30 tháng Tư 1975 và CHUYỆN BUỒN CỦA NHỮNG NGƯỜI THUA TRẬN
*
HỒI KÝ CỦA ĐHL
Cuộc chiến VN kết thúc kèm theo bao câu chuyện bi hùng về người lính VNCH. Có những câu chuyện kể lại nói về những cuộc rút lui để bảo vệ thủ đô Sài Gòn còn lại. Nhưng có những đơn vị hi sinh một cách âm thầm để cho những cánh quân Tổng Trừ Bị rút về Huế và trở lại Sài Gòn...
Ít ai nhắc lại hay biết đến những hi sinh âm thầm đó. Có những người lính trẻ, họ là những anh hùng vô danh một sự anh hùng khi thầm lặng hi sinh không một đòi hỏi hay ta thán nào. Những người lính im lìm chỉ biết một bề thi hành nhiệm vụ.
Người viết vào thời điểm này là một sĩ quan trẻ tuổi mới ra trường, với con mắt khách quan và cũng là người trong cuộc đã chứng kiến khi cùng toàn đơn vị hi sinh nằm lại bên bờ Ô Lâu thuộc làng Trạch Phổ và cuối cùng bị bắt làm tù binh vào trưa ngày 23/3/1975 tại rú Phong Bình
ĐHL
Người tân binh tên Thành được bổ sung về trung đội tôi chưa được bao lâu thì đơn vị đã có lệnh rút lui về đồng bằng Diên Sanh. Thành còn quá trẻ, trạc tuổi em trai tôi và lại là người Huế. Đa số người trong trung đội tôi đều là người Quảng Trị nên tôi để ý anh lính trẻ này nhiều hơn.
Gần một năm xa nhà, dấn thân vào đời lính. Ra đơn vị lên vùng núi này Thành bị vướng căn bệnh sốt rét, một chứng bệnh lan nhanh tại vùng núi quanh Động Ô Do.
Vừa khỏi cơn sốt rét nên da mặt Thành còn xanh xao. Nét gian truân người lính chỉ mới khởi đầu nên chưa thể xóa hết đi vẻ non dại của người con trai mới lớn từ một vùng quê. Thật ra, ngày ra đơn vị ngày đó Thành có nói tên quê em, đâu đó dưới quận Hương Điền nhưng lâu ngày tôi đành quên mất?
Sau ba tháng huấn luyện ở Trung Tâm Dạ Lê gần Phú Bài, Thành mãn khóa sau đó được đưa về Tiểu Khu Quảng Trị và cuối cùng em được bổ sung về trung đội 3 của tôi.
Điều tôi biết rõ về người lính trẻ này là Thành vừa rời lưỡi liềm, cái cuốc làng quê rồi đi vào nghiệp lính. Biết bao lớp tuổi cày cuốc, trụ cột cho gia đình từng phải lên đường tòng chinh trong thời tao loạn.
Rồi sau tết 1975, những gì đã đến trong cuộc chiến dai dẳng này bắt đầu xảy ra khi toàn bộ đơn vị Phòng tuyến Động Ông Do có lệnh di tản. Không những chỉ chúng tôi mà các tiểu đoàn lân cận ở vùng núi như Phòng tuyến Barbara cũng di tản vào ngày 17/3/1975
Ai ngờ đâu, Xuân 1975 đó là xuân cuối cùng của người lính miền nam- rồi các đơn vị của Tiểu Khu Quảng Trị là chứng nhân và cũng là nạn nhân cho một kết cuộc đau buồn bên bờ Sông Ô Lâu. Một dấu ấn khó quên trong đời quân ngũ vào tuần lễ cuối cùng của tháng Ba năm 1975. Tôi đã lâm trận và chứng kiến sự rút lui và nói cho đúng hơn là một sự rệu rã đầu tiên bên bờ sông xưa một cách bất ngờ, tức tưởi.
Bắc quân hình như đã được biết trước cuộc chiến đang đến hồi CÁO CHUNG. Họ hí hửng thổi còi vượt sông Ô Lâu bắt đầu vào hơi xế trưa ngày 23 tháng 3 năm đó.
LÀNG TRẠCH PHỔ ƯU ĐIỀM BỜ SÔNG Ô LÂU
Ruộng Trạch Phổ mới cấy xong, nhà hoang cửa vắng
Dĩ nhiên khỏi viết hết lên đây thì bạn đọc cũng hiểu rồi; đó sự tan rã đến nhanh. Nhưng trong tiếng súng và làn hơi áp mạnh của B 40 tấn công, tôi nghe có tiếng hét của hạ sĩ Lộc người y tá trung đội:
-Ch úy , ch Úy ! thằng Thành bị đạn rồi, ngay ngực nặng quá!
Thành chẳng chút may mắn, em bị trúng đạn ngay vào loạt đạn đầu của bắc quân vượt sông ngang xã Hải Văn... Càng lúc áp lực của những toán quân chính quy bên kia vừa qua sông càng bắn xối xả mạnh hơn.
Tất cả đại đội 2 chúng tôi bị dồn ra phía cánh đồng trống trải của Làng Trạch Phổ.
Bên cạnh cái lăng mộ ai đó giữa đồng lúa mới cấy tôi nghe tiếng rên của một người bị đạn, tiếng của Thành. Có thể bạn cho rằng tiếng rên kia phải là to lớn kêu gào hay thống thiết lắm chăng? Không phải thế! Qua bao nhiêu năm tôi không quên được tiếng rên của người lính trẻ. Thành chỉ rên lên tiếng “ i ..;i...” mà thôi. Người bị đạn không còn đủ sức để kêu to do đạn đã xuyên qua ngực, giữa tiếng nổ chát chúa của những tràng đạn tấn công, tiếng B 40 và từng hồi súp lê xung phong nghe lanh lảnh...
.
Đó là tiếng rên hay tiếng kêu đau đớn của người thanh niên vừa rời cái roi giữ trâu hay cái cày bên luống ruộng quê nhà. Một làng quê, nơi đó Thành có mẹ già. Những người thân yêu của Thành vĩnh viễn không còn thấy được Thành về. Tôi đoan chắc là Thành đã chết bên cánh đồng Trạch Phổ do người y tá bỏ cuộc và cả đơn vị tôi cũng tan nát thối lui ra giữa cánh đồng và tán loạn rút về rú Ưu Điềm. Tôi bị bắt tù binh từ cái rú càn đó. Có hai người tiểu đội trưởng cũng ngẩng đầu lên lần cuối cùng và gục xuống. Trong hình ảnh đó, có Hạ Sĩ Hách người tiểu đội trưởng già mà tôi còn nhớ tên.
Làm sao tôi quên được Thành, em là người lính trẻ mới về đơn vị tôi chỉ hai tháng, lại vĩnh viễn ra đi trong ngày tàn cuộc chiến? Tiếng rên “i ..i” của em -một người bị trúng đạn nhưng sao tôi nhớ mãi đến hôm nay? Tiếng kêu đau thương của một người thanh niên hay đúng hơn là một em nhỏ mới lớn. Một lứa xanh chưa có niềm vui nào khi tập tễnh bước vào đời với làn vải kaki, màu áo trận, cùng nòng súng lạnh lùng? Một lứa trai vừa giã từ cuộc sống đơn sơ bên mái tranh nghèo cùng mẹ hiền dưới khóm tre làng. Thành chỉ quen và nhìn đời qua những ngày chân lấm tay bùn bên con trâu, nhánh lúa.
Giờ đây em chỉ còn những làn hơi yếu ớt còn lại. Chút sức lực cuối cùng của một người trai, chới với thảm thương cùng sự tan nát của đơn vị mình giữa cánh đồng chưa xanh lá mạ ...Một tiếng rên đớn đau nhưng quá âm thầm, rời rạc không còn đủ sức để kêu thêm hai tiếng:
-MẸ ƠI!
Đó là tiếng nói cuối cùng người lính trẻ hay là nỗi buồn sót lại của một cuộc chiến ĐANG TÀN trên quê hương dau khổ Việt Nam.
nhờ vào cuốn phim tư liệu cũ có tên là "Đường về GP Huế" 26.3.1975, tác giả đã lấy được hình ảnh của toán tù binh (trong đó có tác giả đội nón lưỡi trai đi giữa) của đơn vị đại đội 2 tiểu đoàn 105 ĐPQ Tiểu Khu Quảng Trị đang bị dẫn ra Đông hà ngày 24.3.1975, hình ảnh này có thể ngang đoạn gần Bến Đá
**
Đã bốn mươi tám năm qua kể từ cái chiều 23 tháng 3 năm 1975 bên bờ Sông Ô Lâu, khi cầm bút viết vài dòng cho Thành tôi không cầm nỗi giọt nước mắt thương nhớ về Em. Thật tiếc và oan uổng cho Em trong giờ phút kết thúc chiến tranh. Em có hi sinh thêm nữa thì số phận miền nam cũng đã được định phần. Cái chết của em cũng chẳng giúp thêm gì cho NHỤC VINH của những người may mắn còn lại trên cuộc đời này?
Trên bàn thờ nhà em trong làng của người lính tử trận này, giờ có thể còn một bát nhang thờ vọng cho Em, người ra đi không hẹn ngày về? Con trâu bờ ruộng cùng lũy tre làng Thành vẫn doi dỏi trông chờ hình bóng người lính trẻ; dù em có về cùng đôi nạng thương binh. Nhưng có điều tôi tin chắc chắn rằng THÀNH cùng hai người tiểu đội trưởng cùng những anh em khác đã vĩnh viễn không về. Cũng như người đại đội trưởng chúng tôi, Đại Úy Lê Kim Chung, Anh đã nằm lại một mình bên làng Lương Mai, cũng vĩnh viễn chẳng về...
Gần năm mươi năm, sau ngày tàn cuộc chiến nhưng quê Mẹ vẫn còn quá nhiều trường hợp như Thành vẫn còn quá nhiều mẹ già đau đáu chờ con, vẫn nuôi hi vọng con về, cho đến lúc nhắm mắt tàn hơi?
Tôi vẫn mãi thương xót cho số phận một NGƯỜI LÍNH TRẺ cùng tiếng rên cuối cùng bên bờ ruộng mới cấy của cái làng tên là Trạch Phổ năm xưa. Hàng năm cứ đến tháng Tư Đen là tôi tiếp tục tái đăng bài Hồi Tưởng về Thành. Đây cũng là nén tâm nhang cho tôi tưởng niệm về hương hồn một người LÍNH TRẺ đã hi sinh oan uổng trong ngày TÀN CUỘC CHIẾN. Đã nửa thế kỷ qua mau nhưng một câu chuyện trong muôn triệu nỗi buồn chiến tranh cứ day dứt và ám ảnh mãi làm lòng tôi khó bề quên được ./.
Ký Ức ĐHL Bên Bờ Sông Ô Lâu ngày Tàn Cuộc Chiến 23/3/1975
Đinh Hoa Lư
No comments:
Post a Comment