Bao năm chờ đợi sóng gần ta
Biển sóng biển sóng đừng âm u
Đừng nuôi trong ấy trái tim thù...(Sóng Về Đâu/ TCS)
Trước khi dòng Thạch Hãn đổ ra Cửa Việt có mấy thôn Tường Vân, Hà Tây. Ở đây có một nhánh sông nhỏ cùng nhập vào dòng chính Thạch Hãn trước khi chảy ra cửa biển. Bình thường thủy triều lên thì nước mặn đi vào rồi lại rút. Dĩ nhiên cánh đồng Tường Vân chỉ có thể tạo được một cánh đồng không để làm ra lúa gạo mà để làm muối.
Sau buổi can qua, chúng tôi là đám tù từ Ái Tử có lệnh di chuyển về dựng lán trại tạm trú riêng biệt tại một ngã ba sông, nếu không lầm xem bản đồ hiện nay là Thôn Tường Vân, thuộc huyện Triệu Phong một đồng trống nơi nhánh sông sắp chảy ra Cửa Việt. Người viết còn nhớ anh em tù ngày đó còn gọi là đi làm ruộng muối " Hà La". Nhưng nay trong bản đồ chẳng có thôn nào tên Hà La ngoại trừ Hà Tây mà thôi.
Thời gian vào khoảng hè 1976, gần hai trăm người chúng tôi từ Trại 4 được dẫn về làm muối tại đó.
Một cái nhà tranh dài được cất lên ven nhánh sông nhỏ, sau lưng là cánh đồng Tường Vân khá rộng. Buổi chiều rảnh, chúng tôi hay ngồi ngó qua bên kia là Hà Tây, ngắm nhánh sông sóng nước lao xao theo gió.
Làm muối cách mới này ra sao?
1- LÀM MẶT BẰNG
2 - TĂNG ĐỘ MẶN NƯỚC BIỂN
Nước biển từ Cửa Việt theo các con lạch đào vào ruộng. Sau khi ngấm qua lớp mặt bằng này độ mặn sẽ tăng lên cao . Giữa những đám ruộng là những đường thẳng chúng tôi múc nước từ các ô nước đã tăng độ mặn bỏ vào các cái vại đúc để dọc theo những đường băng này thẳng tắp. Các vại này gọi là CHẠC các ô phơi cạnh các vại này sẽ nhận một lớp nước muối đậm này.
3- PHƠI NỨOC BIỂN VÀ CÓ MUỐI CUỐI NGÀY
Rất nhiều các ô phơi dọc theo các đường băng. Kể cũng tội nghiệp cho việc xây ô.
Chiều tà, nhóm tù chuyên môn làm muối có được vài gánh muối ít ỏi gánh về. Ngày nào cũng thế, lâu ngày cũng có một số muối dồn đống lại. Muối tù làm được không bao nhiêu. So với cánh đồng muối trong nam thì việc sản xuất này phải xem như là "trời ơi đất hỡi" mà thôi. Chỉ có công tù là 'công không trả' nên người ta mới làm theo kiểu ít ỏi thế kia. Muối ít hay nhiều cũng là chuyện của Trại. Đó là cái gọi là thành quả 'cải tạo lao động'. Chúng tôi chẳng để ý chuyện này. Hàng ngày chỉ mong cho xong những gánh cát ướt và nặng, gánh từ bờ sông vào đồng muối cho đủ "chỉ tiêu" giao khoán, xong về lại căn trại tạm thời đó nghỉ.
NHỚ LÀM SAO BUỔI ĐÀO SÔNG KHƠI RỘNG DÒNG NƯỚC CHO THÔN TƯỜNG VÂN
NHỮNG KHÚC SẮN 'ỐM O', NHỮNG THÙNG NƯỚC CHÈ TƯƠI NHƯNG ẨN CHỨA TÌNH THUƠNG CỦA NGƯỜI LÀNG MỚI HỒI CƯ
Chúng tôi được dịp khơi lại một đoạn sông của thôn TƯỜNG VÂN bị khô cạn, trơ đáy vào một hai dịp cuối tuần. Khúc sông hẹp này đựoc mấy đội tù làm ruộng muối chúng tôi vào làm giúp. Đó là một ngày thứ Bảy, chúng tôi vui và nhớ hoài do được gặp lại dân làng. Người làng mới hồi cư lại vùng này đang cần nước, khúc sông lại cạn cần khơi rộng ra. Tiếng là gặp lại dân nhưng chúng tôi chỉ thấy loáng thoáng thôi.
Nhớ làm sao, chúng tôi có một giờ giải lao nào đó. Đội sản xuất trong thôn có nhiệm vụ gánh sắn nấu ra 'bồi dưỡng' cho đám chúng tôi đang công tác XHCN cho dân. Những khúc sắn ốm o mọc lên từ ruộng cát trắng bạc màu, lớn bằng đầu ngón chân. Có thể đám sắn này vừa mới vươn lên từ nền đất cát trắng gần biển, nhưng người dân chẳng có gì để đãi người lao động giúp thôn trong một ngày chủ nhật. Nhớ làm sao mấy thùng nước chè tươi, đựng trong hai thùng sắt vuông rỉ sét, được người dân trong thôn gánh ra. Hình ảnh một buổi 'giải lao' tràn đầy ý nghĩa trong đó làm chúng tôi nhớ mãi trong lòng.
Những khúc sắn 'nhỏ ốm tong teo' từng vươn lên trên nền cát vùng biển. Không là ngoa ngữ, chúng tôi nhớ thời gian đó đối với người tù sao thơm và dẻo ngon đến thế?! Sự thật khó tránh né, do lúc đói cái gì mà chẳng ngon. Nước chè xanh đối với chúng tôi rất lâu mới thấy lại. Chúng tôi tìm cách uống thêm mấy lon nước chè cho thật thỏa vị giác và cái bụng. Sắn và nước chè tự tay người trong làng Tường Vân nấu cho tù. Không hẹn hay báo trước mà gặp; quá lâu mới thuởng thức những thứ trước đây xem tầm thường và gần gũi thế mà ai ở vào hoàn cảnh trong cuộc mới cảm nhận hay nói hết lòng cho đủ ý là ngon và "thấm thía" làm sao.
Anh "đội trưởng sản xuất" trong thôn, nghe đâu cũng "hạ sĩ VNCH" vừa hồi cư về làng. Dĩ nhiên chỉ là hạ sĩ do anh không có nhiệm vụ đi "học tập". Hôm đó người đội trưởng này có nhiệm vụ gánh nước chè tươi cùng thêm một người khác gánh sắn nấu cho đám chúng tôi đang ngồi nghỉ bên triền cát; liếc trái liếc phải xong, anh nói thật nhanh như sợ ai đó nghe được:
...Ăn, ăn đi mấy eng, ăn cho no nghe mấy eng ...
Làm sao chúng tôi quên được câu nói đầy nghĩa tình đó. Thật vậy, trong những hồi ức nhớ về TÌNH DÂN tôi không bao giờ quên câu nói trong buổi giải lao năm đó. Một câu nói của người làng vừa hồi cư trong thiếu thốn chật vật mọi bề nhưng không quên san sẻ một chút ân tình cho những người nay đà thua cuộc.
Hơn bốn mươi lăm năm qua rồi, tôi vẫn nhớ về Tường Vân Thôn. Có những buổi chiều tà, tôi ngồi bên bờ cát của nhánh sông nhỏ lắng nghe tiếng sóng lao xao vỗ vào bờ sông cạnh doi đất của một lán trại tù riêng lẻ. Thủy triều vẫn lên xuống hàng ngày. Cánh đồng ruộng muối rộng mênh mông. Tôi nhìn chênh chếch hướng tây, trên đó là rặng Trường Sơn mờ dần theo ánh tà dương sắp lặn. Chỉ ngần ấy thời gian, mới hai năm ra đơn vị. Hè 1974 tôi còn đóng quân tại hai thôn Thanh Hội và Vĩnh Huề. Tôi nhớ cái hầm trú ẩn trung đội núp dưới đụn cát ven bờ biển vắng của Vĩnh Huề Thôn. Tiếng tịch tịch tè tè của chiếc máy truyền tin và hàng ngày đóng quân tôi hay ngắm ánh hoàng hôn mờ dần trên bờ cát vắng. Rồi Trường Sơn trên kia một nơi có mấy cái chốt trung đội những ngày cuối cùng, giờ đó chắc đã phủ cây xanh. Chỉ hai năm thôi, bờ biển vắng cùng rặng Trường Sơn cùng một thay đổi quá nhanh chỉ còn lại là số phận của những thân phận tù binh về làm ruộng muối. Ôi chỉ ngần ấy hai năm, biến đổi và số phận thoáng nhanh chẳng khác chi là một giấc mộng đêm trường...
Tường Vân ơi! thôn xưa cày lên dòng nước mặn
Bạc áo vai người, kỉu -kịt hạt muối thấm mồ hôi
Thôn xóm quạnh hiu, dòng sông chờ người khơi mạch sống
Cơm áo chưa về, ngày tháng đó xa xăm
Sóng sánh miếng nước chè xanh anh- tôi chia đôi khúc sắn
Mặn nồng ơn nghĩa- dòng sông vắng làm nhân chứng tình dân.
Những hồi ức chân thật và cảm động, cảm ơn anh.
ReplyDelete( Thầy TRƯƠNG NHƯ HÀO, chs NH 58, sỹ quan VNCH đang ở Tường Vân thôn )
cám ơn Anh cho hay tin như thế.
ReplyDelete