Saturday, August 5, 2023

TỔNG HỢP 3 VIẾT VỀ QUẢNG TRỊ NĂM XƯA

 MỤC LỤC


1- NHỚ TRIÊNG BÚN XÁO

2- LÒ HEO QUAY Ô PHỤNG HẠNH HOA THÔN 

3- CÁI GIẾNG NƯỚC UỐNG HẠNH HOA THÔN

4- CAM LỘ BAO NÉT MỜ PHAI TRONG KÝ ỨC TÔI

5- LÒ GẠCH NGÓI TRƯƠNG KẾ  


==================================== 


NHỚ TRIÊNG BÚN XÁO


tất cả hình ảnh chỉ để MINH HỌA mà thôi 

Bạn đọc thân mến

Từ hình ảnh Chiếc Xe Phở năm xưa dưới khung trời Quảng Trị được nhắc lại trong niềm nhớ dịu dàng nhưng da diết lại được sự hưởng ứng từ những đồng hương Quảng Trị và đồng môn Trường Trung Học Nguyễn Hoàng.

Nào cái tên "Phở Ông Ngẫu, Hột Vịt Lộn ô. BA  ở Xóm Cột Điện 192.

BÁNH ƯỚT BÁC ĐỘI, BÁNH TRÁNG NHÀ ANH HOÀNG Ý Cửa Hậu, còn có Bún Bò Xáo của Mụ Đức xóm Heo.

Rồi bạn đọc đồng môn còn góp ý thêm: Có cháo Bánh Canh vịt của THÍM HIA vợ thầy Bồi xóm Heo,  có ĐẬU Hũ CỦA NHÀ hai CHỊ THA BA. Có Bánh Ướt nhà chi Nghệ em anh Nguyễn Lam , nhà TỐNG THỊ HUÊ cũng có bánh ướt, - quán THIỆN TÍN: Bún, Cháo lòng, cháo bò, tiết canh, món nhậu ...

Rồi "Chiếc xe phở này đẩy bán khắp thị xã. Có lẽ đây là cái xe phở độc nhất của thị xã QT. Chừ vẫn còn nhớ cái thơm ngon của đĩa xí quách phở vào buổi chiều tối" 

Người khác lại nhắc thêm "Ôn Vọi ni nhớ cái xe phở  của ai hè? 
Còn phở của ôn Vịt xóm mình là ôn gánh phở đi bán trên phố 
Tui ăn chừ vẫn còn nhớ mùi không nơi nào giống phở ôn Vịt 
Nhớ luôn lát chả tron tròn mỏng và những sợi tiêu mịn rắc lên trên ..nước pho trong veo.."

Còn nhiều lắm nhắc không hết nói chẳng vừa nhưng tựu trung qua nét ẩm thực của những gánh hàng rong đơn sơ hay vài ba cái quán bình dân khiêm nhường trong xóm nhỏ ngõ kiệt đìu hiu đã nhắc chúng ta những người CÒN LẠI cùng hoài niệm về một khung trời kỷ niệm nay đã thực sự tiềm ẩn tận đáy lòng.

Những mệ những O những chị năm xưa đó nay phần nhiều đã nắm tay nhau về khung trời miên viễn  còn lại trong ký ức chúng ta một khoảnh trời Quê Hương chìm sâu trong cát bụi thời gian.

Chuyện gần nhất, người viết nhớ lại người anh rể bên vợ, anh Lê hữu Bang (anh của Thầy Lê hữu Thăng) có một ngày anh từ Sacramento về San Jose thăm gia đình ĐHL; khi ăn tô bún xáo nấu theo kiểu Quảng Trị anh thật "tâm đắc":
-Ăn bún bò QT phải cắn trái ớt thật cay, hít hà nước mắt nước mũi ròng ròng mới đúng GU ăn bún bò QT...
Thế mà thời gian qua mau, anh đã ra đi do tuổi già sức yếu (11/2021) không còn cơ hội mời anh ăn tô bún QT thêm lần nữa!

ĐHL xin tiếp nối một bài viết miêu tả Triêng Bún Xáo Mụ Đức mà chị Thạnh vừa nhắc ở trên

                                                 ***


Thời nay khi nhìn lên màn hình TV có nhiều chương trình ẩm thực của thế giới rất đặc sắc. Sự phong phú ẩm thực hiện tại có cả Việt Nam chúng ta. Nhưng nhìn chung sự phong phú, đặc sắc này phần nhiều đều nhờ vào sự giàu có về vật thực, thừa mứa phương tiện mọi mặt để hình thành nhiều món ăn độc đáo.

Ngày xưa có những nét độc đáo ý vị của món ăn nhưng lại bị 'ép mình' vào trong vấn đề nghèo, hạn hẹp phương tiện cũng như vật chất.  Nhưng trong bao nét mộc mạc ngày xưa lại toát lên tính khéo léo, nhẩn nại của bàn tay nội trợ của người phụ nữ Việt Nam những người mẹ dấu yêu muôn thưở.

TRIÊNG BÚN XÁO

   Triêng bún xáo hay gánh bún xáo là hình ảnh quen thuộc cho khách ăn hàng vặt. Bữa sáng, bữa chiều đều có triêng bún do các o gánh đi bán rong dọc mấy con phố hay đầu thôn, cuối kiệt  ngoại ô.

Người Huế chắc ai cũng quen mắt hình ảnh triêng bún xáo. Người Quảng trị cũng chẳng lạ lùng chi cái cảnh mấy o, mấy chị vừa chạy lúp xúp vừa rao:

-Ai bún bò?

Tiếng rao có khi bị mấy o rút bớt,

-Ai ...bún?

Nhưng chẳng hề chi, nghe tiếng o là khách ăn biết ngay rồi.

Khó diễn tả cái động tác o gánh 'triêng' bún ra sao? cũng không phải chạy, nhưng đi lại không phải đi? Thứ động tác hai chân o làm sao cho chiếc đòn gánh cong cong, vẫy nhịp thật đều theo bước chân, vừa nhanh vừa nhẹ bớt sức nặng trên vai. 

Có điều nguời viết muốn mô tả cho thật rõ ràng, o chẳng khi nào "trở vai" khi gánh. O chỉ thuận một bên vai. Những lúc có khách là lúc gánh bún đuợc đặt xuống cho vai o đuợc nghỉ, thế thôi. Có thể vai bên phải, o đã chịu đựng lâu ngày nên thành thói quen.

Tôi không bao giờ thấy mấy o người Huế hay ngay cả Quảng Trị bận áo cụt đi bán hàng. Gánh triêng bún ra đuờng là các o bận áo dài. Ngày xưa là vậy, đàn bà đi chợ, hay ra khỏi nhà là có cái áo dài; có cũ chi cũng có cái áo dài. Những chiếc áo dài bạc màu, sờn rách theo năm tháng o ruổi rong theo 'cơm gạo áo tiền' nuôi sống gia đình. 



Nhớ làm sao những tô bún bình dân, đáy nhỏ miệng to ngày xưa đó. Khách ăn hàng đủ hạng người. Người có tiền thì ăn tô 5 đồng, ai bình dân thì ăn tô 3 đồng; thậm chí con nít o cũng bán cho 'chút chút' tô 2 đồng.  Gánh bún xáo của o bán đủ giá; o không hề than vản và khách ăn chẳng ai 'nề hà' chi. O vẫn chiều lòng khách. 



Bàn tay khéo léo, o múc theo tiền mua- hai, ba đồng nhiều nhất là năm đồng. Vài lát thịt bò pha gân, nhai sần sật. Hai ba miếng huyết, bún bò không thể thiếu huyết. Làn nuớc mỡ đỏ thẳm nằm trên, chưa và miếng bún vào miệng đã cảm nhận vị cay rồi. Tiền nào của đó. Biết vậy, nhưng giá nào cũng trân trọng tô bún từ tay o đưa cho. Một chút hành ngò rau răm cắt mịn, o bỏ thêm lên mặt, chính xác, vừa đủ, thế mà thiếu nó là biết ngay. Từ cọng bún, miếng thịt, tí huyết, chút nuớc màu trên mặt, trái ớt, (cho nguời ghiền cay), rắc chút tiêu và thứ rau răm cắt mịn là điều bắt buộc sau cùng.

Triêng bún xáo, chiều chiều vẫn bốc mùi thơm quyến rũ. Chính đó là mùi thơm rất riêng của nồi bún xáo. Mỗi lần o giở cái nắp nồi lên,  từ cuối gió khách chờ mua, biết đuợc gánh bún o tới rồi.


Những thứ thịt bò loại rẻ tiền, bạng nhạng 'nhiều mỡ ít nạc'. O chỉ ưa mua về loại hai loại ba này thôi. Vừa có đồng lời, vừa hợp với một thứ gọi là 'bún xáo'. O nói: 

   - Thịt bạng nhạng', lẫn gân làm bún xáo mới ngon.

 Thật thế, thịt quá tốt, gọi là thượng hạng chỉ dành cho món bí -tết, tiệc tùng hạng sang. Thịt loại tốt như thế chỉ dành cho bữa ăn thịnh soạn không có "chỗ đứng" trong nghề bún xáo của các o

Người thưởng thức tô bún xáo  sẽ chú ý đến chuyện phân biệt 'xáo bún' là gì? và khi ta đã hoàn thành múc thứ xáo này lên tô bún thì nó nghiễm nhiên trở thành "tô bún xáo". Nói như thế để giới rành ăn sẽ đòi hỏi rằng nước súp phở hay những thứ khác không bao giờ thay thế để làm tô bún xáo được. 

 Đưa tô bún nho nhỏ, vừa tay, lên miệng, khách ăn sẽ ngửi được mùi thơm nước xáo đúng 'gu' do tay người miền trung nấu không lầm vào đâu được.  Thoang thoảng mùi rau răm, tiêu và miếng bún nức mùi xáo vào miệng.  Rồi người ăn sẽ cảm được lát thịt bò dai xần xật, giòn, bùi bùi, xen một lát huyết đậm đà, beo béo. Người thưởng thức, vừa nhai vừa cắn miếng ớt chìa vôi thơm, cay nồng xông lên tận hốc mũi



Cảm giác đói, thèm, càng tăng khi gánh bún của o còn mãi đàng xa, do o đang bận khách. Chiều chiều ai cũng chờ, cũng trông gánh bún đi qua. Dọc phố, các chị , các mệ cũng đợi gánh bún các o đi ngang. Có mấy o là có bữa sáng tới rồi. Mùi bún xáo phố Huế hay phố Quảng nào cũng giống nhau. Khách ăn của mấy o không bao giờ chê, chẳng bao giờ ngán mới lạ làm sao.
Có phải huơng vị cùng hình ảnh gánh bún xáo mấy o mấy chị ngày xưa đã thẩm đượm vào phong cách ẩm thực của người trung bao đời nay? Người ta chẳng hề quan tâm, chỉ một tâm lý vắng gánh bún xáo ngày đó thì nhớ, thèm đó thôi.
Hình ảnh cái nồi nhôm tròn nằm một đầu, đầu kia là tô, đũa hay những thứ linh tinh, lỉnh kỉnh. Mọi thứ đều quen nhìn trước mắt khách đợi. Thế mà khi o giở nắp nồi xáo lên, cái vá o cầm nhẹ nhàng, chính xác có thể nói là "chi ly" o chan từng thứ lên tô bún. Ôi mùi thơm của nước xáo không lầm lẫn vói bất cứ loại món ăn nào làm khách ăn nhớ hoài.
Một thời, khi cái từ "kéo ghế' đặc biệt dành cho những buổi đi vào tiệm ăn ở thành phố,  hiếm hoi hơn những gánh hàng rong thân quen cho thực khách bình dân. Những mệ những o, với triêng hàng kẻo kẹt tháng ngày dọc theo từng con hẻm hay men theo các con đường dẫn vào xóm nhỏ. Trong hình ảnh những gánh hàng rong, gánh bún xáo dường như  'bất tử' trong lòng chúng ta phải thế không thưa bạn đọc?

======================= 


LÒ HEO QUAY ÔNG PHỤNG THÔN HẠNH HOA

 


PHẢI LÀ NGƯỜI DÂN THÔN ĐỆ TỨ HAY ĐỆ TAM Quảng Trị xưa mới nhớ LÒ HEO QUAY ÔN PHỤNG

Vợ Chồng ôn Phụng có cái lò heo quay này khá nổi tiếng nhờ đem bán lên tận hàng thịt tại Chợ Quảng Trị hồi xưa. Người thị xã ngày đó nếu có lần ghé hàng thịt và có mua một vài trăm gam thịt heo quay tại đó quả là cơ hội ăn được món thịt heo "gia truyền" quay từ Lò Ôn Phụng.

Người viết trước ở Phường Đệ Tứ đi bộ về Lò Ô Phụng không xa. Ngày đó tôi là cậu con trai siêng phụ bán quán cho mẹ và có dịp về lò này. Làm sao tôi quên được hình ảnh cái quán ngay đầu Con Đường Ngự ngó vô cửa thành tức là Cửa Hậu. Hàng ngày lính trong thành, các chú bảo an hay ra mua.

Quán mẹ tôi bán đủ thứ. Phận sự làm con của tôi là hàng ngày đạp xe lên chợ tỉnh hàng ngày lấy hàng cho quán mình. Từ khúc nước đá lạnh hiếm hoi trời nắng hạ, chờ từ sáng sớm tinh mơ mới có, tới tút (cây) thuốc Ruby Queen, Cotab hay hàng hóa lặt vặt ...

TẠI SAO TÔI VỀ LÒ HEO QUAY

Quán mẹ tôi còn bán bánh mỳ xíu. Mỳ ổ tôi đạp xe lên lấy từ lò Vạn Hoa tại Phường Đệ Nhất. Bánh Mỳ thì phải có xíu. Mẹ tôi còn nghĩ thêm một cách về lò Ô Phụng không phải mua heo quay mà mua NƯỚC HEO QUAY để về làm nước xíu. Đó là dịp tôi biết được Lò ông Phụng.
Tiếng là lò nhưng chẳng to lớn gì lắm. Cái lò đất ông xây bằng đất mối ngoài ruộng đem vào tận căn bếp dưới nhà. Đã lâu năm nên lò đất đen xám màu than củi. Heo của ông mua về là con heo đen vừa to chứ không "lớn cả tạ" như heo hạ thịt.
Căn bếp làm lò lờ mờ ánh sáng. Con heo quay từ từ được xoay vòng chầm chậm trên than. Thỉnh thoảng ông dùng cái que đặc biệt của ông chấm nước gia vị "gia truyền" châm châm vào con heo đang vàng dần theo sức nóng của lò. Châm nước đồ màu vào da heo và thứ đồ màu đó là gì dĩ nhiên ông Phụng chẳng nói với ai. Châm đều tay và khéo đó là cái nghề của ông chủ lò. Tôi là thằng nhỏ ngồi chồm hổm cạnh lò nhìn và nhớ những gì ông làm, bụng mong chai nước mỡ heo quay mau đầy, trả tiền cho ôn xong mau mau đem về cho mẹ.
Cách quay heo không phải nằm trên đống lửa như trong phim ta thường thấy mà chỉ dùng sức nóng của than củi truyền qua trong lò mà thôi. Ông làm sao với một cách riêng để nước quay từ con heo ứa ra theo con đường riêng giọt giọt tuôn vào cái chai đặt ngoài miệng lò. Cách này chẳng phí chút nào do ông đã tận dụng thu lại những thứ ngon từ gia vị, nước mỡ con heo quay không chảy xèo xèo vào than lò mà đi vào cái chai đang đợi phía dưới. Mà thật tình cũng nhờ cách riêng này của ông mà tôi còn đặt mối xuống lò ông Phụng hàng ngày để lấy thứ nước quay đó về phụ cho món hàng mỳ xíu của quán mẹ tôi.



Cho đến hôm nay tôi còn nhớ thứ nước mỡ màu đen béo ngậy đen sóng sánh nhờ vào sự hòa lẫn với gia vị "riêng" để quay heo của ông sẽ giúp cho món mì xíu mẹ tôi bán có vị ngon rất khác biệt có thể là không ai có hay bắt chước được.

Con heo quay xong, mệ Phụng đem bỏ mối lên chợ Tỉnh. Bảy tám giờ sáng là thấy mệ Phụng gánh hàng đi ngang Cửa Hậu. Tới chợ mệ Phụng sẽ bỏ mối lại cho mấy hàng thịt heo, mỗi nơi một ít chứ không dư nhiều. Ai cần mua tại lò ông cũng có. Mua tại nhà ngon đáo để nhờ thịt con heo không dày, thấm đồ màu, da heo quay mỏng dòn vàng hươm tất cả thấm thứ đồ màu heo quay của lò ông nên thật là một cơ hội thưởng thức.

Thịt heo quay của Lò Ông Phụng cũng vì nó ngon đến thế nên khi đi nơi đâu,..vào nam hay qua tận Mỹ tôi, thú thật không thấy heo quay đâu ngon bằng với thứ heo quay ngày đó.

Một thời xứ mình chỉ có heo đen. Heo đen bán thịt lúc nào cũng vừa to. THịt heo đen xứ mình ăn cám chuối một thời chưa bao giờ uống bột nên thịt bùi săn dòn ngon đáo để.
Với những con heo quay qua tay ô Phụng lại còn đúng gu hơn nữa. Không heo con, chẳng phải heo già mà lại choai choai. Một ngày một con heo quay như thế thì nhu cầu lúc nào cũng thiếu.

Thật sự không phải lúc nào ta cũng ăn heo quay; phải có dịp đặc biệt mới mua vài trăm gam. Phường tôi khỏi cần lên chợ tỉnh, chỉ cần về Thôn Hạnh Hoa tới lò ông Phụng đúng giờ giấc là có heo quay vừa ra lò ngon đáo để ăn "ngậm mà nghe" thôi.
Kể ra đây hôm nay, nhưng giờ này ông mệ Phụng làm sao còn tại thế được. Người viết chỉ mong góp nhặt đôi lời chúng ta cùng nhau vẽ lại phường xưa xóm cũ, một thành phố xa xưa đã vùi sâu trong vòng dĩ vãng...

Kỷ niệm ngày xưa dù bất cứ chuyện gì cũng êm đềm thương nhớ. Trong các món ăn dân dã từ ít tiền cho đến đắt tiền...nào bánh ướt, bún luộc, bún xáo, lọn nem đòn chả hay cả miếng thịt heo quay béo bùi giòn tan và nhiều thứ hàng ăn khác đều nằm trong văn hóa ẩm thực của ngày trước.
Hiện nay phong vị ăn uống do giao thoa ba miền không ít thì nhiều có phần thay đổi. Từ sự tăng trưởng và pha trộn dân cư sau nửa thế kỷ đổi thay sẽ khó lòng giữ được nét riêng cho từng nơi như ngày trước.
Đây là một sự thật. Giá như có ai tin điều này thì những bài viết về ẩm thực ngày trước, cách đây non nửa thế kỷ, tác giả hi vọng thế hệ con em hôm nay được phác họa lại sơ sài đôi nét của người xưa, một thời Quảng Trị

----------------------------------------
CÁI GIẾNG NƯỚC UỐNG HẠNH HOA THÔN

Tha La ở Trảng Bàng Củ Chi Hậu Nghĩa nhưng nghe lại bản nhạc này tạm nhớ một Hạnh Hoa Thôn Bóng Mờ Dĩ Vãng có thẻ hiện về trong thanh âm xa vời của hồi chuông họ đạo Trí Bưu Hạnh Hoa những cái tên trong quá khứ xa mờ 


Đây “Tha La xóm đạo”
Có trái ngọt cây lành
Tôi về thăm một dạo
Giữa mùa nắng vàng hanh...



...

  Người viết nhớ lại thời còn thụ huấn quân trường cũng là lúc Hiệp Định Paris 1973 được ký kết. Thời gian này tất cả SVSQ tất cả các quân trường VNCH đều phải đi Công Tác Thông Tin Tuyên Truyền  nhằm giải thích cho dân về Hiệp Định. Vùng tác giả bài này ở gần xã Trảng Bàng, "Tha La Xóm Đạo""cái bài hát của Dzũng Chinh nghe thơ mộng, nhưng chẳng ai trong toán đi thông tin này dám mò qua. Thế là 'mù trớt' tôi gần mà chẳng biết "người em xóm đạo" là chi. Ngày đó có một danh từ gọi là "vùng 'xôi đậu" của Quận Củ Chi tỉnh Hậu Nghĩa. Đi ra đường là ánh mắt canh chừng, 'ngày mình- đêm họ', đây là sự thật. Sự dằng co càng nhiều khi hòa bình tạm thời đã ký. Nhưng lằn ranh có phân định rõ ràng đâu, thế là càng thêm rắc rối cho dân. Tôi làm gì được "tung tăng, thoải mái" đi chơi như mấy đứa bạn đồng môn Nguyễn Hoàng đã vào các khóa SVSQ và được đi "chiến dịch" ngoài trung. Nói cho cụ thể là vùng hoạt động tại các trại tạm cư chiến nạn là Trung Tâm Hòa Khánh 1973. Chúng tôi ở gần Trảng Bàng nơi có Tha La xóm Đạo trong thời gian đó là vùng không an ninh. Như thế gần mà xa, ngày ngày tôi bó gối trong căn nhà trống, công tác ít ỏi, chẳng dám đi xa và mất một dịp quý báu trong đời là tới thắm Tha La dù qua đó chỉ vài cây số...



Hướng về quê cũ, Thành Phố QT nơi có Hạnh Hoa Thôn cạnh thôn Đệ Tứ nơi tôi sinh ra cho đến lúc giã từ nó đúng mười chín tuổi. Một mùa hè đỏ lửa 1972 chắc suốt đời có lắm người QT chẳng có ai quên.


cái giếng nước uống có dấu ngôi sao màu đỏ (đây là sơ đồ chứ ko phải bản đồ)

Vào Bài

     Thương về một thuở hồn quê 

Gần nhà thờ của Thôn Hạnh Hoa có cái giếng nước uống lâu đời mà ai sinh ra sống cận kề con đường Lê văn Duyệt hay thôn Đệ Tứ mới biết. Người viết sinh ra và lớn lên nơi đây và sống nhờ miếng nước uống của cái giếng nước quý hóa đó mới nhớ và kể lại cho bà con cố cựu nghe chơi.

                     hình minh họa lại cái giếng

    Từ Cửa Hậu hay cửa Lao xá nếu người xóm Hậu chúng tôi muốn tới giếng đó thì phải men theo con đường Lê v Duyệt đi về hướng góc Bầu. Gần tới nhà Ông Quản Lợ rẽ xuống con đường kiệt vào nhà Cô Hoàng, Bà Nhớ mẹ của Nguyễn Văn con đường thấp dần sẽ tới thôn Hạnh Hoa tức là gặp cái giếng. Từ cái giếng này đi theo con đường trong thôn một đoạn ngắn là tới Nhà Thờ Hạnh Hoa.  Nhà thờ Hạnh Hoa ngó ra là con đường tỉnh lộ 555 từ Góc Bầu chạy về Ba Bến…Thâm Triều, Anh Kiệt, Tả Hữu Phương Lang về nữa là đến Biển Gia Đẳng


Chuyện người viết xin thưa là bà con Hạnh Hoa và Thôn (Phường) Đệ Tứ không phải không có giếng nào mà quý cái giếng nước Hạnh Hoa do mạch nước bao năm vẫn cung cấp duy nhất cho bà con gánh về mục đích duy nhất là UỐNG.


khạp đựng nước uống 


Đúng vậy gánh về tới nhà, hai thùng nước này chỉ đổ vô cái khạp đựng nước uống mà thôi. Chuyện nước rửa thì ai cũng có giếng gần rồi. Gánh về rửa ráy thậm chí ra quanh giếng tắm giặt gần đó không ai phiền hà chi.


Không những từ Cửa Hậu mà xóm trên xa hơn garage ông Trương Long ông thân người bạn Trương Sừng của người viết tức là xóm nhà ông Đội Lạp, ông thân các anh Ngô Tùng, Ngô Dũng và Ngô thị Sáu. Xóm này cũng là xóm gần ngõ kiệt của bạn Tống thị Huê, vô nhà chị Thu Ba và chị Tha. Người viết kể lân la như thế là muốn nhắc lại hình ảnh một người đó là anh Báu. Nhà anh Báu tuy xa nhưng hàng ngày anh vẫn siêng năng lên tận cái giếng Hạnh Hoa này để gánh nước uống về giúp mạ. Anh Báu tuy là thanh niên trai trẻ nhưng chẳng bao giờ 'ô ngai' khi đi gánh nước đường xa. Ôi người viết cứ nhớ mãi dáng anh Báu, một người trai trẻ đi gánh nước uống Hạnh Hoa thôn. Anh gánh  ‘dẻo queo’,  bước chạy nhịp nhàng, trông rất đẹp mắt. Cặp thùng sắt vuông loại chứa dầu hỏa trước kia, đựng nước đầy anh Báu không quên để vào trên mặt vài miếng lá chuối để nước khỏi tròng trành. Thật lạ, chỉ có mình anh Báu từ xóm nhà ông Đội Lạp dám về tận đây để gánh cho được thứ nước giếng này. Nói gì chăng nữa, Anh quả đúng là người con có hiếu, thương mẹ già tần tảo nuôi con.


Thôn, vùng tôi ở, thông thường cứ dầu mỗi con đường kiệt hay có cái giếng. Xóm vào nhà bạn Tống thị Huê, xóm anh Báu, xóm Cửa Hậu, xóm vào nhà  bạn Trần Tài chi đều có giếng. Nhưng chỉ là nước giếng giặt rửa, không có cái giếng nào có thứ nước uống quý như cái giếng Hạnh Hoa Thôn. Thời sau này bắt đầu có nước máy nhưng nước máy chỉ lanh quanh ở phố Quảng Trị chưa thể về đến con đường Lê văn Duyệt. Sau này nước máy về đến mút cuối con đường Trần Hưng Đạo tức đối diện với miếu Âm Hồn ngó chếch qua là xóm Heo, mới có cái giếng máy bà con trên đó ra lắc lắc lấy nước về dùng hàng ngày. Lũ tôi đi học trường Nam tiểu học, trên đường về cũng lắc lắc vài cái nhưng nước lên khó quá cũng bỏ qua không 'thèm' chơi nữa...

Dù không thiếu nước nhưng từ con kiệt vào nhà anh Báu cho đến góc Bầu bà con cố cựu thôn Đệ Tứ ai cũng nhớ thứ nước uống từ cái giếng Thôn Hạnh Hoa này. Mỗi  lần về Hạnh Hoa người viết thường đi trẹ cho mau tức là rẽ xuốn con kiệt cạnh nhà ông Quản Lợ. Kiệt này có nhà hai bạn Nguyễn Kiệt (cháu cô Hoàng) và Nguyễn Văn (anh cô cậu với Mỹ Tín, chị Thạnh vợ đại úy Nguyễn Bích em Đại tá Bé) đều ở con kiệt này. Ngoài đường là nhà họp của Thôn Đệ Tứ có nhà mệ Cửu Mình và nhà Bác Vọng  hay đi chiếc mobylette. Người mình có những luật lệ bất thành văn nhưng bà con tôn trọng một cách tự nguyện. Đi ngang cái giếng không ai canh giữ, chẳng ai coi chừng nhưng tuyệt nhiên chẳng có ai héo lánh tắm giặt làm mất vệ sinh. Thật quý hóa cho tinh thần tự giác và tôn trọng giềng mối xóm làng của bà con mình thời đó. Nhu cầu nước uống chỉ gánh về để cất dùng không ai tham lam giành giựt làm chi. Thế nên đi ngang cái giếng, tôi luôn thấy quanh cảnh yên lặng, vắng vẻ. Tại sao mà giếng uống này lại vắng vẻ? Dĩ nhiên tôi phải hiểu ra bà con trong hai thôn Đệ tứ và Hạnh Hoa chỉ gánh về để uống mà thôi.




              nhà thờ Hạnh Hoa nay không còn (nguồn: Bảo Lâm/trang Đồng môn NH)

    Có đôi lúc tôi mệ (bà) ngoại tôi sai đi về nhà ông Lê Diễn (có con trai là cậu Lê Thành mất trong vụ 1.11.1963),  người anh chú bác với mệ ngoại tôi. Mệ ngoại tôi họ Lê (Lê thị Xấu ) người gốc Cổ Thành. Thật ra Thôn hay Làng Cổ Thành rộng hơn so với Hạnh Hoa. Bản đồ vẽ lại ở đầu bài cho chúng ta thấy rõ. Có thể Hạnh Hoa là thôn mới lập, mới đặt tên sau này  chăng. Lúc mới sinh ra đời, sau này tôi chỉ nghe làng Trí Bưu làng Cổ Thành thôi, hay do tôi không để ý. Hạnh Hoa Thôn do mới nên nhà thờ Hạnh Hoa kiến trúc rất mới so với nét thâm u cổ kính của nhà thờ Trí Bưu. Hạnh Hoa qua Trí Bưu không xa nhưng phải vào bên kia con đường tỉnh lộ 555 và vào nhiều lớp hàng tre kín mít nên tôi thời đó quá nhỏ nên làm biếng đi chơi vô cùng. Đi ngang nhà thờ Hạnh Hoa tôi chỉ đứng ngoài nhìn. Thú thật vào thời đó, con người ngoại đạo đó là 'rào chắn' ngăn trở cho tôi vào thăm nhà thờ. Không ai cấm đoán tôi cả, tôi biết thế. Một nhà thờ an bình trong tầm tay, với những kiến trúc giản dị bình thường không cầu kỳ hay hoa mỹ tây phương, sao tôi không vào chơi cho biết để giờ đây hối tiếc. Sự hối tiếc muộn màng cho đến cuối năm 1973 về đơn vị tại Ba Bến chiếc GMC tiểu khu từ Diên Sanh ra ngang qua họ đạo, thôn xóm đìu hiu hoang tàn đổ nát. Ngọn gió mùa giáng sinh 1973 về trong hoang lạnh buồn tênh của một nơi thiếu bóng dân về...


    Biết cái giếng nước uống Hạnh Hoa nhớ nó và nguồn nước mát ngọt của cái giếng quý hóa kia từng luân lưu trong người tôi. Ngày đó tôi còn nhỏ chẳng hề có sức để gánh nước giúp mẹ như chú Báu trên xóm ông Đội Lạp (có các anh Tùng, Dũng và Sáu). Hình ảnh người con có hiếu gánh nước uống hàng ngày giúp mạ như chú Báu cùng cái giếng nước uống Hạnh Hoa thôn là những gì tôi còn nhớ để viết về cảnh cũ người xưa hầu mua vui cùng bạn đọc hôm nay, nhất là những ai có một thời sống ở thôn Hạnh Hoa lúc đó.

khoảng thập niên 1960 nếu ai mê sách nhất là truyện võ hiệp kỳ tình dã sử VN chắc còn nhớ những bộ truyện Người Đẹp Thành Phiên Ngung, Lửa cháy Thành Tây Đô và trong ký ức người viết có một cuốn mang tên là Người Đẹp Hạnh Hoa Thôn. Một sự ngẫu nhiên và chắc chắn là ngẫu nhiên do tác giả chẳng có hàm ý gì về một "Hạnh Hoa Thôn" của Quảng Trị cả. Rồi nửa thế kỷ qua đi, cái tên Hạnh Hoa Thôn đã nằm yên trong ký ức của bao nhiêu trái tim hoài cổ. Cùng nhau nhớ về thôn xưa làng cũ mà thương cho một xóm đạo hiền hòa, cùng mái nhà thờ thân yêu lấp ló bên lũy tre làng. Khói lửa chiến tranh lướt qua một Tha La xóm Đạo nhưng rồi Tha La vẫn còn sau cơn binh lửa. Chỉ còn Hạnh Hoa Thôn nay không còn nữa, một xóm đạo ngày xưa đã đi vào lịch sử của lãng quên, ngọn gió chiều nào phất phơ qua lũy tre làng cũ nếu có ai hỏi ba tiếng Hạnh Hoa Thôn chắc chỉ nhận được một tiếng thở dài ảo não mà thôi.


====================================


CAM LỘ BAO NÉT MỜ PHAI TRONG KÝ ỨC TÔI 





  Theo bản đồ của Bộ TTM /VNCH một bản đồ có thể gọi là chính danh do nó dùng trong quân sự thì dòng sông Miêu Giang tức là con sông qua thị trấn Đông Hà. Nhưng lạ lắm, vẫn có nhiều người gọi là sông Hiếu Giang? Hiếu giang là sông nào tôi không biết đâu là đúng. Cũng may tra cứu vào Tạp Chí Cửa Việt có viết như sau...
Sông đi qua khu vực của tuần Hiếu Giang nên có tên là Hiếu Giang - sông Hiếu. Khi chảy qua địa bàn vùng trung du Cam Lộ, sông được gọi tên là sông Cam Lộ. Hiếu Giang/sông Hiếu bắt nguồn từ các sông suối trên địa hình núi rừng s­ườn Đông dãy Tr­ường Sơn cao độ trên 1000m của huyện Hướng Hoá." (Sông Hiếu, tiềm năng Du lịch trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (tapchicuaviet.com.vn))

Như vậy Sông Hiếu là phần thượng nguồn của Miêu Giang và Miêu Giang mới chảy qua thị trấn Đông Hà xong nhập vào dòng Thạch Hãn để chảy ra Cửa Việt. 

Chuyện ngày xưa lúc tôi mới bốn năm tuổi đã có một thời gian ngắn ở Cam Lộ.
  Hồi ký của dhl có nhắc đến Ba lòng trong "Đò Lên Ba Lòng " , Gio Linh trong "thầy Cửu Hàm Với Kỷ Niệm Gio Linh " , giờ mà không nhắc đến Cam lộ thì không "công bằng " lắm.



     1959   
 tuổi  nhỏ ĐHL theo cha lên Cam Lộ
                   Thưa bạn đọc,  thuở tôi còn nhỏ
 tôi hay lẻo đẻo theo ba tôi nên mới có nhiều kỷ niệm ở các quận của tỉnh QT là vậy. Các hình ảnh ngày xưa nay chỉ là chút nào ký ức phai mờ.  Thời gian này tôi nhớ Bác Hanh làm quận phó người ta hay gọi là Ông Phó Hanh còn bác Giáo làm Q trưởng.  Sau này còn có bác Nguyễn tri Kiệt tôi không chắc chắn ai làm trước, ai làm sau. Trên quận chỉ có phương tiện là chiếc Land Rover. Dưới Chi CA, cũng duy nhất một chiếc xe Jeep Willie màu xanh. Hồi này quận Cam Lộ còn đóng ở vị trí cũ. Chi CA còn lợp tranh ván , chỉ có quận là khá hơn . Cái hình tui đính kèm theo là thời tui đi theo ba tui lên quận Cam Lộ đó. Từ tỉnh QT theo Đông Hà lên khoảng 17 cây số là chiếc xe jeep xanh rẽ phải để vào quận. TỨC nhiên chỗ này phải là ngả BA ,tiếp tục lên Khe Sanh và vào CAm Lộ tức là xã Cam Thanh thì phải. 
                loại xe Land Rover hồi đó tương tự chiếc này
 


Tôi có nhiều kỷ niệm với các chú , nhân viên của ba tôi như chú Thúc ba tôi khen bắn súng COLT rất "cừ "  , thân sinh của Cam Thanh tức là bác Toàn (?!), chú Khoai , chú Huấn lái xe cho ba tôi cho đến sau lúc ba tôi đổi vô quận Hải Lăng 1964, chú Lê mậu Để bắn súng Carbine số MỘT.. Bác Mãng hiện còn ở trên dốc Tân SƠN Hàm Tân không biết bác còn không ?nhiều lắm !

                   chiếc Jeep Willy màu xanh da trời , nhưng có bạt che dành cho chi CA
 

    Đến bữa trong Chi ra ăn cơm tháng ngoài nhà mẹ của Cam Thanh nấu ? Tôi là đứa nhỏ chạy lanh quanh , mẹ Cam Thanh nói giọng Bắc , các chú đều đứng dậy mời nhau dùng bữa xong mới ngồi xuống. Trí nhớ của tôi còn đậm nét chuyện này vì tôi làm chuyện rất nghịch rất có lỗi với chú Khoai cho đến giờ hơn 50 năm sau tôi vẫn còn nhớ cái "tội" này . Thưa bạn đọc, có một bữa trưa trong Chi CA ra nhà mẹ Cam Thanh ăn cơm trưa, chờ lúc mọi người đứng dậy mời nhau dùng bữa tôi mới nhè nhẹ "kéo" cái ghế của chú Khoai lui. Khi chú Khoai ngồi xuống chú "ngã chanh chòng" thật tội. Chú xanh mặt , nhưng chú rất thuơng tôi còn nhỏ dại và đứa nhỏ độc nhất trong chi cho các chú bác "cưng"  không nói gì. Chỉ có tôi mang cái lỗi này "tận mấy mươi năm" còn ân hận với chú Khoai. Chú Khoai giờ không biết còn mất . Tuổi chú chỉ thua ba tôi vài tuổi thôi. Người gốc Cam Lộ và sống gần quận hồi đó chắc ai cũng biết chú Khoai. Chú Huấn nghe Đinh thị Hiệp nói giờ vẫn còn. Chỉ có ba của Cam Thanh mất sớm. Hồi đó bác đang bửa củi thì bị đứt mạch máu mà mất. Bác hiền lành lắm, trong Chi ai cũng thuơng và ba tôi thuơng bác lắm. Chuyện bác bị tai nạn thì sau này tôi về QT mới nghe. Ngoài bác Toàn còn bác Mãng sau 1975 sống gần ba tôi ở Tân Sơn, Tân Thiện, chú Lê mậu Để cũng ở vùng này. Bác Thúc bị bắt cóc và ra tận ngoài Bắc sau 1975 mới được tha vô, sau này chú Thúc đi Mỹ nhưng cũng mất rồi...

   Kỷ niệm Cam lộ tôi không có với Cùa do hồi đó không ai dám qua Cùa. Người viết được nghe nói về thứ đất màu đỏ làm đồn điền hợp với cà phê, tiêu. Nghe đâu có đồn điền ông Tây xưa nay không còn nữa.

Ông Nguyễn Thanh Quế (trái trưởng chi thông tin và thân phụ tác giả, phải (trưởng chi CA) 2 người bạn  cuối thập niên 1950s tại Cam Lộ xa xa là chiếc Land Rover có trần che 

Tôi không được may mắn, nói đúng ra do vấn đề an ninh nên chưa bao giờ ra dòng Hiếu Giang tự do thoải mái tắm gội như thời này. Chuyện an ninh thì ai cũng hiểu, đó là lý do chính yếu. Một thời gian lên sống tạm ở quận, tôi chẳng dám đi đâu xa. Hơn nữa tôi luôn sống trong Chi và gần quận để được bảo vệ. Một thời xe cộ là thứ quá hiếm hoi. Tôi chẳng biết người mình có phương tiện gì từ Đông Hà lên Cam Lộ?  Ngoài quân đội ra, hành chánh thì ngoài chiếc Land Rover, và chiếc xe jeep xanh của Chi tôi không thấy chiếc xe 4 bánh nào. Khu thị tứ lèo tèo vài nóc nhà quanh quận. Những xã mang tên Cam Thanh, Cam Hiếu, Cam Hưng... được an ninh, gần quận bảo vệ. Cam Lộ còn nhiều xã nữa tôi không nhớ bằng lúc tôi ở trong chi CA tại quận Hải Lăng năm 1965 thì trí nhớ tôi tốt hơn vì lúc đó tôi đã học lớp Nhất rồi.

Ôi kỷ niệm ngày xưa, nhớ lắm. Tôi sinh ra đời sống và lớn lên trong lòng quê ngoại QT. Nhớ sao những bước chân, một thằng bé lẻo đẻo theo cha. Giờ những bậc cha, chú nay đã về với người thiên cổ. Khi nhớ lại tôi muốn kể lại cho nhau nghe, trong lòng mình chỉ mong đó là những phút nhớ về những người thân mến nay tất cả đang ở tận đâu trong phương trời miên viễn, thật xa./.
 
======================================================


                LÒ GẠCH NGÓI TRƯƠNG KẾ



    Chiếc xe  hàng (xe đò) từ Huế ra sẽ qua trạm kiểm soát Long Hưng rồi theo con đường mới đặt tên Lê Huấn để về bến xe Nguyễn Hoàng thị xã Quảng Trị. Mới vào đường Lê Huấn, nhìn qua phía trái chúng ta sẽ thấy một cái nhà lầu nằm trên một khuôn viên khá rộng và phía sau khu biệt thự đó chính là lò gạch ngói Trương Kế, nếu ai là người dân thị xã QT, đa số đều biết. 
Trước đó con đường này chưa có tên, sau này con đường mang tên cố Trung Tá Lê Huấn người tiểu đoàn trưởng của Trung Đoàn I đã hi sinh trong chiến dịch Hạ Lào. Thật vậy, chỉ có lò gạch ngói này và ngôi biệt thự làm khách trên xe mới để ý mà thôi. Lò đúc nằm sau nhường mặt trước cho chủ nhân xây căn lầu với kiến trúc tân thời hơn bên căn nhà ngói xây đã nhiều năm trước.

khu biệt thự trước Lò Gạch 

Toàn thành phố QT  hồi này xem chừng đa số đều dùng ngói gạch Trương Kế. Người mình hồi đó bình dị trong ngôn ngữ và cách gọi. Nếu sống trong thời này, người ta dùng nhiều tiếng như "Xưởng Gạch, Nhà Máy ..." vv để gọi tên. Người viết chỉ nhớ, hồi đó bà con mình chỉ gọi là "Lò Gạch..." vậy thôi.  Tiếng là Lò Gạch nhưng phía trước là nhà ở có cổng kín tường cao nên tôi chỉ ngó vô thôi.
Mà thật sự làm sao có công chuyện gì để phải xuống xe giữa đàng mà vô thăm lò này?
Dù sao tôi cũng biết những liếp gói móc nhà Ngoại tôi cùng bao nhiêu nhà khác đều làm từ đây. Nhà ngói móc phải có đòn tay rui mè mới móc ngói được. Có dịp lên mái nhà móc ngói mói thấy tên lò Gạch in trên từng tấm ngói ra sao?
Ngoài ra phải kể tới ngói âm dương tức là ngói liệt; kiểu này xưa hơn cũng do lò này đúc. Những căn nhà lợp ngói âm dương xưa hơn nhiều.
Dọc đường có những khu ruộng khai thác đất sét cung cấp cho lò gạch. Tại sao gạch viên lại ít chỉ có ngói là nhiều?
Thời này người ta đúc táp lô làm từ xi măng cát sạn vùa chắc vừa dày nhưng tốn kém hơn.
Xóm Cửa Hậu tôi có nhà Ông Dô làm thợ nề trong nhà con cái đều có thêm nghề đúc táp lô nên tôi còn nhớ.
Cát Sạn (sỏi) từ lòng sông Thạch Hãn. Thời này những thứ này từ lòng sông Thạch phong phú tưởng như vô tận- khác với thời này.
Trở lại cái Lò Gạch. Tại sao người viết nhớ đến nó. Trước tiên là hình ảnh một khu nhà biệt lập nhưng từa tựa một trang ấp nào đó của một phú gia. Ra đến ngoại ô gần Long Hưng Đại Nại nhưng có một biệt thự hay nhà lầu xây lên ở đây thì làm sao khỏi gây chú ý và ngạc nhiên cho hành khách ngồi trên xe đò Quảng Trị - Huế?
Những căn nhà ngói đỏ mới xây trong phạm vi thành phố QT dù sao cũng nhờ phương tiện này mới chống lại cái nóng Nam Lào. Nhà tranh không thể có ở thành phố nhưng những căn nhà lợp tôn mới là khốn khổ dưới sức nóng mùa hè và cái lạnh cắt da của mùa đông QT.
Đã bao năm ra đi; người QT ra đi và cái tên Lò Gạch Trương Kế cũng đi vào dỉ vãng.
Em gái tôi Đinh thị Hòa nay làm dâu của Họ Trương. Một chút tình thông gia quen biết khiến tôi viết vài dòng biết ơn một lò gạch đã góp phần xây dựng cho cái tỉnh Địa đầu Giới Tuyến một thưở nay xa lắc xa lơ.
Khu Định Cư Hội Yên sát Lò Gạch Trương Kế đều cùng chung số phận trong trận Chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972

Chiến sự  1972 thổi phăng tất cả. Cũng đồng số phận của Thánh Địa La Vang và cả Thành Phố Quảng Trị tất cả đều trở thành một đống gạch vụn thảm thương. 
Ôi chiến tranh sao quá đổ nát điêu tàn?! Người lính Thủy Quân Lục Chiến ngày Tái Chiếm có một phút giây đứng lại vị trí năm xưa bên cạnh cái lò Gạch Ngói này mà lưu lại một khoảnh khắc chạnh lòng cho Đất Mẹ.  Những đống hoang tàn trên một vùng đất Giới Tuyến có số phận một lò gạch chuyên lo chuyện DỰNG XÂY nhưng số phần đất nước đã định rồi người làm chuyện xây dựng cũng phải ra đi và cả cái lò kia cũng đành mất dấu.  Nếu một ai đo mai này trên đất dưới trời Quảng Trị nay là biển dâu thay hình đổi dạng và đắm chìm trong cảnh sống xôn xao hãy nhớ về ngày xưa Quảng Trị từng có một cảnh sống thanh bình và những lớp người đã RA ĐI biền biệt nay chẳng trở về./.

Đinh hoa Lư edition 27/7/2019
edit 18.4.2023
hình: Biệt thự lò gạch Trương Kế từ thập niên 1960 cho đến mút cuối cùng 1972


 viên ngói móc thời trước 1972 gia đình ông Trương Kế còn giữ làm kỷ vật (hình dưới)





No comments:

Post a Comment