Tuesday, August 15, 2023

TỔNG HỢP SỐ 9- VIẾT VỀ QUẢNG TRỊ

 MỤC LỤC 


1- BẢN PHỐ ĐÊM TỪNG HÁT VỚI ĐẠI ĐỘI CHIÊU HỒI THÔN ĐỆ TỨ 

2- NHỮNG BUỔI CHIỀU XƯA

3- MỘT LẦN LÉN  THĂM CHÙA SẮC TỨ

4- QUẢNG TRỊ LỤT VỀ, ĐÔNG ĐẾN

5- NHỮNG CON "CHIM SẮT" TỪNG MỘT THỜI BAY QUANH CHÀO THÀNH CỔ


======================================= 


NHỚ ANH HÓA HAY CA BẢN PHỐ ĐÊM VÀ ĐẠI ĐỘI CHIÊU HỒI QUẢNG TRỊ

 



Khoảng sau 1963 phong trào dân tạm cư từ các làng ở Triệu Phong chạy lên phường Đệ Tứ tránh chiến tranh càng lúc càng đông. Sau cánh đồng từ Cửa Hậu (Lao Xá) đi ra có một trung tâm gọi là Đại Đội Võ Trang Chiêu Hồi

 Tại sao tôi có nhiều kỷ niệm để kể cho quý bạn đọc nghe như thế?  Do tôi sinh ra và lớn lên tại xóm Cửa Hậu- một cổng thành thuộc Thành Cổ.  Hơn ai hết,Trần Tài người bạn cùng xóm chắc nhớ nhiều về Đại Đội này do bạn ấy là người con út hiếu thảo; sáng sáng theo phụ mạ bán gánh hàng sáng cho Đại Đội đó ăn...

  Chúng tôi là "con dân thứ thiệt" của xóm Cửa Hậu ngày đó. Ôi nhớ da diết phường xưa, từ lúc tôi cất tiếng khóc chào đời tại nhà Hộ Sinh O Hóa tại Góc Bầu cho đến lúc 'bỏ chạy'  thì đã mười chín tuổi đời.

Hôm nay tôi tình cờ nghe lại bản nhạc Phố Đêm làm tôi nhớ xóm cũ. Năm đó có một  Đại Đội (Võ Trang) Chiêu Hồi thành lập cùng một ban văn nghệ thân quen theo kiểu "cây nhà lá vườn". Bản Phố Đêm thời đó chỉ có anh Hóa, người hay về hợp tác giúp vui, là người hát hay nhất.

Anh Hóa kém may mắn nên có con mắt hơi bị 'hư' và
 một bàn tay có tật. Bởi thế nên anh luôn bỏ một tay vào túi khi đứng hát. Anh hát bản nhạc này nghe thật "mùi"  làm sao! Bởi thế nhớ bản nhạc này thì tôi phải nhớ đến khuôn mặt và mái tóc quăn quăn của anh, một thời Quảng Trị. Giờ nghĩ lại không biết vì sao đơn vị Chiêu Hồi đó lại sướng thiệt? 

Trước tiên tôi phải nhắc đến công trình của quân đội Mỹ nhiều tháng trời liên tục chở đất tới làm cao một vùng ruộng trũng sát ranh giới nhà Ông Nguyễn Tri Duyến. Khi nhắc đến nhà ông Duyến tôi phải nhớ hai con chó đen và trắng. Mỗi lần qua ngõ nhà ông Duyến để ra xem văn nghệ của đại đội Chiêu Hồi này tôi rất 'ngán' hai con chó nhà ông.

Có khi người Mỹ họ còn đem cả đội kèn trống từ đâu bên Ái Tử qua biểu diễn cho cán binh VC hồi chánh thưởng thức. Một bữa nọ bà con xóm chúng tôi nô nức ra nghe họ hòa tấu bản “Đêm Đông”. Ai cũng khen do nghe sao hay đáo để. Văn nghệ 'đều đều' cho đơn vị Chiêu Hồi này làm xóm Cửa Hậu được nhờ lây.  Nhất là về đêm, bà con  xóm có dịp tụ hội đông đúc làm tôi phải nhắc lại bản Phố Đêm anh Hóa hát ngày đó:

Phố đêm đèn mờ giăng giăng
Màu trắng như vì sao gối đầu ngủ yên...

Một thời chiến chinh, phải nói đó là tâm trạng người lính chiến về lại hậu phương. Người lính đó từng dìu người em gái nhỏ dạo phố trong đêm, dù chỉ một đêm thôi để mai anh còn lên đơn vị.

Nhưng thú thật hồi đó tôi nghe chỉ để mà nghe, đâu có thông cảm gì cho tâm tư người lính trẻ. Mà sao anh Hóa cứ ‘độc quyền’ hát nhiều lần bài hát đó? Điều chắc chắn anh hát bài hát đó hay nhất. Sau này tôi có dịp đọc lời nhạc vào phần chót thấy nó lãng mạn làm sao:


Cho tôi mười ngón thiên thần
Cho tôi mười ngón thiên thần
Để rồi dìu người tôi yêu
Dìu người không yêu
Và người chưa yêu...

 
      nhạc sĩ Tâm Anh (1948-2006)
Nhạc sĩ Tâm Anh tên thật là Trần Công Tâm sinh tại Sài gòn vào ngày 29 tháng 7 năm 1948. Khi còn là học sinh của trường Kỹ Thuật Phú Thọ, ở tuổi 20, Tâm Anh đã thành lập ban kích động nhạc trình diễn hằng đêm tại các phòng trà vũ trường và bắt đầu sáng tác. Nhạc sĩ Tâm Anh đánh dấu bước đầu của sự thành công trong âm nhạc nghệ thuật qua bài Phố Đêm vào cuối năm 1968..

***

Nhạc sĩ Tâm Anh tên tuổi nghe khá lạ nhưng nhìn chung nhạc thời trước lời và nhạc thưởng thức là "hết ý"!

Hèn chi anh Hóa hay hát bản này làm mỗi lần nghe bản này làm tôi cứ nhớ đến anh. 
Các bạn ở hai đường Lê văn Duyệt và Duy Tân có thể biết đến Đại Đội Võ Trang Tâm Lý chiến Chiêu Hồi này và ban văn nghệ này. Cán binh VC chiêu hồi thì người viết có quen anh Sơn dân Hà Nội chính cống. Sau vụ 1967 đánh vào Cửa Hậu thì anh ta “biệt tích’ luôn. Cùng với một hai người nữa biệt tích sau vụ 1967, có người đồn họ giả dạng chiêu hồi để về vẽ bản đồ trước khi đánh vào Cổng Lao Xá (Cửa Hậu)? Sau vụ 1967 cổng này bị đóng hoàn toàn. Đơn vị Chiêu Hồi tôi kể trên cũng không còn "nhộn nhịp vô tư" cho đến 1972: thành phố thân yêu QT không còn!

Sau tháng Tư Đen, khi Trại Tù Ái Tử  thành lập (giữa năm 1975): trong năm trại tù tôi còn nhớ như in rằng có Trại Năm, một trại ở giữa Trại Bốn và Trại Một. Chúng tôi ở tù tại Trại Bốn lại gọi quen miệng Trại Năm là  TRẠI CHIÊU HỒI. Những người chiêu hồi trước đó đều đâu có thoát, họ bị "tù cải tạo" trại trại này. Trại 5 sinh hoạt cách biệt. Chúng tôi nhớ lại chẳng có một liên hệ gì với trại đó cả. Những lúc về Đoàn lãnh đồ chỉ có 4 trại chúng tôi gặp nhau và chẳng bao giờ gặp được các người tù Trại 5. Lên rừng hay đi củi gổ chúng tôi chẳng bao giờ gặp người trại 5.  Do sao thì hi vọng ai cũng hiểu thôi và dĩ nhiên chúng tôi chẳng muốn liên hệ gì với họ. 


Trại Năm, một trại tù 'Cải Tạo' cho những người chiêu hồi. Một trại xem chừng biệt lập và âm thầm nhất, ít ai để ý nhất. Đối với tôi lại khác, do tôi có một kỷ niệm nho nhỏ đối với một đơn vị chiêu hồi ngày xưa xóm cũ. Nơi đó có tiếng hát của một người anh văn nghệ hát bản Phổ Đêm  quá hay nên tôi phải kể lại đôi dòng cho quý bạn đọc chơi./.

========================= 

NHỮNG BUỔI CHIỀU XƯA 



Có những lần đi bộ, ngắm ánh chiều dần buông trên triền núi phía xa, tôi chạnh nhớ về những buổi chiều vàng trên quê hương xa thẳm.
Đối với tôi, hai tiếng quê hương giờ trở nên trừu tượng. Quê hương có thể là những ngày thơ dại nơi chôn nhau cắt rốn; cũng có thể là đất mới phương nam, lưu dân Quảng Trị đã chọn sau ngày ly tán. Trong tôi, quê hương còn là hình ảnh những buổi chiều vàng khi ánh nắng thoi thóp của một ngày tàn còn vương đọng trên những mãng đồi sim. Chiều tàn như thôi thúc người tù mau chân vác cây về trại khi trời kịp tối...
Có rất nhiều những buổi chiều vàng trong dĩ vãng. Chúng lưu dấu cho nhiều hoài niệm khác nhau. Thời gian cuồn cuộn trôi nhanh, xô đẩy dòng đời vào nhiều lối rẽ.
***
Tôi nhớ làm sao những buổi chiều, một thời con nít, tuổi bé thơ hồn nhiên vui thú đó là những ngày rong chơi đá dế, thả diều.
Trời trở nồm vài ngọn gió từ mạn biển thổi lên, khi ánh nắng Nam Lào bớt gay gắt là lúc những cánh diều bọn tôi tha hồ bay bổng trên cánh đồng còn trơ gốc rạ.



Từ Cửa Lao Xá, Thành Cổ theo con Đường Ngự ra cánh đồng Hạnh Hoa là nơi bọn trẻ trong xóm chúng tôi làm nơi thả diều thi tài cao thấp. Cánh đồng giáp giới con đường Lê Văn Duyệt, ba tháng mùa hè trống không nhìn thẳng về bờ tre Xóm Tiêu, An Tiêm hay Ba Bến Trí Bưu còn rõ nét. Ruộng này chờ cày đất, đập bằng vồ, sau đó chờ nước từ sông Vĩnh Định lên cho vụ lúa. Nhưng bấy giờ cánh đồng là lãnh thổ của trẻ con chúng tôi làm bãi thả diều.
Ngày xưa chỉ ngần ấy thú chơi, nhưng lứa chúng tôi sao thương yêu nó đến thế? Những cọng tre chuốt mỏng, công phu mềm mại. Những đồng bạc nhịn ăn hàng, tôi mua cho được giấy bóng màu hồng hay xanh cùng cuộn dây gai, lọ hồ, lên tận Chợ Tỉnh mới có. Con diều dán bằng giấy vở, hồ bằng cơm nguội thì thuộc loại thô sơ hay "hết thời" không ai chơi? Những con diều màu mè, bay cao hơn, chắc chắn, có dây gai. Chúng đã tiến hay khá hơn nhiều, là niềm kiêu hãnh cho ai làm chủ nó, trong đó có tôi.
***
DIỀU NGƯỜI LỚN
Tôi không thể nào quên được thứ diều của người lớn, nếu không muốn nói của các cậu tôi. Diều người lớn cũng được thả trên cánh đồng này. Cánh đồng rộng lớn từ xóm Tiêu trải dài tận Hạnh Hoa. Con diều người lớn phải có đồng rộng để làm bãi phóng nó lên. Diều còn mang trên lưng tới ba ống sáo, bay cao 'tận mây'. Thật quá thích, mỗi lần tai tôi nghe được tiếng sáo diều. Tiếng kêu o o như từ trên mây vọng xuống,
Tiếng sáo diều sẽ kêu suốt buổi những khi trời no gió. Ngắm con diều người lớn làm, lòng tôi ước ao thán phục. Cuộn dây gai to lớn đã tuôn ra hết cỡ, sợi dây cong cong cao lên tận con diều đang căng gió phất phơ. Chỉ có các cậu tôi mới cẩm nỗi con diều này. Con nít chúng tôi chỉ có chạy theo, không đứa nào được cầm. Nếu có muốn , chẳng ai cho?
Diều đã lên cao bình yên, thỉnh thoảng lại chao chạnh qua lại theo hướng gió. Yên tâm, cậu tôi kéo diều về nhà. Buộc một đầu dây vào cột hiên, mặc cho con diều đu đưa mãi trên cao với tiếng sáo văng vẳng vọng xuống. Có con diều này, các cậu tôi xem chừng hãnh diện. Có khi các cậu để vậy suốt đêm. Nếu muốn ngưng chơi, con diều sẽ từ từ bị thu ngắn dây lại. Sợi dây ngắn dần, con diều mỗi lúc một to. Tôi cảm thấy chút nào hồi hộp khi Diều trở xuống. Diều đã về nhà, sau một buổi chiều bay bỗng trên đám mây cao. Đối với tôi, nó y như trở về 'từ chốn thần tiên' vậy.
***


Theo lưu dân Quảng Trị xa lìa quê cũ. Từ Mùa Hè đó ra đi, người Quảng Trị trong đó có tôi vĩnh viễn chia tay những buổi chiều vàng quê hương. Người đi không bao giờ còn có cơ hội thấy ánh tà dương được từ từ chìm hẳn dưới rặng Trường Sơn để lại những vệt sáng vàng vọt mờ dần trên nền trời phía tây.
Rồi một miền nam mưa nắng hai mùa. Người quê tôi sẽ dần dà yêu thương quê hương thứ hai này.
Miền nam trở thành hai tiếng thân yêu không biết lúc nào? Quê hưong mới chở che cho người dân mất đất. Nơi đây lại có những buổi chiều vàng. Người làm ruộng về nhà, để lại phía sau rơi rớt vài vạt nắng cuối ngày trên đồng lúa vừa cắt. Người tiều phu nhanh chân vác rìu ra khỏi rẫy. Rừng còn buông lơi bao làn khói xám, nhẹ bay trên cánh rẫy cuối ngày. Lũ mục đồng vội lùa bò về làng, trả lại cảnh rừng tối thẩm phía sau. Buôn bán tảo tần đường xa, có anh thương nhân đang gò lưng đạp nhanh xe mong sớm về nhà khi ánh chiều dần dà tắt hẳn trên dặm đường gió bụi...
***
Thời gian mãi trôi với bao buổi chiều vàng như thế. Bao kỷ niệm, bao mảnh đời cùng sánh vai nhau lùi lại phía sau. Có lúc nào ta dừng chân nhìn lại phía sau để đếm được cuộc đời đã qua mấy buổi chiều vàng? Từng vạt nắng 'thi ân' lên ngàn cây nội cỏ trước khi bóng tối phủ trở về rồi lại có ánh dương rực rỡ của bình minh.
Riêng trong tôi vẫn thương mãi những buổi chiều vàng ngày xưa khi nhiều cánh diều bè bạn bay cao. Tuổi nhỏ mãi rong chơi cho đến khi có tiếng mạ gọi con vang vang trong xóm. Trên cao tiếng sáo của con diều cậu tôi vẫn mãi ngân nga ./.

========================

MỘT LẦN TÔI LÉN VÀO THĂM CHÙA SẮC TỨ



Ngày 21/5/1975 đoàn tù binh VNCH chúng tôi từ Ba Lòng được đưa ngược về lại Ái Tử để thành lập ĐOÀN CẢI TẠO CÓ TÊN LÀ ĐOÀN 74. (Trại 1 rồi tiếp tục các trại khác)
Nhờ được phân công đi lấy kẽm gai tại ngoài căn cứ Ái Tử người viết mới có dịp ghé vào Chùa Sắc Tứ thăm lại các Thầy và mấy chú ra sao? 
Cũng đoàn tù thấp thoáng bới móc ngoài căn cứ Ái Tử cũ này nên người ta thấy tôi và có ai đó nhắn tin vào gia đình ba mẹ tôi đang ở Mỹ Tho tin là tôi 'CÒN SỐNG"! Thế là ở Mỹ Tho 'DẸP BÀN THỜ ' ĐHL xuống? không còn thờ nữa.( Trước đó vài tháng thì nghe ai trong đơn vị tôi chạy vào thấu trong nam và đoan quyết  tin tôi bị chết ở  Lương Mai Phong Điền ngày 23/3/1975 nên ba mẹ tôi đều đặt tôi lên bàn thờ tại Mỹ Tho)

Vào chùa lúc này rất hoang tàn do mới sau tháng 4/1975 tôi mới có dịp gặp lại thầy Thích Ân Cần và cả Thầy TỈnh giáo Hội là THích Chánh Trực đang cùng trụ trì tại Tổ Đình này.
Các chú xưa không còn gặp, chỉ có các chú nhỏ tuổi hơn có thể từ mấy làng mới vào tu sau 4/1975 

ĐHL
============================

                    tượng phật  Bà và hồ sen mặt trước chùa 1967-68 cho đến 1972 thì sụp đổ nay có xây lại mới giống y xưa


NHỚ VỀ CHÙA SẮC TỨ
HỒI KÝ

CHÙA SẮC TỨ CUỐI NĂM 1975: 

Những ngày tàn cuộc chiến, hoàn cảnh đẩy đưa tôi về lại thăm chùa Sắc Tứ. Một ngày khoảng cuối năm 1975 khi tôi được phân công đi lấy kẽm gai về xây dựng trại 4 cải tạo bên thôn Xuân khê, một trái ở về hướng núi  cách chùa khoảng vài ba cây số.

Quang cảnh đìu hiu của chùa những ngày dân chạy tứ tán chưa về làm lòng tôi se lại. Mái tượng Quán Thế Âm đổ nát và hồ sen xơ xác trước chùa hoà lẫn trong không gian vắng lặng làm tôi thêm cảm gíac bơ vơ như đang ở chốn không người. 

   Mặt tiền của chùa đang xây cũng đổ nát theo bom đạn. Sau hậu liêu của chùa cũng còn vững làm chỗ tá túc cho những người ở lại. Tượng Phật chánh điện cũng không còn, đang tạm thay bằng tượng PHẬT đứng bằng đồng nho nhỏ. Hồi trước 1972 xây chưa xong thì biến cố 72 phải chạy để lại chùa hứng chịu cảnh pháo kích bom bay đạn lạc . Cho đến hôm nay cảnh thầy trò trở về sau 1975 như hôm nay trong cảnh đổ nát vẫn lai hoàn đổ nát mà thôi. Đạo hữu tứ tán mỗi người một nơi. Thành phố QT bên kia bờ sông, một nơi từng cúng dường cho chùa nay chỉ còn là đống gạch vụn không người. Mà người xưa của thành phố thân yêu của Chùa ngày đó chắc tản mác khắp bốn phuơng trời như bầy chim tan bầy vỡ tổ đó thôi.

   Tôi cất tiếng tìm Thầy. Một lúc sau mới có tiếng người vài ba o bên thôn Ái tử qua làm công quả nói thầy "đang lao động", còn mấy chú thì cũng đi lao động ngoài xa.

Tôi vòng ra sau chùa thì gặp được thấy Chánh Trực đang lui hui làm cỏ sắn. Thầy chống cuốc nghỉ mệt. Tôi thấy rõ những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán thầy. Bộ áo lam của thầy bạc màu theo mồ hôi muối và cơn nắng ở đây. Hai thầy trò đứng bên vồng sắn, thầy vừa chống cuốc vừa nói chuyện với tôi. Tôi còn nhớ trong câu chuyện, thầy có phân biệt một đoạn về duy linh là gì? chỉ ngần ấy thôi thầy không nói gì 'sâu xa' thêm.

Chợt thầy Chánh Trực nhắc đến mệ ngoại tôi:

"O Bếp mô rồi con." 
"Dạ, mệ con vô đi di dân vô Bình Tuy với gia đình rồi thầy nờ." 

  Thầy mừng vì ngoại tôi vẫn còn. Mệ ngoại tôi tức là bà Bếp Thỏn người làng Hạnh Hoa làm dâu làng Nại Cữu, là bà vải tu ở chùa này đã lâu. Bên Chùa tỉnh Hội có bà Hai (tôi nhớ bà nói giọng QUẢNG ) nấu nướng cho Thầy. Bên ni thì có ngoại tôi. Cả hai bà đều nấu chay rất khéo và ngon. Quý thầy ai cũng khen, đi mô cũng nhắc. Mệ tôi vắng chùa là chùa nhớ. Các thầy các điệu các chú đều nhớ.

Chiến tranh tao loạn tứ tán mỗi người một nơi. Hai mái liêu tả hữu hai bên chùa là những hình ảnh và kỷ niệm cho tôi, nhiều lắm với những lần từ bên thành phố QT qua đây. Những ngày hè nghỉ học tôi hay qua thăm ngoại tôi bên chùa này. Những đám tang của người thân trong gia đình ngoại tôi cũng được chùa cho táng ở đây . Những lần lái honda qua đây chở mệ tôi về nhà 'có việc' hay cả những lúc qua viếng rảnh rang qua thăm chùa thăm mệ hay thắp nhang cho mộ phần người thân.

Thầy hỏi hoàn cảnh của tôi lúc này và đưa tôi vô trong liêu nói ăn cơm với thầy. Một lúc sau thầy Cần cũng đi làm về cùng mấy chú mới tu còn nhỏ tuổi tôi không biết được. Ngang tuổi tôi có mấy chú Tăng chú Đăng lưu lạc phương nào tôi cũng không còn biết.(Sau này ra tù tôi nghe tin chú Đăng bị chết trên Đại Lộ Kinh Hoàng còn chú Tăng thì mất tích đâu không còn ai biết)



các chú đệ tử thầy Thích Ân Cần thời ngoại tôi tu tại chùa ,1967-
các chú này là sư đệ của các chú Tăng - Đăng...phần nhiều người làng Trà Trì và Trà Lộc (Hải Lăng QT)

Khoảng thời gian 1967- 1968  căn cứ Mỹ đóng quanh Chùa, có vài quân nhân Hoa Kỳ hay qua thăm cảnh chùa và chụp hình ảnh này. Những quân nhân này sau này về lại Mỹ và họ đưa lên mạng Internet hình ảnh Chiến Tranh VN trong đó có hình này .


Thầy Ân Cần trước tiên là hỏi tin về ngoại tôi. Mệ tôi hoàn cảnh xa chùa từ 1972 làm chùa nhớ chùa thương. Ngoài kia bên góc phải chùa, cái giếng nước hình vuông nho nhỏ còn đó. Bụi tre la ngà xơ xác đìu hiu phất phơ theo cơn gió và cơn nắng ban trưa. Tôi mường tượng hình ảnh ngoại tôi tháng ngày trước lom khom ra giếng rửa rau để vô nấu cơm cho thầy. Hồ sen năm đó loáng thoáng mấy cánh sen hồng, mấy con cá rô phi lượn lờ cùng bức tượng Quan Âm mới khánh thành. Thòi này căn cứ Mỹ đóng quanh Chùa. Trước chùa là phi trường Ái Tử của Quân Đội Mỹ , thỉnh thoảng có vài người lính Mỹ vào thăm chùa , thăm tượng Quan Âm xong vào chùa chiêm bái tượng phật trong chánh điện. Người Mỹ có khi còn giúp đỡ chùa một mớ ván ép cho chùa chi dụng. Cảnh chùa yên tĩnh cũng là nơi cho một số người Mỹ vào đây tĩnh dưỡng tâm hồn sau những lúc căng thẳng vì chiến tranh bên ngoài. Ngang đây người viết còn nhớ lại một dịp may là nhờ Việt Nam Quốc Tự không đồng ý cho quân đội Mỹ san bằng Chùa với giá đền bù Một Triệu đô La vì lý do an ninh cho căn cứ to lớn này. Cũng nhờ uy linh của các thiền sư trụ trì còn gia độ xui khiến cho vậy, nếu Việt Nam Quốc Tự tại Sài GÒn thời đó đồng ý thì xem như di tích quý báu của Sắc Tự Tịnh Quang Tự đến nay đâu còn ?

Giờ thì...mới đó mới đây chỉ còn là những đổi thay cùng thiếu vắng.

 Một chút chi hai thầy bảo tôi ăn cơm với hai thầy để về lại trại. Từ chối cũng không đành, tôi phải nán lại ít lâu nữa. Om cơm nho nhỏ khoảng 2 lon gạo vài củ khoai tím ruột hấp lên trên. Tôi chỉ giành khoai ăn để nhường cơm lại cho 2 thầy. Thiệt tình đối với tôi vào lúc này ăn mấy củ khoai tím ruột trồng đất cát của chùa là ngon lắm rồi. Tôi không quên được hình ảnh 3 Thầy trò cứ nhường qua nhường lại. Chén nước tương giờ này cũng loãng, miếng rau luộc cũng không đậm đà; giá như còn ngoại tôi ở lại với chùa, tôi nghĩ thầm trong bụng. ..Ngoại xa quê, mái liêu chùa trở nên trống vắng, cảnh chùa buồn làm lòng tôi thấy buồn hơn. Tôi làm sao quên đươc "chú Hợi" con heo đen chùa nuôi để lấy nguồn phân bón. Cái nanh của "chú Hợi" già tuổi quá cho đến lúc cả hai dài và cong vuốt lên. Tôi còn nhớ, ngoại tôi khoe rằng " chú Hợi cũng được Thầy cho quy y rồi". 

Hòa thượng Thích Chánh Trực lúc ngài làm Chánh Đại diện Phật GHPGVNTN tỉnh Quảng Trị

Bữa cơm tuy đạm bạc nhưng ba thầy trò trở nên tương đắc. Hai thầy cũng cho biết bên hợp tác xã cũng bán cho chùa mỗi tháng mỗi thầy 8 ký gạo "tối thiết".Ba thầy trò vừa ăn vừa kể lại chuyện mấy năm trước khi Thành Phố vẫn còn .. .Kể về cái chợ Quảng trị ngày xưa, chùa hay qua lại bán vài ba thứ do chùa trồng trọt  như đậu mè khoai sắn chẳng có gì quý để mua vài ba món cần dùng. Ngày đó khách thập phương bên Tỉnh năng qua lại chùa viếng cảnh và lễ phật.Ai lễ xong đều ra hóng mát ngoài hồ sen và chụp ảnh dưới chân tượng đài Quán Thế Âm. Đạo Hữu bên Tỉnh tôi nhớ có thương gia Nguyễn Xuyến năng cúng dường giúp đỡ cho Chùa nhiều lắm. Mệ Xuyến cũng rất mến bà ngoại tôi. Ai vô chùa cũng hay hỏi thăm O Bếp mô rồi...Hôm nay cũng vậy thầy Chánh Trực hay Thầy Ân Cần đầu tiên khi gặp tôi là hỏi thăm "O Bếp mô rồi?"

Nếu không có chuyện 1972 và 1975 thì giờ này thầy Chánh Trực còn trụ trì bên chùa Tỉnh Hội Quảng Tri chứ đâu ngồi đây ? Hoàn cảnh đổi thay đố ai biết được. Thầy Chánh Trực trước là đệ tử tại chùa Kim Tiên và sau này mệ ngoại tôi cũng được thọ giới đốt nhang lãnh Y Bát tại mùa kiết hạ tại chùa Kim Tiên nên thấy Chánh Trực mới năng hỏi o Bếp . Thầy Ân Cần thì không lạ gì ngoại tôi là bà vải ngày tháng bếp núc bên hữu liêu của chùa . Giờ (1975) mệ  tôi ở tận trong nam tình hình ra sao ba thầy trò làm sao biết được    Ba thầy trò vương vấn chưa được bao lâu thì tôi phải giã từ để về lại trại. Từ đó tôi biền biệt ra Bắc vô Nam tôi không còn có dịp về lại chùa nữa.

                                       *****
========================================
trich:
https://giacngo.vn/lichsu/2017/04/01/775283/



Sáng ngày 22 tháng 04 năm 2015 nhằm ngày 04 tháng 03 năm Ất Mùi tại Tổ đình Kim Tiên, phường Trường An, thành phố Huế; chư Tăng bổn tự đã trang nghiêm tổ chức Lễ Húy nhật cố Hòa thượng Thích Chánh Trực (1931 - 1995).theo http://www.phatgiaohue.vn/Print.aspx?TinTucID=3547  =====================================

    Không ngờ năm 1991 tôi từ Bình Tuy ra đến Đông Hà vì bôn ba theo chuyện giấy tờ. Trên chuyến xe vô nam tôi lại có cơ duyên vô lại thăm chùa. Tôi không còn gặp được thầy Chánh Trực nữa. Thầy Thích Ân Cần đang đau. Thầy chống gậy dẫn tôi ra hậu liêu chỉ vào cái tháp của thầy Thích Nhật Lệ thầy bảo tôi:

" con coi ngó rứa mà Thầy Nhật Lệ lại đi trước Ôn tề" 

Thầy Nhật Lệ viên tịch trong nam. Lúc mệ ngoại tôi mất ở xuân sơn Bà Rịa năm 1984 thầy Nhật Lệ từ chùa Hải Quang Sài Gòn có về chủ lễ cho ngoại tôi tại đó.

Thầy lại chỉ vào bảo tháp xây sẵn cho thầy, "mai mốt Ôn viên tịch cũng đưa vào trong ni". Tuổi đời chồng chất, thầy trụ trì tại đây lúc tôi còn bé con năng qua lại chùa.

Hồi đó mỗi lần qua chùa thăm ngoại, thăm chùa, nên ai cũng nhớ mặt tôi. Tôi nhớ thầy còn khỏe mạnh. Thời gian phôi pha, vật đổi sao dời. Dáng thầy run run chống gậy chỉ vào bảo tháp sinh phần của thầy, tôi thấy dòng thời gian sao trôi chóng vếnh quá thôi. thoắt đó thoắt đây kẻ ở người đi. Thầy cũng sắp đi, bình thản trước cảnh tử sinh trong cõi ta bà. Trong nam ngoại tôi cũng không còn nữa. Tôi mường tượng hương hồn ngoại tôi cũng theo gió xuôi trung về lại với chùa vì ngoại tôi tu đây cũng hơn mười mấy năm rồi.

Ngàn cây ngọn cỏ cũng còn xao xuyến. Thầy ở lại con phải vô nam bước chân viễn khách của con phải còn đi xa hơn nữa.

Mấy hôm đó thầy Ân Cần hình như bệnh nhiều. Thầy gượng gạo ngồi ăn cơm với tôi cũng cơm hẫm nước tương chẳng chút đậm đà. Tôi ái ngại nghĩ bụng làm sao thầy nuốt cho vô trong cơn bệnh hoạn này. Bữa cơm thầy buông đũa sớm vì thầy phải về nghỉ mệt.
Câu nói của Thầy như một lời trăn trối với tôi trước khi tôi từ biệt thầy ra lộ đón xe vô lại phương Nam:

"Thầy nhờ con nhắn nhủ đạo hữu phương xa,nhất là ai có gửi mộ phần người thân tại chùa, đi làm ăn mô năng nhớ về chùa nghe con?"

Thầy còn gửi cho tôi bức ảnh của thầy nhờ gữi cho dì Võ thị Liễu  tôi. Dì tôi hồi còn buôn bán ở chợ Tỉnh Quảng trị rất thương về chùa.

Vào nam rồi ít lâu sau thì tôi nghe tin thầy Thích Ân Cần viên tịch.
Thời gian tuy phôi pha, hình bóng những người xưa cùng nhau về miền quá khứ tuy vậy tôi viết ra đây những dòng ký ức chân thật từ đáy lòng.

Nhất là lời hứa với người xưa, tôi không thể nào để "gió thoảng mây bay" rằng "những ai đi xa dù ở phương nào nên nhớ về chùa nghe con."

Đó là tình thương của thầy để lại cho Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang Tự cho những ai đang tu hành tại đó trước khi thầy về với Phật.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

ĐHL ngày cuối năm 2010


LAST EDITION BY ĐHL 23/6/2020 SAN JOSE USA

                                            Đài Quan THế Âm hôm nay



               hiện nay hổ sen và chùa đã xây lại theo y mô hình xưa 

=========================

QUẢNG TRỊ QUÊ MIỀNG - LỤT VỀ ĐÔNG ĐẾN



LỤT ĐẾN, LỤT  ĐI VÀ  ĐÔNG LẠNH LẠI VỀ 


Còn nhiều cảnh đau khổ hàng năm về cảnh lụt lội quê nhà. Lụt về sau càng khắc nghiệt hơn trước. Quê hương vẫn mãi chịu sự hành hạ của 'tai trời ách nước' nhưng biết làm sao?

Mưa gió bão bùng, lụt lội hàng năm đã là cái vòng lẩn quẩn. Những cơn hạn khô khốc, nắng nóng hui da qua đi thì tiếp đến là lũ- muôn triệu khối nước mênh mông phủ tràn thành phố xóm làng, phủ chụp lên đôi vai gầy của người dân 'đất khổ'!?


Lụt sẽ qua, nước sẽ rút, nhưng rồi màn trời lạnh lẽo lại về. Mấy chiếc nón mãi cúi đầu dưới bao trận mưa dai dẳng. Bầu trời mãi một màu xám ngắt. Màn nước từ trời, giăng giăng phất phơ theo gió... Người mình từ trước đến nay vẫn chung nhau một khung trời muôn thưở. Cứ độ thu qua thì lụt tới. Hàng năm như thế, mỗi lúc nước dâng chúng ta lại cùng một lời khấn nguyện:


LẠY TRỜI LỤT QUA, NƯỚC RÚT!


và đông lạnh tiếp tục trở về.


từ bờ sông Thạch Hãn đường Gia Long trước Tòa Tỉnh này lên một đoạn là Bến Hộ (dưới)

Hai bờ sông hiện ra rõ nét, những chiếc thuyến nan tiếp tục trở về bến cũ. Năm ba nơi còn ai đó quăng chút lưới chài cuối mùa, kiếm mớ cá cỏn con. Trên bờ, ai bận bịu công chuyện mới ra đường. Những tấm ni lông choàng quanh người, mưa tạt rào rào hay gió bay phần phật.


hình: nước  lụt làm hồ quanh thành cỗ dâng tràn con đường Duy Tân, người dân đi lội lụt chơi, có người cất rớ kiếm cá lụt. Hình này chắc khoảng đầu thập niên 1960. Từ trường Trung Học Nguyễn Hoàng ngó về Cửa Tả phía xa xa - bên trái là bức tường Cổ Thành và Cửa Tả . Cửa Tả  ngó về huớng làng Quy Thiện (bi đóng từ xưa  nên không có lối vào. Năm này phía phải còn trống, chưa có cơ quan Mỹ MACV)

 Mong làm sao chợ đò đông lại, còn mấy tháng nữa là tết lại về. Cảnh những gánh than ưu tiên dùng vào dịp tết khi người ta cần rim mứt, nhưng chuyện dùng than thời nay xem bộ mấy ai? Chợ đò ngày nay đầy đủ mặt hàng, nơi nào cũng vậy, chỉ cần cái túi đầy tiền mua gì có đó. Thế là hiếm thứ hương vị lúc mùi thơm mứt gừng xông bay khắp nơi vào những ngày giáp tết.  Trời lạnh nhưng trong nhà hơi ấm từ lò than rim mứt lan tỏa tràn trề. Mùi mứt  và hơi than, kỷ niệm đông về -tết đến, đã năm mươi năm như còn lẩn quất đâu đây?


Dãy Trường sơn trên xa kia- rừng núi bao la bất tận giờ là chuyện của đập và đất, ngăn sông chận dòng hay xả lũ, thủy lợi và chết chóc không còn là những gánh than triêng củi mộc mạc như xưa.







Đông về tết đến mong sao còn lại cảnh vài ba gánh cải cay hé bông vàng chóe , hay mấy gánh kiệu lá dài xanh mướt từ Nhan Biều qua hay dưới Sãi còn được gánh lên. Đông về, phố xá chìm trong màn mưa, những quán hàng những tiệm ăn ế khách, ai cũng lái xe chạy mau về nhà. Thôn quê, chẳng hơn gì khi ngoài đòng chỉ còn những cánh đồng loang loáng nước lụt. Nước vẫn còn, vài ba con nhạn lác đác bay nhanh qua...

Bầu trời vùng quê ẩn hiện trong bầu không khí lạnh giá, ẩm ướt mờ mịt mưa phùn hay mây sa xám ngắt...

Cầu trời lụt, lũ qua nhanh rồi mùa đông về lại trên quê hương mình để Quảng Trị  có một cái tết sắp về. Dù muốn dù không cái nhịp điệu quê hương vẫn mãi hoài như thế. Những truân chuyên với trời đất đã thấm nhuần vào ký ức người Quảng trị, truyền đời lại thành những khúc nhớ khó quên. Lạ thật, mưa gió bão bùng cùng mùa đông tháng giá nay bỗng dưng trở thành những hoài niệm thân thương không biết lúc nào./.


===============================================


NHỮNG CÁNH CHIM SẮT TỪNG MỘT THỜI BAY QUANH CHÀO THÀNH CỔ 


A4E SKYHAWK / Ó TRỜI


Chiến tranh vẫn sôi động. Nó đến quá gần khi hàng đêm bà con mình nằm nghe tiếng hú của pháo 122 ly vẫn rập rình đe dọa người thành phố. Học sinh QT vẫn gắng ôn bài hàng đêm khi kỳ thi tú tài đến gần. Bao nhiêu giấc ngủ người mình chẳng yên. Chuyện hàng đêm sao mãi hồi hộp canh chừng mỗi lúc nghe tiếng pháo bên kia đang xé gió rơi vào Thành Cổ, cả nhà liền lao nhanh  xuống hầm trú ẩn.

Hàng ngày mọi người thành phố vẫn không quên chuyện xúc thêm thật nhiều bao cát chất dày thêm cho cái hầm tránh pháo. Sợ hãi, ám ảnh,  càng lúc càng tăng do chiến tranh, cụ thể hơn là pháo bên kia rót vào thành phố càng lúc càng dày. Người xóm tui, quả thật tiếc cho cái nhà ngói mới xây chưa kịp ăn mừng tân gia. Đó là nhà của bác Nguyễn thành Ngô làm nghề y tá trong thôn. Mới vừa rồi nhà O Hoài bị pháo bên kia rót trúng, pháo không vào thành cổ mà nổ vào nhà O khiến đứa con trai chết oan. Phía Cửa Hữu tức là cửa thành Đinh Công Tráng, Tiểu Khu vô ra, nghe tin nhà giặt ủi cạnh Trường Nam bị pháo rót trúng...còn nhiều nhà dân nữa, toàn bị pháo rót oan khiên... Chết chóc tang thương, biết kêu vào ai, kiện ai thật là chuyện đau khổ của người dân thành phố khi "trời kêu ai nấy dạ". 

Con đường Lê Văn Duyệt tiếp đến Duy Tân rồi lên trường Trung Học Nguyễn Hoàng sao quá thân quen.  Nhưng có thứ thật lo thật buồn do không gian không còn an bình khi tiếng gầm rú của mấy chiếc C130 bên kia phi trường Ái Tử lên xuống liên tục. Tuổi học trò có thể rời bàn tay cầm vở khoác áo  kaki bất cứ lúc nào khi chiến tranh lên tiếng gọi? Nó đến thực sự, từng giờ, từng ngày, càng lúc càng căng thẳng. Dẫu sao tôi vẫn cố gắng, vừa đi học vừa lẩm nhẩm ôn bài. Tôi phải gắng sức cho đậu, ít nhất là Tú Một nếu khoác áo chiến y.

       






               F105  THUNDERCHIEF 


F 4C Phantom


Những suy nghĩ không yên, ngắt khúc, dọc đường tới trường hay theo lối Duy Tân về nhà do tiếng động cơ ầm ầm của nhiều phi tuần chiến đấu cơ của không quân Mỹ từ ngoài hạm đội Bảy ngoài biển bay vô. Hàng ngày vẫn thế. Phi cơ phản lực gầm rú bay lên hướng Trường Sơn.  Sau những phi vụ oanh kích, mấy chiếc F4C Phantom mũi đen hơi gập xuống, những chiếc F4B mũi sơn trắng, bay vòng quanh như muốn 'chào' Thành Cổ QT?  Phi cơ bay thấp đến độ mình có thể  thấy được mấy chiếc nón trắng tròn tròn của anh chàng phi công 'xứ cao bồi' nào đó? Những pilot này như đang vẫy tay chào người QT bằng cách chao cánh bay vòng. Mấy phi tuần 3 chiếc, 4 chiếc động cơ nổ ầm ầm... 

sau từng phi vụ trước khi ra lại Hạm Đội 7 hay về lại Phi Trường Đà Nẵng các phi tuần 2 hay 3, 4 chiếc hay bay quanh như chào Thành Phố QT

Tôi là người mê phi công từ dạo đó...ôi tiếng gầm của động cơ phản lực, âm thanh đi sau hình ảnh phi cơ.

Lại có mấy chiếc F105 Thunderchief cái mũi nhọn hoắc hay chào thành phố thân yêu của chúng ta trước khi về lại Đà Nẵng.

Hàng không mẫu Hạm ngoài kia vang danh chiếc Enterprise lênh đênh ngoài biển là nơi xuất phát những phi xuất A4E Skyhawk, F4 B

3 HÀNG KHÔNG MẪU HẠM TRONG CHIẾN TRANH VN CỦA HẠM ĐỘI 7 TỪNG LÊNH ĐÊNH NGOÀI BIỂN ĐÔNG NAY ĐÃ 'VỀ HƯU" LÀM BẢO TÀNG CHIẾN TRANH

                       USS ENTERPRISE

                  USS KITTY HAWK

                         USS MIDWAY


HKMH USS MIDWAY NAY ĐÃ TRỞ THÀNH BẢO TÀNG TẠI SAN DIEGO CALIFORNIA
chương trình Đại Hội Toàn Quốc Đồng Hương QT 2023 sẽ có Ghé Thăm USS Midway vào ngày 3.7.2023



***

  F 105 nó xuất phát từ Phi Trường Đà Nẵng (hình dưới) xem chừng hiếm bay hơn mấy chiếc A4E Skyhawk. Phi cơ hạm đội Bảy vào vùng trời QT thời này phần nhiều là A 4E Skyhawk chúng có cánh hình tam giác. Rồi một thời gian tôi lại thấy vài chiếc B 57 Canberra nữa, nhưng mấy anh chàng này cục mịch quá, không đẹp như F 105 hay ‘ngầu’ như F 4 phantom. Nghe đâu F- 4 cũng đậu tại Phi trường Đà Nẵng.


A 1E SKYRAIDER VNCH


hình dưới: Phi Trường Đà Nẵng với các loại F105 ThunderChief và A1 E Skyraider -A37, F 5E trong cuộc chiến VN



A 37 

F 5 E


Lạ thật sao những năm này tôi mê nghiên cứu về phi cơ như ông già “mê thuốc lào’ đến thế? Những chiếc A 1E Skyraider, A 37 đen  hay F -5E xam xám là của phi công VN.  Phi cơ cánh quạt của VNCH bay qua Thành Cổ hay dội bom mấy làng ven biên như thời đó mình còn nhớ thả bom xuống làng  An Trú hay Gia Độ khoảng năm 1965-66?- Từ thành phố nhìn về làng hướng An Tiêm, chiếc Skyraider của VNCH chúi xuống rồi trái bom màu trắng bạc rơi kèm theo là cột khói trắng hình nấm bốc lên cao...rồi tin chiến thắng hay những trận đánh càng lúc càng gần. QT ngay thành phố cũng chẳng yên do pháo rót vào. Dưới làng lực lượng bên kia dày đặc phát triển đến nổi phải bỏ bom. Các trận đánh càng lớn. Chiến tranh dồn dập.  Căn cứ Ái Tử thành lập ... Phi cơ chiến đấu của Mỹ từ Hạm đội Bảy bay vào càng nhiều hơn. Hàng đêm người thành phố nằm ngủ chẳng yên. Sợ pháo kích, hồi hộp. Tai nghe nhiều hồi bom B-52 trên núi, mặt đất rung rinh liên tục từng tràng dài làm chấn động cửa sổ, chân giường ...rồi căng tai mà nghe tiếng hú của pháo hỏa tiễn 122 ly của họ rót vào Thành

                          F 4 PHANTOM

Bao nhiêu hình ảnh của một thời chiến tranh, trong đó có những cánh chim bằng từng bay vài vòng; đó là tiếng chiến đấu cơ phản lực của đồng minh họ đang chào người dân thành phố, những đôi cánh bạc lấp lánh dưới ánh mặt trời trước khi chúng bay mất hút ra hướng biển.

Ngoài kia là biển, dĩ nhiên không xa lắm. Tôi tưởng tượng có một  Hạm Đội mà cả đời tôi chưa hề thấy được. Nhiều chiếc tàu to lớn bập bềnh trên sóng Biển Đông. Từ đó tung ra những cánh chim sắt cùng nhiều phi vụ xuất kích...



SÂN BAY ÁI TỬ MỘT THỜI RỘN RÀNG

C 130 & KHE SANH KHÓI LỬA 

Đó là một thời chiến tranh. Một quá khứ có những đứa con trai từng tưởng tượng ra một bước đường binh nghiệp trước mắt lúc quê hương lên tiếng gọi. Tôi, thú thật mê máy bay khi còn cắp sách đi học. Đường đến trường- trong đầu ôn bài -miệng mình lẩm bẩm  nhưng hai  tai lắng nghe tiếng ầm ầm của phi cơ.

 NHỮNG CÁNH CHIM TRỜI TỪNG CHAO ĐÔI CÁNH SẮT NHƯ CHÀO THÀNH CỔ MÀ THÍCH ĐẾN NGẨN NGƠ?

Quá khứ qua mau cùng bao dập vùi, biến đổi? Tôi lại nghĩ: giá như mấy con tàu kia "còn bập bềnh" ngoài đó không bỏ đi xa. Giá như ngày đó những chiếc chiến đấu cơ kia còn nghiêng cánh "chào THÀNH" thì hôm nay đâu có một sự thật khác xa như vậy.

Không biết có phải vậy chăng? 

Đúng, sai tôi  không dám quyết, nhưng giấc mộng ngày xưa "đi mây về gió" bất thành: ĐÓ LÀ SỰ THẬT mà thôi./.
 


No comments:

Post a Comment