1- TRƯỜNG QUÊ SƠN MỸ
2- BỤI TRÚC ĐÀO VƯỜN CŨ
3- VÍA UỐNG CÀ PHÊ
4- BÙN ĐỎ XUÂN SƠN BÌNH GIẢ
5- THÔN XƯA MỘT THỜI "SẬP SÈNG" TRỐNG KÈN
=============
sân trường Sơn Mỹ (Hàm Tân) vắng vẻ mùa hè 1995
Gần ba mươi năm trước tại một vùng quê nghèo có tên là SƠn Mỹ, người viết không bao giờ quên thân phận những lớp trẻ thơ sinh ra ở đây. Các em nhỏ đó, sau những giờ phụ làm nông với gia đình, các em chỉ có một thời gian hạnh phúc nhất đời là được ĐI HỌC.
Đúng vậy, tôi luôn tin rằng niềm sung sướng lớn nhất của các cháu nhỏ đó là được tới trường. TỚI TRƯỜNG có thể nói đó là sự mong đợi háo hức sau thời gian phụ với mẹ cha đi canh thú hoang trong rẫy rừng. Các em mừng vui khi tới lớp, gặp thầy cô bạn bè. Lớp trẻ thơ ngày đó dễ dàng sung sướng, sẵn sàng đón nhận mọi hoàn cảnh tại trường miễn là được ngồi gần nhau dù là trường tranh vách lá với những dãy bàn ghế xiêu vẹo, sứt mẻ, chắp vá, thiếu thốn.
Những đôi chân trần, quần đùi và cái áo vá nhưng lớp trẻ nhỏ này vẫn thường tự hào chúng là HỌC TRÒ nơi vùng thôn dã. Nhưng các em vui sướng, tiếng đọc bài theo cô, những nét chữ nắn nót và những cuốn vở hiếm hoi, quăn góc...
trường Phổ Thông Cơ Sở 1 xã Sơn Mỹ 1995
Có ai sống những qua những ngày cơ khổ đó mới biết được cái HẠNH PHÚC của những ngày đi học. Những đứa học trò nghèo, chúng còn là những tay lao động dù không phải là CHÍNH nhưng rất cần cho cha mẹ chúng- những người làm nương rẫy đang cần. Chúng cần thật, từ đi BỎ HỘT trong những trận mưa đầu mùa, cho đến bới cơm vào rừng, đi lượm than vụn giúp kinh tế trong nhà và ban ngày đôi khi còn đi giữ rẫy. Mùa rẫy, vào ban ngày chúng ta có thể nghe tiếng trẻ con kêu vang kèm nhiều tiếng gõ vang xa từ nồi song cũ hay ngay cả còi ...nhằm xua đuổi bầy keo, bọn khỉ... đang phá hoại bắp, lúa... Đêm về người lớn vào chòi thay thế các em. Người lớn ở lại ban đêm nhằm lo canh heo phá sắn, cũng gõ cũng kêu nhưng không có tiếng trẻ con.
Rồi NGÀY TẾT THẦY CÔ LẠI ĐẾN
Bên mái trường quê rách nát đến tả tơi. Có những khuôn mặt thập thò. Các em học trò ngày đó cũng biết kiếm làm sao cho ra những thứ gì để tỏ chút lòng tri ân thầy cô trong ngày vui đó.
xâu cá (hình minh họa)
Có em kiếm được xâu cá, có lẽ các em câu cặm hay tát vũng đâu đó hôm qua cũng rụt rè đem tới biếu cô. Có đứa xin mạ được vài lon đậu xanh, đậu huyết gì đó ...dù món quà nhà quê đơn sơ mộc mạc nhưng đó xuất phát từ tấm lòng chân thành nhất của các em.
Qua con mắt của người viết và cũng từng là một phu trường bên một mái trường xiêu vẹo đó, tấm lòng các em thật chất phác và hồn nhiên biết bao.
Đó là một kỷ niệm khó quên về "NGÀY TẾT THẦY CÔ" ở chốn quê nghèo...
VỢ tôi đi dạy, tức là cô giáo làng vào thuở đó. Mấy chục đồng lương và 13 ký gạo đó là đời sống của một người đi làm nghề dạy học. Một thời kinh tế bao cấp và chốn rẫy rừng tự cung tự cấp của một thời hoang sơ của một xã hội mới bắt đầu như khởi thủy của một THUỞ HỒNG HOANG.
TÁC GIẢ BÊN MÁI TRƯỜNG LÀNG RÁCH NÁT TẢ TƠI 1984
*
NHƯNG LÀM SAO QUÊN NHỮNG TẤM LÒNG TRẺ NHỎ
Mái trường tranh, vách lá hở hang cùng những cái bàn xiêu vẹo. Phấn viết cho Cô Thầy giảng bài cho các em vẫn thiếu. Trước mặt cô thầy, các em ngồi yên chăm chỉ nhưng bụng các em những đứa học trò trường làng còn lại xép ve. Tan buổi học chúng còn vào rẫy ...những lần mót khoai, sắn và những mớ than vụn trong rừng và những đồng bạc góp nhặt thêm cho đời sống gia đình.
lớp nhỏ thành thị hôm nay cũng tập 'về thăm vùng quê' để thay đổi không khí hay tận tường hay nói cách khác là "trực quan, trải nghiệm" thế nào là vùng "SINH THÁI MỚI". Phải chăng các em nhỏ thành thị hôm nay có thể chia sớt hay cảm thông được những nỗi khổ cực của học trò nghèo ngày xưa? Các em nhỏ thành phố hôm nay có thể sờ được trái bắp, củ khoai hay ngay cả con trâu cái cày nơi chốn thôn làng. Nhưng khó lắm khi bơ sữa là thức ăn hàng ngày của các em 'thế hệ đổi mới' sau này, thì làm gì thấu được hay cảm nhận nỗi sự thiếu đói của nhiều lớp nhỏ ngày xưa nơi vùng thôn dã?
***
Hôm nay nơi chốn thị thành hay quê hương đã thay đổi. NGày Thầy Cô Giáo là một ngày Hội Tưng Bừng nào hoa nào quà cáp đủ thứ vật phẩm đắt tiền. Những lớp thầy cô mới hơn sẽ có những ngày hội vui vẻ bên bao thứ quà tặng hảo hạng từ nhiều tầng lớp học trò trong một xã hội thừa mứa vật chất ..
Nhưng tôi làm sao quên cái ngày đó...
Những đôi mắt tinh anh và khao khát học chữ của các em bên mái trường làng ...những đôi mắt sáng ngời, thông minh, cùng chịu khó bao ngày. Nhưng buồn cho em sinh ra vào một nơi hoang dã.
Những con cá, những lon bắp đậu mồ hôi các em...từ chốn rẫy rừng xa xôi cùng tấm lòng các em trong ngày THẦY CÔ GIÁO.
Ôi! LÀM SAO TÔI QUÊN ĐƯỢC và THƯƠNG NHỚ CÁC EM XƯA ... NHỮNG EM HỌC TRÒ NGHÈO NƠI VÙNG NƯƠNG RẪY ./.
ĐINH HOA LƯ 20/11/2020
======================
BỤI TRÚC ĐÀO VƯỜN CŨ
Có những buổi trưa đào hồ mới đó mà qua lẹ. Những lúc chống cuốc nghỉ xả hơi, tôi nhớ dáng ba tôi, hấp tấp đi vội qua nhà chú nhà hàng xóm, người làm nghề bánh kẹo mua mấy miếng kẹo đậu phụng 'ưu tiên' cho tôi tạm goi là 'bồi dưỡng '. Tôi càng thương cho ba tôi do những đồng bạc người chắt chiu từ những mớ ổi sau vườn. Nhớ làm sao từng trái nhỏ con con, mấy nhánh cây ốm yếu cong queo, ngã nghiêng trên nền đất vườn, pha cát trắng đã bạc màu đi nhiều sau hai mươi năm người Quảng Trị Khẩn Hoang vào đây di dân lập nghiệp.
Tôi ra trại, hai ba năm đầu còn độc thân, sức trẻ còn vào rừng vác cây, hay cắt tranh tạo dựng lại mái tranh nghèo nhưng ấm cúng. Nay có được cái hồ nho nhỏ, ba tôi mãn nguyện trong lòng vội trồng ngay mấy bụi trúc đào. Gần nước, cát ẩm mấy khóm trúc đào lên nhanh. Vài cánh sen trắng, khiêm nhường nhô lên mặt hồ, những nhánh trúc đào hồng hồng như 'e lệ' soi mình trên mặt nước , vài con cá long tong lội tung tăng. Mạ tôi đem đâu từ Phan Thiết vô cặp ngỗng nuôi làm cảnh . Cặp ngỗng lớn dần, làm việc 'ra trò' ai qua nó cũng kêu lên 'toang toác'..
Lạ thật ! cây phượng vĩ của ba tôi lại lớn nhanh. Nó ở đằng sau, ba tôi thuờng ngắm cây phượng vĩ lớn theo ngày tháng tuổi già . Bên hồ sen, mấy khóm trúc đào làm bạn với ba tôi . Tất cả đều nhỏ bé, hiếm hoi, còi cọc bên mái tranh nghèo , thơm mùi tranh và vách lá mới lợp , là những gì an ủi, hạnh phúc cuối cùng cho ba tôi những ngày còn lại trên vùng đất "Thầy-Thím" Bình Tuy.
Ba tôi ra đi , cái hồ con con nhà ba mạ tôi vắng người ra hái trúc đào. Những bông sen trắng thưa dần. Giờ đây chẳng còn gì, từ cây phượng vĩ , phượng vàng, cái hồ sen, cho đến mấy khóm trúc đào, tất cả đều theo người xưa về miền dĩ vãng.
Ôi thời gian!
VƯỜN XƯA cuối tháng Giêng năm 2017
Ngay trước mắt tôi ngồi, chỉ là những gợn cát nho nhỏ, dấu vết của rễ cây vừa bị bới lên làm củi. Tất cả thứ cây tại vùng này đều không có tuổi thọ do nạn sâu rầy? Chưa về thăm nhưng nghe tin "cây phượng chết rồi" lòng sao buồn vời vợi. Cây phương vĩ là kỷ niệm quý báu nơi mái nhà ba mẹ tôi từng ở. Tôi từng mơ phượng tiếp tục ra hoa rực hồng cho xóm, giờ không còn nữa!
Tất cả là hậu quả của phong trào trồng rừng bạch đàn. Lá cây bạch đàn là mồi ngon phát triển cho chúng. Cuối cùng lại gieo tai hoạ cho nông nghiệp khi cây cối bị thối rễ do sùng?
DHL edit 16/8/2019
BÙN ĐỎ XUÂN SƠN -BÌNH GIẢ LÀM SAO QUÊN
ĐẤT ĐỎ XUÂN SƠN
Ngồi nhìn hình ảnh trong Facebook , con đường trải nhựa trước nhà cậu mợ lam` tôi nhớ về hình ảnh năm xưa...chuyện những con đường đất đỏ. Qua được bến đò Xuân sơn, đẩy xe thồ lên Bình giả, Ngãi giao con đường mùa nắng đầy bụi đỏ nhưng cái khổ không thể nào so sánh với mùa mưa.
Ôi! thứ bùn đỏ dẻo quánh bám cứng vào lốp xe đạp như lớp nhựa cao su loại 1, không có sức lực nào đạp xe nỗi. Một cái que cào, đẩy xe vài chục mét lại cào tiếp lớp bùn dẻo queo bám cứng tiếp tục lớp này xong lóp khác. Chiếc xe thồ, giàng ống nước nặng gấp đôi do lóp bùn quái ác đỏ như máu kia.
Nguòi đạp xe chịu thua, vác xe đạp lên vai và 'lô ca chân'... đằng trước bước. Vai có đau cũng nghiến răng chịu đựng.
Chưa hết khổ, đôi dép lốp "Bình trị thiên" (hay dép bộ đội), ngay cả đôi dép nhựa 'made in Cholon' cũng nặng gấp ba vì lớp bùn nhảo quánh kia. 'Vũ khí ' người dân Xuân Sơn hay nguòi dân vùng đất đỏ bazan Long Khánh Bà Rịa là cái que tre vót mỏng để ...cạo bùn. Vài chục bước lại cạo dép, tiếp tục khúc 'trường ca khổ nạn' của thứ bùn dính lốp xe, bám dép. Thiên hạ, tôi, chỉ biết thở dài treo đôi dép 'quý ' lên chiếc ghi đông. Tất cả trọng lượng nay dồn lên vai nguòi đi bộ.
Mưa là nguồn sống, cho người dân vùng rẫy Xuân Sơn bỏ hột , từ đó bắp và đậu lên xanh um phủ kín mấy ngọn đồi đất đỏ màu mỡ. Oái ăm thay hạt mưa làm đoạn đường thôn xưa bỗng trở nên lầy lội, những bánh xe đò Bà Rịa -Xuân Sơn càng khoét sâu thêm các lằn bánh xe bò, chở gỗ tạo ra bao hố voi khổng lồ lầy lụa . Đoạn đường mùa mưa từ đó thành những đoạn lầy, không ngoa, có thể ngập đến... đầu gối. Những đoạn còn đạp xe được thì người ta chỉ biết 'vác xe' mà đi...đôi bàn chân không, đôi dép đu đưa, lủng lẳng móc vào chiếc xe đạp 'thân thuơng' nhưng đầy 'khốn khổ'.
Nói sao hết bao kỉ niệm nhọc nhằn, một thời đất rẫy Xuân Sơn. Nhũng triền đất đỏ màu mỡ kèm theo bao giọt mồ hôi, cùng tiếng thở dài vì lớp bùn dính cứng.
TÙ VÙNG ĐẤT ĐỎ, THỪA MÀ LẠI THIẾU DO ĐÂU?
Bao biến chứng của nền kinh tế bao cấp, ngăn sông cấm chợ , làm gì ăn đó như mãi dính vào quê hương như lớp bùn đỏ Xuân Sơn năm đó. Mấy mươi năm truóc, người viết chưa quên, dù được mùa nhung do 'giao lưu phân phối' yếu kém có khi Bình Giã ăn toàn bí ngô trừ gạo , khi bí nhiều chẳng bán được cho ai? những cánh đồng bi ngô Bình Giả, xe 're móc' kéo về chất cao như núi; chờ 'dài cổ' chẳng có khách. Bao hợp đồng 'bặt vô âm tín' chẳng ai đoái hoài, thế là từng đống bí thối sình. Rồi Xuân SƠn có năm lại ăn đậu xanh 'trừ cơm' . Khi đậu xanh được mùa nhưng thiếu thị trường. Đậu xanh tràn đầy trong nhà, khách buôn Sài Gòn , thành phố càng ngày càng vắng, phải nấu đậu thay cơm, ớn tận 'cần cổ. Quản lý thị trường, 'ngăn sông cấm chợ', dính cứng vào người dân nương rẫy, ruộng đồng như lớp bùn đỏ vào mưa.
Vài thập niên sau, lớp bùn quánh dẽo kia vẫn không chịu rời nên kinh tế quế huơng; miền nam vựa lúa khổng lồ , bán thiếu người mua, dồn đống năm này qua năm nọ. Vùng đất rẫy hoa màu phụ , cà phê cũng chẳng có thị trường trong nền kinh tế mang tiếng 'thị trường'.
Ôi thứ bùn đỏ ngày xưa, dính mãi kêu trời chẳng thấu một lần mưa xuống vùng rẫy Xuân Sơn.
Hôm nay con cháu sinh sau - các thế hệ 90s hay 2000-thoải mái lái chiếc 'xế nổ' bon bon trên con đường nhựa chắc khó cảm thông nỗi nhọc nhằn ngày mưa của cha chú mấy mươi năm trước.
Thật ra nỗi nhọc nhằn còn đó. Khi phương xa người VN ăn toàn 'GẠO THÁI', nước mắm Thái Lan ...càng thấm thía rằng thứ 'bùn đỏ ' xưa vẫn còn dính mãi , chưa biết lúc nào con đường dân tộc mới đặng trơn tru, hả các cháu ? Cà phê tiêu lên xanh nương rẫy nhưng cũng giống các vựa lúa trong nam: CÓ CỦA NGỒI CHỜ bao 'dòng thương lái' từ đâu phương bắc tràn xuống chúng tha hồ bóp nghẹt đời sống người làm nương rẫy bao đời sống nhờ lớp đất đỏ hay phù sa sông Cửu bao đời nuôi dân?
Trồng rồi chặt phá rồi lại trồng? sự dậm chân mãi trong đói nghèo chẳng khác gì chân bị dính chặt trong lớp bùn đỏ mỗi lần mưa to ập xuống.
Đất nước sẽ vươn mình đứng dậy trong cái phong phú tiềm năng từ lòng đất đỏ Xuân SƠn Bình Giã hay miền nam mưa nắng hai mùa cùng phù sa sông Cửu nếu tất cả cùng nắm tay nhau xây dựng một ước mơ: TỔ QUỐC PHÚ CƯỜNG./.
MONG THAY!
DHL 24/7/2015
"CÁI VÍA" UỐNG CÀ PHÊ
NGƯỜI TIỀU PHU VÀ LY CÀ PHÊ NGÀY ĐÓ
người viết tháng ghé thăm chợ Sơn Mỹ trước ngày đi Mỹ
***
Hơn mười năm trời sống tại đây gia đình tôi có rất nhiều kỷ niệm với một vùng quê sát biển. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh bao triền cát, những vực đất lở lói đỏ ối ăn ra tận mép sóng đại dương.
Rừng Sơn Mỹ lúc này cũng gần biển đó là những thuận lợi cho người nào vừa làm hai nghề một là ngư dân hai là nông dân hay tiều phu phá rừng làm rẫy.
Kể dông dài với quý bạn thế nó không ăn nhập gì với cái tiêu đề người viết làm tựa ở đầu bài?
Rừng Biển Rẫy Củi đâu có liên quan gì chuyện'cà phê cà pháo' thế kia?
Có một tí xíu liên quan, thưa quý bạn!
Chuyện là vậy:
Tuy mang cái kiếp nông dân nhưng sáng sáng trước khi vào rẫy tôi thường ghé chợ uống một ly cà phê mới được. Cái 'chất' thị thành vẫn còn trong người, nói cho đúng tánh ghiền cà phê (cũng như ghiền thuốc Lào vào thời gian này) tôi không thể nào bỏ được?
Có một ngày vợ chồng anh Quang mới nói thiệt với tôi rằng :
" Chú Phúc à, vợ chồng tui bắt đầu để ý vì chuyện ni hắn lặp lui lặp tới phải nói là 7 hay 8 lần chớ không phải 1 hay 2 lần mô"
-Chuyện ra răng vậy eng chị?
Anh chủ quán mới kể rõ sự tình:
-Tui để ý ngày mô mà eng tới uống mở hàng là ngày nớ khách đôn dử lắm, bán được năm bảy chục ngàn luôn. Bảy tám lần như rứa mới lạ chớ?
-A té rứa à eng?
Tôi vừa ngạc nhiên vừa hãnh diện cho cái số'hao tiền'của mình.
-Thôi bựa ni mồng một đầu tháng eng nhớ đừng quên tới uống cà phê quán tui nghe?
Tôi "dạ dạ" cho vừa lòng với vợ chồng chủ quán.
Cái rìu cái rựa trên vai một quảng đời làm rẫy chai tay. Tôi đâu phải ghiền một quán cà phê anh Quang gần Chợ nhưng lại là khách ở mấy quán cà phê Thủy Hạ dưới kia, chặng gần đổ dốc về Xã Tân Thiện nơi ba mẹ và gia đình nội ngoại tôi ở.
Số uống cà phê là vậy đó. Có người tin cái 'vía' tôi đi vào thì cà phê ngày đó phát đạt hơn thêm đó là niềm hãnh diện cho bản thân người viết nhưng lại hao cái túi tiền gia đình- vợ con?
đường vào rẫy
Rẫy rừng cuốc rựa bong tay, kiếm ra đồng bạc phải 'trầy vi tróc vảy' nhưng lạ? khi ngồi nhìn giọt cà phê tí tách chảy, tai nghe giọng ca mượt mà của Tuẩn Vũ, khói thuốc Jet'tà tà' bay cao thế là tâm hồn tôi bay bổng rồi...quên hết?
Tôi đã để hình ảnh đám rừng núi Bể, núi Đất cùng những nhát rìu, nhát rựa ê nhức cả bàn tay trong vùng quên lãng để sống cho riêng mình một giây phút nào đó. Mặt trời mới lên chào đón một ngày, một chút nào hứng khởi từ giọt cà phê đắng cùng khói thuốc thơm nồng vào trong huyết quản để quên đi chuỗi ngày khốn khó thực tại. Tôi từng mong những phút giây hưởng thụ đó kéo dài hơn, sự vật vả giữa cái chất người và trách nhiệm một người cha một người chồng phải vật lộn kiếm sống cùng vợ con...
Bởi thế cho nên khi cà phê đã cạn, điếu thuốc vừa tàn và cuốn băng vừa ngưng tôi liền đứng phắt dậy.
Một động tác dứt khoát và quyết định do trước mặt tôi là đoạn đường vào rừng còn xa và cả một đám rẫy đang đợi ./.
Con đường tỉnh lộ đi qua chợ Cam Bình được tu bổ nhiều lần. Bao lớp đất đỏ từ xa chở về đắp dần cho đến Bình Châu. Bộ mặt ngôi chợ từ đó thay đổi. Vài ba quán cà phê - quán chú Thậm, chú Thư. Tiệm chụp hình, thuốc tây như của chú Nho, tiệm bán đồ xây dựng Sáu Huế, Tiệm Tạp Hoá Cao Liên, đại bài gạo Lâm Tín cũng theo nhau mọc lên...
Một quá khứ chồng chất với bao kỷ niệm đói nghèo chật vật của bà con xóm giềng của bao người than quen bằng hữu hay cố cựu đồng hương với nhau. Thời gian càng qua mau, những người thôn cũ theo từng hoàn cảnh ra đi tìm cuộc sống, nay dần dà xa cách.
Mịt mù xa trong nhiều kỷ niệm khó quên của người Cam Bình, Thanh Linh, Tân Sơn hay Sơn Mỹ đó có ghi lại trong ký ức cố cựu là âm thanh xập xèng của những ban nhạc 'cây nhà lá vườn" quanh chợ Cam Bình.
Cũng có những ông cán bộ ngày xưa nay tuổi già xế bóng và cũng là ‘hết thời’. Cái thời đi đâu dân cũng sợ, là 'tai mắt' vì là cán bộ nay cái thời đó đã qua rồi. Cái thời ‘chuyên chính’ đó đi đâu mất tiêu nay túng thiếu cũng vào cái đội kèn đám ma, khăn đóng áo dài thổi tì tè 'kiếm cơm'?
Sang năm 2018 khu chợ cũ này đang bị đập phá để xây lại Tuy còn giữ nguyên vị trí và cái đình chợ nhưng hình ảnh sẽ khác xưa sau khi làm xong. Những ngôi nhà quanh chợ vẫn tiếp tục xây mới trong đó có nhà mới của Đinh Hữu Thư và một số nhà đã xây mới những năm gần đây
Đúng như 'rứa'! thôn tui một thời "XẬP XÈNG" trống đờn và những tiếng hát địa phương giúp vui đám cưới trong làng. Giờ hình ảnh đó đã qua rồi. Những ban nhạc và bàn ghế cho thuê dịch vụ này “xếp vó” kiếm chi ra tiền? đành bỏ vào góc nhà cất làm kỷ niệm.
Thiên hạ đám cưới thi nhau thuê nhà hàng mới ‘hách’, cuối cùng dưới thành phố càng giàu, người thôn ta đành THẤT NGHIỆP!
Mấy ông ‘phó nhòm’ xưa cũng mất việc lây? Vô lý cứ ở mãi trong làng? đành 'bye bye' thôn cũ cất bước 'giang hồ' đi về thành phố.
Âm thanh vui vẻ xóm làng ngày xưa đó cứ mỗi đám cưới là đêm về nghe tiếng trống - đàn "XẬP XÈNG" từ dốc Tân Sơn theo gió vọng xuống hay dưới Thôn 1 Thanh Linh vang lên nghe vui sao trong lòng! Nay chẳng còn ai ở lại.
Mấy quán cà phê vắng khách, đìu hiu ... những chiếc xe vụt qua ... khách cà phê cũng thuận đường ‘vù về’ tận LaGi thuởng thức ‘cà phê đèn mờ’... Làm ăn mỗi lúc mỗi khó! kẻ ăn không hết, người mần chẳng ra?
Chuyện đời thay đổi - đổi thay là rứa! "Buồn làm chi em"? ngoại trừ cái buồn là những khuôn mặt thân quen thôn cũ, làng xưa nay mỗi lúc mỗi xa, càng ngày càng vắng, khó có cơ hội đoàn viên hội ngộ?!
Đôi lúc người viết ngồi trước bàn phím, cố gắng hình dung bao âm thanh, hình ảnh xa xưa, một thời nhọc nhằn gian khổ... Thiên hạ thời ni, đa phần "lên đời", ô tô con, xế nổ dập dìu lui tới, phố phường chen chúc bát nháo người xe. Nay còn ai nhớ lại cái thời đó mô? Ai cũng muốn quên đi cảnh cũ, chẳng muốn nhắc lại làm gì?
Đám cưới có rạp, có trống đờn thuê ra tức là có tiếng 'xập xèng' vui tai bà con xóm giềng là ước mơ bao cô dâu chú rể thời đó?
Thế mà thời nay thiên hạ ở phố đã đành, chốn thôn quê cũng có màn bắt chước thị thành? Mỗi lần đám cưới dù có cực khổ chi cũng cố mà tìm cho ra một cửa hàng sang trọng nào đó dưới Thị Xã La Gi hay có một đoàn xe hơi "láng xì cón" đưa dâu mới 'hoách'. Ban nhạc thì khỏi nói 'không chê vào đâu' được?!
Không ai còn nhắc còn nhớ cái thời "xập xèng" này nữa? Chỉ còn mấy chú 'sồn sồn' nhớ lại mà thương tiếc về một thời "ăn nên làm ra" vừa vui vẻ xóm làng, vừa giúp cho ban trống đờn "lô can" kiếm thêm 'chút cháo'?
Thời này tuy là tân tiến nhưng khổ một nỗi kẻ giàu nứt đố đổ vách? người nghèo rớt mồng tơi? Do ai cũng đua nhau về thành phố, để lại chốn nhà quê những cái chợ ngồi "bói không ra một người khách"? Những bộ trống đờn một thời vang tiếng "xập xèng", không biết giờ này ra sao?
Mong sao những bộ trống đờn ngày xưa, còn có cơ hội sống còn trong thời đại mọi thứ đều cạnh tranh, giành giựt. Mong ban nhạc thôn tui ngày đó của chú Đinh Hữu Thư tiếp tục làm ăn khấm khá sống vui với xóm làng.
Đinh Hoa Lư edition 28/7/2018
No comments:
Post a Comment