Đại Tướng Cao Văn Viên sanh ngày 11/12/1921 Tại thành phố Vạn Tượng , Lào Quốc. Gia cảnh Vợ và 4 con, Ông có bằng Cử Nhân Văn Chương Pháp tại trường Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn.
- Tốt nghiệp Trường Quân Sự Cap Saint Jacque ( Vũng Tàu ) năm 1949
- Tốt nghiệp Đại Học Chỉ Huy và Tham Mưu Cao Cấp, Forth
- Chứng Chỉ Nhảy Dù QLVNCH
- Chứng Chỉ Phi Công KQVNCH
- Chứng Chỉ Nhảy Dù Quân Lực Hoa Kỳ
- Chứng Chỉ Phi Công Trực Thăng Hoa Kỳ
***
THẢ BOM Ở ĐỘ CAO
Trong những tháng cuối của cuộc chiến, BTTM (Bộ Tổng Tham Mưu) xử dụng phi cơ vận tải C-130A vào cuộc dội bom chiến thuật để thay vào hỏa lực của chiến đấu, oanh tạc cơ không hoạt động hữu hiệu được vì hỏa lực phòng không của địch. C-130 có thể chứa được 8 kiện hàng, mỗi kiện hàng chứa bốn thùng dầu phế thải. C-130 được hướng dẫn đến mục tiêu bằng máy truyền tin và thả những thùng dầu phế thải này từ độ cao 15 đến 20 ngàn bộ (5 đến 7 cây số). Chu vi sát hại của những thùng dầu này có đường kính 150 đến 450 mét.
C-130 cũng có thể chở 32 trái bom loại 250-500 cân, hay 21 bom 750 cân, trên tám kiện hàng. Bom cũng thả từ cao độ 15-20 ngàn bộ. Binh sĩ ở mặt trận rất phấn khởi khi chứng kiến những cuộc dội bom đó. Họ gọi là "mini-B-52," hay "B-52 Việt Nam." Sau phi vụ đầu tiên thả xuống chiến khu C ở Tây Ninh, dân quân tưởng đó là B-52; lời đồn không quân Hoa Kỳ trở lại Việt Nam lan truyền ra nhanh chóng.
Gần những ngày tàn của cuộc chiến, cộng sản tụ quân, và thiết lập các căn cứ hậu cần ngụy trang rất sơ sài, dễ quan sát từ trên không. Đây là những mục tiêu tốt cho vũ khí chiến lược có sức tàn phá mạnh. Cuối tháng 2, 1975, qua những lần viếng thăm Saigon của thứ trưởng quốc phòng Eric von Marbod và đại tướng Weyand, BTTM xin Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam những loại bom chiến lược không quân có thể xử dụng được. Loại bom Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam là bom có phiến danh "Daisy Cutter,"nặng 15 ngàn cân. Không quân Hoa Kỳ dùng bom này để phá rừng, làm bãi đáp trực thăng cho cuộc chiến. Hoa Kỳ hứa gởi cho 27 quả bom và chuyên viên huấn luyện xử dụng bom trong vòng một tuần.
Giữa tháng 4, ba trái được chở đến, và cuối tháng 4, thêm ba trái nữa. Một chuyên viên Hoa Kỳ đi theo để hướng dẫn không quân Việt Nam gắn ngòi nổ và cách vận chuyển bom trên phi cơ. Nhưng người phi công HOa Kỳ có trách nhiệm lái máy bay thả bom thì không đến. Trong tình trạng khẩn trương của chiến trường--và sự nguy hiểm khi phải chứa loại bom này ở phi trường Tân Sơn Nhất hay Long Bình, BTTM và bộ tư lệnh Không Quân quyết định chọn một phi công kinh nghiệm cho nhiệm vụ thả bom. Chiếc C-130 và quả bom "Daisy Cutter" cất cánh vào lúc nửa đêm nhưng sau hai chục phút lại hạ cánh. Các sĩ quan không quân hữu trách và Bộ TTM vô cùng lo sợ cho tai nạn xảy ra khi phi cơ hạ cánh với quả bom còn trên phi cơ. Tuy nhiên phi cơ quay về vì một lý do kỹ thuật nhỏ. Phi cơ cất cánh lại sau ba mươi phút.
Vào một giờ sáng phi cơ thả trái "Daisy Cutter" đầu tiên cách Xuân Lộc sáu cây số về hướng Tây Bắc. Thành phố Xuân Lộc bị rúng động như gặp động đất; tất cả đèn điện bị tắt, và truyền tin của địch ngưng hoạt động--bộ chỉ huy sư đoàn 341 CSBV bị tiêu hủy. Tinh thần binh sĩ VNCH phẩn khởi. Tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh sư đoàn 18 BB ở mặt trận Xuân Lộc hỏi, "BTTM còn nhiều loại bom đó không?" Tin đồn loan truyền nhanh ngoài quần chúng là chúng ta đang được trang bị bom nguyên tử. Cộng Sản Bắc Việt lên tiếng nguyền rũa VNCH và Hoa Kỳ đã xử dụng vũ khí tàn phá chiến lược.
Dùng bom phá rừng "Daisy Cutter" đánh vào các điểm tập trung quân của địch có kết quả tốt: tinh thần chiến đấu của ta phấn khởi. Nhưng vì thiếu nhiên liệu, ít bom, và khó khăn về bảo trì, sửa chữa, nên không quân chỉ bay được từ hai cho đến bốn phi vụ C-130 mỗi ngày.
Trong cuộc tổng tấn công của cộng sản năm 1972 chúng ta cũng bị thiệt hại nặng, nhất là ở Vùng I. Nhưng lúc đó BTTM có thời gian và phương tiện để bổ xung và củng cố lại tất cả các đơn vị bị thiệt hại. Và chỉ sau một tháng quân đội chúng ta sẵn sàng chiếm lại các phần đất mất vào tay địch. Chúng ta có được thời gian ở chiến trường vì có được trợ giúp của không lực chiến thuật của Hoa Kỳ, nhất là pháo đài bay B-52. Không nhờ các cuộc oanh tạc không ngửng của pháo đài bay yểm trợ quân ta, chúng ta chắc không giữ nổi KonTum hay An Lộc. Trong thời gian đó, B-52 được sử dụng đều đặn gần như phi cơ chiến thuật yểm trợ tiếp cận.
Trong khi ngoài chiến trường pháo đài bay B-52 cung cấp hỏa lực khủng khiếp, ở hậu phương vận tải cơ C-130, C-5, C141, hay C-130 chuyên chở vũ khí và quân cụ tiếp viện cho quân ta ngày đêm liên tục. Vào năm 1972 chúng ta không thiếu bất cứ gì--từ tiền cho đến vũ khí. Quân đội chúng ta lúc đó không lo về thiếu thốn; họ chỉ lo làm sao nhận và chuyển đồ ra mặt trận đúng theo lịch trình tiếp tế mà thôi.
Nhưng năm 1972 là một tương phản rất xa so với năm 1975; thay vào chỗ của pháo đài bay B-52, chúng ta chỉ còn được một trái bom 15 ngàn cân; vũ khí và quân cụ phải biến chế xử dụng. Đến giữa tháng 4, 1975, chúng ta đã xài hết quân dụng, vũ khí tồn kho, vào việc tái trang bị các đơn vị di tản từ hai Vùng I và II. Đến giờ phút muộn màng đó , dù chúng ta có nhận được 300 triệu mỹ kim viện trợ đi nữa, tình hình đã quá trễ.
Cao Văn Viên
nguồn
Sách
Cao văn Viên. Những Ngày Cuối Cùng của Việt Nam Cộng Hòa. 1st Ed. Nhà Sách Văn Bút Westminter, 2003 (trang 201-203)
No comments:
Post a Comment