THỜI GIAN CHẲNG CHỜ ĐỢI AI
(Time waits for no man) Ngạn Ngữ
*
BẠN MẾN,
THỜI GIAN VẪN LẠNH LÙNG TRÔI chẳng đợi chờ một ai dù bạn và tôi hằng mong muốn xin nó hãy qua thật chậm. Thế giới nhân sinh trong thời kỳ kỹ thuật mạng và số nên vì đó tin buồn càng đến nhanh hơn, nhiều hơn là tin vui. Thế hệ chúng ta, cứ sớm mai thức dậy ngồi trước máy tính hay nhấp điện thoại cầm tay chúng ta thường nhận nhiều tin chẳng lành, càng lúc càng có nhiều người bạn đi trước. Thế hệ chúng ta lần lượt vẫy tay chào nhau...
Chúng ta vẫn còn may mắn do còn diễm phúc còn lại trên chuyến tàu viễn hành của nhân thế, tâm tư cùng ý thức còn minh mẫn để nghiệm ra rằng thời gian qua mau thật cùng lúc có một cảm giác cái sân ga của mình sắp xuống đang đến càng gần.
Có ai đó thường than thở, "cái vốn thời gian còn lại của chúng ta chẳng còn là bao nhiêu, nó đã vơi đi quá nhiều!"
Có một lúc nào đó chúng ta chợt buông tiếng thở dài. Có chút gì ray rứt buồn bã trong những ngày tháng về chiều đó chăng? Từng sân ga lấp ló xa xa ... Con tàu thời gian vẫn miệt mài chạy về hướng trước. Tàu sẽ lần lượt bỏ chúng ta lại trên những sân ga buồn tênh, hiu hắt bên đường... từng người khách bước xuống và ngoái lại vẫy tay chào trước khi đi vào bóng tối nhạt nhòa, hư ảo.
Tâm hồn hoài cố hay nhắc lại chuyện xưa. Ai đó sẽ nâng niu, trìu mến những hình ảnh, nhiều mẫu chuyện tưởng như vụn vặt xa xăm nay được ta cho chúng 'hồi sinh'. Có người sẽ cho là vô ích và hoài phí thời gian. Người hoài cổ hay nhớ nhung những gì đã mất, chuyện đã rồi âu sẽ hoài phí cái "vốn thời gian" eo hẹp còn lại chăng? Chúng ta chưa chấp nhận thế. Giá như thời gian còn lại, cái vốn eo hẹp kia còn đậm nét cho ta sưởi ấm tâm hồn héo úa, đó là thời gian ta sống lại với quá khứ mến yêu. Có ích gì chăng mỗi khi những lớp tuổi già, bỗng dưng hoang phí chặng cuối của chuyến viễn hành này với những mộng mị hảo huyền, phi thực.
Hôm nay ngó lại mình, ừ ta nay "tóc bạc da nhăn" rồi thì làm sao có một "Hằng Nga" trong mộng? Tình yêu nào tương hợp như thuở thanh xuân để còn chút gì rung động cho trái tim già cỗi?
Có ai đó sống với hoài niệm quá khứ, nay được tô bồi, vun xới để trở về sống cùng hồn người, lúc đối diện với chất thật của chính mình? Thời khắc ta đang trở về, tâm tưởng quy hồi, nâng niu kỷ niệm.
Có khoảnh khắc nào đó của thực tại, dù đôi vai gánh nặng thời gian nhưng bạn và ta sẽ sống lại với cái ta đầy hoài niệm đầy tố chất của tâm linh. Giá trị của thời gian, do những gì đã qua đi vĩnh viễn chẳng quy hồi, những tố chất của sự thật do chúng ta từng mộng mơ rất thật. Cái thuở ban đầu cho bao đứa học trò, biết bao hoài bão cho tương lai chưa tới. Thật vậy, quá khứ là dưỡng chất của ngày qua 'nuôi sống' cái ta già cỗi hôm nay.
Jules Beaulac sinh năm 1933 mất năm 2010, là nhà truyền đạo thuộc giáo hội Quebec, cũng là một nhà văn nhà thơ Gia Nã Đại
Nhà truyền giáo Jules Beaulac từng viết:
Hiện tại hôm nay chẳng khác chi gốc cây tỏa bóng che chở cho ta nhưng chính gốc cây này đã bám sâu vào lớp đất quá khứ, một quá khứ của mộng mơ nhưng cũng đầy trải nghiệm để cho cây đời Hiện Tại của chúng ta vươn lên, vui sống.
"Ce présent est comme un arbre :
il plonge ses profondes racines
dans ton passé tout plein de souvenirs et d’expériences...
No comments:
Post a Comment