Bạn đọc có thể đoán những cảm nghĩ tôi viết ra đây là gì. Tôi
muốn kể cho bạn nghe một không gian trong vùng trời kỷ niệm. Xóm vắng trưa hè
khi Quảng Trị đang vào hạ. Mùa hạ của nắng nam Lào- nhưng cơn nóng như nung-
khiến cả thành phố im phăng phắc dưới một bầu trời oi ả. Làn không khí như đứng
yên, không gian im lặng trân mình chịu đựng...
Thế mà lạ lắm, văng vẳng đâu đây tiếng ru con “à ơi’ trong xóm.
Người viết tin rằng các bạn giống tôi, có thể nhớ lại tiếng ru con à ơi
trong cơn nắng hạ. Tiếng mạ ru hay có khi có cả tiếng mệ ru cho đứa con nít mau
thiếp đi trong giấc ngủ yên lành, khi cơn nóng đã vơi trong lời ru dịu dàng
thương cảm.
Bầu trời nắng chang chang, không một đám mây. Những tàu
lá chuối trông như 'lịm đi' dưới sức nóng ban trưa. Mấy tàng sầu đông còn chịu
được, phủ bóng im; nhiều lùm hoa tim tím, tỏa hương khắp xóm. Có con chim sâu
còn kêu chiêm chiếp, tiếng nghe như rời rạc, lẻ loi. Trong không gian nóng bức,
tĩnh lặng có tiếng ru con làm người nghe bỗng nhiên mát lòng, rung động:
À ơi mẹ già tham việc tiếc công
Cầm duyên con lại thu đông mãn rồi...
Hay
Mẹ ơi chớ đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ
Bắt ốc ốc nhảy lên bờ
Hái rau rau héo mẹ nhờ chi con?...
Bao ý nghĩa mộc mạc nhưng sâu lắng từ lời ru truyền
khẩu như đưa chúng ta cùng nhau hướng về một khoảng trời, một thanh âm
chứa chan trong vùng kỷ niệm. Qua hơn nửa đời người tiếng ru con đó vẫn mãi nằm
trong tiềm thức cùng theo tôi đi suốt cuộc đời.
Những lúc nhớ về quãng đời thơ ấu biết bao hình ảnh và
thanh âm. Nhưng bàng bạc trong đó có những lời ru xưa đó là lời của mạ của mệ
hay bà con lối xóm như những lớp trầm tích lắng đọng tận đáy lòng. Những ấn
tượng, nhiều rung cảm từ bao buổi trưa hè chỉ có tiếng ru con lan trải êm ả lan
xa trong xóm vắng. Lời ru ngọt ngào êm đềm quá! Có thể đó là thanh âm từ
lúc tôi mới chào đời, của ngoại hay của mạ của dì tôi ... Tôi tin vậy.
Rồi những câu như:
Chàng ơi phụ thiếp làm chi?
Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng...
Thú thật tôi cảm động nhất là mấy câu tôi viết lại như thế. Ôi
phận đàn bà, phụ nữ VN của một xã hội ngày đó nhưng không biết qua bao thế hệ
nó da diết đến thế sao?
Hoặc:
Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước lên non tìm chồng...
Người đàn bà trung trinh đó chỉ ăn một nửa trái sim thôi còn một
nửa để dành hay chỉ uống lưng bát nước để tiếp nối cuộc hành trình tìm chồng
hay có thể do đức tính hi sinh và thương yêu chồng dù chỉ một ‘trái sim’ hay
một ‘bát nước’ người phụ nữ kia vẫn để dành một nửa hầu mong mang lại
cứu chồng trên chốn non xanh...
Đức tính yêu thương và chung thủy trong lời ru của một người mẹ
còn nối tiếp cho tôi nghe:
Thương nhau tam tứ núi cũng trèo
Thất bát sông cũng lội cửu thập đèo cũng
qua
Người vợ của ca dao phận nữ nhi “xuất giá tòng phu” một lòng vì chồng con và chỉ một ước mơ cho thân phận:
Tay bưng dĩa muối chắm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng phụ nhau ...
Và đạo phu thê ngày đó tôi nghe sao thâm trầm lắng đọng cùng
khắn khít với nhau với hai chữ thủy chung của người mẹ người vợ hay nói chung
là người phụ nữ VN.
Cả một bầu trời như lặng yên cùng đầy cảm xúc. Đó là cảm giác
xúc động cùng trân trọng khi tôi vừa mới lớn biết nghe biết nhận thức biết
thương yêu bà con lối xóm.
Nhớ quá khứ, tôi kể bạn nghe một tâm tình về tiếng hò ru con
ngày cũ. Tôi tin bạn và tôi, mọi người ai cũng nhớ và thương. Lim dim mắt
thả hồn về một thuở xa xưa, có những buổi trưa hè êm đềm lời ru- những câu hò
chẳng khác chi bản tình ca dân tộc, theo quê hương đi mãi ngàn năm./.
ĐHL edit
29/3/2022
No comments:
Post a Comment