MỤC LỤC
1- TỪ XE BÒ LÊN XE CẢI TIẾN Ở XỨ HÀM TÂN
2- CHUYỆN KHOAI ĐỔI CHÓ
3- NHỚ HỒ NƯỚC NÓNG BÌNH CHÂU
4- NGÀY TẾT THẦY CÔ Ở CHỐN THÔN NGHÈO
5- ĐẤT RUỘNG HIẾM HOI CỦA XỨ ĐỘNG ĐỀN
===============================
NHỚ CHIẾC XE 'CẢI TIẾN' THÔN TÔI
chiếc xe 'CẢI TIẾN' của vc Sáu Huế một thời giúp bà con thôn tôi chuyên chở mọi thứ
-Cam Bình Hàm Tân
Xe 'Cải Tiến' không biết có mặt tại huyện Hàm Tân lúc nào? Theo tôi, nó bắt đầu có vào cuối thập niên 1980 tức là sắp bước vào năm 1990. Thời buổi trâu bò "lên ngôi" do thiếu sức kéo. Ai có con bò thì xem như là thành phần giàu có tạm gọi là phú nông, phú hộ có nghĩa là giới có của. Của ở đây là mấy con bò, người nông dân nghèo chẳng bao giờ có được.
Bò đã thiếu, mà thiếu thì lại quá quý. Bao nhiêu bò tập trung vào rừng kéo gỗ. Những người chủ bò nay lại là thợ rừng và từng bị gán cho cái tên rất cụ thể đó là "lâm tặc". Dù lớp lâm tặc này từng bị kiểm lâm bắt bớ bao lần và một lần bị bắt từ chủ và bò đều bị phạt một cách ghê gớm. Nhưng giới chủ bò vẫn giàu, người bắt bò cũng có 'hoa lợi' gián tiếp vào tay. Dù mờ ám nhưng cũng trở nên một giới giàu có tuy là gián tiếp 'ăn theo' mà thôi.
Ôi! cái nghiệp cày ruộng ngày ấy nghĩ lại càng toát mồ hôi. Tuy nhắc lại sau nhiều thập niên đi qua mà vẫn tưởng là mơ. Làm sao người kể chuyện này quên được, hình ảnh hai người quàng dây qua cổ để cố kéo cái bừa cho đều đám ruộng ngập sình. Việc của bò nay người làm thay. Từ cày cho đến bừa, những thửa ruộng hợp tác xã chia cho nay đã trao phó hết cho đôi vai và hai bàn tay cùng cái cuốc to bản của người làm ruộng trong thôn mà tôi cũng là một chứng nhân hay nạn nhân thời cuộc. Đi cày cuốc ngoài đồng, ai đọc ngang đây cũng tưởng ra hình ảnh "con trâu đi trước cái cày đi sau" và sau nữa là cái roi của bác nông dân quất nghe tron trót. Không đâu, thưa bạn đọc. Cái thời bao cấp ngày đó, trâu bò là "xa xỉ", là giai cấp phú hộ mới có. Còn người làm nông sàng sàng thời đó làm gì có được? Thế là các anh, các bác nông phu thôn tôi thay nhau làm giúp... "phần của trâu bò", nghĩa là bừa - cày đều dùng sức người 'chân chính' thế vào.
Có những cánh đồng cát dài
Có lũy tre già tả tơi
Ruộng khô có những ông già rách vai
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
Có người bừa thay trâu cầy
xe than là loại chở khách do thiếu nhiên liệu phải chạy bằng than nên càng mau hư máy
XE CÔNG NÔNG nhưng sao THÔN TÔI GỌI LÀ CẢI TIẾN?
Thật khen cho tài của mấy ông thợ máy Việt Nam vào cái thời bao cấp. Thời này mọi thứ đều thiếu, xe đò chở khách do thiếu nhiên liệu nên phải chạy bằng than dù biết vấn chuyện này càng mau hư máy xe? Nhưng dù có chạy xe than, vùng thôn xã chúng tôi ở "có mơ" cũng không có. Đi đâu thì có chiếc xe "lô ca chân" tức hai bàn chân ta làm phương tiện? Tôi không quên hình ảnh chiếc xe đạp thồ, nặng nề cục mịch nhưng "vạn dặm đường xa" nó là phương tiện chính. Đường vùng thôn quê, lở lói, hố hầm nhưng chiếc xe đạp thồ kia chẳng bao giờ 'ngán sợ' cả.
Cáng đáng ghi nhớ, tài của người thợ máy xe "cải tiến" lại tăng gấp bội. Mấy anh mua thứ nơi này, chút kia chỗ nọ, rút cuộc cũng nên hình hài chiếc xe. Có lúc chống cuốc, tôi đứng ngắm hình ảnh mấy chiếc CẢI TIẾN ra đời, chạy xình xịch lên về , qua vùng tôi ở mà "sướng" con mắt. Dân mình cũng tự biết cách "cơ giới hóa" đâu thua ai?
Sao mà không sướng? từ các động cơ dùng chạy máy xay lúa , xay sắn nay mấy thợ máy nghĩ cách làm ra chiếc xe vận chuyển hàng hóa cho bà con nông dân trong thôn chúng tôi nhờ. Sao mà không CẢI TIẾN ? khi không lại có thêm 4 cái bánh . Phần đầu lại có ông tài xế cầm 'vô lăng ', sau chở cả tấn hàng, chạy ào ào lên xuống cái dốc Cam Bình xem thật là "đả con mắt". Chuyên chở nông phẩm là chính, nhưng ai thuê chở hàng gì anh tài xế xe CẢI TiẾn đâu có từ nan, miễn có tiền là được.
Chiếc xe 'xình xịch' chạy, không nhanh hơn xe hàng nhưng nào thua ai. Mấy chiếc xe bò kéo hàng , một thời "bá chủ", giờ phải nhường lại cho xe cải tiến, vừa nhanh vừa rẻ , ai mà chẳng ưa?
Xe cải tiến chủ yếu dùng sức kéo là máy diesel, bộ số đơn giản, không có hư vặt vì chạy chậm và chỉ kéo thôi. Hơn nữa, nó không có khả năng đi xa trên "đường thiên lý" như xe vận tải thứ thiệt - xã về huyện là xa lắm rồi. Không có cơ quan nào công nhận loại xe này, từ cái động cơ Kubota nó được người thợ máy VN ta nào đó tạo thành 'chiếc xe' bán tải mới gọi là "cải tiến" cũng nên?
Sự đời, nghĩ cũng nưc cười. Đã gọi là "CẢI TIẾN" thì chiếc xe phải "ngon" hơn xe bình thuờng? Theo ý người viết, một từ có thể thích hợp là xe "BIẾN CHẾ". Tiếng gọi đề nghị này đúng với ý nghĩa nhưng nghe sao "lủng củng"? hơn nữa, không "OAI". Có thể do vậy người ta gọi là CẢI TIẾN cũng nên?
xe CẢI TIÊN kiêm luôn dịch vụ du lich "có thua ai "
Bước qua năm 2000, nền kinh tế THỊ TRƯỜNG bắt đầu đổi mới và thực sự CẢI TIẾN mọi vấn đề giao thông kinh tế, giao thuơng mọi nơi mọi ngõ ngách. Xe hai bánh tức là "xe nổ" nhà ai cũng có, đường xá đổ nhựa khắp nơi tha hồ tốc độ. Buôn bán kiểu tư bản làm bà con khắp nơi đều "có máu mặt" . Xe đò hiện đại thông thuơng từ quê lên tỉnh , từ đồng bằng lên miền núi. Giao thông chuyên chở đã có những chiếc xe vận tải thứ thiệt Made in Japan , hay tệ lắm là Made in China thế chỗ. Sắn khoai lúa gạo hay hàng hải sản đều được vận chuyển bằng các chiếc xe đời mới này. Số phận các chiếc xe CẢI TIẾN dần hồi "xếp vó" , bị tháo gở làm máy xay hay đi cày ruộng. Trên Sài Gòn hay các tỉnh xa người ta về thăm biển Cam Bình thiên hạ đều đi trong các chiếc Huê Kỳ "láng xì cón" , có ai còn nhớ chiếc xe CẢI TIẾN ,'lọc cà lọc cọc " chở khách ra biển nữa đâu.
Dưới huyện Hàm Tân, mấy chiếc xe khách hạng sang khách tha hồ, nhấc điện thoại lên là có. Sau khi gọi chỉ năm ba phút là có chiếc xe nhỏ đời mới dừng ngay trước ngõ. Không ai phải đợi lâu cả tiếng đồng hồ cả? Các công ty xe taxi, xe gió tha hồ mọc lên, chào khách tiếp thị song song với nhiều kiểu điện thoại cầm tay ra đời.
Thôn Cam Bình nay có chợ mới nhưng chẳng mang tên cũ mà lại mang tên Tân Phước. May mắn nhờ bà con 'níu' tay Xã đòi phải xây trên nền đất cũ. Xã có cái tên mới là Tân Phước, trực thuộc Lagi tức là không còn trực thuộc xã Tân Thiện như lúc gia đình người viết mới ra đi năm 1995 nữa. Thế sự canh tân 'xe nổ- xe con' thiên hạ sắm ào ào. Hình ảnh chiếc xe "cải tiến" xem như "rong chơi trong vùng quên lãng". Tội nghiệp cho thân phận loại xe này, không có một nhà bảo tàng nào nhắc đến chúng cả? Đối với người viết, dù sao cũng có chút tâm ghi lại, do đây là câu chuyện có thật. Một chuyện tuy thật nhưng vui buồn lẫn lộn, có lúc "cười ra nước mắt" do xe không ra xe, máy không ra máy nhưng chúng thực hiện được nhiều việc- từ chở đá gạch, gạo bắp sắn khoai, cho đến chở người... xe "cải tiến" đều chở được tất cả mới hay.
Có nhiều chú tài xế trong thôn, vừa là chủ như chú Sáu Huế từng cầm vô- lăng lái xe đó. Chú Sáu lái xe lên tận mấy xã vùng cao, chuyên chở nông phẩm vật dụng hay về huyện mua hàng... không biết bao nhiêu cây số. Dưới xã Tân Thiện hay phố thị Lagi thời đó cũng có một số tài xế xe nói trên như Sáu Huế. Thế mà giờ đây đã hai ba thập niên qua rồi. Các lớp tuổi này đã là ông ngoại, ông nội hết rồi. Mấy chú tài xế đó nay vui thú điền viên hay làm ăn cách khác. Nếu có ai dư dật giàu có ra sao thì cũng nên hưởng ứng với tác giả bài này mà hãy lắng đọng một chút tâm tư hướng về kỷ niệm năm nào.
Người kể mừng cho bà con trong thôn, giờ đây đi đâu cũng có xe hơi láng bóng, đầy đủ tiện nghi không thua gì nước ngoài. Tuy thế cũng đáng tiếc khi không còn cơ hội để 'thưởng thức' cái cảm giác ngồi xe "cải tiến" nó chỉ có một lần vào thời 'ngăn sông cấm chợ' năm xưa !?
Dòng đời trôi chảy. Sướng khổ gì ta nên nếm hết mới gọi là KINH QUA. Trong kinh qua này, giá như ai được lái hay ngồi xe 'cải tiến' dù chỉ một lần trong đời thì thích thú biết chừng nào . /.
=========================
Cô Hiền dạy học ở thôn Tôn khá lâu. Ba cô mất sớm để lại cho cô, người con gái đầu, một mẹ già và đứa em trai đang học cấp hai. Cảnh nhà chật vật do đồng lương cô giáo chỉ vài chục một tháng có gắng chi cũng nữa tháng là hết. Dù tiêu chuẩn hàng tháng của cô có thêm mười ba ký gạo cùng thêm một ít nhu yếu phẩm như dầu hỏa và thịt chẳng đắp đổi vào đâu so với những nhà có đông lao động khác trong thôn.
Hoàn cảnh neo đơn, chiêu yếu này làm cô chẳng muốn lấy chồng do cô thuơng mẹ quý em. Thật ra, cô Hiển có người chị đầu nhưng đi lấy chồng sớm. Vợ chồng người chị mất tích vào mấy ngày Bình Tuy chạy loạn tháng Tư 1975 đến nay. Từ cái chiều ngày 24 tháng Tư năm đó, cả nhà người chị theo ghe cặp theo biển để vô Vũng Tàu. Hôm đó sóng to gió lớn, vài thuyền thoát nạn vào được Vũng Tàu nhưng có vài chiếc bị sóng đánh lật úp. Kể từ đó tin tức người chị đầu xem như ‘bặt vô âm tín’ chẳng biết sống chết ra sao?
Do nghèo, cô Hiền xem như là người chị đầu, phải đảm đang vai trò người mẹ để nuôi đứa em trai, ăn học đến nơi đến chốn. Cô hiểu ý mẹ và do thương mẹ chỉ còn đứa trai út này là niềm hi vọng của mẹ nên cô càng lúc càng đi đi, về về với chiếc bóng đơn côi, cam phận giữa một vùng quê cát trắng.
Cái nghèo vùng kinh tế mới sau 1975 phủ chụp lên nhà cô Hiển thê thảm nhất. Nguyên do là thiếu bàn tay đàn ông, rẫy bái, nương rẫy thêm lương thực mới nuôi đủ trong nhà. Người ta có thiếu là thiếu gạo lúa, nhưng khoai sắn thì ê hề, không phải như cái cảnh cùng khổ dưới mái tranh nghèo của cô. Ngoài cái bàn thờ, cái bàn giữa xiêu vẹo, chẳng thấy cái chi thuộc dạng lương thực? Nhà hàng xóm, mùa vô, khoai sắn cắt khô còn đổ đống giữa nhà chờ khô cất vào chồ. Nhà cô Hiền, chỉ vài mớ khoai tươi do cô tranh thủ với em, trồng trước hiên nhà, ăn xong là hết. Chỉ mong tháng khác, cô lại lĩnh lương vài chục đồng bạc bắc, mười ba ký gạo ăn hấp với khoai tươi, nhà ba người đắp đổi qua ngày.
Vào thời này, dân trong thôn khó ai quên một thiếu thốn rất chung cho mọi nhà: Thiếu đây là thiếu tiền, thiếu vải, thiếu dầu... Ngoài ra người ta thiếu thêm thứ lương thực cao cấp nhất là gạo và thịt. Nói chuyện thịt, người ta còn dùng một từ 'khá đẹp' là "CHẤT ĐẠM "!
CON CHÓ NHÀ CÔ HIỀN
Nhà cô Hiền. sống lọt giữa vùng dân quê lao động. Chiêu chang như cô chỉ nghề đi dạy nhưng lại là lao động chính trong nhà. Sức đứa em trai chỉ trồng được đôi ba vồng khoai. Thế thì làm sao nhà cô không "thiếu lương thực " hay nói trắng ra khỏi thiếu đói được?
Con chó nhà cô là 'điểm ngắm' của Tôn. Con chó kia thuộc loại to con. Mỗi lần nhìn hai bắp đùi sau 'núc ních' khi nó chạy qua nhà vợ Tôn, gã ước tính, nó mà thịt ra cũng được trên mười ký! Lạ thật, thời này không ai kiêng dè hay ái ngại về thịt chó. Nhiều người ăn được, đàn ông, đàn bà , con nít, người lớn không ai còn sợ còn chê bai chuyện thịt chó như mấy năm trước. Chuyện thèm thịt, "văn vẻ" hơn một ít đó là "NHU CẦU ĐẠM " đã xóa đi bao thành kiến về chuyện ăn thịt chó.
Ngang đây là phần mở đầu cho Tôn nhớ lại chuyện một ngày cuối tuần, gã cùng thằng Quảng, người bạn chí cốt tới nhà cô Hiền, bàn chuyện "đổi chó".
Vâng, chuyện đổi chác này rất đúng nghĩa trong thời buổi giữa chốn nông thôn, khi những tờ giấy bạc là vấn đề xa xỉ. Người dân trong thôn, thường ‘vàn công, đổi công’ , giúp nhau thu hoạch những vụ mùa, là một hình ảnh rõ ràng. Đó là chuyện công lao động. Chuyện mua chác bằng tiền thường thay thế bằng đổi chác. Người cần củi, gỗ thì lấy khoai bắp mà đổi...
Hôm đó Tôn đề nghị sẽ đổi cho cô hai gánh nặng, khoai lang, khoảng bốn thúng để lấy con chó nói trên. Cô Hiền rất cần hai gánh khoai kia. Sức cô khó "tranh thủ" - vừa dạy vừa trồng cho ra bốn thúng khoai chỉa vỏ đỏ, xanh lòng. Xem chừng cô từ từ xiêu lòng, bắt đầu ưa thuận...
Quảng đi theo Tôn. Hắn từng hứa trước là tình nguyện làm "hỏa đầu quân", nấu con chó, nếu đổi chác thành công. Quảng còn hứa tất cả sả, riềng, nói chung là chuyện “đồ màu” chi ...hắn sẽ cung cấp đầy đủ. Nhà Quảng không thiếu những thứ này! Mạ hắn bán gánh hàng gia vị ngoài chợ nên hắn hứa là được. Anh ta còn giúp Tôn làm “quân sư”, nói chuyện với cô Hiền. Tính khí thằng Quảng vui vẻ. Khi hắn cười híp cả hai con mắt.
Tôn khó quên khuôn mặt đứa bạn thân. Mỗi lúc hắn cười hay nói chuyện hăng say với ai thì đỏ gay như vừa uống vô mấy chén rượu mỳ. Nói gì thì nói, trước sau gì Tôn đều nhờ 'miệng mồm' của Quảng. Hắn sẽ nói sao cho cô Hiền chấp nhận đổi bốn thúng khoai và chẳng kỳ kèo bắt thêm thúng nào nửa.
Chuyện bàn bạc, đổi chác đang trơn tru nửa chừng, bất ngờ từ sau cái phên lá, đứa em trai của Cô nhào ra, lăn đùng giữa nền nhà khóc la thảm thiết. Tôn thấy rõ cái sơ mi trắng của đứa em trai lấm lem đất. Đứa em trai gào khóc càng lúc càng to, hai tay nó chơi với, quờ quạng giữa khoảng không:
- Ôi chị ôi, đừng đổi chó- đừng đổi- con chó chị ơi! Em thương con chó lắm chị ôi!
Thật thế, đứa em trai rất thuơng con chó. Hàng ngày, cứ đi học về nó đều xoa vuốt. Con chó cũng mến cậu nhỏ. Thấy cậu chủ đi về là nó ra ngoài xa đón em cô Hiền vô, đuôi nó vẩy vẩy. Chẳng lạ, khi cô giáo vắng nhà thì đứa em trai này là bạn với con chó kia với ai nữa? Mẹ cô Hiền tuổi già, lại năng đau. Đứa em trai này là con út không có em kế. Chị cả nó thì đã mất tích trên biển từ lâu.
Đang lúc cao hứng đổi chác, lâm hoàn cảnh này, khiến Tôn và Quảng hụt hẩng? Tự nhiên bầu không khí trở nên trơ trẻn lạ thường! Một cái gì sượng sùng ập tới quá nhanh, không ai ngờ. Ai nấy đều nín bặt không nói thêm một lời.
Đôi mắt cô Hiền như đẫm cả nước mắt. Cô thuơng đứa em trai nhất. Cô vội chạy lại ôm đứa em trai:
- Thôi, thôi chị không đổi mô, chị không đổi mô!
Tôn và Quảng chỉ biết lí nhí nói chi vài tiếng không rõ, rồi xô ghế ra về.
MIẾNG THỊT CHÓ, KHÓ BỀ BỎ QUA
Tưởng vậy là xong, không còn chuyện đổi chác gì nữa. Nhưng chỉ một ngày sau, hình ảnh nồi thịt hông thơm phức, miếng nhồi chó bùi- béo làm Tôn và Quảng lại bàn với nhau. Đôi bạn này không thể bỏ qua chuyện đổi con chó kia được? Hai ngày sau lúc cô Hiền nghỉ dạy, hai đứa tiếp tục tới nhà cô. Lần này Tôn và Quảng cẩn thận hơn. Hai người chờ lúc đứa em trai cô Hiền vừa đi học mới qua. Kế hoạch đổi chác thật chớp nhoáng!
Hai gánh khoai bốn thúng đầy vun.
Tôn và Quảng gánh qua ngay khi cô vừa gật đầu đồng ý. Một đống khoai tươi vỏ đỏ, nhờ thu hoạch đủ ngày nên củ nào củ nấy láng bóng, căng tròn, trông sướng con mắt!
Cô Hiền vào ngày đó đúng lúc đang cần khoai. Mười ba ký gạo tiêu chuẩn hàng tháng của cô đã hết hôm qua. Cái khạp nhỏ đựng gạo bên góc bếp trống trơn, không còn một hột. Hai cái thúng méo, rách, đựng khoai tươi bên góc nhà cô lúc đó chỉ còn vài ba củ nho nhỏ nhưng lại bốc mùi sâu? Kết quả thật mau chóng chỉ trong một giờ là xong ngay.
Quảng vội dắt con chó ra khỏi nhà cô giáo như bị ma rượt? Tôn gánh hai đôi triêng gióng không, lật đật chạy theo thằng bạn.
Hú vía! Kế hoạch thành công thật trơn tru.
Con chó như ‘linh cảm’ trước số phận, trì cả bốn chân không chịu đi. Quảng phải ra sức kéo con chó, mắt hắn vừa ngó về phía trường như sợ đứa em trai cô Hiền về bất chợt thì nguy? Con chó xấu số kêu “ăng ẳng”! đoạn đường đất pha cát trong thôn bốc lên những đám bụi mờ...
***
Chỉ nội trong chiều đó, trời chưa tối hẳn, Quảng đem qua nhà ba vợ Tôn một nồi đầy nhóc thịt hông thơm nức mũi. Lớp màng đỏ nổi lềnh bềnh trên nồi thịt vừa được Quảng ‘trịnh trọng’ đặt bên rỗ bún do ông gia Tôn ưu tiên đem thúng lúa ra đổi với nhà làm bún. Chỗ quen biết, ông gia của Tôn chỉ cần đem lúa qua đổi là có bún tươi ngay thôi. Nhà làm bún khi đi xay lúa ra gạo và xay bột làm bún dù sao cũng lời chút đỉnh và dư ra phần cám nên chẳng ai thiệt thòi chi. Một buổi tiệc thịnh soạn, trông hấp dẫn làm sao?
Cả nhà vợ Tôn ai nấy đều phục tài người bạn của Tôn làm thịt chó "hết ý". Hết ý tức là không còn gì để chê nữa? Từ nồi hông cho đến mấy miếng dồi không khác chi tay Ông Oai trên dốc Tân Sơn làm đâu? Chuyện ông Oai là tay thiện nghệ về thịt chó từ thời trước còn ở Quảng Trị là chuyện ông gia Tôn kể lại. Ông Oai làm thịt chó ngon đến độ có mấy ông cố vấn Mỹ tùng sự tại Tòa Hành Chánh vào thời đó, tuy " yêu chó , quý chó" mà phải "chết mê chết mệt"? Những ông Mỹ cố vấn đó từng đem mấy két bia Budweiser “Bông Trắng” lon nhôm, gạ gẩm ông Oai làm thịt chó cho ăn…
Đó là một thời Quảng Trị, trở lại bấy giờ là hình ảnh Tôn cùng bạn và cả nhà bên vợ đang liên hoan một nồi thịt chó thơm phức. Con chó vửa đổi được đã bù lại cho mọi người bao ngày " thiếu đạm" nơi một vùng quê - dư khoai thừa sắn- nhưng chẳng bán được bao nhiêu?
Mấy đứa em vợ Tôn tuy nhỏ, nhưng là những tay lao động chính, đều có mặt trong buổi liên hoan. Cả nhà ông gia Tôn ai cũng suýt xoa khen tài nấu thịt chó của Quảng. Ông gia Tôn vừa ăn vừa gật gù khen ngon. Ông không quên nhắc Tôn:
-Con nhớ đem bốn cái cẳng chó lên hầm với đậu xanh cho vợ con ăn đặng nhiều sữa cho cháu bú nghe?
Trời sập tối. Tôn rời nhà ông gia, vội đem bốn cái cẳng chó còn lại lên nhà để hầm đậu xanh cho vợ ăn nhiều sữa để cho đứa con gái út mới sinh bú. Thằng Quảng thì khật khù do uống mấy ly rượu mỳ, hắn không quên đem cái nồi không ra về...
Tiếng kẻng Đội Năm cuối xóm Chợ Cam Bình, đánh từng hồi. Tiếng kẻng giục dân đi họp... Trời dần về khuya, nếu ai còn thức đều nghe văng vẳng có tiếng khóc ai đó theo làn gió biển đưa vào? Tiếng khóc con trai nghe thật tội do nó cứ rưng rức từng hồi? Hình như đó là tiếng khóc của đứa em cô Hiền ./.
Đinh Hoa Lư 17/4/2021
===============================
Tôi có cơ hội được biết tới cái tên lạ lùng- "kơ- nia", nghe lạ tai làm sao? Cây Kơ Nia đây, giờ là cây quý hay đẹp làm cảnh cho khách tham quan. Thời làm rẫy hay tiều phu đốn hạ cây rừng, chúng tôi gọi chúng chỉ là cái tên bình dân, đơn giản đó là cây cầy. Thời gian đó, đồi bàn tay và cái búa của tôi 'ghét cay ghét đắng' cây cầy do gỗ nó quá cứng; bong tay mẻ búa mới chặt hạ được nó. Tuy thế, người mua than thì lại ưa do than cầy chắc, cháy đượm.
Một thời gian sau, có tin đâu 'phát hiện' ra chuyện Suối Nước Nóng Bình Châu.
Tôi nghe vào lúc này có tin Tiệp Khắc qua đầu tư khai phá nguồn nước nóng để thu hút du lịch. Thời mới nhá nhem chuyện "mở cửa' của ông Linh chưa phải là Ông Kiệt. Dân mình sắn khoai chưa no bụng, thành phố chưa dư thừa hủ tiếu bánh mỳ làm sao phát triển du lịch?
Ai cũng quên chuyện này, và chẳng nghe bàn tán.
Mọi sự lặng đi một thời gian dài...
Cho đến non ba muơi năm sau vợ chồng tôi mới có dịp thăm Suối Nước Nóng Bình Châu, một nơi gần 30 năm trước tôi từng ưóc mong đi xem một lần nhưng mãi lo gò lưng đạp chiếc xe đạp thồ rong ruổi trên chặng đường dài mang cái tên Tỉnh Lộ 23.
Nhắc đến Bình Châu một làng cá xưa kia đìu hịu vắng vẻ. Một thời 'quản lý thị trường' gắt gao nhất. Người buôn từ Hàm Tân, cụ thể hơn từ Tân Thiện Cam bình phải thuê người gánh, trong đó có tôi. Cả đoàn người lầm lũi gánh cá khô trong đêm tối đi men theo mấy chục cây số bờ biển để tới Làng Bình Châu. Nơi này có xe đò an toàn chở cá khô vào đến Sài Gòn. Những bao cá khô, loại cá cơm dính đầy cát nhưng phải "buôn lậu' phải tránh né để khỏi bị "quản lý thị trường' tại Láng Gòn (Hàm Tân) tịch thu sạch?
Một thời dân mình rên xiết dưới cái từ ngữ 'QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG" hay :"ngăn sông cấm chợ" ..
Nhớ sao những triền cát cheo leo, phía dưới là sóng biển, những cái lạch nước từ Tân Sơn hay xã Tân Thắng chảy ra biển rất nguy hiểm. Sẽ có những hố ngầm nơi con lạch này chảy ra biển, chúng tôi có thể bị 'hỏng chân' có thể chết? Tôi phải gánh lội qua, phải rướn người cao lên cho hai bao cá khô khoảng 70 ký khỏi ướt vì nưóc biển, sẽ hư cá và sẽ nặng thêm cho tôi. (vào năm 2002 em vợ tôi Trần thiên Danh đi mò con chem chép đã bị sẫy chân chết đuối do những con rạch ngầm này).
Đường về thênh thang thoải mái chỉ còn triêng gióng không.
Men theo bờ biển về lại Hàm Tân, sóng biển rạt rào, ngoài kia là một đại dương của tự do và cả một thế giới của ước mong háo hức cho bao người. Xác con tàu cũ bị chìm hay mắc cạn có thể từ 1975 còn nhô lên mặt biển. Tất cả đều hoà nhập trong một vùng biển trời hoang vu, hay đúng ra là cả một vùng đất trời xơ xác, cả một kỷ niệm khó quên cho đến lúc này.
Và lúc này là thời gian của đất hẹp người đông. Tất cả tiềm năng của thiên nhiên đều bị 'nạo vét' cạn sạch. Từ đất đai, cây cỏ, biển , sông, hồ , rạch...tất cả đều bị lật tung theo khói bụi hơi người, động cơ cùng những gì bát nháo, lộn xộn nhất?
Không còn nơi nào tĩnh lặng...thiên hạ thi đua nhau, hết tốc lực đi ra đường, ra biển kiếm sống.
Sóng biển, rác rưới, người xe, những vùng đất bị quản lý, khoanh vùng, những hotel xây vội, những nhà nghỉ thi đua nhau mọc lên. Những mái nhà mới xây thêm sau khi bạn được đất khá bộn tiền và mai mốt không biết sẽ về đâu?
Tất cả đều đổi thay sau mấy thập niên.
NGÀY ĐÓ lâu lắm rồi trên một vùng quê nghèo, tạm gọi là vùng KINH TẾ, tôi khó lòng quên được hình ảnh các em bé vùng nương rẫy và mái trường tranh rách nát, tả tơi. Những em học trò hàng ngày vừa phụ giúp gia đình việc làm nông vừa có một hạnh phúc, sung sướng nhất đời là được TỚI TRƯỜNG "kiếm đôi ba chữ". Người viết vẫn luôn tin rằng được tới trường là một hạnh phúc lớn nhất của các em.
Rẫy rừng, miếng cơm độn sắn, cái áo chẳng lành trong mười hai tháng của một năm dài, ngoại trừ năm ba ngày tết. Chúng mừng vui với lớp bạn quê cùng lớp. Chúng sung sướng để được ngồi cùng nhau dưới những dãy bàn xiêu vẹo để được thấy cô thầy, những lớp người khác với cha mẹ chúng.
CÔ GIÁO LỚP 3 (vợ tác giả) đứng cùng lớp chụp tại NGÔI TRƯỜNG QUÊ XÃ SƠN MỸ. Ngôi trường này của CHƯƠNG TRÌNH QUỐC VỤ KHANH/ KHẨN HOANG LẬP ẤP CỦA DI DÂN QUẢNG TRỊ VÀO HÀM TÂN NĂM 1974, CÒN SÓT LẠI vào thời gian chụp hình này ĐÃ SỤP ĐỔ MỘT NỬA NHƯNG VẪN CÒN HƠN MỘT NỬA DÙNG để DẠY HỌC (hình 1984 của tác giả)
Những đôi chân trần, quần đùi và cái áo vá nhưng các em đó vẫn tự hào do các em là HỌC TRÒ. Các em vui sướng, hăng hái đọc bài theo thầy cô. Những viên phấn cô thầy viết phải tiết kiệm từng chữ; những nét chữ các em nắn nót say mê. Những cuốn vở hay mấy tờ giấy vàng ố, hiếm hoi lại nâng niu quý báu...
Có ai sống những qua những ngày cơ khổ đó mới biết được cái HẠNH PHÚC của các em trong những buổi tới trường. Hầu hết các em đều là học trò nghèo. Các em còn là những tay lao động dù không phải là CHÍNH nhưng rất cần cho gia đình- nhà nào làm nương rẫy đều cần.
Cha mẹ cần các em, từ đi BỎ HỘT trong những trận mưa đầu mùa, cho đến bới cơm vào rừng, đi lượm than vụn giúp kinh tế trong nhà và còn đi giữ rẫy nhất là khi mùa màng thu hoạch. Tiếng trẻ con kêu phụ họa với người lớn kèm theo tiếng gỏ đủ thứ... từ nồi niêu song bể hay còi ...nhằm để xua đuổi bầy keo bọn khỉ... đang phá bắp, lúa...
Đêm về các em được ở nhà để người lớn vào chòi giữ rẫy thay các em. Người lớn ở lại ban đêm để canh heo phá sắn.
Rồi hàng năm NGÀY TẾT THẦY CÔ 20 tháng 11 LẠI ĐẾN.
Bên mái trường tranh rách nát, trống trãi, bàn ghế gãy đổ chơ vơ, có những khuôn mặt thập thò. Các em học trò ngày đó cũng biết kiếm làm sao cho ra những thứ gì để tỏ chút lòng tri ân thầy cô của chúng.
Có em có được xâu cá, chúng cặm đâu hôm qua. Có đứa xin mạ đâu được mấy lon đậu xanh hay đậu huyết gì đó ...nói sao hết những món quà nhà quê cho những ngày THẦY CÔ năm đó.
Ôi thật thà và chất phác đến tội nghiệp trong lòng?!
VỢ tôi đi dạy, tức là cô giáo làng vào thuở đó. Mấy chục đồng lương và 13 ký gạo đó là đời sống của một người đi làm nghề dạy học. Một thời kinh tế bao cấp và chốn rẫy rừng tự cung tự cấp của một thời hoang sơ của một xã hội mới bắt đầu như khởi thủy của một THUỞ HỒNG HOANG ?
ĐẸP LÀM SAO, NHỮNG TẤM LÒNG TRẺ NHỎ
Mái trường tranh, vách lá hở hang cùng những cái bàn xiêu vẹo. Phấn viết cho Cô Thầy giảng bài cho các em vẫn thiếu. Trước mặt cô thầy, các em ngồi yên chăm chỉ nhưng bụng các em đang trưa xép lẹp. Tan buổi học chúng còn vào rẫy ...những lần mót khoai, sắn và những mớ than vụn trong rừng và những đồng bạc góp nhặt thêm cho đời sống gia đình.
*
Hôm nay nơi chốn thị thành hay quê hương đã thay đổi. NGày Thầy Cô Giáo là một ngày Hội Tưng Bừng nào hoa nào quà cáp đủ thứ vật phẩm đắt tiền. Những lớp thầy cô trong thế hệ sau này đang có những ngày hội vui vẻ bên bao thứ quà tặng quý giá từ nhiều tầng lớp học trò trong một xã hội đầy đủ vật chất ...
Tôi chạnh lòng nhớ về hình ảnh ngày trước mà thuơng cho những đôi mắt tinh anh và khao khát học hành của các em nhỏ một thời dưới mái trường làng ...ôi những đôi mắt sáng ngời, thông minh, nhưng lắm gian nan chịu đựng thương khó bao ngày. Thật buồn cho các em phải sinh ra nơi vùng thôn dã. Những đôi chân trần bé nhỏ, những buổi trưa sau buổi học, em vội vào rừng. Trên đôi vai nhỏ, em còn gánh vác một bổn phận- phải giúp mẹ cha giành lại miếng ăn từ thú rừng hoang dại. Những trái bắp trái dưa, nhành lúa rẫy... nhiều loại thú rừng đang chực chờ phá hoại. Tiếng la, tiếng gỏ của các em, một lần nữa, lồng lộng vang lên:
-Cóc, cóc,...xèng xèng, huầy huầy huầy!!!
bao âm thanh hỗn tạp vang dội một góc rừng...
Do đó là mạch sống, là mồ hôi nước mắt của cha mẹ, của các em. Người và thú rừng đang giành giựt hay canh nhau giữa từng giấc ngủ...
Có những con cá, những lon bắp, mớ đậu đẫm mồ hôi các em. Tình cảm chân thành và chất phác, từng hun đúc từ một vùng quê nghèo khó trong ngày Tết Thầy Cô làm tôi xúc động và nhớ mãi trong đời ./.
ĐINH HOA LƯ 20/11/2020
============================================
ĐẤT RUỘNG HIẾM HOI CỦA XỨ ĐỘNG ĐỀN
Trong đêm thanh, trăng tàn canh, bao tiếng ca theo tiếng chày nhanh nhanh Dư âm xa, còn vang mãi trong ánh đêm trăng tà ...(Gạo Trắng Trăng Thanh -Hoàng Thi Thơ)
No comments:
Post a Comment