NHỚ CHÚ HOÀNG TÙNG: NGƯỜI ĐẠI ÚY MÙ
Anh ơi cho dù anh trở về quê hương hoặc còn tha phương
Xin anh còn giữ vẹn câu thề
Dù gió mưa về vẫn một lòng yêu mến quê
Ngày mai ta xa nhau rồi nhưng tin trong đời anh sẽ còn gặp tôi
Quê cũ mừng vui
Xin anh còn giữ vẹn câu thề
Dù gió mưa về vẫn một lòng yêu mến quê
Ngày mai ta xa nhau rồi nhưng tin trong đời anh sẽ còn gặp tôi
Quê cũ mừng vui
(XIN ANH GIỮ TRỌN TÌNH QUÊ / DUY KHÁNH)
VÕ TỰ BÉ VÀ HOÀNG TÙNG HAI HUẤN LUYỆN VIÊN NGƯỜI QUẢNG TRỊ
Dục Mỹ 1964
-Biệt Động!
-SÁT...
-SÁT...
Tiếng người tân binh Biệt Động hô 3 lần trước khi đu dây vào cái ròng rọc chạy vèo vèo và rơi tòm xuống vũng nước sâu của con sông nhỏ hay là Suối BÔng chảy về hướng ngoài QL 21. Anh tân binh lóp ngóp bơi vô.
Hai người thiếu úy huấn luyện viên vừa la hét phạt hít đất và nhảy xổm anh tân binh nào không dám đu dây tử thần hay nhảy sai ...
Tôi là thằng bé con cùng mấy đứa trong xóm Nhà Thờ Dục Mỹ đang tụ nhau bên này con suối lớn nói trên để xem mấy chú lính BĐQ thi nhảy. Tụi con nít chúng tôi thấy mấy chú lính bị phạt nhưng lại ngẩn ‘tò te’ chẳng hiểu ất giáp gì cái chuyện người lớn?
NHÀ THỜ DỤC MỸ 1963
CON SUỐI KHÓ QUÊN qua cầu Lớn (hình trên Internet) Hè 1964 ĐHL học xong lớp nhì vô thăm cậu xóm ở sau lưng nhà thờ này
người viết nhớ hay ra tắm ở đây, đàng xa là nơi nước sâu là vùng BĐQ hay tập nhảy Đu Dây Tử Thần
Mà mấy ông huấn luyện viên chẳng ai xa lạ: Chú Tùng là bạn đồng khóa với cậu Võ tự Bé của tôi. Mấy ông ra trường xong chọn Biệt Động Quân và về làm sĩ quan huấn luyện tại Trung Tâm Dục Mỹ. Tôi là đứa cháu vào lúc này đang học lớp nhì (niên khóa 1964) vừa nghỉ hè xong lại có dịp được vô Dục Mỹ thăm cùng ở nhà cậu mợ tôi hơn một tháng. Thăm xong sẽ ra lại Quảng Trị để tiếp tục lên lớp nhất.
Hàng ngày vào khoảng trưa, chú Tùng sẽ về lại nhà cậu Bé tôi ăn cơm. Tôi còn nhớ có hai người đó là thiếu úy Phước người nam, chú Tùng ăn cơm tháng trong nhà cậu mợ tôi nấu giúp. Cùng khóa cùng nghề nghiệp lại là đồng hương nên chú Tùng là bạn thân với cậu tôi, điều này chẳng có gì lạ. Từ ngoài nhà thờ Dục Mỹ đi sâu vào trong xóm một khoảng là xóm nhà, cậu mợ tôi thuê ở đó. Lại có nhà Thượng Sĩ Vệ mà bà vợ ông tức là bà Vệ, tôi cứ nhớ hoài cái giọng Huế của bà. Bà Vệ lại rất thân với nhà cậu tôi, chòm xóm với nhau lại cùng là dân Biệt Động cả.
Phải kể về chú Tùng chứ do đây là một ký ức nhớ về người bạn cùng khóa và cũng là đồng hương với Cậu Võ Tự Bé người Phường Đệ Tứ mà!
Cái đáng nhớ của thiếu úy Tùng là đẹp trai vui vẻ hay cười và mến tôi nhất. Hồi đó tôi là thằng bé lớp nhì biết gì đâu? Nhưng các chú huấn luyện viên về ăn cơm tháng tại nhà Mợ tôi thì tôi lại là đứa bé trai duy nhất trong nhà ai mà không mến và cưng tôi cho được? Tôi cũng hơi lạc đề một tí về mình do Cậu Mợ tôi lúc đó sinh năm con gái một lượt, sau này mới có con trai ...
Tôi thì thích ra tắm giặt ngoài suối Dục Mỹ để chờ lính Biệt Động tập luyện nhảy dây tử thần. Lúc đó tôi thấy chú Tùng và cậu mình sao oai quá! Về nhà, ngày nghỉ hay cuối tuần có khi tôi được chú Phước sai ra chợ Dục Mỹ mua báo cho chú. Còn chú Tùng chẳng sai gì tôi cả. Tôi là đứa cháu ngoại nhưng cậu mợ tôi rất thương và cả bà thượng sĩ Vệ cũng thương tôi. Bà có hai đứa con gái ngang lứa với tôi. Tuổi nhỏ chúng tôi chơi với nhau Bà lại muốn ‘bắt tôi làm rể’ lúc còn nhỏ như thế mới kỳ?
Đó là chuyện hơn một tháng trời ở Dục Mỹ có người cậu, em út cậu Bé tôi, tên là Võ Bình cũng từ trường Thiếu sinh Quân-AET-về hè thăm gia đình anh chị (cậu Võ Bình sau này là chồng của mợ Trần thị Kim Thược gốc Gio Linh, cả 2 đều là học trò của thầy Nguyễn Bảo hồi dạy tại Gio Linh. Mợ Thược mất 1971 tại QT, cậu Bình mất 2003 tại San Jose USA ). Một dịp hiếm hoi trong đời để cậu cháu cùng ở chung với nhà anh ruột tức là thiếu úy Bé cùng hay gặp gỡ chú Hoàng Tùng mới vui làm sao. Cậu Mợ tôi trước ở Phường Đệ Tứ, chẳng bao xa đối với Sải- nhà chú Tùng. Hai người bạn lại chọn về Biệt Động ra trường cùng về Dục Mỹ. Một mùa hè có đứa cháu nhỏ ngoài quê chơi. Đối với đứa bé trai trong nhà cậu mợ tôi và chú Tùng chắc có chút gì đó ân cần với tôi trước khi đứa cháu ra lại miền trung.
Có điều lạ, tôi vẫn nhớ mãi giọng nói chú Tùng ấm áp, vui vẻ làm sao. Chú cười nói thật tình, vui tính với hoàn cảnh còn độc thân. Tôi khó lòng diễn tả cho hết để nhắc lại một người chú Biệt Động Quân đẹp trai, tính tình cởi mở hào hoa ngày đó.
Nhắc lại cậu Võ Bình tôi, hồi đó đang học đệ lục trường Thiếu Sinh Quân tại Vũng Tàu, cậu ấy nhỏ nhất so với cậu Bé và các chú kia nhưng là 'sếp' của tôi cùng là "ông lớn" đối với tụi nhỏ người nam. Tôi nhớ nhất là lúc tụi nhỏ trong xóm. Đương nhiên chúng là người nam, thấy tôi giọng trung, tức tụi đó coi là 'người nước Ngoài' nên hay "kéo bè kêt cánh" tới 'dọa' tôi. Tôi sợ quá, chạy về 'méc' cậu út. Cậu Bình tôi hồi này dù nhỏ nhưng là Thiếu Sinh Quân tức là "Dân Quân Đội" 'nổi máu anh hùng' chạy ra tận ngoài xóm nhà Thờ Dục Mỹ (có hình trên) bênh cháu. Tụi ngoài xóm Nhà Thờ này thấy cậu tôi lớn hơn nên âm thầm rút lẹ không dám dọa tôi nữa. Chú Tùng và Cậu Bé tôi đương nhiên thì trong xóm ngán rồi. Mấy ông Biệt Động mà là Huấn Luyện Viên nữa? Không chừng ba chúng cũng bị chú Tùng phạt hít đất tơi bời trong Trường Biệt Động?
VIDEO TẬP ĐU DÂY TỬ THẦN DỤC MỸ
(tài liệu Internet)
Một tháng qua mau tôi theo o Xuyên người giúp việc cho cậu mợ tôi, mua vé xe đò Nam Lộc về lại miền trung. Ôi nhớ làm sao chuyến xe xuôi trung hồi đó là một lần viễn hành xa xôi 'vạn dặm'-một chuyến đi xa quá lý thú trong đời đứa bé như tôi.
Từ mùa hè 1964 tôi về quê rồi thì cũng là lúc cậu tôi và chú Tùng lại ra lại các liên đoàn tác chiến. Chuyện của người lớn những người đi lính tận trong nam ngoài quê một đứa nhỏ như tôi làm sao biết được?
KHI NGƯỜI ĐẠI ÚY MÙ VỀ LẠI QUÊ HƯƠNG
Thế mà chú Tùng lại về lại quê hương Quảng Trị. Chú không quên ghé nhà ngoại tôi. Nhưng lần này tôi gặp lại chú lại là một hoàn cảnh hết sức đổi thay. Chú mù cả hai mắt. Cậu VÕ Tự Bé đoan quyết với tôi rằng sau khi ra tác chiến cùng Liên Đoàn 4 trong một trận đánh tại Vĩnh Long chú bị thương; mắt không thấy gì? Bò được ra đường gặp may được một đơn vị cứu. Hai mắt chú còn y nguyê nhưng không thấy do bị mảnh đạn làm hư dây thần kinh thị giác? Thế mà lúc chú về lần này coi chú oai làm sao! Bộ đồ vàng, dây biểu chương, mập mạp có người lính dìu xuống xe jeep, vô thăm nhà ngoại tôi ở xóm Cửa Hậu.
Tội nghiệp Chú; trong nhà Ngoại tôi gắp thức ăn gì cho chú thì chú cười chú ăn. Chú không thấy thật tình mặc dù hai con mắt trông bình thường. Dù sao chăng nữa, chú Tùng vẫn cười nói vui vẻ, giọng nói chú vẫn ấm áp như ngày nào còn ở Dục Mỹ. Nhớ lại mấy năm khói lửa căng thẳng tại Quảng Trị- thời gian gần 1972, chắc là Cuộc Hành Quân Hạ Lào 1971, Cậu Võ Bé tôi thuộc Liên Đoàn 4 BĐQ, đang hành quân ở vùng gần Đông Hà và Gio Linh gì đó. Cậu Bé có dịp tạt vô thăm nhà Ngoại. Còn chú Tùng thì đã ra khỏi tác chiến, đã là người thương binh. Có thể nghe tin vậy nên chú Tùng mới về xóm Cửa Hậu thăm nhà ngoại tôi. Thời gian này tôi nghe đâu chú còn làm cho Tâm Lý chiến tại quê nhà hay phục vụ cho Trung Đoàn 1? Trên vẫn còn trọng và thích cái tài văn nghệ. Thấp thoáng tôi vẫn thấy chiếc xe jeep chú Hoàng Tùng chạy trên đường phố chính Trần Hưng Đạo.
Làm sao tôi quên được hình ảnh chú mặc bộ đồ vàng ba mai vàng và người tài xế trẻ tuổi. Còn nhiều người thành phố QT năm xưa còn nhớ hình ảnh này như tôi. Có người còn biết cả tên người tài xế đã biệt phái cho chiếc xe jeep chở chú Tùng nữa, nhưng tôi thì không biết? Tôi lại càng không quên hình ảnh chú biểu diễn kèn saxophon cùng mấy bản Hạ Trắng - Không- Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê tại rạp xi nê Đại Chúng. Tại nhà ngoại tôi, Chú kể với tôi sau ngày mù đôi mắt Chú vẫn còn lưu ngũ tại Sài Gòn. Theo chú không biết bao nhiêu là mối tình gồm những bà nhà giàu Sài Gòn ‘theo chú đứt đuôi con nòng nọc’... Dĩ nhiên ai cũng tin lời chú nói do chú đẹp trai hát hay, máu văn nghệ "đầy mình" thế bà nào mà chẳng yêu chàng sĩ quan hào hoa phong nhã đa tình gốc Sải. Người viết còn nhớ chú Tùng kể cho nhà ngoại tôi nghe rằng vào những chiều thứ Ba- xổ số Kiến Thiết Quốc Gia tại Vườn Tao Đàn, nghe tiếng có ca sĩ Duy Khánh tới giúp vui văn nghệ. Vừa kể vừa cười, chú nói chú kêu Duy Khánh tới:
-Ê ê con ông Trợ Triển. ..tới đây mi?!
-Ê ê con ông Trợ Triển. ..tới đây mi?!
Chú Duy Khánh liền tới ngay chào hỏi chú vừa đàn anh vừa là đồng hương gốc QT.
Cố ca sĩ Duy Khánh vào lúc này hay hát vào chiều thứ Ba tại Công viên Tao Đàn trong chương trình xổ số Kiến Thiết. Tưởng cũng xin nhắc lại, ngày xưa số xổ vào những chiều thứ Ba hàng tuần, sau này mới đổi qua thứ Bảy.
Cố ca sĩ Duy Khánh vào lúc này hay hát vào chiều thứ Ba tại Công viên Tao Đàn trong chương trình xổ số Kiến Thiết. Tưởng cũng xin nhắc lại, ngày xưa số xổ vào những chiều thứ Ba hàng tuần, sau này mới đổi qua thứ Bảy.
Không biết chú Hoàng Tùng ở Sài Gòn bao lâu? Nhưng tôi chắc chắn chú Tùng sau khi làm Huấn Luyện Viên Dục Mỹ thì ra đơn vị tác chiến cho đến lúc vừa lên trung úy thì bị thương nặng như thế. Nghe cậu Bé tôi kể lại lúc bị mù tại mặt trận chú bò ra đến đường lớn thì may mắn được chiếc xe nhà binh đi ngang qua và cứu ...Từ đó Chú từ giã đời tác chiến Biệt Động nhưng nhờ vào tài văn nghệ nên có thể Bộ TTM còn lưu dụng chú chăng? Đó là chuyện của người lớn. Trong trí nhớ tôi thì chú Hoàng Tùng mang lon đại úy và làm tại quê hương cho đến ngày cuối cùng của năm 1972, từ bỏ Quảng Trị...
Trí nhớ tôi lan man ngược về quá khứ sau năm 1968 dì mẹ tôi buôn bán tại Chợ Tỉnh. Căn phố thuê lại từ bà Trợ Trọng. Lúc này tôi hay qua Ảnh Quán Lido một ảnh quán sát nách tiệm dì tôi. Cái hình lớn nhất của tiệm Lido là chú Hoàng Tùng mang lon trung úy trong bộ đồ rằn ri Biệt Động và nụ cười chú cười thật tươi và chú đẹp trai làm sao? Hèn chi chú có số ‘đào hoa’ là đúng. Tội thay cho chú! Cái hình ảnh cuối cùng chú ngồi trong nhà ngoại tôi; ai gắp cho gì thì ăn tay chú mò mẫm cầm đũa nhưng không biết thức ăn chỗ nào và là cái gì?
mồng 3 tết Nhâm Dần (3/2/2022), ĐHL lên Fremont CA thăm cậu ruột Võ tự Bé người bạn đồng khóa của Đại úy Hoàng Tùng năm xưa
chú Hoàng Tùng mất sớm vào thập niên 1980 tại Biên Hòa, hơn bốn mươi năm sau người bạn Võ Tự Bé rồi cũng "ra đi" vào tháng 5/2023 tại Fremont và an táng tại nghĩa trang Oakhill San Jose USA
ĐHL là đứa cháu đại diện cho người lính VNCH chào kính tiễn đưa cậu mình
*
Rồi 1972, quê hương tan tác người Quảng Trị một kẻ một phương trời. Cậu Võ Tự Bé theo đơn vị về lại miền nam vùng BỐN trong nam. Gia đình ngoại tôi một nửa ở Đà Nẵng còn một nửa vô tận Mỹ Tho. Bặt tin chú Tùng từ đó cho đến 1975 và sau này nghe đâu chú mất ở Biên Hòa và không biết vào năm nào? Có điều tôi chắc chắn người thành phố Quảng Trị nhớ hình ảnh chú Hoàng Tùng đậm nhất là người Đại Úy mù. Còn trong lòng tôi luôn nhớ về Chú người Thiếu úy trẻ đẹp trai làm Huấn Luyện Viên bên con suối Dục Mỹ một ngày hè lúc tôi còn nhỏ được vào thăm gia đình người cậu ./.
ký ức của ĐHL edition 5/8/2023
ps; Hoàng Tùng là biệt hiệu chú Hoàng TÙng thật ra họ HỒ
HÔM NAY BIẾT ĐƯỢC TIN TRỄ nhưng ĐHL xin cám ơn bạn đọc đã cho tin về Đại Úy Hoàng Tùng
Trần Thanh Quang
Nov 4, 2020, 4:48 PM
sent November 4
Thưa anh, Anh Hoàng Tùng, sau này sống tại xã Tân Triều với một chị ( có lẽ yêu anh HT tha thiết), anh sống yên bình ở cái làng bưởi hiền hoà nổi tiếng. Anh mất khoảng thập niên 1980. Chôn cất anh tại quê của vợ luôn. Thời gian sống ở Tân Triều, anh chị thường xuyên lên KTM Cây Gáo ( cách đó khoảng 20km) để thăm bà con ( nhà thầy Hồ Thỉnh) và gặp gỡ đồng hương Quảng Trị. KTM Cây Gáo nơi quy tụ những người con Quảng Trị lưu lạc sau 4/1975. KTM này do bác đông y sĩ Võ Minh Học lập. Hiện nay, vùng KTM này đã trở thành một thị xã sầm uất. Cư dân KTM Cây Gáo qua Mỹ rất đông.
No comments:
Post a Comment