Chiều mưa biên giới anh đi về đâu
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
Kìa rừng chiều âm u rét mướt Chờ người về vui trong giá buốt Người về bơ vơ ...lính gác chiều mưa |
CÓ CẦM SÚNG CANH GÁC trong những cơn mưa rừng rơi mãi mới thấy thấm thía từng lời trong bài hát của người nhạc sĩ Nguyễn v Đông. Thật vậy, màn mưa biên giới vẫn một màu xám ngắt chẳng khác chi một bức màn màu xám che khuất biết bao nhiêu chốt của đại đội khác trên vùng núi Ông Do. Trong căn hầm ẩm thấp đợi thời gian qua - ngày lại ngày nó như vô nghĩa. Tiếng "sè sè" của chiếc máy truyền tin PRC 25 mà người trung đội trưởng như tôi chẳng bao giờ dám ra lệnh tắt. Lệnh nhà binh là vậy. Máy truyền tin là mạch sống của đơn vị, phải mở suốt ngày đêm. Những chiếc máy truyền tin như mãi đợi tiếng nói giữa người và người để biết rằng chúng tôi chẳng hề cô độc. Dù mưa rừng gào thét, nguồn liên lạc vẫn kết nối với nhau.
Trong cơn mưa rừng, có những chiếc poncho, người lính gác đang làm nhiệm vụ đang im lìm trong màn mưa. Trong những căn hầm chìm, ẩn trong làn mưa rạt rào qua bao rặng núi bao quanh, mấy giòng nước len qua vách đất, thi nhau chảy vào hầm. Sấm chớp giăng giăng, cả không gian như chìm lỉm, tối mịt trong của màn mưa nặng nề, hung hãn...
Đêm đêm chiếc bóng bên trời
Vầng trăng xẻ đôi
Vẫn in hình bóng một người
Xa xôi cánh chim tung trời
Một vùng mây nước
Cho lòng ai thương nhớ ai...
Mưa ngơi dần, nhưng tiếng tí tách của những giọt nước vẫn còn rơi rớt trên vành nón sắt. Người lính giữ chốt đang lắng nghe động tĩnh của rừng thiêng. Anh cố căng mắt nhìn xuyên qua màn mưa sâu thẳm. Sấm sét vọng vang, lan qua bao rặng núi. Nơi đây vẫn còn bao người trai lòng sâu lắng nhớ nhung trong màn mưa biên giới.
Đêm đêm chiếc bóng bên trời
Vầng trăng xẻ đôi
Vẫn in hình bóng một người
Xa xôi cánh chim tung trời
Một vùng mây nước
Cho lòng ai thương nhớ ai...
Mưa rừng, người lính chẳng còn cơ hội ngắm nhiều đám mây bềnh bồng trôi về miệt biển. Dưới xa kia là một khoảng đồng bằng. Quê hương lãng đãng hiện ra dưới những màn mưa lướt thướt trong gió rừng. Khoảng cách của nhớ thương ôm ấp bao kỷ niệm một thời học sinh nay xa dần trong vùng dĩ vãng.
***
Giã từ áo trắng học trò để chấp nhận những gì khi quê hương lên tiếng gọi. Tuổi đến trường đã đi xa mang theo bao ước mơ hoa gấm. Thực tại hôm nay là đời người lính trẻ với bao cảm giác nôn nao bỡ ngỡ, thời gian ba năm từ ngày về đơn vị mới. Rồi cảm giác hôm nay là chốn rừng thiêng, dãy Trường Sơn trùng điệp cùng bao màn mưa xối xả, mịt mù.
Đời lính của tôi có thật nhiều kỷ niệm với những ngày trên đỉnh cao hay ven bờ đại dương xanh ngắt khi tôi chọn trở về để giữ đất quê nhà. Ra đơn vị chỉ ngần ấy ba năm nhưng đôi lúc trong lòng lính chiến chợt phát sinh tình cảm yêu quê hương đất nước chân thành, mộc mạc. Có những lúc tôi ngồi ngắm sóng biển vỗ bờ hay lên đây có dịp đứng trên đỉnh cao vào lúc trời quang mây tạnh rồi có được những phút giây lắng lòng nhìn ngắm non sông. Năm 1974, chính xác hơn là hè 1974 khi TIỂU ĐOÀN 105 rời Ba Bến, chuyển quân về mạn biển hoán đổi cho Tiểu Đoàn 120. Mấy tháng đóng ở đây, khi lắng tai nghe sóng trùng dương dội vào bờ cát hoang vu cùng ngắm biển trời bao la, tôi cảm thấy tình cảm đối với quê hương dâng trào trong gió lộng. Sau hè, đơn vị chúng tôi lại hoán chuyển lên vùng núi Ông Do. Tôi hay đứng trên đỉnh cao, trông xuống một dòng sông nhỏ đang lượn lờ uốn khúc. Chính lúc này, tôi mới nhận chân ra quê hương sao đẹp quá, hồn thiêng sông núi ngàn đời mãi xanh.
KHÔNG ẢNH QT CHỤP TỪ CAO ĐỘ TẠI VÙNG NÚI NHÌN VỀ MẠN BIỂN
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi
Xuân 1975 sắp tới rồi, chỉ hai ba hôm nữa thôi. Một buổi trưa im vắng, tôi lại đứng trên đồi cao. Quanh tôi toàn là những đám rừng tranh bạt ngàn. Xuân đơn vị không một sắc hoa đó là điều chắc chắn. Màu xanh của lá màu áo ô liu thay hoa màu tết. Quà tết hậu phương, bánh chưng , bánh ú của đồng bào từ Diên Sanh, hậu cứ Tiểu Khu đã gửi lên hai hôm rồi.
Ngót nghét năm mươi mùa xuân qua nhanh như gió thoảng, nhưng lòng tôi vẫn nhớ mãi mùa xuân của một chín bảy lăm. Từ mùa xuân đó, tôi vĩnh viễn chẳng còn cơ hội nào đứng lại trên đỉnh núi quê nhà để chiêm ngưỡng cảnh đẹp non sông và rừng thiêng hùng vĩ. Dù rằng những mùa xuân biên giới hay "mùa xuân lá khô" đã thật sự trôi nhanh về miền dĩ vãng; nhưng đoá hoa QUÊ HƯƠNG vẫn thắm mãi trong lòng người bao người con xa xứ. Cứ độ tết đến xuân về nơi chân trời góc bể, vẫn còn nhiều người lính già xa quê còn ngồi vọng tưởng đến một thời cống hiến, bên chiến hào xưa cùng dâng lên nỗi hoang lạnh tâm hồn./.
ĐHL edit 26.4.2023
No comments:
Post a Comment