Sunday, August 13, 2023

TỔNG HỢP SỐ 7- VIẾT VỀ QUẢNG TRỊ

 MỤC LỤC


1- 1973-2023 - NĂM MƯƠI NĂM LƯU DÂN QUẢNG TRỊ 

2- CHÚ NGHẸC BÊN CHÙA SẮC TỨ 

3- CÁI HỒ XƯA TRONG XÓM CỬA HẬU

4- NHỚ ĐỤN RƠM XƯA, NHỚ KHÓI LAM CHIỀU 

5- NHỚ VỀ LÀNG NẠI CỬU VỚI NHỮNG NGÀY XƯA



========================  ========================


1973-2023  

NĂM MƯƠI NĂM LƯU DÂN QUẢNG TRỊ 


                            
    HÔM NAY đúng năm mươi năm kỷ niệm cho lưu dân Quảng trị phiêu bạt vào nam theo chương trình KHẨN HOANG LẬP ẤP 1973 - 2023. 

Năm mươi năm rồi hay nói đúng ra là đúng nửa thế kỷ kể từ ngày bà con chiến nạn tạm dung thân quanh thành phố Đà Nẵng nếu kể ra thì còn khá nhiều kẻ nhớ người quên. Ôi chuyện nửa thế kỷ qua, người QT cất bước phiêu bồng trôi dạt vào nam phương tìm đất sống. Chuyện ra đi cũng lắm đoạn trường, nhưng nay có thể kẻ  ra đi về trời miên viễn khá nhiều, lớp lớn lên sau thì chỉ còn một vài kỷ niệm mờ nhạt của một chặng đường bồng bế nhau qua đoạn Cầu Dài và non hai năm trời tạm dụng tại Đà Nẵng.

Người viết cũng từng viết về hồi ký này cách đây mười năm nay cũng xin nhắc lại khi dấu ấn chia phôi từ ngày giã từ Đà Nẵng theo chương trình Khẩn Hoang Lập Ấp của một chính phủ nay cũng không còn.

chợ tạm cư mái tranh vách lá cho đồng bào QT 1973 tại Hòa Khánh Đà Nẵng


Đã năm thập niên ròng rã,  có ai còn nhớ chăng dòng người chiến nạn Quảng trị tạm lưu trú tại Đà Nẵng rồi cũng phải lưu luyến chia tay vùng đất tạm dung và nhiều tình cảm như Non Nước, Hòa Khánh, Hòa Cầm ôi những trại tạm cư biết bao kỷ niệm vui buồn. Ngót nghét gần hai năm, ăn ở tạm bợ học hành cũng tạm bợ. Những trợ cấp từ những bao gạo, những ổ bánh mỳ cùng bao nhiêu thứ khác. Lưu dân Quảng trị lại phải chia tay nhau, một nửa ra lại Quảng trị những vùng nào ra được như Triệu phong, Hải lăng. Nhưng phân nửa chọn con đường KHẨN HOANG LẬP ÂP vì nhà cửa, đất đai chẳng còn gì hứa hẹn.                 


1973 đồng bào chiến nạn QT tại Đà Nẵng được chính phủ VNCH cấp phương tiện chuẩn bị đồ đạc vào nam được biết 4 gia đình được đi cùng một chuyến xe tải vào nam (Bình Tuy) 



Một lần nữa lại ra đi.Dấu ấn 1973 xa dần theo gót chân người dân phiêu bạt. Giã từ và cám ơn Đà Nẵng một tình cảm che chở cho người dân mất đất. Chẳng ai quên được những tháng những ngày, nôn nao nơi vùng đất đầu lạ sau quen rồi cùng nồng ấm với nhau cùng một thứ tình nghĩa đồng bào qua hai năm xem nhau chẳng khác chi ruột thịt.


Chúng ta nhớ làm sao mấy chiếc quán cà phê nho nhỏ cùng vài chiếc bàn ọp ẹp dưới mái là tạm thời. Nỗi buồn xa xứ bên bao giọt cà phê rơi rơi. Ly cà phê đắng đơn sơ như đang chia sớt tâm tình cùng nhiều đứa con trai QT lỡ vận đang đợi ngày tòng quân nhập ngũ. Chuyện những người thất lạc người thân. Họ tuy chạy được vào ĐÀ Nẵng nhưng hàng ngày đốt điếu thuốc bên ly cà phê; tâm trạng chơi vơi trong niềm nhung nhớ nôn nao bởi người thân mất tích...

 

Chi nhánh Nguyễn Hoàng, chi nhánh BỒ Đề, Hiền Lương Nghĩa Thục... không bao giờ xao lãng nhiệm vụ giáo dục cho con em  QT lưu lạc vào đây. 



Vợ tôi hồi đó mới xong tú Hai, lúc này còn trẻ, độc thân, sau này kể chuyện lại với chồng tức là tôi rằng, may mắn được thầy Minh Lương tuyển vào dạy tại chi nhánh Bồ Đề tại trại tạm cư Hòa Khánh. Mới mười chín tuổi đời lại mang cái chức CÔ thì nàng làm sao khỏi ngỡ ngàng, lúng túng. Dân tình chạy nạn có được một việc như thế là may rồi nên vợ tôi phải cố gắng, mặc dầu hàng ngày phải tập tành  bạo dạn với các thầy "ngắm nghé" - các lứa học trò tuổi  ngang bằng hay ít hơn vài tuổi thôi !

   

         học trò QT tại vùng tạm cư Hòa Khánh đi chơi biển  1973


   Cô giáo Huệ - chi nhánh BỒ Đề Hòa Khánh - vào năm này là đề tài cho các thầy "thách đố" nhau , là "mục tiêu" cho các lứa học trò "nhất quỷ nhì ma" trêu chọc , làm cô giáo trẻ  phải bước thấp bước cao, lính qua lính quýnh những ngày tập sự. Vợ tôi không bao giờ quên kỷ niệm rằng : Có lần quýnh quá vợ tôi bị vướng quấn té, lật cả móng chấn chảy máu , và cũng là một "dịp may " cho các thầy thi nhau làm "y tá "!


 cô giáo và học trò tại tạm cư Hòa Khánh Đà Nẵng 1973
lớp học sinh này nay đã trên 60 tuổi 


Thế mà thời gian dạy cho BỒ Đề qua nhanh như gió thoảng.  Những buổi dã ngoại đi chơi biển với học trò.  Cô- trò như chị như em .  Không khí trường như vui hẳn lên, đầy sức sống cho các thầy "hăng hái thi nhau " dạy học  từ khi có bóng dáng cô giáo Huệ trên bục giảng của trường . Lạ một điều cũng từ ngày đó các thầy thi nhau ăn bận chỉnh tề "oai ra phết" !
 RỒi truòng BỒ Đề cũng phải chia tay nhau theo chương trình di dân 1973. Cô trò chia tay, bằng hữu chia tay , và những gia đình cũng phải chia tay ra đi . NGười vào Nam, kẻ ra lại huớng bắc tức là trở về lại QT. 



Lưu Dân QT năm 1973 theo chương trình KHẨN HOANG LẬP ẤP CỦA QUỐC VỤ KHANH PHAN QUANG ĐÁN VÀO ĐÔNG NHẤT TẠI ĐỘNG ĐỀN BÌNH TUY 


ĐÃ 50 NĂM NỬA THẾ KỶ TRÔI QUA LỚP CHA MẸ CHÚNG TA NAY ĐÃ RA ĐI THẬT XA CÒN LẠI LỚP CHÚNG TA NHỮNG NGƯỜI Ở LẠI NHỮNG AI LÀ LƯU DÂN QT KHÓ QUÊN DẤU ÂN NHỮNG NGÀY KHAI PHÁ VỦNG ĐẤT ĐỘNG ĐỀN HAY CÁC KHU RỪNG LÁ BÌNH TUY hay lớp người QT ngoài Cam Ranh  THEO Linh Mục ÁI VÀO tận CAM RANH 


Theo Hồi Ký của một Viên Chức ông Hoàng Thân Vinh làm việc tại Bình Tuy, ông viết ...


 Bình Tuy trước năm 1975 là một tỉnh rất nhỏ nằm về phía Bắc của Vùng 3 Chiến Thuật, tuy là tỉnh nhỏ nhưng không phải dễ ở! Bằng chứng chỉ trong có 4 năm (1971 1975) thay đổi tới 6 vị tỉnh trưởng, trong đó 3 vị là đại tá và 3 vị là trung tá. Ngoài ra trong mùa hè đỏ lửa 1972, khoảng 20 ngàn đồng bào nạn nhân chiến cuộc Quảng Trị (gồm 3 quận Gio Linh, Cam Lộ và Ðông Hà) đã vào định cư ở Bình Tuy (1972 1975), Hiện nay tại Song Thành Minnesota có rất nhiều gia đình quê quán Bình Tuy hay Quảng Trị thế hệ thứ nhất đến thế hệ thứ 3 sinh sống & làm việc ở Minnesota.

Tháng 6, 2012

Hoàng Thân Vinh

...Ðồng bào Quảng Trị định cư được cấp tiền nuôi ăn ít nhất là 6 tháng đến 1 năm, tính theo đơn vị gia đình được cấp đất thổ cư (đơn vị 200 m2), cấp tiền làm nhà, cấp đất canh tác mỗi gia đình chừng 1/2 mẫu (5,000m2) đất đã được khai quang sẵn để dễ dàng cho đồng bào canh tác (ở khu Ðông Hà đất canh tác do nhà thầu tư nhân khai quang, giá khai quang đâu gần 100 ngàn đồng/mẫu, còn Khu Ðồng Ðền do đơn vị Công Binh khai quang,( công binh này đóng tại dốc Tân Sơn ) có lẽ Phủ QVK chỉ trả tiền xăng nhớt.). Ðịnh cư với nhiều đồng bào là 1 công việc to lớn, nên Phủ QVK/PQÐ có lập riêng 1 văn phòng đại diện ở tỉnh... (trích báo Người Việt)


***

Bình Tuy, một thời là mật khu hay rừng thiêng huyền bí. Nào là những cánh rừng san sát - ken dày cây gỗ quý - di dân QT bắt đầu vào đây khai phá, lập nên nương rẫy và những khu định cư. Những khu định cư người di dân QT cũng đặt cho những cái tên từ quê huơng như quân Hàm tân có xã Tân Hà do đa số người Đông hà. Tại xã Sơn Mỹ có vùng Hà Mỹ Lễ, gọi tắt cho dân các xã của quân Gio Linh trước đây là Gio Hà, Gio Mỹ và Gio Lễ. Tại vùng Động Đền có thôn Cam Bình, Cam Mỹ để nhớ quận Cam Lộ...

 
Cuộc thế đổi dời thêm một lần nữa , sau 1975 chỉ hai năm lưu dân QT tại vùng đất mới Bình Tuy lại phải đổi thay cuộc sống di cư thêm một lần nữa. Than củi ruộng vườn nhưng đất hẹp người đông người QT lại phải chia tay nhau tại đây . Sau 1977  kẻ vào tận các tỉnh tận cùng miền nam, Bạc Liêu, Rạch giá. Gần hơn sau này thì đi làm phu nông trường cao su những vùng đất đỏ Long Khánh Biên Hòa. Khai phá đất hoang thành ruộng lúa ở mấy vùng rẫy ruộng thuộc quận Tánh Linh - Hoài Đức sau nay đổi là Đức Linh. Nhiều thế hệ sinh sau 1975 tại quê huơng thứ hai nói đặc giọng QT quê miềng, mới lạ.


Chúng ta cứ thử một chuyến du hành từ Bình Tuy vào tận Long Khánh đi đâu cũng nghe giọng nói Quảng trị , và ngay cả những nét mặt bộ điệu hỏi ra cũng là đồng huơng QT cả thôi.


Năm thập niên dòng đời trôi chảy, bao lớp người chạy giặc năm xưa, vào Đà Nẵng rồi phiêu bạt đó đây. Còn ai nhớ lại những người lính hay công chức ngày đó cùng đi theo dân để phục vụ. Rồi những cô những cậu học trò Nguyễn Hoàng, Bồ Đề trại tỵ nạn Hòa long, Hòa Khánh , Hòa CẦm, Non Nước vv  giờ chắc đã lứa tuổi lục tuần, thất tuần. Chuyện của bốn mươi năm mới đó, chỉ chớp mắt ngày ra đi đó lại là chuyện của năm mươi năm hay nửa thế kỷ. Năm mươi năm đi từ thế kỷ 20 và vươn tới thế kỷ hai mươi mốt; ôi năm thập kỷ trôi nhanh, bao mái đầu xanh này đà nhuộm bạc. Đôi khi chúng ta còn diễm phúc ngồi mà nhắc lại chuyện ngày xưa. Hơn ai hết là chuyện nhớ thương bao người QT chắc hẳn phải ngậm ngùi, vương vấn cùng nợ thời gian để thương hay tiếc nhớ bao kỷ niệm ngập tràn. Ôi thời gian nghiệt ngã cuộc đổi đời mà đau lòng nhân thế. Chỉ chớp mắt thôi mà năm thập niên trôi qua vùn vụt. Lồng lộng giữa trời cao mây nước, bao cánh chim bay qua  rặng núi ngày qua ngày nối bóng ác tà. Rồi đến lúc chiều nghiêng bóng xế, bao kẻ ra đi nay đã thành thiên cổ. Năm mươi năm chúng ta ngồi vọng cố hương, nhớ bao biến cố thăng trầm mà ngỡ nằm mơ khi nửa thế kỷ qua đi chẳng khác chi huyền sử vì đời này sao lắm chuyện bể dâu ./.


=========================== 


      CHÚ NGHẸC BÊN CHÙA SẮC TỨ TỊNH QUANG



lạ thật, mỗi khi qua Chùa Sắc Tứ thăm mệ ngoại, tôi hay thấy chú Nghẹc? Thầy trụ trì Thích Ân Cần, mấy chú tiểu tu cùng mệ tôi kêu chú cái tên là Nghẹc nên người viết vẫn nhớ hoài cái tên đó.


Bỗng nhiên hôm nay trên trang Facebook có người còn nhắc đến một người có tên Ngạc khiến tôi phải nhắc đôi ba dòng về một người tật nguyền khác nữa đó là Chú Nghẹc. Tôi khó quên cái tên Nghẹc do nó nghe 'ngồ ngộ' cùng hình ảnh Chú luôn đập vào mắt tôi mỗi khi có dịp qua Chùa.

di ảnh bà ngoại tác giả lúc làm bà vãi tại chùa Sắc Tứ trước 1972



Không biết Nghẹc chự bò nhà hay bò ai sau Thôn Ái Tử? Một con bê hay hai ba con bò cở trung là bầy bò của chú. Nghẹc bị tật nguyền từ thưở lọt lòng chứ không thương tật gì? Hai cánh tay co quắp; cái đầu luôn luôn nghọe một bên. Tôi nhớ như in là cái miệng chú luôn luôn sùi nước bọt; cổ họng luôn phát ra tiếng nói nhưng chẳng ra tiếng gì?


Chú muốn nói rất nhiều: tôi biết điều này do chú luôn ọ ẹ và phì phì nước miếng. Nước miếng dải ra liên tục đó là nguyên nhân làm miệng Chú luôn lỡ lói trông thật tội nghiệp. Nỗi thống khổ của Chú nếu muốn nói ra cho tỉ mỉ như bạn đồng môn cùng phường cùng thôn là Bảo Lâm nói như sau người QT như chúng ta mới thương xót làm sao:

"Cứ mỗi khi chùa tỉnh hội có lễ lớn là thấy chú Nghẹc ( Hai Lua Đinh viết đúng rồi ). Chú đi rất khó khăn, hai bàn chân xòe ra kiểu Charlot, còn tay cũng nâng lên hở nách , bàn tay ngón tay cong cứng , đầu nghẹo qua một bên , lưỡi hay lè ra , nói ú ớ nước dãi chảy cả khóe môi , nhìn thấy rất tội , có khi chú mặc cả bộ đồ lam của những người hay đi chùa!"


một quân nhân Mỹ ngoài căn cứ Ái tử vào thăm chùa 



Ôi Chú Nghẹc! Ngó vậy nhưng chú năng vào chùa. Chú chự bò, nghĩa là cơ hội cho chú qua “tu” với Chùa Sắc Tứ. Không những người viết mà nhiều đạo hữu đều thấy và nhớ hình ảnh Chú vào ngồi bên cái Đại Hồng Chung gỏ chuông giúp chùa. Tiếng chuông công phu của Chú ai nghe cũng cảm kích trong lòng. Nghẹc không nói được nhưng đánh chuông đều đặn lắm. Ôi tiếng chuông chùa lúc này trầm buồn lan xa khắp một vùng thôn làng vắng vẻ. Có cơ hội viếng Chùa Sắc Tứ, có dịp nghe chuông công phu của kẻ tật nguyền đó là lúc lòng người trầm lắng và thương cảm. Trong chánh điện, pho tượng Phật bằng đồng, tọa vị trên cao như đồng cảm cho một số phận không may.


Ngoại tôi và mấy chú tu trong chùa ai cũng thương Chú Nghẹc. Chẳng ai hẹp hòi gì khi Chú vào nhà trai kiếm vài chút cơm chay. Có cái hay Ngẹc chẳng phá phách hay làm mất lòng ai. Chú không nói nên lời ngoài ba cái điệu bộ ngúc ngoắc tật nguyền. Khách thập phương qua thăm Sắc Tứ Tịnh Quang Tự ít ai mà không nhớ đến Chú.




Có khi Nghẹc ra ngồi gần Đài Quan Thế Âm, ngôi tượng mới xây xong. Chú ngồi đó cạnh cái hồ bông sen bông sún; vài con cá rô phi lượn lờ dưới mặt nước cạn trong veo. Chú nhìn cuộc đời trôi dần bên ngôi chùa và một thôn làng đìu hiu. Tôi không biết luc này Nghẹc vui hay buồn? Đố ai biết chú có biết cảm giác vui buồn nào chăng? Nhưng tôi mong rằng những bãi cát trắng trước Chùa, tiếng hàng dương vi vu theo gió ban trưa xen lẫn những hồi sơn ca lảnh lót có thể là niềm vui cho một kiếp người bất hạnh có tên là Nghẹc cũng nên?


Thế rồi khói lửa chiến tranh năm 1972 ập đến, người Quảng Trị tứ tán khắp nơi. Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang đổ nát từ đó không ai còn nhớ cái tên Chú Ngẹc nữa./.


============================ 


CÁI HỒ  TRONG XÓM CỬA HẬU 


khúc sông Mỹ Chánh của bạn bè trên FB


NGẮM HỒ NƯỚC MÙA THU chợt nhớ những cần câu cặm xóm xưa của xóm tui

thân gửi những người anh những bạn những em cùng xóm: Võ đình sử, nguyễn hoa Nguyễn Hòa, Quỳ, Cơ, Trần Tài, Tiết Tước Xê... Nguyễn văn Bốn Lê Bá Lư ...
Huỳnh Rô, (+phước và toàn) Hà công Hồng và em (con bác Hà công Kinh), Phan Phùng, Bạch duy Tuấn, Thạch Hãn, Võ võ Đạt ...

***

Hôm nay lang thang trên FB bắt gặp hồ nước của bạn Nguyễn Hoa làm tôi chợt nhớ những cần câu cặm ngày xưa, xóm cũ.


Chuyện câu cặm hay đi cặm câu ngày đó, chúng tôi cũng chẳng cần nghề nghiệp chi cho lắm. Cái hồ nhỏ sau xóm Cửa Hậu lâu năm vẫn nhớ mấy bụi tre la đà ngả bóng và tiếng con chim chài đơn độc cứ chiều chiều lại kêu từng hồi nghe buồn da diết.

Tui với mấy đứa bạn hay kiếm vài cành tre gãy, chỉ cần mua vài lưỡi câu còn trùn (thì đào quanh nhà hay cạnh hồ chán khối) Buộc lượi câu nhỏ, chút trùn mồi , chẳng cần phao rồi chiều chiều đi cắm quanh hồ.

Võ đình SỬ người anh con cậu tôi có tay "sát ngư" ngay từ hồi đó. Cứ bỏ câu là dính, cái nghiệp này theo anh đó suốt mấy mươi năm sau...vào Đức Linh làm nông dân thứ thiệt, nghề câu cá cũng là nghiệp chính kiếm thêm lợi tức gia đình. Kể chuyện hơi dông dài, trải dài theo con sông La Ngà của huyện Đức Linh với cần câu ống bàn tay ông anh này kiếm không biết bao nhiêu là cá, về nhà "nuôi vợ đợ con".

Trở lại chuyện cái hồ với cái xóm Cửa Hậu thân yêu chúng tôi bên bờ thành cổ đó là mấy cần câu cặm của hai anh em chúng tôi. Cái hồ nằm ngay sau lưng nhà Bác Dô. Nhà bác làm nghề thợ nề cùng đúc táp lô bằng xi măng cát sạn. Chúng tôi lại nhớ hai người con trai con bác; hai người anh hiền từ dễ mến làm saod. Anh Cơ anh Quỳ ngày nào cũng thấy hai chúng tôi lui hui cặm câu, kiếm cá.



Sáng lại kiểm lại số cần câu. Mấy con cá rô, dính cần câu đen thui giãy giụa. Chúng dính cần đâu hồi đêm. Có lúc cũng có con tràu nhưng dính câu lâu quá nó chết ngắt. Giống cá rô sống dai hơn. Chúng bé nhỏ nhưng mạnh thật. Tôi sợ nhất là gai con cá rô. Nó bật vào tay thì đau nhức suốt ngày.

Hai anh em đem về, mợ tôi ra tay nội trợ cũng có dĩa cá rô nướng xắm nước mắm gừng tỏi rồi chắm dưa môn ăn ngon miệng. Cậu tôi thích món này, có lúc ăn cơm uống thêm xị rượu.

Hàng năm lụt từ sông Thạch Hãn tràn về. Nước từ sông Vĩnh Định ngược lên lấp kín đồng ruộng Hạnh Hoa; nước tràn vào cái hồ nhỏ trong xóm. Đến khi nước rút cá cũng ra theo. Chỉ còn số cá tràu và cá rô còn lại. Thời gian này đồng ruộng Hạnh Hoa tuy lụt nhưng vui. Người trong Phường tràn ra cánh đồng lo đi nơm cá. Cá gáy theo nước lụt lên bờ đẻ trứng. Tiếng xôn xao trong mùa lụt lột ướt át, những âm thanh và hình ảnh làm người xóm tôi dù tha hương chắc hẳn không ai quên được. Một cánh đồng loang loáng nước đỏ lòm, mênh mang xa xa là bờ tre xóm Tiêu kéo dài đến tận An Tiêm mờ xa.



Lụt và mùa đông cũng qua đi. Hè về là mùa nghỉ học. Cái hồ kỷ niệm là nơi chúng tôi hay đi cắm câu kiếm cá. Cũng có lúc lại thơ thẩn cầm ná đi bắn chim dọc theo mấy bụi tre quanh hồ.

Chuyện xa xưa cái xóm thân yêu cùng hồ nước sóng gợn lăn tăn ngày tháng cũ vẫn tồn đọng trong trí nhớ mấy kẻ tha hương.


***

Nửa đời người vùn vụt trôi qua...

Cảnh hồ sóng lăn tăn ngày đó cho tới nay lại mang hai tâm trạng trong tôi:
Một thời trẻ dại lang thang câu cá, thú xóm làng hồn nhiên vui cảnh chim trời cá nước ...

Cũng cảnh đó nhưng với tuổi già nay tôi lại khác. Tôi ước ao có phút giây trầm mặc trở về ngày đó để được ngồi yên bên cái hồ tĩnh lặng , nhìn sóng nước nhẹ rung mà NHỚ CHUYỆN NGÀY XƯA. Bao nhiêu hình ảnh quá khứ nối tiếp nhau như núi đồi trùng điệp, nhiều chặng đường đời mơ mộng hay sóng gió một thuở can qua nay xin lắng đọng tâm hồn để cùng nhau thiền tịnh bên hồ nước thu về./.

========================

NHỚ ĐỤN RƠM XƯA

Mỗi lúc đàn chim khuất về nẻo tối
Ánh nắng còn lưu luyến ngoài lưng đồi
Đường chiều xa vắng, mây nước mênh mang,
nghe lòng bâng khuâng nhớ nhung,.. (tác giả Lan Đài -Khói Lam Chiều)




TRÂU ĐANG ĐẠP LÚA NGÀY XƯA
 ĐẠP LÚA XONG SẼ XÂY ĐỤN RƠM BÊN CẠNH có trụ tre ở giữa 

 Thương về một thuở  hồn quê có MẸ tôi cùng có xóm Cửa Hậu, Thôn Đệ Tứ, Thị xã Quảng Trị

ĐHL

*     

  Chắc sẽ có bạn đọc mĩm cười, lạ gì cái đụn rơm mà viết. Thưa với bạn đọc chuyện là do cái xóm Cửa Hậu của chúng tôi ngày xưa tiếng ở thành phố lại giáp ranh với những đám ruộng hai thôn Hạnh Hoa cùng Trí Bưu nên mới có hình ảnh cái đụn rơm làm đề tài để kể lại ít nhiều cho bạn đọc nghe chơi...

  Thuở đó khoảng trước năm 1963, tôi chưa lên mười tuổi, xóm tôi ở có vườn nhà Ông Lâm tức là ông thân của võ sĩ Bách Tùng Lâm. Nhà ông kế cận nhà ngoại tôi. (sau này khoảng sau 1961 (?) ông bán nương vườn này lại cho ông thân sinh của bạn Hà thị bích Huờng  và dời nhà ra phía ruộng). Ông Lâm làm nông . Cái nhà rường của Ông nằm giữa mấy bụi tre và vườn chuối rậm rạp. Dù xóm tôi ở trước Cửa Hậu, nhưng qua vườn nhà Ông thì rõ ràng đây chẳng khác cái cảnh thôn quê chút nào.  Nào cảnh gặt lúa xa xong gánh về nhà, phơi đập, cuối cùng là chuyện xây cái đụn rơm.  Hình ảnh "về làng" là cái đụn rơm, làn khói lam chiều sau vườn nhà khi ông cho con bò  về chuồng sau buổi cày chăm chỉ.

   Tôi cho rằng, đụn rơm có thể biểu hiện cho sự sung túc no đủ của nguòi làm nông. Lúa nhiều thì đụn rơm càng to. Xây đụn rơm là cả một quá trình công phu, cẩn thận đâu phải đem bỏ lồm xồm cho mau đầy đống. Gánh lúa về trước hết là đạp lúa mới còn lại rơm. Tiếng roi "tron trót" thúc chú bò vừa rủng rỉnh đi quanh cái trụ , những bó lúa đã bó gọn chắc nịch từ ngoài ruộng gánh về chất đống một bên. Con bò không ngơi bước. Con bò của nhà ông Lâm quan trọng đến thế. Cứ mỗi vòng đi là Ông lấy cái đòn "sảy" móc bó lúa thảy vào cho con bò tiếp tục dẫm lên . Đó là cái "nền , móng" cho đụn rơm ngày mai khi đạp lúa hết.
Trí nhớ tôi không thể nhớ hết khi làm sao đụn rơm có thể lên cao chót vót trên kia? Nhưng cuối cùng, sẽ là cây tre bắt chéo từ trên phủ xuống để giữ cho đụn rơm khỏi gió. Cái trụ nằm giữa, cho các lớp rơm của nhà ông Lâm xây quanh, cao dần lên đạp chắc nịch. Cuối cùng là mấy cây tre bắt chéo từ chóp đống rơm thả xuống hai bên cho rơm khỏi tung khi gió thổi.



Ngồi buồn đốt một đống rơm
Khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào.
Khói bay đến tận Thiên tào

Thượng hoàng phán hỏi: Đứa nào đốt rơm? 
 [ca dao]  
   













Tôi nhớ mùi rơm, đó có thể gọi là một thuở "huơng đồng cỏ nội" những khi chơi đuổi bắt cùng mấy đứa bạn quanh nó.  Tiếng bầy sẻ trên cành tre bia` vườn, giáp giới cánh đồng  mênh mông chạy về  bờ sông Vĩnh Định ngang qua làng An Tiêm. Những lần chị Dao, con gái ông Lâm, rủ đi nhặt ốc bươu, bắt đam ngoài ruộng. (Sau này người ta lấy đất cày đắp thêm, mở mang xóm Cửa Hậu. Thế là có thêm nhà ông Nguyễn Tri Duyến, ông thân của chị Đoàn, chị Liễu...xóm  lấn dần ra ruộng...có mấy nhà vợ con lính từ làng lên ngụ cư và tiếp đến Đại Đội Chiêu Hồi thành lập...)
    
Mỗi khi ông thân chú Tùng vác cày từ ruộng về, dáng ông mạnh khỏe, chắc nịch.  Bên trong con người điềm đạm, hiền lành kia có ai ngờ  ông là một nhà võ? Thứ võ Ta này  ông truyền lại  cho hai con trai là chú Bách, chú Tùng. Chú Tùng sau này lấy biệt hiệu là Võ Sĩ Bách Tùng Lâm.  Người phường Đệ Tứ QT trước đây còn nhớ đến chú Tùng nhiều. Tôi xin viết riêng một ít để giải thích tại sao chú Tùng lại lấy biệt hiệu này?  Đó là cái tên ghép của ba người trong nhà: Bách là anh đầu. (Chú Bách là bạn của cậu Võ tự Phương tôi. Sau này cả hai đều là Thiếu Sinh Quân AET sau là TQLC). Chú Bách sau này lấy vợ người quê Bình Định. Câu "ai về Bình Định mà coi , con gái Binh Định múa roi đi quyền"  vậy mà thật a! chú Bách là con trưởng của Ông Lâm, võ Ta chân truyền đâu phải là vừa? Thế mà khi gia đình ông Lâm dời nhà ra phía ruộng, cô dâu Bình Định có chuyện xích mích với chồng trỏ ngón gia truyền "thắng luôn" chú Bách.
Người kể cũng xin bắc qua em trai kế chú Bách tức là chú Tùng. Chú Tùng sau này là 'sếp' của lính "Xi Ti"  (có thể tiếng gọi CITY (thành phố) cũng nên?) của Mỹ tại QT. Hồi này tuy còn nhỏ, người viết còn nhớ những buổi văn nghệ tại Ty Thanh Niên hay nhà Đại Hội (sau lưng tòa Hành Chánh QT). Làm sao quên được sự háo hức và tự hào khi nghe tiếng loa vang giới thiệu:
Đây!  Võ Sĩ Bách Tùng Lâm...
 Chú Tùng ra biểu diễn những đường võ Ta. Bắp thịt nổi  cuồn cuộn-trông chú chẳng khác chi hai lực sĩ Nguyễn công Án hay Nguyễn  thành Nhơn vào thập niên 1950 những lực sĩ thần tượng cho cậu Võ Hoa tôi hay chưng hình ảnh họ trong nhà.


Lực sĩ Nguyễn Công Án 1956 VNCH
 đoạt giải Nhất Lực Sĩ Đẹp thế giới.
   

Thật là "đả con mắt" và cũng sung sướng tự hào cho người trong xóm Hậu cũng như chung cho Phường Đệ Tứ năm xưa biết chừng nào.

Tôi lại miên man lạc đề mất...
 Giờ xin trở lại về chuyện cái đụn rơm  ra sao? Chuyện cái đụn rơm này còn một thứ để kể về một lần đoàn làm phim từ trung ương Sài Gòn ra đây đóng một cuốn phim trong cái thời Đệ Nhất Cọng Hòa. Cái ngày đó những thanh niên trong phường đều được "trưng dụng ", không có tôi do tôi là con nít. Người viết còn nhớ rõ, chú Bích (em đại tá Nguyễn Bé) , chú  Trương Đá, chú Liệu , Chú Thuận  (em ông Cai Hy) thời này còn học sinh "độc thân vui tính", tất cả đều sốt sắng đóng vai Thanh Niên Chiến Đấu. Trong màn đêm tất cả đều cầm đuốc tự chế, bận đồ đen chạy quanh đụn rơm. Ồn ào huyên náo khi tiếng kẻng tiếng mõ gỏ dồn dập, liên hồi...
Tất cả hình ảnh  đều tập trung vào cái máy quay phim trắng - đen chạy nghe "xè xè". Chiếc máy điện đặt chính giữa sân nhà chạy nghe  "xình xình". Bà con lối xóm phường Đệ Tứ có một đêm vui lạ nhớ mãi trong đời. Đoàn làm phim trú lại xóm, đèn 'măng sông' thắp lên làm việc, trông thật rộn ràng mà cũng chẳng kém phần "hệ trọng" .  Người viết nay còn nhớ, nhưng các bậc đàn chú , đàn anh như các chú Trương Đá,  Nguyễn Bích, Bách Tùng Lâm ...chắc gì còn nhớ  ? mà lớp tiền bối này chắc hẳn còn lại bao nhiêu người .

Mẹ tôi từ Bình Tuy (Bình Thuận) được một lần về thăm làng xưa Nại Cửu --đụn rơm chia theo 'công điểm' bên hiên nhà cậu tôi, Võ thế Hòa làng Nại Cửu vào năm 1997 khi làng ngoại tôi đã vào Hợp Tác Xã











Cái đụn rơm trong hình bên cạnh, là cái đụn rơm tại nhà cậu họ tôi tên là Võ thế Hòa, làng Nại Cửu. Năm này là năm 1997, ruộng đồng Làng Nại Cửu đã vào "hợp tác".  Bao ấn tượng sau cái năm 1975, cậu Võ thế Hòa làng ngoại tôi từng tỉ tê kể lại cho đứa cháu ngoại nghe rằng  ngoài cái chuyện lúa thóc chia theo "công điểm" và ngay cả  rơm sau mùa gặt hợp tác cũng chia.  Khi đã vào hợp tác thì hình ảnh đụn rơm bên mái hiên nhà cậu tôi sao nhỏ bé đến thế kia. Theo con mắt đứa cháu như tôi một lần 'trốn trại' về làng nó là hình ảnh rõ nét nhất cho đói nghèo, thiếu gạo thiếu lúa, khó lòng quên được.

Như thế ngược về quá khứ xa hơn nữa, một quá khứ êm đềm mà người viết đang kể lại đây; chắc hẳn  đụn rơm to lớn của nhà ông Lâm kế nhà ngoại tôi là những gì ấm no, một thời bé bỏng xa xưa.

Đụn rơm tuy cao thế, nhưng khi rút rơm thì lại rút từ dưới. Lâu ngày hỏng chân , thấy cả khoảng trống nhưng lại không bao giờ sụp đổ thế mới hay. Có đụn rơm, người nông phu thấy vững tâm, không lo thiếu củi . Mẹ già lui hui nấu bếp rơm sau vườn .  Mẹ dùng cái que nè xăm xoi cho rơm bừng cháy.  Cái nồi thật lớn thế mà vẫn sôi vẫn chín. Tro rơm để đó làm phân chẳng bỏ thứ gì. Con heo nái chuyển bụng , cái chuồng trống trải cần lót cũng cần có rơm. Cái thúng đựng máy cặp đường đen cất cho nồi chè mồng Năm Đoan Ngọ, không có rơm vình chắc là đường ướt. Con nhà nông coi đụn rơm như người bạn "chí cốt, chí tình" không thể rời xa.

                                     khói lam chiều

   Có được nồi cơm, ấm nước, bới cho bác nông phu đang cày ngoai` ruộng, người ở nhà phải chắt chiu , góp nhặt từng cành tre gãy, từng cọng rơm khô. Đụn rơm kia là nguồn lửa cho chén cơm thơm, miếng canh ngọt bùi, nuôi sống cho con nhà nông những lúc làm lụng nhọc nhằn. Đụn rơm bên hông nhà là hình ảnh không thể thiếu trong con mắt nhà nông. 


Mỗi lần vác cày về nhà, người làm  ruộng ngắm đụn rơm như "núi của" đứng bên hông nhà làm bác ngó hoài không chán mắt. Đụn rơm "càng lớn- càng to" thì bác càng mừng, càng bớt lo toan về chuyện củi lửa nấu cơm. Trường Sơn phía xa, trên thuợng ngưồn Thạch Hãn. Biết rừng lắm củi, thế mà người dân miệt ruộng làm sao có những chuyến viễn hành như thế.

   "Hết gạo thì có Đồng Nai, hết củi thì có Tân Sài chở vô ", Tân Sài ở mô trên đó khi núi rừng trùng trùng điệp điệp? Người làm ruộng quần quật suốt ngày, đi sớm  về chiều chẳng có khi nào vác búa tiều phu lên được rặng núi màu xanh lam xa tận trên thượng nguồn Thạch Hãn?  Trên đó, rừng thiêng chắc chắn không biết cơ man nào là chuyện gỗ củi; nhưng làm răng mà lên tận trên ngàn để chuyển củi về chất đống được trước hiên nhà bác, thay cho được cái đụn rơm đơn sơ kia?

 đò chèo lên nguồn Thạch Hãn


Cậu tôi còn kể cho tôi nghe rằng: năm xưa lúc còn hòa bình; lần nào Làng rủ nhau lên lấy củi Trường Sơn thì quả là một việc "trọng đại". Nào thuê đò, nào người chèo gồm thanh niên trai tráng trong làng. Chèo lên quá An Đôn, Như Lệ và xa hơn nữa tức là qua khỏi Trấm. Cơm nước mang theo ở lại trong rừng một hai ngày sau mới chèo đò về. Đò thì nhỏ vừa chở người vừa chở củi thì đặng bao nhiêu. Chia nhau củi, mỗi nhà chỉ được một mớ hỏn hon.  Nhưng đó là chuyện mấy năm trước, lúc sau này chiến tranh càng lúc càng gắt thì chuyện chèo đò lên rừng lấy củi chẳng mấy ai dám. 

*

Đụn rơm là hình ảnh thân thiết, lấp ló sau lũy tre xanh. Rơm ấp yêu mái tranh nghèo, đơn sơ bình dị như hơi ấm mẹ hiền mãi mãi thuơng con. Người đi xa về nôn nao chân bước, khi vừa thấy đụn rơm bến mái hiên nhà. Khói lam chiều nhè nhẹ tơ vương, êm ả tiễn đưa từng buổi chiều vàng. Rơm và khói, huơng quê bất tử nao lòng người xa xứ, đụn rơm làng là những gì mãi mãi hằn ghi!
  


BÌNH THUẬN
30 năm sau (2017) 

            NHỚ MẸ NHỚ LÀN KHÓI LAM CHIỀU


Những ngày cuối cùng của cuộc đời xa xứ,  ảnh mẹ tôi tại Bình Tuy vẫn lay hoay bên nương khi vài chút khói nương nhẹ theo làn gió phất phơ bay trong những buổi chiều tà còn lại...làn khói lam chiều từ quê hương những ngày son trẻ nay như sống lại, vương vấn bên tháng ngày còm cõi của cuộc đời Mẹ. Nhớ về hình ảnh cũ, tôi nhớ thương hình ảnh  mẹ già bên làn khói tơ vương. Rồi tất cả sẽ theo nhau về vùng kỷ niệm, bao hình ảnh bay xa như những đám mây chiều lảng đảng trôi về cố lý



 Hôm nay (1997-2021) lúc ngắm lại hình ảnh mẹ tôi cười tươi bên đụn rơm  quê ngoại, thế mà gần hai mươi lăm năm. Mẹ tôi về lại Cam Bình, Bình Thuận, nay thân già còm cõi, lần hồi trí não lu mờ.  Cho đến hôm nay đầu năm 2021, lúc tạ từ dương thế, mẹ tôi không ngờ lần về quê năm đó là lần cuối cùng trong đời, vĩnh viễn không còn cơ hội về quê thêm lần nào nữa. 

 Dù sao, lúc ngắm lại tấm hình mẹ tôi tươi cười bên đụn rơm quê ngoại, tôi tin mẹ tôi có phần nào mãn nguyện trong một chuyến về thăm lại quê hương. Một chuyến về làng, được cười vui bên đụn rơm bà con thân thuộc,  ấm áp tình quê.

hình: đường về làng ngoại tôi, dẫn vào người cậu họ, Võ thế Hòa ( tự Dâu)


   Một lúc nào đó trong tương lai, các đạo diễn có thể sẽ khó khăn lắm mới dàn dựng được mái nhà tranh nhằm làm phim. Chắc hẳn họ phải lắm công phu nếu muốn làm thêm một đụn rơm bên cạnh mái tranh nghèo cho hợp hình ảnh ngày xưa.

 Cảnh "cày sâu cuốc bẫm" sẽ biến mất trong cái nghề làm ra  " hột ngọc của trời".  Hình ảnh "lấy rơm đun bếp" chắc sẽ nằm trong "kho tàng" cổ tích mà thôi. Có ai trong chúng ta vẫn còn may mắn nhìn được hình ảnh đụn rơm trong một lần thăm quê. Xa xa, lấp ló sau lũy tre làng, có vài làn khói cơm chiều nhẹ tỏa. Khói bay như giục chân  lữ khách bước nhanh. Người về thăm vừa nôn nao bước mà nghe trong lòng đầy ắp tình quê ./.

============================================== 

NHỚ VỀ LÀNG NGOẠI NẠI CỬU VỚI NHỮNG NGÀY XƯA


Tưởng niệm hương linh cậu Võ thế Hoà vừa tạ thế ngày 11/4/2018 tại Làng Nại Cửu Triệu Đông Triệu Phong Quảng Trị


***

Ruộng đất Làng Nại Cửu không nhiều nhưng chia cho con cháu cũng đề huề cân phân. Phái Võ văn bên ông ngoại tôi làm trưởng phái hồi đó lên tỉnh ở rồi nhưng cũng còn lãnh phần ruộng cho con cháu.

đường về làng Nại Cửu hiện nay 2012

Nhà ngoại tôi lên tỉnh khá lâu, từ thời Pháp nên không trực tiếp làm phần ruộng của mình. Không canh thì có mấy cậu trong phái như cậu Huệ cậu Tú Cậu Dâu lãnh canh và đong phần lúa lại cho mệ ngoại tôi. 

Người ta gọi ông ngoại tôi là ông Bếp Thỏn. Ôn ngoại tôi  làm lính Khố Đỏ  mất vào năm 1949. Tôi nhớ mang máng có thể chức Bếp ngang với hạ sĩ thời Pháp  cũng nên. Do trung sĩ người ta kêu ôn Đội và thượng sĩ người ta gọi là ôn quản. Ôn ngoại tôi mắc bệnh tại Lao Bảo được đưa vào Mang Cá Huế và mất. Vài năm sau cải táng ôn ngoại tôi về làng nghe trong nhà nói mả ôn tôi 'KẾT' 

Đó là chuyện kể trong nhà ngoại tôi. Mà tôi cũng tin phần nào do các cậu tôi sau này đều là sĩ quan hết thảy.


trái sang dì Võ thị Liễu (Trị An sang) Cậu Võ tử Đản thời gian 2007 tại San Jose

Phái Võ Văn bên ông Ngoại tôi làm trưởng phái khác nhánh với Võ Tử Đản có ông Tiến Sĩ Võ Tử Văn thời nhà Nguyễn. Nhánh bên ông Võ tử Đản là nhánh của ông Võ Bào. Hồi nhỏ tôi hay theo nhà ngoại tôi lên Xóm Chùa Tỉnh Hội thăm nhà Ôn Bào. Ông Võ Bào hồi này ở cái nhà lầu ngó qua bên tê đường là Quân Cụ và trạm Tuyển mộ Nhập Ngũ Quảng trị

Cuộc chiến 1972 đã đẩy người Quảng trị nhất là thành phố đi tứ tán vào nam (bắc một ít sau về lại) Nhà ngoại tôi ra đi không mang theo bàn thờ được . Tôi là đứa cháu  ngoại nhưng lớn lên tại nhà ngoại (127 Lê văn Duyệt, phường Đệ Tứ QT) ngày ngày hương khói 2 bận sáng tối rằm mồng 1 ...

Có dịp đọc gia phả phái Võ Văn biết được đời ông Hiển Tổ Võ Bình sau này sinh ra nhiều thế hệ tiếp nối 
Phái Võ Văn sau này liên hệ đời sau này có ông Ngoại Võ Thỏn mất 1949 và anh em chú bác sau này gồm có đời các ông Võ Đồng (Đà Lạt lập nghiệp thời pháp ) ông Võ Ổn xóm Nại Cửu Phường bên Ái Tử , ông Võ Hạch , ông thân các cậu Võ Thế Hoà, cậu Võ Huệ, Võ Vui Võ Tú vân vân ...

Người làng hồi đó ông Hạch hay lên Tỉnh thăm kỵ nhà Ngoại tôi trước mặt Lao Xá địa chỉ nói trên , ôn Võ Ổn hay qua trống kèn Cậu Hoà thì ăn học mấy năm tại nhà bác mụ tức là ngoại tôi  Chuyện đời xưa  lúc tôi còn nhỏ lại hay nắm tay mệ ngoại về làng Nại Cửu. Mệ ngoại tôi  thường dất tôi về làng. Thưở này tôi chưa lên mười nhưng vẫn nhớ những khi đi bộ về làng với ngoại. Đó là những lần họp phái, kỵ giổ, giải mả tức làm cỏ cho mộ phần người thân. 


    cậu tôi tên Võ Văn Cư năm 1969 trước Cửa Hậu Thành Cổ 
(mất tại Xuân Sơn Bà Rịa 2002)

Qua khỏi xóm Chùa là con đường thân quen đi thẳng về khúc quanh ngang cái quán dì Táo (sau này là vợ hai cậu Đản) Quán Dì Táo nằm trước nhà Ông Sừng mà dì tôi hay kêu là chú. Tuổi nhỏ nhưng tôi còn nhớ mãi dì Táo hay bận cái áo bà bà màu trắng mỗi khi gặp tôi đứa cháu cưng của cậu Võ Đình Cư là dì vội cười hỏi chuyện vui vẻ. Làm sao Dì Táo lại bỏ lơ tôi do trước đây nghe đâu Dì cũng là người yêu của cậu Cư tôi nhưng sau này cậu tôi đi kháng chiến Việt Minh và gặp mợ tôi cùng Trung Đoàn 95, Đảng kết cho nên duyên chồng vợ và cuộc tình xem như 'chấm dứt' 
Đó là chuyện người lớn nhưng cái trí nhớ tôi tuy nhỏ nhưng nhớ dai mới lạ. 

Tôi còn nhớ nước da ngăm đen của ôn Sừng. Kỳ thật, trong làng thấy thằng nhỏ như tôi mỗi lần về làng ngoại là ai cũng hỏi thăm vui vẻ. Hình như trong làng ngoại tôi ngang đây chỉ có cái quán dì Táo, và sau này khi tôi đi được honda về làng mới thấy vài cái quán bán trong nhà mọc lên sau này. Những cái quán này tiếp liền theo đoạn nhà Mệ Tơ về thẳng về Bích La dưới kia.


đường vô nhà cậu Võ thế Hoà (hình Đinh thị Hiệp thang 3/ 2015)




trái sang: tác giả, Mợ Hoà, Cậu Hoà, Dì Võ thị Lý (dì ruột tác giả từ Trị An ra) vợ tác giả trần tuý Huệ gốc làng Quảng Lượng . hinh chup 23/6/2012




Mấy cậu họ tôi như cậu Tú, Cậu Dâu, Cậu Huệ (có em là Vui chết trận Hạ lào) đều ở gần nhau. Cậu Võ thế Hoà một thời kỳ lên tỉnh ở chung nhà với mệ ngoại tôi cùng với mấy cậu trên tỉnh. Trên tỉnh tôi ở với nhà ngoại và nhớ mãi cuốn sách L'Anglai Vivant của cậu Hoà nhưng tôi vẫn quen miệng và nhà ngoại tôi ai cũng gọi là cậu Dâu mà thôi. 
cậu Võ văn Hoa (Võ Hoa) sinh sống và mất tại Trị An 2017

Trong nhà ngoại tôi ai cũng chăm học. Từ đó tôi cũng bắt chước học chăm theo cũng nên. Cậu Dâu tuy ở chung trên tỉnh với các cậu tôi nhưng rồi mấy cậu lớn dần dà vào nam lập thân Ai cũng vào con đường quân đội và làm sĩ quan. Chỉ còn cậu Võ Hoa đi sĩ quan chậm hơn. Cậu Dâu học vài năm đi làm thông dịch vài  năm bên Ái Tử (1969) (Cty Pacific Architech Engineers, Inc) cho đến sau này cuộc đòi thay đổi...Ngang đây đứa cháu như tôi xin móc ngoặc cái chuyện tại sao thời chiến tranh mà cậu Dâu lại không đi quân dịch?

Số là vậy:
Thời gian các anh em con chú con bác ở chung nhà ngoại tôi để đi học. Cậu Hoa tôi tháy máy khẩu súng của cậu Võ Văn Cư. Ai dè tai nạn ập đến. Một đêm nọ tôi thì ngủ say cho đến sáng mới hay tin cậu Dâu được cấp cứu khẩn cấp lên bệnh viện tỉnh do bị bắn lũng bụng. Cậu Hoa tôi tháy máy súng của ông Anh không dè cướp cò? Cũng may câu Dâu chỉ lũng bụng. Sau này cậu Hoa tôi bị tù vài tháng nhờ bà con bãi nại nhưng từ đó cậu Dâu cũng được miễn đi lính (miễn quân dịch) luôn

Cậu  Võ thế Hòa chỉ học vài năm sau đi làm vài năm thông dịch  & an ninh bên Căn Cứ Ái Tử (1969) (Cty Pacific Architech Engineers, Inc)

*
Tôi lại trở về hình anh nhỏ bé trước kia hay lon ton chạy theo mệ ngoại về làng. Cái bến đò trước nhà Cậu Dâu đi xuống con sông Vĩnh Định im lìm. Cái bến quá vắng ngó qua bên tê cũng còn là Nại Cửu nhưng thuộc xóm nhà Ôn Chở Ôn Hường làm nghề thợ mộc. Tôi nhớ mặt hai ôn do hai ôn có kỳ lên làm cửa lá sách cho nhà mệ ngoại tôi khoảng trước năm 1968. Hàng ngày hai ôn đạp xe lên nhà ngoại tôi để làm cho xong mấy bộ cửa chính và cửa sổ lá sách cho cái nhà ngói còn gọi là nhà trên cho nhà  Ngoại. Hai ôn hàng ngày bào bào đục đục thế mà tôi để ý và nhớ cho đến nay. Ôn Chở sau này té ra là ôn gia của cậu Hoà.

  Qua bến đò này sang bên kia đi ngược lên cầu Ba Bến và theo con tỉnh lộ Ba Bến Trí Bưu hai ba cây số cũng lên được Phường Đệ Tứ về lại nhà Ngoại tôi. Đó là một buổi chiều hai mệ cháu lên tỉnh thì trời bắt đầu mưa. Mệ tôi vào nhà ai đó xin tàu lá chuối đội đỡ lên đầu. Mệ đã xuống tóc quy y nhưng chưa qua ở chùa. Người bận bộ đồ màu đà lại quên mang nón. Tôi lon ton chạy nhanh theo ngoại để lại phía sau con sông Vĩnh Định im lìm trong màn mưa cùng hai bờ tre nhạt nhoà mờ ảo. Con đường đất tỉnh lộ từ biển Gia Đẳng lên qua cầu Ba Bến và đoạn đường còn lại đưa hai bà cháu bước nhanh lên đến ngã ba Trí Bưu thì trời sập tối.

Thật ra lối về Làng chính yếu phải đi theo Chùa Tỉnh Hội qua đập Rì Rì, xong qua Cầu Sãi cũng về được Nại Cửu. Đây là con đường chính sau này tôi hay lái honda về. 


Bước vào thời trung học nhà ngoại tôi hay nhờ tôi lái chiếc honda 70 về liên lạc với làng mỗi khi trong nhà ngoại cần. Tôi là người tài xế honda mà trong nhà mệ và di tôi tin tưởng nhất.  Dì Liễu tôi buôn bán trên tỉnh nhưng năng lo chuyện cúng tế trong làng đó là lúc tôi có nhiệm vụ lái honda liên lạc. Thời gian này thì mệ Ngoại tôi đã qua tu bên chùa Sắc Tứ. 


Tôi nhớ những khuôn mặt của làng ngoại và đa phần nay đã bước vào tuổi già trí nhớ lu mờ nhưng còn nhiều người còn nhớ tôi: đứa cháu ngoại hay về làng vào thưở đó tức là trước 1972...

Kể chuyện dông dài cái thưở xưa xa tít, trước cái thời 1972 khi đi từ làng Nại Cửu đã thấy cái chòi canh cao ngất trên Thành Cổ xa xa. Một hai cây số đường chim bay thế mà hồi đó mỗi khi về làng tôi tưởng như 'du lịch'?

Tôi nhớ cái vườn mít sau nhà cậu Dâu, đám lá lốt mọc chi chít xanh um. Mấy trái mít chín hiếm hoi nhưng  nhà cậu Dâu tức là nhà dì Tưởng và mệ Tơ khi nào cũng vui vẻ đem xuống 'đãi' thằng cháu ngoại trên tỉnh về. Mấy dì tôi trên tỉnh hay gọi mẹ cậu Dâu là "Thím Tơ". Mệ Tơ là lấy tên của con trai trưởng là Cậu Tơ. Cậu Tơ lập nghiệp hay đi lính trong nam ít khi về làng. Tôi chỉ nhớ mang máng có gặp một lần trong đời. 



Cái thưở cậu Dâu tôi còn độc thân, vui tính, cái cuốn sách L'Anglais Vivant và vài câu Anh Văn hàng ngày Cậu học chung với các cậu tôi trên Tỉnh. Thế mà bao lâu nay tôi còn nhớ mãi cuốn sách bìa ngoài tuy cứng cáp nhưng màu bạc phếch do anh em các cậu chuyền tay nhau năm này sang năm khác? 

Rồi cảnh biển dâu xao xác, thời thế vật đổi sao dời. Có lần sau 1975 cậu Dâu lúp xúp đi bộ lên vùng trại "cải tạo" thăm đứa cháu ngoại đang ở tù tại trại 4 bên thôn Xuân Khê vùng trên Ái Tử vài cây.

Rồi có lần người viết 'trốn trại' về làng, một ngày khoảng năm  1976. Cảnh thôn làng vào 'hợp tác' kinh tế sa sút, nhà không vườn trống chẳng có cái gì 'bỏ vào nồi'? Một thời lúa và rơm cũng chia theo công điểm, dân trong làng bỏ đi theo kinh tế mới Khe Sanh. Cảnh hàng đoàn người làng mình lên khai hoang trên rừng làm thêm sắn khoai...có một ngày từ bên trại 4 tôi nhìn qua đoàn người vác cuốc rựa gánh gồng qua thôn Xuân Khê ngược lên thôn Hiệp Khế để lên rừng  trồng thêm khoai sắn. Ngày đó tôi còn nhớ cậu Tú trong đoàn người lên rừng kia? Có đoàn người làng ngoại lên rừng, trong đó tôi nhìn ra cậu Tú gồng gánh theo làng đi "tăng gia sản xuất'. 

Hình ảnh cậu Tú vác cái cày từ ruộng về mỗi lúc tôi có dịp về Nại Cữu, tôi khó lòng quên. Nhà cậu Tú ở cạnh sông Vĩnh Định cái ngã ba rẽ lên thôn An Tiêm và ngược lên quán Dì Táo và ngã ba này còn gọi là Phát Lát là nơi chôn cất người thân trong làng và người nhà Ngoại tôi. Sau 1975 nghĩa địa này cũng di dời dành chỗ làm Hợp Tác Xã. 



Lúc di dời mồ mả ở Phát Lát nhờ ơn cậu Dâu -cậu Tú... nên trong phái ông ngoại tôi (Họ Võ Văn) mới khỏi thất tán mổ mả. Sự kiện 1975 trong làng tản mác khắp nơi bà con mỗi người mỗi hướng nên họ Võ tại Nại Cửu không còn ai để lo cả. Nhờ các câu này mà mồ mả họ Võ mới quy lại đây sau này ở Mỹ cậu Võ tự Bé và Võ Bình cùng con cháu gửi thêm tiền về tu bổ sơn quét và xây thành bao quanh.

người trong hình là cháu ngoại Đinh thị Hiệp về làng thang Ba năm 2015 lúc này cậu Dâu (Võ thế Hoà) đang còn 

*
Nhờ cậu Võ Tú cũng ra người thiên cổ lâu rồi. Hình ảnh ông Hạch ông Sừng cũng như bao người xưa năm cũ như mệ ngoại tôi, các cậu  trong nhà ngoại tôi, nay đến lượt cậu Dâu (Võ thế Hoà mất 11/4/2018) lần lượt "nắm tay nhau" về miền đất xa thật xa ...phai mờ theo dĩ vãng?
Cậu Tơ dì Tưởng gặp lại nhau nơi đất khách quê người Kontum 2000 Chị mù loà , em bại liệt ôi thời gian Biết ngày nào gặp lại vườn xưa nơi làng Nại Cửu ngày cả nhà sum họp còn đông bóng người thân ?Giờ đây người xưa nay đã đà khó gặp do thiên cư tản mác khắp nơi: Kontom Phú Bổn, Đồng Nai Sông Bé Ruộng đồng nam phương hay đã về với người muôn năm cũ? Hình ảnh xa xưa tất cả đều nằm trong vùng kỷ niệm. Nói với lớp người sau này, người viết chỉ một mong vẽ lại một nét sơ sài của LÀNG NGOẠI ngày đó, lâu lắm rồi ít ai nhớ lại.

Còn lại Quê hương bây giờ đổi thay mọi thứ. Sự đổi thay mà người viết dám nói đến mức 'xa lạ'? Có những lệ làng ngày nay không còn trong đó cái lệ đất hương hoả hay phần  ruộng chia cho con cháu nay đã không còn.

Thời gian qua  nhanh. Bao biến cố thăng trầm đưa những hình ảnh thân yêu vùn vụt trôi về quá khứ. Không ai tránh khỏi định luật này. Riêng tôi mỗi lần nhớ về quê ngoại, trong lòng vẫn hoài ghi hai cảm giác trái ngược nhau: Một thời bé bỏng khi níu tay ngoại về làng trong tự do, vui thú bên nhiều tình thương trìu mến. Trái với khi  'sa cơ thất bại' - cũng về làng, về ngoại nhưng là lần về ngắn ngủi lén lút của người tùRồi hình ảnh vợ chồng người cậu (Dâu) ái ngại nhìn theo đứa cháu từ giã thật nhanh.  Tiếng thở dài của người ông (ông Hạch ) đang ngồi trước hiên nhà. Tiếp tục chuốt lạt, mắt ông hướng theo đứa cháu  xa dần về đầu xóm Chùa. Nó sẽ qua một bến đò để về cái trại vùng trên Thôn Ái Tử .


============================ 

NHỚ NỒI CHÁO BỘT HẢI LĂNG & MỸ THỦY MIỀN BIỂN VẮNG

CHÀO BẠN ĐỌC 

Đây là tổng hợp 2 bài viết Cháo Bột Đồng Cu Hoan và Mỹ Thủy Miền Biển Vắng dược tác giả kết hợp lại thành MỘT cho tiện bề theo dõi


Saturday, April 2, 2016



           NHỚ ĐỒNG CU HOAN NHỚ NỒI CHÁO BỘT


Những mùa hè 1964 và 1965 tôi có dịp vào Hải Lăng do ba tôi làm việc trong này. 

Đó là thời gian hè tôi học lớp nhì  và lớp nhất cuối cấp Tiểu Học. Tuy còn nhỏ nhưng  tôi không quên được hình ảnh cái Chi của ba tôi đóng ở khúc cua gần ngã ba lên hướng núi (xã Hải Lâm , Hải Quế).

 Đó là một mái đình rộng lớn nào đó xây lại chứ không phải một căn nhà xây theo kiểu ngày nay. Ngày nào mà tôi chẳng vào phòng của ba tôi. Tôi nhớ nhất là tấm bản đồ to lớn đặt trong phòng ba tôi. Tấm bản đồ có tên mấy chục xã. Hải Lăng có đến hai muơi mấy xã; xã nào cũng có chữ "HẢI" đằng trước...
 Sợi dây điện thoại xuyên qua phòng sau nơi ba mạ tôi ở. Tôi nhớ cái máy điện thoại màu ô liu của nhà binh, mỗi lần gọi lên Quận ba tôi phải cầm cái nuốm đằng trước quay 'ro ro ' xong mới nói được. 

  Quận nằm trên chóp đồi chỉ cách Chi ba tôi vài hàng rào kẽm  gai. Năm này Đại Uý Điềm làm Quận Trưởng. Quận có cái lầu ở giữa.  Ngó xuống mạn phải là cái trũng đồi hoang vu chạy dài ra đến Cồn Dê trước khi gặp Cầu Nhồng. Tôi nhớ sông Nhùng có khi ba tôi đi ném cá lại đem về con cá tràu bông to đến nỗi khoanh tròn lại như cái lốp xe.


Tại sao tôi nhớ những lần vô Hải Lăng này là gần hè năm 1965?



Khi tôi đọc lại lịch sử Không Quân VNCH bay ra lần đầu tiên không tập Vĩnh Linh miền Bắc Vĩ Tuyến 17 vào tháng 2 tháng 3 năm 1965 tôi mới chắc chắn thời gian tôi vào thăm Chi CA Hải Lăng sát Quận là hè năm 1965. Tôi hay tập xe đạp theo cái ngã ba trước Chi đi lên hướng núi, nếu tôi không lầm là thôn Diên Trường thì phải?  Qua cái bệnh xá mới xây, tôi không dám đạp xe lên xa hơn. Trảng cát hoang vắng ngó lên phía núi, tự nhiên tôi hay sợ. Tôi hình dung lại những đoàn phi cơ cánh quạt Skyraider bay ra hướng bắc nhưng bay rất thấp là là gần sát với mặt đất.  Hàng chục chiếc A 1E Skyraider ầm ầm bay ra hướng thành phố QT. Đương nhiên sau này lớn lên tôi sẽ hiểu bay như vậy để tránh làn sóng radar của miền Bắc. Hàng chục chiếc phi cơ này cất cánh từ Đà Nẵng bay càng thấp thì càng giữ bí mật với radar cho đến Trung Lương tất cả mới bay vụt lên cao để thả bom miền Bắc .


Đó là chuyện chiến tranh trong quá khứ nhưng cũng nhờ đó tôi mới nhớ chắc chắn là năm 1965. Hình ảnh những chiếc phi cơ bay thấp đến nỗi thấy mũ phi công màu trắng...

 Theo QL 1 về chợ Diên Sanh ,hình như đây là 'đường phố' duy nhất nằm trong khu vực xã Hải Thọ.  Khúc đường 'phố thị' (tôi tự đặt) có nhà chủ xe ví dụ Thiện Thành có chiếc Renault chạy Huế QT, có Uỷ Ban Xã , có xóm phường ở san sát với nhau nên ấm áp và vui vẻ hơn.Tôi còn nhớ sát cái quán của mệ Thiện Thành có con đường kiệt vô xóm nhà O Hải. Nhà O Hải nấu cơm tháng cho chi CA Hải Lăng nên tôi có ghé thăm một hai lần nào đó. 

 Đến chợ Diên Sanh, con đường QL gặp ngày cái chi Thông tin, bẻ phải tiếp tục vô Huế và qua trái là vô chợ Diên Sanh về biển tức  hay là thôn Mỹ Thuỷ. Chợ Diên Sanh không lớn nhưng gần biển Mỹ Thủy nên có cá tươi. Nói đến Mỹ Thuỷ tôi có về biển này một lần trong đời cái thời mà Mỹ Thuỷ rất chi là hiu quạnh và có ăn một vài con mực khô phơi tại biển này. Quà biển mới phơi nên mực rất ngọt. 

Sau lưng chợ D Sanh  là đồng Cu Hoan. Mùa nước, cánh đồng mênh mông hết tầm mắt người nhìn. Bờ tre phía bên tê bờ, chỉ còn một lằn đen mờ nhạt. Ai làng Cu Hoan hay nói chung là 'dân Diên Sanh" đều không bao giờ quên hình ảnh cánh đồng này. Người Diên Sanh ở hai bên Quốc Lộ 1: bên trái là đồng Cu Hoan chạy tít vô đến Cua Hà Lộc trước khi vào Mỹ chánh. 

  cánh đồng Cu Hoan hôm nay vẫn không khác xưa


Nhớ về đồng Cu Hoan,  người viết không có ý ghi lại hình ảnh đồng lúa chín vàng vào mùa gặt, mà chỉ nhớ một hình ảnh một cánh đồng bao la loang loáng nước. Một thời xe đò QT- Huế phải qua Diên Sanh xong men theo đồng Cu Hoan. Mùa đông lạnh mãi mưa dầm, những chiếc đò nho nhỏ giữa đồng, những cái tơi của người làm cá cùng mấy con sếu  bơ vơ. 

Tôi nhớ về Diên Sanh là nhớ những con cá tràu , nguồn đặc sản cho nồi cháo bánh canh hay còn gọi là 'cháo bột' mà ít nơi nào phong phú hơn. Bột gạo để nhồi bột làm bánh canh thì chuyện thường, nhưng nguồn cá tràu vô tận từ cánh đồng Cu Hoan khi um lên với ném Quảng Trị để tạo thành những tô cháo bánh canh thơm ngát mũi , ăn mãi không biết no. 

Mà thật sự vậy, bột gạo nó không nặng bụng bằng bột lọc. Cháo bột Diên Sanh ta tha hồ thưởng thức.Vào Diên Sanh là người ta nhớ đến Cháo bánh canh (cháo bột, cháo vạc giường) cá tràu.Vào nam gọi cá tràu thành cá lóc. Những con cá tràu sinh sôi nảy nở giúp cho những thôn làng quanh đồng Cu Hoan vừa có miếng ăn vừa có nguồn lợi tức. Vào chợ Diên Sanh bên mớ cá biển từ Mỹ Thuỷ lên, không bao giờ thiếu những mớ cá tràu đen bóng, còn sống lúc nhúc.

Quán cháo bột bán trong nhà, người ta biết và tới ăn.  Người này đồn tới tai người khác. Không ai đề bảng hay đề tên quán như thời sau này.


LÒNG SẢ 

                              món "lòng sả" 
Sau này, tức là gần 1972 quanh Chợ có vài quán nhậu mọc lên, cung ứng nhu cầu cho lính. Diên Sanh có thêm món "lòng sả" . 

"Tiếng lành đồn xa", nếu 'lòng sả' Diên Sanh không có tiếng ngon sao từ thành phố Quảng Trị người ta hay rủ nhau "vào Diên Sanh ăn lòng sả"? Từ thành phố, dân 'ghiền ăn' phải 'rù Honda' non 10 cây số, tức là men theo QL cũ ,hướng qua Cấu Nhùng (còn kêu là Cầu Nhồng), chẳng xa xôi gì. Nói vậy để xác định món 'lòng sả' có từ trên thực đơn 'nhậu' từ trước 1972. 

 Cho đến sau 1972 người dân chạy loạn về lại trên đồi cát hoang vu, một thời người viết không dám đạp xe đạp qua. Đó là con đường từ Quân Cũ Hải Lăng đi ngược lên xa lộ Đại Hàn hay đoạn gần Cầu Dài sau này .  Giai đoạn hồi cư, sau  1973 - thành phố QT "thứ Hai" đóng trên đồi cát trắng đó. Những dãy nhà hồi cư san sát nhau , trước mặt Tiểu Khu QT, trường học , bệnh xá v v 

  Vấn nạn sinh sống 'bế tắc' khi ngoài đồng luơng "Quân Công" ra thì chẳng ai biết làm sao mấy trảng cát tiếp liền với nhau  ?Mỉa mai thay nơi đây gọi là "Khu Thị Tứ" của tỉnh QT hồi cư, hết  6 tháng trợ cấp "Khu thị Tứ' này khi ăn hết luơng thì còn thiếu cả tiền để mua than củi, nói gì đến gạo?

Chuyện này không liên quan gì đến cháo bột Diên Sanh cả, nên xin gác qua một bên

Tôi xin ngồi kể lại chuyện Hải Lăng hơn nửa thế kỷ, năm xửa năm xưa.  Một thời QL 1 cũ vẫn còn. Tôi mường tượng một con đường nhựa nhỏ bé, đôc đạo từ thành phố Qt , chiếc xe chạy rầm rập qua cái cầu Nhồng  ọp ẹp - rung rinh. Con đường vắng ngắt, xe âm thầm  chạy qua mấy thôn làng thưa thớt, hai ba trảng cát bạc màu.

Xe vào Diên Sanh. Nơi đây có món cháo bột nấu với cá tràu. Gạo và cá đều từ Đồng Cu Hoan làm người Diên Sanh đi đâu cũng thuơng nhớ đậm đà về nó.


HƠN 50 NĂM NGÃ BA DIÊN SANH VẪN KHÔNG THAY ĐỔI 




Con đường QL 1  năm xưa đã thay đổi không vô hướng Diên Sanh nữa; đó là lý do khiến khuôn mặt Chợ Diên Sanh mấy mươi năm vẫn không thay đổi. Xe cộ ít lưu thông, con đường trở nên hiu hắt vắng vẻ thì làm sao mua bán giao thương sầm uất để thay đổi bộ mặt phố phường.

Con lộ 1 xa xưa vẫn mãi là một ngã ba đi về Mỹ Thủy đó là kỷ niệm không quên cho riêng tôi một thời tuổi nhỏ từng sống dưới mái nhà cũ kỹ làm Chi CA trên hướng quận cũ Hải Lăng. 

nhớ về hương hồn ba tôi, bác Hạc trưởng chi CS-CA, bác Trần phong Anh, , chú Huấn tài xế và nhiều chú bác khác tùng sự tại Chi, nhớ bác Điềm Quận trưởng Hải Lăng 1963-65


Mấy chục năm sau trời Hải Lăng đồng Cu Hoan vẫn vậy không thay đổi bấy nhiêu. 
Nhìn hình ảnh này, 'tức cảnh sinh tình' người viết mới biên tặng bạn đọc trong ảnh Hoàng Hải vài dòng như sau:

Philip Dinh
mưa bay bay, trời lành lạnh, vài con nhạn lướt bay trên mặt nước sóng lăn tăn. Người ta vẫn có cái thú dầm mình trong tiết trời mùa đông cùng lụt lội để kiếm mớ cá nước lụt. Đây là niềm vui hàng năm khi mưa lụt trở về; một điệp khúc bất tận của miền trung. Khung trời Cu Hoan vẫn vậy, không thay đổi. Bầu trời xám ngắt, không khí ẩm ướt lạnh lẽo trong ngọn gió trở mùa. Có người vẫn co ro trong tiết lạnh, dù áo che mưa đầy đủ và phương tiện đi lại còn dễ dàng hơn xưa. Người ta thích ra ngoài nhà khi mùa lụt đến. Đây là cơ hội cho mấy chiếc thuyền nan có dịp vẫy vùng trên vùng nước mênh mang sau mùa lúa vừa qua. Hết mùa lúa, đồng Cu Hoan sẽ còn cơ hội cho người dân quanh vùng kiếm thêm lợi tức. Những con cá nước lụt sẽ làm cho nồi cháo bột Diên Sanh bốc mùi thơm ngát hấp dẫn khứu giác nhờ vào tài um cá và ném hành cùng bột gạo đồng Cu Hoan. Tất cả quyện lại thành một món ăn dân dã nhưng bất tử trong lòng người xa xứ. Làm cho khách ra đi dù ở đâu cũng thương về nồi CHÁO BỘT DIÊN SANH (ĐHL TRỰC TIẾP VIẾT TẶNG BẠN HH )

4/1/2022


ĐHL 17/3/2016

NHỚ MỸ THỦY- MỘT MIỀN BIỂN VẮNG

 

Đồng môn Nguyễn Hoàng 65-72 Trần Huy trên bờ biển Mỹ Thủy

Những ngày còn nhỏ, tôi được chú Huấn cho lên xe về Mỹ Thủy chơi. Người viết cũng xin giải thích một ít về chú Huấn. Chú là tài xế có thể nói là thâm niên chuyên lái chiếc Jeep xanh của Chi Công An Hải Lăng vào năm 1964. Cũng chiếc xe này, tôi hay  theo ba tôi chạy vào Mỹ Chánh nhiều lần. 

Nhưng ngày đó là lần đầu tiên tôi được theo cha về tận Mỹ Thủy. Con đường đất chạy một lát là qua Hội Yên, thêm khoảng mười cây số thì đến ngay Mỹ Thủy. Thật ra Mỹ Thủy chẳng xa Diên Sanh quá nhưng đối với tôi ngày đó quả là một chuyến "hành trình".

Một chuyến đi thời con nít như thế, quả thật trong trí nhớ tôi chỉ ẩn hiện chập chờn. Tới Mỹ Thủy, chúng tôi phải đi bộ qua những đụn cát và phi lao mới ra tới bờ biển. Những xóm nghèo chài lưới nằm lại phía sau. Ngoài xa vẫn biển và ngàn năm vẫn thế, vẫn đụn cát vàng muôn thuở, hoang sơ vắng lặng. Ấn tượng về sự vắng vẻ này đó là những gì in sâu vào tâm trí. Bờ biển vắng, không có sóng bạc đầu và gió chỉ thổi vi vu. Những hàng phi lao thưa thớt ẩn hiện, trong xa vài mái nhà tranh.

Mỹ Thủy, cái tên khá đẹp. Nhưng từ quá khứ đến hiện tại vẫn mãi là bãi biển đìu hiu. Ngày đó tôi chạy một mình lon ton trên bãi biển vắng người, vắng ngư dân đánh cá trở về. Tôi lạc lỏng giữa bãi cát vàng hiu quạnh. 

Tôi còn nhớ khi vào lại thôn, o Vân người nữ y tá thôn, có biếu  ba tôi một ít mực khô. Quà ở đây chỉ ngần ấy chẳng có gì lạ hơn. Tôi chỉ còn nhớ  mấy con mực,  chẳng còn nhớ ba tôi có đợi được thuyền về để mua cá tươi không. Ba tôi đi chuyến đó có công tác gì, bé con như tôi làm sao biết được. 

Chuyện cái thôn nghèo có tên Mỹ Thủy cùng một bờ biển vắng lặng ngày đó, bàng bạc chẳng có gì sâu đậm nhưng lạ làm sao tôi vẫn chưa quên. 


LẦN HAI TÔI NGHE NHẮC LẠI TIẾNG MỸ THỦY


Những ngày nhập ngũ và ra đơn vị, tôi lại đóng quân ở vùng biển quê hương gần Cửa Việt. Một ngày mùa hạ 1974 có chiếc tàu tiếp tế hải quân của miền bắc lạc vào đi quá hải giới Cửa Việt; tôi báo về đơn vị. Sự săn đuổi giữa TQLC khi chiếc tàu lạc đi đến Mỹ Thủy và quay mũi tàu trở lui. Nhưng kết cuộc bị bắn chìm ngang hải giới MỸ THỦY.  

Đứng trên đụn cát cao giữa hai thôn Vĩnh Hòa và Thanh Hội tôi nhìn vào hướng trong. Từ xa một cột khói trắng bốc cao, hướng Mỹ Thủy, chiếc tàu bắc phương chìm lĩm. Hướng đó nhìn vào bờ sẽ có một bờ biển hoang vu,  nơi tôi một lần tới từ thời tấm bé. Một thôn nghèo có tên Mỹ Thủy, một cô y tá già hiền từ. Mấy con mực khô từ biển Mỹ Thủy cô tặng ba tôi sao ăn ngon nhớ đời




Hơn nửa thế kỷ qua đi, theo ý nghĩ của tôi, Mỹ Thủy vẫn chẳng thay đổi bao nhiêu. Vẫn bờ cát vàng hoang vắng cùng  mấy rặng phi lao ngóng ra biển cả. Phải chăng Mỹ Thủy không có điều kiện 'sánh vai' với bao bờ biển đẹp để có sức lôi cuốn du khách. Có thể, khách địa phương hay từ vài nơi khác do tò mò cũng có lần ghé qua Mỹ Thủy,  tắm chơi một bận rồi lại ra đi. Mỹ Thủy không thể có được hình ảnh cảnh ngựa xe tấp nập như những nơi khác đang đầy tràn resorts, khách sạn, khách du lịch từ thành phố xa hay nước ngoài  dập dìu lui tới. Mỹ Thủy vẫn  còn,  nhưng vẫn thu mình với cuộc sống đạm bạc đời thường. Vài chiếc thuyền câu nép mình bên sóng nước, những mớ cá ít ỏi chỉ giúp người làm ngư sống qua ngày, đoạn tháng.  

Từ nơi xa tôi cố hình dung hay tưởng tượng ra một bờ cát vàng thiếu bóng khách về. Biển vẫn vắng như xưa- vẫn  bờ phi lao ru gió đìu hiu./.


last EDITION by ĐHL 

SAN JOSE USA 13.8.2023



No comments:

Post a Comment