Friday, August 11, 2023

TỔNG HỢP THỨ 2 VỀ THÀNH PHỐ QUẢNG TRỊ CŨ


MỤC LỤC 


1- PHỐ KHUYA

2- QUÁN PHỞ ÔNG NGẪU

3- ĂN NEM LỤI CHỢ SẢI 

4- QUÁN TIẾT CANH MỤ THẦY CỬA TẢ

5- O BÁN KEM TRÊN PHỐ QUẢNG TRỊ


========================== 


                                                               PHỐ KHUYA 

Bài này tôi viết ra  để nhớ về một lớp tuổi nhỏ, nghèo khó ngày xưa của thành phố Quảng Trị - nhưng thật lạ, hình ảnh những tiếng rao của mấy em khó nhạt phai trong trí nhớ. Khi cát bụi thời gian từng lấp che bao hình ảnh cũ. Dù ai giàu sang phú quý hay lận đận gian nan, bao lớp người xưa đã "nắm lấy tay nhau" về dần với quá khứ. Tất cả đều đi và hình ảnh đều mờ dần vào lịch sử một thành phố nhỏ bé, hiền hòa ngày nào bên dòng sông thân yêu Thạch Hãn.

ĐHL



[IMG] 
phố khuya đường vắng quạnh hiu
  em bé bán mỳ vẫn bước chân
lang thang trong trời đông lạnh giá
 
(1)
   ( nhớ những đêm đông Quảng trị 1960s)


*** 


 M ùa đông lại về trên xứ lạ quê người. Có cái thú nào hơn nằm trùm mền thật kín để lắng tai nghe tiếng mưa rơi sau vườn. Nhà ở đây thật kín, nhờ đêm khuya yên tĩnh và lắng tâm thật kỹ mới nghe được tiếng mưa rơi sau lớp  kiếng cửa sổ, phòng ngủ. Tiếng tí tách của những giọt mưa đưa tôi về laị quá khứ ngày xưa. Có nhiều lớp người ra đi nhưng vẫn nhớ hoài thành phố năm xưa đó. Trong nhiều cái nhớ miên man đó, sẽ có người như tôi hôm nay lại hình dung ra hình ảnh những em bé bán mỳ ban đêm...

 

Đó là những mùa đông Quảng Trị, những ngày mưa gió lạnh lẽo nhưng kỷ niệm thì thật êm đềm- một thời bé bỏng, trẻ con. 
 Đã nhớ thì tôi phải nhớ những đêm đông như thế.  Làm sao tôi quên được cái mền dạ lính dày, nặng chịch. Thu mình trong cái mền ấm áp đó, tôi từng nằm yên lắng nghe tiếng mưa rào rạt lên khóm chuối vườn sau. 
Có tiếng rao bánh mỳ trong đêm, tiếng  nghe thoang thoảng trong gió hú …
    -Mỳ ồ..mỳ nóng ồ...
  Cứ thế tiếng rao của em bé bán mỳ rõ dần.  Trời lạnh ban đêm ai mà chẳng thích hương vị một ổ bánh mỳ nóng vào lúc đó. Vội tung mền bật dâỵ, tôi chạy ra đường đón mua.

   Ánh điện đường vàng vọt chiếu xuống  phản chiếu màn mưa dai dẵng đang rơi nghiêng nghiêng theo chiều gió. Em bán mỳ đi chân đất, đầu đôị chiếc nón lá cũ. Mùa đông em chỉ một cái quần đùi, tấm ny-lon "ưu tiên" che chở cho bao bánh mỳ khỏi ướt!

Tôi đoán em này chắc hẳn mua bánh mỳ tận lò Đắc Lâp. Em đã lầm lũi đi bán rao trong mưa đêm cũng mấy tiếng đồng hồ. Bao mỳ còn lại chẳng bao nhiêu, lạ thay mấy ổ mỳ vẫn còn hâm hẩm nóng?

Mưa vẫn rơi lộp độp trên chiến nón rách. K
hông lo cho thân mình ướt và lạnh em để phần lớn miếng ny-lon choàng quanh bao mỳ thật kỷ như muốn chuyền hết hơi ấm của thân em cho . Em mong những ổ mỳ còn lại mãi nóng - dòn cho vừa lòng khách. Tôi biết những ổ mỳ còn lại này chưa hẳn là phần lời của em đêm nay. Và ngày mai là gạo, cơm, là cả 'một trời' hi vọng của mẹ em đang ngóng đợi ở nhà?


Miền trung nghèo khó, một Quảng Trị"đất cày lên sỏi đá", mưa nắng dãi dầu. Những em đêm đêm phải đi bán bánh mỳ lấy đồng lời về nuôi mẹ - nuôi em. Một thuở chiến tranh, có lớp tuổi thơ không được may mắn như tôi: ngày hai buổi, cắp sách đến trường; đêm giá rét, được ấm áp trong cái mền dạ lính hay bếp than hồng.
 Cơn mưa sao dài lê thê, tưởng chừng bất tận ! em bé bán mỳ vẫn lầm lũi đi, tiếng rao lan trải trong không gian lạnh vắng

       -Mỳ ồ...mỳ nóng ồ...

 Tiếng rao sao nghe buồn da diết! cô đơn, chiụ đụng trong đêm. Một mình, thống khổ, tiếng rao đều đặn vang lên. Màn đêm mênh mang. Tiếng rao trầm buồn len lỏi qua bao con đường vắng.

 


Trời đêm mùa đông không như mùa hạ. Mùa hạ có tiếng con nít chơi đùa, reo vui vang ra từ mấy con hẻm phố; mùa có nhiều tiếng rao của mấy o bán chè, hay trứng lộn, hoặc tiếng rao cuả mấy xe phở về khuya.
Lại một mùa Giáng Sinh sắp đến.  Người ta, những gia đình có cuộc sống đầy đủ tươm tất hơn , sẽ đoàn tụ dưới mái nhà ấm cúng, sẽ có những buổi tối mừng Lễ, thịnh soạn và vui vẻ bên nhau.  Riêng em bán mỳ vẫn mãi bước chân cô đơn. Khi mưa dai dẳng như mùa này, em thấy buồn, thất vọng. Em không còn thấy mấy anh học trò, những chú những cậu sinh viên  từng chăm chỉ ôn bài dưới ánh đèn đường. Họ từng là khách hàng mua mỳ nhiều nhất cho em . 
Trong ánh đèn đường  vàng vọt- hiu hắt, ôi chỉ một màn mưa mãi nghiêng nghiêng theo gió.
Bao bánh mỳ bên vai em vẫn còn đầy ?!

  -mỳ ồ..mỳ nóng ồ...

 

 NGỌN GIÓ LÀO NÓNG RÁT NHƯ THIÊU ĐỐT ĐƯỜNG PHỐ QUẢNG TRỊ





Mùa Đông lạnh lẽo qua đi thì nắng lử Lào ập đến. Lớp nhựa đường mềm nhũn ra trước sức nóng hầm hập như thiêu như đốt, thấy rõ cả những dấu dép, dấu giày hằn trên đó. Giờ đây lại là mùa để chiếc thùng 'cà-rem'(2) màu xanh có ghi số quằn nặng lên đôi vai gầy guộc của em bé bán mỳ. Đời em là thế, không bao giò ngơi nghỉ, vẫn một nhịp điêụ trầm luân!

       -Cà-rem nề..cà-rem mới ra lò   nề..

  Em vừa rao vừa  
lê qua các góc phố.  Cơn 'gió lửa  làm lớp nhựa đường như muốn bốc hơi, không khí như sôi lên. Cảnh vật trước mắt em trở nên lung linh huyền ảo !

   Ngày xưa có những tuổi thơ Quảng Trị cực như thế!

 Nhưng ngày xưa cũng có một ý nghĩ sai lầm khi người ta liên tưởng hay dùng hình ảnh và thân phận mấy em nhỏ bán bánh mỳ hay bán cà rem đến từ 'quán tính' phân biệt đẳng cấp xã hội giữa giàu - nghèo, sang -hèn. Trớ trêu thay, thành kiến lạnh lùng này lại gieo lên những tấm thân bé bỏng gầy guộc của một lớp trẻ kém may mắn trong đời như những em bé bán mỳ hay cà rem đó. Có một lớp tuổi thơ, ngày đêm bươn chải trên các góc phố miền trung- Quảng trị - Huế, Đà Nẵng kiếm sống cho gia đình:

-Coi chừng mai mốt đi bán cà rem, bánh mỳ  

-Đồ bán cà rem

...

Đó là một sự so sánh nghe sao cay nghiệt, phũ phàng cho những đứa con hiếu thảo?  Những em chỉ biết làm lụng vất vả, biết chịu khó, cùng lòng nhẩn nại vô cùng? Lòng tôi dâng trào nỗi thương cảm cho thân phận một lớp trẻ  phải gánh chịu oan khiên từ thành kiến lạnh lùng, khắt khe xã hội.
Những hẻm phố lạnh lẽo mùa đông, những ngày hè nắng "cháy da" Quảng trị thường chen lẫn tiếng rao quen thuộc từ những thân phận hứng chịu gian nan quá sớm . Nhưng từ gian khổ đó, những em bé bán cà-rem hay bánh mỳ năm xưa, đã  trưởng thành sớm hơn trong hai tiếng hi sinh. Các em ngày xưa đó,  thực sự là những người con chí hiếu, những tâm hồn cao đẹp làm người viết thật lòng khâm phục./.



***

QUÁN PHỞ ÔNG NGẪU NGÃ BA TRẦN HƯNG ĐẠO PHAN CHÂU TRINH , QUẢNG TRỊ

 


(cám ơn fb Hung Le đã nhắc lại quán phở Ô Ngẫu)
ĐHL

***
QUÁN PHỞ ÔNG NGẪU ĐƯỢC BIẾT ĐẾN KHOẢNG TỪ NĂM 1970

    Quán ông Ngẫu ngay ngã ba Trần hưng Đạo- Phan châu Trinh tức là lên Bệnh Viện và một ngả lên cầu Ga. Quán đông khách nhờ trước tiên là thuận đường giao thông. Từ chợ tỉnh lên cũng gần, từ hướng miệt Bệnh Viện về cũng mau mà các xóm trong Thạch Hãn qua ăn càng tiện lơi.

    Các chú Cảnh Sát chìm nổi từ Ty CSQG (trước là Ty CA) ăn phở trước khi đi làm. Nhân viên Bệnh Viện QT hay ghé vô ăn tô phở, ấm bụng, trước khi vào BV chữa bệnh hay phục vụ cho bệnh nhân. Học sinh Bồ Đề ai có tiền, thường là các cậu ấm cô chiêu đều có bạc dằn túi nên dễ sà vào quán ông Ngẫu làm một tô trước khi lên trường vào học.

QUÁN PHỞ Ô NGẪU CÓ NGÔI SAO MÀU ĐỎ

Các ông lính Trung Đoàn I, hết hành quân cũng hay ghé ăn phở trước khi lên lại Trung đoàn. Ngoài ra người quanh xóm ông Ngẫu đều là khách quen biết của ông cả.

    Phở ông Ngẫu tại sao mọi người đều biết và thịnh hành một thời? Đó là nhờ phở ông chuyên một MÓN PHỞ TÁI. Nước phở trong vừa, thịt tái ngọt vừa miệng và QUAN TRỌNG nhất là giá cả thật BÌNH DÂN hợp túi tiền mọi người.
    Người viết còn nhớ, giá tô phở năm cuối cùng trước khi QT chạy giặc (1972) là từ 20 sau đó là 25$. Vào thời gian 1972 đồng bạc VNCH lớn nhất là tờ 1000 đồng.

hình: ngồi trong quán Ô Ngẫu chụp hình ra sẽ là quán này còn gọi là NGÃ BA GIẾNG NƯỚC do chúng ta thấy có cái giếng lâu năm ở đây Đây là ngã ba 1 đi lên Bệnh viện, 2 phía tay phải đi lên cầu Ga

Trong lúc đó một tô phở heo tại tiệmThanh Thanh đường Quang Trung vào 1968 đã là 20$ rồi.
Tô phở vừa bụng không quá to 'vịt lội còn được' như ở Mỹ lúc này. Nói gì thì nói, ngày đó ăn một tô phở tái ô Ngẫu vừa đậm đà hương vị chẳng khác gì phở tái gánh là bao.


So ra phở tái gánh 1 tô 5$ là thời 1963 thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Sau này phở gánh dẹp nghề chỉ còn phở xe thôi.

Lạ một điều, người viết còn nhớ người mình hồi đó nói đến phở là nghĩ đến tô phở tái. Có thể bà con mình chỉ ưa ăn phở TÁI. Phở tái là chuyên tái thôi chứ không tái cộng thêm nhiều thứ... như phở thời sau này.

Tô phở tái QT không quá đậm màng mỡ ở trên như phở bắc chính cống nhưng nước súp phở QT không bao giờ quên hầm xương bò. Từ nước phở ngon nóng hổi cùng sợi phở tươi dẻo dai mà chẳng nát. Khi khách nhai sợi phở quyện lẫn với miếng thịt bò tươi chín nhúng vừa bùi ngọt của con bò nuôi từ đất và cỏ QT giúp thực khách ngon miệng trong buổi sáng đói bụng.



Có điều khá lạ, hồi đó người QT ăn phở không ăn nhiều giá như thời này. Ngày đó chúng ta ăn chỉ chuộng nước súp phở đúng gu, sợi phở tươi, cùng lát thịt bò ngon ngọt tươi và nhất là không thể thiếu lát ớt cay và cọng hành trồng từ đất QT.

bò ngày xưa nuôi thả rong thịt mới ngon

Có vài lò sát sinh hạ bò trong Thôn Thạch Hãn. Hình như lò sát sinh hạ bò của ông Dự thì phải? chợ QT ai cũng biết tên ông Dự. Lò ông chuyên cung cấp thịt bò cho toàn Chợ Tỉnh. Dĩ nhiên ô Ngẫu không thể nào quên đặt mối xương bò tại lò Thạch Hãn. Bò ngày xưa chỉ nuôi thả, có người chăm và thuần ăn cỏ nên thịt lúc nào cũng ngon. Miền quê phần nhiều nuôi trâu cày ruộng do trâu dai sức. Những đàn bò nuôi quanh ngoại ô, thường bán cho cho các lò sát sinh cung cấp thịt bò cho chợ Tỉnh.

Một thời QT chẳng có tiệm phở hàng dãy phố như Sài Gòn hay các tỉnh lớn khác; nên khi nhắc đến quán Phở ô Ngẫu, hơn ai hết dân thành phố QT đa phần đều nhớ.


hàng gánh bán trước Bệnh Viện vào buổi sáng


Hơn nửa thế kỷ từ giã thành phố thân yêu, có số người thị xã ngày trước biền biệt ra đi. Cố nhân xa vời trong đó có những người xưa từng là chủ quán chủ tiệm ăn giờ chắc đa số đã ra đi.

May thay trong hoài niệm xa vời đó, có những quán phở, gánh bún, triêng cháo gánh chè cùng nhiều thứ nữa trong đời sống ẩm thực ngày xưa như sống lại trong trí nhớ con người Quảng Trị. Một khi chúng ta trải lòng cùng kể lại cho nhau nghe, tất cả câu chuyện sẽ là cơ hội làm hậu thế nhớ về bao lớp người đi trước. Một thành phố trong dĩ vãng xa xăm hôm nay như sống lại trong tâm tình hoài niệm của lớp khách ẩm thực của một thị xã ngày nay đã mất./.

***

ĐI ĂN NEM LỤI SẢI



bạn bè NH về thăm Nem Sải sau 40 năm 


Thưở "ăn hàng" của chúng tôi xem ra cũng 'xưa' lắm nhất so với nhịp độ phát triển của đất nước hiện nay. Tuy thế khi tâm hồn mình còn gắn bó với yêu thương và tiếc nhớ với những gì mộc mạc bình thường hay nói khác đi những nét đời bình dị của một thời đã qua thì chúng ta hay thích kể lại.

Chúng ta nhắc lại cũng có khi lại muốn cho con cháu sau này hình dung ra hay cho chúng ta cùng nhau nhớ về tuổi nhỏ. Nhớ làm sao hình ảnh ngày đó, một thời vui chơi; nào là hương đồng cỏ nội khi lang thang bắn chim câu cá cạnh bờ tre mép nước. Cũng không quên được phố chợ một thời bao ngõ đi về ấm áp tình thân...

Tôi hay nhớ về những gì bình dị và chân chất, vô tư, những thú vui thời tuổi trẻ trong vùng kỷ niệm Nét đời thường này dĩ nhiên như bạn như tôi bắt nguồn từ một thành phố nhỏ lại trầm mặc bình yên bên dòng sông hiền hòa nước lặng lờ trôi. Thành phố Quảng trị, không chút xô bồ, không xa hoa phù phiếm hay 'ăn nhậu' như thời nay. Tại sao người viết phải diễn tả đến mức 'ảo não' thế kia? Do có khi tụi bạn chúng tôi muốn có một "chầu nem lụị" thì phải về tận Sãi.

Đó! Tôi bắt đầu nhắc (hay kể) về NEM LỤI SÃI rồi đây. Không phải do hiếm hoi mà nem lụi Sãi nổi tiếng, thực tình nó NGON. Hương vị hấp dẩn làm chúng tôi không thể nào làm ngơ. Thế là có những buổi chiều bọn chúng tôi cùng nhau trên mấy chiếc honda "vù" về tận CHỢ SÃI để thưởng thức cho được món này.

            món nem lụi sải nhờ tay bà xã tôi làm tại Mỹ 

*

Xin các bạn khoan vội cười cái tuổi học trò sao quá "ăn hàng" như tôi và mấy đứa bạn khác và hãy miễn chấp cho những gì hiếm hoi của thành phố Quảng trị thì làm chi mùi thơm hấp dẫn nem lụi Sãi thoát khỏi những cái mũi của bọn tôi cho được.

Mấy chiếc honda của chúng tôi từ trên tỉnh về phải qua cái cầu nhỏ bắc qua nhánh sông cắt ngang "Đập Rì Rì". Tên "Đập Rì Rì" không biết người dân mình hiện nay còn gọi không . Tôi cứ nhớ mãi cái cầu này tuy nhỏ nhưng chiếc honda phải vọt lên bục cao, tôi phóng lên với tốc độ nhanh làm chiếc honda chỏng cả bánh trước non nửa mét. Qua cầu tụi tôi vòng qua xóm Hà, cái xóm e ấp một thời "nón lá nghiêng che" e lệ của mấy cô nữ sinh Nguyễn Hoàng, ẩn hiện bao đời dưới hàng tre xanh ngắt từng chứng kiến và chở che cho mấy mối tình lãng mạng mà ai là "người trong cuộc" thì có quyền nhớ lấy đó thôi. Qua cầu Sãi, chiếc cầu sắt hoen rỉ mà tôi chưa bao giờ thấy nó được sơn sửa lại, chúng tôi quẹo trái vào chợ Sãi.

Quán nem lụi vừa là nhà ở vừa làm quán bán hàng đón khách ngay ngõ vào chợ. Khách ăn hàng dựng xe hai bên con đường nhỏ. Mấy cái bàn gỗ thấp cùng mấy chiếc ghế nhỏ đóng vội vàng ọp - ẹp. Nói thì nói vậy khách ăn hàng chẳng màng chi chuyện ghế bàn, người từ trên tỉnh về đây chủ yếu về để thưởng thức mấy lụi nem ngon nổi tiếng từ bàn tay O bán hàng làm ra thôi. Những lọn nem tròn trịa gọn nhỏ đang nhỏ mỡ xì xèo. Khói và hương nem lan tòa tràn ngập mái quán thấp lè tè vươn ra khắp xóm làm mấy khách quê nhóm chợ về phải ngó vô.Trước quán O chiều chiều là đầy cả xe như đang nhóm hội, hội của những "kẻ ăn hàng".

Chúng tôi kêu nem từng đợt, những lọn nem phơn phớt chín vàng lóng lánh mỡ được xâu qua những chiếc que tre vót nhọn một đầu. Bánh tráng bột lọc mỏng O cắt thành hình tam giác, dịu mềm dẻo dai đủ sức ghém một lọn nem vào giữa nhúm rau sống tươi mát gồm mấy miếng vả cong cong cắt mỏng, những lát khế chua mựot mà cùng mùi rau thơm mát cả miệng. Tất cả gọn gàng trong cái vị cay cay của cải non ba lá mới lên. Nhờ bến đò gần chợ nên thứ rau sống này O ra tận giữa giòng Thạch Hãn rửa sạch. Chén nước lèo nho nhỏ dĩa tỏi ớt be bé xinh xinh. Ăn nem lúc này mà quên chai bia "LADE" Con Cọp hay chai 33 cũng Con Cọp là điều "thiếu sót lớn". Thuở này bia LADE coi bộ thịnh hành, bia Mỹ cũng có nhưng dân mình ưa xài hàng nội hóa thôi, những chai bia LADE con Cọp được đóng trong mấy cái két (Caisse) gỗ mười hai chai luân lưu từ Sai gòn đi khắp mọi miền.



Quán nem lụi Sải được loan truyền xa vì nó ngon, nó thấm thía,ăn như thể "ngậm mà nghe". Từ lụi nem cho đến rau sống nước chấm (tức là nước lèo tôi hay quen gọi) không chê vào đâu được ! Những múi tỏi, những trái ớt chìa vôi thật cay trồng lên từ lòng đất Sãi hay ngay cả những con heo được nuôi lớn từ ruộng vườn quê hương như được gói ghém lại trong ba chữ NEM LỤI SÃI trong bàn tay khéo léo, gọn gàng của O bán hàng. Lẫn trong tiếng mỡ cháy xì xèo trên lớp than mỏng đỏ hồng kia là mùi thơm nức mũi của từng lụi nem vừa vàng tới. Khách hàng như thu mình lại tận hưởng những gì đơn sơ bình dị từ bàn tay người chợ Sãi làm ra dưới mái tranh thô sơ ám khói.



Khung trời Quảng trị ngày xưa là vậy; người Quảng trị cùng chia sẻ nhau những gì đang có - khiêm tốn bên giòng sông trong xanh uốn mình qua mấy lũy tre quê, ôm ấp một vùng kỷ niệm. Rồi hương vị trứ danh của quán nem lụi ngày xưa chợ Sãi đã đi vào lịch sử của lớp người ăn hàng như tôi cùng bè bạn. Văn hóa ẩm thực đã trở thành di sản chung, hương vị chung cho người dân xứ Quảng quê mình.

Rồi tất cả lần lượt trôi về quá khứ. O bán nem lụi xa xưa đó tôi chằng còn nhớ tên, O còn không hay đã 'thuộc về dĩ vãng'?


Một ngày có con đò ai xuôi về hạ lưu của dòng sông quê hương. Đò qua chợ Sãi khách ngó lên tự hỏi trong lòng:"không biết quán NEM LỤI SÃI còn không?" Có chiếc đò ngang đang ra giữa giòng, dáng ai rửa rau giữa giòng nước trong xanh làm  khách chạnh nhớ cái quán nem lụi năm nào.


Rồi đúng bốn thập niên sau, khi tóc chúng tôi đều bạc, bạn bè rủ nhau về lại quán xưa. Tất cả đều đổi thay. Cái quán bên con đường nhỏ vô Chợ Sãi nay đà mất dấu? Những con đường nay thấy lạ. Nhà cửa và lớp người sinh sau này nhiều càng nhiều hơn. Quán sá cách mua bán cũng khác xưa. Về được một địa danh ngày trước, đó là một dịp may. Nhưng sự thất vọng  về sự mất mát hương vị năm xưa, may thay được hoán đổi bằng niềm vui gặp gỡ trùng phùng, bạn bè thưở trước. Một xó xỉnh của nơi này cùng vài dĩa nem lụi hôm nay dù ngon dù dở đều được bù đắp bằng sự Liên Hoan trong niềm vui hội ngộ. Bạn bè trường cũ là buổi ăn NEM LỤI SÃI đầy ắp tình nghĩa; chúng tôi chẳng còn mong gì hơn nữa ./.

ĐHL 


==================================

QUÁN TIẾT CANH MỤ THẦY CỬA TẢ QUẢNG TRỊ


 

thưa bạn đọc nhất là bạn ghiền tiết canh 

Chuyện tô tiết canh có gì lạ đâu sao mà nhắc mãi, nhưng thưa bạn đây là tô tiết canh Cửa Tả ngày xưa. Quán tiết canh này nằm cạnh bờ hồ con đường Duy Tân gần Cửa Tả (thành cổ) có thể quán ngó qua đường là Cột Điện số 192 cũng nên. Cái quán có cái tên là "Tiết canh Mụ Thầy". Dĩ nhiên đây là cái tên truyền miệng cho nhau cho thực khách vào thuở đó chứ đâu có bảng hiệu gì cả.

Lâu nay, người viết hay kể về chuyện “ăn hàng” ngày xưa, nhưng xin bạn đọc hiểu cho qua chuyện “ăn hàng” là một dịp cho người viết nhắc chuyện xưa. Có bạn đọc trước đây có chút hài hước khi cho rằng tôi nhờ có một "tâm hồn ăn uống" nên hay kể lại chuyện ẩm thực ngày trước? Từ Phở Gánh, Bánh Khoái, Bún Xáo, chè cháo gì người viết từng có dịp nhắc lại...

 Khách quan so sánh với bây giờ, thì hàng ăn thời này phong phú hơn xưa nhiều lắm.  Thế nhưng người viết lại nghĩ rằng khó lòng tìm lại huơng vị y ngày xưa? Rồi cũng vì cái lý do “ khó lòng tìm lại huơng vị  y ngày xưa” nên tác giả mới viết lại năm ba câu chuyện ăn hàng Quảng Trị ngày trước để bạn đọc lần lượt xem chơi...

THỜI NAY ĂN HÀNG TUY  THỪA MÀ 'THIẾU

Quý bạn sẽ hỏi tại sao vậy?

Món ăn thời nay có thể do hoàn cảnh thông thương nên ba miền đi lại quá  dễ dàng và nhanh chóng. Người từ đâu tới cũng 'vỗ ngực' xưng danh là món ăn "đặc sản địa phương". Đối tượng của chủ hàng là số lượng khách hàng và họ chẳng cần tìm tòi nguồn gốc hỏi các mệ các o công thức và gia liệu ra sao? Đó là nguồn gốc của các món ăn hàng 'truyền thống' bị 'lai căng'  bị pha chế, khó có tính đặc thù từng nơi. Đó là chưa kể thời nay, tính thuơng mãi, cạnh tranh, chụp giựt hay  vì lợi nhuận đã pha trộn, nhầm lẫn khá nhiều nét bản sắc từng món ăn địa phương hay vùng.

    Viết như thế, người viết e rằng quá dài dòng và đi xa chủ đề của bài ký ức hôm nay chăng? Thế nên tác giả xin trở lại tiêu đề là  TIẾT CANH CỦA "MỤ THẦY" CỬA TẢ hơn nửa thế kỷ trước bên con đường Duy Tân kế cận Cửa Tả Thành Cổ QT xưa.


ĐHL 

 


TÔ TIẾT CANH “MỤ THẦY”

 

           *            

                  

   Tôi hay nhắc về Quảng Trị,  bao "đường xưa lối cũ"  từ phường Đệ Nhất đến phường Đệ Tứ,  nơi 'chôn nhau cắt rốn' của tôi (và bạn bè khác). Con đường Lê văn Duyệt và xóm Cửa Hậu yêu dấu. Có thể bạn bè tôi có đứa 'hơi buồn'  sao vắng thấy con đường Duy Tân ngày ngày bạn bè cắp vở đi ngang.

                 KHÔNG ẢNH THỊ XÃ QUẢNG TRỊ 1968 

  Hết đường Lê văn Duyệt, ngã Ba về Trí Bưu- Ba Bến. Nhưng nếu quý bạn quẹo phải thì là bắt đầu con đường Duy Tân đó rồi. Ngả ba này có gì đặc biệt ? Đó là nhà Hộ sinh O Hóa kèm theo là Viện Mồ Côi sát Trại Tế Bần. Nơi đây sát mé hồ Thành  có có một lò rèn của Ông Xạo bị thương tật ở lỗ mũi nền nhà thấp sâu so với con đường. Ở xóm này có bác Hoàng Lem (phía đường Lê v Duyệt thì có lò rèn ông Hoàng Kiểu, cùng họ Hoàng cả). Nhưng ngay Ngả ba Trí Bưu này có nhà ông Quản Hiệt, ngó về Đường Lê V Duyệt. Chức Quản thì phải là thuợng sĩ thời Pháp. 

Tạm coi đây là múi đường Duy Tân cũng là Phường Đệ Tam. Phường Đệ Tam nay phải kể từ nhà Hộ Sinh O Hóa đi về hướng trường Nguyễn Hoàng. Tại sao Nhà O Hóa thuộc về Đệ Tam: lý do trong giấy khai sinh của tôi tờ khai sinh chính gốc VNCH đề nơi sinh của tôi tại Nhà O Hóa là PHƯỜNG ĐỆ TAM.  Ngay ngã ba này có một quán tạp hóa thật lớn nhưng mở sau cùng, người ở Góc Bầu  ngày đó khó lòng quên được. Từ Ba Bến hay hướng Triệu Tài Ngô Xá hay lên lấy hàng ở mấy quán tạp hóa này.

 

   Tôi 'có tật' hay miên man lạc đề mãi?


  Nói "Tiết canh Mụ Thầy" sao chẳng thấy? nhập đề lung tung? xin bạn đọc khoan vội trách. Rạch ròi, phải có đầu- đuôi, nghĩa là người viết mong 'một công hai chuyện' nhắc lại con đường Duy Tân cũ hi vọng các bạn đường Duy Tân khỏi buồn lòng  sao hay 'thiên vị' chỉ ưu tiên cho con đường Lê v Duyệt đó thôi. Từ ngã ba Duy Tân -Lê v Duyệt- Trí Bưu này đi lên huớng trường Nguyễn Hoàng một đổi, khúc đây tới nhà Lê Bảo Lâm, chủ trang mạng Đông Môn Nguyễn Hoàng khá gần. Vượt qua nhà thợ rèn ông Hoàng Lem bên trái, và quán tạp hoá Mụ Kỳ bên phải, kế mụ Kỳ là chú Trịnh ,theo mé phải nàytức men theo bờ hồ  lên vài ba nhà nữa sẽ tới nhà Mụ Thầy mà người viết sắp kể.


    Đây là dãy nhà phía bờ hồ còn phía bên kia đường còn nhiều điểm đặc biệt như lò rèn họ Hoàng lập nghiệp  khá lâu. Lên một đoạn nữa mới tới xóm nhà Võ văn Khiến, a Võ Lưu, Võ Nhơn, Lê Mỹ Tín...Mỹ Tín còn có cái tên 'cúng cơm' là mệ Lợi. Từ xóm nhà các bạn học đó  kiệt ngó qua đường là Tiết Canh Mụ Thầy. 


   Người viết cũng xin mở ngoặc một ít ở đây rằng tại sao gọi là Mụ Thầy? Bác ông không làm thầy dạy học mà làm nghề thầy cúng, còn gọi là thầy tụng kinh, tạm gọi bác là 'tu tại gia' nên bác mụ mới được bà con gọi là Mụ Thầy. Hồi này Quảng trị cũng có vài ba vị tu tại gia vừa làm nghề thầy tụng nữa chứ không riêng gì bác ông đây. Người viết còn nhớ dưới Sãi (hay An Tiêm) có thầy Mè cũng tu tại gia hay đi tụng kinh gỏ mõ khi gia đình nào cần cầu an cầu siêu.  thầy cũng bận áo đà, cạo đầu nhưng tu tại gia thôi. Người QT gọi tiếng Mụ là ý thân quen, tôn xưng chứ không dám coi thuờng. Chữ Mụ vào nam hay ngay cả Huế thì người ta không ưa. Người QT nếu tôi không lầm, ngang hàng với mệ mình thì gọi là tiếng mụ chứ không gọi là mệ. Còn người Huế tiếng mệ- các mệ lại khác nữa.


 Khoảng từ hai giờ chiều là bắt đầu có tiết canh. Tại sao hai giờ chiều mới có ? Bữa sáng bác mụ đi lấy lòng huyết và những thứ khác về; làm đến trưa, khoảng hai giờ chiều tiết canh mới đông và khách ăn chiều cũng vừa lục tục tới. Khách đa phần là công chức, bữa chiều bắt đầu rãnh việc. Tôi là đứa học trò thuộc loại 'ăn hàng' nên mới có cơ hội mục kích để giờ đây 'cà kê dê ngỗng' online với thân hữu. Nói về tiết canh, thì người ta kêu 'dĩa tiết canh', nhưng ở đây bác mụ làm tiết canh vào tô tức là 'tô tiết canh'. Những cái tô ngày xưa, miệng rộng, đáy hẹp được đặt từng hàng trong cái tủ gác măng giê (guard manger) có lưới hẳn hòi. Những lát gan béo ngậy bác mụ sắp sẵn trên mặt tô. Có khách kêu, mặt tô mới được rắc thêm đậu phụng rang. Bánh tráng gạo giòn rụm, chén nước lèo gừng nho nhỏ bên cạnh, đặc biệt dĩa rau sống tươi mát đủ loại, nhất là rau thơm và báp chuối không bao giờ bác thiếu. 


  Xin đừng cho tiết canh chỉ 'ròng huyết'; khách ăn sẽ thấy dưới mấy lát gan vừa luộc xong , cắt mỏng , là hỗn hợp lòng ngon cắt mịn', rau màu , gia vị đậm đà xen lẫn với những sợi huyết đang đúc kết, quyện dính lại nhau để cho thực khách một tô tiết cạnh ngon 'ngậm mà nghe' đúng với tiếng khen của người Quảng trị. Đó là kết quả của tài sự khéo léo riêng nếu không thì tiết canh 'không đông' nhưng khi 'không đông' thì xem như hỏng việc, không thể gọi nó là món tiết canh được nữa . Người làm chú trọng tiết canh không phải là nhiều hay ít huyết,  mà là cách thức pha chế huyết sao cho đông, huyết chỉ là một chất đệm hay chất xúc tác thôi. 

   Phong cách ăn tiết canh ngày đó khác xa giờ. Người QT hồi đó ăn tiết canh không cầm tô tiết canh lên lấy muỗng múc ăn như 'ăn cháo' mà cách ăn hồi đó tôi xin được vô hai chữ "thuởng thức"!


Tại sao khách ăn gọi là "thưởng thức"?


 Tô tiết canh kêu xong, chờ đầy đủ mọi thứ, khách sẽ xắn được từng miếng bỏ vào chén rau sống, bóp ít bánh tráng, chan thêm góc muỗng cà phê nước lèo gừng mới 'thấm'... 


   Sự quyện lẫn giữa thanh tao tươi mát- huơng thơm các loại rau - với vị bùi, béo, ngọt đậm đà của miếng tiết canh thêm vào đó là vị cay thơm của tỏi ớt, trồng trên đất QT. Khách ăn còn phân biệt được  cảm giác 'giòn giòn' của bánh tráng cùng vị béo đậm của hạt đậu phụng vừa nát. Đó rõ ràng là một 'tập hợp' giữa hương vị và cái ngon của tô tiết canh, nó sẽ cho thực khách thuởng thức  phân biệt thế nào là 'tiết canh Mụ Thầy'. Khách thưởng thức chớ bao giờ quên cái dĩa nhỏ ớt tươi, tỏi cùng gừng rong nhỏ. Tuy nhỏ nhặt nhưng thực khách rất cần nó.


                                     ***


     Người ta kêu bia lon của Mỹ cũng có, nhưng Mụ Thầy có bán thêm  rượu thuốc , rượu trắng . Các bác, các chú ăn hàng chiều thuờng tới quán này để thuởng thức tiết canh là chính. Cảnh ngồi nhậu 'tới bến' như sau này thì người viết không bao giờ thấy.

  Thuởng thức xong tiết canh, khách ít khi quên gọi thêm tô cháo lòng. Hai thứ này như một menu 'dính liền' với nhau. Thật vậy, ăn tiết canh xong mà thiếu tô cháo lòng thì xem như 'ăn thiếu' hay 'thuởng thức' chưa đủ? Miếng tiết canh cuối cùng và vào miệng xong là vừa lúc cháo được bưng lên. Tô cháo lòng, nóng hổi thơm ngát mũi. Gạo bác mụ nấu không nhừ, vài miếng lòng, huyết, bập bềnh, chen lẫn ít mẩu hành phi xam xám. Miếng cháo nóng hổi thơm ngon sẽ làm thực khách vững dạ thêm trước khi ra về.


  Dĩ nhiên, món tiết canh bao giờ cũng hết trước tiên, độ bốn năm giờ chiều thì xong. Số lượng tô của bác mụ làm ra tiết canh có hạn định , ai đi trễ thì hết. Giờ đây, khách vào sau có thể ăn tạm cháo lòng. Thỉnh thoảng cũng có người xách gamen tới mua cháo về nhà. Căn nhà vừa ở vừa làm chỗ bán hàng nên chật hẹp. Chỗ đậu honda chẳng có vì nhà bác ở phía bờ hồ đâu có sân trước. Nhà bạn cùng lớp của người viết là Nguyễn Kim Long sát cạnh quán Mụ Thầy nên chứng kiến cái cảnh 'ngựa xe tấp nập' đi ăn tiết canh hàng ngày. Chòm xóm thân thiết với nhau nên không ai nề hà chi khi có khách đậu nhờ.  Khách quen thường cuốc bộ tới ăn là 'thuợng sách'.

NGÃ BA QUY THIỆN BẮT ĐẦU NGÔI SAO ĐỎ (CỬA TIỀN)

 Quán tiết canh đó mở lên sau này.  Người cố cựu từng sống ở thôn Đệ Tam hay cụ thể hơn là đường Duy Tân phần nhiều còn nhớ  một quán phở khá "âm thầm" bán "tại gia" lâu năm. Từ Tiệm sơn sửa và bán xe đạp Hoành Sơn, trước mặt Cửa Tiền (đóng từ lâu) là một ngã ba, có  con đường đi về  QUY THIỆN. Quán phở này có cái xe Phở Ô Vọi lâu năm không còn đi bán để ở đằng trước hiên và khách ngồi ở trong nhà. Từ ngã ba về Quy Thiện này, quán nằm bên tay trái. Phở bán lâu năm, nhưng không ai đặt cho cái tên nào, có thể bà con trong xóm biết tên mà thôi...


THAY CHO PHẦN  KẾT


 Trở lại chuyện Quán Tiết Canh, sinh nhai đủ sống hay không là chuyện riêng gia đình Mụ Thầy, chứ cái tiếng "Tiết Canh Mụ Thầy' thời này nổi tiếng từ con đường Duy Tân lan qua Lê văn Duyệt lên tới trên phố. Khách càng lúc càng đông. Đông thì đông, số tô Tiết Canh của Mụ Thầy có hạn định, ai chậm thì hết? Cũng vì thế giới 'ghiền' tiết canh  cứ 'thòm thèm' mốn đi ăn mãi. Người viết tin rằng nhờ thế quán Tiết Canh mới nổi tiếng  lâu dài, giúp thêm lợi tức cho hai Bác Thầy lúc tuổi về già./.

 

ĐHL  MỒNG 5 THÁNG 5, 2015

edit 14.6.2023


                                    =========================


                                                                     O BÁN KEM 


Nhớ về lớp Nhất C niên khóa 1964-65. Nhớ Hồ đại Đường và các bạn một thời Trường Nam Tiểu Học QT 1960-1965: Hồ đại Đường-Lê cảnh Dỏ, Hồ đắc Lễ, Trần chính Nghĩa, Thái văn Đính, Lê Xia, Nguyễn vinh Quang, Trương Lợi, Trương Sừng, Nguyễn v Lợi, Nguyễn Kim Long, Hoàng Đạo, Hoàng v Thi,, Thu (người nam ở góc Bầu), Lê v Hiếu, Quang (xóm heo), Điệp .Phúc (Đường Ký), Phúc (tiệm may ...) Nguyễn Khắc Hiếu  (bún bò o Kiến).. và các bạn   một thời Trường Nam Tiểu Học QT 1960-1965 Trần Tài, Nguyễn văn Bốn, Võ văn Khiến, Hồ Công Tâm...

***



Hàng ngày o Huê thường đẩy chiếc xe kem rong ruổi bán theo hai con đường chính là Trần hưng Đạo và Quang Trung.Trời vào hạ, mấy con đường quanh chợ, im lìm, lười biếng, chịu đựng cơn gió Lào nóng như hơi lửa, thổi về. Tuy thế, nhờ mùa nam nắng nên xe kem o Huê lại càng mau hết.

  Sau Mậu Thân 1968, gia đình ba mạ tôi lên sống ở Phường Đệ Nhất. Thời gian này tôi để ý thường khi Trường "Miệu Ôn Voi" ra chơi thì xe kem của o  Huê đã đứng ở đó rồi.

  Tôi nhớ o, nhớ cái nón lá và cái áo cụt trắng. Tôi còn nhớ luôn giọng nói của o- tiếng nghe nửa Huế, nửa Quảng Nam. Có khi o đẩy xe kem vào con hẻm dẫn vào lò mỳ Vạn Hoa. Lúc này tôi có dịp mua kem o bán.

   Cái muỗng múc kem sáng bóng, ngần ấy dụng cụ trên tay, xem chừng nó lại là thứ quý nhất so với cái xe bán kem cũ, nước sơn bạc mầu, hai bánh xe đạp mòn hết bố, nứt nẻ. Có khách, o múc kem thoăn thoắt nhưng không che được bàn tay xuơng xẩu cùng những đường gân xanh. Xong, o lại lắc cái chuông đồng nho nhỏ, đen xỉn theo thời gian.  Vốn liếng o nằm gọn trong chiếc xe này, chỉ ngần này thôi. Hết khách, o tiếp tục đẩy xe đi. Những con hẻm đi sâu vào xóm. Bốn dãy phố hình vuông bao quanh Chợ, chưa đi đã hết. Chiếc xe rong ruổi theo o suốt hai ba dãy phố. Tiếng chuông leng keng nghe quen, từ xa đã biết o Huê sắp tới.  Tiếng chuông như thân thiết, giúp khách đợi thêm vui. Vắng một ngày là bà con trong phố cảm thấy thiếu vắng vẩn vơ? 

   Thành phố Quảng Trị ngày xưa  nhỏ quá. Có thể nói khó ai tìm ra chiếc xe kem thứ hai nào? Kem  làm đơn điệu màu trắng pha ít vani bình thường. Tuy vậy, vị kem ngon dịu dàng  không quá ngọt hay quá béo. Thật tình vào thời gian này, kem đi bán dạo chẳng ai tìm ra kem màu hay kem sô cô la? Chuyện là 'lũ nhóc' học trò chẳng đòi hỏi chi? có ăn được kem o Huê là 'nhất trần đời' rồi!

 Tài chưa! O chỉ 'bóp' một cái là mẫu kem tròn tròn nằm gọn vào cái bánh tráng hình chóp nón ngược,màu nâu; một nhúm đậu phụng thơm dòn rắc ở trên. Xe kem không phải là loại hàng duy nhất bán cho học trò trường "Miệu Ông Voi". Gần cổng, cạnh gốc cây duy nhất tỏa bóng mát cỏn con, còn có hai ba cậu bé bán cà rem, mấy cái trẹt bán trái cây, quà vặt của mấy mệ, mấy o khác nữa. Thế là đám trẻ trường này khỏi tốn công ra chợ trong giờ ra chơi. Thầy Sinh và một đồng nghiệp khác cũng ở gần Trường. Cái Tiệm bánh kẹo của Cô Uyển vợ thầy Sinh và Tiệm ăn Tàu Thanh Thanh gần đó chẳng phải là nơi mua của đám học trò nhỏ này nên chẳng khi nào thấy cậu học trò nào tới đó cả. 

   Học trò vào lại lớp, o  Huê tiếp tục đẩy xe vào từng con hẻm.  Hai ba dãy phố thân quen, góc đường Quang Trung- Trần hưng Đạo ra đến bờ sông... xe kem của o còn vòng tiếp quanh chợ; tiếng chuông leng keng ...rồi hết một ngày.

  O  tảo tần nuôi cháu. Hồ đại Đường bạn cùng lớp với tôi vào thời tiểu học. Đường là đứa học trò giỏi toán nhất lớp chúng tôi và có thể người học trò đứng đầu trường Nam Tiểu Học về môn này. Thầy Hoàng văn Ngũ, trưởng Ty Tiểu Học thân sinh bạn Hoàng Như Huy  còn nhắc đến tên bạn Đường. Đó là niềm vinh dự của lớp Nhất C niên khoá 1964-65. 

  Chiếc xe kem là cả một gia tài của o Huê. Những đồng tiền o ký cóp, từng tạo nên một nghị lực phi thường cho tình cô cháu. Tình cảm đó như quyện vào miếng kem thơm ngon, mát lạnh. Có thể nhờ đó, đứa bạn tôi là một học sinh vừa siêng học vừa giỏi toán (kể cả sau này lên Nguyễn Hoàng) vừa hiền lành dễ thuơng. 

  Tôi kể chuyện chiếc xe đẩy bán kem của o Huê xem chừng không lạ gì đối với bạn đọc? Nhưng khi chúng ta nghĩ về sức nóng như nung, thành phố Quảng Trị vào những ngày hè thì lại khác. Thời đó chỉ có một nhà máy nước đá của Chú Hiếu, chủ tiệm Mỹ Phát. Dã thiếu đá lạnh nhưng nước đá vừa cung cấp cho thành phố, lại phải bán cho căn cứ Mỹ bên kia Ái Tử, thì bạn đọc hiểu nó thiếu như thế nào? (Sau này trên đường QL 1 gần ngã tư lên La Vang có thêm một nhà máy nước đá nữa, không biết của ai nhưng chưa bao lâu thì ...Chạy?)

  Bao cây đá lạnh chưa kịp đông đặc trọn vẹn, mới được một lớp ngoài đã cho bán ra. Chiếc xe tải to lớn đang đậu, đợi chở đá đi. Một đám đông người chực chờ mua đá lẻ. Tất cả đều chờ đá lạnh, tới đây từ lúc trời chưa rạng. Phải kể tới một, hai chiếc xe đạp ba bánh chở hàng chực sẵn từ lâu. Cả thành phố khao khát đá lạnh dưới sức nóng của bầu trời nam nắng. Trời càng nóng, giá đá lạnh càng cao. O Huê phải làm sao có đá lạnh về nhà quay thùng kem, mạch sống chính trong nhà?

  Ngang lứa còn có Nguyễn khắc Hiếu bạn tôi đồng lớp tiểu học. Hiếu đi học về, có khi ra chợ phụ bán hàng cho mạ. Mạ bạn Hiếu có cái quán bún bò- một cái chái bên vách Tiệm Vạn An- ngõ từ đường Quang Trung đi vô chợ, tức là giữa Vạn An và tiệm hàng Ông Út. Bún bò mạ của Hiếu thật ngon nên đông khách. Quán vào buổi sáng đông khách nhất, dãy bàn kê sát vào tường không khi nào dư chỗ.

                     
Trường 'Miệu Ôn Voi'  gần gốc cây xanh phía xa xa    



Quanh Chợ hồi đó, bạn bè tiểu học với tôi khá đông. Đứa nào cũng phụ được gia đình. Tôi nhớ Hoàng Đạo; ôi cái giọng bắc sao 'chỉnh' quá đi thôi! Đạo hàng ngày phụ mẹ, mời chào khách. Nhà Đạo, cái dãy quán tạp hoá có thể có thể từ lúc di cư 1954.  Dãy quán thấp nhỏ, lù mù, day lưng phia bờ sông, mặt trước ngó chếch qua lầu gạo ông Hứa Đức Hào.  Phúc 'mập' con chủ tiệm ăn Đường Ký. Người bạn này ít nói, to cao như cha. Hàng ngày Phúc phụ gia đình làm bánh bao, nhồi bột mỳ cho món hoành thánh nổi tiếng của tiệm ăn Tàu này. Có mấy đứa bạn khác, gia đình thuộc nhóm Trung Hoa Hội Quán; đứa nào cũng siêng năng phụ giúp gia đình. Bạn Lê cảnh Dỏ, phố Trần hưng Đạo -Quang Trung chăm nom tiệm hàng, giúp ba mẹ bán cho khách thuốc lào Bát Tiên, kẹo bánh... ngay cả những tờ vé số thứ Ba xổ "ước mơ triệu phú" của người thành phố một thời.


theo chiếc xe đạp hình này, rẽ phải là vô Chùa Bà Năm, nhà bạn Hồ Đại Đường ở hẻm này. Hẻm chùa Bà Năm này thông lên đường Quang Trung

  Trở lại cái nghề 'quay kem', nghề của o cháu bạn Hồ đại Đường. Xem vậy mà gian khó.  Phải kiên nhẫn, quay sao cho độ lạnh của đá làm kem đông cho o Đường đi bán. Quay kem có nghĩa là, Đường thức dậy thật sớm, tới ngay nhà máy nước đá, chờ hay giành mua cho ra từng khúc nước đá chưa kịp đông đặc hoàn toàn người QT lúc này gọi là "nước đá còn non" hay "chưa già". Tất cả đều nhờ lớp đá lạnh trộn thêm muối -đó là 'bí mật'  gia tăng độ lạnh. Thùng kem lỏng, giờ Đường quay liên tục, đá ngoài càng lạnh kem trong càng mau đông. Xong việc, bạn tôi mới bắt đầu đi học hay làm bài. Nhà nghèo hiếu học, Hồ đại Đường luôn đứng đầu lớp và là học sinh đứng đầu trường Nam đến nỗi ông Hoàng văn Ngũ người trưởng Ty Học Vụ (1965) nhớ và khen "học như Hồ đại Đường kìa".

Người viết ghi ngang đây chắc bạn bè cùng lứa nhớ về Hồ Đại Đường, một học sinh ưu hạng một thời, niềm tự hào của lớp Nhất C học trò thầy Khánh. Một người bạn có người cô hiền lành thuơng cháu và chiếc xe kem ngày ngày miệt mài bên phố Quảng Trị. 


vợ chồng Hồ Đại Đường (trái ngoài cùng) đang chung vui cùng các bạn NH 65-72  khi về thăm Nem Lụi Sãi ngày 23/6/2012 trong kỳ Đại Hội 60 năm Nguyễn Hoàng 24/6/2012 tại QT
nay Hồ đại Đường nay đã ra đi về thế giới bên kia của người thiên cổ 

*
  Cuộc đời như phù ảnh, thế gian nhiều cuộc đổi dời, bao cảnh bể dâu tan tác. Thành phố Quảng Trị đã thành tro bụi. Bốn muơi năm sau, những con người phố xưa về thăm đất cũ. Những đứa học trò về lại trên nền trường Nguyễn Hoàng. Tôi không ngờ gặp lại Hồ đại Đường, người bạn giỏi toán năm xưa. Dù đã xa Quảng Trị  nhưng Đường mãi hoài thuơng nhớ một thành phố nơi Đường lớn khôn lên cùng tiếng leng keng của chiếc xe kem của người cô yêu dấu muôn đời./.


====================================
cuối năm 2013 giáp tết 2014, thầy Lê hữu Thăng cùng một số đồng môn Nguyễn Hoàng tới thăm Hồ đại Đường bị tai biến nhẹ tại Sài Gòn




 ==================================================== 

COMMENT ĐƯA  QUA  TRANG NÀY

Thầy Lê hữu Thăng.....Đó là bà Huê..ở nơi chùa Bà Năm(Bà Năm là vợ Ong quan 5..Colonel Pháp,Khâm sư tỉnh Q
Tri..đi săn voi ơ đường Bảo Đai bị voi chà chết).Năm 1967, nha máy nước đá của ông Mỷ Phát,nổ bình gaz,bà Huê bị thương,tức ngực,dược bổi thường,sau đó ông MP bố tri cong việc làm từ thiện,hàng ngày Bà Huê lên bệnh viện,có ai chết,tặng một quan tài và ít tiền lo mai táng...Hổ đại Đường lả cháu bà Huê,nuôi cho ăn học..sau nay khoang nam 2000,nghe no í đổ kỹ sư,tui co s gặp,có nhả ở duong Cao Thắng...Đi bán cả em,đơn giản như thế mả nuôi cháu,tình nghĩa cao quý quá..]

April 22, 2016 at 7:00 AM

 
Blogger tieng thoi gian said...

Cảnh Dỏ Lê ... Bài viết quá hay Phúc ơi, bạn đã gợi lại ít nhiều kỷ niệm của những ký ức xa xưa, hơn 40 năm mà vẫn thấy như mới đó qua bút ký của bạn. Bài viết chính xác và rất chân thật. O bán kem đó là cô ruột của Hồ đại Đường, mình biết rõ là vì ngày xưa mình đã từng ăn ngủ tại nhà HĐĐ. Học hỏi thêm ở HĐĐ môn toán vì HĐĐ quá giỏi toán. Ngoài công việc bán kem cô còn là 1 diễn viên về bộ môn hát bội nữa. Hồi đó ba của mình mê đánh trống chầu rồi vung tiền lên sân khấu để thưởng cho những đoàn hát bội từ phía nam ra diễn tại Quảng Trị. Mình muốn nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa nhiều và nhiều lắm nhưng thiếu chất diễn thuyết ,văn lại không hay nên thôi. Hôm nay đọc được bài viết của bạn......bạn biết không, mình đã và đang khóc đây. Thôi mình chỉ muốn bổ sung 1 vài ý về o bán KEM VANI để nuôi cháu ăn học đến thành đạt.
Cách đây 3 năm mình có lên Sài Gòn và tìm gặp được 3 bạn thân học chung lớp với mình: Hồ Đại Đường - Hồ đắc Lễ và Trần chính Nghĩa, bạn còn nhớ không? Chúc bạn vui khoẻ. À mình nhớ ra rồi tên O bán kem là O Xuân

September 7, 2016 at 10:53 AM

 
Blogger tieng thoi gian said...

Thach Hãn ..... Trường " miệu ôông Voi"! Ngôi trường tuổi thơ của tôi! Từ năm 70 đến 72! Kỷ niệm kg bao giờ phai!

September 7, 2016 at 10:53 AM

 

No comments:

Post a Comment