MỤC LỤC
1- ƯỚC MƠ XE ĐẠP
2- NHÓM H.O. RA ĐI TỪ VÙNG ĐẤT RẪY CAM BÌNH HÀM TÂN CỦA DI DÂN QUẢNG TRỊ
3- KHÓM HOA BẰNG LĂNG CUỐI CÙNG
4- CHỢ CHIỀU
5- ĐẤT LỞ THÌ NGƯỜI ĐI
================================
ƯƠC MƠ XE ĐẠP
Thời này ra đường chắc hẳn chúng ta thấy xe cộ chạy đầy đường. Đông nhất là xe hai bánh rồi đến xe bốn bánh. Tất cả đều tân kỳ, đẹp mắt. Cảnh này khác xa so với ba bốn thập niên về trước. Khác đến nổi, sắm chiếc xe đạp coi bộ quá khó khăn, còn nói gì đến chuyện "xe nổ, xe hơi". Nhắc đến chiếc xe đạp, phải nói đến đồ phụ tùng, tức là những thứ cần mua để lắp ráp cho xe đạp, hay những lúc nó bị hư hỏng. Ngày đó, có được phụ tùng ngoại nhập tức là đồ nước ngoài thì chúng ta lại càng quý biết chừng nào. Mơ có phụ tùng ngoại nhập ư? thật ra chỉ có đồ Trung Quốc hay vài nước XHCN thôi. Tuy thế, nó cũng tốt hơn nhiều phụ tùng làm tại Chợ Lớn, sau năm 1975: những thứ đã ít ỏi lại càng mau hư. Viết ra đây, có thể thế hệ sau cho là người viết 'ưa ca cẩm' quá cái thiếu thốn năm xưa, nhưng thực ra đây là mẫu chuyện có thật của chính người viết. Mục đích viết lại nhằm giúp ai tuổi đã già thì nhớ lại một thời đã qua, để tự thỏa mãn với cảnh sống hiện tại. Giới trẻ thì bớt tiêu xài hoang phí hay đua đòi vật chất xa hoa.
- Đến lượt tôi đấy đồng chí à?
- Tui tui o ơi !
MỘT THỜI ĐÙM-XÍCH - LÍP LÀ CẢ MỘT ƯỚC MƠ
Trong những mẫu chuyện có thật, cười ra nước mắt có câu chuyện về chiếc xe đạp của gia đình người viết. Thời gian đó, gia đình tôi có bầy con dại sống nhờ vào đồng luơng cũng 'bao cấp' của vợ cùng cái cuốc- cái rựa của một người chồng sống nhờ nuơng rẫy.
..
nhờ đồng chí cắt cho tôi miếng nào "nhiều mỡ ' đấy nhé!
Hai Lúa xin thưa với bạn đọc rằng, đó là ba thứ quan trọng cho xe đạp : trục bánh, dây sên (chain) và cái trục răng ( roue libre) . MỘt thời, xe đạp là phương tiện chính cho người dân VN; riêng các thầy cô giáo ôi chao là cần!
VỢ TÔI DÁM "TO GAN" ĐI BUÔN MỰC
Nhà vợ chồng tôi nghèo, mái tranh vách đất nhưng khi nào cũng có nhang khói cho cái am thờ nho nhỏ ông Địa Ô Thần Tài đặt một góc nhà ngó chênh chếch ra cửa trước. Trái mãng cầu nào to Lúa tôi ưu tiên đặt cúng Ông. Trong bụng luôn mong cầu ơn hai ông phò hộ cho gia đạo an vui, làm ăn khấm khá.
*
Chiếc xe đạp mới toanh chạy chạy bon bon qua cầu Suối Đó, lên dốc. Qua trạm Lán Gòn, tôi chỉ dám liếc nhanh chiếc xe đò đang đậu kia. Hai con mắt 'sắc như dao' của những người quản lý thị trường? Bao nét mặt tái mét, sợ sệt, nhũng người khách bị xét hỏi. Tôi đạp nhanh qua trạm y như họ kêu mình lại xét hỏi không bằng?
Tân Lập và những lò gạch qua mau. Tiếp đến là những thửa ruộng của Hàm thuận Nam. Càng gần thành phố Phan Thiết, con đường quốc lộ càng rộng hơn thêm. Lâu rồi, tôi chưa ra lại Phan Thiết sau cái năm em gái tôi làm dâu ở đây. Nay cái gì đối với tôi cũng lạ, cũng ưa nhìn? Chả trách do bao năm tôi mịt mừ nơi vùng nương rẫy. Nay tôi đang có một ngày, tận huởng không khí phiêu lưu khi đang đạp chiếc xe đạp mới trên con đường dài "thiên lý".
Nhà vợ chồng em gái tôi ở Ngã Tư Hàm Thắng nên tôi có dịp đạp xe qua cầu Phan Thiết ngắm nhìn đoàn tàu cá dưới kia. Cảnh tàu bè sông nước không thay đổi gì so với trước 1975. Tôi có dịp đạp xe qua cánh đồng làm muối mênh mông . Ngọn gió biển thổi mát rượi, cảnh vật yên tĩnh dần dần khi tôi đạp xe xa dần Phan Thiết. Phía trước mặt , xa xa là ngọn núi lở lói hướng Tuy Phong ẩn hiện ngôi tháp Chàm. Tôi sẽ không ra tới đó vì sắp tới nhà vợ chồng em gái tôi. Gia đình em tôi ở ngã tư Lại An cách Thành Phố độ năm cây số.
NHÓM H.O. RA ĐI TỪ VÙNG ĐẤT RẪY CAM BÌNH HÀM TÂN CỦA DI DÂN QUẢNG TRỊ
Cùng nhớ về nhau nhóm H.O ra đi từ vùng nương rẫy Hàm Tân Bình Thuận
Lữ phúc Cam (mất 10.7.2023)
Nguyễn Đăng (mất)
Nguyễn Mạnh (mất)
Nguyễn (?)Huệ ( ở xóm Triệu Hải Cam Bình, mất khi mới qua Mỹ)
Trần văn Hào
Hoàng gia Độ
Hoàng Thỉnh (mất 2020)
Nguyễn Xê
Trần nguyên Nghị
Đinh trọng Phúc
Nguyễn (?) Bổn
Cao hữu Khang (mất 6.7.2023)
Trần ngọc Điềm
Nguyễn (?) Huệ (thiếu tá Huệ trước ở Tân Thắng Hàm Tân hiện ở khu Checker- San Jose)
Nhớ về một thuở chương trình H.O. mới ra đời nhóm ‘phó thường dân’ tại Hàm Tân lao xao bận rộn không phải là ít. Nhắc đến Hàm Tân người ta có thể nhớ đến Trại Tù Z30 dưới chân ngọn Mây Tào lúc đó từ xã Hàm Minh vào đến các điểm dừng xe, Căn Cứ 1 Căn Cứ 2 đều nhớ. Người về từ các trại về Hàm Tân đều mang cái danh là ‘phó thường dân’ có nghĩa là phải đợi một vài năm mới được ‘trả quyền công dân’ làm kiếp dân thường.
Nhóm đi H.O tại các xã Tân Hà, Tân Thiện khá đông. Đa số đều ra Phan Thiết làm giấy tờ. Một thời gian nghe đồn phải ‘chạy dịch vụ’ thế là rủ nhau đôn đáo ra tận Đà Nẵng mà ‘chạy’. Tiếng ‘chạy’ ở đây nghĩa là sao ai cũng rõ. Người viết xin khỏi dông dài vấn đề này. Trong bài viết này, tác giả chỉ mong ghi lại hình ảnh những ngày đợi tin tức H.O tin Thái Lan, tin phái đoàn phỏng vấn và nhất là những buổi gặp mặt nhau “trà dư tửu hậu” bàn tán cùng âu lo.
Từ Tân Hà anh Lữ Phúc Cam và vài người bạn đạp xe đạp lên đến Động Đền, kéo theo anh Hoàng Thỉnh vài ba người nữa lên tận xã Sơn Mỹ. Lao xao bàn tán cũng là chuyện "đi H.O.". Thế là từ xã Sơn Mỹ, các anh Cao Hữu Khang, anh Nguyễn Bổn anh Trần ngọc Điềm, anh Trần nguyên Nghị … cùng tới nhà thằng em nhỏ tuổi nhất tức là người viết bài này bàn bàn tính tính lo tình hình có đi thật hay không? Bao giờ đi, tại Sài Gòn đang đi H.O mấy rồi vân vân và vân vân. Bên chén trà lạt, gà qué rượu chè chẳng có nhưng ấm áp tình huynh đệ lạ kỳ. Có thể những ngày đó trở về sau "nhóm H.O" chúng tôi tạm gác cuốc hay có làm rừng cuốc đất cũng làm cầm chừng ...bắt đầu lo chuyện bảo vệ sức khỏe mà đi, do đi là cả tương lai huy hoàng trước mắt dù chuyện đó còn trong vòng tin và không tin, quá hồi hộp nửa mừng nửa sợ nửa nghi nan...
Dưới xã Tân Mỹ, cụ thể hơn là vùng Động Đền, Cam Bình anh Trần văn Hào anh Hoàng Gia Độ hàng ngày không quên bên chén rượu tiêu sầu làm thêm vài bài thơ để lại cho đời trước khi đi Mỹ. Những buổi gặp nhau bên bình trà chế thêm nước sôi vài ba bận tại nhà anh Nguyễn Xê nhưng câu chuyện H.O vẫn chưa hết cơn sôi nổi.
Nhưng Thời gian tiếp theo, số thứ tự H.O đã định hình. Niềm tin của chúng tôi càng tăng thêm. Những H.O đầu tiên đã từ Sài Gòn đã có người đi và đang thành sự thật. Ngay tại Quảng Trị những người làm liều thử thời vận lại đi trong các chuyến đầu này.
Thế là chúng tôi bắt đầu tin. Nhớ làm sao anh Trần Nguyên Nghị và người viết cái buổi đi Đà Nẵng làm dịch vụ. Đêm khuya thang vắng khi gà chưa gáy canh đầu hai anh em lặng lẽ đi bộ về đến bến xe LaGi tạm vài ngày từ giã vùng đất rẫy SƠn Mỹ làm chuyến “viễn hành” ra Đà Nẵng. Ai cũng cái thế ‘bị gậy’ lên đường mang theo bao nhiêu hi vọng. Dĩ nhiên niềm hi vọng đó tăng thêm khi đã thành công chạy mượn hai ba chỉ vàng gói kỹ trong người trong một chuyến ra trung. Ngang đây chắc bạn đọc sẽ hiểu H.O mà không 'Dịch Vụ' thì xem như bù trớt hay đợi đến ‘dài cổ’ đó thôi.
Chuyện kể tưởng như mới đây mà té ra đã mấy chục năm rồi. Mấy chục năm trong đầu óc người viết cứ lởn vởn hình ảnh những ngày chống cuốc đợi thư từ Sở Ngoại Vụ gửi về, những ngày nhóm H.O chúng tôi cứ gặp nhau bàn tán lo toan. Rồi chuyện ra đi H.O chúng tôi đã là hiện thực. Những buổi tiệc mừng chia tay nhau từ những người ra đi trước. Sắm sửa ra đi, tiệc tùng tiễn biệt mong người đi trước gặp nhiều may mắn nới xứ lạ quê người và nhất là hình dung cái cảnh ra đi khó lòng ‘gặp lại’. Người trước kẻ sau thế mà chương trình H.O là một sự minh chứng hùng hồn ra đi Mỹ là thực.
Người viết trẻ nhất, lấy vợ sau cùng nên chuyện đi sau các anh cũng hợp lý; đó là do phải lo chuyện sinh con đẻ cái mới chậm trễ lại đằng sau. Mấy anh đi trước có người ái ngại lo lắng cho đứa em trẻ tuổi bị ách tắc lại sau. Ai cũng cầu mong cho gia đình đứa em này may mắn. Từ H.O. 25 trụt lần đi với H.O. 31 nhưng rồi cũng xong, cũng qua được bến bờ tự do 2 vợ chồng cùng đàn con dại 5 đứa.
gia đình ĐHL được cậu mợ đón tại phi trường San Francisco ngày 2.8.1995
Đêm nào khó ngủ nằm trằn trọc người viết hay nhớ về cảnh cũ ngưòi xưa đó là vùng đất Động Đền một nơi tuy cơ khổ nhưng từng giúp bao mảnh đời người dân QT qua bao tháng ngày gian nan. Nói đến vùng đất nuôi dân QT mình trong đó có những kỷ niệm khó quên đối với những người tù lỡ vận trở về địa phương với cái cuốc trên vai sắn khoai vui bên người thân và xóm làng.
Ngày tháng đó gian nan cho miếng cơm manh áo mà trường ốc cũng thiếu thốn như trong bài thơ của anh Trần Quảng Lượng hay là Trần văn Hào miêu tả lớp - trường vào đầu thập niên 1980 ở một vùng cát ven biển ra sao?
TRƯỜNG HỌC CAM BÌNH
Trường học ngày nay nghĩ cũng hay
Khen ai khéo dựng khéo chưng bày
Bốn bề gió lộng, long tai óc
Hai phía trời soi, rát mặt mày
Thu đến mưa sa thềm nước đọng
Đông về gió cuốn mái tôn bay
Qua đây thấy cảnh lòng ngao ngán
Học ở trường này khổ lắm thay!
Trần Quảng Lượng 1984
Rồi
TƯỞNG NHỚ NHÀ THƠ VIỆT YÊN hay anh Hoàng Thỉnh
Cùng đồng hương Quảng Trị, cùng cảnh ngộ, người viết đã có dịp gần gũi chuyện trò với nhà thơ khi tay ai cũng dập dìu, bận bịu, bên cuốc bên rìu làm nương phát rẫy để mưu cầu sự sống trong vùng kinh tế mới đất cát bạc màu cùng núi rừng hoang hóa.
Chẳng hạn bài thơ Giữ Dưa của anh Hoàng Thỉnh đã vẽ lên một hình ảnh một hoàn cảnh rất CHUNG của những người từ trại tù cải tạo về lại địa phương sống gần nhau trong cuộc sống cơ hàn...
GIỮ DƯA
Nằm bên suối giữ dưa
Lắng nghe nước chảy gió đưa cây rừng
Động lòng nước mắt rưng rưng
Nước đi đi mãi bỏ rừng lại đây
Trăng ngà gác xế về tây
Quốc kêu bên suối đêm ngày quạnh hiu
Bốn bề gió thổi riu riu
Đèn khuya một ngọn hắt hiu giữa trời
Nhắn cùng các cậu làng chơi
Đêm khuya sương lạnh nghỉ ngơi ở nhà
Nơi đây chỉ có mình ta
Cùng non cùng nước chan hòa tình chung
VIỆT YÊN
Anh Hoàng Thỉnh sau khi định cư tại Hoa Kỳ (khoảng 1994) nhưng lại định cư tại Louisiana một tiểu bang ít người VN hơn California.
Tuy vậy mỗi lần qua San Jose bắc California để thăm lại bằng hữu, bà con. Vào ngày 2/7/2011, khi qua lại lần hai thăm bằng hữu tại San Jose anh Hoàng Thỉnh mới biết tin gia đình người viết ở tại thành phố này nên vội nhờ người chở tới thăm gia đình tôi. Đối với người viết, những lứa đàn anh qua Mỹ hay tại vùng Cam Bình Hàm Tân nói trên như anh Hoàng Thỉnh đều coi tôi như đứa em H.O nhỏ tuổi nhất. Lần cuối cùng này, nhà thơ đã ưu ái trao tận tay ĐHL tập thơ của anh, như là kỷ niệm của một người bạn vong niên cùng chung chí hướng.
Thương thay, khi Anh qua đời tại Louisiana vào năm 2020, trong yên lặng do hoàn cảnh địa lý quá xa và Đại Dịch Covid-19 nên ít người nghe tin kịp.
Vừa nghe tin anh Cao Hữu Khang qua đời ngày 6 tháng 7, 2023 tại Colorado thì hai hôm nay người viết lại nghe tin anh Lữ phúc Cam tạ thế ngày 10 Tháng 7 tại San Jose. Ôi cuộc đời quả thật hợp tan mấy chốc. Mọi chuyện tưởng chừng như mới hôm qua, bao hình ảnh cũ, những ngày rộn ràng lao xao tại Hàm Tân nhóm ra đi H.O. chúng tôi bàn bàn... tính tính giờ chẳng còn mấy ai? Tôi ngồi bồi hồi nhớ lại mấy năm đầu tiên, mới qua Mỹ chưa được bao lâu thì các đại niên trưởng như các anh Huệ, Mạnh, Đăng ra đi, nay đến lượt các anh Khang và Cam tạ từ nhân thế, hai anh đi cách nhau chỉ vài ngày. Tác giả bài này vừa viết vừa tưởng tượng lại vóc dáng cao lớn của anh Cao hữu Khang mỗi khi dăt chiếc xe đạp từ rẫy về; trái với vóc dáng mảnh mai nhỏ bé của chị Khang sáng sáng mang những nông phẩm của chồng đem từ rẫy về, ra bán tại buổi chợ làng Sơn Mỹ, hay chợ Cam Bình dưới con dốc không xa. Tôi lại nhớ anh hình ảnh của anh Bổn, cố gồng lưng hì hục thồ khúc gỗ nặng từ rừng Sơn Mỹ đi ra. Nặng nề quá khi bánh chiếc xe đạp bị ngập trong cát trên con đường ngoằn ngoèo từ rừng Sơn Mỹ về nhà. Rồi mình lại nhớ cho thân phận mình, kiếp "tiều phu bất đắc dĩ" ngày ngày kiếm củi trong rừng mong tiền độ nhật...
dốc Tân Sơn đổ về Cam Bình -con đường kỷ niệm
Chuyện ngày qua nay là chuyện hôm nay, những người còn lại còn may mắn ngồi đếm tuổi đời nay đã hơn bát thập cộng thêm sức khỏe hao mòn...chỉ còn người viết, đứa em nhỏ tuổi nhất nay cũng đã thất thập trên đầu, chứ không còn nhỏ nữa.
Từ ngày đi tái định cư nước Mỹ, nhóm HO chùng tôi những người rời cái cuốc, cây rìu cùng đám rừng xơ xác tàn tạ, ra đi từ Hàm Tân cho đến nay chẳng có bao giờ được một lần hội ngộ. Nước Mỹ bao la quá, thêm thay hoàn cảnh cách biệt một người mỗi tiểu bang lại thiếu điều kiện này nọ. Ôi nhớ làm sao những buổi gặp nhau ngày đó, những mẫu tin, lá thư hay tin tức quý hiếm từ hải ngoại xa xăm đều là liều thuốc vô giá cho những con người đang cạn dần mạch sống, bao hi vọng đều đặt vào hai chữ H.O...
Ra đi H.O nói cho thật đúng đó là vì cứu vớt tương lai con cháu. Phận chúng ta thì đã định rồi, vinh quang gì đâu cho khi mất nước. Trách nhiệm làm trai đối với tổ quốc bất thành thì còn chút gì là vui thú hay vinh hiển nội tâm.
Ôi có đêm nằm nhớ lại ngày xưa, biết bao nhiêu kỷ niệm trở về. Chút gió nào trong đêm hay giọt mưa nào nếu mà ta nghe được quả thật là âm thanh hiếm hoi khi đem thân lưu xứ nhưng đó là lúc ta buồn khi nhớ chuyện ngày xưa. Chuyện H.O chuyện của những kẻ ra đi nay người còn kẻ mất đó là định luật cuộc đời nhưng chúng ta vẫn nhớ về nhau nhớ da diết tháng ngày trên vùng đất khổ năm nào./.
ĐHL 14 tháng Bảy 2023
===========================
KHÓM HOA BẰNG LĂNG CUỐI CÙNG
Nhạc reo buồn hòa cùng đường tơ rừng vắng
Sương trời khuya rơi khắp đó đây rừng ơi!..
Vừa mài rựa tôi vừa suy nghĩ mông lung. Hình ảnh những ngày phát dọn, bao âm thanh 'chan chát' từ những nhát rìu- tiếng 'răng rắc' chuyển mình từ những thân cây sắp đổ- tiếng thở phào nhẹ nhỏm khi cây đổ theo ý mình. Tiếp đến những ngày đốt dọn, mặt mày tôi lem luốc, sức nóng hừng hực của lửa và bụi tro. Làm sao tôi quên những phút giây thoải mái giải lao trong cái chòi nhỏ. Điếu thuốc rê 'to tướng' vấn trong tay, xong phì phèo nhả khói, tôi lặng ngồi ngắm về biển Hàm Tân một màu xanh biếc...
- Ồ Hoa bằng lăng!
Giòng suối vẫn nhè nhẹ trôi; róc rách qua vài hẻm đá hay thân cành gục ngã. Từ bụi lách đầu ghềnh, tiếng chim bìm bịp kêu lên vài ba hồi như cùng nhau tấu lên bản nhạc chiều tàn.
-Ngày mai về, mình sẽ không quên ngắm nhành bằng lăng này lần nữa trước khi nó tàn.
Đường về đã quá chiều. Tôi vội đạp xe nhanh qua mấy đoạn quanh co, gập ghềnh của vài cái rẫy cũ, bỏ hoang. Hôm nay bỗng nhiên tôi cảm thấy hứng khởi, yêu đời. Con đường làng hôm đó sao nên thơ và đáng yêu một cách khác lạ ./.
CẢNH CHỢ CHIỀU (hình do tác giả Nguyễn Đức và bài thơ Chợ Chiều)
Tác giả Nguyễn Đức có một lần đi ngang ngôi chợ quê Cam Bình tức cảnh sinh tình, tác giả mới tặng người Cam Bình bài thơ như sau
Hè về phượng vĩ đỏ đều trời xanh.
Nghỉ chiều! nên chợ vắng tanh,
Đường quê lắt lẻo uốn quanh chợ chiều.
Ai về ta gởi đôi điều,
Thăm quê, thăm chợ, thăm nhiều người thân.
Chợ quê nho nhỏ lại gần,
Tình làng nghĩa xóm, ân cần yêu thương.
Gần thương, xa nhớ...
quê hương...
của mình.
***
Tưởng niệm về mạ tôi với một thời nhọc nhằn nơi cái chợ thôn xưa
Địa điểm chợ Cam Bình hiện nay, người viết nghe bà con kể lại rằng bỗng được dời từ chân dốc Trung Giang về, tức khoảng năm 1977. Khu chợ mới mang tên thôn Cam Bình có thể do người Quảng trị muốn lưu lại cái tên Cam Lộ-Bình Long chăng ? (xin xem hiệu đính phần cuối bài [1] ] Nơi mua bán mới mẻ này nằm trên một khoảng cát trắng, bằng phẳng. Như thế mỗi sáng, người thôn tôi khỏi cái nạn đi ngược lên dốc. Thêm một thuận lợi do chợ nằm bên đường Tỉnh lộ 55 dẫn về thị trấn La Gi.
Xã Tân Mỹ vào cuối thập niên 1980 xem như "xóa sổ" vi` nhập vào Tân Thiện một nửa , còn nửa kia trên đồi nhập vào xã Tân sơn. Chợ Cam Bình, cũng như cái trường mang tên Cam Phú gần đó vẫn giữ nguyên tên tuy đã mang tên mới là xã Tân Thiện. Đó là những cái tên, nói từ miệng người dân chứ không thấy ghi tên văn bản giấy tờ gì. Người mình tự đặt với nhau lâu ngày thành quen miệng . Xã Tân Thiện mới rộng hơn , sáu thôn liền một dãy. Chợ ở vào cái thôn cuối cùng của xã tức là Thôn Sáu.
Mấy thôn này dù sao cũng mang một chút hình ảnh đồng bằng tuy không "thẳng cánh cò bay". Vài ba mẫu ruộng hai bên con đường đất dẫn về thị trấn La Gi nơi phố phường đông đúc, thuộc huyện Hàm Tân.
Nơi này có cái "đình chợ". Người ta gọi thế cho ra vẻ, thực ra nó chỉ là những khung nhà trống xiêu vẹo lợp tranh, sau này được thay thế hai mái tôn cũ. Tuy vậy "mái đình" ưu tiên cho những sạp hàng nào giá trị như hàng vải hàng xén...chủ những cái sạp hàng "tạp nhạp" tạo thành hai dảy nằm ngoài đình. Những cái sạp đan bằng cây rừng , trên che vài ba tấm tranh tạm bợ. Người dân quê thuờng mua những thứ cần dùng tại đây, họ cần nhất là thuốc hút , gia vị. Vào buổi sáng khoảng trống trước chợ là nơi mua bán rộn ràng. Những gánh bột lọc trắng tinh, những trái mít chín thơm ngát, những gánh khoai sắn nặng trĩu, nào dưa gang, dưa huờng, cùng bao thứ rau trái khác, gà, vịt ... đa phần từ trên dốc Tân Sơn gánh về.
buổi chợ mai Cam Bình vào vào năm 1995
Người buôn mua lại nông phẩm đem về chợ tỉnh dưới kia. Vùng này cao hơn gần dốc dân mình ở đây gọi là vùng trên còn miệt dưới huyện Hàm Tân thấp hơn , vùng đồng bằng sát biển thì người ta gọi là "dưới". Xe đạp là phương tiện chuyên chở thông dụng nhất lúc này. Những thúng khoai nặng nề , những trái bí tròn trịa được con buôn bỏ vào bao chở sau xe đạp. Những trái mướp thơm dài "thòon" ưu tiên treo vào ghi đông đằng trước. Mấy o con gái Cam Bình mua đi bán lại trong ngày nhanh nhẹn chạy về kịp chợ sáng La Gi. Tảo tần khuya sớm, trưa về cũng đủ tiền gạo- mắm nuôi cha, giúp mẹ.
Người viết phải kể lên đây hình ảnh những chiếc xe thổ mộ, phương tiện xe ngựa này chắc hẳn ngoài quê chưa bao giờ có. Họ ở dưới Ngả Tư Quân Cảnh hay là thôn đầu Tân Thiên thay phiên nhau lên đây chở hàng và khách. Mỗi xe một ngựa, xe độc mã. Con ngựa kéo gầy gò, nhẹ bấc so chiếc xe chở hàng quá nặng. Những bao khoai, sắn, chất cao trên mui , người chật nít bên trong ! chưa hết ! còn bao nhiêu thứ lủng lẳng treo hai bên nữa. Lúc này, cái càng xe đằng trước bị nhấc lên cao kéo theo cả con ngựa "khốn khổ" lên trời, bốn vó nó "chới với" trên không. Chú tài nhảy xuống cùng thêm vài người khách , í ạch một hồi mới kéo được con ngựa cùng cái càng xe xuống lại. Tạm gọi là "bến xe ngựa", họ chờ khách trước nhà máy xay Liên Cao . Bến xe ngựa và nhà máy xay đã góp phần làm cho cảnh chợ thêm phần nhộn nhịp.
Chợ cá "khiêm nhường, núp" phía sau, gần lối ra biển. Hiếm khi thấy cá lớn. Cá lớn , mực , tôm , những hải sản đắt tiền ngư dân chỉ đem về thành phố La gi, ưu tiên "xuất khẩu", chợ quê làm gì mua nỗi ! ngoại trừ vài ba mớ cá vụn, gánh vội vào đây. Trời bù cho là cá rất tươi, biển gần, mới vô, chỉ non cây số.
Những lúc trời động, có khi cá đuối thật to hai người gánh mới nỗi. Cá đuối lúc này thành phố không chuộng, "xuất khẩu " cũng chê, mới "trôi dạt" vào ngôi chợ nghèo.
Đằng trước, rộn ràng vài ba tiếng đồng hồ vì Cam Bình là đầu mối cho những mặt hàng rau quả buôn về thị trấn. Những chiếc xe đạp chở rau quả, những chuyến xe ngựa, chất hàng xong, lóc cóc theo sau chạy về huớng tỉnh. Rồi ngược lại, những o con gái Cam Bình buôn hàng từ La Gi cũng vừa lên tới . Chợ bán đi những hàng nông phẩm, thì cũng cần tiêu thụ những thứ buôn lên từ La Gi. Vài ba ký thịt heo, thịt bò loại hai, loại ba, có nghĩa là "thịt vụn" được buôn lên đây. Vài thứ rau quả Đà Lạt như ca rốt , su hào, ít mớ khoai tây cũng loại "hai, ba", người ta gọi là hàng legume, vài chục ổ bánh mỳ mới ra lò tô điểm thêm cho "mặt hàng thành phố". Người bán kẻ mua, bà con thôn xóm cả thôi. Những cô con gái lớn lên từ vùng đất trước đó gọi là Động Đền quanh quất chẳng ai xa lạ. Sau này ngôi chợ to dần, mấy chiếc honda đời cũ dần dà thay thế mấy chiếc xe đạp.
ĐỘI BÓNG CAM BÌNH truoc 1995
trước quán cà phê chú Thậm (qua đời 2017). Ở giữa là bác Lê v Linh (đã qua đời )+ Anh Thành làm cho Xã Tân Thiện & lớp trẻ xung quanh nay đã khá tuổi con cái đùm đề
Con đường Tỉnh Lộ 55 (ngày xưa còn gọi là liên tỉnh lộ 23) đi qua chợ Cam Bình, tiếp tục được tu bổ nhiều lần. Bao lớp đất đỏ từ xa chở về, đắp dần cho đến Bình Châu. Bộ mặt ngôi chợ từ đó thay đổi. Vài ba quán cà phê: quán Chú Thậm, Chú Thư. Tiệm chụp hình & thuốc tây của Chú Nho, tiệm bán đồ xây dựng Sáu Huế, nhà máy xay Liên Cao sau này thành tiệm tạp hoá, đại bài gạo Lâm Tín ... theo nhau mọc lên.
Trong đình chợ còn thêm vài ba tủ kiếng bán mua vàng bạc như Kim Ty , Kim Phượng . Hàng vải hàng xén gia đình bác Định, bác Miễn ... hàng ăn cùng kẹo đậu phụng nổi tiếng của vợ chồng chú thím Lý- Sâm . Lò heo ông Giáo , Ông Tình bà Cẩm, tiệm tạp hóa o Cháu , o Đồng, Chị Trà con bác Miễn v v...quanh đi quẩn lại cũng là bà con Cam Lộ -Gio linh không ai xa lạ.
Chỉ tiếc một điều một hai năm gì đó sau 1980 vắng bóng gánh cháo lòng O Nuôi mẹ thằng Châu. Phải công nhận o Nuôi nấu cháo lòng rất ngon, cháo không bao giờ rền như cháo hầm. Tô cháo thơm ngát mũi, khách đi qua không thể nào không ghé. Nhà thằng Châu con trai độc nhất của O cũng nhờ gánh cháo o bán trong mái nhà tranh cạnh chợ. O nhờ gánh cháo mà nuôi đứa con trai cưng của o đầy đủ không thua ai. Người viết về đây thì hàng "đột đột" -tiếng dân QT gọi về lu vại- của ông Hai Than cũng hết bán . Nhưng còn nghe thiên hạ kể trận lụt lớn 1977 lướt qua chợ làm lu vại của ông Hai Than bị vùi lấp gần hết. Trận lụt lớn thiệt! lấp trường Cam Phú một nửa, cát cuốn tràn đầy các phòng học . Cho đến 1980 xe máy xúc trên huyện về mới cào ra hết cát . Số cát cào ra này tạo quanh trường y như một con đê che chở một doanh trại hay pháo đài nào đó.
Phòng khám bệnh BS Anh nằm ngay chân dốc Tân Sơn đổ về
Ông Hai Than mua bán vậy cũng có tiền nuôi con học lên bác sĩ . Bác sĩ Anh sau này về phục vụ bà con tại đây. Phòng khám bệnh nằm ngay chân dốc Tân Sơn đổ về, sau lưng là đồi cát trắng hiu quạnh. Một thời bà con trên đồi Tân Sơn và ngay cả Cam Bình mắc chứng "sán móc" quá nhiều nên phòng khám bs Anh làm không hết việc. Người viết không thể nào quên thời này ra đường gặp rất đông người dân có màu da vàng vọt vị cái bệnh sán quái ác .
biển Cam Bình ngày nay 2014 -vẫn những chiếc thúng , đánh vét cá ven bờ kiếm sống qua ngày
Khoảng cuối thập niên 1980 những chiếc xe mô tô Minsk của Liên xô ra đời tạo thêm công ăn việc làm cho đàn ông trong thôn. Nghề chạy xe ôm khá tiện lợi. Ai cần đi đâu gấp như ra bến xe hai ba giờ sáng: có xe ôm! Ai cần ra Quốc Lộ 1 đón xe ra Trung:có xe ôm! Thậm chí ai bệnh nặng cấp kỳ cũng cần xe ôm! Mấy anh xe ôm chở khách đằng sau, hai chân chống hai bên lội chiếc xe Minsk qua mấy ổ gà đầy nước...Nghề chạy xe ôm tuy cực nhưng cũng đỡ vất vả hơn khi đứng cuốc giữa cánh đồng bạc màu cho ít hoa lợi. Mùa rảnh, rõ ràng chiếc xe ôm đã giúp cho mấy anh nông dân kiếm thêm lợi tức.
Thế mà...
Dù hiện nay chợ Cam Bình đã thuộc xã mới có tên là Tân Phước nhưng không khá hơn chút nào, đó là vì sao ? Cái chợ quê như người viết đã kể trên không phải không gặp chuyện bất ngờ! Kinh tế đổi mới thêm, đường sá thông thuơng hơn. Con đường đất năm xưa giờ đã trải nhựa đến tận Bình Châu. Phương tiện dồi dào, đi đứng thuận lợi, nhấc điện thoại lên sẽ có xe đò chờ ngoài ngõ. Nhất là đời sống người dân Cam Bình nay đã lên cao. Nhà nào cũng có phương tiện xe máy " rù" một xíu là đến ngay chợ La Gi. Ngôi chợ quê nay dưng ế ẩm? đông người bán, ít kẻ mua? Chợ dần hồi thu nhỏ không giống như cái thời mới bắt đầu ..."đổi mới ".
thỉnh thoảng có khách xa về thăm biển Cam Bình nhưng chưa giúp gì kinh tế CAm BÌnh lên cao?
biển Cam Bình hôm nay Những con đường ra biển nay bỗng thông thuơng, trải nhựa, xe hơi chạy được. Quán xá, chợ đò, mở thêm sát biển cho khách hóng mát, du lịch. Nhà nghỉ , quán trọ, thi nhau mọc lên. Tất cả cộng lại khiến ngôi chợ phía trong càng lúc càng khó làm ăn! Đã thế, nhà cửa thi nhau xây lớn thêm xung quanh khiến nó càng "co rúm " lại giữa, khó nhìn ra !
Con đường trải nhựa chạy suốt từ La Gi một mạch vào tận Bà Tô, Bà Rịa cho đến Sài gòn. Những chiếc xe hàng , xe khách nhiều kiểu chạy qua càng lúc càng nhiều. Cái đáng nói chẳng chiếc xe nào cần thiết phải dừng lại trước cái chợ này. chợ Cam Bình ngày nay khách vắng dần nên càng lúc càng thu hẹp lại. Chỗ mua bán trao đổi nông phẩm rộng trước chợ nay chẳng còn. Lác đác một hai anh xe ôm uể oải ngồi đợi khách( hình Trần thiên Khải , Cam Bình )
cảnh chợ chiều
cho đến hôm nay ngôi chợ Cam Bình đã thu nhỏ lại khuất hẳn sau hai cây phượng vĩ, khó nhìn ra, thật đúng hình ảnh một cảnh "chợ chiều "
[hình Thanh Nho 10/2014]
THAY CHO PHẦN KẾT
BAO LỚP TRẺ RA ĐI nay xa Cam Bình
Những lớp người trẻ sinh ra trên mảnh đất Cam Bình, lớn lên từ nhành lúa bạc màu củ khoai củ sắn nơi miền thôn cũ, giờ khôn lớn học hành đổ đạt phải ra đi tìm đất sống. Những lớp bán buôn xưa giờ không còn tìm đâu ra lợi tức nơi vùng đất cũ. Bao kẻ ra đi. Hôm nay Cam Bình quạnh vắng bên sóng biển ngàn năm rì rào vỗ nhịp. Cam bình chỉ còn lại lớp tuổi già nua, ngồi ngóng tin con ra đi tìm đời mới, đầy đủ hơn, tại chốn thị thành .
Hai chữ Cam Bình dần dà chắc sẽ theo lớp người xưa đi vào dĩ vãng, một thời lem luốc củi than. Hình bóng bao cánh rừng bạt ngàn cùng lớp người xưa nay đã khuất hẳn vào trong quá khứ cũng như tiếng rìu tiếng rựa một thời...
Ngót nghét hai mươi năm người viết mới có dịp về thăm lại thôn xưa. Chợ Cam Bình nay không còn khách. Các o, các mệ, bán hàng hai mươi năm trước, nay theo nhau khuất bóng. Ai còn tại thế như mẹ tôi nay trí óc đã hao mòn mụ mẫm lúc nhớ lúc quên? Cảnh CHỢ CHIỀU trong bao ngày tần tảo mà mẹ tôi nhọc nhằn một nắng hai sương nuôi sống gia đình...lớp lớp mồ hôi nhọc nhằn trên đôi vai gầy guộc của mẹ. Ngày ngày quẩy gánh ra chợ mẹ tôi mong sao kiếm sống qua ngày...
Thế gian 'vật đổi sao dời', đó là lẽ thuờng của cuộc đời. Tuy thế trong lòng người viết vẫn bồi hồi mỗi khi nhớ về ngày tháng cũ. Hình ảnh cái chợ quê mang hai chữ "CAM BÌNH"-Cam Lộ, Bình Long- người dân Quảng trị "mang theo quê huơng" khi ra đi KHAI HOANG LẬP ẤP.
Mong sao mai kia, dù ngôi chợ đó có bị xóa đi dấu tích, vẫn còn người nhắc lại CHỢ CAM BÌNH cho thế hệ cháu con .
mong thay !
chốn an nghỉ cuối cùng của lưu dân Quảng trị tại Cam Bình là đây , nghĩa địa Cam Bình trên cái rẫy có tên "chồm Chồm"
[hình : em trai tác giả đang đứng tại lăng thân phụ 16/10/2014 ]
đinh hoa lu
9/4/2014
HÌNH ngày cưới của tác giả 1/1/1983 ngày đi họ qua nhà gái có người bạn cùng xóm tên Xiềng người Bình Long (đi vào gần cuối hàng bận sơ mi trắng ) còn tất cả còn lại trừ chú rễ đều là người Cam lộ.
từ trước lui sau: chú Nguyễn văn Lý Cam lộ, Tác giả hay chú rễ, Dũng phụ rễ con bác Lê Mãng gốc Cam lộ,phụ rễ Nguyễn Hiến gốc Gio Linh, anh Nguyễn Thuận Cam Lộ, bạn Xiềng người Bình Long
hình ảnh cuối cùng cái đình chợ CAM BÌNH sau bao năm che chở nắng mưa cho người dân Quảng Trị
==========================
Biết là bao thương nhớ cho vừa
Trời cao chìm rơi xuống đời
Biết là bao sầu trên xứ người
ĐỘNG ĐỀN THÌ ĐẤT LỞ, ĐẤT LỞ THÌ NGƯỜI ĐI
Mà đâu phải đi Mỹ? người Động Đền sau giai đoạn 1975-77 đi tứ tán chân trời góc bể . Kẻ vô tận Cà Mâu Sóc Trang rừng đước rừng tràm bao la, người ra tận Phú Quốc đảo biển xa xăm còn người thì lên tận vùng Tây Nguyên hay Đức Linh rừng núi bạt ngàn ...
Nói về người Động Đền thì liên tưởng đến một vùng mấy xã ven biển Hàm Tân . Động Đền là tên không phải một xã hay một thôn nào cả .
Khi ra đi tôi có nhịp ghi lại vài tấm hình của một vùng đất lỡ nói trên
Đây là những hình ảnh cuối cùng tôi ghi lại nơi vùng đất tôi sắp giã biệt. Đúng vậy, trước khi giã từ Động Đền, trước khi làm tiệc chia tay vào ngày 21/7/1995 tại thôn Cam Bình. Tôi đi bộ lên lưng chừng dốc này và nhìn lại thôn xóm để chụp lại vài cái hình gọi là lưu niệm.
Ngay Chia Tay 21/7/1995
Cái xứ tôi sắp chia tay nghèo và loang lổ như vậy đó. Đất đai hoang tàn lỡ lói, chẳng còn thứ gì mọc được. Một vùng cát trắng bạc màu, dốc cao xói mòn, toang hoác.
Động Đền ( thôn Cam Bình) tháng 7 năm 1995
Phía chân đồi là nghĩa địa của người dân tha phương Quảng Trị, những bác, những ôn những mệ, ba mạ tôi,nhạc phụ và nhạc mẫu tôi cùng bà con lối xóm mến thương nay lần lượt xuôi tay về nơi miên viễn. Một nơi mà không ai còn buồn tủi, ưu lo hay lòng đau đáu nhớ về quê cũ mỗi buổi chiều buông trên núi Bể hướng tây,những đêm khuya thanh vắng thao thức lắng nghe sóng biển theo gió đưa vô ...
Quê hương kỷ niệm của người Động Đền và cũng của tôi là thế đó. Khi ba tôi đi xa mấy chục năm rồi chỉ còn mẹ già còn lại xóm xưa với trí óc mụ mẫm lu mờ chẳng còn nhớ còn thương hay u hoài bất tận. Rồi mẹ già tôi cũng nối gót làm người muôn năm cũ. Nơi sắc ráng mây chiều, hương linh ba tôi như về đợi cùng nắm tay mạ tôi ra đi thật xa để lại một vùng quê hương thứ hai với cháu con sau này cùng bao niềm thương nhớ trong muôn vàn ăm ắp kỷ niệm đói no..,
Ôi quê nhà diệu vợi cùng bao nỗi nhớ mông lung./.
Người Động Đền
No comments:
Post a Comment