Bao năm qua biến đổi chẳng ngừng, con không biết cái chợ thôn mình ra sao có thay đổi gì không? Thời gian lặng lẽ trôi qua xứ biển Động đền. Làm sao con quên được những tháng ngày dài mạ vất vả truân chuyên nuôi cả gia đinh trong hoàn cảnh nghèo nàn khốn khó. Thời buổi đổi thay, hoàn cảnh túng ngặt, đồng cảnh ngộ với bao nhiêu bà con trong xóm thôn mình .
Và gia đình mạ tôi cũng hoà mình trong nhịp điệu truân chuyên một vùng kinh tế nông phẩm cùng than củi xứ Động. Thêm vào đó đưa con trai của mạ phải xa nhà theo vận nước đổi thay.
Khi tôi trở về đoàn tụ với gia đình mình thì Động đền- Hàm tân hoàn cảnh thay đổi. Tôi chỉ biết giúp mạ mình đó là hàng ngày vào rừng vác về nhà bao nhiêu là cây rừng, gánh tranh mới sửa lại mái nhà tranh. Đứa con trai giờ chỉ biết những vồng khoai, luống bắp trên cái rẫy cát trằng bạc màu, phong hoá theo lối canh tác đươc năm nào hay năm đó...
Rồi cái nghèo vẫn đeo mãi cho gia đình, cho mạ tôi. Đôi vai mạ vẫn kẻo kẹt tháng ngày hai buổi chợ; chợ sáng Cam Binh và chợ Hôm Động Đền .
Làm sao con quên được cái chợ nhỏ bé xác xơ cạnh nhà. Chợ Cam bình với mái đình lợp tôn xiêu vẹo tạm gọi là to lớn nhất. Hai bên là những quán tranh, lỏng chỏng những cái sạp đan bằng cây rừng. Những cái sạp hàng tuy đơn giản vậy cũng ưu tiên cho các loại hàng "giá trị " vào lúc đó như quần áo may sẵn, vài ba xấp vải hay năm ba loại hàng xén.
BUỔI CHỢ NÔNG THÔN
Tết Ất Tỵ 1995 (Lâm Ân đang bồng em Lâm Thu, và mẹ Huệ đang cúi lựa dưa, cùng Khang, Trung đứng nhìn bên cạnh)
Vốn liếng của mạ co dần đi theo những miệng ăn trong nhà cùng những lon gạo ẩm vàng ố ưu tiên "cho bữa trưa". Gánh hàng mạ nhẹ dần, nỗi lo công nợ mạ càng tăng. Chợ sáng mới đông mạ đã lo gom tièn trang trải cho con buôn. Họ ngồi cạnh mạ thôi thúc , càu nhàu, than vản, ôi đủ thứ tiếng nặng nhẹ gieo vào tai mạ! Chủ nợ này đi thì con buôn khác tiếp đến. Mạ phải tính toán chia xớt từng đồng tiền bán được trong buổi chợ nghèo để tạm đắp đổi cho từng con buôn cố gắng làm sao cho họ vừa lòng.
Có những lúc chợ vắng khách, mạ tôi ngồi thẩn thờ như kẻ mất hồn. Những lúc này mạ vừa buồn vừa lo lắng nét mặt mạ đăm chiêu suy nghĩ con nhìn rất rõ. Những tiếng cằn nhăn của các mối bỏ hàng ôi đủ thứ tiếng bấc tiếng chì đổ vào tai mạ. Trời vẫn gió ,vẫn cát tung vào từng mớ thuốc rê, từng "ngảu" hột chè , vài ba gói vị tinh- bột ngọt hay tiêu đen loại lép hột rẻ tiền ...
Mạ tôi còn lo làm sao có vài lon gạo cho trưa nay. "Mớ cá đuối mạ um sẵn các con nhớ nghe!".
Càng trưa khách thưa dần. Chợ Sáng chuẩn bị tan . Gió chướng vùng đất biển vẫn ào ào thổi . Những hạt cát bay vào mắt mạ. Những hạt cát theo tháng ngày làm mắt mạ mờ mau. Tháng ngày lo lắng, gian khó, cùng nỗi ê chề của gánh hàng nghèo. Một thời làm không đủ sống và chẳng ai biết làm nghề gì ngoại trừ vào rừng đốt than làm rẫy?
Gió cát bao năm mạ quen rồi cũng như từng cơn mỏi mệt bao ngày mạ phải ngồi chịu đưng. Cái buồn cái lo lớn nhất của mạ là làm sao nuôi sống gia đình và nỗi ray rứt theo từng câu năn nỉ với chủ nợ mối hàng.
Xế trưa mạ về ăn uống qua loa. Có khi mạ phải bới cho con trên rẫy với món ăn gì ngon nhất. Con biết mạ ưu tiên cho thằng con bao năm xa nhà. Rồi mạ lại sửa soạn gánh hàng cho kịp buổi chợ Hôm.
Cảnh chợ Hôm cũng gió cát tung bay, cũng lác đác vài ba miếng tranh che tạm. Lèo tèo vài ba người khách nhà nghèo chỉ đi chợ khi lỡ bữa. Chợ Hôm là nơi ngư dân có được vài mớ cá nhỏ buổi chiều chạy vội vào đây kiếm vài ba đồng bạc. Lúc này có tiền ,người bán cá mới mua vài ba thứ cần dùng cho buổi kéo lưới ngày mai như vài đồng thuốc hút vài hào gia vị. Lúc này mạ bỗng vui lên vì bán đươc hàng.
Đường về nhà mỗi lúc mưa con đường đất biến thành con sông "thuỷ lợi" với những hố sâu lồi lõm đầy nước. Có những đoạn nước băng qua đường chảy xiết. Cái cảnh "biển dâu " đường biến thành sông. Lúc này hình bóng mạ xiêu xiêu mò mẫm trong ánh sáng mập mờ. Trời tối hẳn mạ mới về đến nhà. Xóm quê những căn nhà tranh le lói ánh đèn dầu. Con đường trong xóm đen như mực. Những cơn chớp loé lên trong đêm làm rõ gánh hàng mạ về trước ngõ. Niềm thương của mạ dâng trào; mạ đã về với mái tranh nghèo ấm cúng.
Tiếng ểng ương kêu vang sau cơn mưa; tiếng quê buồn như cuộc đời của gia đình mạ. Thân cò lặn lội gần xa, mạ nuôi cả gia đình không chút quản công không lời than vản.
Cực khổ vẫn chưa buông tha cho mạ, cuộc đời không chịu êm xuôi. Chịu đựng mòn mõi lâu ngày thận mạ suy kiêt và viêm nhiễm. Từng cơn nhức buốt trong người cùng máu mủ. Nhưng thảm thay! mạ vẫn cắn răng không nói không than. Mạ vẫn chịu đưng hai buổi chợ sáng- chiêù và cái đòn gánh vẫn kẻo kẹt tháng ngày dày xéo lên đôi vai còm cỏi của mạ. Đau trong thân mạ vẫn lặng im. Hao mòn thân xác cho đến khi mạ gục ngã và mạ phải bị mất đi một trái thận trong người vì nó đã hư thối lâu rồi không còn cứu vãn được!
Mạ tôi đi chợ Cam Bình về (1995)
(cháu đinh viễn Dương trong sân nhà nội trước ngày đi Mỹ)
Đã bao mùa Vu lan trôi qua con thật đáng tội vì chưa viết lên được công ơn trời bể và lòng hi sinh vô bờ của mạ. Con càng xấu hổ tủi nhục phận làm con không làm sao gánh bớt cơn đau nổi nhọc của mạ hiền. Vu lan này xin những dòng hồi ký của ray rứt của ăn năn con viết về mạ như lời sám hối, lời tri ân về mạ .
MẸ GIÀ NHƯ CHUỐI BA HƯƠNG
XIN TRỜI NGƯNG GIÓ RUNG TÀU LÁ CÂY
Gió ơi! xin gió thôi rung, để con còn về bên mạ nói lên những lời xưng tán công đức mạ tôi như biển rộng sông dài, mạ ơi!
Mùa VU LAN 2010
phật lịch : 2554
dì tôi về thăm Mạ
BUỔI CHỢ CUỐI NĂM
Chợ vùng tôi ở cách thị trấn La Gi không xa nhưng rõ ràng là hình ảnh một ngôi chợ quê không sai một mảy may nào. Đó là hình ảnh quen thuộc bao lâu nay mà người mình còn nhớ. Cũng ngôi đình xiêu vẹo ở giữa, vài sạp hàng tre, gỗ, ọp ẹp hai bên trên nền cát lợn cợn đầy rác.
BUỔI CHỢ CAM BINH NGÀY CUỐI NĂM 1994
Hôm nay là ngày 30 tết nên buổi chợ quê Cam Bình đông đúc và náo nhiệt lạ thường. Mua bán sáng nay phần đông dành cho người đầu tắt mặt tối, làm lụng ruộng vườn rẫy bái, cho đến hôm nay mới còn cơ hội mua vài thứ về kịp cúng buổi chiều cuối cùng của một năm làm lụng. Giới có tiền, có đời sống thoải mái hơn thì lo lắng vật phẩm thức ăn cúng kiếng mấy ngày trước rồi.
Chợ hôm nay rực rở hẳn lên bởi những bó bông rẻ tiền, đơn điệu mới nhổ còn nguyên rễ, bó quanh vài ba miếng lá chuối xanh xanh. Đây là bông bình dân dành cho người trong thôn 'quần thô áo vải', còn ít thì giờ mua nhanh vài thứ lo mâm cúng trong bữa chiều còn lại. Ngày 30 tết, dù cho tháng thiếu còn 29 ngày, ai cũng gọi chung một tiếng là "30 tết".
Giờ mấy bác mấy o đang mua vội vài chùm bông thọ, bông cúc đơn sơ mộc mạc về nhà. Hình ảnh đông vui, đầm ấm, quyện lẫn hơi hám đồng quê đang bừng dậy trên nền cát, một vùng gần núi sát biển. Tiếng cười, nói , trả giá, bao âm thanh cùng sắc màu quê huơng tưởng chừng không nhầm lẫn vào đâu được:
-bông ni mấy một chùm ri o ?
-Mấy ri ?
-Răng mắt rứa ?
-Dưa ni..hai ngàn một trấy bán khôn o?
Những chiếc nón lá nhấp nhô... người bán gánh dưa hấu loại nhỏ ngẩng lên, bán vội cho một o đem về chưng tạm, bác bán gánh bông cúc và thọ trồng từ vườn đất ẩm đem ra sáng nay cũng vừa gần hết . Mấy chiếc gióng mây nhúc nhích, O ở trên dốc vừa đổ mấy thúng khoai sắn cho khách. Nhìn chung sáng nay, toàn là hình ảnh những bó bông "xôn xao" lui tới ; nào cúc Đà Lạt màu hồng tía, nào những chùm vạn thọ vàng rực rỡ hay thuợc dược hồng phớt, người mua xong đưa cao tay vì sợ bông gãy, đi tới- lui, trông thêm vui mắt. Tôi tưởng chừng hôm nay là "buổi hội xuân" riêng cho người trong thôn làm lụng đầu tắt mặt tối, nương rẫy suốt năm cho đến sáng 30 mới ra buổi chợ.
La Gi không xa; đó là chợ thành phố. Nhưng chợ thị thành chắc gì đã có không khí ấm cúng thân thuơng như tôi mục kích sáng nay. Dưới kia vật phẩm đắt tiền, mua sắm xa hoa, mứt bánh hảo hạng, hoa trái loại sang thì làm gì về đến chợ này? Hơn nữa, không khí sắm sanh nó đã diễn ra từ lâu. Không khéo người dưới phố đa số đã đủ trước đầu tháng chạp nên không còn háo hức nhiều nữa.
Buổi chợ cuối năm tại một vùng quê đầy màu sắc của những loài hoa đơn sơ, gần gũi, chợt rộ lên một buổi duy nhất sau mười hai tháng dài đăng đẳng. Hình ảnh buổi sáng đó đang dấy lên trong lòng ta hình ảnh một ngày "hội làng" đầm ấm sẻ chia. Người Cam Bình mua giúp nhau vài thứ rau quả, vài nhánh bông; kẻ bán thì kiếm thêm chút tiền, người mua thì có thức cúng tất niên -ngày 30 tết.
Ai cũng gấp mua mau bán lẹ để về nhà. Chiều nơi này sẽ vắng ngắt. Qua giờ ngọ buổi chợ sẽ tan. Mấy o lật đật đem các thứ về nhà về nhà. Triêng gióng trống không quảy mau lên hướng dốc Tân Sơn. Ai cũng lật đật về nấu mâm cơm tất niên, xong chuẩn bị giao thừa.
Tội cho o bán bông, o bán chưa hết? Gần tan chợ mà còn nhiều thọ, nhiều cúc thế kia? Ai cũng có bó bông cầm trên tay rồi; o đưa mắt nhìn quanh, như mong mỏi khẩn cầu bà con mua giùm.
Phía ngoài, bên con đường đất liên tỉnh, vài ba anh xe ôm ngồi vắt vẻo trên chiếc Mins-kơ màu đỏ còn ráng đợi thêm vài người khách. Thỉnh thoảng anh che tay ngáp dài, cuối năm chẳng còn ai rời nhà? Chiếc xe thổ mộ hôm nay vắng khác, không ai chở hàng buôn về La Gi ngày cuối năm. Con ngựa già đứng cạnh bên kiên trì chờ chủ. Cái đuôi lủng lẳng, thỉnh thoảng quất vài ba con lằng đang hút máu nó. Người lao động từ o bán than, triêng khoai gánh sắn, anh lái xe ôm, bác phu xe ngựa ai cũng mong kiếm một ít tiền trong giờ vào những giờ năm cùng tháng hết.
Rồi ngôi chợ sẽ im lìm suốt gần một tuần. Người ta đợi ngày tốt mới có vài o nhóm chợ đầu năm. Những sạp hàng xén thì còn lâu mới ra lại chợ, ngoại trừ những thứ cần cho buổi cúng đưa thì lác đác có năm ba người bán. Khách ra chợ đang trông vài ba thứ vào nhà nấu mâm cúng đưa ông bà.
hai cha con dhl tại quán cà phê Đinh hữu Thư Cam Bình Hàm Tân xuân Ất Hợi 1995
Ngày tết, vùng tôi ở không mưa, nắng- gió- cát là những thứ khó quên. Người ta lác đác đi thăm nhau. Trong ngôi đình chợ là nơi tụ họp vài ba nhóm đánh bầu cua. Đàn ông hay uống cà phê có thể vào quán Chú Thậm, Chú Thư uống vài ly, nói chuyện đời. Mấy ông 'phó nhòm' tức thợ chụp hình thời này còn kiếm ra tiền , lăng xăng lên về trên dốc Tân SƠn hay vào xóm Cam Bình chụp hình cho bà con trong ba ngày tết. Những tấm hình màu giá trị làm sao? Đầu năm ngày tết mới chụp. Chụp xong còn dán nylon kỹ càng.
thanh niên trong thôn tôi đang chụp chung với "phó nhòm" ngày tết [tức thầy Thân]
Những tấm hình màu , trong thôn ai cũng quý không thoải mái muốn bao nhiêu cũng được như thời sau này.
xóm vắng 20 năm sau vẫn vắng khi bao người lần lượt ra đi về miền quá khứ, và lũ lượt ra đi tìm đất sống
Có sống ở thôn làng mới biết được nếp sống hay sinh hoạt của người dân vùng nương rẫy. Những trao đổi bình dị , những tình cảm chân thành ít dối trá lọc lừa. Những người chân lấm tay bùn, nhọc nhằn than củi bàn tay chai sạn với rừng rậm núi cao, hay phong trần trong gió cát biển khơi. Động Đền, Hàm tân là cả một trời đầy ắp hình ảnh và kỷ niệm cho tôi, tuy chật vật khó khăn, nhưng không kém phần êm đềm, chân thuơng, đáng nhớ.
DHL 12/12/2014
========================================
22 NĂM SAU NGÔI CHỢ THÔN QUÊ VẪN KHÔNG THAY ĐỔI nếu không muốn nói bị co rút lại do nhà cửa lấn chiếm. Người ta vẫn muốn dời chợ Cam BÌnh nhưng dân trong thôn không thuận. Sự chật hẹp này không biết kéo dài bao lâu?
-----------------------------------
ÐỔI CẢ THIÊN THU
TIẾNG MẸ CƯỜI
Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Tiếng ai như tiếng lá thu rơi
Mười năm mẹ nhỉ, mười năm lẻ
Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi
Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về
Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Ðốt lửa cho đời tan khói sương
Tiếng mẹ nghe như tiếng nghẹn ngào
Tiếng Người hay chỉ tiếng chiêm bao
Mẹ xa xôi quá làm sao vói
Biết đến bao giờ trông thấy nhau
Ðừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ
Ngậm ngùi con sẽ dấu trong thơ
Ðau thương con viết vào trong lá
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ
Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi
Ví mà tôi đổi thời gian được
Ðổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.
Trần Trung Ðạo
cám ơn các bạn hữu Hoàng v Chẫm, Nguyễn đình Đoan, Đoàn M Phú , O hiệp đã làm tặng các slide shows này
ReplyDeleteDHL