Mùa xuân 1975 có thể nói là mùa xuân cuối cùng cho tất cả người lính VNCH. Đó là mùa xuân giã từ vũ khí, buông rơi tất cả để đón nhận những thực tế phũ phàng cho số phận một đất nước bị vùi dập nghiệt ngã trong thất bại đớn đau.Xuân này Con Không về- và nhớ mãi một mùa xuân tủi nhục buồn thương...
ngày 24.3.1975, có một toán phim từ miền bắc qua sông Thạch Hãn để vào Huế, họ gặp toán tù binh của đơn vị ĐHL ngang đoạn Cầu Dài Bến Đá CŨng nhờ cuốn phim ĐƯỜNG VỀ GP HUẾ. Nhờ đó , nên tác giả có cơ hội copy lại hình ảnh toán tù binh của đại đội 2/TĐ105 TKQT đang bị dẫn ra hướng bắc vào ngày đó. Tối 24.3.1975 toán tù binh này ra tới Đông Hà và bị giam tại Thôn An Lạc gần chân cầu
ký ức tù binh của ĐHL
Qua Đèo Ba Lòng
15/4/1975
Sau khi ngủ qua đêm trong một đơn vị lán trại bộ đội bỏ trống tại Cùa, đoàn tù binh chúng tôi được dẫn bộ theo một sơn lộ đi về hướng Ba Lòng. Con đường đất đỏ quanh co, hai bên còn loang lổ hố bom, đi xuyên qua mấy trãng đồi tranh xanh ngắt. Đi từ sáng tinh mơ khoảng xế trưa thì đoàn tù binh bắt đầu qua Đèo Ba Lòng.
Theo lời cán bộ dẫn tù cho biết: độ dài của đèo Ba Lòng phải tới bảy tám cây số. Đường đèo thì leo dốc, do vậy thỉnh thoảng chúng tôi được nghỉ giải lao. Họ là bộ đội nên áp dụng “luật quân hành”có nghĩa đi bộ một giờ được nghỉ giải lao mười lăm phút. Ngang lưng chừng đèo, chúng tôi được dừng nghỉ sức theo quy định.
Được nghỉ, tôi để nguyên cái ba lô dựa vào vách núi. Vài ngọn đót, mấy vòi mây nước từ trên cao buông vu vơ trước mắt tôi. Tôi lại nghe xa xa tiếng ve núi bắt đầu 'ca vang' đón hè. Trời tháng Tư khí hậu Quảng Trị bắt đầu nóng. Cái áo ka ki của tôi giờ đã thấm ướt mồ hôi. Gần ba tuần , tù binh bị giam tại trường Lai Phước chưa có gì cả? Ai có gì bận đó; đa số còn bận áo lính, chân mang đủ thứ dép. Có điều đặc biệt không ai được mang giày lính?
Có mấy ông cán bộ vc, có thể là cấp úy, họ có bình thủy nước trà mang theo uống dọc đường. Tôi chưa quên một kinh nghiệm khá 'lạ lùng' do những người này chỉ cho tù binh khi lên dốc nên mang ba lô ngược trước ngực, sức nặng sẽ kéo giúp đi lên mạnh hơn. Trái lại lúc xuống đèo, thì đưa ba lô trở lại phía lưng- nó sẽ kéo người lui sau, khỏi chúi người. Thật là thứ kinh nghiệm 'vượt đèo' lạ lùng, lần đầu tiên trong đời chúng tôi nghe được.
Quy định dừng chân tạm nghỉ là mười lăm phút cho một giờ đi, nhưng thời gian nghỉ có khi khá lâu. Mấy người bộ đội này cho biết lên tới đỉnh đèo đổ xuống bên kia là thung lũng Ba Lòng. Sắp tới rồi hay sao? Như thế là đoàn tù này sẽ tới Ba Lòng, cái đích của chuyến đi này.
Tôi tiếp tục dựa lưng vào vách núi ngắm cái hẽm núi trước mắt mình. Vài bóng mây nhàn nhạt đang la đà dưới đó. Những làn mây mỏng không che hết màu xanh của lá cây. Tiếng ve thỉnh thoảng ngưng kêu, trả lại sự im lặng cho núi rừng.
Mới hôm qua, lần đầu tiên chúng tôi ăn củ cây bông chuối (trước tôi gọi là chuối tây), ngày xưa người mình hay trồng làm cảnh. Họ cho tù binh nhổ lên, nấu ăn tối. Té ra chuối tây phần củ của nó khi nấu chín ăn chẳng khác gì củ hoành tinh. Họ bảo đó là cây "cứu đói". Bộ đội ăn rồi trồng lại ngay để bộ đội tới sau có "cái ăn". Đất Cùa quả thật tốt. Những bụi cây bông chuối cao ngang đầu người, rậm rịt, chúng che mất mấy "cái lán" nho nhỏ. Một đơn vị bộ đội nào đó từng ở đây giờ họ đi đâu, chỉ còn lại những túp lều vách đất, trống không?
Bao nhiêu hình ảnh xáo trộn trong đầu...thế mà ba tuần rồi tính từ lúc đại đội chúng tôi tan hàng tại Mỹ Chánh. Mười bảy người được dẫn bộ ra đến bên kia cầu Đông Hà và bị giữ ở đó tại Thôn An Lạc vài ngày. Thời gian này chúng tôi nghe tin Thuận An náo loạn? Tiếp đó Đà Nẵng ...Sau đó họ dẫn chúng tôi vào lại tại một trường học gần cầu Lai Phước, đóng tạm tại đây. Tù binh trong Huế ra càng lúc càng đông. Hàng ngày chúng tôi được ra con sông Vĩnh Phước tắm giặt. Khoảng hai tuần, đoàn tù có lệnh di chuyển. Chúng tôi được dẫn bộ theo đường số Chín lên đến Cam Lộ thì rẽ lên hướng Cùa. Tối qua và đi đến trưa nay thì cả đoàn tù được dừng nghỉ tại đây.
Từ độ cao này tôi định hướng nhìn về hướng dưới kia- Đông Hà hay Quảng Trị một đường ngang của một dãi đồng bằng hẹp, bằng phẳng. Hướng nam trong kia xa hơn. Giờ này thì Huế và Đà Nẵng mất rồi. Hai tuần tù binh trú tạm tại trường học Lai Phước cạnh con sông, tù từ trong đó ra càng lúc càng đông: nhiều thứ lính: từ áo ô liu cho đến rằn ri. Giờ trong nam ra sao? Bình Tuy ra sao? Người ta đồn ranh giới hai bên có thể là Phan Rang? Tôi mong sao được như thế. Nếu được thế Bình Tuy, bà con tôi bà con QT còn thuộc VNCH còn lại...hình ảnh ngày cuối cùng tôi bị bắt. Ruộng Ưu Điềm mới cấy, Làng Siêu Quần- cái làng có đàn muỗi vo ve đến 'chóng mặt'. Về ngược lại Trạch Phổ gần Ưu Điềm bên này sông Ô Lâu nơi nào đồng bào cũng chạy sạch? Chuyến xe tiếp tế cuối cùng và tin chợ Đông Ba cháy đó là những tin tức sau cùng trong đời quân ngũ. Cho đến ngày 23 tháng 3- cái ngày tôi và mười mấy người trong đại đội trở thành tù binh bên sông Mỹ Chánh. Đám ruộng làng Trạch Phổ, Ưu Điềm thuộc Xã Phong Bình có tên trên tấm bản đồ mà người trung đội trưởng như tôi luôn nhét trong ngực. Tấm bản đồ cùng quả lựu đạn mini nhỏ xíu- quà kỷ niệm của cậu tôi cho ngày ra phép cuối năm 1974 tôi ghé tạt qua Sơn Trà, một đơn vị Lôi Hổ- tất cả đều vứt lại tại cánh ruộng mới cấy đó...
***
***
Dòng suy nghĩ của tôi dừng lại khi toán ‘quân’ nói đúng hơn là toán tù được lệnh tiếp tục đi. Có vài người kiếm đâu ra thanh cây lụi làm que chống để lên đèo, riêng tôi thì không. Tôi và Ngọc do là hai sĩ quan trung đội nên cùng có nhau trên chuyến đi Ba Lòng này. Có một số khác đều từ Huế ra: Bãi Thuận An, Phú Bài, Trung đoàn 54...chúng tôi chưa biết nhau.
Hơn hai tiếng đồng hồ, toán tù binh đã lên đến đỉnh và tiếp tục đổ đèo. Tầm nhìn bên kia bắt đầu mở rộng trước mắt chúng tôi. Một phong cảnh hoàn toàn khác lạ. Bắt đầu xuống đèo...dưới kia thấp thoáng ánh nước một dòng sông. Thạch Hãn và Thung Lũng Ba Lòng đó rồi chăng?!
***
Thung Lũng Ba Lòng hôm nay
***
Khoảng năm 1960, tôi có theo ba tôi lên Ba Lòng. Nhưng lúc đó ba tôi theo đò chèo ngược dòng Thạch Hãn để lên quận này. Thời gian đó, Quận Ba Lòng vẫn còn. Quận và Chi CA còn đóng trên này. Tôi mới sáu, bảy tuổi nên trí nhớ không rõ ràng lắm. Giờ này, dù ai có giải thích hay nói một tên khác nhưng tôi từng tới vùng đất dưới kia từ thưở bé thơ. Đó là một ngày có con đò chèo từ thành phố thân yêu lên ngược Thạch Hãn, tận một thung lũng có tên Ba Lòng. Một nơi có làng mạc có dân cư hiền hòa cùng những đồng bắp tốt tươi. Riêng tôi, tất cả hình ảnh nằm trong kỷ niệm như thôi thúc chân tôi bước nhanh hơn để xuống đèo xem tận mắt giờ cái vùng kỷ niệm nay ra sao.
Chúng tôi cố bước theo nhau- những bước chân đi như không định hướng. Sự sụp đổ lan nhanh không ai ngờ mà chẳng ai chống lại được? Tôi vừa đi vừa thả hồn về hình ảnh cũ: Rà Vịnh- Ba Lòng- Bến Đá Nổi, có thể người bên kia chiến tuyến chưa ai từng nghe qua. Đối tôi vẫn giữ mãi trong lòng những cái tên đó...Một ngày xưa có tiếng chèo của người trạo phu khua nước trong đêm, có thằng bé theo cha ngược dòng Thạch Giang lên tận một nơi được người viết xem như là một "thung lũng thần tiên".
Gần hai mươi năm sau, đứa bé kia lại được về lại cái thung lũng "thần tiên" đó nhưng trong thân phận của người tù binh chiến bại. Ngoái về hướng nam, người tù bình biết chắc một điều là Xuân Này Con Không Về, mẹ và người thân yêu xin đừng đợi nữa./.
Đinh Hoa Lư edition tháng Tư 2022
No comments:
Post a Comment