Có thời gian thầy Nguyễn Bảo dạy trung học đệ nhất cấp Gio Linh, thầy nói rằng hai học trò Võ Bình và Trần thị Kim Thược là hai học trò 'cưng' của Thầy. Sau này lại nên duyên vợ chồng nhưng mợ Thược tôi mất sớm (1971)]
Tưởng nhớ cậu tôi VÕ BÌNH (1947 -2003)
ĐHL
Những ngày cuối đời cậu tôi hay ngồi im lìm trước bức hình bán thân của ông chụp lần cuối cùng. Có thể đây là bức hình ông vừa ý nhất hay chăng? Linh tính báo cho cậu tôi sắp ra đi vì chứng ung thư quái ác?
Gia đình tôi và cậu mợ cách nhau không xa chỉ hai ba con đường trong vùng bắc thành phố San Jose tiếp giáp với Milpitas.
Vợ tôi hay nấu bún bò Huế, cháo gà, muớp non xào gan gà những thức ăn Quảng Trị mà cậu thich, xong đem qua cho ông. Tội nghiệp vào những ngày cuối cùng, cậu nói thèm món mướp thơm xào với gan gà nên vợ tôi vội vàng nấu xong tất tả đem qua nhà cậu. Cơn đau ung thư lại lên, cổ họng đau quá cậu tôi nuốt không được đành buông đũa...
Mỗi lần qua nhà, tôi thấy cậu hay ngồi trầm ngâm nhìn lại những đồ vật lưu niệm. Có khi cậu ngồi yên lặng lắng nghe những băng nhạc hoà tấu bầu tranh sáo, những khúc xưa như Làng Tôi, Thiên Thai, Tiếng Xưa ...
Một lần thấy tôi qua, đang dán thuốc dán Salonpas đầy lưng, người cậu đứng dậy lấy cho tôi cái tượng thằng bé con nho nhỏ.
Con trai chúng tôi đi học từ Stanford cho tới Harvard -đi đâu cũng âm thầm mang theo cái tượng nhỏ thằng bé học bài của cậu tôi tặng. Hình nhân đứa bé đó vẫn luôn được cháu đặt nằm trên giá sách
Cái hình nhân thằng bé con đúc bằng đất, to na ná bằng nửa bàn tay. Thằng bé đầu để tóc theo kiểu "chú tiểu đồng" ngày xưa. Mắt đeo kiếng lơ là trước cuốn sách đang học. Trước mắt tôi, cái đầu chú tiểu này sao tròn trịa dễ thương làm sao. Có một điều tuy là nằm trước cuốn sách nhưng nó vểnh mặt không chăm chú nhìn vào sách. Dáng điệu lơ đểnh, hay cậu ta chê bài vở nhiều quá khó học chăng?
-Con đem về cho con trai con nghe?
Khó diễn tả ý nghĩa dáng điệu cậu bé bằng đất này? Dù sao một ý nghĩa mà cậu tôi gửi gấm qua đây là:
NHỎ PHẢI CHĂM HỌC ĐỂ MAI MỐT NÊN NGƯỜI
bức hình Cậu chụp cho con trai thứ hai của v/c tôi Đinh trọng Trữ Khang lúc mới qua Mỹ 1 năm tức là năm 1996 (China Town -San Francisco)
Tôi hiểu tấm lòng cậu tôi do người hay tâm sự:
"con cháu chúng ta qua được nước Mỹ này phải dấn thân vào con đường học vấn trước tiên, đổ đạt thành tài rồi mới đi làm lo chuyện tiền bạc là sau ..."
Rõ ràng ước mong khoa bảng của người Quảng Trị vẫn bàng bạc trong những lời nói của cậu tôi lúc chưa mang trọng bệnh. Người QT, địa danh QT ngày xưa có thể sinh ra từ vùng đất khổ nên ý chí vươn lên và khoa bảng đã có. Ước muốn của cậu làm tôi nhớ lại hình ảnh lúc tôi còn nhỏ tại QT...chỉ một khóa thi Trung Học (diplom) tại trường Trung Học Nguyễn Hoàng thôi nhưng cả xóm đã bỏ công ăn việc làm đổ xô háo hức ra chờ đợi. Tiếng reo hò của bà con trong xóm khi nghe tin có người trong thôn đổ đạt. Hình ảnh người anh cậu tôi tức là cậu Võ Tự Bé, ưỡn người lên lấy tờ giấy thật to làm cái kèn thổi "tò tì te" vui làm sao khi nghe tên mình trúng tuyển. Tiếng cười vui, hỏi han nhốn nháo của đông bà con trong xóm đang đứng lóng nhóng đầy cả con đường Ngự chạy thẳng ra đồng... Rồi sau này chỉ đợi kỳ thi trúng tuyển vào lớp đệ thất trường Trung Học Nguyễn Hoàng thôi, thế mà tôi không quên hình ảnh nhốn nháo, đợi chờ của bà con thân yêu ngày xưa. Những hình ảnh cũ là một dấu ấn khắc khi trong ý nghĩ của tôi, nhớ để khẳng định rằng con người miền trung nhất là Quảng Trị rất hiếu học và trọng thi cử.
***
Ngày cuối cùng cậu tôi không lựa cái gì trong cái tủ gương để trao cho cháu mình mà là cái hình nhân cậu bé đang nằm trước cuốn sách?
Tôi trân trọng ý muốn của cậu mình và trao nó lại cho con trai cùng không quên ghi dưới đáy chân đế dòng chữ:
"Quà của Ông, con cố gắng chăm học"
(The gift from Great Uncle- try the best for studying)
Hơn một tuần sau cậu tôi từ giã cõi đời tại Bệnh Viện Alexandre Brothers thành phố San Jose.
Xong đám cậu tôi nhưng tôi không quên lời dặn của cậu mình là đem cho con trai tôi cái hình nhân đứa bé bằng đá này. Tôi không quên dặn dò con trai thứ hai của tôi là nghe lời Ông dạy rằng "gắng chăm học đừng lưòi như thằng bé này con nghe?"
Thời gian âm thầm trôi qua.
Một điều tôi không ngờ con trai tôi lặng lẽ cất giữ cái tượng kỷ vật này. Con tôi đi học đâu cũng mang theo bên người.
Tôi lên thăm con trong niên khoá nhập học đầu tiên năm 2006 tại Trường Đại Học Stanford cũng thấy 'thằng bé biếng học' nằm một góc bên kệ sách của con.
ký túc xá Đại Học Y Khoa Harvard / 107 Avenues Louis Pasteur/ Boston MA
Đúng mười năm sau khi cậu tôi qua đời, năm 2013, hai vợ chồng tôi may mắn có cơ hội bay qua Boston thăm con trai đang tiếp tục học tại đại học Y Khoa Harvard. Một điều thực sự làm tôi xúc động khi thấy cái tượng nhỏ thằng bé học bài của cậu tôi vẫn nằm trên giá sách của con.
Rõ ràng con trai chúng tôi âm thầm cảm nhận và quyết tâm nghe lời dạy tuy gián tiếp của cha ông. Tôi còn nghiệm ra: tuổi trẻ lớn lên tại Mỹ làm nhiều hơn nói.
Cái tượng nho nhỏ của cậu tôi đi theo con trai tôi với những nấc thang đại học cho đến lúc thành tài. Tôi tin rằng đây là một sức bật nhiệm mầu của một tình thương, hoài bão, của cậu tôi đối với con cháu.
cái tượng nhỏ thằng bé học bài của cậu tôi vẫn nằm trên giá sách
Người Quảng Trị phiêu du tận chân trời góc bể nhưng không bao giờ quên vươn lên, vượt qua bao khó nhọc để đi đến thành công./.
Rõ ràng con trai chúng tôi âm thầm cảm nhận và quyết tâm nghe lời dạy tuy gián tiếp của cha ông. Tôi còn nghiệm ra: tuổi trẻ lớn lên tại Mỹ làm nhiều hơn nói.
Cái tượng nho nhỏ của cậu tôi đi theo con trai tôi với những nấc thang đại học cho đến lúc thành tài. Tôi tin rằng đây là một sức bật nhiệm mầu của một tình thương, hoài bão, của cậu tôi đối với con cháu.
cái tượng nhỏ thằng bé học bài của cậu tôi vẫn nằm trên giá sách
Người Quảng Trị phiêu du tận chân trời góc bể nhưng không bao giờ quên vươn lên, vượt qua bao khó nhọc để đi đến thành công./.
22/5/2017
edit 19/3/2023 San Jose USA
No comments:
Post a Comment