Thursday, April 13, 2023

QUẢNG TRỊ HUẾ ĐÀ NẴNG NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG

 tác giả: Cố Đại Tướng Cao văn Viên, TTMT/ QLVNCH



            Một trong những khó khăn của quân đoàn I không giải quyết là nạn dân tị nạn chiến tranh. Ở Vùng I dân chạy nạn khỏi vùng giao tranh không phải là một vấn đề mới. Mỗi lần giao tranh lớn là có dân tị nạn—và dân chúng vùng I đã kinh nghiệm chuyện đó nhiều lần trong chiến tranh VN. Trận Mậu Thân năm 1968; trận tổng tấn công của CS năm 1972; và những lần giao tranh khác.




 Người dân Vùng I không bao giờ quên những ác mộng hãi hùng đó. Thân phận của người dân miền Trung như bị đày phải sống trong lo sợ và phải chạy trốn cuộc chiến thường xuyên trong cuộc sống. Trước khi cộng quân mở cuộc tấn công thực sự, người dân đã đoán được cường độ mãnh liệt của cuộc chiến sắp đến, và họ đã chuẩn bị để gồng gánh di tản.


Đồng bào vùng giới tuyến ra đi 1972

            Từ sau hiệp định ngưng bắn 1973, dân chúng ở Vùng I và những tỉnh phía bắc Vùng II sống liên tục trong sự lo âu. Họ lo sợ vùng đất họ đang ở sẽ bị cắt cho cộng sản. Nếu không liên hiệp với cộng sản như tổng thống Thiệu đã khẳng định thì nhường một phần đất có thể là một giải pháp cho cuộc chiến. Tin đồn về chia đất được loan truyền và phóng đại. Ban đầu là tin đồn chia đất dọc, rồi theo đường ngang ở vĩ tuyến 16. Sau khi Phước Long mất, sau đó là Ban Mê Thuột, và khi thấy chính phủ VNCH không còn hi vọng nào lấy lại những phần đất đã mất, mọi người tin chắc không sớm thì muộn VNCH sẽ nhượng đất cho cộng sản. Rồi Pleiku và Kontum di tản với không một lời giải thích từ chính phủ ngay cả cho dân chúng ở vùng đó biết. Cuộc di tản từ vùng cao nguyên vẫn đang xảy ra khi CS tràn qua sông Thạch Hãn chiếm Quảng Trị vào ngày 19 tháng 3. Một lần nữa chính phủ vẫn không tuyên bố hay đề cập gì đến chuyện này. Không còn nghi ngờ gì nữa—người dân suy luận—đây là sự dàn xếp của chính phủ; lời đồn rất có thể đúng; chia cắt đất có thể là một thực tế.


            Thêm vào những sự kiện trên, sư đoàn Nhảy Dù được điều động khỏi Vùng I. Đối với người dân Vùng I, sư đoàn Nhảy Dù là đơn vị duy nhất đem lại lòng tin của người dâ. Người dân sẽ được bảo vệ khi họ có mặt ở đó; họ là niềm tin của người dân vào chính phủ. Khi người dân tự hỏi, chính phủ có ý định gì khi di chuyển sư đoàn DÙ đi khỏi Vùng I? Câu trả lời họ có thể tìm được là chính phủ không có ý định giữ phần đất này nữa. Không còn sư đoàn Dù thì làm sao giữ được lãnh thổ này. Không còn lính Dù thì cuộc tái chiếm Quảng trị năm 1972 khó thành, và không có họ thì CS đã tấn công Đà Nẵng sau khi chiếm được Thượng Đức vào năm 1974.


            Người dân chuẩn bị đi không ngần ngại. Ban đầu chỉ một thiểu số nhỏ gồm có tiền mua được vé máy bay. Lần lần số người bỏ đi đông hơn. Khi tin Pleiku và Kontum mất được loan truyền đến tai  dân Vùng I, mọi người lũ lượt ra đi. Hàng chục ngàn quân nhân, công chức, dân, tìm cách về Đà Nẵng, rồi từ đó về Sài Gòn nếu có phương tiện. Với tin đồn chính phủ sẽ chia Vùng I cho CS như đã làm ở Pleiku và Kontum, luồng sóng di tản dâng cao hơn. Khi thủ tướng Khiêm và các viên chức chính phủ bay ra Đà Nẵng duyệt xét tình hình để giải quyết, thì Đà Nẵng đã có hơn nửa triệu dân tị nạn.

            Tướng Trưởng nhiều lần nhắc nhở và khẩn cầu thủ tướng Khiêm giải quyết vấn đề dân tị nạn lập tức. Vấn đề dân tản cư từ những vùng giao tranh đã trở thành một vấn nạn quốc gia, và Vùng I không đủ phương tiện hay nhân lực để giải quyết. Sự có mặt của Thủ Tướng Khiêm ở Đà Nẵng là một chuyện cần thiết.

            Trước khi chủ tọa cuộc họp giải quyết vấn đề tị nạn, thủ tướng Khiêm có nói chuyện riêng với tướng Trưởng về tình hình quân sự và kế hoạch triệt thoái. Tướng Trưởng nhấn mạnh về sự giao động của người dân. Thủ tướng Khiêm giật mình khi nghe những gì tướng Trưởng trình bày. Ông không ngờ tình hình thay đổi nhanh như vậy. Thủ tướng Khiêm nói với tướng Trưởng nên trình bày kế hoạch triệt thoái của ông cho tổng thống Thiệu phê chuẩn trước khi thực hiện

            Buổi họp có đủ mặt hội đồng nhân sĩ, tỉnh, thị trưởng, cũng như các cấp chỉ huy liên quan đến vấn đề tị nạn. Lần lượt, tỉnh trưởng Quảng Trị và thị trưởng Đà Nẵng trình bày khó khăn đang đối diện, và đưa ra những đề nghị giải quyết. Vài giải pháp được đưa ra như: (1) Trừng trị thẳng tay những công chức bỏ nhiệm sở khi chưa được lệnh. (2) Cho phép di tản thường dân, thân nhân binh sĩ, công chức, để những quân cán đang đảm trách nhiệm vụ phòng thủ bớt lo lắng quan tâm.

            Ngồi chung với thủ tướng Khiêm là các thứ bộ trưởng của nội các. Họ là đại diện của thẩm quyền trung ương. Họ quan tâm tới vấn đề của người tị nạn, nhưng họ không giúp đỡ gì được. Họ chỉ có thể cho phép cấp chỉ huy địa phương  nhiều thẩm quyền hơn để giải quyết tại chỗ những khó khăn đang xảy ra. Để kết luận, thủ tướng Khiêm quyết định thành lập một Ủy Ban Liên Bộ phụ trách về vấn đề tị nạn, do một phó  thủ tướng cầm đầu. Ủy ban này sẽ lấy đi gánh nặng cho Vùng I, để họ có chú tâm về vấn đề quân sự. Đồng thời thủ tướng Khiêm hứa sẽ trưng dụng thêm nhiều tàu của tư nhân để gia tăng các chuyến di tản. Buổi họp chấm dứt trong một bầu không khí hoang mang. Thủ tướng Khiêm và nội các trở lại Sài Gòn ngay sau buổi họp.

            Một tuần sau, những hứa hẹn của thủ tướng Khiêm được thể hiện qua một đại tá và một đại úy đến từ Bộ Xã Hội, với ngân phiếu yểm trợ tài chánh cho Đà Nẵng. Bây giờ dân tị nạn nguyên Vùng I tập trung tại ba cứ điểm Chu Lai, Đà Nẵng và Huế. So với sự giúp đỡ từ chính quyền trung ương , phong trào cứu trợ tổ chức tại địa phương mang lại nhiều hiệu quả hơn. Tại thị xã Đà Nẵng một số hội đoàn từ thiện, nhân sĩ và phú gia đóng góp nhiều vào những hoạt động gây quỹ cứu trợ dân tị nạn. Tuy nhiên những giúp đỡ địa phương này chỉ có giới hạn—vấn đề tị nạn ở Vùng I đã vượt ra ngoài khả năng của một nhóm người hay đoàn thể tư nhân.


từ Huế người dân di tản qua đèo Hải Vân 

            Dân và gia đình binh sĩ ở Huế bắt đầu rời thành phố vào ngày 17 tháng 3. Quốc Lộ 1 về Đà Nẵng tràn ngập người và xe. Một số dân tị nạn tìm cách đi bằng đường biển. Họ đổ về bến tàu Tân Mỹ, nơi các tàu hải quân đang bốc dờ quân nhu quân dụng tiếp tế cho chiến trường Quảng Trị-Huế. Trên đường về họ phải di tản chiến cụ về Đà Nẵng. Hoạt động của bến tàu bị gián đoạn hai ngày vì sự cản trở của số người tị nạn. Một vài giang đỉnh đang chờ cập bến để bốc hàng lên, bị dân, lính tràn xuống ép phải chở họ rời bến. Giới chức phụ trách bến tàu phải bỏ ra một ngày để thuyết phục. Dân tị nạn rời Tân Mỹ và đi về bãi biển Thái Dương Thượng, hy vọng tìm được tàu để ra đi.



            Ngày 21 tháng 3 hai sư đoàn CS cắt đứt quốc lộ 1—con đường duy nhất dẫn về Đà Nẵng. Đoàn người tị nạn rời đường lộ, theo hướng Phá Cầu Hai để đi về miệt biển.

            Tất cả tàu bè miền duyên hải hoặc bị cướp, hoặc được mướn để xử dụng vào việc chạy nạn. Nhưng thuyền bè không đủ cho  số người tị nạn quá đông. Vì tàu hải quân đang được trưng dụng vào công tác tiếp viện cho chiến trường Qui Nhơn-Ban Mê Thuột, BTTM thương lượng mướn thương thuyền Trường Thanh, có trọng tải 2000 tấn, để chở người tị nạn. Đây là thương thuyền duy nhất quân đội có thể tìm mướn được. Ngày 23, mặc dù sóng to, tàu Trường Thanh cập bến, và trong hai ngày tiếp nhận hơn 5000 người, trong đó có nhiều thân nhân, gia đình, của sư đoàn 1 BB. Chuyến tàu chở dân tị nạn rời Huế về Đà Nẵng ngày 25. Đà Nẵng lúc đó tương đối  an ninh, nhưng thành phố đã chật nứt với dân tị nạn.

Một tàu đổ bộ của Hải quân Việt Nam chất đầy người tị nạn từ Huế, ghé Đà Nẵng hôm 24/3/1975

            Huế bị bỏ ngỏ vào đêm 25 tháng 3. Dân quân rút theo bờ biển về Đà Nẵng. Tam Kỳ mất ngày 24, Chu Lai di tản ngày 26. Dân ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Tín chạy về Đà Nẵng.


            Ngày 26 tướng Trưởng gởi thiếu tướng Huỳnh văn Lạc, tư lệnh phó lãnh thổ chánh Vùng I, về Saigon trình cho tổng thống Thiệu, thủ tướng Khiêm và tác giả về những khó khăn Vùng I đang đối diện. Tướng Lạc xin chánh phủ giải quyết ngay vấn đề tị nạn, đưa bớt dân ra khỏi Đà Nẵng vì thành phố sắp rơi  vào tình trạng hỗn loạn không kềm chế được. Nếu tình trạng dân tị nạn không giải quyết được thì Đà Nẵng sẽ tự sụp đổ, không cần CS tấn công.

Chu Lai đổ về
Đà Nẵng

            Đà Nẵng đã trở thành một thành phố vô trật tự và rối loạn. Kẻ đến thì tìm nơi nương tựa; người đang ở đó thì tìm cách trốn đi. Lưu thông trong thành phố bị ứ đọng đến độ không thể di tản được 340 thương binh từ bệnh viện ra phi trường. Trung tướng Lê Nguyên Khang, tổng tham mưu phó BTTM, tường trình về tình hình Đà Nẵng sau một chuyến công vụ ở đó: “ Đà Nẵng có hơn một triệu rưỡi dân tị nạn. Họ chiếm các công thự, cao ốc của chính phủ để làm nơi nương thân; họ ngủ ngoài đường, ở bến tàu hay bất cứ chỗ nào có thể tạm trú qua ngày. Trong thành phố  những cảnh nhiễu nhương, cướp bóc, giết người xảy ra giữa ban ngày. Người di tản trên nhiều đến độ xe tăng muốn di chuyển chỉ còn cách cán vào đám đông ấy để đi.









            Ngày 27 tháng 3 có chuyến phi cơ dân sự đầu tiên mướn của Hoa Kỳ đáp xuống Đà Nẵng. Chính phủ định dùng phi cơ Mỹ để di tản 14 ngàn dân từ Đà Nẵng về Cam Ranh. Nhưng tin có máy bay Mỹ di tản chẳng mấy chốc lan truyền ra. Dân di tản—trong đó có thành phần đào ngũ—phá rào phi trường và tràn vào phi đạo tìm cách leo lên phi cơ. Lực lượng an ninh phi trường phải bỏ ra nửa ngày để giải tán đám đông ở phi đạo. Nhưng hỗn loạn lại tái diễn mỗi khi có chuyến bay đáp xuống. Sau cùng các chuyến bay dân sự bị đình chỉ vì sự mất trật tự trở thành nguy hiểm cho sự an toàn của phi cơ. Sau cùng, giới chức hữu trách thay các phi cơ dân sự bằng bốn phi cơ quân sự C-130. Nhưng trước những hỗn loạn liên tục, bốn chiếc này cũng chỉ cất cánh được một lần vào ngày 29 tháng 3.

           

           còn tiếp 1 kỳ 


phần HAI


ĐINH HOA LƯ : ĐẠI TƯỚNG CAO VĂN VIÊN NÓI VỀ KHỦNG HOẢNG TỊ NẠN TRONG BIẾN CỐ 1975 (tiếp theo và Hết) (theobongthoigian.blogspot.com)

 

 

 

No comments:

Post a Comment