Thursday, August 17, 2023

TỔNG HỢP SỐ 10- VIẾT VỀ QUẢNG TRỊ XA XƯA

 MỤC LỤC  


1- RUỘNG MUỐI  THÔN TƯỜNG VÂN 

2- MANG TƠI "THÌ PHẢI" ĐỘI NÓN

3- NHỚ CÁI THỜI KẸO XÓC Ô PHỔ TRƯỜNG NAM

4- ÔNG TÀU BÁNH PÒ VÀ ÔNG PHƯƠNG KẸO KÉO

5- NHỚ MỘT CHIỀU XUÂN 



====================================== 


RUỘNG MUỐI THÔN TƯỜNG VÂN 



           Tường Vân Thôn Hè 1976 


    Trước khi dòng Thạch Hãn đổ ra Cửa Việt có mấy thôn Tường Vân, Hà Tây. Ở đây có một nhánh sông nhỏ cùng nhập vào dòng chính Thạch Hãn trước khi chảy ra cửa biển. Bình thường thủy triều lên thì nước mặn đi vào rồi lại rút. Dĩ nhiên cánh đồng Tường Vân chỉ có thể tạo được một cánh đồng không để làm ra lúa gạo mà để làm muối. 

  Sau buổi can qua, chúng tôi là đám tù từ Ái Tử có lệnh di chuyển về dựng lán trại tạm trú riêng biệt tại một ngã ba sông, nếu không lầm xem bản đồ hiện nay là Thôn Tường Vân, thuộc huyện Triệu Phong một đồng trống nơi nhánh sông sắp chảy ra Cửa Việt. Người viết còn nhớ anh em tù ngày đó còn gọi là đi làm ruộng muối " Hà La". Nhưng nay trong bản đồ chẳng có thôn nào tên Hà La ngoại trừ Hà Tây mà thôi.

 Thời gian vào  khoảng hè 1976, gần hai trăm người chúng tôi từ Trại 4 được dẫn về làm muối tại đó. 


   cánh đồng muối do tù Trại 4 Ái Tử về làm mùa hè 1976 (có ô lục giác đỏ) đối chiếu với bản đồ Google hôm nay (ngôi sao nơi ở của tù, mũi tên nơi gánh cát về ruộng muối)


Một cái nhà tranh dài được cất lên ven nhánh sông nhỏ, sau lưng là cánh đồng Tường Vân khá rộng. Buổi chiều rảnh, chúng tôi hay ngồi ngó qua bên kia là Hà Tây, ngắm nhánh sông sóng nước lao xao theo gió.


Điều đặc biệt khiến người viết nhớ mãi là Muối này làm theo phương pháp mới từ ngoài bắc đem vào nên thu hoạch muối vào cuối ngày. Sáng làm chiều có muối. Phương pháp này khác xa với cách làm muối tại Phan Thiết xưa là chờ ruộng khô khá lâu mới cào muối...

Làm muối cách mới này ra sao?

1- LÀM MẶT BẰNG

những thửa ruộng muối thật bằng, chúng tôi đi nong đất bằng những cái thuỗng dài, cát gánh từ sông Tường Vân vào (cách 2 cây số) rãi đều trên mặt bằng.Tù được giao khoán số cát phải gánh từ bờ sông vào , ai gánh đủ số lượng mới được về trại nghỉ.

2 - TĂNG ĐỘ MẶN NƯỚC BIỂN

Nước biển từ Cửa Việt theo các con lạch đào vào ruộng. Sau khi ngấm qua lớp mặt bằng này độ mặn sẽ tăng lên cao . Giữa những đám ruộng là những đường thẳng chúng tôi múc nước từ các ô nước đã tăng độ mặn bỏ vào các cái vại đúc để dọc theo những đường băng này thẳng tắp. Các vại này gọi là CHẠC  các ô phơi cạnh các vại này sẽ nhận một lớp nước muối đậm này. 

3- PHƠI NỨOC BIỂN VÀ CÓ MUỐI CUỐI NGÀY 

Rất nhiều các ô phơi dọc theo các đường băng. Kể cũng tội nghiệp cho việc xây ô. 

Tội nghiệp ra sao? 

Đúng ra cần nguyên liệu là CÁT -VÔI- XI MĂNG. Thời đó không bao giờ có xi măng. Có thể nói ra không ai tin vào thời này; xi măng có thể loại hiếm quý, nó dành ở đâu khác thôi.  Vôi và cát là 2 nguyên liệu chính cho người thợ tù chúng tôi làm ra ô và chạc để làm ra muối.

    Nhưng vôi và cát trộn lại với nhau chỉ là sự kết nối tạm bợ thôi,  khó mà bền vững được. Trời nắng đến chiều chúng tôi cào lại là có một lớp muối mỏng. Vô số các ô phơi như thế cộng lại cuối ngày đã có muối đem gom lại. 

    Chiều tà, nhóm tù chuyên môn làm muối có được vài gánh muối ít ỏi gánh về. Ngày nào cũng thế, lâu ngày cũng có  một số muối dồn đống lại. Muối tù làm được không bao nhiêu. So với cánh đồng muối trong nam thì việc sản xuất này phải xem như là "trời ơi đất hỡi" mà thôi. Chỉ có công tù là 'công không trả' nên người ta mới làm theo kiểu ít ỏi thế kia. Muối ít hay nhiều cũng là chuyện của Trại. Đó là cái gọi là thành quả 'cải tạo lao động'. Chúng tôi chẳng để ý chuyện này. Hàng ngày chỉ mong cho xong những gánh cát ướt và nặng, gánh từ bờ sông vào đồng muối cho đủ "chỉ tiêu" giao khoán, xong về lại căn trại tạm thời đó nghỉ.

    Làm sao tôi quên hình ảnh bao cái áo sọc tù nhưng hai bờ vai bạc trắng mồ hôi muối. Gần cửa biển nên nước sông cũng mặn hòa với mồ hôi càng làm cho áo tù càng mau mục rã, tả tơi. Thương cái đòn gánh, người "bạn hiền" gần gũi đôi vai. Nếu ai đó có được cái đòn gánh dẻo dai, vẫy nhịp theo bước chân chạy đều, nó sẽ giúp cho phần nào gánh nặng.  Nước uống- toán "anh nuôi" vào tận làng gánh về chia đều tiên cho việc uống.  Những miếng cơm đạm bạc Những bữa ăn không no đó là những gì tôi còn nhớ được.




NHỚ LÀM SAO BUỔI ĐÀO SÔNG KHƠI RỘNG DÒNG NƯỚC CHO THÔN TƯỜNG VÂN 

 NHỮNG KHÚC SẮN 'ỐM O', NHỮNG THÙNG NƯỚC CHÈ TƯƠI  NHƯNG ẨN CHỨA  TÌNH THUƠNG CỦA NGƯỜI  LÀNG MỚI HỒI CƯ 



Chúng tôi được dịp khơi lại một đoạn sông của thôn TƯỜNG VÂN bị khô cạn, trơ đáy vào một hai dịp cuối tuần. Khúc sông hẹp này đựoc mấy đội tù làm ruộng muối chúng tôi vào làm giúp. Đó là một ngày thứ Bảy, chúng tôi vui và nhớ hoài do được gặp lại dân làng. Người làng mới hồi cư lại vùng này đang cần nước, khúc sông lại cạn cần khơi rộng ra. Tiếng là gặp lại dân nhưng chúng tôi chỉ thấy loáng thoáng thôi. 

    Nhớ làm sao, chúng tôi có một giờ giải lao nào đó. Đội sản xuất trong thôn có nhiệm vụ gánh sắn nấu ra 'bồi dưỡng' cho đám chúng tôi đang công tác XHCN cho dân. Những khúc sắn ốm o mọc lên từ ruộng cát trắng bạc màu, lớn bằng đầu ngón chân. Có thể đám sắn này vừa mới vươn lên từ nền đất cát trắng gần biển, nhưng người dân chẳng có gì để đãi người lao động giúp thôn trong một ngày chủ nhật. Nhớ làm sao mấy thùng nước chè tươi, đựng trong hai thùng sắt vuông rỉ sét, được người dân trong thôn gánh ra. Hình ảnh một buổi 'giải lao' tràn đầy ý nghĩa trong đó làm chúng tôi nhớ mãi trong lòng.

Những khúc sắn 'nhỏ ốm tong teo' từng vươn lên trên nền cát vùng biển. Không là ngoa ngữ, chúng tôi nhớ thời gian đó đối với người tù sao thơm và dẻo ngon đến thế?! Sự thật khó tránh né, do lúc đói cái gì mà chẳng ngon. Nước chè xanh đối với chúng tôi rất lâu mới thấy lại. Chúng tôi tìm cách uống thêm mấy lon nước chè cho thật thỏa vị giác và cái bụng. Sắn và nước chè tự tay người trong làng Tường Vân nấu cho tù. Không hẹn hay báo trước mà gặp; quá lâu mới thuởng thức những thứ trước đây xem tầm thường và gần gũi thế mà ai ở vào hoàn cảnh trong cuộc mới cảm nhận hay nói hết lòng cho đủ ý là ngon và "thấm thía" làm sao.

Anh "đội trưởng sản xuất" trong thôn, nghe đâu cũng "hạ sĩ VNCH" vừa hồi cư về làng. Dĩ nhiên chỉ là hạ sĩ do anh không có nhiệm vụ đi "học tập". Hôm đó người đội trưởng này  có nhiệm vụ gánh nước chè tươi cùng thêm một người khác gánh sắn nấu cho đám  chúng tôi đang ngồi nghỉ bên triền cát;  liếc trái liếc phải xong, anh nói thật nhanh như sợ ai đó nghe được:

...Ăn, ăn đi mấy eng, ăn cho no nghe mấy eng ...

 
    Làm sao chúng tôi quên được câu nói đầy nghĩa tình đó. Thật vậy, trong những hồi ức nhớ về TÌNH DÂN tôi không bao giờ quên câu nói trong buổi giải lao năm đó. Một câu nói của người làng vừa hồi cư trong thiếu thốn chật vật mọi bề nhưng không quên san sẻ một chút ân tình cho những người nay đà thua cuộc.




Hơn bốn mươi lăm năm qua rồi, tôi vẫn nhớ về Tường Vân Thôn. Có những buổi chiều tà, tôi ngồi bên bờ cát của nhánh sông nhỏ lắng nghe tiếng sóng lao xao vỗ vào bờ sông cạnh doi đất của một lán trại tù riêng lẻ. Thủy triều vẫn lên xuống hàng ngày. Cánh đồng ruộng muối rộng mênh mông. Tôi nhìn chênh chếch hướng tây, trên đó là rặng Trường Sơn mờ dần theo ánh tà dương sắp lặn. Chỉ ngần ấy thời gian, mới hai năm ra đơn vị. Hè 1974 tôi còn đóng quân tại hai thôn Thanh Hội và Vĩnh Huề. Tôi nhớ cái hầm trú ẩn trung đội núp dưới đụn cát ven bờ biển vắng của Vĩnh Huề Thôn. Tiếng tịch tịch tè tè của chiếc máy truyền tin và hàng ngày đóng quân tôi hay ngắm ánh hoàng hôn mờ dần trên bờ cát vắng. Rồi Trường Sơn trên kia một nơi có mấy cái chốt trung đội những ngày cuối cùng, giờ đó chắc đã phủ cây xanh.  Chỉ hai năm thôi, bờ biển vắng cùng rặng Trường Sơn cùng một thay đổi quá nhanh chỉ còn lại là số phận của những thân phận tù binh về làm ruộng muối. Ôi chỉ ngần ấy hai năm, biến đổi và số phận thoáng nhanh chẳng khác chi là một giấc mộng đêm trường...

Ruộng muối mênh mông ngày đó, ắt hẳn giờ đây không còn chút dấu vết nào của một khúc sông nào đó cạnh Tường Vân Thôn. Một ngày xưa có những bàn tay những người tù khơi rộng một khúc sông. Tường Vân thôn, nơi có những khúc sắn nghĩa tình và bát nước chè ân cần thuơng cho thân phận sa cơ thua cuộc, là chút gì an ủi cho chúng tôi trong ngày tàn cuộc chiến.


Tường Vân ơi! thôn xưa cày lên dòng nước mặn
Bạc áo vai người, kỉu -kịt hạt muối thấm mồ hôi
Thôn xóm quạnh hiu, dòng sông chờ người khơi mạch sống
Cơm áo chưa về, ngày tháng đó xa xăm
Sóng sánh miếng nước chè xanh anh- tôi chia đôi khúc sắn
Mặn nồng ơn nghĩa- dòng sông vắng làm nhân chứng tình dân.

================================================

MANG TƠI  "THÌ PHẢI" ĐỘI NÓN




Chào bạn đọc

  Trời mưa làm chúng ta nhớ đến cái chuyện áo mưa. Từ thời xưa ông bà ta có cái nón che đầu nhưng phải có cái tơi chằm bằng lá, bận vào trông như những "chú nhím" di động. Thế mà lạ thật, khi ta nhớ về hình ảnh chiếc tơi lá xưa kia ai cũng bâng khuâng, hình như có chút gì ngậm ngùi nhớ về một miền  thôn dã 'xa lắc- xa lơ' nào đó.                             

     Miền trung hàng năm gió bão. Cái vòng thời tiết đó chẳng khác chi "định mạng an bài" cho người mình. Mỗi khi bầu trời mưa giăng gió giật, hình ảnh chiếc tơi là người bạn thân thiết cho nguời làm nông. Tơi bao mùa ấp ủ, chở che. Tơi mùa đông giữ làn hơi ấm cho bác nông phu đang theo con trâu, lội bì bõm trên đồng ruộng mênh mông. Tơi mãi ấp ủ cho người trong cơn mưa phùn giăng mắc, rơi mãi không thôi. Tơi lại còn bảo vệ cho những ai chân lấm tay bùn vào khi bao làn mưa nặng hạt, những làn nước quất mạnh vào người.     

                             
 *


TƠI VÀ NÓN TRONG XÓM CỬA HẬU PHƯỜNG ĐỆ TỨ QT NGÀY XƯA




Rừng miền trung hay có loại lá tơi. Nó tuơng tự như cây lá nón. Cây lá nón thì nhỏ và mượt mà hơn người ta chỉ lấy phần đọt về phơi làm nón. Lá tơi tuy cây không bằng cây lá buông trong xứ Bình Tuy gồm Rừng Lá hay dưới chân Núi Mây Tào, quanh vùng Xuyên Mộc nhiều vô số. 

   Ngày xưa trong xóm tôi (tức là xóm Cửa Hậu) có  Ông Lâm (ông thân của võ sĩ Bách Tùng Lâm) những ngày mưa, ông mang tơi đội nón, vác cày ra ruộng. Cánh đồng Cổ Thành này giáp giới với đồng Hạnh Hoa. Con trâu đen lầm lũi kèo bừa, bước chân nó lõm bõm trên ruộng. Bác mang cái tơi đứng trên bừa, ngọn roi vẫn quất tron trót. Càng mưa thì con trâu càng thích. Tơi quả là người bạn chí thiết cho bác nông phu lúc mưa dầm, giá rét.

Người viết nói chuyện cái tơi lại nhắc đến chuyện nón cũng giai do mấy chữ "mang tơi đội nón" mà ra.


 phụ nữ VN ra đường ai ai cũng đội nón 



Xóm tôi có nhà mệ Tý (thân mẫu của anh Lê Văn Quang, thiếu tá tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 122 TKQT) làm nghề chằm nón. Những phiến lá nón trắng tinh khôi, được nhà mệ phơi nắng dọc theo con đường kiệt dẫn vào nhà anh Quang. Mũi kim thoăn thoắt, cái khuôn nón đen nhánh lâu ngày dưới đôi bàn tay chăm chỉ nhịp nhàng của mấy o con Mệ. Những chiếc nón lá xinh xinh, màu trắng nõn nà được mấy o sơn thêm lớp dầu láng bóng. 




Hàng nón ở chợ tỉnh Quảng Trị tuy không nổi tiếng như nón bài thơ tại Huế, nhưng nón là mặt hàng không thể thiếu do người phụ nữ thời này đa số ra đường đều đội chiếc nón lá trên đầu. Chiếc nón lá là hình ảnh quen thuộc, từ cô nữ sinh cho đến người mẹ người chị, hay bao người nội trợ đảm đang.


  MANG TƠI THÌ PHẢI ĐỘI NÓN 




"Mang tơi đội nón" nó trở thành một thành ngữ "bất di bất dịch". Nó luôn đi kèm theo nhau mới đủ nghĩa. Chúng ta hỏi tại sao ư? Bạn đọc cứ tưởng tượng, mang tơi mà không đội nón thì nước mưa theo đầu xuống cổ ướt hết thân người?

Cái vòng cổ của cái tơi khá rộng. Do cái sợi mây mảnh, đánh mềm xâu qua. Người mang tơi cứ việc tròng qua đầu và nhớ đội thêm cái nón lá là chắc chuyện. 

Ngày xưa Chợ Quảng Trị người mình hay gọi là Chợ Tỉnh.  Mỗi lúc trời mưa, tại mấy con hẻm ngắn dẫn vô chợ chúng ta thấy người ta lên bán nông phẩm hay than củi còn  lác đác mang cái tơi này. Đó là khoảng 1960, sau này chúng ta ít thấy người mang tơi tại đó nữa. Người kể chuyện không quên con hẻm vào chợ, phía cây xăng hay lầu Mệ Tài Chanh, mấy người bán than thường mang cái tơi loại này.


Trời mưa. Mang tơi đội nón xong, người thời xưa- tôi viết thời xưa vì nay không ai mặc tơi làm gì- yên tâm bước ra cửa nhà. Ngang đây chúng ta nhớ câu " gió chiều nào xoay theo chiều đó" không chỉ có cái nghĩa bóng ám dụ duy nhất cho kẻ xu thời không thôi, nó đúng với cái nghĩa đen cho kẻ mang tơi đội nón nữa. Mang cái tơi, ta rất dễ xoay. Khi gió  quất mưa vào người , ta  xoay cái tơi về hướng gió quất, cái tơi sẽ che chở cho thân mình.


LẠI CHUYỆN CÁI TƠI TRONG TRẠI TÙ BÌNH ĐIỀN 

Chuyện cái tơi không phải là chuyện ngày xửa ngày xưa hay là chuyện thời con nít của tôi hay thấy để kể lại.                            

Mấy năm ở trong trại tù Bình Điền phía tây nam Huế, chúng tôi có dịp được mặc cái tơi mới là cái chuyện khó ai tin mà có thật.


Rừng Bình Điền thập niên 1980 lá nón nhiều vô số. Trại tôi được hiến kế hay do trại nghĩ ra tôi không chắc chắn gì. Nhưng có lần trại tù vào rừng hái lá nón về làm nón phát cho tù đi lao động. Trời mưa, thì trại cũng tiện dịp cho lệnh làm áo tơi cũng chằm từ rừng lá Bình Điền phát cho tù cải tạo. Khéo khen làm sao? trong trại của chúng tôi có đủ nghề; mộc, rèn, làm ruộng, tăng gia sản xuất cho đến đan thúng, làm cối xay lúa đều có người lãnh phần làm được. Ngờ đâu! cũng có luôn nghề làm nón đan tơi, cái chuyện tôi không tin được. Thật lòng mà nói các nghề thủ công nói trên phần nhiều nhờ vào bàn tay các trung đội trưởng nghĩa quân bị đi 'tù'. Các trung đội trưởng nghĩa quân phần nhiều xuất thân từ vùng nông thôn đủ loại ngành nghề trước khi họ vào lính.


Những ngày mưa dầm; những toán tù ra vô trại , ai cũng mặc cái tơi và đội nón lá trại phát. Từ xa chúng ta trông y những 'đàn nhím' di động, thật là 'cười ra nước mắt'


Cái tơi vừa che mưa đỡ lạnh cho tù, vừa che mắt cán bộ công an coi tù. Lý do, những bao khoai hay bao rau tàu bay, rau má 'cải thiện' mang sau lưng, ngoài choàng cái tơi thì quá an toàn.  Cái tơi dần dà thân quen với tù, lại còn cần thiết vì nó che dấu dễ dàng những thứ bị cấm do cái tội 'cải thiện linh tinh' ...đó là những hình ảnh 'cười ra nước mắt' thật - đến lúc đó nguòi tù mới có cái cảm giác thân thiết và chịu ơn cái tơi lá Bình Điền.

            ***

         Đúng ra cái tơi là hình ảnh ngày xưa. Ai có công sưu tìm mới có. Trên các trang mạng người ta sưu tầm hình ảnh này nhờ vào văn khố Đông Duơng của Pháp chẳng hạn. Người Việt nam nào lớn tuổi còn nhớ hay đã 'kinh qua' . Đời tôi nhờ ở tù cải tạo mới có lần lãnh được cái tơi này trong trại Bình Điền -Huế.

Chuyện nghe lạ?


NGHỀ ÁO TƠI PHÁT TRIỂN LẠI SAU 1975

chúng ta hãy tìm về thôn Yên Lạc, Quang Lộc, Can Lộc (Hà Tĩnh) tìm hiểu về làng làm tơi duy nhất ở một vùng bị cho là  “ chảo lửa, túi mưa”; cũng như người Quảng Trị hay nói là "nắng cháy da, mưa dầm thúi đất"



Sau 'trận đổi đời' 1975, lá rừng không còn là 'rưng rưng nước mắt' mà lại giúp và nuôi người dân lao động khá nhiều.


Theo câu ca người ta tìm về  thôn Yên Lạc, Quang Lộc, Can Lộc (Hà Tĩnh) tìm hiểu về làng tơi duy nhất ở vùng “ chảo lửa, túi mưa” để giải đáp băn khoăn:

 Giữa thời công nghệ nhựa polymer hiện đại, áo bạt, áo ni lông đủ kiểu, dù đi mưa đủ sắc màu, thì áo tơi có đã là bảo tàng, là câu chuyện cổ tích xa xưa.       

Ở miền nam trước 1975 xem chừng hình ảnh những cái tơi lá ít thấy lần hồi. Chúng ta nhớ lại kỹ nghệ nylon phát triển mạnh trong miền nam , dần dà chiếm lĩnh hết các tiện nghi phục vụ con người từ thành phố đến thôn quê. Từ cái giỏ đi chợ, đôi dép, nón  cho đến cái áo che mưa cũng bị 'nylon hoá'.
Sau 1975 khi ba miền hợp lại, chúng ta mới nhận ra rằng xã hội miền bắc không bị 'nylon hoá' nhiều bằng miền nam. Tại các làng quê như Quảng bình Hà Tĩnh ...cái tơi vẫn là 'người bạn' thân thiết cho nông dân VN cái nghề 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời' . 

Báo Lao Động trong nước có viết như sau:


"Nhưng tôi đã lầm. Quần tụ quanh dãy đồi bát úp, nép vào dưới rặng tre xanh, làng tơi Yên Lạc vẫn tồn tại qua năm tháng, bất chấp thị trường chao đảo, bất chấp dè bỉu của “mốt” hiện đại vẫn lặng lẽ âm thầm bảo lưu một làng nghề truyền thống đã gắn bó lâu đời với mảnh đất cha ông..."


Thật cảm động, người dân quê miền bắc trung phần vẫn giữ cái nghề 'cha truyền con nối' dù cho xã hội có polymer hoá tới đâu



Cái làng Yên Lạc cho rằng 'còn nắng còn mưa thì còn tơi' ...mà thật thế chúng ta chứng nghiệm rằng không có gì giữ ấm và chắc chắn bằng cái tơi và ngược lại trong cái nóng 'khủng' tại miền Trung , dân ta còn nghiệm ra rằng mang cái tơi lại mát mẻ hơn nhiều thế mới lạ lùng...


Sau này người ta có nylon để che mưa. Người thành phố có áo mưa may bằng nylon dày. Tại thôn làng, ngoài cái dù đen của các cụ, lác đác đâu đó người nông dân còn mang rất ít loại tơi này nhưng quàng nylon là chính.        


    Người miệt quê che mưa, từ cái tơi dày, nặng 'tiến lên' cái tấm nylon nhẹ nhàng thuận lợi.

Thế mà cứ lúc ngọn gió mạnh, quất những làn mưa rào rạt vào người, miếng nylon yếu ớt nhè hều không còn bảo vệ được gì? Lúc này đây người cày ruộng chợt nhớ đến cái tơi lá dày cui chắc chắn làm sao.


Bên trong cái tơi nồng nàn hơi ấm, chắc bác nông phu chân lấm tay bùn cảm thấy lòng mình càng ấm áp hơn thêm . Cái tơi như người bạn đời thủy chung đi theo cuộc đời cày sâu cuốc bẫm. Chuyện cái tơi chẳng khác chi thứ  tình cảm mộc mạc đơn thuần.  Bên bờ tre mập mờ theo làn mưa phùn dưới ngọn gió mùa đông giá rét, người làm ruộng mang tơi như bao đời chân thật với miếng vườn, đám ruộng sâu nặng tình cảm quê hương.




Thời gian sẽ phôi pha tất cả, dù ta muốn hay không, hình ảnh mang tơi đội nón sẽ mất dần ở chốn làng thôn khi đất đai càng lúc càng hiếm hay đất nước đã cơ khí hóa hoàn toàn. Cho đến một ngày cái nghề chằm tơi không còn nữa, họa chăng chỉ còn lại hình ảnh chiếc nón lá thân yêu ngày ngày che nắng, đội mưa cho cô thôn nữ. Cũng có lúc nón lá nghiêng vành dấu đi nét mặt thẹn thùng của cô nữ sinh phố Huế nào đó mà thôi./.


============================================ 

NHỚ CÁI THỜI KẸO XÓC Ô PHỔ TRƯỜNG NAM QT 


Bạn đọc NH thân mến 

Đây là bài đăng lại nhưng tổng hợp từ hai ký ức của tác giả về hình ảnh thời con nít dưới khung trời Quảng Trị và nhất là những cậu học trò có thời học tiểu học tại Trường Nam.

Trong nhiều góp nhặt  hồi ức, chắt chiu từ những kỷ niệm ấu thơ ắt hẳn có nhiều chi tiết mập mờ, tuy nhiên chủ đích của người viết mong chúng ta cùng nhau đưa trí tưởng tượng bay về một vùng kỷ niệm vĩnh viễn rời xa. Hãy quên đi tuổi già đang 'sòng sọc' chạy tới cùng thư thả như phiêu bồng cho tâm hồn bay về một QT Ngày Xưa

Ôi trong nhiều dấu tích phai tàn đó, có những người muôn năm cũ và nhiều thanh âm cùng hình ảnh thơ dại, một thời tuổi ngọc, tất cả đều cất cánh bay xa về một vùng thăm thẳm mù khơi mà chúng ta gọi là quá khứ.


CÁI THỜI KẸO XÓC













Những lứa học trò Trường Nam Tiểu Học Quảng Trị thời đó làm sao quên được kẹo xóc Ôn Phổ? 
QT và Trường Nam có gọi kẹo xóc là kẹo ú hay không, người viết không đoan chắc. 
Kẹo xóc trường Nam QT. Có nhiều điều đáng nhớ cho các cậu nam sinh (xin mở ngoặc ra đây không có các cô), đó là hai cái cổng trường. Nhộn nhịp nhất là cổng sau ngó ra đường chính Trần Hưng Đạo. Cái cổng chính ngó ra bờ sông ít ai đi, tuy là chính nhưng nó vắng vẻ làm sao!


nước tràn Thạch Hãn năm 1959 khoảng trước Toà Hành Chánh

 Nhớ làm răng những lần lụt về! nước tràn lên con đường Gia Long. Một dòng sông đỏ ngầu, nước cuồn cuộn sóng, xoáy lớn, xoáy nhỏ chảy băng băng. Nước mấp mé vào đến sân trường. Lụt to quá, có lúc học trò phải nghỉ học. Cũng tội oan cho bác phu trường, do đó là lúc nhà ôn trường mất khách không ai mua kẹo.








hồ thành đoạn mé sát đường Duy Tân gần trường Nguyễn Hoàng lụt 1959 

Ngày đông tháng giá, bầu trời mây xám hay mưa rả rích, cái thời những đứa học trò Trường Nam choàng tơi nylon đi học. Nhớ làm răng, hình ảnh lụt tràn qua đường, những con cá vượt qua hồ Thành lội ngược về sông. Người Quảng Trị đi cất rớ, kẻ lượm củi nguồn về. Những lúc này là học trò mong nhất là được ở nhà để đi lội nước hay đi chơi lụt. Chúng tôi dám men ra tới bờ sông ngó người ta kiếm cá. Chúng tôi thích thú với mấy bụm cá trắng đang nhảy long chong trong cái rớ vừa cất lên, hay coi làn nước mênh mông đầy sóng dữ...



cây ngô đồng và trái khô của nó


Thôi, người viết xin  trở lại cái sân trường với chuyện kẹo xóc để khỏi miên man qua chuyện khác.
  Các bạn còn nhớ hàng phượng vừa lên trưóc dãy trường chính không? Chỉ có mấy cây ngô đồng là lâu năm nhất. Không ai dám gần do lớp gai nhọn hoắc mọc chi chít quanh cái thân cổ thụ của chúng. Thế mà khi ngô đồng rụng trái khô thì chúng tôi lượm đem về làm bánh xe chạy chơi. 



Nhớ ôn phu trường là nhớ con dáng người ôm ốm, khắc khổ, nước da ngăm đen. Dãy nhà lẹp xẹp sau lưng trường chính là nhà cho mấy ôn phu trường. Sau này mới gọi là lao công, hồi đó chúng tôi gọi các bác là phu trường thôi. Ăn kẹo xóc thì phải có sẵn bạc cắc hay bạc một hai đồng.


Nhớ ôn Phổ, không chỉ thứ kẹo xóc nhà ôn làm nhưng ta nên nhớ cái trống trường. 

Tùng! Tùng! Tùng! ...

Mỗi lúc vào lớp hay lúc ra chơi.
Tiếng trống ra chơi là lúc chúng ta ùa ra khỏi lớp và chạy ù đi mua kẹo xóc.




Ba tiếng trống ra chơi  là lúc tâm hồn chúng ta sao mà thích thú lạ lùng? các trự bạc 5 giác tức là nửa đồng, đứa nào kha khá thì có trự một đồng hình cây trúc, vội chạy ù lui sau nhà Ôn.

Người viết còn nhớ một đồng 12 cái kẹo xóc chứ không phải 6 cái.  Một đồng còn giá trị lắm. Khúc kẹo kéo cũng mua "năm giác" tức là nửa đồng thôi. (người viết không hiểu sao kêu là năm giác?)

Những cái kẹo xóc vừa làm xong còn dính bột trăng trắng dẻo thơm mùi gừng răng mà "ngon lạ, ngon lùng". Có thể ngon là do chúng ta chẳng có cái chi hơn mà chọn lựa. Nói tới nói lui, vào thời đó chẳng ai lo toan hay cảnh cáo cái chuyện "sâu răng" do ăn kẹo xóc cả, thế mới lạ kỳ? Mặc dù thầy cô có dạy đánh răng mỗi buổi sáng (ít nghe chuyện đánh răng buổi tối) và cũng không nghe nhiều vấn đề bảo vệ răng như  thời sau này?

Tiếp đến những năm sau này, song song với sự xây dựng của Trường Nữ Tiểu Học phía bên kia con đường Trần hưng Đạo thì hàng quà nở rộ. Cái cổng thứ hai của Trường Nam phía đường Trần Hưng Đạo, giờ ra chơi nườm nượp hàng quà. Có thể lúc này kẹo xóc Ôn Phổ và dãy nhà phu trường phía lưng trường chính có thể trở thành hiu quạnh.

Một thời ngây thơ, những thèm muốn hồn nhiên, những chia sớt với bạn bè khi tiếng trống ra chơi vừa đánh. 


KẸO XÓC VÀ NHỮNG TÊN GỌI


Giã kẹo mới cắt xong còn nguyên trên trẹt, chờ nguội sẽ được phủ một lớp bột mì sau đó xóc thật đều. Đây là lý do thời này đặc biệt lứa nam sinh Trường Nam chúng tôi, nhà Ôn  Phổ gọi tên là "kẹo xóc'. Vào nam người ta hoàn toàn quên hay không biết tiếng "xóc' này. Người QT tại Bình Tuy kêu là kẹo ú, kẹo gừng ...người viết còn nhớ như in tại Xã Sơn Mỹ Hàm Tân, người dân ở đây (phần nhiều gốc Gio Linh) còn kêu cái tên rất ư 'đặc biệt' là kẹo..."c. mèo'?

Răng mà gọi là "c. mèo" hỉ? có thể thứ kẹo này sau khi cắt ra, nó đen và xấu xí như 'c. mèo' chăng? ôi cái tên chi mà nghe "hình tượng", các em ngày đó "nhìn răng gọi rứa" tâm hồn mộc mạc ngây thơ quá đi thôi.

Hình trắng đen chụp năm 1986, học trò lớp 3 chụp chung với cô giáo tức là vợ tôi NH 65-72 Trần Túy Huệ. Còn chồng là phu trường cùng các con sống tạm trú  trong ngôi trường cũ xây từ năm QT KHẨN HOANG LẬP ẤP  Bình Tuy 1973-74, vách hông trường đã đổ nát trong chiến tranh, nên qua cửa sổ chúng ta thấy một khoảng sáng trắng ...



TRỞ LẠI CĂN NHÀ CUẢ PHU TRƯỜNG SAU LƯNG TRƯỜNG NAM QT

Kẹo trên trẹt để nguội xong mới được nhà bác phu trường bỏ vào thẩu. Có đôi khi kẹo Ôn Phổ chưa bỏ vào thẩu mới vừa xóc bột thì đã được học trò mua hết trơn. Con Ôn Phổ cũng học chung một trường Nam nhưng người viết không biết được? Mấy ai còn nhớ đến Ôn; mà chữ "Ôn' vừa thân mật vừa trìu mến, có chút gì trân trọng đến một người hàng ngày cầm đùi đánh trống. Ôn còn bảo vệ Trường Nam; thỉnh thoảng thầy Lưu Hiệu Trưởng còn nhờ Ôn đem mấy thứ gì đó tới tận cửa lớp cho các thầy cô.

Các cậu học trò Trường Nam tại sao nhớ kẹo xóc nhiều? chẳng qua hồi đó Ôn Phổ chỉ làm kẹo xóc bán cho học trò thôi. Những thứ gọi là ăn hàng một thời sao đơn sơ và bình dị quá đi thôi. Khác với học trò tiểu học thời bây giờ ăn hàng đủ thứ. 

Những "ước ao thèm muốn" theo đó cũng bình dị đơn sơ và dỉ nhiên sự cần thiết về tiền bạc cũng không cuồng nhiệt quá sá như thời đại hôm nay của game điện tử của Internet của hàng trái cóc, bò viên, chua ngọt bò khô "hầm bờ lằng" không kể xiết?

Một thời kẹo xóc nó không đơn sơ như hình ảnh cái kẹo mà là những tình bạn ngây ngô chất phát, những âm vang vui vẻ náo nhiệt của giờ ra chơi dưới khung trời Quảng Trị vĩnh viễn không bao giờ có lại.

Con sông xưa Thạch Hãn giờ còn lững lờ trôi, nhưng cái bến vắng cái Trường Nam xa xưa giờ đã mịt mù sâu thẳm trong ký ức của bao đứa học trò Trường Nam tỉnh Quảng. Màu xam xám của mấy cái kẹo ú như những mãng trời vào đông mưa bay lất phất; đó là khung trời Quảng Trị chứa chan kỷ niệm cho nhau. 


Người dân miền trung đặc biệt Quảng Trị và Huế ai cũng biết đến thứ kẹo này. Kẹo ú, kẹo gừng, kẹo 'c... mèo' nào chăng nữa nó chính hiệu là thứ kẹo 'xóc' ngày xưa mà những lứa học trò Trường Nam quen thuộc hay luôn miệng gọi.  Một cái tên nghe sao thương mến do nó đưa tôi về một thời tuổi nhỏ hồn nhiên./.

ĐHL
San Jose 1/8/2017 

=================================

ÔNG TÀU BÀNH PÒ VÀ ÔNG PHƯƠNG KẸO KÉO 



 

Rồi cũng về lại phố xưa

Về trong mùa thu bồi hồi làn mưa lối vắng

Rồi cũng về lại phố quen

Về trong tình em dịu dàng, dịu dàng ...

Về Lại Phố Xưa

Tác giả: Phú Quang

 

ÔNG TÀU BÁN PÁNH PÒ

 


Có những người Tàu ly hương từ thời ông vải ông cố chúng ta. Họ sống ở Việt Nam quá lâu nên tuy nói tiếng Tàu mà họ vẫn dùng tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ. Ai cũng biết người Tàu thích mua bán; ví dụ quanh chợ Quảng Trị có những tiệm người Tàu. Nhưng không phải người Tàu nào cũng mua bán lớn như ở chợ Quảng Trị. Có mấy ông Tàu quanh năm suốt tháng vẫn trung thành với cái nghề thủ công của mình không hề thay đổi.

Đó là lý do người viết muốn dùng chữ "pánh pò" thay cho bánh BÒ


BẠN BÈ nhắn với tôi rằng nên viết lại một bài về ông Tàu bán Pánh Pò (BÁNH BÒ), một thời Quảng trị.

Quý bạn nói đúng; tôi nghĩ nên nhắc lại chuyện ông Tàu này. Tôi muốn gợi cho bạn bè cùng trang lứa bất kể trường nào, dù Nguyễn Hoàng, Bồ đề hay Thánh Tâm hình dung lại hình ảnh một ông già bán dạo, một thời khó quên.

Minh Hương hay Tiều cũng là người dân QT cùng một thời góp tiếng cùng đồng cam cộng khổ dưới bầu trời mưa gió sụt sùi hay nắng nam Lào cay nghiệt.

ÔNG TÀU BÁN 'PÁNH PÒ'

Ông Tàu Pánh Pò làm cư dân QT không biết từ bao giờ. Ông ở đâu? có thể có số bạn người QT biết? nhưng có điều tôi chắc chắn ông Tàu này là người Tàu lưu lạc , không hội đoàn như nhóm "Trung Hoa Hội QuÁn' trên chợ QT

Ông người cao lỏng khỏng, nước da đồng cua đen bóng vì dãi dầu nắng mưa chẳng gì làm lạ. Ông hư một mắt, đó là điều đặc biệt để nhớ về ông. Hình ảnh để nhớ về ông là chiếc áo ka ki vàng cũ cùng cái quần đùi ông bận.

Bánh bò của Ông bán từ Bồ đề về đến phố Quảng trị. Chiếc xe đạp giàng và lồng kiếng pánh pò ông cột đàng sau. Ít khi ông về đến phường tôi ở. Người viết còn nhớ bánh ông đó là năm Mậu Thân gia đình lên tạm trú tại phường Đệ Nhất. Miếng bánh bò thơm nhẹ, nở đều ngọt tan vào từng góc lưỡi. Đố ai bắt chước được? bởi thế, tôi đoán không lầm rằng ông "độc chiêu, độc quyền' bán bánh bò rong.

 

 

ÔNG PHƯƠNG KẸO KÉO



-Kẹo kéo, kẹo kéo đây!!!

Hôm nay ngồi định tâm edit lại bài, người viết xin nhắc lại với bạn đọc có một ông bán kẹo kéo tên Phương nhưng không phải là Ông Tàu Minh Hương trong đoạn trên. Ông Phương này người Việt và cũng là cái dáng cao lỏng khỏng nhưng nước da không đen bằng Ông Tàu.

Cái giá xếp móc bên vai, giờ ông bỏ xuống. Ông đặt cái thùng kẹo lên đó xong bắt đầu kéo kẹo tay ông lia lịa làm việc . Khúc kẹo kéo một đồng to bậm, con nhà có tiền mua thôi. Chúng tôi chỉ mua 'năm giác' (nửa đồng) là thuờng sự nhất.

Ôi! cái tay ông Phương sao 'dẻo queo'? miếng vải phin vàng úa theo thời gian, ông dùng để 'kéo' kẹo dài ra...to nhỏ đường kính tùy theo một đồng hay 'năm giác' [cho đến nay tôi khong hieu, nửa đồng sao gọi là năm giác? [1]...

-rắc!

Mềm mà cứng, cứng mà mềm; ông chỉ rung 'nghệ thuật' một cái là khúc kẹo đứt lìa như một 'phép lạ?

Tôi chắc chắn quý bạn và tôi nêu không có kéo thì đành chịu thua, không thể nào 'bẻ' kẹo như ông Phương được?

-Thật là 'tuyệt chiêu'!

nói theo thời này cho cách ngắt kẹo kéo kia.

Khúc kẹo bậm bạp thuờng cho chúng ta thuởng thức những hạt đậu phụng thơm giòn bên trong. Nó đang hòa lẫn với cảm giác ngọt, thơm, dẽo của lớp kẹo kéo bọc bên ngoài. Thời con nít, ăn ngon như thế, nhưng chúng ta chưa hẳn nhớ ơn ai đã cho đồng bạc hay nhớ công ông Tàu làm ra thứ bánh ngày xưa?

Ông không dùng chuông leng keng, ông chỉ rao hàng thôi. Từ xa, không đứa nào lầm lẫn được tiếng rao của ông Phương. Tới nơi, vừa đặt cái giá xếp xuống, lũ nhỏ vội tụ lại quanh ông.

Kẹo kéo là mùa học sinh đi học. Bánh Pò ông Tàu là thứ ông bán quanh chợ QT nơi người có tiền và biết thuởng thức . Lạ thât? thời nhỏ chúng tôi ưa kẹo kéo thôi. "Tại răng" ? kẹo kéo ngoài ngon lành hơn , tôi còn tự kéo nhỏ ...nhỏ hơn nữa, để 'ngứt' cho một hai đứa bạn thân mỗi đứa một 'tí tì ti' vì sáng 'nớ mạ hắn không cho hắn tiền'.

Dĩ nhiên, ông Phương hay Ông Tàu không thấy héo lánh đến trường Nguyễn Hoàng làm gì? Tuổi trung học lớn rồi , ăn hàng kiểu này thì "ốt giột' lắm? Lớp tuổi biết yêu thường hay thấy trong mấy quán cà phê thôi. Mà cà phê chỉ một thời cho nam sinh. Phái nữ trung học thời đó ra sao? Ký cóp vài đồng cho nhau me cam thảo hay ô mai bới theo trong cặp vở là cùng. Thế thì hai ông lên đây làm chi? làm sao bán chạy hàng. Đó là tại sao khi lên trung học hình ảnh hai ông phai nhoà dần.

Cám ơn các bạn đã nhắc đến ông Tàu bán Pánh Pò và Ông Phương kẹo kéo hai hình ảnh khó nhòa trong trí óc tuổi thơ Thị Xã. Sau cuộc Can Qua 1975 nghe đâu Ông Phương về lại đất xưa (khu M cũ –cầu Lòn gần Trung Đoàn I)); tuổi già xế bóng ông còn có một ‘dịp may’ giã từ trần thế trên vùng đất quê nhà nơi mà ông bao ngày rảo bước chân đi cùng tiếng rao thân quen và cống hiến vị ngọt cho đời. Còn Ông Tàu Pánh Pò,có thể bạn đọc nào đó biết tin về ông? Người viết nghe đâu ông đã về “miền miên viễn” nhưng xa vời quê cũ, nơi ông sinh ra, lớn lên cùng hòa nhịp truân chuyên với người Thị Xã.

                                   *****

 

Pánh Pòn và kẹo kéo, hai tiếng rao xưa vang dưới một trời kỷ niệm- lứa tuổi học trò. "Rồi Cũng về Lại Phố Quen" như lời bài hát thời nay nhưng đó là niềm mong cho những ai một lần về lại Phố Xưa. Ôi lần về trong trống vắng, nhớ làm sao thanh âm ngày cũ.? Khi ta vuốt lại mái tóc hoa râm cố tìm lại đường xưa khó hay chẳng kiếm đâu ra? Ngày đó có chúng ta, những ngày tuổi nhỏ, vui bên con phố hiền hoà...

Ôi kỷ niệm ập về cho ai bước chân về phố cũ, ai đó cố uống giọt cà phê nén tiếng thở dài, sướt mướt trong lớp áo phong sương hay lụa là hoa gấm, tất cả đều cô đơn chẳng gì so bằng tuổi ngọc?

Một chặng đời, mấy lứa tuổi thơ vui chơi bình dị cùng sẻ chia hương vị ngọt ngào của khúc kẹo kéo đơn sơ, miếng bánh bò thơm ngọt...tất cả đều đã ra đi ./.


 

[1] thật sự không hiểu tại sao gọi là năm giác, hình như 1/2 đồng trong nam gọi là năm cắc ? nghe đâu hồi xưa ở SG một đồng bạc người ta xé đôi tự lưu hành vì nhu cầu nửa đồng không đủ - tôi nhớ thời tt Ngô đình Diệm đồng bạc cắc nửa đồng nhẹ và lớn . sau này Đệ Nhị Cọng Hòa

 ====================================== 


NHỚ MỘT CHIỀU XUÂN 


 

 Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người

Chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ...

(Nhớ Một Chiều Xuân - Nguyễn văn Đông)

 

                                     *

   Tiếng hát cố ca sĩ Hà Thanh mới đây mà đã xa chúng ta đã tám năm rồi. Cũng như nhiều ca sĩ trước 1975, phần nhiều đã “ra đi xa” về trời miên viễn. Chúng ta thương nhớ tiếng hát trong trẻo ngọt ngào của người ca sĩ cố đô. Hà Thanh -một chất giọng chẳng khác chi một dòng sông xanh, nước chảy trong ngần. Đôi khi trống vắng, chúng ta ngồi nghe lại vài bài hát ngày trước, có nhiều tiếng hát cùng chia sẻ với ta bao hình ảnh ngày xuân. Ngày đó là quảng đời tuổi trẻ này chỉ còn quá khứ xa xăm.

 

 

*



Thương bao kỷ niệm êm đềm lúc chúng ta chưa lìa xa miền đất Quảng Trị. Nhớ nhiều thứ, nhất là cành mai lá thiệp mỗi dịp tết đến xuân về.

Ngày xưa mỗi dịp xuân về, nhà nào  dù cực khổ chi cũng kiếm cho ra  một cành mai để chưng giữa nhà. Tháng chạp là tháng ai cũng tất bật lo toan kiếm thêm lợi tức lo cho ngày tết. Gạo nếp bánh mứt. thịt mỡ dưa hành… đó là chuyện của những bà nội trợ. Chuyện kiếm cành mai thật đẹp là chuyện của người gia trưởng, hay quý ông.

Thông thường  người  thành phố QT hay mua mai từ Tích tường Như lệ. Có người phải ra tận Gio linh hay vào Hải lăng mua cho được cành mai đem về. Cũng có người lại trồng đươc cây mai thật lớn giữa sân, Xuân về mới lựa một cành thật đẹp đem vào nhà chưng tết, đôi khi chủ nhân lại cắt biếu bạn hay bà con ít cành.

Ngày đó, người mình trồng cây mai giữa sân để ngắm chơi hay chưng tết mà thôi. Thật bình dị đời thường; khác với thời nay, thiên hạ chơi mai rất kiểu cách nhằm "khẳng định sang giàu”.  Thời nay, những chậu mai  được đánh giá qua "tỷ này triệu nọ", hấp lực  tiền bạc đã xóa đi phong vị của cành mai ý thiệp chẳng biết lúc nào?

 Trở lại chuyện cành mai ngày xưa, mai ở xa đem về nhà thường cách tết hơn cả thángtrời. Cành mai được hui gốc, tỉa hết lá thật kỹ, xong cắm vào cái bình nào đẹp nhất. Chuyện mai nở đúng tết là điều sung sướng nhất của chủ nhà. Lại thêm chuyện mai nở bao nhiêu cánh lại là một niềm mong đợi  nhen nhúm trong lòng. Một niềm vui thật đơn sơ, bình dị của người Quảng trị. Người ta thích bông mai năm cánh do cho rằng mai năm cánh "mới sang”.

  Thông thường  mai núi lá nhiều bông nhỏ, đều nhiều hơn năm cánh. Bạn tri kỷ, trò chuyện bên nhau cùng chén trà thơm. Có khi với hàng xóm hàn huyên mỗi sáng ngày xuân. Bạn hữu bên nhau cùng ngắm và thưởng thức cành mai. Giờ phút đó, hình như hoa cũng có tâm hồn; chúng đang nở đón xuân cùng hòa điệu vào niềm vui rạo rực cùng mong đợi của chủ nhân.  Có gì sung sướng và thỏa mãn cho bằng khoảng 25 tháng chạp, những búp mai bắt đầu thi đua hé nở. Những cánh mai tự trong búp hoa xanh lục, như muốn bức tung ra lộ dần những cánh sắc vàng tươi. Tất cả người và hoa cùng nhau đón ánh xuân về.

 Rồi các ngày cận tết, hay kế cận giao thừa, những cánh mai vàng đã nở “rộn ràng” trên cái cành xương xẩu, khẳng khiu, chen lẫn vài ba chiếc lá xanh lục, mượt mà. Chủ nhà sung sướng, mãn nguyện. Người Quảng Trị dễ dàng sung sướng dù chỉ một cành mai, bông nở đúng kỳ cùng lòng tin năm tới chắc hẳn "ĂN NÊN LÀM RA".




THIỆP XUÂN kỷ niệm lúc QT TẢN CƯ VÀO HÒA KHÁNH ĐÀ NẴNG TẾT 1973

                                     *

 Đó là chuyện mai và bông. Nhắc lại những cánh thiệp đầu xuân, trước giao thừa là chủ nhà đã trịnh trọng đặt xen giữa cành mai. Bạn hữu thân quen hay gửi thiệp. Người buôn bán làm ăn thì có thiệp gửi từ người "mối lái" bán buôn.

Ai có tiền thì mua thiệp loại sang, có hình ông Phước Lôc Thọ hay hình ảnh mai vàng chim muông, cây cảnh, thiếp vàng óng ánh. Giới bình dân thì mua vài ba lá thiêp nho nhỏ bên trong có đề vài dòng thân chúc. Dù sao chăng nữa, nét văn hóa ngày xưa đó là phong tục đáng nhớ, mang đầy ý nghĩa từ tình làng nghĩa xóm, tình cố cựu thông gia, tình thầy trò hay bằng hữu đồng môn.

 Tết đến chốn chợ đò rộn ràng cảnh sắm sanh bánh mứt. Trong mấy quán sách có đủ các loại thiệp tết. Khách mua tha hồ lựa chọn. Có người phải mua sớm để gởi bưu điện cho kịp tới các tỉnh xa do ngại gửi cận tết thiêp đến trễ là điều đáng tiếc.

Cành mai - cánh thiệp đầu xuân là hai thứ không thể tách rời. Cánh thiệp bạn hữu thân quen gửi tặng sẽ được chủ nhà trân trọng gắn vào giữa những cánh mai đẹp nhất. Ngày đầu năm khách đến thăm nhà, câu đầu tiên chủ nhà ưa nghe nhất là: 
          -CHÀ, NHÀ ENG MAI NĂM NI NỞ ĐẸP DỮ HÈ!
   Rồi lát mứt gừng, tách trà thơm, ông khách cùng chủ nhà cứ thế mà hàn huyên tâm sự. Bên cành mai đang rộ sắc vàng, cùng lời nói chuyện tâm đắc với nhau là tâm tình tao nhã của người  Quảng Trị năm xưa mỗi độ tết về. 

Tết về là dịp để gia đình đoàn tụ, cúng nhớ tổ tiên. Ngày đầu năm, xóm giềng bà con chúc lành cho nhau. Qua  năm mới làm ăn khấm khá, nhà nhà cởi mở, thịnh vượng hơn xưa. So với thời nay có đôi chút khác; ngày đầu năm thiên hạ hay thi nhau đốt những tràng pháo quá dài  nghe sao “đinh tai nhức óc”,  đến nỗi sau này tục đốt pháo bị cấm, làm cái phong vị ngày tết bị 'mất oan'. Ngày xưa khác hẳn, nhà nào dù nghèo hay giàu đều có cũng có một  phong pháo đốt ngày tết tượng trưng, cho "có tiếng" góp vui với xóm làng.  Hình như bà con mình muốn nhắc nhở nhau trong xóm biết cái giờ đầu tiên năm mới mà bưng mâm lễ ra cúng  giữa trời. Tiếng pháo ngày xưa nghe sao vui vẻ trong lòng. Đó còn là sự góp tiếng, cũng như cùng thức trong đêm "trừ tịch" làm  ấm áp thêm tình làng nghĩa xóm với nhau. Tiếng pháo giao thừa là chan hòa góp tiếng. Phong pháo tuy ngắn nhưng mang nhiều ý nghĩa. Áng chừng mọi người đều cảm thấy phấn kích, xúc động trong khoảnh khắc đầu tiên khi tổ tiên cùng ông Táo, Ông Thần Tài, năm mới sẽ bước vào từng cửa, "xét xem"  gia đình có đón tiếp trang trọng hay chăng?

Tết thời nay, nhất là tại thành phố, thiên hạ ưa "đổ xô" đi hết ra đường, thể hiện cái ăn chơi phung phí như trong các thành phố lớn. Tết  ngày xưa là dịp tỏ lòng kính tôn kính lên trên bàn thờ là việc trước nhất, thứ đến là săn sóc ông bà cha mẹ và lớp nhỏ được miếng ăn ngon hay manh áo mới sau một năm bận rộn làm ăn.

  Đường sá ngày xưa trong ba ngày tết thuờng vắng vẻ hơn ngày thuờng một ít. So với hôm nay, tết về là lúc đường sá đông đúc nhộn nhịp thêm hơn, muôn màu muôn vẻ. Tiếng còi xe, tiếng mua bán ồn ào. Trong nhà, trái lại thuờng im lìm vắng vẻ vì từng lứa tuổi chia nhau đi chơi mỗi người một hướng tùy theo sở thích.


                            *













Rồi cuộc thế đổi dời, người Việt chúng ta đành ly hương biệt xứ. Từ Mỹ, hai vợ chồng tôi cùng nhau về quê để tìm lại chút hương vị nào đó của ngày giáp tết. 


Trong đêm khuya cạnh kề phụ mẫu, bên nồi bánh tét đang sôi, chúng tôi ngửi lại mùi khói cay cay trong đêm khuya lập loè ánh lửa. Một đêm dài sâu nặng tình quê, sống lại với bao kỷ niệm xa xăm nào đó để ngày mai chúng tôi phải giã từ đất mẹ. Về lại phương xa, chúng tôi mang theo bao nhung nhớ ngập lòng. 



*

Nói sao hết bao hoài niệm ngày xưa. Mỗi năm ngắm hoa đào đua nở nơi đất khách, lòng tôi luôn bùi ngùi nhớ về mai vàng Quảng Trị. Xa quê hương có mấy ai hẹn ngày trở lại? Biết nói sao với hai chữ NGÀY MAI?

 

Kiếp nhân sinh là phù ảnh, lung linh; nhưng trời

 quê hương vẫn xuân về, mai nở. Thương nhớ làm 

sao khi thiếu bóng "chinh nhân" không còn trở lại 

thôn xưa. Bờ lau cũ bên con đò cắm sào đứng đợi, 

để một độ tết đến xuân về sao lạc lỏng đến nao lòng.

 

Đó là cái khó để diễn tả cho lớp con em sau này hình dung ra cảnh tết xa xưa. Duy ở lớp người lớn tuổi, mỗi độ xuân về là thời gian còn lại cho họ ngồi hình dung lại hình ảnh CÀNH MAI LÁ THIỆP mà nhớ thuơng bao kỷ niệm êm đềm của một thời xuân./.


LAST EDIT BY ĐINH HOA LƯ 

15.8.2023 SAN JOSE USA

No comments:

Post a Comment