(bài này rất mong sự góp tin thêm của bạn đọc, xin cám ơn)
ĐHL
*
TRONG dịp tham dự Đại Hội Thế Giới có tên "Quảng Trị Mảnh Đất Tình Người" tại Nam Cali, khi người viết đang lay hoay tìm bạn bè, chợt có anh Đoàn Trọng xướng ngôn viên kiêm ký giả của Đài Truyền Hình Saigon Entertainment Television (SET) từ ngoài kia bước nhanh vào tìm tôi. Gặp tôi, anh Trọng hỏi một câu khiến tôi rất bất ngờ...
- Ô thưa anh, anh là Phúc, anh là gì của anh Võ Tự Bé, tôi vừa nghe người quen đang đứng ngoài restaurant cho hay anh Võ tự Bé vừa mất...
Anh Đoàn Trọng chắc nghe ai trong đoàn chúng tôi từ Bắc Cali đang tập dợt lại cách dàn đội nữ, phía ngoài cửa phụ của Golden Sea Restaurant, mới lật đật chạy vào trong tìm tôi và hỏi.
Tôi gặp anh Trọng lần đầu trong bữa chiều tới thăm nhà anh chị Tường Sâm vào hôm kia. Anh là người QT nhưng rời Quảng Trị từ lâu nên giọng nói của anh có phần đổi khác. Tôi bất ngờ thật, tại sao lại có người biết tin người cậu vừa qua đời.
Anh Trọng nói tiếp
-Thời đó tôi là người ngưỡng mộ anh Võ tự Bé vô cùng một cầu thủ có hạng trong đội đá banh của Nguyễn Hoàng...
Lời hỏi thăm của anh Trọng làm tôi nhớ về một quá khứ Đá Banh ngày xưa khi tôi mới chín, mười tuổi. Một hình ảnh ngày xưa hiện về trong trí nhớ từ một đứa bé sinh ra lớn lên từ cái thôn có tên Đệ Tứ. Một con đường có tên Lê văn Duyệt, một thành phố Địa Đầu cùng một ngôi trường trung học có những cầu thủ đá banh- thế hệ trưởng thượng như cậu người viết là Võ Tự Bé cùng thế hệ ngang lứa cậu tôi như các chú Hoàng văn Lợi, Tống viết Lạc, Trần văn Tây, Trần văn Đại, Trương Đá, Nguyễn Bích, Nguyễn Liệu... Một lời hỏi thăm từ anh Đoàn Trọng cùng lúc đưa tôi về lại hình ảnh một cái sân đá banh của Tỉnh có tên là Sân Vận Động sát ngay phía lưng của ngôi trường thân yêu mang tên Trung Học Nguyễn Hoàng mà bao thế hệ Quảng Trị không bao giờ quên được. Người viết cũng xin nhắc lại thời đó bà con mình chỉ nói "đá banh" chứ không nói "đá bóng, bóng đá" như thời nay.
Đội banh còn được cấp những đôi giày đinh đặc biệt, để đá và luyện tập. Tôi nhớ đế giày còn có những khối u cứng ngắt để cầu thủ khỏi té. Đứa bé như tôi chỉ được sờ vào đôi giày và những cái đinh ở dưới mà sợ 'ớn lưng' như thể bàn đinh đó đang dẫm trên chân mình không bằng.
Thời gian đó khoảng trước 1960 lúc đó tôi còn nhỏ quá. Trong trí nhớ mù mờ chỉ nhớ những lần xem các trận đá tại sân vận động hào hứng vô cùng. Hình ảnh những lần thi đấu tại đây. Cái khán đài chưa bao giờ tỉnh có tiền sửa sang lại. Cái sân cỏ chưa có căn cứ MACV như sau này. Trên tỉnh không biết có cầu thủ nào có thể có anh Nguyễn Dực (em thầy Nguyễn Bảo) cũng là một cầu thủ có hạng ngay cả khi vào trại Tù tại Ái Tử cũng là một cầu thủ. Anh Dục mất trong tù do kiết lỵ khoảng 1977.
Thời này có nghĩa là trước 1960, tình hình chiến tranh chưa cao độ do chưa có MTGPMN ra đời. Cậu Võ tự Bé sau này đi Công Dân Vụ vừa thi xong tú tài năm 1961, đem vợ con từ biệt quê hương QT vào nam. Từ đó cậu Bé tôi vào Biệt Động Quân một lần với người bạn là chú Hoàng Tùng.
Cũng giống như hoàn cảnh anh Đoàn Trọng, sau này cũng biệt xứ lưu lạc vào nam cho đến khi qua Mỹ, duyên kỳ ngộ lại gặp Đồng Hương QT tại Nam Cali phát triển nên anh Trọng có nhiều chương trình ưu tiên phỏng vấn hội QT nam Cali.
Đoàn Trọng (vét trắng) đang hỏi ĐHL (vét đen) về sự qua đời của người cậu Võ Tự Bé, một cựu học sinh cựu trào NH và là cầu thủ đá banh một thời QT trước 1960
Lớp Nguyễn Hoàng như cậu Võ Hoa có các anh Lê ngọc Phái và Lê Cẩm có thể biết nhưng lớp Võ Tự Bé thì có thể thầy Nguyễn Bảo hay lớn hơn mới biết.
Tôi không ngờ trong mịt mờ trí nhớ một đội đá bóng hay của Nguyễn Hoàng và trong đó có nhiều cầu thủ thuộc thôn Đệ Tứ năm xưa, hôm nay lại có người nhắc lại.
Sau năm 1963 thì phong trào đá banh không còn nữa do tình hình chiến sự leo thang. Những cầu thủ giỏi năm xưa hầu hết đều ra tiền tuyến thi hành bổn phận làm trai. Nói như nhà văn Hoàng Long Hải thì "Phường tôi sĩ quan cấp úy không thiếu chi, kể không hết. Loon lá như vầy, tù cải tạo về sớm thế nào được, ít ra cũng 5 – 7 năm nên đi HO cũng bộn lắm. Ở Mỹ, có nhiều Hội Quảng Trị, tình hình cũng na ná như thế cả..."
(Tuệ Chương-Phường Đệ Tứ của Tui)
Người thôn cũ chúng tôi, đồng môn NH ở nam Cali và bắc Cali nhiều lắm. Tôi vừa gặp anh Nguyễn Bích và chị Lê thị Thạnh phu nhân của anh Bích người cùng thôn và thân với cậu tôi. Tôi cũng gặp nhiều người bạn cùng thôn đệ Tứ như Mỹ Tín (em chị Thạnh), Võ Trung, Nguyễn Văn, Lê Vang... nhưng lớp người ra đi từ xưa lại biết người cầu thủ NH là Võ Tự Bé quả làm tôi khá bất ngờ.
Sơ ngộ với anh Đoàn Trọng xướng ngôn viên của đài TV Sài Gòn Entertaiment Television (SET) tại Nam Cali tôi không ngờ anh là người QT và là người vừa nhắc lại đội đá banh ngày xưa trường NH và của thành phố QT mà hầu như rất ít người nhớ.
Dù sao cũng nhờ anh Đoàn Trọng đã giúp tôi nhớ lại hình ảnh cái Sân Vận Động Quảng Trị, một thời vang tiếng đá banh cùng cái khán đài kỷ niệm một thời rất xưa, trước cả những năm 1960.
Các thế hệ đàn anh NH cùng một thời phong trào đá banh đa số đều tòng quân chọn đường binh nghiệp. Và từ đó cũng là lúc chiến tranh càng ngày càng lan rộng. Lứa con cháu như chúng tôi vào học trường NH (1965-1972) thì cơ quan MACV đã xây dựng xong. Sân Vận Động biến thành sân đậu cho máy bay trực thăng hơn là nơi đá banh. Những chiếc trực thăng H.34 của Mỹ, hay trực thăng có đuôi giống 'con cào cào' của Úc Đại Lợi đậu suốt ngày trên mặt cái sân banh này cho đến xế chiều thì bay đâu vào Huế.
Ngồi học trường NH có dịp ghé mắt qua khung cửa, những lúc thấy được cái sân vận động. Đó là những lúc tôi nhớ lại những trận đá banh hào hứng... hình ảnh cái khán đài đông nghẹt người xem, đủ loại khán giả. Một thời an bình ngắn ngủi qua đi theo khói lửa chiến tranh. Hàng ngày trên cái sân vận động u buồn, hiu hắt hay có hai chiếc trực thăng H.34 im lìm đậu. Hai cái chong chóng trỉu xuống, thỉnh thoảng hơi nhúc nhích do ngọn gió từ cánh đồng Quy Thiện thổi về...
Quảng Trị ơi, tôi hằng nhớ về một thời chinh chiến ./.
ĐINH HOA LƯ 25.7.2023
edit 27.1. 2024
No comments:
Post a Comment