Friday, July 14, 2023

NHÓM BẠN H.O. RA ĐI TỪ VÙNG ĐẤT RẪY HÀM TÂN BÌNH THUẬN

 

2/1994 gia đình anh Đăng đang tổ chức tiệc chia tay đi H.O với bà con thôn Cam Bình Hàm Tân  - vc Anh Đăng đang đứng sau lưng tác giả ĐHL. Người viết  ngồi cạnh a Trần Nguyên Nghị và bên phải  là các anh Hùng, a Cẩm  Ngồi xoay lưng lại là các anh đại úy Mạnh, thiếu tá Hạnh (mang kiếng),..


Chợ Cam Bình Hàm Tân 1995

Cùng nhớ về nhau nhóm H.O ra đi từ vùng nương rẫy Hàm Tân Bình Thuận 


Lữ phúc Cam (mất tại San Jose USA, 10.7.2023)

Nguyễn Đăng (mất tại nam California trước khoảng sau 2000)

Nguyễn Mạnh (mất tại Georgia vài năm sau khi qua Mỹ)

Nguyễn (?)Hạnh ( ở xóm ngư Triệu Hải Cam Bình, mất khi mới qua Mỹ) 

Trần văn Hào (ở Georgia USA)

Hoàng gia Độ (nam California)

Hoàng Thỉnh (mất tại Louisiana USA năm 2020)

Nguyễn Xê

Trần nguyên Nghị

Đinh trọng Phúc

Nguyễn (?) Bổn

Cao hữu Khang (mất 6.7.2023)

Trần ngọc Điềm

Nguyễn (?) Huệ (thiếu tá Huệ trước ở xã Tân Thắng Hàm Tân hiện ở khu Checker- San Jose)

 

***


Nhớ về một thuở chương trình H.O. mới ra đời nhóm ‘phó thường dân’ tại Hàm Tân lao xao bận rộn không phải là ít. Nhắc đến Hàm Tân người ta có thể nhớ đến Trại Tù Z30 dưới chân ngọn Mây Tào  lúc đó từ xã Hàm Minh vào đến các điểm dừng xe, Căn Cứ 1 Căn Cứ 2 đều nhớ. Người về từ các trại về Hàm Tân đều mang cái danh là ‘phó thường dân’ có nghĩa là phải đợi một vài năm mới được ‘trả quyền công dân’ làm kiếp dân thường.


Nhóm đi H.O tại các xã Tân Hà, Tân Thiện khá đông. Đa số đều ra Phan Thiết làm giấy tờ. Một thời gian nghe đồn phải ‘chạy dịch vụ’ thế là rủ nhau đôn đáo ra tận Đà Nẵng mà ‘chạy’. Tiếng ‘chạy’ ở đây nghĩa là sao ai cũng rõ. Người viết xin khỏi dông dài vấn đề này. Trong bài viết này, tác giả chỉ mong ghi lại hình ảnh những ngày đợi tin tức H.O tin Thái Lan, tin phái đoàn phỏng vấn và nhất là những buổi gặp mặt nhau “trà dư tửu hậu” bàn tán cùng âu lo.


Từ Tân Hà anh Lữ Phúc Cam và vài người bạn đạp xe đạp lên đến Động Đền, kéo theo anh Hoàng Thỉnh vài ba người nữa lên tận xã Sơn Mỹ. Lao xao bàn tán cũng là chuyện "đi H.O.". Thế là từ xã Sơn Mỹ, các anh Cao Hữu Khang, anh Nguyễn Bổn anh Trần ngọc Điềm, anh Trần nguyên Nghị  … cùng tới nhà thằng em nhỏ tuổi nhất tức là người viết bài này bàn bàn tính tính lo tình hình có đi thật hay không? Bao giờ đi, tại Sài Gòn đang đi H.O mấy rồi vân vân và vân vân. Bên chén trà lạt, gà qué rượu chè chẳng có nhưng ấm áp tình huynh đệ lạ kỳ.  Có thể những ngày đó trở về sau "nhóm H.O" chúng tôi tạm gác cuốc hay có làm rừng cuốc đất cũng làm cầm chừng ...bắt đầu lo chuyện bảo vệ sức khỏe mà đi, do đi là cả tương lai huy hoàng trước mắt dù chuyện đó còn trong vòng tin và không tin, quá hồi hộp nửa mừng nửa sợ nửa nghi nan...


Dưới xã Tân Mỹ, cụ thể hơn là vùng Động Đền, Cam Bình anh Trần văn Hào anh Hoàng Gia Độ hàng ngày không quên bên chén rượu tiêu sầu làm thêm vài bài thơ để lại cho đời trước khi đi Mỹ. Những buổi gặp nhau bên bình trà chế thêm nước sôi vài ba bận tại nhà anh Nguyễn Xê  đang ở xóm Chuối Cam Bình nhưng câu chuyện H.O vẫn chưa hết cơn sôi nổi, ngày nào cũng râm ran sôi nổi



Nhưng Thời gian tiếp theo, số thứ tự H.O đã định hình. Niềm tin của chúng tôi càng tăng thêm. Những H.O đầu tiên đã từ Sài Gòn đã có người đi và đang thành sự thật. Ngay tại Quảng Trị những người làm liều thử thời vận lại đi trong các chuyến đầu này.


buổi chợ quê Cam Bình Hàm Tân 1995 

Thế là chúng tôi bắt đầu tin. Nhớ làm sao anh Trần Nguyên Nghị và người viết cái buổi đi Đà Nẵng làm dịch vụ. Đêm khuya thang vắng khi gà chưa gáy canh đầu hai anh em lặng lẽ đi bộ về đến bến xe LaGi tạm vài ngày từ giã vùng đất rẫy SƠn Mỹ làm chuyến “viễn hành” ra Đà Nẵng. Ai cũng cái thế ‘bị gậy’ lên đường mang theo bao nhiêu hi vọng. Dĩ nhiên niềm hi vọng đó tăng thêm khi đã thành công chạy mượn hai ba chỉ vàng gói kỹ trong người trong một chuyến ra trung. Ngang đây chắc bạn đọc sẽ hiểu H.O mà không 'Dịch Vụ' thì xem như bù trớt hay đợi đến ‘dài cổ’ đó thôi.

 

Chuyện kể tưởng như mới đây mà té ra đã mấy chục năm rồi. Mấy chục năm trong đầu óc người viết cứ lởn vởn hình ảnh những ngày chống cuốc đợi thư từ Sở Ngoại Vụ gửi về, những ngày nhóm H.O chúng tôi cứ gặp nhau bàn tán lo toan. Rồi chuyện ra đi H.O chúng tôi đã là hiện thực. Những buổi tiệc mừng chia tay nhau từ những người ra đi trước. Sắm sửa ra đi, tiệc tùng tiễn biệt mong người đi trước gặp nhiều may mắn nới xứ lạ quê người  và nhất là hình dung cái cảnh ra đi khó lòng ‘gặp lại’. Người trước kẻ sau thế mà chương trình H.O là một sự minh chứng hùng hồn ra đi Mỹ là thực.


RỒI NHỮNG NGÀY VUI MỪNG CÙNG CÁC BUỔI TIỆC CHIA TAY ĐẾN CHO TỪNG NHÀ

Người viết tuy H.O 25 nhưng đi sau cùng do bận sinh thêm liên tiếp 2 cháu là Đinh viễn Dương (1991) và Đinh thị Lâm Thư (1994). Sinh đẻ và bổ túc hồ sơ liên tục từ 3 cháu thành 5 cháu làm sao mà không trễ nãi cho được. Người cậu ruột tên là Võ Bình đang ở San Jose USA cũng liên tục bổ túc hồ sơ cho cháu. Cả nhà nội ngoại gì cũng lo lắng bồn chồn do các buổi tiệc chia tay của các anh nói trên dần dà đi hết.

Nhờ đi sau nên người viết nhận và giữ các cánh thiệp mời LIÊN HOAN LÊN ĐƯỜNG cho đến nay vẫn còn cất giữ trong hồ sơ gia đình...(hình dưới) 

3 thập niên ra đi nếu tính tôi không ưa lưu giữ thì khó mà có được các hình ảnh này 










Người viết trẻ nhất, lấy vợ sau cùng nên chuyện đi sau các anh cũng hợp lý; đó là do phải lo chuyện sinh con đẻ cái mới chậm trễ lại đằng sau. Mấy anh đi trước có người ái ngại lo lắng cho đứa em trẻ tuổi bị ách tắc lại sau. Ai cũng cầu mong cho gia đình đứa em này may mắn. Như  vừa nói trên, từ H.O. 25 trụt lần đi với H.O. 31 nhưng rồi cũng xong, cũng qua được bến bờ tự do 2 vợ chồng cùng đàn con dại 5 đứa.


gia đình ĐHL được cậu mợ đón tại phi trường San Francisco  vào ngày 2.8.1995 


TÂM SỰ SAU CÙNG 

   Đêm nào khó ngủ nằm trằn trọc người viết hay nhớ về cảnh cũ ngưòi xưa đó là vùng đất Động Đền một nơi tuy cơ khổ nhưng từng giúp bao mảnh đời người dân QT qua bao tháng ngày gian nan. Nói đến vùng đất nuôi dân QT mình trong đó có những kỷ niệm khó quên đối với những người tù lỡ vận trở về địa phương với cái cuốc trên vai sắn khoai vui bên người thân và xóm làng. 

Ngày tháng đó gian nan cho  miếng cơm manh áo mà trường ốc cũng thiếu thốn như trong bài thơ của anh Trần Quảng Lượng hay là Trần văn Hào miêu tả lớp - trường vào đầu thập niên 1980 ở một vùng cát ven biển ra sao? 

 

TRƯỜNG HỌC CAM BÌNH

 

Trường học ngày nay nghĩ cũng hay

Khen ai khéo dựng khéo chưng bày

Bốn bề gió lộng, long tai óc

Hai phía trời soi, rát mặt mày

Thu đến mưa sa thềm nước đọng

Đông về gió cuốn mái tôn bay

Qua đây thấy cảnh lòng ngao ngán

Học ở trường này khổ lắm thay!

 

nhà thơ Trần Quảng Lượng 1984


Rồi

TƯỞNG NHỚ NHÀ THƠ VIỆT YÊN hay anh Hoàng Thỉnh



Cùng đồng hương Quảng Trị, cùng cảnh ngộ, người viết đã có dịp gần gũi chuyện trò với nhà thơ khi tay ai cũng dập dìu, bận bịu, bên cuốc bên rìu làm nương phát rẫy để mưu cầu sự sống trong vùng kinh tế mới đất cát bạc màu cùng núi rừng hoang hóa.

Chẳng hạn bài thơ Giữ Dưa của anh Hoàng Thỉnh đã vẽ lên một hình ảnh một hoàn cảnh rất CHUNG của những người từ trại tù cải tạo về lại địa phương sống gần nhau trong cuộc sống cơ hàn...


GIỮ DƯA

 

Nằm bên suối giữ dưa

Lắng nghe nước chảy gió đưa cây rừng

Động lòng nước mắt rưng rưng

Nước đi đi mãi bỏ rừng lại đây

Trăng ngà gác xế về tây

Quốc kêu bên suối đêm ngày quạnh hiu

Bốn bề gió thổi riu riu

Đèn khuya một ngọn hắt hiu giữa trời

Nhắn cùng các cậu làng chơi

Đêm khuya sương lạnh nghỉ ngơi ở nhà

Nơi đây chỉ có mình ta

Cùng non cùng nước chan hòa tình chung

 

 VIỆT YÊN



 

Anh Hoàng Thỉnh sau khi định cư tại Hoa Kỳ (khoảng 1994) nhưng lại định cư tại Louisiana một tiểu bang ít người VN hơn California.

Tuy vậy mỗi lần qua San Jose bắc California để thăm lại bằng hữu, bà con. Vào ngày 2/7/2011, khi qua lại lần hai thăm bằng hữu tại San Jose anh Hoàng Thỉnh mới biết tin gia đình người viết ở tại thành phố này nên vội nhờ người chở tới thăm gia đình tôi. Đối với người viết, những lứa đàn anh qua Mỹ hay tại vùng Cam Bình Hàm Tân nói trên như anh Hoàng Thỉnh đều coi tôi như đứa em H.O nhỏ tuổi nhất. Lần cuối cùng này, nhà thơ đã ưu ái trao tận tay ĐHL tập thơ của anh, như là kỷ niệm của một người bạn vong niên cùng chung chí hướng.


 Thương thay, khi Anh qua đời tại Louisiana vào năm 2020, trong yên lặng do hoàn cảnh địa lý quá xa và Đại Dịch Covid-19  nên ít người nghe tin kịp.



Vừa nghe tin anh Cao Hữu Khang qua đời ngày 6 tháng 7, 2023 tại Colorado thì hai hôm nay người viết lại nghe tin anh Lữ phúc Cam tạ thế ngày 10 Tháng 7 tại San Jose. Ôi cuộc đời quả thật hợp tan mấy chốc. Mọi chuyện tưởng chừng như mới hôm qua, bao hình ảnh cũ, những ngày rộn ràng lao xao tại Hàm Tân nhóm ra đi H.O. chúng tôi bàn bàn... tính tính giờ chẳng còn mấy ai? Tôi ngồi bồi hồi nhớ lại mấy năm đầu tiên, mới qua Mỹ chưa được bao lâu thì các đại niên trưởng như các anh Huệ, Mạnh, Đăng ra đi, nay đến lượt các anh Khang và Cam  tạ từ nhân thế, hai anh đi cách nhau chỉ vài ngày. Tác giả bài này vừa viết vừa tưởng tượng lại vóc dáng cao lớn của anh Cao hữu Khang mỗi khi dăt chiếc xe đạp từ rẫy về; trái với vóc dáng mảnh mai nhỏ bé của chị Khang sáng sáng mang những nông phẩm của chồng đem từ rẫy về, ra bán tại buổi chợ làng Sơn Mỹ, hay chợ Cam Bình dưới con dốc không xa. Tôi lại nhớ anh hình ảnh của anh Bổn, cố gồng lưng hì hục thồ khúc gỗ nặng từ rừng Sơn Mỹ đi ra. Nặng nề quá khi bánh chiếc xe đạp bị ngập trong cát trên con đường ngoằn ngoèo từ rừng Sơn Mỹ về nhà. Rồi mình lại nhớ cho thân phận mình, kiếp "tiều phu bất đắc dĩ" ngày ngày kiếm củi trong rừng mong tiền độ nhật...

dốc Tân Sơn đổ về Cam Bình -con đường kỷ niệm

Chuyện ngày qua nay là chuyện hôm nay, những người còn lại còn may mắn ngồi đếm tuổi đời nay đã hơn bát thập cộng thêm sức khỏe hao mòn...chỉ còn người viết, đứa em nhỏ tuổi nhất nay cũng đã thất thập trên đầu, chứ không còn nhỏ nữa.


Từ ngày đi tái định cư nước Mỹ,  nhóm HO chùng tôi những người rời cái cuốc, cây rìu cùng đám rừng xơ xác tàn tạ, ra đi từ Hàm Tân cho đến nay chẳng có bao giờ được một lần hội ngộ. Nước Mỹ bao la quá, thêm thay hoàn cảnh cách biệt một người mỗi tiểu bang lại thiếu điều kiện này nọ. Ôi nhớ làm sao những buổi gặp nhau ngày đó, những mẫu tin, lá thư hay tin tức quý hiếm từ hải ngoại xa xăm đều là liều thuốc vô giá cho những con người đang cạn dần mạch sống, bao hi vọng đều đặt vào hai chữ H.O...


Ra đi H.O  nói cho thật đúng đó  là vì cứu vớt tương lai con cháu. Phận chúng ta thì đã định rồi, vinh quang gì đâu cho khi mất nước. Trách nhiệm làm trai đối với tổ quốc bất thành thì còn chút gì là vui thú hay vinh hiển nội tâm.


Ôi có ai đó trong đêm nằm nhớ ngày xưa, biết bao nhiêu kỷ niệm trở về. Chút gió hay tiếng giọt mưa nào trong đêm  nếu chúng ta nghe được quả là âm thanh hiếm hoi cho những người đem thân lưu xứ.  Quả vậy, đó là lúc chúng ta nằm buồn trăn trở nhớ bao hình ảnh đã qua. Chuyện H.O. chuyện của những kẻ ra đi nay người còn kẻ mất (mà đa số đã mất), dù sao cũng là định luật cuộc đời. Chân trời góc bể, vọng cố hương đó là giây phút chúng ta vẫn nhớ về nhau, nỗi nhớ da diết về tháng ngày trên vùng đất khổ ./.

 

ĐHL 14 tháng Bảy 2023

edition 19.11.2023 San Jose USA

No comments:

Post a Comment