẫn luôn ghi nhớ nằm lòng.  Người bám đất và đất nuôi người. Người dân quê lớn lên từ ruộng đồng chỉ những ước mong đơn điệu. Cuộc đời mộc mạc, họ đâu mơ chi phù phiếm xa hoa? Bao ước mơ từ xóm làng lam lủ không gì hơn là hình ảnh của những "bát cơm đầy"hay "rơm đun bếp".

Nhưng khi lụt về, đó là lúc "ông tha mà bà chẳng tha", điệu luân vũ của trời và đất lại trở thành hung tợn. Dòng nước cuồng điên đang gieo muôn triệu khối nước đày đọa lên bao tấm thân gầy nghèo khổ, tội tình.  Biết bao kiếp người chỉ biết những cầu xin đơn thuần bình dị. Mưa bỗng dưng hóa thân thành khổ ải, tang thương với bao dòng nước lũ băng băng, chảy xiết!  Ôi! những mái tranh tan tác, nổi trôi;  bao ruộng nương chìm đắm. Mưa giờ không là thơ là nhạc, mà là những tiếng khóc  ai oán thê lương!



Miền trung bao đời vẫn thế: căng mắt canh chừng cơn thịnh nộ của thiên nhiên khi thu về đông đến. Những giấc ngủ chập chờn trong gió thét mưa gào. Lụt -bão sao mãi hoài  là 'định mệnh an bài' cho miền đất khổ -nắng cháy da người-mưa dầm thối đất?  Thế mà lạ làm sao? Ai đi xa cũng muốn mau về nhà. Chỉ vắng nhà ít hôm thôi, người xa nhà chưa gì đã nhớ đã thương. Mẹ già nhớ hàng cau, thương bụi rơm bên mái tranh nghèo, vấn vương làn khói cơm chiều hay chắt chiu từng chút rơm đun bếp. Bác nông phu nhớ con trâu già cùng mấy thửa ruộng thân yêu. Bác nhớ làm sao những trưa nghỉ cày lúc ngồi vấn thuốc. Đó là những trưa bác dựa lưng bên gốc cây làng ngó lên Trường Sơn xanh thẳm. Tình quê chỉ ngần ấy thôi nhưng mặn mà chẳng chút nhạt phai. Một quê huơng gian khó với thiếu thốn gian nan nhưng tình quê mãi mãi nồng nàn, lòng yêu thuơng làng nước chẳng hề phai nhạt.



NỖI BUỒN GIÁP HẠT


được mùa chớ phụ môn khoai 

đến khi thất bát lấy ai bạn cùng (ca dao)


         đồng ruộng xã Triệu Tài (năm 1974 tác giả có đóng quân tại Tham Triều -đi ngang đây còn xác chiếc trực thăng cobra của Mỹ rơi trên cánh đồng này, sau này chắc xác nó đã bị cưa bán nhôm nhựa)

    LỤT LẠI VỀ, chuyện "đày đọa của ôn trời" chẳng hề thay đổi. Nước tràn vào làng, chảy băng băng ngoài ruộng. Lụt mấp mé vào đến cái trọt nước trước hiên. Mấy cặp mắt đau đáu  nhòm chừng, phấp phỏng lo âu...

  

 Lạy trời nước rút!  

 Cái sập lúa vẫn còn an toàn trước mắt mạ. Trai tráng trong nhà chẳng còn việc chi, đang đi kiếm vài mớ cá nước lụt. nước lên phủ ngập cánh đồng, đôi bờ tre xóm dưới lờ mò theo làn mưa. Cái tơi không đủ che thân, người lo đi cất rớ, kẻ khác đi nơm. Mớ cá kiếm về, nặng mùi bùn đất làm ai cũng vui quên cơn gió lạnh.


Nhạc mẫu tôi kể lại cho vợ chồng người viết nghe chuyện dưới quê ngày xưa vào cơn giáp hột. Môn khoai cũng cạn sạch, nhưng lúa ngoài đồng chưa chín. Có lúc túng quá người mình phải ra đồng truốt những hạt lúa chín trước ở phần chót bông về giã ra nấu ăn tạm. Những ngày giáp hạt như thế, người dưới quê ngó quanh nương chẳng còn gì bỏ được vào om. 


 Thế mới biết tại sao người xưa (hay miền trung) hay để dành, hà tiện chắt chiu từng củ khoai khúc sắn là thế. Dù được mùa, nhưng chẳng ai quay lưng phụ phàng với khoai môn cả.




Hình ảnh mạ ngồi cắt từng mớ khoai măng, phơi khô phòng đói.  Những sợi khoai khô vuông dài, mạ mừng do phơi được nắng. Ngoài khoai khô, mạ còn cất vài thúng sắn lát, mong mỏng cong cong... Khoai sắn phơi khô, con nhà nông ai mà chẳng quý. Nhớ hình ảnh mạ lom khom cất đặt từng mớ khoai khô vào trong sập gỗ, mạ cất đặt như nâng niu thương mến vô cùng.


Mạ còn gắng chắt chiu, gom từng cọng rơm, mong răng ngọn lửa phập phồng trong gió ngoài nương vẫn nấu chín nổi nồi cơm hấp sắn. Mớ cá hôm nay, những con cá mụn mạ kho cho cả nhà, sao thơm tho ngon miệng lạ thuờng. Giêng Hai đến, "cắn ngón tay không chảy máu".  Bao thiếu thốn, bao tính toán lo toan.  Trai tráng vác cày ra ruộng thì lại phải lo ăn, mà ăn 'làm răng' thì đã có mạ lo. Mạ lo, là 'lo ăn cho đủ  đến khi giáp hạt.


Chỉ rứa thôi,  khi cái vòng lo toan không bị ôn trời làm cho trắc trở thì con nhà nông thở ra nhẹ nhỏm. Cũng là lúc cái "vòng đời" lam lủ tính đủ một năm tròn mong sức người vẫn còn dẻo dai để cấy cày làm ra hột gạo. Mong làm răng thoát cái cảnh nước tràn vô đồng mà chảy băng băng làm ngọn lúa không ngóc đầu lên được. Đó là lúc trời còn giúp cho con nhà nông lo toan đủ hai vụ cấy cày. Đầu mùa gieo mạ cấy lúa, cuối mùa gánh về nhà những gánh lúa được mùa nặng hột. Trời còn thương thì người làm ruộng chẳng màng chi tuổi đời chồng chất, tưởng sức mình như đeo mãi với ruộng lúa con trâu...




Chuyện ngày xưa, chuyện những ngày giáp hạt, đó là lúc con người chân lấm tay bùn vẫn mãi bấm bụng nhịn cho qua cho quen những ngày thiếu đói. Đó là lúc lúa ngoài đồng đang nặng dần những hạt lúa kết tinh từ mồ hôi nước mắt của người nông dân tháng ngày miệt mài trên đám ruộng thân yêu, ươm đầy hi vọng của ấm no trước mắt. Cứ mỗi lúc "qua truông giáp hạt" đó là vòng tuần hoàn của một năm tròn. Rồi bác nông phu bấm đốt tay tính thêm được một tuổi đời hay vòng trần thế già thêm mười hai tháng.  Bên mảnh đất thân yêu muôn thuở, bên mái tranh ấp ủ tình quê, cạnh bụi chuối bờ tre người nông dân vẫn mãi tấm lòng chung thủy đất-người. Ngày lại ngày qua bốn mùa xuân hạ thu đông 'cày sâu cuốc bẫm'. người làm ruộng chỉ một niềm mong đợi đơn sơ 

 "Ăn răng cho đủ tới khi GIÁP HộT !"

Thế thôi, một đời dân dã, đơn thuần người miệt quê chẳng ai biết mong chi lâu dài hay cao sang hơn nữa./.



ĐHL tu bút 6/1/ 2025

No comments:

Post a Comment