PHẦN 2 VÀ HẾT…
TÌNH TRẠNG ở các bến tàu cũng không kém hỗn loạn. Một số
thuyền chuyên chở Hoa Kỳ được dùng di chuyển dân tị nạn. Vì tình trạng an ninh
của bến tàu, họ được lệnh thả neo ngoài khơi cảng Đà Nẵng. Từ đó dân dùng thuyền,
bè, đi từ bờ biển ra tàu. Lối di chuyển này chậm nhưng có kết quả tốt. Mỗi tàu
sau khi nhận được chừng 10 ngàn người thì kéo neo chở dân về Cam Ranh. Tuy
nhiên sau khi Nha Trang thất thủ ngày 1 tháng 4, tàu được lệnh đi thẳng về Vũng
Tàu và Phú Quốc. Trên đoạn đường dài di tản bằng tàu, nhiều cảnh đau thương xảy
ra: một số quân nhân vô kỷ luật, và cộng sản trà trộn vào số dân tị nạn, hà hiếp và cướp giựt những người tị nạn. Rất nhiều
người xỉu và kiệt sức trên quảng đường biển đó. Khi đến cập bến Phú Quốc, do sự
chỉ điểm của những nạn nhân trên tàu, chính quyền an ninh địa phương bắt và xử
bắn tại ngay bờ biển những tên cộng sản trá hình và một số quân nhân vô kỷ luật
đã hà hiếp và cướp bóc người dân trên tàu.
Cộng sản pháo kích và tấn công Đà Nẵng mạnh vào đêm 28, và dân chúng tiếp tục
tìm đường lánh nạn bằng thuyền bè, dưới những trận pháo kích của cộng sản. Nhiều
người chết chìm khi lội từ bờ ra tàu đang có mặt ngoài khơi. Những kẻ may mắn
thì được tàu cứu vớt; kẻ xấu số thì chìm xuống lòng biển. Trưa ngày 29, nhờ vào
sự liều lĩnh và may mắn, một phi cơ dân sự Hoa Kỳ đột ngột đáp xuống phi trường
Đà Nẵng, rước đi được hơn 300 dân—trước sự ngỡ ngàng của cộng quân đang có mặt
tại phi trường. Đà Nẵng bây giờ đã nằm trong tay cộng sản. Mọi kế hoạch di tản
dân tị nạn đã chấm dứt sau ngày hôm đó. Tuy nhiên người dân vẫn tiếp tục tìm mọi
cách chạy trốn cộng sản vào những ngày sau.
Trước khi Đà Nẵng rơi vào tay cộng sản, vấn đề di tản một
triệu dân do chính quyền và cơ quan địa phương
giải quyết. Khi thuận tiện, chính quyền dùng tàu hải quân phụ vào việc
chuyên chở dân tị nạn khi có thể. Trong buổi họp ngày 19 tháng 3, BTTM đề nghị
với phó thủ tướng Phan Quang Đán nên, (1) lập tức trưng dụng 13 thương thuyền
dân sự trong nước; (2) kêu gọi các quốc gia đồng minh, nhất là Hoa Kỳ, giúp di
chuyển dân tị nạn ra khỏi vòng nguy hại; và, (3) lập ra ủy ban chính phủ để
trưng dụng điều khiển các hoạt động nói
trên nếu thành hình.
Đề nghị của BTTM được phó thủ tướng Đán chấp thuận, ông
ra lệnh Bộ Công Chánh trưng dụng tất cả thuyền hành hải đang có mặt trong nước;
và các thương thuyền đang hoạt động ngoài hải phận thì được gọi về--dựa vào
hoàn cảnh đòi hỏi của chính phủ. Nhưng cho rằng lệnh trưng dụng trên quá quan
trọng và ngoài thẩm quyền của mình, ông bộ trưởng bộ Công Chánh đã đệ trình cho
bác sĩ Đán ký—dù ông có toàn quyền quyết định. Trong thời gian đó phó thủ tướng
Đán đang đi công vụ ở vùng II, tìm một địa điểm để thiết lập trại tỵ nạn. Một
tuần trôi qua trước khi lệnh trưng dụng được thực thi. BTTM, trong lúc đó, với
tình hình khẩn trương, xin sự ưng thuận của chủ tàu Trường Thành dùng để di tản thân nhân, gia đình sư đoàn 1 BB vào ngày 23
tháng 3. Đây là chiếc tàu duy nhất trong nước dùng vào nhiệm vụ di tản người từ
Vùng I.
Cũng trong thời gian này các quốc gia đồng minh hưởng ứng
lời kêu gọi giúp đỡ của VNCH. Hoa Kỳ đồng ý cung cấp phi cơ dân sự và thương
thuyền chuyên chở. Úc Đại Lợi hứa cung cấp một phi đoàn vận tải cơ C-130. Đài
Loan và Thái Lan ưng thuận cung cấp tàu đổ bộ, vận tải. Tuy nhiên, những phương
tiện vận tải hứa hẹn cần một tuần đến mười ngày mới có mặt tại Việt Nam. Nếu những
phương tiện này được cung ứng trước ngày 18 tháng 3, và nếu chúng ta có được
sáu chiếc vận tải hạm BTTM yêu cầu được cung cấp từ sáu tháng trước, thì cuộc
di tản đã được thực hiện một cách trật tự và hữu hiệu hơn. Nhưng như chuyện đã
xảy ra, với con số dân tị nạn quá đông và tinh thần mọi người hoang mang, cuộc
di tản không thực hiện được như ý muốn.
Không ước đoán được bao nhiêu người được di tản, nhưng
dân tị nạn tràn ngập các trại định cư ở Vùng III và đảo Phú Quốc. Dân tị nạn
cũng tạm cư tại hai tỉnh Vũng Tàu và Bà Rịa rất đông. Trước khi vấn đề tị nạn
trở thành một khủng hoảng quốc gia, chánh phủ có kế hoạch tái định cư số người
tị nạn tại nhiều nơi tùy theo xuất xứ của họ. Gia đình lánh nạn đến từ Quảng Trị
và Thừa Thiên được đưa về Đà Nẵng, rồi từ đó được đưa đi Cam Ranh, Ninh Thuận,
Bình Thuận và Lâm Đồng. Những gia đình người Thượng chạy từ Pleiku, Kontum cũng
được tái định cư ở Lâm Đồng. Nhưng kế hoạch trên không được thực hiện vì sự
thay đổi quá nhanh của tình hình chiến cuộc, nhất là sau khi Cam Ranh và Nha
Trang di tản vào ngày 1 tháng 4, và chánh phủ VNCH không còn bảo vệ được Vùng
II. Vì những thay đổi nhanh chóng đó nhiều gia đình phải chạy nạn từ nơi này
qua nơi nọ trong một thời gian ngắn trước khi tìm được một nơi tạm trú. Sau khi
Vùng II mất, nhiều trại định cư mọc lên ở Vũng Tàu, Phú Quốc, Cần Thơ và Vĩnh
Long. Hai trại tị nạn lớn nhất là Phú Quốc và Vũng Tàu, với khả năng chứa từ 50
ngàn đến 100 ngàn dân tị nạn.
Luồng sóng dân tị nạn gây ra nhiều xáo trộn và hoang mang
ở những nơi họ đến. Sự xáo trộn này khiến chính quyền lo ngại. Chính tổng thống
Thiệu ra lệnh cấm dân tị nạn về định cư
vùng đồng bằng sông Cữu Long khi
ông phàn nàn, “Dân tị nạn đi đến đâu, không sớm thì muộn nơi đó cũng sẽ mất.”
Với cán cân lực lượng và địa hình thuận lợi cho CSBV ở
Vùng I, lực lượng VNCH không thể nào chống cự lâu dài trong cuộc tổng tấn công
của địch. Nhưng phải nói, tình hình quân sự xấu đi một cách nhanh chóng vì sự sa sút tinh thần
và những rối ren, lúng túng của chúng ta, hơn là áp lực của địch. Lệnh tái phối
trí—tuy cần thiết—không rõ ràng và dứt khoát. Tổng thống Thiệu do dự khi đưa lệnh
cho Quân Đoàn I. Hình như thất bại ở Cao Nguyên còn ảnh hưởng nặng đến tâm tư,
nên ông miễn cưỡng giữ vai trò tổng tư lệnh tối cao một lần nữa. Là một chính
trị gia sắc sảo, ông dùng khi thì hàm ý, khi thì yên lặng, làm cho vị tư lệnh
chiến trường bối rối, muốn hiểu sao thì
hiểu. Ngày hôm trước ông lên đài phát thanh kêu gọi quân công cán tử thủ Huế,
ngày hôm sau ông ra lệnh cho tướng Trưởng rút quân trong một quân lệnh. Còn về
vấn đề di tản khỏi Huế: cũng từ bản năng chính trị đã có, ông Thiệu muốn di tản
Huế, nhưng không cho tư lệnh chiến trường một thời gian rõ ràng.
Tinh thần chiến đấu của binh sĩ sa sút khi họ phải tách lìa khỏi thân nhân, gia đình của họ. Nhiều quân nhân không chờ đợi sự giúp đỡ của chính phủ, họ bỏ đơn vị tự động đi tìm kiếm vợ con, người thân của họ. Tổng Cục Tâm Lý Chiến cố gắng giúp đỡ tìm kiếm thân nhân binh sĩ thất lạc. Nhưng cơ quan này không thể nào giúp tất cả gia đình quân nhân trong hoàn cảnh hỗn loạn của làn sóng dân tị nạn. Phần lớn quân rút về Đà Nẵng quan tâm, lo lắng về sự an toàn của gia đình họ hơn là lo về đơn vị, hay sự tấn công của địch. Sự hỗn loạn, thất bại của cuộc tái phối trí của Vùng 1 xảy ra không phải vì áp lực của cộng quân, mà vì tinh thần chiến đấu của quân ta không còn nữa. Trong những ngày cuối ở Vùng I, vị tư lệnh quân đoàn không chỉ đối phó với những khó khăn về quân sự, ông còn bận tâm với vấn đề tị nạn. Và khi chánh quyền trung ương bắt tay vào giải quyết vấn đề tị nạn thì đã quá trễ.
Như chúng ta đã thấy, vấn đề tị nạn làm đảo
lộn tất cả kế hoạch quân sự của Vùng I.
Cao Văn Viên
NGUỒN
SÁCH
Cao văn Viên. Những Ngày Cuối Cùng của VNCH. Nhà Sách Văn Bút 2003, trang 174-185.
phần I
No comments:
Post a Comment