Tuesday, November 29, 2022

MANG TƠI ĐỘI NÓN



Chào bạn đọc

  Trời mưa làm chúng ta nhớ đến cái chuyện áo mưa. Từ thời xưa ông bà ta có cái nón che đầu nhưng phải có cái tơi chằm bằng lá, bận vào trông như những "chú nhím" di động. Thế mà lạ thật, khi ta nhớ về hình ảnh chiếc tơi lá xưa kia ai cũng bâng khuâng, hình như có chút gì ngậm ngùi nhớ về một miền  thôn dã 'xa lắc- xa lơ' nào đó.                             

     Miền trung hàng năm gió bão. Cái vòng thời tiết đó chẳng khác chi "định mạng an bài" cho người mình. Mỗi khi bầu trời mưa giăng gió giật, hình ảnh chiếc tơi là người bạn thân thiết cho nguời làm nông. Tơi bao mùa ấp ủ, chở che. Tơi mùa đông giữ làn hơi ấm cho bác nông phu đang theo con trâu, lội bì bõm trên đồng ruộng mênh mông. Tơi mãi ấp ủ cho người trong cơn mưa phùn giăng mắc, rơi mãi không thôi. Tơi lại còn bảo vệ cho những ai chân lấm tay bùn vào khi bao làn mưa nặng hạt, những làn nước quất mạnh vào người.     

                             
 *


TƠI VÀ NÓN TRONG XÓM CỬA HẬU PHƯỜNG ĐỆ TỨ QT NGÀY XƯA




Rừng miền trung hay có loại lá tơi. Nó tuơng tự như cây lá nón. Cây lá nón thì nhỏ và mượt mà hơn người ta chỉ lấy phần đọt về phơi làm nón. Lá tơi tuy cây không bằng cây lá buông trong xứ Bình Tuy gồm Rừng Lá hay dưới chân Núi Mây Tào, quanh vùng Xuyên Mộc nhiều vô số. 

   Ngày xưa trong xóm tôi (tức là xóm Cửa Hậu) có  Ông Lâm (ông thân của võ sĩ Bách Tùng Lâm) những ngày mưa, ông mang tơi đội nón, vác cày ra ruộng. Cánh đồng Cổ Thành này giáp giới với đồng Hạnh Hoa. Con trâu đen lầm lũi kèo bừa, bước chân nó lõm bõm trên ruộng. Bác mang cái tơi đứng trên bừa, ngọn roi vẫn quất tron trót. Càng mưa thì con trâu càng thích. Tơi quả là người bạn chí thiết cho bác nông phu lúc mưa dầm, giá rét.

Người viết nói chuyện cái tơi lại nhắc đến chuyện nón cũng giai do mấy chữ "mang tơi đội nón" mà ra.


 phụ nữ VN ra đường ai ai cũng đội nón 



Xóm tôi có nhà mệ Tý (thân mẫu của anh Lê Văn Quang, thiếu tá tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 122 TKQT) làm nghề chằm nón. Những phiến lá nón trắng tinh khôi, được nhà mệ phơi nắng dọc theo con đường kiệt dẫn vào nhà anh Quang. Mũi kim thoăn thoắt, cái khuôn nón đen nhánh lâu ngày dưới đôi bàn tay chăm chỉ nhịp nhàng của mấy o con Mệ. Những chiếc nón lá xinh xinh, màu trắng nõn nà được mấy o sơn thêm lớp dầu láng bóng. 




Hàng nón ở chợ tỉnh Quảng Trị tuy không nổi tiếng như nón bài thơ tại Huế, nhưng nón là mặt hàng không thể thiếu do người phụ nữ thời này đa số ra đường đều đội chiếc nón lá trên đầu. Chiếc nón lá là hình ảnh quen thuộc, từ cô nữ sinh cho đến người mẹ người chị, hay bao người nội trợ đảm đang.


  MANG TƠI THÌ PHẢI ĐỘI NÓN 




"Mang tơi đội nón" nó trở thành một thành ngữ "bất di bất dịch". Nó luôn đi kèm theo nhau mới đủ nghĩa. Chúng ta hỏi tại sao ư? Bạn đọc cứ tưởng tượng, mang tơi mà không đội nón thì nước mưa theo đầu xuống cổ ướt hết thân người?

Cái vòng cổ của cái tơi khá rộng. Do cái sợi mây mảnh, đánh mềm xâu qua. Người mang tơi cứ việc tròng qua đầu và nhớ đội thêm cái nón lá là chắc chuyện. 

Ngày xưa Chợ Quảng Trị người mình hay gọi là Chợ Tỉnh.  Mỗi lúc trời mưa, tại mấy con hẻm ngắn dẫn vô chợ chúng ta thấy người ta lên bán nông phẩm hay than củi còn  lác đác mang cái tơi này. Đó là khoảng 1960, sau này chúng ta ít thấy người mang tơi tại đó nữa. Người kể chuyện không quên con hẻm vào chợ, phía cây xăng hay lầu Mệ Tài Chanh, mấy người bán than thường mang cái tơi loại này.


Trời mưa. Mang tơi đội nón xong, người thời xưa- tôi viết thời xưa vì nay không ai mặc tơi làm gì- yên tâm bước ra cửa nhà. Ngang đây chúng ta nhớ câu " gió chiều nào xoay theo chiều đó" không chỉ có cái nghĩa bóng ám dụ duy nhất cho kẻ xu thời không thôi, nó đúng với cái nghĩa đen cho kẻ mang tơi đội nón nữa. Mang cái tơi, ta rất dễ xoay. Khi gió  quất mưa vào người , ta  xoay cái tơi về hướng gió quất, cái tơi sẽ che chở cho thân mình.


LẠI CHUYỆN CÁI TƠI TRONG TRẠI TÙ BÌNH ĐIỀN 


Chuyện cái tơi không phải là chuyện ngày xửa ngày xưa hay là chuyện thời con nít của tôi hay thấy để kể lại.                            

Mấy năm ở trong trại tù Bình Điền phía tây nam Huế, chúng tôi có dịp được mặc cái tơi mới là cái chuyện khó ai tin mà có thật.


Rừng Bình Điền thập niên 1980 lá nón nhiều vô số. Trại tôi được hiến kế hay do trại nghĩ ra tôi không chắc chắn gì. Nhưng có lần trại tù vào rừng hái lá nón về làm nón phát cho tù đi lao động. Trời mưa, thì trại cũng tiện dịp cho lệnh làm áo tơi cũng chằm từ rừng lá Bình Điền phát cho tù cải tạo. Khéo khen làm sao? trong trại của chúng tôi có đủ nghề; mộc, rèn, làm ruộng, tăng gia sản xuất cho đến đan thúng, làm cối xay lúa đều có người lãnh phần làm được. Ngờ đâu! cũng có luôn nghề làm nón đan tơi, cái chuyện tôi không tin được. Thật lòng mà nói các nghề thủ công nói trên phần nhiều nhờ vào bàn tay các trung đội trưởng nghĩa quân bị đi 'tù'. Các trung đội trưởng nghĩa quân phần nhiều xuất thân từ vùng nông thôn đủ loại ngành nghề trước khi họ vào lính.


Những ngày mưa dầm; những toán tù ra vô trại , ai cũng mặc cái tơi và đội nón lá trại phát. Từ xa chúng ta trông y những 'đàn nhím' di động, thật là 'cười ra nước mắt'


Cái tơi vừa che mưa đỡ lạnh cho tù, vừa che mắt cán bộ công an coi tù. Lý do, những bao khoai hay bao rau tàu bay, rau má 'cải thiện' mang sau lưng, ngoài choàng cái tơi thì quá an toàn.  Cái tơi dần dà thân quen với tù, lại còn cần thiết vì nó che dấu dễ dàng những thứ bị cấm do cái tội 'cải thiện linh tinh' ...đó là những hình ảnh 'cười ra nước mắt' thật - đến lúc đó nguòi tù mới có cái cảm giác thân thiết và chịu ơn cái tơi lá Bình Điền.

            *

         Đúng ra cái tơi là hình ảnh ngày xưa. Ai có công sưu tìm mới có. Trên các trang mạng người ta sưu tầm hình ảnh này nhờ vào văn khố Đông Duơng của Pháp chẳng hạn. Người Việt nam nào lớn tuổi còn nhớ hay đã 'kinh qua' . Đời tôi nhờ ở tù cải tạo mới có lần lãnh được cái tơi này trong trại Bình Điền -Huế.

Chuyện nghe lạ?


NGHỀ ÁO TƠI PHÁT TRIỂN LẠI SAU 1975

chúng ta hãy tìm về thôn Yên Lạc, Quang Lộc, Can Lộc (Hà Tĩnh) tìm hiểu về làng làm tơi duy nhất ở một vùng bị cho là  “ chảo lửa, túi mưa”; cũng như người Quảng Trị hay nói là "nắng cháy da, mưa dầm thúi đất"



Sau 'trận đổi đời' 1975, lá rừng không còn là 'rưng rưng nước mắt' mà lại giúp và nuôi người dân lao động khá nhiều.


Theo câu ca người ta tìm về  thôn Yên Lạc, Quang Lộc, Can Lộc (Hà Tĩnh) tìm hiểu về làng tơi duy nhất ở vùng “ chảo lửa, túi mưa” để giải đáp băn khoăn:

 Giữa thời công nghệ nhựa polymer hiện đại, áo bạt, áo ni lông đủ kiểu, dù đi mưa đủ sắc màu, thì áo tơi có đã là bảo tàng, là câu chuyện cổ tích xa xưa.       

Ở miền nam trước 1975 xem chừng hình ảnh những cái tơi lá ít thấy lần hồi. Chúng ta nhớ lại kỹ nghệ nylon phát triển mạnh trong miền nam , dần dà chiếm lĩnh hết các tiện nghi phục vụ con người từ thành phố đến thôn quê. Từ cái giỏ đi chợ, đôi dép, nón  cho đến cái áo che mưa cũng bị 'nylon hoá'.
Sau 1975 khi ba miền hợp lại, chúng ta mới nhận ra rằng xã hội miền bắc không bị 'nylon hoá' nhiều bằng miền nam. Tại các làng quê như Quảng bình Hà Tĩnh ...cái tơi vẫn là 'người bạn' thân thiết cho nông dân VN cái nghề 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời' . 

Báo Lao Động trong nước có viết như sau:


"Nhưng tôi đã lầm. Quần tụ quanh dãy đồi bát úp, nép vào dưới rặng tre xanh, làng tơi Yên Lạc vẫn tồn tại qua năm tháng, bất chấp thị trường chao đảo, bất chấp dè bỉu của “mốt” hiện đại vẫn lặng lẽ âm thầm bảo lưu một làng nghề truyền thống đã gắn bó lâu đời với mảnh đất cha ông..."


Thật cảm động, người dân quê miền bắc trung phần vẫn giữ cái nghề 'cha truyền con nối' dù cho xã hội có polymer hoá tới đâu



Cái làng Yên Lạc cho rằng 'còn nắng còn mưa thì còn tơi' ...mà thật thế chúng ta chứng nghiệm rằng không có gì giữ ấm và chắc chắn bằng cái tơi và ngược lại trong cái nóng 'khủng' tại miền Trung , dân ta còn nghiệm ra rằng mang cái tơi lại mát mẻ hơn nhiều thế mới lạ lùng...


Sau này người ta có nylon để che mưa. Người thành phố có áo mưa may bằng nylon dày. Tại thôn làng, ngoài cái dù đen của các cụ, lác đác đâu đó người nông dân còn mang rất ít loại tơi này nhưng quàng nylon là chính.        


    Người miệt quê che mưa, từ cái tơi dày, nặng 'tiến lên' cái tấm nylon nhẹ nhàng thuận lợi.

Thế mà cứ lúc ngọn gió mạnh, quất những làn mưa rào rạt vào người, miếng nylon yếu ớt nhè hều không còn bảo vệ được gì? Lúc này đây người cày ruộng chợt nhớ đến cái tơi lá dày cui chắc chắn làm sao.


Bên trong cái tơi nồng nàn hơi ấm, chắc bác nông phu chân lấm tay bùn cảm thấy lòng mình càng ấm áp hơn thêm . Cái tơi như người bạn đời thủy chung đi theo cuộc đời cày sâu cuốc bẫm. Chuyện cái tơi chẳng khác chi thứ  tình cảm mộc mạc đơn thuần.  Bên bờ tre mập mờ theo làn mưa phùn dưới ngọn gió mùa đông giá rét, người làm ruộng mang tơi như bao đời chân thật với miếng vườn, đám ruộng sâu nặng tình cảm quê hương.




Thời gian sẽ phôi pha tất cả, dù ta muốn hay không, hình ảnh mang tơi đội nón sẽ mất dần ở chốn làng thôn khi đất đai càng lúc càng hiếm hay đất nước đã cơ khí hóa hoàn toàn. Cho đến một ngày cái nghề chằm tơi không còn nữa, họa chăng chỉ còn lại hình ảnh chiếc nón lá thân yêu ngày ngày che nắng, đội mưa cho cô thôn nữ. Cũng có lúc nón lá nghiêng vành dấu đi nét mặt thẹn thùng của cô nữ sinh phố Huế nào đó mà thôi./.


ĐHL 

edit 1/12/ 2022


No comments:

Post a Comment