Tìm đâu những ngày thơ ấu qua?
Tìm đâu những ngày xinh như mộng?
(Những Ngày Thơ Mộng/ Hoàng Thi Thơ)
(Những Ngày Thơ Mộng/ Hoàng Thi Thơ)
***
thân tặng bạn Lê xuân Hùng, Stanton nam California
Lớp VỠ LÒNG chúng tôi là mái trường nho nhỏ chẳng xa phố chợ Quảng Trị chút nào. Mấy đứa tôi lại "xuất thân" từ Phường Đệ Tứ, nói cho cùng cho đến nay chưa đứa nào quên được hình ảnh ngày cùng 'tốt nghiệp vỡ lòng' tại nhà thầy Bồi, vị hương sư trong cái xóm nằm phía sau Chùa Tỉnh Hội.
vợ chồng bạn Nguyễn văn Bốn xóm Cửa Hậu thành cổ
Khoảng Hè năm 1959, gần nhập học lớp năm (lớp một), nên được cha mẹ đem tới nhà Thầy xin làm quen với "sách vở bút nghiên" hơn là ở nhà chuyên trò chơi đánh bi, đá dế hay là đánh căng, ù mọi... Tuy nhà Thầy nhận dạy lớp "vỡ lòng" nhưng lại kèm luôn các học trò lớp hai, lớp ba, trong dịp hè về.
Tiếng là Đi Học, thế mà lũ chúng tôi lại bận quần đùi (quần short). Riêng tôi, hàng ngày đi từ Cửa Hậu (Cửa Lao Xá) lên tận Xóm Heo do nhà Thầy ở ngay giữa xóm. Từ lớp này, tôi kết thân thêm mấy đứa bạn. Hôm nay hơn năm mươi năm sau, thế mà tôi tin nhắc lại cái tên "Trường Thầy Bồi", chắc chắn nguòi dân cố cựu phường Đệ Tứ phần đông đều nhớ. Hơn sáu thập niên qua đi, thế mà tôi vẫn nhớ hình ảnh người thầy, lớp tuổi trung niên người tầm thuớc, chắc nịch hay bận chiếc sơ mi ngắn tay. Cái roi mây luôn cầm nhịp sẵn trong tay, làm đứa nào cũng sợ uy thầy. Nhà thầy ở sâu trong xóm, thông với căn dưới khá rộng. Căn nhà dưới tuy vậy cũng đủ chỗ cho cả chục chiếc bàn dài, khá ọp ẹp lại loang lỗ dấu mực. Nền đất láng bóng do những bàn chân trần của lũ học trò mãi chạy tới lui. Tiếng mấy chục đứa học trò, nghịch ngợm, ồn ào, cuời nói huyên thiên. Chúng tôi tuy hoang phá lung tung, nhưng chẳng đứa nào dám héo lánh lên nhà trên
Lớp bạn chúng tôi vỏn vẹn mấy đứa. Thầy có hai con trai ngang lứa chúng tôi- Đại Anh và Đại Em. Những đứa bạn phải "đồng song" như Hùng, Vinh, Hiếu, Lợi, Thương ... chúng tôi sẽ 'tốt nghiệp' vỡ lòng tại nhà Thầy. Có điều lạ, tôi không nhớ có học trò con gái học tại đây hay không? có thể 'sự nghiệp học hành' con gái không quan trọng chăng, chuyện này phải hỏi các bậc cha mẹ chúng tôi mà thôi.
tác giả và người bạn thân là Lê xuân Hùng- hai đứa bạn từ thuở ấu thơ Thôn Đệ Tứ thị xã Quảng trị
Museum Midway Aircraft Carrier San Diego @ Fourth of July 2023
tại nhà bạn Hùng 2.7.2023 - anh Trần chí Hiếu (áo sơ mi trắng) chụp tấm hình kỷ niệm tại nhà bạn Hùng; không ngờ lại là lần cuối cùng gặp nhau, anh Hiếu đã mất vào ngày 9.10.2023 tại tư gia -dnam California
===================
Chuyện KHÁ LÝ THÚ và BẤT NGỜ khi người viết về thăm Nam California trong dịp July Fouth 2023 năm nay
ÔNG THỐNG ĐỐC GỐC QUẢNG TRỊ CỦA ÚC CHÂU CÓ PHẢI LÊ VĂN HIẾU NĂM XƯA ĐI TỪ 'XÓM HEO' HAY NGƯỜI VIẾT 'THẤY KẺ SANG BẮT QUÀNG LÀM HỌ' ?!
Hôm nay dịp July Fourth 2023, vợ chồng tôi từ San Jose cùng đồng hương QT đi về Nam Cali chơi trong dịp Đồng Hương QT Thế Giới Hội Ngộ gặp được Lê xuân Hùng, hắn đoan quyết với tôi rằng "thằng lê văn Hiếu xóm Heo" ngày xưa sau năm 1975 tỵ nạn qua Úc chính là toàn quyền gốc VN đầu tiên.
Mà quả thật về điều tra lại trên mạng online nói rằng ...
Sinh năm 1954 tại Quảng Trị, Lê Văn Hiếu mồ côi cha từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp trung học tại Đà Nẵng, ông theo học tại Trường Chính trị Kinh doanh, Viện Đại học Đà Lạt. Vào tháng 11 năm 1977 ông là một trong số thuyền nhân tị nạn tránh chính quyền cộng sản bằng cách dùng thuyền sang thẳng tới Darwin (Úc).Tại Úc, ông tốt nghiệp cử nhân về kinh tế và kế toán cũng như bằng cao học về Quản trị kinh doanh (Master in Business Administration - MBA) từ Đại học Adelaide. Ông là thành viên của Hiệp hội Kế toán gia Úc (CPA) và là thành viên của Học viện Dịch vụ Tài chánh Úc (Financial Services Institute of Australia hay Finsia). Ông là giảng viên tại Học viện Finsia cũng như Học viện Cao đẳng TAFE Adelaide, Đại học Nam Úc và Đại học Adelaide về các môn phiên dịch và luật kinh thương. Sau một thời gian làm việc cho Văn phòng Thuế vụ Liên bang Úc, ông được bổ làm Quản lý Thanh tra (Manager of Regulations) của Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán Úc (Australian Securities and Investments Commission - ASIC), có nhiệm vụ giám sát thanh tra công ty, thị trường đầu tư và chứng khoán Úc (wikipedia 4.7.2023)
source:
Linh tính cho tôi mường tượng rằng nét mặt "ông thống đốc Hiếu" này chính là nét mặt của thằng Hiếu năm xưa. Dù thời gian hơn nửa thế kỷ qua đi tôi vẫn thấy nó hao hao nét của thằng bạn. Cái lưng nó khòm khòm nét mặt lạnh lùng ít ồn ào...
Ôi nếu đúng là thằng Hiếu năm xưa thì lại một lần nữa, tôi không quên được chuyện cái tánh cộc cằn của hắn. Những ngày lớp con nít như thế, hắn chuyên 'trọi' (cú) hay 'bẹo' ( tức véo tiếng bắc) vào lưng tôi đau đến điếng người. Cái ngòi viết mực có cán gắn lưỡi viết chấm mực đằng đầu, có bữa hắn làm 'một phát' vào đùi thằng Thương ... ngang đây tôi nhớ thằng Thương, tướng 'cao cao' dáng đi thì hơi 'niềng niệng' nghĩa là không thẳng, nước da thằng Thương đen đúa. Thằng Thương hắn cũng biệt tăm từ thuở nhỏ, tôi không biết hắn ở phương trời nào? Gặp bạn Lê xuân Hùng tại Nam Cali, nghe tin Thương đã mất từ trước 1975.
Xóm Heo hay nói chung phường Đệ Tứ của tôi có nhiều đứa đi biệt tăm nhất là giã từ bậc tiểu học lên trung học mỗi đứa một nơi. Có thể cái trường trung học công lập chỉ có duy nhất một trường Nguyễn Hoàng và có đứa phải theo gia đình tha phương sinh sống vào Huế, Đà Nẵng vô nam làm sao tuổi thơ chúng tôi có điều kiện theo dõi...
Về nam Cali dự đại hội Quảng Trị, tôi nghe Lê xuân Hùng đoan quyết đầy tin tưởng rằng nhân vật toàn quyền đó "chính là Hiếu", về nhà tôi mới lục lại trên Internet. Như thế sau thuở ấu thời thằng Hiếu đi biệt tăm, té ra Hiếu vào Đà Nẵng cho đến tháng Tư 1975. Tôi nhìn tới trông lui, mặt ông toàn quyền Hiếu Quảng Trị sao hao hao giống cái mặt 'thằng Hiếu' ngày đó chuyện 'bẹo' lưng mình...dù thời gian hơn 60 mươi năm rồi?
Viết thì viết vậy thôi, người viết chẳng muốn quyết tâm tìm tòi liên lạc thêm với ông Hiếu Toàn Quyền gốc Quảng Trị làm gì nếu chẳng muốn mình là kẻ "thấy kẻ sang bắt quàng làm họ" mà có ai nhận được tin này lại dò hỏi tìm bạn bè lại đâu? thời gian phôi pha , tâm lý con người cũng nhạt nhòa theo làm sao giống thời con nít được.
==========================
*
Chúng tôi tới lớp, vào nhà thầy, phải qua một hai lò sát sanh này, nhưng đối vói chúng tôi thuở nhỏ chẳng ai quan tâm chỉ mong mau đến nhà Thầy 'nghịch phá' vui chơi. Thầy, tiếng là cầm roi mây, nhưng ít ai ăn đòn của Thầy.
Tôi nhớ hàm răng đen của vợ chồng Thầy, lại nhớ đến gánh cháo lươn, sinh kế chính trong gia đình. Chúng tôi có dịp thưởng thức món cháo lươn nhờ vào buổi tiệc chia tay tổ chức tại nhà của thầy. Ngày đó đứa nào cũng xin mạ cho được ba đồng góp vào buổi tiệc nói trên. Ngoài bánh kẹo ra còn có món cháo lươn, là món chính trong buổi tiệc mặn. Trong xóm không kêu vợ thầy là 'cô' lại kêu là Mụ– “ Mụ Bồi bán cháo lươn” thôi. "gõ đầu trẻ" là nghề tay trái của thầy, duy gánh cháo lươn mới là sinh kế. Ngang đây người viết có dịp nhắc đến món lươn um, luôn đi cạnh nồi cháo thơm lừng. Thức ăn trong "tiệc liên hoan" được dọn lên trên mấy cái bàn dài hoen ố vết mực. Từ giã lớp thầy, chúng tôi chuẩn bị gặp nhau sau hè vào đầu niên học của trường Nam Tiểu Học.
*
Thế là tôi xa cái lớp vỡ lòng, ồn ào, trong cái xóm nhỏ. Sau hè 1960, tôi được nhập học Trường Nam Tiểu Học QT. Một khoảng không xa, từ Phường Đệ Tứ lên khỏi vài cột đèn, tính từ đầu đường Trần hưng Đạo là đến cổng phụ của trường phía đường Trần hưng Đạo. Ngày khai giảng, thật là một "sự kiện" đậm nét trong đời- nào giấy tờ khai sinh, hộ tịch, nào chầu chực nộp đơn, chờ kết quả. Ba tôi làm xa tận quận Ba Lòng nên mẹ tôi lo lắng chu toàn. Ngày tựu trường, tôi được mặc cái cụt treo bằng vải kaki xanh, áo trắng, đồng phục. Tôi níu tay mẹ, tưởng như đi tới thế giới xa lạ nào đó không bằng. Những ngày vui vẻ, hồn nhiên dưới mái nhà thầy Bồi tôi bạo dạn chừng nào, thì nay tôi nhút nhát chừng đó. Tôi vào lóp rồi, mẹ tôi còn ngồi lại tại cổng trường, đợi con trai về trong ngày đầu nhập học. Tôi ghi nhớ hình ảnh hai bà mẹ, bận áo dài ngồi đợi co nói chuyện với nhau trước cổng trường chính hướng ra bờ sông tức con đường Gia Long ngày đó.
Trường Nam tiểu học có dãy trường chính khang trang gồm mấy lớp. Lớp Năm C của tôi, sao to lớn, lạ lùng. Nhũng chiếc ghế riêng cho từng em, có nắp bàn lật lên xuống được, những túi kẹo bi, đồ chơi xanh đỏ treo trên vách tường. Cô Lớp năm trường công đầu đời của tôi là phu nhân của thầy Thái Mộng Hùng. Giờ này các vị, lớp thầy cô chúng ta hầu hết đã về với lớp người thiên cổ. Ngay chúng ta giờ đây cũng người còn kẻ mất, huống gì là các bậc phụ sư.
Học tại trường Nam Tiểu Học chính gần bờ sông được một năm, lớp tôi lại dời qua học tại Trường Nam Cửa Hữu- một dãy trước cổng thành Đinh công Tráng. Đây là trường phụ nên chỉ là một dãy nhà lợp tôn ngó ra đường Phan đình Phùng. Trường có bốn lớp và một văn phòng nhỏ ở đằng đầu. Tôi nhớ cái kính lão của Thầy Biền. Thầy vừa chấm bài vừa nhướng mắt ngó xuống lớp- tiếng thước thầy gõ đôm đốp lên mặt bàn. Tôi không quên hàng cây nhãn trước sân. Mấy cây nhãn tuy cao nhưng chẳng bao giờ thấy trái. Tôi nhớ cái kẻng thay trống làm bằng thanh sắt đường rầy. Tiếng kẻng ra chơi là lúc chúng tôi chạy qua căn nhà giặt ủi bên hông trường mua duy nhất một thứ kẹo xóc.
*
*
Lên được lớp nhất, chúng tôi được qua lại trường Nam chính. Lớp Nhất C của tôi được thầy Khánh coi dạy. Thầy Khánh (tôi không có cơ hội biết họ) người Huế, có giọng nói dịu dàng hiền lành làm sao. Lạ một điều, mặt Thầy hay đỏ gay nhất là khi thầy nói. Thầy Khánh ra dạy trường Nam chỉ một vài năm gì đó thôi...
Có một lần Thầy Khánh đi đâu tạt qua xóm Cửa Hậu. Thấy tôi đứng phụ bán quán cho mẹ, thầy ghé vào thăm. Tôi vẫn nhớ hình ảnh thầy cười hiền lành, lại khen tôi có khiếu về văn. Thế mà lời khen của thầy sao "linh" thật? Năm 1965, tôi đậu vào lớp đệ thất Trường Nguyễn Hoàng căn bản lại nhờ vào bài luận khá nhiều. Nhưng lạ một điều, lên đệ Nhị Cấp tôi lại xin vào ban B và cuối cùng lên lớp 12, do tôi ôm mộng y khoa Huế nên chuyển qua ban A.
Chuyện năm lớp nhất tôi có nhiều bạn cùng phường như Lê xuân Hùng, Nguyễn văn Bốn, Trương Sừng, Trần Tài, Trương Lợi (còn là liên toán trưởng của lớp tôi), Nguyễn kim Long... những đứa bạn trên phố như Hồ đại Đường, Trần chính Nghĩa, Hồ đắc Lễ, Lê Cảnh Dỏ, Trương sĩ Dũng, Hoàng Đạo... tôi nhớ về Đạo do bạn có giọng bắc rất đúng thầy Khánh hay kêu Đạo lên đọc chính tả cho cả lớp viết. Còn nhiều đứa bạn khác nhưng tôi chỉ nhớ tên không nhớ họ do có khi nào gọi nhau luôn cả HỌ bao giờ...
cuối năm 2013 giáp tết 2014, thầy Lê hữu Thăng cùng một số đồng môn Nguyễn Hoàng tới thăm Hồ đại Đường bị tai biến nhẹ tại Sài Gòn. Bạn Đường đã mất năm ngoái
Hoàng Đạo làm "dân Sài Thành" từ lúc nào chẳng ai hay.
Trường Nam QT bước sang năm 1965 đã được xây thêm nhiều dãy mới. Lớp Nhất C quay lưng với Ty Tiểu Học. Sau ông Lê Hành có ông Hoàng văn Ngũ có con gái là Hoàng Như Huy bạn cùng lớp với vợ chồng chúng tôi.
ngày 2.7.2023 vừa rồi ĐHL về nam Cali nhưng chỉ gặp được Sừng qua Facebook, Sừng lại nằm yên trên giường do vừa đi chữa tim mới về nhà. Từ 1972 tới nay người viết mới thấy được Sừng nhưng chỉ qua mạng mà thôi. Sừng cũng nối gót ra đi theo người thiên cổ vào cuối tháng 1 năm 2024 tại Texas
Nguyễn Kim Long khung trời Bình Dương 2017- bạn Long sau này học chung cho đến năm lên lớp đệ tứ
Thời gian này những học sinh đủ điểm thì miễn thi tiểu học có cấp chứng chỉ tạm thay bằng tiểu học. Nhắc lại trường Nam Tiểu học Quảng Trị, tôi không muốn bỏ qua hình ảnh mấy cây ngô đồng đầy gai nhọn nhưng trái khô rơi xuống lại giúp chúng tôi làm bánh xe đồ chơi. Mấy cây ngô đồng trong khuôn viên trường Nam ngó ra con đường nhỏ nối hai con đường Gia Long và Trần Hưng Đạo, con đường đìu hiu không ai còn nhớ tên. May thay sau này nhờ nhóm Đồng Môn Nguyễn Hoàng trên Facebook vẽ lại sơ đồ thị xã mới nhớ đó là đường Cao Thắng. Người viết khó lòng quên hàng cây dương cùng mấy cây phượng vĩ cổ thụ hai bên con đường Gia Long bên bờ sông Thạch Hãn im vắng. Cổng trường chính lại nằm phía con đường Gia Long, ít kẻ vô ra nên trường Nam còn có thêm một cổng thứ hai ngó ra con đường Trần Hưng Đạo đông học trò vô ra hàng ngày.
*
Mẹ tôi nay đã đi xa về miền miên viễn, duy quá khứ thuơng yêu trong ngày đầu tiên NHẬP HỌC mãi khắc ghi trong lòng tôi. Hình ảnh ngôi trường đầu đời và lũ bạn mến thương vẫn mãi còn trong hoài niệm. Ôi nhớ lắm kỷ niệm êm đềm một ngày đầu thu mẹ tôi nắm tay con dẫn đến Trường Nam Tiểu Học. Đó là một dấu ấn khắc ghi, một bước ngoặc cuộc đời cho tương lai phía trước của đứa con trai. Từ ngày đó, dấu chân nhỏ bé của một thằng bé ngày hai buổi đi về trên con đường Lê văn Duyệt thân quen hòa nhịp với tiếng cười đùa vô tư của lũ bạn thân tình.
Ngày Đầu Đi Học của Thanh Tịnh là hình ảnh " lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bac..." đó là cảm nhận của một nhà văn chuyên nghiệp. Riêng tôi thì không. Dù sao tôi vẫn tin rằng, ngày đó là một ngày cuối thu, tháng chín, năm 1960. Hình ảnh lưu luyến và thuơng hoài trong tim - mẹ tôi áo dài trang trọng, còn tôi thì đồng phục chỉnh tề trong NGÀY ĐẦU NHẬP HỌC ./.
Đinh hoa Lư
edition Lễ Độc Lập Hoa Kỳ
4.7.2023
No comments:
Post a Comment