Thuơng tặng tuổi thơ Quảng Trị
ĐHL (2013)
ĐHL (2013)
Tháng này Quảng Trị đang vào hè. Thầy cô cùng các em học trò chắc đang nao nức đón chờ mùa nghỉ hè đang tiến gần.
Tôi không bao giờ quên cái nắng quê nhà. Làm sao quên được ngọn gió Lào thổi qua xứ mình. Nắng nóng hầm hập, quay quắt, như "nung da đốt thịt"! Thế mà các cô cậu học trò Quảng Trị (cũng như tôi ) ngày xưa nôn nao thu cặp, xếp vở, đón hè với bao háo hức mong đợi.
Người kể chuyện xin gác qua chuyện "cành phượng hồng" hay ve sầu nỉ non, đó là tuổi lớn dành cho thời trung học - biết yêu, mơ mộng, tương tư, nhung nhớ...
Tôi viết để nhớ về tuổi nhỏ cùng những vui thú hồn nhiên mà đời người ai cũng qua một lần, không bao giờ có lại: lớp ba, lớp tư, nhảy dây "ù mọi", 'đánh căng', thả diều, đá lon cùng sau hết là... ĐÁ DẾ
Nhưng trước hết người kể thưa thật, thời con nít tôi chỉ gọi là "đá rế" mà thôi. Tôi cũng không giải thích được con nít QT sao kêu chữ DẾ thành RẾ?
Ôi chao! năm mươi năm rồi sáu mươi năm... rõ ràng hơn nửa đời người. Từ lúc tôi biết đá dế đến nay, tôi vẫn chưa quên con "dế nhất" ngày đó. Con dế này tôi kể với bạn nghe, không phải chỉ về bờ sông An Tiêm rồi lôi phăng mấy dây dưa để tìm cho ra con dế. Tôi phải làm một chuyến phiêu lưu qua tận Thôn Ái Tử bên kia bờ sông Thạch Hãn để đổi đồ lấy dế...
CUỘC 'PHIÊU LƯU' ĐI ĐỔI DẾ
Đó là một ngày tôi bạo gan đi bộ một mình qua cầu Ga, lần theo Quốc Lộ. Qua khỏi Cầu Ái Tử, tôi đi băng qua bãi cát Ái Tử để tới một thôn làng sau lưng Chùa Sắc Tứ. Từ bên này thành phố tôi đi một mình như thế, quả là một chuyến "phiêu lưu mạo hiểm" không bằng. Ngày đó tôi có đứa bạn tiểu học, nhà bên thôn Ái tử nhưng giờ này tôi quên mất tên.'
Năm đó chưa có căn cứ Mỹ.
Tôi vượt qua bãi cát mênh mông lác đác vài đám mồ hoang. Những cồn cỏ nối tiếp, xa xa trong kia làng mạc thưa thớt. Có những con sơn ca thay nhau bay lên cao đập cánh đứng yên liên hồi kêu lảnh lót. Con này kêu xong từ từ hạ cánh, lạ thay! con khác tiếp tục bay lên, lại đập cánh đứng yên, hót liên hồi...
Một khung cảnh hoang sơ, vắng lặng khiến tôi cảm khoái vô cùng. Bao nhiêu cảm giác mệt mỏi, sợ sệt tan biến. Có một chuyến 'du ngoạn một mình xa như thế, quả thật thích thú biết chừng nào!
Giờ tôi kể các bạn nghe chuyện "đổi dế" của tôi ra sao?
Tôi mang mấy thứ "vật phẩm, hàng hóa" từ thành phố qua chốn làng quê đó với ý định đổi chác với đứa bạn bên làng Ái Tử này là những gì?
Đứa bạn bên làng thích nhất là mấy cái thuớc cùng cán viết màu làm bằng nhựa. Chắc bạn đọc còn nhớ, một thời đồ nhựa 'lên ngôi' thay dần cho mấy cái thuớc gỗ hay bị uốn cong cùng dễ lem mực. Người viết xin gọi đó là "thời đại ĐỒ NHỰA". Sao mà không gọi như thế; nào từ cái thước, cán viết, ê ke vẽ hình đều bằng nhựa...rồi tôi phải nhớ đến bình mực không chảy, cho đến cái bi đông bới nước để bỏ hạt é vào cũng là nhựa, nó đã qua thời đại bới nước bằng chai và "NHÉM LÁ CHUỐI "
(người viết xin giải thích thêm: đựng nước thì kiếm ra cái chai không, nhưng nắp đậy có khi phải lấy lá chuối cuốn lại nhém lại. Những chai đựng nước mắm trong bếp vào thời này có khi cũng nhém bằng lá chuối cuốn lại như đã tả trên)
Tôi lại lan man mất, xin nói cho rõ vào đây cái bi đông của tôi ngoài hạt é ra còn hòa nước đường nữa chớ!...và đứa bạn nào tôi thuơng thì cho nó một nắp bi đông. Đúng vậy tình cảm bạn nhỏ với nhau tính bằng nắp bi đông, dụng cụ 'đo lường' có sẵn trong tay lúc đó.
Đứa bạn bên thôn Ái Tử sao mà không mê mấy cái cán viết và thuớc nhựa màu của tôi mang qua còn "cáo cạnh" mới toanh như thế được? thế là hắn không tiếc gì mấy con dế nhất liền đổi cho tôi ngay thôi. Hắn không quên bỏ vào trong cái lon vài ngọn rau lang , vài miếng dưa cho mấy con dế "giải khát " trên đường tôi về nhà.
CON DẾ NHẤT CỦA TÔI
Kể cũng lạ? trong mấy con dế tôi vừa kể có con dế than trông nó khác hơn những con khác thuờng ngày. Bụng dưới của nó dài, trông không bình thuờng chút nào. Cũng do cái bụng con dế đó dài nên phần cánh càng trở nên ngắn cụt ngủn. Vừa mang ba con dế đó về nhà hơn một ngày tôi cho chúng 'chiến đấu' với mấy con trong xóm. Dế hai anh em thằng thằng Nàng, dế thằng Sừng xóm trên kể cả con dế lửa của thằng Bốn ở tuốt ngoài ruộng... chúng cũng bị con dế than bụng dài của tôi hất văng "xiểng niểng"!
Tôi càng khoái, càng thấy mấy cái thuớc và cán viết nhựa của tôi đem đổi chẳng thiệt thòi chút nào.
Càng đem con dế 'bụng dài' đi đá xa tận xóm thằng Lợi (em anh Nguyễn Lam), thằng Lép, thằng Mẹo gần Hồ Cá Phi, tôi càng 'chiến thắng vinh quang'! Con dế than tuy bụng dài cục mịch nhưng phải chăng lợi thế của nó nhờ vậy mới nặng ký hơn đối phương? Đặc biệt hai cái hàm của nó đi rất sát chẳng bao giờ nghểnh cao rồi từ đó:
A lê hấp! hất một cái là đối phương té ngửa!
Kể cũng lạ? con dế nhất này thắng xong nó 'chẳng thèm' rung cánh kêu vang như các con bình thường khác. Thường dế đá thắng, nó hay rung cánh kêu vang nghe 'điếc' cả tai!
Số phận mấy con dế "chiến bại" của mấy đứa bạn tôi thật thê thảm! Con nào không "tạo dựng được cơ đồ" hay bị mấy đứa bạn ngứt đầu để chọc cho con dế khác "sực". Có 'sực' cỡ nào cũng thua con dế nhất của tôi. Thú thật, tôi chưa hề ngứt đầu con dế nào cả. Muốn dế sực tôi chỉ dùng tóc để quay. Có khi tôi dùng tóc quàng qua khe cổ của con dế, đây là cách quay thông thuờng. Có khi tôi lại quàng sợi tóc giữa ngách giữa chân sau và thân con dế, vừa xoay miệng tôi vừa thổi. Đứa nào cũng chúm miệng thổi vù vù. Mấy cái cánh dế bung ra tưởng chừng rụng hết đến nơi? Hai đối thủ bắt đầu sực, chúng rung cánh kêu lên vài tiếng 'thách thức' rồi lao vào quyết chiến.
Những ngày hè thú vị tiếp diễn, con dế nhất kia chưa hề 'chiến bại'? Tôi tin nhờ cái bụng dài quá cở dị đời, nó mới có nhiều "chiến công hiển hách" mang về cho chủ. Thật thế, con dế nhất từ đó nổi tiếng trong xóm và lan ra mấy xóm trên. Mấy đứa bạn xầm xì bàn bạc nhưng không biết tìm đâu ra con dế nào 'ngon' hơn để hất được con dế nhất của tôi?
Ba tôi đi làm về có một cái hộp mới bằng các-tông dùng đựng súng lục khá cứng cáp. Tôi còn nhớ bên ngoài cái hộp này có hình hai bàn tay bắt nhau, sau này tôi biết là của viện trợ Mỹ. Tôi xin ba tôi để làm 'nhà ở' cho con dế cưng.
Ban đêm tôi để hộp dế trên thành cửa sổ ngoài trời cho dế hứng sương. Trong 'mái nhà' của dế, tôi không quên bỏ đầy đủ thức ăn vật uống cho nó. Hình như chú dế cảm nhận sương đêm, thỉnh thoảng nó kêu "rích rích " vài tiếng khiến bụng tôi sung sướng làm sao!
-Ngày mai 'chú mầy' sẽ còn đụng độ nhiều đối thủ khác.
Một ngày chiến đấu khác lại đến. Thật sướng làm sao! bất cứ con nào: từ con dế lửa thằng Nồng, dế dầm thằng Nàng, dế mọi thằng Sừng, dế than của thằng Bốn và kể cả con dế kim nhanh nhất của thằng Tài đều bị con dế đen bụng dài của tôi 'đo ván' tuốt luốt!
CHỈ CÒN LÀ DĨ VÃNG TUỔI THƠ
Trưa hè, tiếng ve kêu ing ỏi vang lên từ mấy tàng cây sầu đông. Tiếng ve trên cao cùng với tiếng ồn ào của chúng tôi phía dưới càng làm khuấy động thôn xóm thân yêu. Lạ một điều, bà con chẳng ai la rầy chi, ai nỡ phá đi niềm vui tuổi dại?
Đêm mùa hè khó ngủ, chúng tôi lại kêu nhau bắt cặp chơi trò đá lon, hay 'hô la manh' ( haut les mains?) cho đến hơn mười giờ đêm chưa thôi. Cơn nóng ban ngày vẫn kéo dài cho tới tận khuya. Làn không khí nóng cứ day dứt mãi không thôi? Bà con chưa ai ngủ nổi! Tiếng quạt phành phạch, tiếng lũ trẻ chơi khuya, thỉnh thoảng lại có tiếng rao bánh mỳ nghe đâu văng vẳng...
hai em trai tôi và lũ bạn 1968 phường Đệ Nhất QT
Rồi cuộc chiến Mậu Thân 1968 ập đến gia đình tôi phải dời lên chợ Tỉnh trú tại Phường Đệ Nhất. Lớp em tôi như hình trên có thể không có thứ "hạnh phúc" như anh nó là dược đá dế thoả thích tại cái xóm mang tên Cửa Hậu thân thương muôn thuở. Lớp em tôi có thể có những thú vui riêng, khác lạ dành cho nơi phố thị.
Dù sao tôi cũng phải viết để nhắc lại một thời con nít, hồn nhiên vui thú chóng vếnh qua mau. Có khi chúng ta lại tiếc nuối vẩn vơ, nhưng thời gian làm sao trở lại? Ký ức hay trở về cho bao lớp tuổi già xế bóng. Dĩ vãng bàng bạc bay đi như đám mây trời rong chơi, phiêu lãng. Càng già ta càng trân trọng những kỷ niệm ấu thơ, những tài sản tinh thần mà chúng ta thật lòng cất giữ trong một "ngăn tủ" nào đó trong lòng. Có những lúc trống vắng lại "lấy ra xem ". Trong ảo giác của một cuộc phiêu du ngược về quá khứ, văng vẳng đâu đây tiếng cười vui của lũ bạn trong mùa đá rế năm nào./.
edit by ĐHL
No comments:
Post a Comment