LÒ GẠCH NGÓI TRƯƠNG KẾ
Chiếc xe hàng (xe đò) từ Huế ra sẽ qua trạm kiểm soát Long Hưng rồi theo con đường mới đặt tên Lê Huấn để về bến xe Nguyễn Hoàng thị xã Quảng Trị. Mới vào đường Lê Huấn, nhìn qua phía trái chúng ta sẽ thấy một cái nhà lầu nằm trên một khuôn viên khá rộng và phía sau khu biệt thự đó chính là lò gạch ngói Trương Kế, nếu ai là người dân thị xã QT, đa số đều biết.
Trước đó con đường này chưa có tên, sau này con đường mang tên cố Trung Tá Lê Huấn người tiểu đoàn trưởng của Trung Đoàn I đã hi sinh trong chiến dịch Hạ Lào. Thật vậy, chỉ có lò gạch ngói này và ngôi biệt thự làm khách trên xe mới để ý mà thôi. Lò đúc nằm sau nhường mặt trước cho chủ nhân xây căn lầu với kiến trúc tân thời hơn bên căn nhà ngói xây đã nhiều năm trước.
khu biệt thự trước Lò Gạch
Toàn thành phố QT hồi này xem chừng đa số đều dùng ngói gạch Trương Kế. Người mình hồi đó bình dị trong ngôn ngữ và cách gọi. Nếu sống trong thời này, người ta dùng nhiều tiếng như "Xưởng Gạch, Nhà Máy ..." vv để gọi tên. Người viết chỉ nhớ, hồi đó bà con mình chỉ gọi là "Lò Gạch..." vậy thôi. Tiếng là Lò Gạch nhưng phía trước là nhà ở có cổng kín tường cao nên tôi chỉ ngó vô thôi.
Mà thật sự làm sao có công chuyện gì để phải xuống xe giữa đàng mà vô thăm lò này?
Dù sao tôi cũng biết những liếp gói móc nhà Ngoại tôi cùng bao nhiêu nhà khác đều làm từ đây. Nhà ngói móc phải có đòn tay rui mè mới móc ngói được. Có dịp lên mái nhà móc ngói mói thấy tên lò Gạch in trên từng tấm ngói ra sao?
Ngoài ra phải kể tới ngói âm dương tức là ngói liệt; kiểu này xưa hơn cũng do lò này đúc. Những căn nhà lợp ngói âm dương xưa hơn nhiều.
Dọc đường có những khu ruộng khai thác đất sét cung cấp cho lò gạch. Tại sao gạch viên lại ít chỉ có ngói là nhiều?
Thời này người ta đúc táp lô làm từ xi măng cát sạn vùa chắc vừa dày nhưng tốn kém hơn.
Xóm Cửa Hậu tôi có nhà Ông Dô làm thợ nề trong nhà con cái đều có thêm nghề đúc táp lô nên tôi còn nhớ.
Cát Sạn (sỏi) từ lòng sông Thạch Hãn. Thời này những thứ này từ lòng sông Thạch phong phú tưởng như vô tận- khác với thời này.
Trở lại cái Lò Gạch. Tại sao người viết nhớ đến nó. Trước tiên là hình ảnh một khu nhà biệt lập nhưng từa tựa một trang ấp nào đó của một phú gia. Ra đến ngoại ô gần Long Hưng Đại Nại nhưng có một biệt thự hay nhà lầu xây lên ở đây thì làm sao khỏi gây chú ý và ngạc nhiên cho hành khách ngồi trên xe đò Quảng Trị - Huế?
Những căn nhà ngói đỏ mới xây trong phạm vi thành phố QT dù sao cũng nhờ phương tiện này mới chống lại cái nóng Nam Lào. Nhà tranh không thể có ở thành phố nhưng những căn nhà lợp tôn mới là khốn khổ dưới sức nóng mùa hè và cái lạnh cắt da của mùa đông QT.
Đã bao năm ra đi; người QT ra đi và cái tên Lò Gạch Trương Kế cũng đi vào dỉ vãng.
Em gái tôi Đinh thị Hòa nay làm dâu của Họ Trương. Một chút tình thông gia quen biết khiến tôi viết vài dòng biết ơn một lò gạch đã góp phần xây dựng cho cái tỉnh Địa đầu Giới Tuyến một thưở nay xa lắc xa lơ.
Khu Định Cư Hội Yên sát Lò Gạch Trương Kế đều cùng chung số phận trong trận Chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972
Chiến sự 1972 thổi phăng tất cả. Cũng đồng số phận của Thánh Địa La Vang và cả Thành Phố Quảng Trị tất cả đều trở thành một đống gạch vụn thảm thương.
Ôi chiến tranh sao quá đổ nát điêu tàn?! Người lính Thủy Quân Lục Chiến ngày Tái Chiếm có một phút giây đứng lại vị trí năm xưa bên cạnh cái lò Gạch Ngói này mà lưu lại một khoảnh khắc chạnh lòng cho Đất Mẹ. Những đống hoang tàn trên một vùng đất Giới Tuyến có số phận một lò gạch chuyên lo chuyện DỰNG XÂY nhưng số phần đất nước đã định rồi người làm chuyện xây dựng cũng phải ra đi và cả cái lò kia cũng đành mất dấu. Nếu một ai đo mai này trên đất dưới trời Quảng Trị nay là biển dâu thay hình đổi dạng và đắm chìm trong cảnh sống xôn xao hãy nhớ về ngày xưa Quảng Trị từng có một cảnh sống thanh bình và những lớp người đã RA ĐI biền biệt nay chẳng trở về./.
Đinh hoa Lư edition 27/7/2019
edit 18.4.2023
hình: Biệt thự lò gạch Trương Kế từ thập niên 1960 cho đến mút cuối cùng 1972
viên ngói móc thời trước 1972 gia đình ông Trương Kế còn giữ làm kỷ vật (hình dưới)
viên ngói móc thời trước 1972 gia đình ông Trương Kế còn giữ làm kỷ vật (hình dưới)
No comments:
Post a Comment