Trời khá khuya, tiếng chơi đùa của lũ con nít ngoài ngả ba xóm Cửa Hậu trước thành vắng dần. Vài anh học sinh lứa tuổi thanh niên đang ngồi trên bờ cống nước chảy vào hồ thành. Ánh sáng ngọn đèn đường đang giúp mấy anh đang ôn bài học luyện thi. Nghe thật xa, đâu đó thỉnh thoảng có vài tiếng đại bác vọng về thành phố.
Hơn mười giờ đêm rồi, con đường Lê văn Duyệt nép theo bờ hồ càng lúc càng vắng người. Rất lâu mới có tiếng honda chạy vội qua. Thỉnh thoảng có tiếng chim cuốc dưới hồ vọng lên nghe khá rõ. Tiếng quốc kêu đêm, tôi nghe đã quen tai, nhất là những đêm có trăng, tiếng cuốc kêu rộn rã hơn.
Bỗng có tiếng rao phá tan trời đêm tĩnh lặng...
-PHỞ!!!
Khoảng giờ này là xe phở của bác đi ngang qua ngả ba trước Cửa Hậu. Có ai đó đang cầm tô tất tả chạy ra. Đêm nào cũng vậy, dù có khách hay không chiếc xe phở đi ngang ngả ba xóm chúng tôi thì dừng lại. Bác bán phở vừa đợi khách vừa nghỉ mệt một lát.
***
CHUYỆN PHỞ GÁNH
Trước khi có xe phở đẩy trên thì người thành phố Quảng Trị có hàng phở gánh bán dạo từ lâu. Nghề phở gánh chỉ dành cho mấy bác. Mấy o mấy mệ thường gánh những triêng hàng bún xáo, cháo lòng hay đậu hũ chẳng thấy mấy bác đàn ông nào gánh bún xáo, bánh bèo đi bán dạo cả. Nói về phở gánh "ngày trước của ngày xưa", người viết còn nhớ người mình hồi đó chẳng ai phân biệt phở Bắc hay phở Nam gì cả. Phở là phở, khác với bún bò, cơm cháo... vậy thôi. Nhưng về tiếng để kêu thì ít ai nói "đọi phở" mà là "tô phở" do người mình biết nó là món ăn từ bắc vào. Ngược lại bà con mình lại kêu bình dân hơn là "đọi bún bò" hay "đọi bún xáo". Tiếng kêu "tô bún bò" khi chúng ta vào tiệm hay quán đó thôi.
Tôi lại không muốn nhắc hay tả lại tô phở trong tiệm, nó lủ khủ đủ thứ; nào rau, ớt, chanh, hành, hay ngò gai, húng quế. Người viết chỉ muốn kể lại với bạn đọc trước tiên là HÀNG PHỞ GÁNH của một bác bán phở năm xửa năm xưa lúc tác giả mới vài tuổi. Trong trí nhớ mù mờ đó, người kể chuyện mường tượng một bác dáng người lam lủ và gánh phở ám khói ngày đó. Gánh phở đó cũng ngang qua xóm chúng tôi, cũng bờ hồ thanh vắng và con đường thân yêu tưởng chừng là muôn thuở. Có thể khách ăn đêm như thế phải hòa mình trong không khí vắng vẻ cùng một cảm giác se se lạnh ở góc đường hay cuối kiệt nào đó như trước xóm tôi.
hình ảnh hai quày đựng phở trong hình này giống phở gánh Quảng Trị nhưng người bán phở (miền bắc) gánh này có phần khác
PHỞ GÁNH
Từ xửa, từ xưa... không biết ai tạo ra gánh phở cho bác bán dạo về đêm quanh thành phố QT? Mỗi khi bầu trời thực sự tối, bác bắt đầu cuộc hành trình quanh thành cổ thân quen. Bác luôn mặc quần đùi, và hình như đời bác không biết quần dài là chi nữa. Người viết còn nhớ hình ảnh chiếc áo ka -ki bạc màu. Hai vai áo vá nhiều lớp do gánh phở hằn nặng lên đôi vai bác không biết bao năm.
Tả về gánh phở- nó được tạo từ hai thùng gỗ vuông, hình khối chữ nhật đứng, có 4 chân nhỏ. Trên mỗi thùng, bện hai sợi thừng chắc chắn để móc đòn gánh. Thùng sau được thiết kế làm sao để bác đặt gọn được nồi nước súp. Bên dưới nồi súp, có một bếp củi thật gọn, lửa cháy leo lét để giữ nồi súp luôn nóng. Thùng gỗ phía trước bác chia ra nhiều tầng, đủ thứ như tô, đũa, rau ,hành và thịt. Phía trên là một mặt bằng nhỏ , bác dành chỗ để làm phở cho khách. Thấy thì đủ thứ, nhưng bác sắp đặt thật khéo léo nên chẳng thiếu món gì. Đã thế, phía ngoài bác không quên móc theo cái đèn bão có 4 mặt kính chắn gió. Chiếc nón lá sờn rách theo năm tháng, bác không quên móc theo ở thùng gỗ sau, phòng mưa.
"Giang sơn" của bác chỉ có thế. Cái đòn gánh cong cong quằn nặng theo hai đầu gánh phở. Bác thường tìm một ngả ba hay trước mấy con hẻm lớn, cũng như mấy con đường kiệt.
-PH.. Ơ… Ở….
Bác cất tiếng rao, tiếng ngân vang sâu vào trong mấy xóm vắng ngoại ô.
Người viết có dịp so sánh khi vào nam.Trong nam, tiếng rao phở ban đêm được thế bằng tiếng gõ lóc cóc của hai thanh gỗ. Như vậy tôi có dịp so sánh với tiếng rao của gánh phở QTrị xưa nghe sao lanh lảnh, âm sau cùng khi nào cũng cao vút lên:
-ph…ơ…Ở……
SỬA SOẠN BÁN TÔ PHỞ GÁNH RA SAO
-ph…ơ…Ở……
SỬA SOẠN BÁN TÔ PHỞ GÁNH RA SAO
Ánh điện đường như biết 'cảm thông' giúp bác bán phở, đêm đêm tỏa xuống dù chỉ là thứ ánh sáng vàng vọt mờ mờ. Có khách mua phở, bác ngưng rao. Bác xem chừng thận trọng đặt cái tô nho nhỏ lên mặt trên chiếc thùng gỗ. Sau khi nhúng lại nắm phở tươi mềm mại, bác cắt nhanh thật mỏng từng lát thịt bò, không quên gia thêm một chút vị tinh (bột ngọt) hiệu Thái sơn từ cái hộp sắt Tây luôn đặt gần bên. Xong, bác quay lưng dở nắp nồi xúp đàng sau. Dưới ánh đèn đêm tôi thấy rõ nồi xúp đang bốc hơi, lan tỏa lên một làn khói trắng mờ.
về đêm ăn một tô phở bên đường bao giờ cũng ngon
Chẳng đòi hỏi chi, khách cứ tự nhiên tìm nơi nào thuận tiện bên vệ đường rồi ngồi xuống xì- xụp thưởng thức tô phở bình dân đó. Trời càng khuya con đường ngoại ô càng trở nên vắng vẻ. Hình như nhờ thế, khách ăn đêm cảm thấy tô phở ngon hơn và ấm áp lạ thường. Do chỉ là phở gánh, vì vậy phần đông khách mua hay đem tô (đọi) mang về nhà.
Sau khi đẩy lại mấy que củi, rảnh tay, bác lại cất tiếng rao mà giọng nghe không thay đổi
-PH...Ở!!!….
Có thêm khách rồi đây, ai đó trong xóm đang tất tả cầm tô chạy ra vừa lúc bác đang sửa soạn gánh đi nơi khác.
-PH...Ở!!!….
Có thêm khách rồi đây, ai đó trong xóm đang tất tả cầm tô chạy ra vừa lúc bác đang sửa soạn gánh đi nơi khác.
Thời gian tiếp tục trôi qua lặng lẽ . Chiếc đòn gánh cong cong, đen trùi trũi mãi kẻo kẹt trên vai bác. Tuy vậy, với cuộc đời cần cù chịu khó bác vẫn kiên trì đếm bước theo gánh phở thân yêu và là nguồn sống bao lâu nay của gia đình bác.
Đời người ai cũng có lúc thay đổi, triêng hàng phở cũng thế. Những năm sau này phở gánh dần dần biến mất không còn thấy nữa.
Có thể cũng là bác bán phở gánh năm trước nhưng nay bác đã có được chiếc xe phở đàng hoàng. Chiếc Xe hình khối, phía dưới có những bánh xe tự chế . Ngọn đèn giờ đã được thay bằng ngọn đèn đốt bằng khí đá hẳn hoi. Hai bên thành xe bác còn cẩn thận móc thêm hai cái ghế đòn bằng gỗ có chân cao cho khách ngồi. Giờ đây nồi xúp được làm lớn hơn, chồng tô trên thành xe trở nên cao hơn. Khách ăn đêm ngồi ăn phở vừa nghe tiếng lì- xì phát ra từ ngọn đèn carbur đó. Dù sau này xe phở có trang bị bằng đèn măng sông, tôi vẫn thích ngọn đèn các- buya hơn tiếng đèn các-buya nghe thật vui tai. Dạo này tiếng rao nghe to lắm. Người bán phở, hai tay chắp đằng sau hướng mặt vào trong mấy đường kiệt:
-Ph..ở…ơ..
Có ngọn gió nào trong đêm làm trời khuya lạnh thêm Trong sự yên tĩnh của góc ngoại ô quanh thành cổ, tôi vẫn còn nghe tiếng con chim quốc hằng đêm từ bờ hồ bên kia kêu bầy vọng qua. Hương phở dịu dàng tỏa ra bốn phía. Mùi thơm lan xa, quyến rũ khứu giác khiến ai cũng thèm ăn. Một ông khách đi đâu trên phố về khuya, ngang xe phở ông chợt dừng lại. Dựng chiếc xe đạp qua một bên đường, ông sà vào cái "quán khuya" lưu động đó ăn một tô cho "ấm bụng" trước khi về nhà.
Tiếp tục trên đường về nhà, chiếc xe được đẩy đến đầu con hẻm hay ngã ba đường cho đến khi nồi phở của bác không còn gì nữa. Nói thế, nhưng mớ xương xúp sau cùng, bác cũng bán được cho một ông khách "chuyên ưa men rượu" hay nhậu về đêm.
Thế là bác bán phở chấm dứt một ngày miệt mài, lam lũ./.
edit by
ĐHL 2.4.2023
No comments:
Post a Comment