Saturday, August 12, 2023

TỔNG HỢP 4 VIẾT VỀ QUẢNG TRỊ TRƯỚC 1975

 

MỤC LỤC


1-MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG  QUÊ HƯƠNG 

2- CHÈ GÁNH  ĐÊM TRĂNG QUẢNG TRỊ

3- ĐÔNG HÀ -THƯƠNG VÙNG HỎA TUYẾN

4- CHỢ ĐÔNG HÀ CUỐI NĂM 1975

5- NHỚ TRIÊNG ĐẬU HŨ THÔN XƯA


=================


    MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG  QUÊ HƯƠNG



 Ðưa em về quê hương, hỏa châu vương mắt đỏ 
 buồn đong đưa soi lối nhỏ không hồn, ôi buồn sao ôi buồn sao 
đã từ lâu từng đêm nghe tiếng súng đi hoang 
với lửa cháy trong tim người, đã hai mươi năm rồi... 

(Nhạc Phạm Thế Mỹ / Đưa Em Về Quê Hương)









    Khi con đường mới từ Quảng Trị vô Huế hoàn thành có một thời gian thật ngắn chúng tôi thường gọi là "Xa Lộ Đại Hàn". Thật ra cái tên "Đại Hàn" do ai đó có thấy có một đơn vị Đại Hàn thực hiện công trình làm con đường đó rồi truyền miệng với nhau chỉ trong một thời gian thoáng qua ban đầu. Tên đó không có ai công nhận hay văn bản nào ghi chép nên sau này không ai gọi nữa và chẳng ai còn nhớ.  Đoạn đường mới, đầu tiên là con đường cho những chiếc honda mới toanh của "các cô, các cậu" từ thành phố QT chiều chiều 'vù' ra; vừa thử tốc độ xe lại vừa hóng mát...

Con đường đó tạm coi từ múi bên bờ nam Cầu Ga cho đến giáp Cầu Mỹ Chánh. Như thế độ dài của con đường mới có thể đến hai mươi cây số. 
Có ngờ đâu một vài năm sau, chính trên con đường lại trở thành một đoạn đường đau khổ? 

Một đoạn đường hay tiếng kêu đau thuơng mà ai là người QT không thể nào quên.

                                                            



BẾN XE NGUYỄN HOÀNG




   Chú tài xế vô số quẹo chiếc xe buýt Renault cũ kỹ, lọc cọc một đoạn ngắn qua cây xăng Shell liền ngừng lại.  Cây xăng ngó qua cổng trường Nguyễn Hoàng.

-Mi đem tiền vô mua thêm hai chục lít cho đầy mau Lép!

Thằng Lép, tên đứa "ét" xe, dạ xong, chạy lẹ vào trong.

Cứ sau mỗi lít xăng là cái chuông trong cái trụ xăng màu vàng chóe kêu cái "keng" nghe khá vui tai. Lạ thiệt, người mình đi đâu cũng không bỏ đi cái tính bồn chồn, vội vả, trong xe ai cũng nhấp nhỏm mong xe chạy mau cho rồi. 

          -Đợi tui với! đợi tui với!

   Một ông già đang đẩy chiếc xe đạp giàng, hối hả chạy lại. Cái dù đen của ông, bó gọn  đang móc tòn teng một bên cái 'ghi đông'.  Chiếc xe hàng đổ xong lít xăng cuối cùng.

   -Xe vô Diên Sanh khôn rứa chú?

Thằng Lép chỉ ngúc cái đầu thay vì trả lời Ông, miệng còn ngậm một đầu dây cột. Hắn đang bận đóng cái nắp bình xăng:

-ÔÔng 'đợ' (đỡ) cho con một chút?

Thằng lép giờ đã leo lên mui xe, hắn đứng hơi xoạc chân trên trần, khom hết người, cố kéo chiếc xe đạp giàng của ông già lên.  Cái bánh sau hơi đong đưa theo bàn tay gầy gò, đầy những đóm da đồi mồi của ông. Thằng Lép ét xe Quảng trị -Huế đã lâu nên đã quen tay, chỉ nửa phút hắn ngoáy sợi dây dừa lại thêm một vòng buộc chặt chiếc xe đạp. Ông già cố sức dùng tay kéo thân mình lên, một chân bỏ vào cái bàn đạp sau, đầu gối ông run run. Một anh học trò ngồi ghế sau vội đứng dậy nhường chỗ cho ông. Mắt ông sáng lên, nét mừng rỡ:
-Rứa cháu cũng vô Diên Sanh à?

Giọng ông khào khào, chòm râu bạc rung rinh theo tiếng nói.

-Dạ cháu vô nhà , tuần sau ra lại , cháu học bên trường Nguyễn Hoàng đó ôn!

  Vừa nói tay anh học trò chỉ qua chiếc cổng trường  phía tay trái.














Chiếc xe rồ máy chạy đi. Mới qua  số hai thì chiếc xe buýt đã quẹo trái vô đường Lê Huấn. Con đường này có cái tên mới  sau trận Hạ Lào. Quẹo hơi đổ dốc trước cổng  Sân Vận Động rồi xuôi về một đổi qua Lò gạch ngói Trương Kế thì tới Ngã Ba Long Hưng.



Lệ thuờng xe hàng nào cũng dừng ở đây " xin tài". Xin tài có nghĩa là lấy giấy qua trạm khám xét trước khi vô Huế. Vô địa giới Huế tức là Phò Trach có thể thêm một trạm nữa nhưng chuyện này không liên quan đến chuyện kể hôm nay.
 Tiếng khách lao xao nói chuyện trong chiếc xe chật cứng tuy ai cũng mong xe đi mau. Hai hàng ghế trước dành cho khách đi thẳng tới Huế. Dáng họ yên tâm, chẳng nôn nóng gì chuyện xuống xe. Có người đang nghiêng đầu thiu thiu ngủ.
--------------------

 tuổi thơ QT bên cầu Ga năm cũ 1969-đằng sau các em nhỏ là nguòi lính Mỹ từ trên xe đoàn công voa quân đội Mỹ đang dừng nghỉ đi xuống mua hàng mấy em nhỏ đang bán gồm kẹo cao su, và thuốc lá hay những thứ nào mà lính Mỹ thích

Cầu Ga song song Cầu Mới do công binh Mỹ xây khoảng 1970 cùng thời điểm với Xa Lộ Đại Hàn để giải quyết nạn chờ lâu tại Cầu Ga xưa chỉ 1 làn xe chạy nên phải đợi nhau.
1972 Cầu Mới bị cháy trong và cầu Ga xưa thì bị sập 
------------------------- 

xe traction Avant chạy suốt QT -Huế chở 11 người 

Hành khách ở băng ghế sau, họ sẽ xuống Cầu Dài, kẻ xuống  ngã ba về Diên Sanh ...lao xao nói chuyện. Đủ hạng người, từ cậu học trò vô nhà, Ông lão thăm làng , o đi buôn...những cái xách , những cái bao cát Mỹ đựng đầy đồ nhét dưới hai hàng ghế . Khách xuống giữa đường chịu khó níu tay đứng sát với nhau, mùi mồ hôi, mùi thuốc cẩm lệ , mùi mắm ruốc cá khô... đủ thứ bốc lên trong khí trời nóng nực.

Chú cảnh sát ra hiệu cho xe chạy. Tài xế liếc mắt nhìn bên phải đường sợ chiếc xe nhà binh Mỹ nào chạy vụt qua thì 'bỏ mạng'. Chiếc xe như run rẩy bò  lên mép đường bắt đầu leo vào con đường mới.

Thật đúng với cái tên Xa Lộ!

 Người  Quảng Trị nhất là những ai năng đi xe hàng, chú tài xế, thằng ét xe cho đến nguòi buôn thúng bán bưng, cậu học trò tạm trú ngoài tỉnh vào lại làng, ông lão thăm làng hôm nay ... đều ngầm biết ơn mấy ông lính công binh Đại Hàn năm trước.  Họ lầm lì làm việc chăm chỉ mới có cái xa lộ thênh thang đổ nhựa "láng o".

Chú tài lắc lắc cần số vô sô' bốn-số năm. Số cuối, chiếc xe nghe 'ngọt' vô cùng. Khác với mấy ông tài trong nam, vừa lái là 'vô' câu vọng cổ nghe 'rất mùi', người Quảng Trị như chú tài hôm nay, nét mặt lúc nào cũng đượm vẻ lo lắng, suy nghĩ. Dân mình cực khổ quá nên nét mặt người lớn ít ai thấy vui vẻ hồn nhiên chăng?  Mắt chăm chú nhìn hướng trước, chú năng sai bảo thằng Lép. Có khi chú la mắng, gắt gỏng hắn nghe thiệt tội nghiệp?




-Ê Lép ra quay xe mi!

  Đó là lệnh chú sai thằng Lép, hắn chạy lẹ ra trước xe. Xong, hắn  dùng cái tay quay bằng sắt , khom mình, nín thở quay cho chiếc xe nổ máy. Nhưng hắn cẩn thận, chiếc xe vừa nổ máy, hắn phải biết rút cái cần quay hình chữ Z ra ngay, nếu không,  nó sẽ 'đánh trả'  lại 'què' cả tay?

-Ê Lép đổ nước mi!

  Thằng Lép liền dạ và vội xách cái bình chạy mau xuống vạt ruộng vừa cấy múc nước chêm vào bình làm mát máy.

-Ơi  Lép và…ê Lép.. mau lên mi!?

Dáng hắn lom khom, nhanh nhảu cột hàng trên trần, lại trèo xuống. Bổn phận phụ tài (ét xe) nên hắn biết phải rất cẩn thận để bảo vệ cái mạng của mình. Vừa rồi, đồng nghiệp với hắn cũng nghề "ét xe" lại bị tai nạn rớt từ trên trần xuống đường, chết oan uổng. "Sinh nghề tử nghiệp" nhưng những đứa phụ tài như thằng Lép phần đông đều lanh lẹ nên khó lòng mà 'rủi' như bạn hắn. Hắn thương thằng bạn cùng làng nhưng không vì rứa mà sợ rồi phải bỏ nghề?
 Bỏ nghề lấy chi ăn? còn nuôi mạ giúp bọ dưới làng nữa? thằng Lép biết nghĩ như thế.


 Công việc của Lép là 'ÉT xe" mà 'ét xe" thì ít khi có dịp đứng trong thùng xe ngoại trừ lúc xe ế khách. 

Một tay níu một tay hắn đập thình thình vào thành xe để chú tài  nghe mà dừng cho khách xuống. Miệng hắn phải biết ra giá mỗi khi khách kỳ kèo:

    -Vô Diên Sanh 15 đồng có đi khôn?

    -Mười đồng thôi, răng mà "mắt" rứa?!

   -Thôi! mười hai đồng o khôôn(g) đi thì đợi xe sau mà đi! 

Xe chạy một chút chi là đến ngã ba hơi quẹo phải là tiếp tục xa Lộ Đại Hàn, chếch về bên trái là con đường Quốc Lộ cũ hướng vào Diên Sanh năm trước. Nay đoạn này trở thành hoang phế do không còn xe chạy. Nhánh đường  giờ trông 'teo tóp', cỏ hai bên đường tiếp tục lấn sâu vào. Những người ở Diên Sanh thì họ thương con đường cũ này. Họ nhớ đoạn qua Cầu Nhồng rồi Cồn Dê trước khi xe leo lên con dốc tới Quận trên một dốc đồi, xe hơi đổ dốc xuống xã Hải Thọ rồi đến Chợ Diên Sanh. Có con đường mới ít ai ghé chợ Diên Sanh nữa ngoại trừ người ở đây...
-------------------


    con đường rẽ vào làng trước mặt con đường quốc lộ 1 cũ đi vô Cầu Nhồng
Những mảng nhựa đường mỏng, lổ đổ những hố lõm, trồi trụt chỉ còn để người dân Long Hưng phơi lúa hay khoai khô sau vụ mùa

----
Múi đầu đoạn đường mới này sẽ giã từ mấy vạt dương liễu xanh um hai thôn Đại Nại Long Hưng sẽ đi qua khoảng cát trống, đầy cây dứa dại, những mồ mả hoang vu. Bên phải lác đác những rú càn thưa thớt. Vài lùm cây phía phải con đường, nhìn lên hướng núi. Ít ai kêu xuống đoạn này; ngoại trừ ngã ba Diên Sanh , vùng đất mới mở, một khu dân cư mới . Nơi này chiếc xe hàng phải dừng cho cậu học trò và ông lão xuống. Họ phải đón xe lam về chợ Diên Sanh hay có tiền thì đi xe ôm. Mấy chú xe ôm đang ngồi chờ vài ba người khách lác đác. Mấy chú đợi mấy chiếc xe hàng dừng lại xem có ai không?



 thuơng về Quảng trị cái thời rau trái Gio Linh , Nam Đông cùng  những chiếc xe hàng Đông Hà -QT lộc cộc thô sơ--Đây là hình ảnh chiếc xe hàng Đông hà -QT mới rời đông hà khoảng cây số thì ghé bót kiểm soát bên phải đường. Chúng ta thấy hình ảnh một ông già đang gánh 'cái gì' đó bươn bả đi tới...đó là hai bó 'hom' sắn để về trồng chứ không phải củi 
-------------------

 Mỗi lần xe dừng, thằng Lép phải trông đằng sau , hối thúc xe xuống nhanh để chạy cho kịp. Cái luật bến xe Nguyễn Hoàng, luật của Nghiệp Đoàn là xe tài sau mà bắt kịp xe tài trước thì về bến Nguyễn Hoàng Huế sẽ bị ghi phạt. Đây là luật lệ nghiệp đoàn để tránh trình trạng xe đi trước , không chịu chạy, cứ sa đà, lo thu gom 'hết khách' xe sau- tức nhiên là 'cướp cơm' xekhác . Nghĩ kỹ, vừa công bằng, vừa bắt tài xế phải lái nhanh, kịp thì giờ, không trễ nải.


                        ***


Xa Lộ Mới kéo dài đến tận Mỹ Chánh.  Hơn hai mươi cây số, người dân Quảng trị một thời, có được cảm giác êm ái từ con đường nhựa đổ dày, rộng rãi. Hình ảnh những đoàn "công voa"(convoy)  quân đội chạy rầm rập, nối dài mấy cây số theo con đường độc đạo . Những vệt khói trắng dài như bất tận trên nền trời xanh, của những chiếc B52 . Một thời chiến tranh, những âm thanh,  hình ảnh như con tồn đọng vơ vẩn trong đầu người Quảng Trị.






  






Có những chiếc xe trong Huế ra, ngược chiều, chú tài đưa bàn tay ra làm dấu hiệu. Có thể giới tài xế ra dấu cho nhau tin tức đoạn đường phía trước ? Khách hai dãy ghế trước vẫn thiu thiu ngủ. Khách xuống nửa đường thì nơm nớp ngó ra canh chừng...

Tiếng bà chủ xe ở trong:

             -Ai xuống Mỹ chánh cho tiền xe nghe?

Khách sẽ trả tiền cho bà chủ xe những lúc gần đến. Lại một lần nữa, tiếng kỳ kèo trả giá, ì xèo. Khách đi cằn nhằn, than mắc!

Khách đi xe như cậu học trò ở trọ hay ông lão, hai người vừa xuống trước ở cái ngã ba vắng vẻ rẽ về Diên Sanh.  Những người buôn chuyến, có người xuống Diên Sanh nhưng còn một ít sẽ xuống Mỹ Chánh. Mấy chiếc gióng móc tạm sau xe, đang đong đưa. Vài cái 'đòn triêng' (đòn gánh) chuồi sâu dưới sàn xe, tha hồ cho những bàn chân giẫm đạp. Chỉ có khách ngồi hai băng ghế trước, họ vô tận bến xe Huế, yên lặng nhất. Người ngồi trước này đang 'ngủ gà ngủ gật', thỉnh thoảng mới hé nhìn ra cho biết. Bao nhiêu thứ 'ổ gà, ổ vịt' từng làm 'đau xe' hay 'đau lòng' tài xế đã biến mất nhờ hai mươi cây số của xa lộ mới toanh này.  Mọi người, từ chú tài, thằng ét đến hành khách trên xe, ai cũng thầm  cám ơn con đường mới.  Một cảm giác 'tận huởng'  trên đoạn đường chạy êm- niềm vui sướng hiếm hoi trên một   ĐOẠN ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG- Quảng Trị - Huế.

Trời nắng chang chang, chiếc Renault vẫn kiên trì 'rít' bánh trên mặt đường nhựa đen, bóng loáng. Luồng gió nóng, cát bốc cao đằng xa, trên vài trảng đất hoang vu, cằn cỗi.. Không khí lung linh trong mùa hè oi ả, đang thổi về những luồng 'gió lửa Hạ Lào".  Trên hai hàng ghế trước, khách đi suốt Quảng Trị -Huế, trong giấc ngủ chập chờn, họ mơ màng nghe tiếng lao xao của bến xe Huế:

-Mè xửng đây chú?!
-Anh ơi mua mè xửng khôn?!

Khách ngồi hai hàng ghế đầu chợt choàng tỉnh. Họ lật đật xuống xe. Ngót sáu mươi cây số, từ ngoài Quảng Trị vô, khách về Huế mơ màng nửa nghe nửa mất bao tiếng nói, giọng người Quảng Trị. Suốt lộ trình thân quen đó, ắt hẳn có một đoạn đường gần hai mươi cây số giúp chiếc xe hàng chạy êm.  Sau giấc ngủ chập chờn, mệt mõi, khách còn vấn vương chút gì trong tâm não mình, đó là tiếng nói Quảng Trị cùng một  cảm giác nôn nao nào đó gom lại cho khách về lại Huế một chuyến hành trình khác lạ.  Một chặng đường, tuy gần mà tưởng như xa do khách vừa rời vùng "Hỏa Tuyến" để về lại chốn Cố Đô ./.


                -------------------------------------- 

  CHÈ GÁNH  ĐÊM TRĂNG



     Mặt trời đã khuất hẳn dưới rặng núi mờ xa. Dãy Trường Sơn còn lại một dải đen xậm nổi trên nền trời nhợt nhạt. Bầu trời bắt đầu nhấp nháy nhiều ánh sao đêm mọc trước.

    Màn đêm buông xuống từ lâu thế nhưng bầu không khí nóng rát ban ngày chưa dịu hẳn đi. Cảm giác nực nội từ cơn nắng lửa và gió Nam Lào vẫn đọng lại từng góc xóm, ngõ, kiệt hay trên mặt mấy con đường nhựa bao  quanh Thành Cổ. Đèn đường quanh thành phố đã sáng khá lâu nhưng làn không khí nóng nực vẫn lởn vởn quanh người, trên da thịt. Mọi người đều cảm thấy thân mình nhơm nhớp mồ hôi. Hàng  xóm, nhà ở trước đường vẫn còn thức. Họ ngồi trước hiên và liên tục tận dụng mọi thứ quạt- quạt giấy quạt mo đủ thứ liên tục quạt phành phạch lên người.




Dù bạn có than thở hay oán trách chi thì ông trời vẫn đem cái nóng 'như hui' lên thành phố QT vào mùa tháng hạ. Đêm về bạn chỉ ngồi ở trước hiên nhà, tay quạt liên hồi, cố xua đi cơn nóng. Có người phải đợi đến mười giờ đêm mới hi vọng khí trời dịu hẳn. 


CHÈ GÁNH



Khoảng chập tối, đó là thời gian các o bán chè gánh rời nhà kiếm sống.  Các o, phần nhiều từ các thôn Hạnh Hoa, Cửa Tả, Thạch Hãn đợi đêm xuống lại bắt đầu quảy mấy gánh chè nóng đi bán dọc theo mấy con đường bao quanh thành phố Quảng Trị.


Thật ra những ai ở trung tâm thành phố, đang cư ngụ hai bên mấy con phố chính như Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Trưng Trắc… có phần nào 'thiệt thòi' do cái cảnh  “cửa đóng then gài”; lý do, tiệm hàng buôn bán phải có cánh cửa sắt to lớn phía trước. Ban ngày mở ra buôn bán xong, ban đêm phải lo đóng lại đâu ai dám mở ra. Nói như thế, có nghĩa rằng người ở trên phố hiếm dịp ra ngoài thoải mái  ăn chè nóng về đêm như chúng tôi sống ở mấy xóm ngoại ô cách xa chợ tỉnh.




 Những đêm mùa hạ như vầy, o bán chè hay tới mấy góc đường có ánh đèn điện soi sáng. Quanh các o, hay dưới cột điện đường, những đứa con nít thường tụ tập chơi đá lon, cút bắt, reo đùa ầm ĩ. Thong thả, o đặt gánh hàng xuống vừa nghỉ mệt vừa đợi khách...    



  Nói đến mấy gánh chè đêm, tôi nhớ mấy cái song nhôm đựng chè nho nhỏ. Chè o bán đủ loại: nào đậu xanh, đậu huyết, đậu ván đặc, nào chè bột lọc bọc đậu phụng, hay chè đậu ngự… Mấy o nấu sao "ngon lạ ngon lùng"! mỗi loại chè có một vị ngon khác nhau, đặc biệt loại chè nào cũng ăn nóng. Ngó đến mấy chén đựng chè lại "bé nhỏ xinh xinh" ăn xong tôi lại muốn ăn thêm chén nữa. ..hạt đậu phụng thơm giòn nằm gọn trong lớp bột lọc dẻo dai , hòa trong vị ngọt dịu- thơm lẫn mùi gừng Quảng trị. Hạt đậu ván o nấu bùi bùi, chen lẫn trong làn bột dẻo, đặc sánh. Những hạt đậu xanh, đậu huyết, hầm mềm nhưng không bao giờ nát để làm vẩn đục nước đường đậm ngọt. Gia tài của o cùng tài khéo léo hình như nằm hẳn trong gánh chè này. Hương thơm vị ngọt từ những nồi chè, đó là tài nội trợ, giỏi giang của bao nhiêu người chị, người mẹ QT quê mình. Khách ăn xong, o rửa lại mấy cái chén trong song nước đem theo ở một đầu gánh. O tiếp tục gánh triêng chè theo mấy con đường  quanh Thành Cổ.




 Triêng chè đêm Quảng Trị chỉ bán vào những đêm mùa hạ. Thu về đông đến, mùa của mưa phùn gió lạnh chắc chắn không còn những triêng chè đêm như vậy nữa. 

 Mùa hè lại gặp  những đêm "trăng thanh gió mát", ăn chén chè nóng ban đêm xem chừng  thú vị biết chừng nào. Vài ba xóm nhỏ, xa xa thành phố, dọc theo mấy con đường Lê văn Duyệt, Duy Tân,  Lê thái Tổ, về đến Hồ Đắc Hanh ...  khách đủ hạng người, từ lớn chí nhỏ, có dịp ăn chè nóng, lại ngồi chồm hổm bên đường...

 Vầng trăng mùa thu đã lên cao, tôi nhìn theo dáng o bán chè lúp xúp chạy đều. Trên vai o chiếc đòn gánh nhẹ nhàng vẫy nhịp. 

 Ánh trăng của bầu trời thành phố Quảng Trị hòa lẫn với mấy ngọn đèn đường vàng vọt như nhạt nhòa thêm. 


O bán chè vừa gánh vừa rao:


-Ai ăn chè đậu xanh, đậu huyết, bột lọc, đậu ván kh.. ôn….


================================== 

ĐÔNG HÀ -THƯƠNG VÙNG HỎA TUYẾN

 

  Lại một tháng Tư là lúc người Việt xa xứ nhắc về một thời chinh chiến. Bốn thập niên xa lắc xa lơ, sóng thời gian từng vùi dập bao hình ảnh khó quên, bao lớp người nay đã năm xuống an nghỉ vĩnh viễn quên đi bao nỗi đoạn trường của chiến tranh. Những ai còn lại, thỉnh thoảng lại cùng nhau tưởng niệm quá khứ VN cứ độ tháng Tư về.

nhớ về Đông Hà những ngày khói lửa 

*

Có ai qua vùng hoả tuyến
Nhắn cho tôi một vài lời
Mái tranh thân yêu còn đâu

Luỹ tre xanh tươi còn đâu
Đổi thay giờ đây lửa máu...

(Thương vùng Hỏa Tuyến- tác giả Lê minh Bằng )




 


  


Có một thời người lính Vùng II Chiến Thuật thường nghe bài hát nói về người con gái Pleiku khi suơng mờ mãi vuơng vấn  trên thành phố co' "em ...má đỏ môi hồng". Đó là chút gì gọi là an ủi cho anh lính về thăm. Thị trấn đó xa rồi, nay là 'ảo huyền nhân ảnh' cho những người lính xưa nay nếu còn sống thì đã da nhăn, tóc bạc.



         xe đò Quảng trị - Đông Hà vào bến 


   Lính vùng I khó quên một "phố núi Pleiku" của tỉnh "địa đầu giới tuyến" từng được lính đặt cho cái tên là "Thị Trấn Ka Ki". Phố đó là Đông Hà, một thị trấn nhỏ bé, ít ai biết hay quan tâm ngoại trừ người lính. Đông Hà, nói khác đi là một thị trấn của "vùng Hỏa Tuyến" hàng ngày như 'giấu mình'  lắng nghe tiếng giày "botte de sault" nện đều trên vài con đường, chưa đi đã hết. 




Đông Hà, một thị trấn ngoại biên nhỏ bé của "VÙNG HỎA TUYẾN" điêu tàn ngập chìm trong lửa đạn. Tuy thế nó cũng an ủi cho nhiều người lính từng đảm nhiệm nhiều mặt trận rất gần.  Lính vùng hỏa tuyến, có vài giờ phép hay tiện dịp công tác ghé qua, anh vẫn ghé Đông Hà, dù trong chốc lát, rồi vội ra ngay đơn vị.


Một thời chinh chiến, hình ảnh khó quên từ một  thị trấn nhấp nhô màu áo ô- liu của lính. Chiến tranh khốc liệt, khói lửa ngập tràn. Căn cứ C1, C2, Cồn Thiên, Mã Đỏ. Tuyến McNamara, Căn cứ A1, A2.
Dù, TQLC, BDQ, Sư Đoàn 3...


đại uý John Ripley (trái) cố vấn cho thiếu tá Lê bá Bình tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 (TQLC)(phải) tại mặt trận Đông Hà 4/1972 sau khi cầu Đông Hà bị giật sập để ngăn bước tiến của chiến xa miền Bắc 

  
Gio Linh "bạch hoá"hoàn toàn, rồi khu Định Cư Cam Lộ được xây dựng. Cường độ chiến tranh càng lúc càng làm cho Đông Hà trở thành "nút" tiếp chuyển cho các tuyến lửa dài tận Khe Sanh hay vuơn ra Gio Linh, Charlie 1, Charlie 2. Tất cả đã "quân sự hoá" Đông Hà. Tiếng gầm rú của những chiếc C130, C119, trực thăng lên xuống bận rộn đêm ngày. Đông Hà nghiễm nhiên là  một thành phố lính.

Khói súng, máu, bao chiếc GMC chở đầy xác người qua Đông Hà. Những chiếc trực thăng cũng câu xác máy bay cũng bay qua Đông Hà. Anh lính về phép đi ngang...Tất cả đã nhấn chìm Đông Hà trong vùng "tử ảnh" không hơn không kém. Không ai dám ra cái thị trấn đầy hiểm nguy này ngoại trừ người lính. Không ai còn nghĩ đến nó ngoại trừ người lính. Chết chóc và đe doạ đã làm người ta lần hồi quên mất hai chữ Đông Hà.


nữ sinh Đông Hà lên xe đi ủy lạo chiến sĩ  1970

Thế mà người lính vẫn lưu luyến hay thương nhớ Đông Hà dù đó chỉ là một thị trấn đìu hiu, xơ xác cửa nhà. Từ rừng xa, người lính có dịp ghé qua Đông Hà, anh vẫn mang một cảm giác "người xa về thành phố... cho bỏ gian lao ngần này phép rong chơi ..." (Người Xa về Thành Phố). 

   Đông Hà vẫn còn bóng dân.  Khi dáng dấp e thẹn của những người con gái, em cho người lính trận hiểu rằng anh  về đến hậu phuơng. 


      một con đường trong Chợ Đông Hà 1969


Ôi! tô bún xáo Đông Hà vẫn đưa huơng vị thơm ngon chẳng thua gì Huế. Sợi bún Đông hà sáng sớm từ Ngã tư Sòng đem qua vẫn dẻo mềm, dai dai, vị chua chua của mùi bột ủ. Thị trấn của lính chỉ thế thôi, đơn sơ rách rưới trong màn suơng mờ vuơng vuơng mùi thuốc súng. Vài cái quán lèo tèo, ngó ra cái bến xe trống hóc, buồn thiu.  Những mái nhà, ngói tôn lộn xôn, lổ đổ ánh nắng xuyên qua do mảnh đạn làm lủng nhiều nơi. Vài ba quán cà phê, lại cộng thêm hàng ăn, thức nhậu. Bàn ghế đóng vội từ thùng đạn pháo binh.  Lính ăn xong vội về đơn vị. Những khuôn mặt mất ngủ, qua từng đêm ngồi hố cá nhân. Lính giã từ Đông Hà. 

Anh  lính "Địa Đầu" còn mãi nhớ Đông Hà. Anh nhớ những mối tình chớm nở thật mau. Gái Đ. Hà chọn màu áo lính khi trai thời loạn nối nhau, theo bước quân hành. Đông Hà và những người vợ lính và lính thuơng nhớ Đông Hà. Những "cánh dù" hay những chiếc áo "rằn ri', quê tận trong nam lại lấy vợ Đông hà.  Dù cái giọng trung nghe sao là "nặng". Lính lại đưa tay làm dấu điếu cẩm lệ của vợ mình- ôi "to thật là to". Thế mà thật lạ, anh lính người nam vẫn hãnh diện khi lấy được vợ trung.

    Mùa đông Đông Hà, màn mưa lướt thướt, ngày qua ngày dài như bất tận. Những chiếc GMC chạy vụt qua con đường phố chính , theo Đường 9 lên hướng Cam Lộ. Những chiếc máy bay phành phạch bay trong  trong màn mây đen nghịt. 

  



  'áo tơi', hay nón lá người dân quê chằm từ lá rừng. Người bên kia cầu lầm lũi đi vào buổi chợ.

 Quán sá chợ Đông Hà, hàng hóa bày biện sơ sài. Mấy cánh cửa khép hờ bên một hai con phố gạch đá rơi vãi đó đây. Buổi chợ mùa đông thưa thớt; họ qua cầu Mới về lại bên kia, phía Thôn An Lạc


Dưới cầu, mấy chiếc giang thuyền nằm bất động 'lười biếng'. Hướng Gio Linh và Cam lộ tiếng pháo vẫn dội về trong mưa.



 lực lượng Hoa Kỳ đang bỏ chất nổ dưới cầu Đông Hà chuẩn bị giật sập cầu ngăn chiến xa T54 của miền Băc trong trận mùa hè 1972

 

   ngày 6 tháng 4/1972 


Chiến tranh càng lúc càng tăng cường độ. Một ngày từng đoàn dân hốt hoảng rời xa Đông Hà. Toán chiến xa chạy về án ngữ bên này cầu. Hướng Ái Tử nơi Sư Đoàn 3 trú đóng, những cột khói pháo bốc cao. Người dân giới tuyến phải vượt qua lằn pháo chạy vào hướng nam, để lại phía sau...

Xóm thôn hoang tàn đổ nát
Luống khoai nương cà nghẹn ngào
Tiếng chuông vang không còn nữa
Vắng trâu ăn trên đồng sâu
Trẻ thơ đi tìm mẹ hiền 

(Thương Vùng Hỏa Tuyến)



không ảnh Hoa kỳ cho thấy cầu Đông hà cháy liên tục 4 ngày sau khi bị giật sập vào ngày 6/4/1972

 

Khi vài cầu Đông Hà đổ sụp, dòng  Hiếu Giang chứng kiến những chiếc chiến xa tử thủ chính thức bỏ vào nam. Người lính VNCH cố ngoái lại Đông Hà lần cuối:


       - Đông Hà ơi, xin vĩnh biệt!


Thị Trấn dường như "đang khóc" khi phải chia ly với đám dân nghèo gồng gánh, bao đứa trẻ thơ ngơ ngác chạy theo mẹ cha. Có những người lính đi theo đơn vị lại tiếc nuối, quay quắt cho những mối tình lính mới chớm nhưng lại vội chia ly xa rời vùng Hỏa Tuyến./.





                    ==========







Chợ Đông Hà cuối 1975

Đó là thời gian sau ngày "Gãy Súng" nói đúng ra là sau ngày thua trận. Những gì còn lại cho những người lính miền nam những ai còn sống tại mặt trận trở thành tù binh và sau này là những người tù cải tạo. Trại mới lập xong trên những triền đồi trung du của miền Ái Tử thì đã gần xong năm 1975. 

Có một ngày chúng tôi có mặt trong  một toán tù được trại dẫn đi Chợ Đông Hà. Lý do dễ hiểu nhất do trại Bốn chúng tôi mới lập nên tăng gia rau xanh chưa có.

  tờ bạc 10$ lớn nhất hồi 1975 tại Đông Hà 

Ôi sung sướng làm sao và hiếm hoi làm sao khi có dịp 'sổ lồng' được 'cán bộ' dẫn đi về đồng bằng được 'ra phố' dù có đi bộ từ trại ra Đông Hà. Đoạn đường này không còn là chuyện gian nan cho chúng tôi nữa do chúng tôi lội suối lên rừng đốn gỗ hàng ngày mấy chục cây số về lập trại đã quen.

Tôi đã thấy lại Đông Hà. Sau cuộc chiến chợ này tự khắc đông lên. Người dân khắp nơi tập trung về mua bán. Bộ đội từ Lào từ Đường Chín về. Người thị xã QT mất thành phố nay về đây làm đất sống mới. Từ Đà Nẵng con buôn 'vơ vét' bao thứ hàng hoá còn sót lại ẩm mốc ế ẩm trước đây đem ra bán tại chợ này. Tất cả đều được ngưới bên kia sau bao năm từ trong rừng sâu núi thẩm của Lào của Miền Bắc chiếu cố giành nhau mua. Cuốn album có hình đàn bà 'mắt nhắm mắt mở' khi nhìn nghiêng nay mấy ông cán binh xem là chuyện 'nhiệm mầu'? Những cái kiếng mát trước đây chúng tôi chê là 'thầy bói' không ai đụng đến nay đều 'quý như vàng' . Huống hồ chi là chuyện những chiếc đồng hồ Orient, Citizen ' hai cửa sổ...không người lái'. Những xấp bạc 10 $ đỏ lòm loại bạc Bắc lớn nhất thời đó được họ cất bao năm nay và tung hết mua bán ở chợ Đông Hà cái chợ vừa bừng lên khi khói súng vừa tàn.

Vừa được cán bộ cho đi mua 'rau muống' tôi có dịp gặp nói đúng hơn là THẤY những con người phường phố cũ năm xưa. Lò mỳ Vạn Hoa không còn nay lại đi bán mỳ lẻ. Những mệ những o bán thịt tại chợ QT nay cũng trở lại nghề cũ ở đây. Cái tiệm Đường Ký ngày xưa ba tôi hay dẫn tôi vào ăn mỳ xào mềm  hay hoành thánh tôi thì thích bánh bao nay là cái quán nhỏ lèo tèo bên đường?


tài liệu online hình trung tá Đính sau khi đầu hàng sau này ĐHL sưu tầm ra 
http://trian.vn/tin-tuc/chien-truong-xua-3571/tran-danh-vang-lung-cua-doan-bong-lau-bat-song-vua-chien-truong-329511

Còn nhiều cái để kể nữa ...có bạn tù đi theo chỉ cho tôi người đàn bà còn mặc chiếc áo dài tha thướt trong thời buổi này:
-Vợ Trung Tá Phạm Văn Đính đó
Bà này đi theo với chiếc xe bán tải toyota chở đầy lốp xe đạp từ Đà nẵng ra...Trung tá Đính vào lúc này lại là Trung Tá 'Quân Giải Phóng' Ngày tôi còn ở trại Một tại Ái Tử, có ông ta vừa đi 'thăm anh em tù binh' tại Trại này. Tôi nghe bàn tán ông mang "quân hàm" trung tá bộ đội. Tôi nhớ trại Một do trại này là trại anh em chúng tôi vừa đốn cây xây dựng khi từ Ba Lòng chuyển trại về Ái Tử vào ngày 21 tháng 5 1975... ngày đó các ông bộ đội nói với nhau:
-Thằng Đính về thăm đấy?
Dù ông Đính có mang "quân hàm trung tá" dù ông có chỉ dẫn đánh úp Cửa Việt đêm rạng 27/1/1973 họ vẫn coi là kẻ khác vậy thôi. ..

Mấy mươi năm sau, giờ tra cứu trên online những cái gì ngày đó nay là sự thật.

*

Nhưng câu chuyện tôi kể là chuyện của những người phố phường Thị Xã nay tất cả không còn gì? 
Sau khi được cán bộ cho vào cửa hàng tập thể mua một người một 'xuất cơm' 1$ ăn xong rồi sẽ gánh rau về trại. Phải nhắc chuyện 1$ /1 xuất cơm gồm gì? 
-Một tô cơm trắng
-1 con cá kho
-1 bát canh nhỏ 
Đời tù gặp bữa ăn vậy là sướng 'hơn tiên', dù là tiền của chúng tôi. Vấn đề là cán bộ 'du di' là quá thoải mái. Lại nữa, ăn cơm xong còn được qua quốc doanh kem lạnh gần đó mua cho được cây kem lớn.

Tôi gặp Dượng Khánh. Dượng là anh rễ ông Vị (Mỳ Vạn Hoa), đang một tay đu theo chiếc xe hàng vô lại QT. Không ngờ gặp tôi,  Ông  chỉ biết lắc đầu "không còn gì nữa sụp hết rồi!"

Cái tháp canh cao ngất của Đông Hà vẫn còn, nó giờ sau lưng chúng tôi. Bên phải con đường ra QL 1 cái quán "Đường Ký" dãy hàng lụp xụp dưới vệ đường xa dần...

Sau cảnh 'vật đổi sao dời' được ra phố, được về đồng bằng chúng tôi cảm thấy may mắn và thoải mái làm sao?  Sự tự do dù chỉ nửa ngày nhưng đây là thời gian làm chúng tôi nhớ mãi. Chúng tôi nhớ Đông Hà nhớ một thành phố lính mới một năm thôi giờ đà thay chủ. 



Cái chòi canh Đông Hà giờ sau lưng chúng tôi nó xa dần. Dọc đường về những đoàn xe molotova từ trong nam ra, chở đầy hàng trùm kín mít. Chúng nối đuôi nhau chạy ra hướng Bắc. Chúng tôi chẳng cần biết làm gì chỉ lo đi mau về lại trại. 

Riêng tôi vừa gánh vừa nghĩ về những người vừa gặp...những con người phố cũ mới đó mới đây mà ngỡ nằm mơ.

                ==================

NHỚ TRIÊNG ĐẬU HŨ THÔN XƯA



                  triêng đậu hũ                   
   
nhớ về mấy o, mấy mệ bán đậu hũ Thôn Đệ Tứ năm xưa (ĐHL)

*

Người Quảng Trị ngay ở thành phố vẫn gọi tiếng "triêng" thay cho "gánh" mới lạ. Triêng hay gánh đậu hũ từ Huế ra tới Quảng trị của các o, các mệ gánh rao hàng ngày không khác chi nhau. Một đầu là hũ đậu, nó được bao quanh một lớp vải rơm để giữ nóng. Phía đầu gánh khác là cái thùng gỗ đựng những thứ cần thiết như chén muỗng , đường , chanh hay vài thứ linh tinh khác. Thau nước rửa chén nằm dưới, vài miếng lá chuối giữ nước khỏi chao. Tôi không biết miêu tả thế nào cho tận tường gánh hàng đậu hũ, nhưng có điều tôi chưa quên là tiếng rao mỗi lần ngang ngõ 

    - Ai ... đậu hũ!? 

 Cũng chiếc áo dài bạc màu cùng chiếc nón lá đã đổi màu xam xám cùng dáng gánh nhẹ nhàng của o, hàng ngày chẳng hề thay đổi. 


gánh đậu hũ Huế 

Xóm của Tống thị Huê, người bạn học đồng lứa, ở đầu con kiệt đi vào xóm của mấy chị Ba, chị Tha có hàng đậu hũ này. Mẹ chị Tha và chị Ba, nhà sát cạnh ông Cai Hy đều là quen biết với nhà ngoại tôi cả. Tôi hơi dông dài ở đây, do mệ Cai Hy là thân mẫu bác Hy, chú Thuận (đại úy Thuận ngang lứa với đại úy Nguyễn Bích).

Triêng đậu hũ của mẹ các chị nói trên đi bán hàng ngày. Đó là triêng hàng quen mắt với người viết. Hàng ngày đều thấy mệ gánh ngang ngõ nhà ngoại tôi, tức là con đường Ngự chạy tuốt lui sau đám ruộng phía sau.

Xóm Cửa Hậu chúng tôi thật lạ. Không kêu thì thôi, nếu có người kêu o lại, thế là con nít người lớn đều tụ lại mua thêm.  Có thể ăn đông người vui hơn, đỡ "ô ngai" hơn. Thật thế nếu có vài người cùng ăn đậu hũ, tự nhiên ai cũng thấy vui, quên bẵng đi không khí oi nồng mùa hạ. Nhớ làm sao mấy đứa con trai lứa của em tôi, ngõ nhà chú Huỳnh Chốn, bác Hà công Kinh, chú Phan Hưu đều gần cửa ngọ với nhau. Triêng đậu hũ đặt xuống là cả bầy con nít cỏ cả tôi 'bu' lại...



O múc đậu vào chén thật khéo. Nhẹ nhàng, o  vớt từng lát đậu mỏng manh nóng hổi vào chén xong, o thêm muỗng đường cát trắng tinh, một múi chanh nhỏ xíu. Tay o sao nhanh và uyển chuyển quá đi thôi. Việc làm của o bán đậu hũ không dư không thiếu. Ngó vậy mà o cho nhanh không làm ai đợi lâu. Một đời "buôn gánh bán bưng", thân quen trong mọi ngã đường quanh xóm. Nhà nào kêu thì o gánh vào. Khách trong nhà ngồi ngay trước hiên thuởng thức mấy chén đậu trưa hèTình làng nghĩa xóm càng đậm đà, khách ăn không ai xa lạ, mua- bán giúp nhau. 



 Tôi lại có dịp ghi nhớ cái gia tài, nói đúng hơn là chút vốn liếng  cỏn con của o lúc này .  Mấy cái chén nhỏ được úp trên cùng,  nhưng chúng là chén sành. Mấy cái muỗng cũng bằng sành, khum khum xếp một lớp với nhau. Múi chanh xanh vỏ, thơm thơm mát dịu. Trộn tan xong muỗng đường , chén đậu hũ chưa nguội. Vị đậu hũ nóng tan đều vào lưỡi, thoảng mùi thơm chanh tươi làm người ăn khoan khoái trong lòng!  Khách thuờng kêu thêm chén thứ hai nên hàng mau hết. Gánh hàng ít khi phải đi bán thật xa, từ đầu đến cuối phường  là hết.

Hồi này còn có những gánh chè môn sáp. Tôi tin rằng thứ chè này do người Trung bày ra đầu tiên. Người Trung hay trồng môn khoai phòng khi thiếu đói, giáp hạt. Ngay từ cung đình Huế vua còn ưa ăn canh mít non, mắm nêm thì chè môn chắc không thể nào thiếu ở chốn Hoàng Cung. Hồi đó. chị thằng bạn tôi cùng phường  có gánh chè môn sáp ngon "trứ danh". Đó là lời đồn thôi, do tôi chưa hề ăn chè môn sáp của chị bạn tôi nấu do hàng ngày ngay sáng tinh mơ là chị đã gánh lên chợ Tỉnh (chợ Quảng Trị ngày xưa). Vậy là khách ăn của chị đâu phải là người trong phường tôi, mà là dân trên phố.  Một buổi sáng sớm, đi ngang qua xóm thằng Mẹo, tôi có dịp thấy chị gánh hàng chè môn này lúp xúp ra khỏi con kiệt.  Những mâm chè môn màu lam nhạt, múc sẵn ra chén,  chồng lên nhau từng lớp.


Giờ tôi xin trở lại chuyện triêng đậu hũ. Nên chăng tôi phải nhắc lại với bạn đọc rằng: ngày đó tôi chẳng hề nghe  chuyện "cạnh tranh" buôn bán như thời nay. Trời hè nóng bức, chiều chiều người trong thôn đã thấy triêng đậu.  Dáng mệ, dáng o, lúp xúp gánh từ xa. Người ta đợi, triêng đậu tới gần.

Tiếng là ăn nóng, nhưng khi ăn xong lại thấy mát mẻ trong người. Người lớn kinh nghiệm điều này. Tôi tin thế,  do khi mồ hôi ra bớt, trong người cảm thấy mát hơn.  Con nít thời nào cũng ưa ăn cà-rem.  Nhưng trời hè, càng ăn nước đá càng cảm thấy nóng, không mát chút nào?  Người viết cũng xin mở ngoặc thêm một ít ở đây: triêng đậu thường xế trưa mới bắt đầu bán. Mấy gánh bún xáo, cháo hầm, cháo bánh canh...mấy o đi bán từ sáng sớm.

***

gánh nhịp nhàng.  Cái đòn gánh cong cong, mềm mại bao ngày trên vai. Gánh đậu còn xa tôi đã nhận ra o. O sắp đặt cho gánh đậu gọn gàng làm sao! Múi chanh cắt rất nhỏ, đến mức tôi không nghĩ rằng tôi cắt được. Tính toán chi ly o kiếm đồng lời. Tô đường cát trắng mịn, loại đắt tiền, o xúc thật khéo bỏ lên mặt chén đậu nhỏ- không quá ngọt, mà cũng không lạt để khách phải nài. Sau này, trong nam cũng có đậu hũ, xuơng xâm xuơng xáo... người ta muốn nhanh nên nước đường nấu sẵn, đen sì; tôi chẳng ưa.


Quảng Trị vào hạ, nắng Nam Lào gay gắt như đổ lửa. Một thời, máy nước đá chưa nhiều trong thành phố. Thật ra trong những phường ngoại ô, bà con ưa ăn đậu hũ hơn là những thau nước trà đá chanh đường. 

Vào nam, tôi vẫn thấy người trong này làm đậu hũ. Người ta làm đậu lại bỏ trong những song nhôm trắng xóa. Thế là nguội mất, không nóng bằng thứ đậu hũ gánh ngày xưa.  

 Nay tuy đậu hũ không lạ với bà con bên quê nhà. Thế mà thiếu?  Thiếu là thiếu cái khung cảnh ngày đó. Khung cảnh mà người ở trên hay cuối phường đều là bà con cố cựu, cùng sống, cùng lớn lên từ thời Pháp, thời đệ Nhất Cộng Hòa. Từ đầu đến cuối phường đi bộ "chưa tàn điếu thuốc",gần nhau đến thế nhà nào cũng biết tên nhau, chẳng ai xa lạ.  



 
 






Tuổi già lẩn thẩn, hay nhớ về hình ảnh nào xa lắc...xa lơ, trong đó có gánh đậu hũ lởn vởn hiện về trong trí nhớ tôi. Tôi nhớ sao hình ảnh o giở cái nắp gỗ tròn lên... một màu trắng tinh khôi của hũ đậu, như đám mây trời  dày đặc đang thu gọn lại bên trong. Tay o nhịp nhàng với xuống xớt từng vá đậu mong mỏng, mềm mại, vào từng cái chén sành nho nhỏ , xinh xinh, in hình rồng bay, hạc lượn. Một chút tưởng tượng, tôi hình dung cả một bầu trời mây trắng đang quyện mình trong chén đậu vào một ngày hè ./. 



No comments:

Post a Comment