Monday, August 21, 2023

QUÁ KHỨ DI DÂN QUẢNG TRỊ- TUYỂN TẬP 4

 

QUÁ KHƯ DI DÂN TUYỂN TẬP 4


MỤC LỤC 

1- LY CÀ PHÊ CỦA NGƯỜI TIỀU PHU SƠN MỸ

2- SỐ PHẬN THA PHƯƠNG

3- QUẶNG TITAN VÀ ƯỚC MƠ ĐỔI ĐỜI CỦA MỘT THÔN NGHÈO VEN BIỂN

4- CHUYỆN CON TRĂN TRONG NGÀY ĐẦY THÁNG CON TRAI  

5- NĂM  XƯA TRIÊNG GIÓNG MẸ GIÀ 


=========================== 


 (bài tái đăng)

KHÓI THUỐC NĂM XƯA BÊN LY CÀ PHÊ SƠN MỸ


nhờ Internet tôi tìm được hình ảnh xóm tôi ở nay đã khác xưa do có đường trải nhựa hai bên còn có hai mương nước chảy. Ngày xưa trước 1995, con đường này là con đường đất một trận mưa nước chảy lở lói làm đất hai bên đường sứt mẻ hư hao. Mũi tên chỉ nhà tôi và vườn đào khi ra đi bán lại nay cây cối và nhà cửa san sát nhau chứ không thưa thớt  như xưa

*

Ngày đó gần chùa Sơn Mỹ có một quán cà phê khá đông khách. Chúng tôi tạm gọi là quán Thủy-Hạ do anh Hạ (kiêm sửa xe đạp) cùng vợ anh là chị Thủy làm chủ.

 Bạn đọc chắc hẳn nhớ một thời NGĂN SÔNG CẤM CHỢ, khi được cho mở quán cà phê là bắt đầu thoải mái rồi. Lớp trẻ sau này nếu đi uống cà phê có thể chỉ do "đi tiệm cà phê" đang trở thành cái "mốt" thời thượng đó thôi.  Các bạn trẻ sẽ ít hiểu hay khó cảm thông thế nào là tâm lý khoái cảm từ thú nhâm nhi từng giọt cà phê đắng của lớp người đi trước- hàng ngày họ phải lăn lộn trong rừng, tay chai mặt nám với rựa rìu, nắng mưa.


*


Quán cà phê người viết kể lại, lúc đó dần đông lên nhờ kèm theo phong trào nghe nhạc hải ngoại.  Phải nói cho đúng, thịnh hành nhất là hai giọng ca Tuấn Vũ, Khánh Hà. Những cuốn băng cassette hiếm hoi dùng mãi nên trở thành 'nhảo nhẹt', sứt mẻ. Những hộp băng từng chuyền qua tay nhiều người mới về tới một vùng quê này. Ôi tôi nhớ làm sao những giọng ca ngày đó. Tất cả đều là "số một". Một vài cái quán cà phê hiếm hoi, hai bên con đường đất đỏ Liên Tỉnh 55 (xưa là Tỉnh Lộ 23) từ Xã Tân Thiện vào tận Bình Châu thuộc Bà Rịa. Quán nào cũng sắm cho được cái máy JVC, Panasonic trông nó sướng con mắt làm sao! Chớ coi thường những cái máy này nhé các bạn! Chúng là cả "một gia tài" của chủ. Những tiếng hát mượt mà, bao lời ca chất ngất mang lại một trời nhớ thương cùng đồng cảm  chân thành.


Uống ly cà phê "phin", nếu lúc đó tôi kêu chủ quán mang lại cho ba điếu thuốc JET bán lẻ thì thật là 'sang'. Đã uống cà phê mà hút "thuốc rê" thì trông sao được mắt. Ba điếu thuốc Jet luôn được chủ quán đặt vào cái dĩa nhỏ. Đó quả là sự phục vụ trịnh trọng cho một loại thuốc hút "thời thượng". 

Nếu nói rộng ra cho thuốc Jet, nó từng được dùng để "giao tiếp" khi đi xin giấy tờ, hay xin thông xe qua trạm... Từng điếu JET trên tay, trầm ngâm hay nhâm nhi vị đắng cà phê…Một khoảng thời gian quý báu nhằm thỏa mãn cho lòng mình trước khi tôi trở lại với thực tế là ...vác rựa VÀO RỪNG. 



***

Kể chuyện xưa, tôi chẳng muốn so sánh với thời này. Nếu ta đặt tâm trạng của giới trẻ thời nay vào thì thật tình khó lòng cảm hết tâm trạng người viết. Có thể các bạn đồng ý: cái gì chúng ta thiếu hay quá cần mới giá trị. Thời nay do quá thừa mứa, quá dễ dàng thì khó mà đạt tới một tâm lý sung sướng nếu không muốn nói là hạnh phúc, thỏa mãn như tôi lúc đó.

***

                 HOA SỨ BƠ VƠ




Đợi giọt cà phê rơi rơi, cũng là lúc ẩm khách ngồi ngắm mấy mảnh vườn quanh quán…


Quanh tôi, hình ảnh mấy vườn mít tiêu điều do sâu bọ đục thân, phá đọt.  Một thời vùng này nổi tiếng về MÍT nay chỉ còn lại những gốc cây mục nát cùng cành lá xác xơ, trông thật đau lòng. Người thôn tôi ở càng ngày càng ít lợi tức từ vườn nhà mang lại nên cùng nhau vào rừng làm rẫy để kiếm thêm bắp đậu. Hàng ngày người ta vào rừng làm rẫy, đốt than để lại ông già bà lão hay trẻ thơ lại nhà. Thế là vườn nhà càng lúc càng vắng vẻ, trơ trọi. 


Nhìn ra khung cửa lá của quán, vườn ai đó còn sót lại đôi ba cây bông sứ. Những cây bông sứ chẳng ai màng chăm sóc nhưng vẫn lây lất sống, dai dẳng với tháng ngày.  Những bông hoa sứ rơi rụng, bơ vơ, rải rác trên nền đất nửa cát, nửa đất thịt bazan đo đỏ. Chẳng ai màng đến mùi thơm của sứ -những thứ tầm thường chẳng còn cần thiết, do nó không bán ra tiền bằng trái mít, hạt điều hay củ sắn củ khoai.


Nhìn cây sứ làm tôi nhớ về thời đi học. Thời lớp ba lớp tư tôi hay đem hoa này ướp vào vài trang vở. Có khi tôi cất chúng vào túi thỉnh thoảng đem ra ngửi chơi. Khổ một điều, cây sứ hay trồng ở chỗ miếu thờ linh thiêng. Mỗi lần tôi đi học ngang qua cái Miếu Âm Hồn của phường Đệ Tứ, hoa sứ rơi lả tả nhưng tôi là đứa nhát gan, chẳng bao giờ dám mò vào lượm do...sợ.


Tôi từng thích mùi thơm hoa sứ vào thời tiểu học. Tuổi nhỏ ngày đó tôi chưa biết chi như những ý tưởng trong bài hát "Hoa Sứ Nhà Nàng" mà tôi thưởng thức bên ly cà phê ngày đó. 




Hoa sứ chỉ còn là những gốc cây vô ích. Người ta không cần chặt bỏ làm gì do đất đai, vườn nhà  đã bạc màu chẳng còn lợi tức. Qua bao mùa "trồng xuống bới lên" không biết mấy bận. Trong vùng tôi ở, ai cũng lo chạy theo nhu cầu miếng ăn, mong sao có sắn khoai no bụng. Hình ảnh chén cơm trắng tinh là cả một ước mong sâu lắng trong lòng. Có thể ngoài tôi- một người tiều phu "bất đắc chí"- đang trầm ngâm nhâm nhi ngụm cà phê cuối cùng vừa ngắm mấy đài bông sứ nằm vất vưởng đó đây vừa tiếc cho một loài hương đang chìm vào quên lãng và thờ ơ nhân thế.


Đó là vài ba ý  nghĩ  thoáng qua  nhanh trong tôi lúc ngồi ngắm sứ. Cho đến khi điếu thuốc đã tàn, ly cà phê chẳng còn giọt nào, tôi phải trở về thực tại trước mắt, đó là... VÀO RẪY.


Kể lại về cái thú uống cà phê như vậy chắc hẳn các bạn có thể tin người viết thổ lộ thật lòng. Thật khó quên những lúc kẻ uống cà phê này phải thiếu chủ quán ít nhiều, cũng do hoàn cảnh? Không sao! do người viết là khách quen hơn nữa là xóm làng quen biết không lo chi  chuyện thiếu tiền. Thiếu tiền cà phê còn có một từ nghe khá vui đó là “ghi sổ”. Chờ cho đến khi khách hàng bán được cái gì từ vườn, rẫy sẽ trả xong món "nợ nhâm nhi" này. 


Bất ngờ có một ngày, nhờ vào Facebook tôi biết được tin vợ chồng chủ quán cà phê ngày xưa vẫn còn. Cái quán  đó vẫn còn trên nền cũ nhưng được xây lại to lớn hơn xưa. Liên lạc với chủ quán, tôi cám ơn anh nhắc lại cho tôi hai câu đối ngày đó nhưng tôi quên mất.


Chuyện hai câu đối, đó là kỷ niệm của chúng tôi trong mấy ngày "tết đến xuân về". Thời gian này, rảnh làm rẫy, chúng tôi hay ngồi tán gẫu trong cái quán tranh. Làm sao quên được một chặng đời khó khăn,  thú uống cà phê lại đam mê nó là "vị thuốc tinh thần" giúp chúng tôi quên đi hiện tại. 


Ngày đó khi trả xong số tiền nợ, lòng ai cũng thoải mái, tâm trạng thật nhẹ nhàng sung sướng. Cuối năm hết nợ lại được anh chủ quán cùng ẩm khách vừa nhâm nhi vừa gật gù tán thưởng hai câu:


NĂM HẾT NỢ XONG VUI XUÂN THOẢI MÁI

CUỐI NĂM SỔ SẠCH HƯỞNG TẾT UNG DUNG 


***


Hơn hai mươi bảy năm rời xa một vùng quê mang tên Sơn Mỹ, tôi vẫn mong có ngày trở lại chốn xưa để đi tìm một vài dấu tích cũ nào đó. Mọi thứ chắc chắn đã đổi thay, sẽ không còn những cái quán nghèo như xưa nữa.  Chúng đã  khuất dần trong kỷ niệm chẳng khác chi mấy ngụm khói thuốc jet ngày đó lảng đảng bay cao. 


 Thời nay khó lòng sống lại với tâm trạng giống với ngày trước. Nếu giờ tôi có đi uống cà phê, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ có lại cảm hứng và xúc động cũ. Tôi sẽ khó có được thứ cảm giác ngồi trong cái quán cà phê lợp tranh rồi ngắm đôi, ba hoa sứ như bơ vơ rơi rụng cùng thưởng thức giọng ca "não nùng, sướt mướt" phát ra từ cái máy cassette màu đen. Ly cà phê hiếm hoi cùng khói thuốc từng giúp tôi (hay bao người khác cùng hoàn cảnh) có một khoảnh khắc nào đó quên đi thực tại, lâng lâng bay bổng tận đâu đâu. Tôi cứ tạm cho đó  là những phút giây riêng tư được phiêu du chốn "bồng lai tiên cảnh' ảo huyền nào đó trước khi trở lại với thực tế đắng cay  ./.


========================== 


HÌNH ẢNH


 SƠN MỸ NGÀY NAY

nhờ vào FB tôi có được hình ảnh dưới đây 


        
  Sơn Mỹ  và quán cà phê Thủy Hạ hôm nay đã khác xưa. 



hình dưới: nhờ vào FB người viết mới biết được hình ảnh của vợ chồng chủ quán cà phê Thủy Hạ



  Chùa Huệ Đức (hôm nay) ngày xưa gần cà phê Thủy Hạ 


Đinh Hoa Lư 


============================= 


SỐ PHẬN THA PHƯƠNG 













(viết theo lời hứa với em gái Đinh thị Hiệp)


***

KỂ RA số phận di dân của người Quảng Trị từng trải qua bao nhiêu giai đoạn. Cái ý nghĩa của Di Dân đó là thực sự bỏ quê, giã từ nơi "chôn nhau cắt rốn" ra đi nhưng chẳng hẹn ngày về.

 Khói lửa, chết chóc phủ chụp lên số phận quê mình, từ thời ông bà đổ lại. Tất cả gom lại trong hai tiếng  "chạy giặc" mà thôi. Từ thời giặc Pháp đã lắm đoạn trường, đến lúc sau này chẳng kém đau thuơng. Bao thời sống dưới hai lằn đạn, Quảng trị khổ, đói đã đành nhưng trên bàn thờ mọi nhà không bao giờ thiếu bát nhang thờ người thân thuộc từng chết vì chiến tranh. Chuyện nhà cửa cháy- xây không biết mấy bận. Cho đến lúc chỉ có tranh lợp tạm nhưng chẳng chịu yên, lại thành tro bụi rồi lại dựng xây...
 







Hình ảnh mái tranh nghèo dần dà là hình ảnh quen thuộc cho người dân quê mình, một quê hương "cày lên sỏi đá" cố sống qua ngày đoạn tháng. Mỗi mùa đông lạnh cắt da cắt thịt,"cắn ngón tay không còn chảy máu",  người  quê mình từng quay quắt, có lúc chẳng biết lấy chi bỏ đầy cái bao tử trống không.

Đó là nỗi khổ của chiến tranh, đói lạnh.



LẠI CỨ MÃI RA ĐI

Mùa Hè Đỏ Lửa, người Quảng Trị phải đành bỏ xứ mà đi. Người quê mình phải di dân vào tận xứ Bình Tuy, một thời người ta gọi là đất "Thầy Thím" do đây có đông dân tộc người Chăm, tiếng QT quen miệng gọi là "Chàm". 

Người Chàm, tháp Chàm cũng do tiếng chỉ dân tộc Champa mà ra.
Xưa Công chúa Huyền Trân hi sinh thân ngọc để đổi hai châu Ô và Rý cho người QT hiện nay thì từ cái năm máu lửa 1972 con cháu người Qt lại tiến sâu hơn nữa. BÌnh Tuy những mật khu, những rừng gỗ quý ken dày , sức người làm không xuể , biển cả đầy ắp cá đang chờ sức người Qt vào khai hoang lập ấp:


"Gánh cực mà đổ lên non
Còng lưng mà chạy cực còn chạy theo" 







1975 hòa bình rồi, thống nhất rồi ; thế mà người di dân QT vẫn không thoát khỏi cái "số cực". Rừng đốn hết, nào củi, nào than, tất cả cho cái bao tử. "Miệng ăn núi lở", thế là ba cái rẫy bạc màu lần hồi không còn lợi tức! Miệng ăn càng sinh sôi, nảy nở càng đông, rừng đốt làm than dần hồi cũng hết. Thế là vài năm sau 1975 lại tiếp tục di dân theo kiểu đi 'kinh tế mới' vào tận miền nam lục tỉnh-Bạc Liêu, Rạch Giá, Long Xuyên, Cần Thơ nhất là Bạc Liêu. Nhưng đâu có yên, bà con QT sống không quen kiểu "ướt át vùng sông nước"như dân lục tỉnh, nên cũng lại phải tứ tán lần nữa? Rõ ràng, số khổ nó vẫn theo bước chân "giang hồ' người dân xứ Quảng.



Ai nói hai chữ 'cu ly' chỉ trong lịch sử thời Pháp thuộc? hết gạo, cạn cơm người QT tại tỉnh Bình Tuy (Hàm tân, Đức Linh) chen nhau tìm đến các nông trường cao su Long Khánh -Bà Rịa- Biên Hoà sau này còn gọi cái tên mới là tỉnh Đồng Nai. Họ 'ào ào' đầu đơn xin vào các đội cu -li nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Có may mắn hay cái số còn 'chộ hạt cơm' mới vô được các tổ-đội canh tác cao su. Cao su còn non quả thiệt là ân huệ của trên ban xuống. Ngoài gạo tiêu chuẩn, người công nhân nông trường nhận đất còn thưa lại có cơ hội trồng dặm đậu,mè kể cả tỉa lúa khô để có thêm lợi tức. Một quá khứ, nhiều đồn điền cao su Long Khánh, vài nơi gần Long Thành hay Bà Rịa, ta đi đâu cũng nghe giọng nói Quảng Trị 'đặc sệt'. Người QT gần nhau vàn công nhau cắt lúa rẫy đất nông trường, hay nhổ đậu, thu hoạch mè...

 Ôi thương làm răng, Quảng trị đời "bọ mẹ" di dân, đẻ ra đời con, rồi đến đời cháu cùng ở một nhà. Mấy thập niên trôi qua, lớp mẹ cha ra đi biệt xứ, nay đến đời cháu con sinh ra lớn lên nơi xứ lạ quê người nhưng trở thành thân thuộc như quê cha đất tổ chẳng biết lúc nào.

Nhiều lắm,  người QT -tiếng QT- bao nhiêu khuôn mặt, màu da khắc khổ cho đến giọng nói nghe quen tai khó lòng lẫn lộn. Tiếng và người trải dài từ Bà Tô, Bình Giã, Ngãi Giao; từ các nông trường Hòa Bình, Cụ Bị, Xà Bang  cho đến giáp giới  Đức Linh Bình Thuận hay tiếp với Biên Hòa... 

Những mái tranh trong những vùng đất rẫy từ ngày Khai Hoang Lập Ấp vào xứ Bình Tuy, cũng như sau 1975 bao dãy nhà tranh xây dựng quy cũ, ngay hàng- thẳng lối trong các nông trường cao su, phần đông đều là những thế hệ di dân QT, già và trẻ ngày ngày nương nhau mà sống.

Chạy giặc, di dân lập ấp, rừng rú biển cả, tiếp đến là những liếp rừng cao su bạt ngàn xa ngót tầm mắt miền đất đỏ Long khánh trong nam để chan hòa máu và mồ hôi bao nhiêu thế hệ Quảng Trị quê mình. 


Kiếp 'cu ly' nông trường, đổi mồ hôi kiếm gạo tiêu chuẩn: nơi này đội trưởng nông trường quyền thế 'như vua'. Gạo cơm , phân bón , tiền bạc lương huớng , cắt công , khai công trong tay đội trưởng . Trên đội trưởng là trưởng nông trường . Tất cả đều có đời sống dư dật giàu sang, chỉ có người 'cu li' trực tiếp lao động là khổ. Nhưng cái thời này , gạo quý 'như vàng' người Qt dám đi đâu để mất tiêu chuẩn . Vài ba năm đầu , cao su chưa cao , 'cu li' nông trường còn có đôi chút an ủi nhờ trồng chen vào giữa những luống cao su nào đậu nào bắp , nhất là lúa 'vại' tức khác với lúa cấy chỉ mọc đất khô . Nông trường cũng chẳng gây khó khăn chi vì trồng chen ở giữa thì cao su khỏi bị cỏ hãm cũng hay . Một công hai việc cho người 'cu li' . Người Qt lại 'vàn công' nhau , thu hoạch mùa màng giữa những luống cao su. Thời này ngó vậy mà vui, vừa có gạo vừa có thêm tiền.


Khác với những kẻ ra đi, ra đi đây là ra đi đợt hai, đợt ba sau khi di dân vào nam rồi. Người ở lại Bình tuy, nhất là ở huyện Hàm Tân lại càng thiếu thốn hơn. Những đồi cát bạc màu sát biển, lúa bắp không còn lên nổi. Nương rẫy, trồng lên bới xuống nhiều lần,ngay cả cỏ hoang như tranh cũng khó mọc lên cao...




    Ôi! những buổi cắt tranh sao quá chán nản. Cái thuở được phát tồn lợp nhà và tiêu chuẩn gạo di dân LẬP ẤP 1973 -74...tất cả nằm  sâu trong quá khứ. Người bứt tranh đứng nhìn những đồi hoang đất cát bạc màu nay cây tranh cao không quá đầu gối mà ngao ngán trong lòng. Giá như tranh tốt thì người cắt tranh không biết mệt. Giờ thì tranh xấu vừa làm vừa nản vừa chạy quanh tìm bụi nào cao hơn... Bứt tranh là tiếng bà con trong thôn xóm hay  nói. Người viết có thể gọi là cắt tranh hay cắt gianh theo tiếng bắc cũng chẳng sao. Tiếng gì thì tiếng, tranh dài ngọn tốt là điều mừng rỡ nhất để về lợp mái tranh nghèo đang đến thời dột nát hay lợp cho mái nhà mới. Có tiền có thể mua tranh mới, nhưng tiền đâu? khi hai bàn tay chỉ biết cầm cuốc, liềm, rựa?



nghề bứt tranh của Chú Hùng Tranh- một thời kiếm ra gạo, tiền




Người bứt tranh (cắt tranh) giỏi, ngoài kiếm được cái nghề chuyên nghiệp làm tranh, đánh tranh bán độ nhật, còn có thêm biệt hiệu. Dân QT ngang đây thấy hơi giống dân nam: chú Hùng nghề bứt tranh xóm ba mạ tôi ở, thì gọi cái tên Hùng Tranh. Tội nghiệp giờ đây chú đã ra người thiên cổ. Nghề bứt tranh cũng chung số phận đó là NGHÈO; 'có đồng nào xào đồng đó' làm gì để dành được?


Thời thế đổi dời; thiên hạ 'đổi mới' trong khi xã hội toàn nhà xây,  nghề bứt tranh cũng đi vào 'lịch sử' thế là chú Hùng ngày ngày, thân bệnh hoạn, ngồi ngó ra con đường kiệt xem 'xe nổ' chạy đầy đường. Có thể Chú 
ngồi  nhớ lại những ngày bứt tranh khấm khá: "cái nào ngàn đó" có khi tranh 'hút' lên giá 1.200. Thím Hùng ngày đó 'le te' đi chợ Cam Bình mua đồ bổ, ngon cho chú 'bồi dưỡng', giờ còn đâu?

Hãy để cho Chú Hùng và hình ảnh những cái tranh, đánh dày, đánh mỏng, dài ngắn; hay những gánh tranh người nông phu lúp xúp gánh về tận chợ tỉnh LaGi vẫn đắt hàng, đi vào 'lịch sử' của di dân QT một thời.
 
Lớp cháu con đâu nghĩ ra hình ảnh những cái rẫy tranh khi bị cháy ra sao? Ai ác bỏ tàn thuốc, hay cố ý đốt. Những liếp tranh đã cắt , chờ khô gánh về lợp nhà nay ra tro bụi. Những mái nhà đang cần tranh lợp mới ra sao? Những nuộc lạt đang ngâm nước, chờ tranh hất lên mái nhà, đòn tay con thơm mùi gỗ rừng, giờ xem như bị đình lại vì tranh đã bị cháy sạch?


Rẫy rừng và những mái nhà tranh tưởng chừng là 'điệp khúc bất tận' cho kiếp người dân lưu xứ Quảng trị quê mình. Nếu có ai có 'cái tâm 'ghi lại thì quả là hình ảnh bi tráng cho người Quảng Trị quê ta đi mãi với kiếp lưu dân. Thật khổ làm sao!


ĐHL 

========================== 

QUẶNG TITAN VÀ ƯỚC MƠ ĐỔI ĐỜI 


 







hình minh họa Đụn cát có TITAN 

QUẶNG TITAN  

Chào bạn đọc

CHUYỆN KỂ SAU ĐÂY CỦA MỘT TIỀU PHU THỜI GIAN SỐNG VỚI THÔN LÀNG GẶP NGƯỜI DÂN VÉT CÁT TITAN ĐÓ LÀ NHỮNG ƯỚC MƠ CHÁY BỎNG DO MIẾNG CƠM MANH ÁO...

 

*

QUẶNG TITAN-  ƯỚC MƠ CỦA MỘT THÔN NGHÈO VEN BIỂN

ký ức




Chiếc xe đạp thồ với đống củi chất đầy của anh bán củi  vừa vượt qua khỏi quán Ông Uy thì bắt đầu đổ dốc. Hình ảnh cái quán nghèo với một ông già có bộ quần áo vá cả trăm mảnh cùng cái ống thuốc lào dài lê thê bên cạnh đã trở thành quen thuộc trong mắt một kẻ tiều phu như anh. Cái quán của ông Uy là điểm dừng chân của người vừa dưới dốc lên. Họ đi chợ tỉnh về, họa hoằn lắm mới ghé quán ông già. Nhưng cũng từ cái quán này nó là điểm báo hiệu cho ai bắt đầu đổ dốc; phải chuẩn bị tinh thần cùng gân cốt sẵn sàng kìm lại một sức nặng bắt đầu lao xuống. 


Bắt đầu đổ dốc đó cũng là lý do cho  anh bán củi tạm quên đi hình ảnh ông ngồi giữ quán đang mơ màng bên cái ống thuốc lào cùng khói thuốc la đà, bay bổng. Anh phải gắng sức cùng chú ý ghì cho được chiếc xe củi nặng. Chiếc xe đạp thồ  đổ dốc Tân Sơn. Rừng cây đốn hết, con dốc sau nhiều cơn mưa lớn đầu mùa, hai bên là những hố sâu do nước xói. Nước lũ mùa mưa tạo nên nhiều hố nứt toang hoác. Mấy cái hố sâu là mối đe dọa thực sự, làm những ai đang thồ than củi đổ dốc đều rợn người lo sợ. Giá như không đủ sức để kìm sức nặng đang theo đà xuống dốc thì đố ai biết trước tai họa ra sao.



 hình minh họa: 1 xe thồ củi 


Hết dốc, con đường bằng phẳng hơn. Người thồ củi bắt đầu thở phào nhẹ nhỏm. Hôm nay anh chợt thấy lạ do nhìn thấy một bên con đường Tỉnh Lộ 23 có nhiều đống cát đen làm anh bắt đầu chú ý. Tuần trước anh có thấy một hai đống, nhưng anh chỉ nhìn thoáng qua, không chú ý làm gì.

Hôm nay có người trong thôn trả lời anh:

-Cát quặng Titan đó!

Giờ thì có quá nhiều đống cát đen titan. Những đống cát tuy không hàng lối thẳng ngay, nhưng số lượng của nó khiến anh tin điều người trong thôn vừa trả lời anh, đó là sự thật.

Sự thật kia là gì? 

có nghĩa là cái thôn này- nơi cha mẹ hai bên, anh và vợ anh cùng bà con thôn xóm cuộc sống chắc chắn sẽ thay đổi. Mớ kiến thức cỏn con ngày trước đi học tồn đọng trong trí óc, cho anh biết quặng titan người ta đang cần, thế giới đang cần để làm nhiều thứ hợp kim cần thiết. Anh nhớ mang máng, trong tạp chí nào đó ngày trước có nói về  "thép nhôm". Loại hợp kim khi dùng trong quân sự chúng vừa nhẹ vừa cứng. Nhờ vào titan nó tạo lợi thế cho những chiếc thiết vận xa M113 lội nước...rồi hôm nay kỹ nghệ sau chiến tranh chắc chắn phải cần nó. Người ta sẽ về đây tạo dựng nhà máy, xưởng lọc thôn anh sẽ hết nghèo, bà con em út của anh sẽ là những công nhân cùng đồng lương khá giả...

Còn nhiều ước đoán nữa, nhưng đó là nguồn tin tốt lành đến cho tất cả mọi người.

   con bò cố kéo xe cát titan trên con đường cát lún


Suy nghĩ tốt đẹp tràn đầy hi vọng khiến hôm đó anh thồ xe củi không biết mệt.

 Có mấy con bò cố gắng kéo chiếc xe đầy cát đen ướt, và lóng lánh hợp kim titan. Lớp cát đen chỉ đóng một lớp mỏng dọc bờ biển. Đoạn đường kéo cát từ ngoài biển vào con đường đất liên tỉnh xa khoảng non hai cấy số. Người ta hăng hái nạo vét những mớ cát ướt bỏ vội lên mấy chiếc xe bò. Mấy con bò nước dải ròng ròng mắt cơ hồ muốn trợn ngược. Chúng đang cố hết sức kéo như lết trên con đường lún cát…người và vật  đều cố gắng... chút nữa thôi, con đường ngoài kia không bao xa càng nhiều cát đen càng nhiều tiền.

do những đống cát đó là QUẶNG TITAN!

Mấy con bò cố mà lết. Chẳng đếm được bao nhiêu làn roi từ tay người chủ- nóng nảy, thúc hối, gò ép, tàn nhẫn vun vút đánh vào lưng...  Khối cát đen ướt đẫm, càng lúc càng nhiều, cao dần đổ thành nhiều đống cạnh con đường Tỉnh Lộ 23 chạy xuyên qua thôn Cam Bình.

Xã 'họp- thôn bàn', người dân trong thôn thì xầm xì mừng rỡ, ngóng tin... Ngư dân bỏ lưới và thuyền lo đi vét cát titan. Mấy bác làm ruộng, bỏ cày đi cào cát titan. Thợ rừng bỏ rẫy rừng, cùng nhau đi vét cát titan. Mấy con bò đúng ra giờ đó chúng đang kéo gỗ trong rừng hay cày ruộng, nay phải theo chủ đi kéo đất titan…mai đây sẽ có mỏ titan. Nghe đâu Liên Xô hay Tiệp Khắc sẽ mở nhà máy titan tại thôn này.  Nước nào cũng được, có việc là có tiền. 

Những làn roi vun vút, bò ơi gắng lên!  Ta cần càng nhiều cát titan càng tốt. Bà con phải vét thật nhiều cát đó mang vào. Mấy con bò thở hồng hộc một cách tội nghiệp, tiếng người hò hét cùng tiếng roi quất tron trót ...tất cả hợp lại thành một âm thanh huyên náo, hỗn độn, ai nghe đều cảm thấy hăng hái, nức lòng. Khác với tháng ngày trước, quang cảnh trước mắt người bán củi giờ như một ngày hội, thôn xóm cùng bà con anh sẽ được "lột xác, đổi đời", nói theo ước mơ của những người thiếu, khổ thời bây giờ.

*

THỜI GIAN QUA ...MỘT THÁNG, HAI THÁNG  ...BA THÁNG ...


Những ngày khác, người bán củi tiếp tục thồ củi xuống dốc. Anh chứng kiến những đống cát đen theo tháng ngày khô dần, vơi đi theo gió biển. Cứ mỗi lần về anh có ý hỏi lý do. Có người khá biết chuyện nói  cho anh hay vài lý do nào đó. Lúc đầu anh nghe xuôi tai nhưng ba tháng đã qua, giờ hỏi lại thì bác Cháu đội trưởng cũ nể mặt anh thồ củi trước đây cũng là dân trong đội, do lấy vợ mới lên ở trên dốc, nhưng bác chỉ trả lời ậm ừ cho qua mà thôi?!

Những chuyến cát thưa dần rồi dứt hẳn. 

Hôm nay đổ dốc, anh bán củi nay không còn gặp ai để hỏi nữa.

CON DỐC NĂM XƯA NGƯỜI TIỀU PHU HÀNG NGÀY ĐẨY CỦI VỀ 

1995- CUỐI DỐC TÂN SƠN VỀ THÔN CAM BÌNH xa xa là biển Hàm Tân 


Thế là hết!

Người tiều phu chắt lưỡi than thầm.

 Sự mừng rỡ trong lòng anh giờ  tiêu tan như bọt nước xà phòng. Trời sắp tết, nhiều ngọn gió mạnh từ biển vẫn tiếp tục thổi vào càng lúc càng nhiều. Sóng bạc đầu ngày đêm liên miên đập vào bờ cát đìu hiu. Mùa gió là mùa "đói cá". Ngư dân hết việc úp thúng; họ ngồi vá lưới chờ có dịp sóng êm, dù nửa buổi sẽ hối hả kêu nhau chèo thúng ra bờ kiếm đôi con cá vụn. 

Trong này, cư dân sống dọc theo con đường tỉnh lộ 23, đoạn băng qua mấy xóm làm nông, gió biển càng lúc càng mạnh tiếp tục quất vào. Gió làm tung lên từng đám cát mờ nhạt, bốc lên dọc theo con đường đất đỏ. Trên đường, mấy người bán than củi đang cúi đầu, gắng sức thồ xe. 

 Bao đống cát đen titan đã đổi thành màu xám nhạt. Những đống cát  từng mang ‘hi vọng” vẫn còn im ỉm 'chờ khách' phương nao.

  Hàm Tân vùng biển, gần tết, gió mạnh thêm từng ngày khiến mấy đống cát đen kia càng lúc càng vơi dần, lụn tàn trông thảm hại làm sao. Cát bay hết, hi vọng tàn theo. Cho đến một ngàychẳng còn ai trong thôn để mắt hay nhắc đến chuyện Cát Titan nữa./.


ĐHL edit 18/6/2022 

edit 25.7.2023

==================


CHUYỆN CON TRĂN  TRONG NGÀY ĐẦY THÁNG CON 



xã Sơn Mỹ tháng  9/1988
kỷ niệm ngày đầy tháng con trai thứ hai: Đinh trọng Trữ Khang 


BỔI CỎ HÔI CHO KHOAI NHIỀU CỦ


Hôm nay ngày đầy tháng con trai nên tôi không đi vào rừng. Tiếng thì đầy tháng nhưng chẳng có gì to lớn thịnh soạn cho mâm "cúng mụ" nên tôi chẳng có việc gì phụ với vợ mình. Cái tật không ngồi yên, ngó đám bổi trước nhà nay đã rậm rạp tôi vội ra bứt kiếm thêm một ít để lót trồng khoai. Đám đất quanh vườn tôi càng lúc càng bạc màu. Đã vậy nhưng tôi chưa bao giờ cho đất nghỉ. Hết vụ bắp xong lại trồng khoai. Trồng khoai mà không có bổi thì chỉ có cuốc ra "rễ khoai" chứ chẳng có củ nào. Bổi càng lúc càng hiếm; hết cắt xa rồi lại cắt gần.

Cây bổi lót cho vồng khoai, người dân xã Sơn Mỹ chúng tôi gọi là cây 'nàng nàng' ; ngoài quê Quảng Trị còn gọi là cây cỏ hôi hay cây bông cợi, ở tù 'cải tạo' nhất là tại Ái Tử chúng tôi hay đi cắt loại "phân xanh" này hết núi sạch rừng. Tôi nghĩ vậy không biết có đúng chăng?

Hôm đó tôi gặp may do có đám bổi mọc gần nhà, cạnh con đường dẫn vào xóm trong. Vừa cắt bổi, tôi vừa nghĩ đến ngày đầy tháng đứa con trai thứ hai, chưa biết lấy chi làm cho nó 'vui cửa vui nhà'?
Nhà tôi lúc đó thật ra ở tạm trú dưới mái trường, nơi vợ tôi dạy cho con em trong thôn. Từ ngày có gia đình tôi trú ngụ, mái trường hết cái cảnh 'buồn hiu- buồn hắt' nhờ có tôi là người trông nom. Dù sao, nhờ vào công việc tự nguyện vừa trông nom trường, tôi vừa có đất của trường để trồng trọt kiếm thêm lợi tức[1]

Đám bổi xanh ngắt, đẫm ướt hơi sương vào sáng sớm. Tôi khom người cầm cái liềm cắt bổi tiếng nghe soàn soạt. Vừa cắt, tôi vừa nghĩ tới ngày "khảm tháng" tức là đầy tháng đứa con trai. Có thể vợ tôi chỉ cần mua thêm ít nếp, hai cặp đường đen trên chợ. Chuyện gà vịt, thì nhà tôi đã có con gà mái tơ chưa nhảy ổ.

Những lúc cắt bổi, tôi hay sợ mấy 'chú' rắn lục. Loại rắn này hay đeo vắt vẻo trên cành lá. Thứ lá này có màu xanh lục, tiệp với màu da của rắn lục lá nên khó phân biệt. Thật vậy,  hai tay tôi vừa làm nhưng lại 'ơn ớn' trong người. Nhưng nghĩ tới hình ảnh cuối mùa thu hoạch tức ngày bới khoai-  bao nhiêu là củ khoai to căng tròn, láng bóng nhờ có thứ lá bổi đó làm phân lót vồng, thế là tôi quên cả lo sợ.

-Sợ thì lấy chi ăn?

Đúng vậy, "sợ thì lấy chi ăn" bụng bảo dạ thế; ý nghĩ kia giúp tôi càng bạo dạn hơn lên. Tay trái trần trụi vơ lấy mấy cành bổi, tay phải tôi cắt thoăn thoắt, xong gom thành từng đống...

Đám bổi mới lên sau vụ mưa đầu mùa, mới đó mà đã bị cắt sạch thành từng đống. Triền đất cạnh cái vực lở trong làng, giờ đã lộ ra nền cát trắng, lợn cơn lá khô. Những gốc bổi cây cỏ hôi vừa bị tôi cắt xong, chơ vơ như những ngọn chông nhìn thẳng lên trời.



Chợt tôi điếng người! tim như thót lại ...một vật gì đó, dài tròn như khúc gỗ nằm yên cạnh chân tôi bao lâu mà tôi chẳng hề hay biết?

-UI CHAO CON TRĂN!

Màu của nó thì tôi không lầm vào đâu được. Những bông tròn như loài trăn gấm còn sót lại ở những vực khe gần biển Hàm Tân sau thời kỳ "khai hoang phục hóa ", di dân Quảng trị vào đây hồi 1973. Tôi không ngờ con trăn nằm bất động ở miếng đất bổi gần vực lở này. Không chừng , nó có thể nuốt con gà, con chó, hay con gì đó của nhà chú Đồng, hàng xóm với tôi?

Thật ra, tôi không sợ hãi ngoại trừ lay hoay như 'gà sắp nhảy ổ ' , không biết tính sao, sợ con trăn đi mất . Nó mà bò đi xem như tôi mất tiêu 'một đống tiền'! Ngoài liềm trong tay ra, tôi chẳng có cái gì ! bao không ,mà dây cũng không.
Con trăn giờ hơi nhúc nhích , hình như nó từ từ... di động ?

Bỗng có một bóng người đang tới gần...tôi mừng quá:

-Chú Đồng, chú Đồng ơi, con trăn! con trăn!

Chú Đồng [*]đang dắt chiếc xe đạp thồ ra khỏi nhà ; sáng nay hình như chú ấy lên rẫy trễ hơn mọi khi.

-Mô? ...Mô?

Chú Đồng vứt ngay chiếc xe đạp nghe cái "phịch" bên con đường mòn, chạy tới gần tôi. Thời này mà nghe chuyện được trăn là chuyện vớ được cả đống tiền chứ không phải là chuyện sợ hãi, rùng rợn nào cả. Chuyện trong thôn người ta đem bán trăn đồn "hà rầm"! ba con thú như tắc kè, trút nhím còn bán được huống gì trăn là món hàng "cao cấp".

Tôi đưa tay chỉ xuống con trăn đang nằm bất động như khúc gỗ dài cạnh chân tôi chưa tới một mét.

-Chú Phúc giữ chặt khúc đuôi nghe, để tui chận khúc đầu hắn cho!

Chú Đồng nói là làm ngay. Phần tôi lúc này không biết sao rất can đảm, chẳng e dè chút nào. Đây là lần đầu tiên trong đời, tay tôi túm vào loài rắn. Tôi mím môi dùng hai tay cầm chắc vào phần đuôi. Chú Đồng túm ở phần cổ, hai người nhấc bỗng con vật lên...

Con trăn dài gần hai mét, nặng chình chịch. Lần đầu tiên trong đời tôi túm một con rắn lớn-con trăn. Mà lạ ghê ! nó im lìm 'ngoan ngoản' không một phản ứng chống cự gì cả; như "bị bệnh' , ai làm gì thì làm. Đó là cái may mắn cho cả hai chúng tôi . Chú Đồng vừa cùng tôi xách con trăn ra phía đường vừa nói lớn cho tôi nghe:

-Chắc hắn đớp gà của tui nên hai ngày ni tui tìm không ra con gà mệ nơi chú Phúc ơi!

-À ra rứa!

Tôi đồng ý với chú Đồng, chắc nó ăn con gà mệ của chú chứ không ai vào đây cả. Trăn ăn rồi thì nằm yên chờ tiêu hóa...tiêu hóa ra răng tôi chẳng biết. Biết ra sao qua sách vở mà thôi; lời kể trăn chưa ăn thì hung hăng, nhưng ăn rồi thì nằm yên ai làm chi thì làm?!

Quả thế, hắn nặng thiệt. Khúc bụng của nó trĩu xuống. Hai chú cháu ráng hết bình sinh túm ở đầu và đuôi mang nó đi. Ngang nhà tôi , vợ tôi mới thức dậy, vội che mắt không dám nhìn khi thấy hai chúng tôi xách con trăn bông đi ngang. Thời kỳ này, nhà ông Thu ở xóm trên , cạnh con đường chính lên xã là nhà buôn bán trăn cung cấp cho Thành Phố (Sai Gon). Cũng may nhà ông Thu không xa lắm. Chưa vào sân nhà, hai chú cháu đã kêu ông Thu ơi ới!

Trước cái sân rộng của nhà ông Thu đang phơi vài mẫu da trăn chờ ngày lên Thành Phố (SG) bỏ mối. Hồi này tôi biết mang máng có thể da trăn dùng làm bót loại cao cấp cho phụ nữ hay thứ chi đó ? Tôi chẳng cần biết làm chi; chỉ cần biết số tiền con trăn hôm nay là bao nhiêu thôi?
Ông Thu ra dáng chuyên nghiệp, lấy cái thuớc dây ra,rồi nhíu mày đo đo ...tính tính gì đó:

-Con trăn ni...thiếu một tấc ...Chà tiếc thiệt! nếu khôn thì hắn thuộc loại BA rồi ! giờ hắn thuộc loại 2 thôi!

Người viết cũng xin nói rõ một tí với bạn đọc:
Loại BA thì khoảng từ 30. ngàn trở lên giờ nó loại Hai thì trong vòng hai chục ngàn trở xuống.
Hai chúng tôi nghe thì nghe và biết thì biết vậy. Nếu chúng tôi không bán con trăn này ở đây thì biết bán nó chỗ nào? Không bán thì vô lý đem về nhà cho vợ con sợ bỏ " chạy tán loạn ' hay sao?
Giờ ông Thu mới 'tính chi ly' thêm một lần nữa , ông cho giá cuối cùng là mười tám ngàn đồng , tiền 'chồng'ngay không thêm không bớt.

Thời này một ngày tôi vào rừng bửa ra cho đầy chiếc xe đạp thồ củi về chợ bán chỉ vỏn vẹn 100 đồng bạc 'cụ Hồ' thôi. Nói thế để bạn đọc hình dung giá trị mười tám ngàn đồng ngang đâu?
Chú Đồng và tôi không nói ra, nhưng chắc rằng đều cùng một ý tưởng đó là: tiếc hùi hụi ! do con trăn 'trời cho' kia chỉ thiếu có MỘT TẤC.

Chỉ một tấc mà mất đi MƯỜI NGÀN bạc ,lớn quá đi thôi?! bao nhiêu gánh khoai mới được một ngàn.

Mấy đứa con nít lúc này nghe chúng tôi bắt được trăn bu tới sân nhà ông Thu càng lúc càng đông. Mấy o đang nách rổ đi chợ Tân Sơn, chỉ dám ngó sơ vô sân nhà ông Thu. Con trăn bông vẫn nằm yên không chống cự , chẳng vùng vẫy gì; tuy thế, tay chúng tôi đâu dám buông , cả một đống tiền!

TIỀN TRAO NGAY GIỮA SÂN NHÀ ÔNG THU: MƯỜI TÁM NGÀN!

Chủ nhà giờ bỏ con trăn vào cái bao, chuẩn bị chiều nay giao lên Ba Tô, có mối của ông trên đó.


Hai chú cháu cầm tiền xong liền rủ nhau ra quán chú Hoàng trước chợ "liên hoan "một bữa cho 'sướng cuộc đời'. Cả hai đồng ý cùng tiêu chung một ngàn, còn lại mỗi người chia nhau tám ngàn rưỡi.

Chú Đồng bỏ ngày rẫy , tôi mất một ngày bứt bổi trồng khoai. Tiếc gì hai ngày lao động ; khi không , của đâu trên trời rơi xuống.

Chú Hoàng chủ quán, giờ đem hai chai bia Sài Gòn 'xanh' ra kèm theo một ít lòng heo bóp rau răm làm món nhậu. Hình ảnh dân lao động như chúng tôi ngồi uống bia Sài Gòn, ăn thức nhậu như hôm đó kể cũng lạ ? nhưng mà chẳng lạ gì do chuyện bán con trăn một chút chi trong làng ai cũng nghe tin.
tác giả và chú Hoàng chủ quán gần chợ Sơn Mỹ 7/1995

Quán chú Hoàng vừa là quán ăn, chú còn sửa xe đạp. Thời này xe đạp là phương tiện chính cho người dân di chuyển. Vào rừng cũng nó- đó là xe đạp "thồ". Đi buôn xa cũng nó- tức là xe đạp thồ heo con hay chuyên chở hàng hóa. Hình ảnh con đường đất liên tỉnh 23 lở lói hư hao và phương tiện chỉ là những chiếc xe đạp là số một mà thôi. Nếu không có xe đạp thì chỉ có hai bàn chân con người tháng ngày nhịp bước chai lì  cũng như bao bàn tay thô ráp của giới nông dân năm tháng làm bạn với rẫy nương. 
Tôi khó quên trước mặt quán chú Hoàng còn có hai cái quán chuyên sửa xe đạp khác của anh Oai và anh Lợi nữa. Một thời thợ sửa xe đạp làm không hết việc...

Chú Đồng và tôi vừa uống bia vừa nói chuyện "trên trời dưới đất", không đâu vào đâu. Chuyện rẫy bị đốt luộc [**] khổ như thế nào? chuyện con heo rừng phá sắn, chuyện thằng Thanh bẫy được con heo rừng thật to, tiếc thiệt đến khi vào thăm lại bẫy, con heo rừng chết ngắt ba ngày, thịt có mùi thối!?

Nói gì thì nói, hai chú cháu không dám quá chén , nghĩa là "liên hoan" trong 'một ngàn thôi' , không quá hạn. Vừa nhấp nháp miếng bia Sài Gòn thơm thơm vị bia la de ngày xưa , tôi vừa lấy tay sờ ngoài túi quần xem tám ngàn rưỡi phần tôi còn không? cùng lúc cảm giác ngụm bia mát lạnh đang trôi dần, sâu vào cổ.

Chú Đồng hôm nay vui vẻ cười nói , nhưng chú không biết rằng tôi còn mừng vui hơn chú nữa do cái hôm may mắn đó chính là ngày đầy tháng con trai tôi khi không cha nó "TRÚNG SỐ" TRỜI CHO ./.


ĐHL

*
 nhà văn Huy Phuong có viết ve tác giả bài này nhu sau... "Ông thuộc lớp trẻ vào trận khi mới hai mươi tuổi, phục vụ cho đất nước chưa tới hai năm thì bị bắt làm tù binh, đã qua 5 năm tù khổ sai và 15 năm sống cuộc đời một người dân bị bỏ quên trong vùng “kinh tế mới”.."
dù ngay cả bạn bè họ cũng không hình dung ra 'cái cực' ở cái vùng kinh tế mới xã Sơn Mỹ ra sao ?
Họ nói cực là do thiếu tiền bạc mới là một cách nghĩ thôi.
Sơn Mỹ hồi đó cực từ ngọn gió , cục đất , cho đến miếng nước :
-Gió thổi thì đạp xe không nỗi, có lúc xe đạp như ngừng hẳn khi phải ráng đạp ngược gió ..
-đất cát lún bánh xe thồ đẩy củi về nhà , đoạn trường thật sự
-nước phải đi múc ...từng ly , cái gàu nước phải nghiêng lóng cát ra mới có đúng 1 ly nước đó . Bạn hãy xem đáy giếng nước mạch ra chỉ vỏn vẹn bằng mặt cái thau trên thành giếng cả chục người gánh thùng ra ...đợi
Thôi chờ 1 giờ sáng 2, giờ sáng gánh thùng ra , té 'tư tưởng lớn gặp nhau" vài người đã có mặt bên thành giếng rồi .
Làm ra củ khoai, củ sắn thì cái nạn sùng ăn , sùng khới , hay hạt điều thì sâu đục đọt
Muốn mang nông phẩm về tới Lagi thì phải đạp xe chở về 10 cây số
 20/12/2014


-BỔI: phân xanh , lá cây non để lót trong vồng khoai khi mục nát rất tốt cho cây có năng suất . Bổi người làm nông còn dùng để trộn với phân heo bò để một thời gian làm phân hữu cơ 
[1] hồi này tôi xin làm phu trường để có thêm 'tiêu chuẩn' vài ký gạo nhưng không được vì 'lý lịch'
[*]:chú đây là cách gọi thân mật bà con lối xóm
[**] :rẫy luộc : rẫy chặt hạ xong , chưa khô hoàn toàn bị cháy dang dở nên dọn dẹp rất tốn công 

=============================== 

NĂM XƯA TRIÊNG GIÓNG MẸ GIÀ 

 


 Youtube Võ Đình Đoan 


  Nước Mỹ hàng năm vẫn có ngày Lễ Mẹ bên nhà thì có ngày Vu Lan để nhớ về công ơn mẹ hiền. Hôm nay vợ tôi nhận hoa do đứa con trai từ Boston MA gữi về làm tôi chạnh nhớ đến mẹ già đang sống những ngày tháng xế chiều trong lãng quên trí não.

  Mỗi khi nhớ về mẹ,tôi khó lòng quên được hình ảnh cái chợ quê nghèo tiều tụy đến não lòng hai mươi năm trước. Hình ảnh mẹ già, gánh hàng xơ xác, thân gầy còm cõi vẫn hoài đậm nét trong trí tôi.

 Thời gian lặng lẻ trôi qua xứ biển. Chợ xưa tuy còn nay đà vắng ngắt. Xã hội đang thay da đổi thịt từng ngày, gió thời gian cuốn phăng bao hình nét cũ . Dấu chân mẹ già ngày hai buổi, tảo tần trên nền cát cái chợ đìu hiu, bên gió cát biển khơi, nay hai mươi năm đứa con xa xứ,vẫn mãi hoài trong ký ức .

   Làm sao tôi quên được những tháng ngày Mẹ  vất vả truân chuyên nuôi cả gia đinh . Thời buổi đổi thay , con chồng đi cải tạo, hoàn cảnh túng ngặt đồng cảnh ngộ với bao nhiêu bà con trong xóm, thôn mình. Và gia đình mẹ tôi hoà mình trong nhịp điệu truân chuyên một vùng kinh tế nông phẩm cùng than củi xứ Động . Mẹ tôi đòn gánh đè vai ngày hai buổi chợ nuôi mấy đứa em tôi ăn học , rau cháo qua ngày .    Con chỉ biết giúp mẹ hoạ chăng oằn vai hai tháng ròng vác từ rừng Sơn Mỹ bao nhiêu là cây rừng và những gánh tranh làm lại căn nhà tranh. Và là những vồng khoai , luống bắp trên cái rẫy cát trằng bạc màu vì phong hoá , vì lối canh tác đươc năm nào hay năm đó. Và cái nghèo vẫn đeo mãi cho gia đình ,cho mẹ . Rồi vai mẹ  vẫn mãi oằn lên ngày ngày hai buổi chợ ; chợ Sáng tức là chợ Cam Binh và chợ Hôm Động Đền.   Làm sao con quên được cái chợ nhỏ bé xác xơ cạnh nhà. Chợ Cam Bình với cái đình lợp tôn xiêu vẹo , gọi là 'bề thế' vào thời này . Hai bên là những quán tranh , lỏng chỏng những cái sạp đan bằng cây rừng . Vậy cũng ưu tiên cho các loại hàng "sang trọng " vào thời này như quần áo may sẵn , vài ba xấp vải , hay hàng xén. Mẹ  không có may mắn đủ vốn liềng như người ta . Vốn liếng mẹ  chỉ đủ dọn lên một miếng ny lon trải trên mặt đất toàn cát trắng. Vài ba xấp thuốc rê, vài ba thứ gia vị gói sẵn , hạt chè khô cùng dăm ba thứ lỉnh kỉnh tầm thường dân quê cần đến hàng ngày . Nền cát lợn cợn rác rến lâu ngày , vài ba cơn gió thổi hắt lên phủ đầy trên hàng của mẹ  .
 [IMG] 
BUỔI CHỢ NÔNG THÔN

  Vốn liếng của mẹ co dần đi theo những miệng ăn trong nhà cùng những lon gạo ẩm vàng ố ưu tiên "cho bữa trưa" . Gánh hàng mẹ nhẹ dần, nỗi lo công nợ càng tăng . Chợ sáng mới đông mẹ đã lo gom tièn dành cho con buôn , đòi nợ. Họ ngồi cạnh mẹ thôi thúc , càu nhàu , than vản, ôi ! đủ thứ 'tiếng chì tiếng bấc' ! Chủ nợ này đi thì con buôn khác tiếp đến. Mẹ phải tính toán chia xớt từng đồng tiền bán được trong buổi chợ , tạm trang trải làm sao cho vừa lòng họ. Có những lúc chợ ít khách, mẹ  ngồi thẩn thờ như kẻ mất hồn. Những lúc này nét mặt mẹ vừa buồn vừa lo lắng . Những tiếng cằn nhăn của các mối bỏ hàng như những "nhát dao'  vào tai mạ. 
  Trời vẫn gió ,vẫn cát... tung vào từng mớ thuốc rê, từng "ngảu" hột chè , vài ba gói vị tinh bột ngọt hay tiêu đen loại lép hột rẻ tiền ... Mẹ  còn lo làm sao có vài lon gạo cho trưa nay ?
-mớ cá đuối mạ um sẵn các con nhớ nghe!
  Càng trưa khách thưa dần .
   Chợ Sáng chuẩn bị tan . Gió chướng vùng đất biển vẫn ào ào thổi . Những hạt cát bay vào mắt mẹ . Những hạt cát  làm mắt mẹ mờ mau.  Tháng ngày lo lắng  cùng nỗi ê chề của gánh hàng nhà nghèo. Một thời làm không đủ sống và chẳng ai biết làm nghề gì ngoại trừ vào rừng đốt than làm rẫy?  Gió - cát bao năm mẹ quen rồi .  Mẹ quen từng cơn mỏi mệt hay bao ngày mẹ phải ngồi im chịu đưng . Cái buồn cái lo lớn nhất của mẹ  là làm sao nuôi sống gia đình và nỗi ray rứt theo từng câu năn nỉ với mối hàng, con buôn. Xế trưa mẹ về , ăn uống qua loa.  Có khi mẹ phải bới cho con trên rẫy với món gì ngon nhất. Con biết mẹ ưu tiên cho thằng con bao năm xa nhà. Rồi mẹ  lại sửa soạn gánh hàng cho kịp buổi chợ Hôm. Cảnh chợ Hôm cũng gió cát tung bay ,cũng lác đác vài ba miếng tranh che tạm . Khách quê rất ít , chỉ dành cho người lỡ bữa. Chợ Hôm là nơi ngư dân có được vài con cá lẻ tẻ buổi chiều chạy vội vào đây kiếm vài ba đồng bạc. Lúc này có tiền ,người bán cá mới mua vài ba thứ cần dùng cho buổi kéo lưới ngày mai như vài đồng thuốc hút vài hào gia vị .. . Và lúc này mẹ  bỗng vui vì bán đươc hàng. 

   Đường về nhà ,khi trời mưa con đường đất biến thành con sông "thuỷ lợi" với những hố sâu lồi lõm đầy nước. Có những đoạn nước băng qua đường chảy xiết . Cái cảnh "biển dâu " đường biến thành sông, lúc này hình bóng mẹ liêu xiêu, mò mẫm trong ánh sáng mập mờ. Trời tối hẳn mẹ  mới về đến nhà. Xóm quê những căn nhà tranh le lói ánh dầu , con đường trong xóm đen như mực . Những cơn chớp loé lên trong đêm làm rỏ gánh hàng mẹ  về ngang ngõ. Niềm thương của mẹ dâng trào. Mẹ đã về với mái tranh  ấm cúng. Tiếng ểng ương kêu vang sau cơn mưa , tiếng quê buồn như cuộc đời của gia đình mẹ .

   Thân cò lặn lội gần xa, mẹ nuôi cả gia đình không chút quản công, không lời than vản. Cực khổ vẫn chưa buông tha cho mẹ, cuộc đời không chịu êm xuôi. Chịu đựng mòn mõi lâu ngày thận mẹ suy kiêt, viêm nhiễm . Từng cơn nhức buốt trong người cùng máu mủ nhưng thảm thay, mẹ vẫn cắn răng không nói không than ! Mẹ vẫn  im lìm, đòn gánh đè vai hai buổi chợ sớm chiều . Cái đòn gánh vẫn kẻo kẹt, dày xéo lên đôi vai còm cõi của mẹ. Đau trong thân mẹ vẫn lặng im . Hao mòn thân xác cho đến khi mẹ gục ngã và mẹ phải bị mất đi một trái thận trong người vì nó đã hư thối lâu ngày không còn cứu vãn!   

  Giờ thì mẹ vẫn ngồi đó, trước hiên nhà. Cây phượng xưa buông cành sắc đỏ mỗi hè về nay đã theo bóng Ba cùng về miền dĩ vãng. Chỉ còn lại mẹ bên bờ quạnh hiu, trắng phau hoài niệm chẳng còn chi. Tuổi già trí nhớ đã mất và hình ảnh con cũng đã 'bay xa' trong  trí nhớ mẹ .

   Đã bao mùa Vu lan trôi qua con thật đáng tội vì chưa viết lên được công ơn trời bể và lòng hi sinh vô bờ của mẹ. Càng xấu hổ tủi nhục khi phận làm con không làm sao gánh bớt cơn đau, nổi nhọc nhằn của mẹ hiền.  Con vẫn biết bao lá vàng theo lẽ đất trời sẽ thi nhau rơi rụng trước làn gió thổi, từng lớp người- từng thế hệ sẽ nối tiếp đi xa. Thời gian nối tiếp thời gian những chiếc tàu chia phôi sẽ đưa bao người thân yêu về miền quá khứ.  Nhưng mẹ ơi! trên sân ga chiều tiễn đưa nay mai đó con chưa có dịp  nói một lần ca tụng công ơn mẹ hiền. Buồn thay! giờ có nói có xưng tụng bao nhiêu thì mẹ giờ đây trí não đã lu mờ chẳng còn nhớ nhung hay phân biệt gì nữa? Nay con xin những dòng ray rứt của ăn năn con viết về mẹ  như lời sám hối, lời tri ân. Trời quê vẫn những làn gió chướng thổi về. Cảnh biển xưa sóng bạc đầu cát bụi tung bay vẫn còn... Nhưng Gió ơi xin gió thôi rung, hay là thổi nhẹ để con còn về bên mẹ nói lên những lời xưng tán công đức mẹ già như biển rộng sông dài... nói mấy cho vừa mẹ ơi!


DHL edition for Mother's Day 2015
edition Vu Lan 2019 15/7 AL 2019

======================= 

LAST EDITION 16.8.2023 
 ĐHL SAN JOSE USA 

No comments:

Post a Comment