Thursday, July 27, 2023

MIỀN NAM - MỘT THỜI XE ĐÒ

 


BÂNG KHUÂNG NHỚ NHỮNG CHUYẾN XE ĐÒ MIỀN NAM

SAO GỌI LÀ "XE ĐÒ" NHỈ?


Theo giải thích của nhà văn Sơn Nam, đồng bằng Nam bộ sông nước chằng chịt, ngày xưa phương tiện đi lại chủ yếu bằng đò ghe. Cho đến thập niên 1930, người Pháp thành lập một số hãng xe chở khách đi miền Tây. Thời ấy đường bộ chưa phát triển, xe đến bến khách phải chuyển tiếp bằng đò ghe nên người ta gọi là xe đò cho tiệnThời gian đầu xe đò chạy bằng than củi tràm, bỏ vào cái thùng tròn đặt bên hông xe phía sau. Trước khi cho xe nổ máy thì quạt cho than tràm cháy, hơi ga ấy bị đốt, gây sức ép cho máy xe chạy. Thời gian sau này mới bắt đầu có xe chạy bằng xăng dầu, các hãng xăng dầu của Pháp, rồi Mỹ lần lượt vào Việt Nam và mở ra kỷ nguyên mới của xe cơ giới ở Việt Nam. Tuy nhiên sau năm 1975, xăng dầu rất khan hiếm do các công ty năng lượng Mỹ rút hết khỏi miền Nam, từ đó hình ảnh những chiếc xe đò nhỏ chạy bằng than đốt trong cái thùng phía sau xe được lặp lại từ năm 1975 đến tận cuối thập niên 1980

trích nguồn

Hồi ức về xe đò xưa - Vì sao người miền Nam gọi là "xe đò", "lơ xe"? (nhacxua.vn)

***

Miền nam gọi là xe đò có thể vì phương tiện chính trên sông nước chằng chịt, do vậy đò đưa là phương tiện di chuyển chính. Sau này thời Pháp thuộc có thêm ít xe vận chuyển công dụng cũng đưa đón người dân trong nam tuy không phát triển nhiều bằng phương tiện đò. Gọi xe đò chỉ là phương tiện cho dân đương thời. Xe và đò của miền nam gọi gộp lại thành xe đò cho tiện cách nói. Miền trung cũng có thể gọi giống miền nam ví dụ các xe đò chạy trong thành phố Huế và các thôn lân cận ngày trước. Người Quảng Trị trước 1972 bà con mình còn gọi là xe hàng thay cho xe đò hay xe khách sau này. Người QT ba mẹ chúng ta nói "đi xe hàng" có ý là đi bằng phương tiện xe đò xe khách. Có thêm một điều lưu ý các xe đò đều được chính quyền công nhận và chạy tuyến cố định. Còn các xe bất hợp pháp chạy "gió" không ai công nhận nên đâu có thể gọi là xe khách xe đò?




xe đò thành phố Huế





Ngoài Bắc người ta gọi là xe khách mà thôi.

Có thể giờ đây chúng ta ngồi trong những chuyến xe khách hiện đại, mới nhập cảng hay những chiếc xe du lịch thời thượng với nhiều tiện nghi bậc nhất nên đa số quên hết một thời phương tiện đi lại khó khăn thiếu thốn.




Ngay cả thời VNCH cũng thế. Chiến tranh, đường sá mìn bẫy, cầu đường hư sập và kinh tế khó khăn, đi lại là cả một vấn đề. "cực chẳng đã", ai cần công việc mới ra khỏi nhà chứ không rầm rộ cái kiểu "nhà nhà du lịch, người người du lịch" thoải mái sung sướng như hiện nay.





Hết chiến tranh, hết thời 'ăn độn' biết "đổi mới để sinh tồn" cũng là cơ hội cho đồng tiền phát triển và dù muốn dù không chúng ta phải công nhận đó là nhờ vào sự bang giao và 'cởi trói' hiện nay. Khi không còn sự ngăn chận làn sóng du nhập văn minh vật chất ào ạt ra vào, buôn bán hai chiều, đưa cuộc sống con người ta bớt khổ.




Cái thời 'ngăn sông cấm chợ' qua rồi. Nay ta ngồi trong chiếc xe êm ái, đầy đủ máy lạnh, ca nhạc mấy thứ ai ai cũng lim dim mắt nhớ về cái thời lao khổ mà tưởng nằm mơ. Những chuyến xe than, những cái vé hiếm hoi sau khi 'ưu tiên' đủ thứ. Rồi chúng ta nhớ lại hình ảnh khổ ải của những cái bị lác, bao vải đựng đủ thứ hàng hóa tầm thường nhưng lại quá cần thiết lại 'phải nhét phải thu", giấu giếm tứ tung nhằm trốn tránh cho được bao nhiêu cặp mắt tinh ranh dò xét của 'Quản Lý Thị Trường' khi xe qua trạm...




Cái thời đó chắc chắn qua rồi, xa lắc lơ nhưng có thể giờ đây ta cứ hưởng thụ bất cần hỏi nhờ đâu?

Nhờ vào 'cởi trói' thì chỉ là hành động dễ dàng chỉ mở cái gút dây đang 'cột chặt tay con người' thật ra chẳng có ơn nghĩa gì sâu xa cả. Cởi trói rồi có khi từ bàn tay và sức lực người được mở trói lại nuôi họ có ngày vinh thân phì da, nhà cao cửa rộng như hôm nay cái thời vinh hiển nhất cho những ai thuộc về 'thành phần quyền lực' hay 'chóp bu' xã hội. Điều đáng nói là thành phần này chẳng có một chút gì gọi là trân trọng biết ơn lớp người được cởi trói làm giàu cho họ, cống nạp cho họ lại còn bị ' tù tôi, chà đạp' là đằng khác...Nói mấy cho vừa câu chuyện dài lê thê oan trái đó, nên qua chuyện khác tình cảm hơn chăng?


...
Của cải văn minh bên ngoài đưa vào, cũng có qua có lại. Sự du nhập và giao thoa kinh tế thì phương tây cũng lợi và ta cũng lời; cả hai đều lợi. Không có ai cho không chúng ta cả.

Con người nếu được cởi trói rồi ai cũng có sức lực và tim óc cả. Vấn đề là hai chữ TỰ DO để tim óc và sức lực chúng ta làm hết khả năng của mình.

một thời ì ạch xe lam
Chúng ta hãy trở lại hình ảnh những chiếc xe đò năm cũ. Nhớ những chuyến xe băng mình trong đường sá mìn bẫy chết chóc ...dù sao chúng ta; những ai sống trong thời đó cũng cám ơn một thời chiến tranh, những chuyến xe trong gian nguy rình rập. Nhớ công ơn nhiều bác tài, những chú lơ xe chịu khó miệt mài trên con đường thiên lý ngập tràn gió bụi đường xa cùng bom gầm đạn réo đưa đón người miền nam đi đi về về trên bao dặm đường đất nước.



Đó là một thời miền nam, mưa nắng hai mùa ruộng đồng cây trái cùng những chuyến xe đò đi lại đó đây.


Giờ đây chúng ta đã có nhiều loại xe khách tân kỳ, đầy đủ tiện nghi rồi, có thể chúng ta bắt đầu quên dần hình ảnh cũ. Nếu ai đó có chút lòng hoài niệm về kỷ niệm xa xưa trên bao đoạn đường quê hương, đất nước cùng hành trình với chúng ta, một thời tuổi trẻ. Bao chặng đường đó là một chặng đời của
tuổi thanh xuân, nay đã trôi xa như giấc mộng phù du nào đó.

Với bao đổi thay đất nước, khó lắm thay cho ai muốn tìm lại kỷ niệm ấu thời./.

ĐHL edition 27.7.2023

No comments:

Post a Comment