Saturday, July 8, 2023

NHỮNG CĂN BỆNH TÂM LÝ CỦA NGƯỜI MÌNH KHI RA NƯỚC NGOÀI BAO LÂU NAY


PHIẾM BÀN HAI LÚA USA: SỰ THẬT CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VN TỴ NẠN CS TẠI HẢI NGOẠI

CĂN BỆNH 'TỰ KIÊU VỀ QUÁ KHỨ' và 'LỪA GẠT TƯƠNG LAI' TẠI HẢI NGOẠI


Nếu bạn luôn nói thật, bạn khỏi cần phải ghi nhớ những gì bạn vừa nói ra.

 Mark Twain 

***

 BỆNH 'TỰ KIÊU VỀ  QUÁ KHỨ' LÀ GÌ?

Thưa bạn đọc

    Quá khứ bao giờ cũng đẹp, xưa nay phần lớn người đời đều nghĩ vậy. Do không ai tìm lại được quá khứ nên quá khứ càng quí. Nói vậy, có những quá khứ xấu xa thì người đời cố quên hay nhắc lại để làm gương cho hậu thế.

  Người viết xin bàn về mặt đẹp của dĩ vãng. Dĩ vãng càng đẹp cho  ai sống xa quê huơng. Từ hoàn cảnh ly huơng người ta tìm đến nhau, bao hàn huyên tâm sự hay ôn lại quá khứ .

   Thời gian dần qua, số lần hội ngộ trở nên 'lạm phát', tình đồng huơng, đồng đội …phai dần, rồi tình cảm bớt nồng ấm và những sự kiện nảy sinh.

'Sinh sự, sự sinh' khi đã nhạt phai thì tự ái cá nhân bùng phát mạnh thế là cộng đồng chia đôi, chia ba, hội đoàn manh mún. Chia tay đã đành, ngó mặt nhau chắc 'hiếm'?

    Không chia được thì người ta tìm cớ để chia. Trong những cái 'nguyên cớ' có căn bệnh 'tự kiêu về quá khứ' chỉ muốn binh chủng mình, sắc áo mình là 'hiển hách nhất'? 

-Cùng chung lý tưởng, cùng "màu cờ sắc áo" tuy nay chẳng ai còn gì, nhưng  hội ngộ lâu ngày 'sinh sự'. 

Thế là …CHIA!

  

Trước tiên từng hội đoàn theo kiểu binh chủng. Binh chủng gặp nhau hoài 'cũng chán' lại chia ra kiểu 'trường MẸ' là trường nào? Trong một ngành lại mọc thêm cái hội nhỏ hơn là SVSQ cho nó 'hách':


-'Mấy cha' kia, tuy cùng ngành nhưng đâu phải là SVSQ ? v v


  -Cách nhau bốn thập niên là tình Dân Tộc VN lâu ngày 'phát ngán' chia ra “Đồng Hương” các tỉnh. Đồng hương cùng tỉnh gặp nhau coi bộ đông đúc lâu ngày cũng 'chán' thế là chia hai.  Hay chung vai gánh vác nhiều tầng lớp người  nào 'vai u thịt bắp' nào 'bình dân học vụ'làm mai một đi cái danh 'trí thức' của mình đi? Đâu được!

Thế là “Bye bye”… đâu bằng tụ hội theo danh xưng mấy ngôi trường nổi tiếng của mình năm xưa? 


   Cái bệnh  CHIA ĐÔI, CHIA BA... coi thế mà càng ngày càng trầm trọng. Đâu riêng gì California, các tiểu bang xa như Texas hay xa hơn nữa bên Canada bên trời Úc trời Âu cũng thế. Xa quê huơng, từ chung một DÂN TỘC đã chia thành TỈNH. Từ TỈNH lại chia thành trường …Mà đã hội ngộ theo trường thì chẳng bao giờ tới với các chú bác ông bà vì họ đâu được đi học các trường 'danh giá' như họ. Thế là thói 'hợm hĩnh , tự kiêu' về quá khứ được dịp 'phát triển' , tính khiêm cung bị tiêu ma không biết khi nào?

Chúng ta hãy nhớ


NHỚ VỀ QUÁ KHỨ KIÊU HÙNG LÀ NHỚ VỀ NHIỆM VỤ CHƯA THÀNH. NỖI NIỀM TRĂN TRỞ VỚI TỔ QUỐC VỚI ĐỒNG BÀO. NHỚ VỀ QUÁ KHỨ LÀ NHỚ VÀ MẶC NIỆM CHỨ KHÔNG PHẢI 'CÂN ĐAI ÁO MÃO' NĂM XƯA

Có những buổi lễ tưởng niệm người viết quả thật rất khó thông cảm hay thông hiểu khi thấy có những cá nhân mang luôn 'cấp bậc' ngày xưa của mình? Điều này quả khó coi và sai hoàn toàn. Phải chăng qua đây, những cá nhân này đang mắc chứng HOANG TƯỞNG hay VĨ CUỒNG 


* "TỰ KIÊU   về quá khứ' trong 'tiếm danh' ? 
Nhà binh khi sang xứ người, lạ quá sao có số người' tự phong'  lên một cấp?  dù thời đó đang khi "dự tranh, chạy điểm" cũng tự động nâng lên một cấp? Trong hình treo phòng khách, có người lại vẽ thêm 'lon' vào ve áo cho nó 'hách'?  Sau này H.O qua đông, thì họ từ từ 'tự giác' dấu đi do sợ bị  'lật tẩy'.  Lạ quá, mỗi lần gặp nhau lại cứ thản nhiên kêu cả cấp bậc chức vụ người nghe cứ tưởng như đang “SỐNG LẠI QUÁ KHỨ” không biết lúc nào?

-Dạ thưa Đại tá…thưa thiếu tướng v v

cái này không được chút nào. Nước chúng ta mất rồi, chế độ chúng ta sụp đổ rồi sao lại có cách xưng hô như thế?

Rồi mấy ông cựu tá cựu tướng cũng ‘im lìm’ luôn do họ nghe cũng ‘khoai khoái’ chút nào mặc dù đó là điều tối kỵ cho một quân nhân có lòng Tự Trọng. 

Giờ nói qua chuyện đi học tại xứ người...

Phất phơ một năm, ghi danh cho có cũng 'vỗ ngực' cho mình là dân 'đại học', không phải là sinh viên học sinh cũng xưng “Học Đại” thế mới kỳ?

THÓI "ÁO THỤNG VÁI NHAU" 

Lớp người đã qua được xứ người nhưng lại mãi sống trong hoang tưởng. Họ ngồi trước Computer tưởng tượng thế giới thu nhỏ vào trong bàn phím hay vận nước đang nằm trong trí tưởng tượng của họ. Chứng hoang tưởng này cũng lừa được một số người dù họ vẫn có bề dày tuổi tác và kinh nghiệm chiến tranh đau khổ tù đày...

Hoang tưởng và hám danh vẫn lấn át lý trí cùng hoàn cảnh thực tế cho họ. Chức này vị trí nọ, bộ này ngành kia ngập ngụa trong các nhà hàng cho họ 'hốt tiền'. Thói 'áo thụng vái nhau' từ đây cứ sinh sôi nảy nở cho mấy cụ còn mơ mơ màng màng không biết mình ngang đâu và tình hình thực tại ngang đâu? 

Mơ màng như thế thì chỉ làm giới trẻ hay dư luận đồng bào đồng hương càng lúc càng ngao ngán. May thay không ai chạy thoát được với thời gian. Lớp già hoang tưởng này 'áo thụng vái nhau' dựng nhiều vở kịch như trong tuồng hội chỉ một thời gian thôi. Họ từ từ giã biệt cõi trần mang theo trong người bao nỗi hận thiên thu do 'bệnh hoang tưởng' mà họ tự tạo lấy.

THÓI XA RỜI BÀ CON, TÁCH RIÊNG TRONG ‘ỐC ĐẢO TRÍ THỨC DỔM’
Ngày xưa nước ta là thuộc địa Pháp, nền văn hóa là văn hóa thuộc địa, sau này phôi thai trong thời Cộng Hòa không được bao năm. Cơ may hiện tại đang ở trong một xã hội văn minh, khách quan là phải hơn xưa. Nhưng vẫn cố chấp cho xưa là "nhất' không chịu mở mang tầm nhìn, đó là hội chứng 'thủ cựu'. Nay lại tách rời chú bác đồng huơng. không còn đi chung với bà con làng nước sợ 'ngang bằng đẳng cấp' ? chối bỏ hiện tại cũng là nguyên nhân của bao đụng chạm hay là tự cao không đáng.

*Chối bỏ quê quán nguồn gốc 

    Nay xin bàn thêm chuyện trớ trêu do lại có người chối bỏ gốc tích quê quán do sợ mang tiếng hay biết mình xuất thân từ 'quê nghèo , thô lậu' . Trong máu họ vẫn còn chất "quê miềng ' nhưng đi đâu cũng chối không dám nhìn, lâu ngày người qua đông cũng bị phanh phui ...'té ra là người... 'quê miềng ' hỉ ?
   Đó là chuyện một đôi người thôi. Nhưng mỉa mai thay có luôn cả "làng" người ta biết hết gồm cả mấy họ xuất xứ từ đâu, người ta còn nhớ là họ nào tại QT, di dân vào tỉnh khác, xa xăm gì cho cam? Sao không tìm ra nguồn gốc tự 'vỗ ngực' mà xưng danh chúng tôi là gốc QT! "Cây có gốc, suối có nguồn"? Nói giọng thì đặc 'quê miềng ' nhưng lạ thay!  họ không bao giờ 'nhìn nhận' quay về với đồng huơng, lại xin xỏ, tốn kém, bám đuôi theo  HỘI NGƯỜI ta? Thế mà lạ, người ta chẳng ai chào hỏi do tiếng nói 'đặc sệt', dễ gì người ta xem mình là đồng quê đồng gốc được? Mình có chối bỏ, cũng không gột bỏ được sự thật:
 "Quê miềng" có trong huyết quản, luân lưu trong người, chất giọng, mãi hoài là những sự thật không thể nào chối bỏ hay rứt ra cho đặng?

THÓI 'BƯƠI MÓC' NÓI XẤU NHAU 

Đồng hương càng đông càng có nhiều dịp tụ hội. Hội ngộ cộng đồng, đình đám lễ hội, gia đình thân hữu, sinh hoạt tôn giáo có dịp cho bà con gần nhau. Qua xứ người thói xưa bơi móc đời tư đặt điều lại phát sinh mạnh thêm. Hội họp gặp nhau, hay quán cà phê rảnh rỗi lại bắt đầu nói chuyện người khác. Trong chính trị có khi lại mạnh thêm cái bệnh 'chụp mũ' một thứ bệnh gây đau khổ oan trái cho bạn hữu đồng hương nhưng chẳng mấy ai bỏ bớt? Ai không đồng ý hay nói không a dua với mình thì chụp ngay cho "cái nón cối" thật to gây hoang mang đau khổ cho người đối lập. Ngay cả chốn thiền môn sư thầy cảnh báo đạo hữu tăng chúng chớ nên thế nhưng chẳng ai bỏ bớt mới lạ kỳ, chứng này càng lúc càng nặng? Chấp tay niệm phật nhưng cái tâm chẳng tu?  Nơi thiền viện đâu phải chốn 'tụm năm tụm ba'? Dư luận tạo thế lực, ngay đi chùa để hướng tâm với Phật thế nhưng vẫn 'phân biệt chùa thầy?' chỉ cần ủng hộ hay không là thầy ' sẽ NO hay ĐÓI'!'


CỘNG ĐỒNG CHIA ĐÔI CHIA BA MANH MÚN-CUỐI CÙNG ĐỒNG HƯƠNG VN ĐỀU THIỆT THÒI

Từ sự cạnh tranh hay hơn thua nhau về vai vế hay chức sắc hay tranh luận phải trái hơn thua trong cộng đồng đưa đến sự chia rẽ càng lúc càng trầm trọng. 

Người Việt hải ngoại càng lúc càng đông đáng lý phải có tiếng nói hay vị trí quan trọng trong chính trường Mỹ hay các nước khác có người VN đông. Hậu quả chia rẽ lại đi đến một hậu quả thiệt thòi to lớn về chính trường là "MẤT PHIẾU"?! 

Thế là các vị trí đại diện tại thành phố, quận, khu  và ngay cả quốc hội tiểu bang và liên bang càng vắng tên nghị viên hay các chức vụ khác dần dần? 

Đây là một kết quả tiêu cực quan trọng nhất cho người VN hải ngoại nhất là cho cộng đồng Tỵ Nạn CS tại Mỹ?

Cái đáng buồn sau những trận 'bão' tranh đua giành giật và các vị trí nói trên mất vào tay người khác sắc dân khác trong lúc lá phiếu người VN lại đông hơn họ mới là điều oan trái?

Nhưng rồi chuyện đáng buồn rằng: chẳng thấy mấy "Ông Bà" nào dám can đảm nhìn ra lỗi lầm này với đồng bào cả?


 THÓI 'LỪA GẠT TƯƠNG LAI' LÀ GÌ?

Đó là chuyện 'tự cao về quá khứ ', chuyện 'qua mặt tương lai' có hay không? Có đấy thưa quý bạn đọc. 

Thủ thuật này thế nào? Dễ lắm , 'mập mờ chữ nghĩa' để bà con hiểu lầm. Hiểu lầm này làm tăng thêm uy danh cho mình. Thí dụ có kẻ tự nguyện  'xách cặp' cho một vị dân biểu nào đó, dĩ nhiên khi tự nguyện thì khỏi trả lương ai mà không chấp nhận, cố tình cho thiên hạ lầm mình đã leo lên 'nấc thang chính trị'ở xứ người ? Hào quang phải tự mình tỏa sáng chứ không nên 'nương nhờ ánh sáng' người khác để tỏa sáng cho mình. Khi ta đứng cạnh một tổng thống, một dân biểu nhưng không hẳn ta ngang hàng với tổng thống hay dân biểu. Đó là cái thói thấy kẻ sang bắt quàng làm họ” đó mà.  Mấy chục năm tới nước văn minh cũng còn người mang tính này trong máu?.

   Nói đến sự 'mập mờ chữ nghĩa'  trong bán buôn lươn lẹo, thấy nước người ta phát triển tế bào gốc cũng mượn uy tiếng 'STEM CELL' bỏ vào tên thuốc, sau khi sửa vài chữ cái cho thiên hạ lầm để mua 'ào ào'; hoăc giả quảng cáo giải thích căn bệnh nguồn bệnh rất hay cứ bê ngay bài vở người ta vào mà quảng cáo, nhưng thuốc bên trong 'bột sắn bột mì' ai biết được? Cái thủ thuật mấy vị này bán rất cao gía vừa mau giàu vừa người mình dễ tin thuốc "tiên' vì một lọ từ 45 tới 60 thậm chí tới non cả 100 đô la ai mà ngờ chất liệu bên trong dù có tốt cũng không giá trị tương đồng?

   Ngang đây phải bàn thêm thói 'lươn lẹo ' chữ nghĩa; ngày xưa người mình rất khiêm cung, đông y sĩ thì họ xưng là đông y sĩ.  Hiện nay hải ngoại ai cũng Bác Sĩ hết trơn' ? tất cả lọ thuốc đông y đều là  bác sĩ ? Tên này ngày xưa không thấy trong nhản thuốc đông y bao giờ cả ? không biết hai chữ cái mập mờ BS –doctorate  degree- ở trường đại học y khoa nào tại hải ngoại ?

 Giờ người viết xin bàn thêm thói 'cáo mượn oai hùm' , mập mờ chữ nghĩa ở đây , lấy thí dụ câu này 'đang công tác tại đại học X" chà bà con mình tại quê nhà mừng rơn ; Ông Hai cho 'chút mắm':

-Thằng Mít bữa nay làm tại đại học X rồi'

Thế là Bà Hai thêm 'chút muối' :

-Thằng Mít dạy tại đại học X bên Mĩ rồi

Tiếng lành đồn xa, té ra Cu Mít chỉ làm lao công tại đó!

Ởm ờ chữ nghĩa cần phải nói đó cái mánh cố ý nói không cụ thể, 'hơi thiếu một xíu', ví dụ đi dạy 'bình dân' - tờ i ti - cho con nít bên này biết thêm chút tiếng 'mẹ đẻ' (VN) khi con em VN cao ngồng, mắt đen mũi tẹt mà một chữ VN cắn đôi không biết thì 'ốt dôột' (hổ thẹn) với bà con bên này!  
Thế là người ta 'phết' vào “công tác ‘giảng dạy’ tại Hoa Kỳ' ? Ông Hai bên nhà lần nữa 'lỗ mũi phồng to như trái cà chua' :

   -Má mầy nghe chưa? Con Năm Ruốc bữa nay dạy học bên Mỹ rồi!

Bà Hai lần nữa phóng đại với hàng xóm:

-Con Năm Ruốc bữa nay nó dạy đại học ở bển rồi dì Tư à!


Cố tình bỏ bớt vài từ hay thêm vài từ để 'đánh lừa' người đọc dĩ nhiên mục đích là tôn vinh mình lên nhiều CẤP' .
ví dụ: Community College là Đại Học Cộng Đồng dành cho nhiều cấp độ học. Bằng cấp (degree) mãn khóa chỉ hai bậc AS (Asociate Science) hay AA (Asociate of Art) tức là bằng Cao Đẳng (cao hơn trung học nhưng dưới cử nhân BA, BS).  Dùng mập mờ bỏ đi hai chữ Cộng Đồng còn lại Đại Học X hay Đại Học Y nào đó thì người đọc có thể lầm là University tức là đại học chính thức?

   Sơ lược vài căn bệnh kể ra trên,  quan trọng nhất là căn bệnh 'chia rẽ';  thứ đến là háo danh hay 'mượn danh', 'mập mờ chữ nghĩa' 'đánh lận con đen' ...là những thứ sau này lại nương vào hệ thống truyền thông hải ngoại nên 'lây lan' khá mạnh.

  Mới đọc có thể để thẳng thắn nhìn ra những sự thật chua chát thay cho nhiều lời giả dối lấp che. Dù sao chăng nữa, chúng ta suy lại đây là chuyện đáng bàn. Sau hơn bốn mươi năm ly huơng, chúng ta đang được hào quang của những thành công nơi xứ người che mất  căn bệnh "tự kiêu về quá khứ' hay chứng 'lừa gạt tương lai', những thứ chúng ta nên phanh phui và dẹp bỏ./.


HAI LÚA USA  

1 comment:

  1. NĂM NAY CITY SAN JOSE KHÔNG CHO CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT CHÀO CỜ ĐẦU NĂM DO SAO? CỘNG ĐỒNG VN TẠI SAN JOSE MẤY NĂM NAY CHIA RẼ NHAU TAN HOANG KHÔNG CÒN LÀ MỘT TẬP THỂ ĐOÀN KẾT CHO NGƯỜI MỸ HỌ O BẾ (LÁ PHIẾU) CHIA RẼ ĐẾN NỖI KHÔNG AI ĐẮC CỬ NGHỊ VIÊN DO TÌNH TRẠNG CHIA PHIẾU. CHIA PHIẾU LÀ HIỆN TƯỢNG CỦA NGƯỜI VN KHẮP NƠI HẢI NGOẠI. NGƯỜI VN HẢI NGOẠI BIẾT CHIA PHIẾU LÀ THUA NHƯNG CÁI SÂN SI KHÔNG AI CHỊU NHƯỜNG AI CHO ĐẠI CUỘC ĐÂY LÀ CÁI NGU SI ĐÁNG TRÁCH
    NHẤT

    ReplyDelete