Wednesday, March 22, 2023

CHUYỆN KỂ TỪ BÒ LÊN XE CẢI TIẾN Ở XỨ HÀM TÂN

KÝ ỨC 




   chiếc xe 'CẢI TIẾN' của vc Sáu Huế một thời giúp bà con thôn tôi chuyên chở mọi thứ
 -Cam Bình Hàm Tân 
 

   Xe 'Cải Tiếnkhông biết có mặt tại huyện Hàm Tân lúc nào? Theo tôi, nó bắt đầu có vào cuối thập niên 1980 tức là sắp bước vào năm 1990. Thời buổi trâu bò "lên ngôi" do thiếu sức kéo. Ai có con bò thì xem như là thành phần giàu có tạm gọi là phú nông, phú hộ có nghĩa là giới có của. Của ở đây là mấy con bò, người nông dân nghèo chẳng bao giờ có được. 

Thời tôi ra trại được trở về sum họp với gia đình. Chuyện bò đi cày ruộng nơi vùng tôi ở quả hiếm thấy?  Người ta quý bò và cần bò để vào rừng kéo gỗ.  Rừng là vàng, gỗ xẻ ra ván,đó là tiền và vàng. Nếu không có con bò vào rừng kéo gỗ về thì thợ rừng đành bó tay chịu thua.

Khoảng non mười năm sau 1975, nhà cửa chốn thôn làng, phần nhiều mái tranh vách đất. Nói đúng ra, vùng Hàm Tân, Bình Tuy đều là mái tranh vách lá. Chuyện nhà tôn, vách ván có thể xem là trung lưu khá giả.

 Ván là tiền, nhà giàu mới mua đủ ván cho căn nhà lợp ngói hay tôn. Con bò kéo gỗ giúp giới thợ rừng sắm vàng. Dần dà chuyện bò cày ruộng chẳng ai ưu tiên nữa?

Thế là sức lực nông dân như chúng tôi trong thôn xóm phải cuốc cày thay sức trâu bò. 

   Bò đã thiếu, mà thiếu thì lại quá quý. Bao nhiêu bò tập trung vào rừng kéo gỗ. Những người chủ bò nay lại là thợ rừng và từng bị gán cho cái tên rất cụ thể đó là "lâm tặc". Dù lớp lâm tặc này từng bị kiểm lâm bắt bớ bao lần và một lần bị bắt từ chủ và bò đều bị phạt một cách ghê gớm. Nhưng giới chủ bò vẫn giàu, người bắt bò cũng có 'hoa lợi' gián tiếp vào tay. Dù mờ ám nhưng cũng trở nên một giới giàu có tuy là gián tiếp 'ăn theo' mà thôi.

    Một thời rừng rú rậm rạp, tha hồ gỗ củi. Bò từng giúp người thu về bao nhiêu tiền muôn- bạc tỷ đúng theo cái nghĩa "rừng vàng biển bạc" như người ta hay nói. Một buổi giao thời, có bò là có của tiền từ rừng từ gỗ ban cho. Người vào rừng hạ gỗ, rồi bò vào rừng kéo gỗ, chỉ là "luật rừng" thôi. Tuy vài chuyến bị 'bắt' một chuyến nhưng người chủ bò cũng dễ sắm "vàng chỉ -vàng cây" hơn người chỉ biết đi cày ruộng cuốc nương, ngày ngày bán lưng cho trời, bán mặt cho đất nghèo đói vẫn lai hoàn là đói nghèo mà thôi! 

  Ôi! cái nghiệp cày ruộng ngày ấy nghĩ lại càng toát mồ hôi. Tuy nhắc lại sau nhiều thập niên đi qua mà vẫn tưởng là mơ. Làm sao người kể chuyện này quên được, hình ảnh hai người quàng dây qua cổ để cố kéo cái bừa cho đều đám ruộng ngập sình.
 Việc của bò nay người làm thay. Từ cày cho đến bừa, những thửa ruộng hợp tác xã chia cho nay đã trao phó hết cho đôi vai và hai bàn tay cùng cái cuốc to bản của người làm ruộng trong thôn mà tôi cũng là một chứng nhân hay nạn nhân thời cuộc. Đi cày cuốc ngoài đồng, ai đọc ngang đây cũng tưởng ra hình ảnh "con trâu đi trước cái cày đi sau" và sau nữa là cái roi của bác nông dân quất nghe tron trót. Không đâu, thưa bạn đọc. Cái thời bao cấp ngày đó, trâu bò là "xa xỉ",  là giai cấp phú hộ mới có. Còn người làm nông sàng sàng thời đó làm gì có được? Thế là các anh, các bác nông phu thôn tôi thay nhau làm giúp... "phần của trâu bò",  nghĩa là bừa - cày đều dùng sức người 'chân chính'  thế vào.
 
Xin bạn chớ tưởng lời nhạc của bác Phạm Duy xưa là hư cấu:




hình của bản nhạc Quê Nghèo 

Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói
Có những cánh đồng cát dài
Có lũy tre già tả tơi
Ruộng khô có những ông già rách vai
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
Có người bừa thay trâu cầy
(Quê Nghèo/ Phạm Duy)

 Ôi! lời nhạc tưởng là câu chuyện của ngày xưa hay của ai đâu? thế mà đó là hình ảnh của người viết những năm mới được 'ra trại' về lại thôn làng, bên mái tranh nghèo của gia đình...
            
Đám ruộng bạc màu của thôn tôi, lúa cao không hơn đầu gối. Những ngày tháng làm ruộng không đủ ăn, những buổi cùng mấy đứa em quàng dây qua vai để kéo những đường bừa thế sức bò...dưới kia là Thị Trấn Lagi, giàu có những chiếc tàu cá ra khơi, đối với tôi là cả một "kinh kỳ sáng chói" chẳng bao giờ tôi dám mơ một buổi sáng đi bộ về thành phố biển đó, kéo tô phở hay kêu một ly cà phê cả?

*

 KUBOTA LÊN NGÔI THAY  BÒ 

  Tôi kể dông dài về chuyện của bò, chẳng qua vì muốn nhấn mạnh đến sức kéo để vận chuyển bao sắn khoai từ vùng nông thôn về nơi thị trấn. Những chiếc cải tiến một thời còn gọi là xe "máy xới" vì nó dùng đầu máy KUBOTA làm động cơ chính. Chúng chở hải sản về đến thị trấn cùng chở vật liệu xây dựng ngược lên vùng nương rẫy.

    Người viết đến đây cũng xin báo trước, giai đoạn này bò không còn là bộ mặt giàu có nữa. Bò không còn giá trị như cái thời người kể đoạn trên. Ngang đây thì rừng núi tại quê nhà lúc đó cũng cạn kiệt. Bao nhiêu cánh rừng trơ trụi, hoang hóa do bàn tay tàn phá của con người. Bao nhiêu gỗ tốt của rừng xanh phần nhiều đã bị đốn hạ cho vấn đề gỗ ván và than củi. Rừng xanh cạn kiệt, bò lần lượt xuống cấp trở về cày ruộng hay được chăn nuôi làm thịt.


xe than là loại chở khách do thiếu nhiên liệu phải chạy bằng than nên càng mau hư máy  

XE CÔNG NÔNG nhưng sao THÔN TÔI GỌI LÀ CẢI TIẾN?

Thật khen cho tài của mấy ông thợ máy Việt Nam vào cái thời bao cấp. Thời này mọi thứ đều thiếu, xe đò chở khách do thiếu nhiên liệu nên phải chạy bằng than dù biết vấn chuyện này càng mau hư máy xe? Nhưng dù có chạy xe than, vùng thôn xã chúng tôi ở "có mơ" cũng không có. Đi đâu  thì có chiếc xe "lô ca chân" tức hai bàn chân ta làm phương tiện?  Tôi không quên hình ảnh chiếc xe đạp thồ,  nặng nề cục mịch nhưng "vạn dặm đường xa"  nó là phương tiện chính. Đường vùng thôn quê, lở lói, hố hầm nhưng  chiếc xe đạp thồ kia chẳng bao giờ 'ngán sợ' cả.

     Cáng đáng ghi nhớ, tài của người thợ máy xe "cải tiến" lại tăng gấp bội. Mấy anh mua thứ nơi này, chút kia chỗ nọ, rút cuộc cũng nên hình hài chiếc xe. Có lúc chống cuốc, tôi đứng ngắm hình ảnh mấy chiếc CẢI TIẾN ra đời, chạy xình xịch lên về , qua vùng tôi ở mà "sướng" con mắt. Dân mình cũng tự biết cách "cơ giới hóa" đâu thua ai?


   Sao mà không sướng? từ các động cơ dùng chạy máy xay lúa , xay sắn nay mấy thợ máy nghĩ cách làm ra chiếc xe vận chuyển hàng hóa cho bà con nông dân trong thôn chúng tôi nhờ. Sao mà không CẢI TIẾN ? khi không lại có thêm 4 cái bánh . Phần đầu lại có ông tài xế cầm 'vô lăng ', sau chở cả tấn hàng, chạy ào ào lên xuống cái dốc Cam Bình xem thật là "đả con mắt". Chuyên chở nông phẩm là chính, nhưng ai thuê chở hàng gì anh tài xế xe CẢI TiẾn đâu có từ nan, miễn có tiền là được. 


 Chiếc xe 'xình xịch' chạy, không nhanh hơn xe hàng nhưng nào thua ai. Mấy chiếc xe bò kéo hàng , một thời "bá chủ", giờ phải nhường lại cho xe cải tiến, vừa nhanh vừa rẻ , ai mà chẳng ưa?


Xe cải tiến chủ yếu dùng sức kéo là máy diesel, bộ số đơn giản, không có hư vặt vì chạy chậm và chỉ kéo thôi. Hơn nữa, nó không có khả năng đi xa trên "đường thiên lý" như  xe vận tải thứ thiệt -  xã về huyện là xa lắm rồi. Không có cơ quan nào công nhận loại xe này, từ cái động cơ Kubota nó được người thợ máy VN ta nào đó tạo thành 'chiếc xe' bán tải mới gọi là "cải tiến" cũng nên?


 Sự đời, nghĩ cũng nưc cười. Đã gọi là "CẢI TIẾN" thì chiếc xe phải "ngon" hơn xe bình thuờng? Theo 
ý người viết, một từ có thể thích hợp là xe "BIẾN CHẾ". Tiếng gọi đề nghị này đúng với ý nghĩa nhưng nghe sao "lủng củng"? hơn nữa, không "OAI".  Có thể do vậy người ta gọi là CẢI TIẾN cũng nên?


  xe CẢI TIÊN kiêm luôn dịch vụ du lich "có thua ai "

   Buôn bán thông thuơng "bùng nổ", bắt đầu vào thời đổi mới. Thiên hạ có "đồng ra đồng vô" rảnh rang đi thăm thắng cảnh , tắm biển vùng tôi. Xe CẢI TIẾN một lần nữa đươc "CẢI TRANG" làm xe chở khách ra biển Cam Bình.  Không ai chê bai , bà con thông cảm nhau mà.

CẢI TIẾN NHƯNG CHỈ LÀ TỪ TRONG THÔN, NÓ LÀ XE CÔNG NÔNG MÀ THÔI đó là loại bán tải không bảo đảm an toàn và chở chỉ non 3 tấn hàng là cao tay


CÓ DỊP ĐI XA ra tận các huyện khác hay thành phố mới biết chiếc xe cải tiến chẳng phải là cải tiến. Nó là xe bán tải còn gọi là xe Công Nông. Dù sao từ bò lên xe, đối với hoàn cảnh trong thôn đó là 'cải tiến' lắm rồi.

***

 Bước qua năm 2000, nền kinh tế 
THỊ TRƯỜNG bắt đầu đổi mới và thực sự CẢI TIẾN mọi vấn đề giao thông kinh tế, giao thuơng mọi nơi mọi ngõ ngách. Xe hai bánh tức là "xe nổ" nhà ai cũng có, đường xá đổ nhựa khắp nơi tha hồ tốc độ. Buôn bán kiểu tư bản làm bà con khắp nơi đều "có máu mặt" . Xe đò hiện đại thông thuơng từ quê lên tỉnh , từ đồng bằng lên miền núi. Giao thông chuyên chở đã có những chiếc xe vận tải thứ thiệt Made in Japan , hay tệ lắm là Made in China thế chỗ. Sắn khoai lúa gạo hay hàng hải sản đều được vận chuyển bằng các chiếc xe đời mới này. Số phận các chiếc xe CẢI TIẾN dần hồi "xếp vó" , bị tháo gở làm máy xay hay đi cày ruộng. Trên Sài Gòn hay các tỉnh xa người ta về thăm biển Cam Bình thiên hạ đều đi trong các chiếc Huê Kỳ "láng xì cón" , có ai còn nhớ chiếc xe CẢI TIẾN ,'lọc cà lọc cọc " chở khách ra biển nữa đâu. 


 Dưới huyện Hàm Tân, mấy chiếc xe khách hạng sang khách tha hồ, nhấc điện thoại lên là có. Sau khi gọi chỉ năm ba phút là có chiếc xe nhỏ đời mới dừng ngay trước ngõ. Không ai phải đợi lâu cả tiếng đồng hồ cả? Các công ty xe taxi, xe gió tha hồ mọc lên, chào khách tiếp thị song song với nhiều kiểu điện thoại cầm tay ra đời. 

Ngang đây, bạn đọc sẽ tưởng tượng ra mấy chiếc xe than thập niên 1980 "quỷ tha ma bắt" đã vào "nghĩa địa xe" từ lâu.  Rừng xanh từng bị phá hủy hàng loạt do sự đòi hỏi nguồn cung than cho hàng loạt xe chạy than "cải lùi" hư máy nát rừng như vậy?

Phận con bò một thời chỉ có trong sân nhà phú hộ, hay mấy thợ rừng giàu có nay trở về lại ruộng nương..

vợ chồng tác giả ĐHL bờ biển Cam Bình Hàm Tân tết 2017

Bò cũng 'thất nghiệp' do ruộng đất hiếm dần. Kinh tế khởi sắc. Thành phố công nghiệp phát triển, nông thôn đất đai hẹp dần để dành đất cho thương nghiệp hay nhà máy. Đất càng quý thì ruộng nương co rút dần hồi. Những con bò thất nghiệp, nếu không đi cày, ăn cỏ cho mập làm thịt thì ra các bờ biển, làm vui cho khách du lịch. Năm 2017 khi vợ chồng tôi về lại thôn xưa, nhìn  hình ảnh chiếc xe bò trang hoàng hoa lá, chú bò đủng đỉnh đứng chờ khách bên bờ biển. Một ca kéo khách đi theo bờ biển dạo chơi cho vui chỉ được vài chục ngàn đủ cho chủ ăn hai tô phở? Một thời bò hái ra 'vàng cây vàng chỉ" nay còn đâu? Tôi âm thầm nghĩ thế, và lắc đầu ái ngại cho sự thay đổi của cuộc đời. 





   resort Cam Bình -Hàm Tân  hôm nay






hình: Resort bãi biển khu du lịch Cam Bình, Hàm Tân  giờ này đầy ắp khách lái xe du lịch từ Sài Gòn Phan Thiết tới tận nơi. Đường sá láng bóng, nhiều chiếc xe đẹp chạy qua hàng ngày. Thời này làm gì có chuyện 'chiếc xe cải tiến' chạy xình xịch năm xưa nữa? họa chăng là âm vang và hình ảnh trong lớp cha mẹ như chúng ta còn may ra nhớ lại. Bò còn may mắn hơn nó chút đỉnh, do bò còn làm cảnh ngoài biển cho khách thành phố về vui chơi. Mua vài ngàn đồng bạc ngồi lúc lắc trong chiếc xe bò trang hoàng hoa lá cành đi dọc theo bờ biển thấy vui làm sao? 

 Giờ đây trong Thôn Cam Bình là lúc mấy ông tài xế những chiếc xe "cải tiến' năm xưa hay ngồi lại với nhau uống cà phê mà nhắc lại chuyện cũ. Chắc hẳn phải có lần kể về "đời xe CẢI TIẾNmà cảm thấy nao nao trong lòng

Mấy ông vừa kể chuyện xưa, vừa thuơng mấy chiếc xe  cải tiến một thời 'trèo đèo vượt thác', giúp làm ra đồng tiền bát gạo. Thời thế đổi thay vùn vụt , mấy chiếc xe kia biến mất khi nào lẹ quá! lâu lâu nhớ lại, nên cùng nhau tìm ảnh ra coi để tìm về hình ảnh mấy năm gian khó.


    Thôn Cam Bình nay có chợ mới nhưng chẳng mang tên cũ mà lại mang tên Tân Phước. May mắn nhờ bà con 'níu' tay Xã đòi phải xây trên nền đất cũ. Xã có cái tên mới là Tân Phước, trực thuộc Lagi tức là không còn trực thuộc xã Tân Thiện như lúc  gia đình người viết mới ra đi năm 1995 nữa.  Thế sự canh tân 'xe nổ- xe con' thiên hạ sắm ào ào. Hình ảnh chiếc xe "cải tiến" xem như "rong chơi trong vùng quên lãng". Tội nghiệp cho thân phận loại xe này, không có một nhà bảo tàng nào nhắc đến chúng cả? Đối với người viết, dù sao cũng có chút tâm ghi lại, do đây là câu chuyện có thật. Một chuyện tuy thật nhưng vui buồn lẫn lộn, có lúc "cười ra nước mắt" do xe không ra xe, máy không ra máy nhưng chúng thực hiện được nhiều việc- từ chở đá gạch, gạo bắp sắn khoai, cho đến chở người... xe "cải tiến" đều chở được tất cả mới hay. 

   Có nhiều chú tài xế trong thôn, vừa là chủ như chú Sáu Huế từng cầm vô- lăng lái xe đó. Chú Sáu lái xe lên tận mấy xã vùng cao, chuyên chở nông phẩm vật dụng hay về huyện mua hàng... không biết bao nhiêu cây số.  Dưới xã Tân Thiện hay phố thị Lagi thời đó cũng có một số tài xế xe nói trên như Sáu Huế. Thế mà giờ đây đã hai ba thập niên qua rồi. Các lớp tuổi này đã là ông ngoại, ông nội hết rồi. Mấy chú tài xế đó nay vui thú điền viên hay làm ăn cách khác. Nếu có ai dư dật giàu có ra sao thì cũng nên hưởng ứng với tác giả bài này mà hãy lắng đọng một chút tâm tư hướng về kỷ niệm năm nào.

bà con thôn xóm nay đã lên đời xe con xe nổ nhiều rồi khác xa một thời đi xe 'cải tiến' hai mươi mấy năm trước (hình 2017)


   Người kể mừng cho bà con trong thôn, giờ đây đi đâu cũng có xe hơi láng bóng, đầy đủ tiện nghi không thua gì nước ngoài. Tuy thế cũng đáng tiếc khi không còn cơ hội để 'thưởng thức' cái cảm giác ngồi xe "cải tiến" nó chỉ có một lần vào thời 'ngăn sông cấm chợ' năm xưa !?

    Dòng đời trôi chảy. Sướng khổ gì ta nên nếm hết mới gọi là KINH QUA. Trong kinh qua này, giá như ai được lái hay ngồi xe 'cải tiến' dù chỉ một lần trong đời thì thích thú biết chừng nào . /.


ĐHL  7/12/2014

EDIT lại đêm 22/3/2023

No comments:

Post a Comment