Sunday, February 19, 2023

TIẾNG CHIM GỌI SÁNG


Hoàng hôn về khi bóng nắng dần phai
Tiếng chim hót muộn màng gọi bầy lẻ loi ...

[Như cánh chim trời  ( nhac : Lê Tín Hương ca si : Duy Trac)


                              chim giẻ xám (gray jay)

     Mùa đông đã qua, nắng xuân đang lại California hai, ba tuần nay dù chỉ báo hiệu thôi nhưng đây cũng là lúc tiếng chim giẻ bắt đầu trở lại. Năm nào cũng thế, cứ gần hết tháng Hai khi cái lạnh cuối đông chưa tàn nhưng vài vạt nắng ấm mùa xuân bắt đầu xuất hiện. Cứ sáng sớm nếu tôi biết lắng tai nghe, tôi sẽ nhận biết tiếng vài con chim giẻ bắt đầu trở lại vùng này. Tôi chẳng hề biết bầy chim chúng bay đâu mấy tháng mùa lạnh, nhưng khi ánh xuân bắt đầu le lói, mấy rặng hoa đào vùng tôi ở bắt đầu nở là lúc chúng lục đục bay về. 
    Tôi để ý giống chim giẻ do có giống trong loại này hót nghe rất vui tai. Tôi có đọc một truyện ngắn của nhà văn Mỹ Mark Twain viết về loài giẻ xanh Màu xanh biếc của loài chim tác giả đó viết thật đẹp. Tuy vậy. Thật ra, tôi chưa có dịp may nào để thấy loài giẻ xanh như trong truyện ngắn của nhà văn đó cả.  
    Bầy giẻ vùng tôi đa số mang màu lông xám, chẳng có gì để khen chúng  đẹp; bù lại trời cho chúng tiếng hót, nghe thật rộn rả, vui tai làm sao!


         giẻ xanh trong truyện ngắn "What Stumped The Blue Jays" của Mark Twain

    Ngang đây tôi lại nói về cái tính siêng năng của nó. Trời chưa sáng, còn rất sớm; chợt thức giấc,tôi đã nghe tiếng kêu khe khẻ của mấy chú giẻ bên vườn hàng xóm rồi! Những tiếng kêu nhỏ hơn của con giẻ khác đáp lại như lên tiếng với nhau hay 'canh chừng' cho nhau trong giấc ngủ chăng? Rồi sau đó, tất cả chìm vào im lặng để đợi trời sáng.    
                        
     Bầy giẻ vườn tôi thường thi đua gọi nhau tiếng đổ hồi như thúc giục ai đó? Có khi tiếng chúng nghe trong trẻo như sơn ca, khi chiêm chiếp nhỏ nhỏ, rời rạc nghe giống gà con hay mấy con chim sâu đang nghiêng đầu tìm mồi trong mấy bụi chanh. Cũng có lúc tiếng giẻ lại khản đặc, khó nghe như con tiếng con quạ đen đủi xấu xí nào đó. Nói chung tiếng loài giẻ thật đa dạng  phong phú. Chả trách nhà văn Mark Twain  cho là "Huyên Náo" trong truyện ngắn của ông.  

    Có một điều hơi lạ, tôi chưa bao giờ thấy giống chim giẻ này tôi đậu im lìm, ủ dột như loài chim bói cá (chài cá) bên nhánh sông Vĩnh Định năm xưa. Đó là thời gian đơn vị chúng tôi trú quân bên cầu Ba Bến. Hình ảnh một giống chim lông xanh, lặng lẽ đậu trên nhánh cây khô, soi hình trên bóng nước, kiên nhẫn chờ mồi. Những ngày sau ngưng bắn, hai bên giới tuyến 'trái độn, da beo', làng thôn im lìm, cảnh vật cũng im lìm, ngay cả tiếng những bầy chim cũng 'lặng im' không biết chúng bay về đâu trong tháng ngày đó?

      con chim bói cá ngày xưa bên cầu Ba Bến

***

     Trở lại chuyện mảnh vườn xứ Mỹ hôm nay khi nắng ấm càng nhiều, bầy giẻ càng kêu vui góp tiếng cho mùa xuân đang đến.Tiếng hót của chim làm lòng người cảm thấy vui hơn.  Cảm giác gần gũi với thiên nhiên, chan hòa trong tiếng hót của loài chim giẻ càng làm tôi nhớ tiếng chim cà cưỡng hay tiếng chèo bẻo của quê huơng trong cánh rừng  Bình Tuy sau này. Lại một lần nữa tôi phân biệt tiếng chim chèo- bẻo "ồn ào " hơn tiếng chim giẻ nhiều.

chim sẻ ở California

     Người viết muốn trở lại chuyện chim sẻ. Bầy sẻ ở đây xuất hiện thuờng luôn. Chúng trông chẳng khác gì chim sẻ ngày xưa Quảng Trị; từ màu lông cho đến độ lớn. Chim sẻ ở đâu mà không ở từng bầy! chúng hay bay thoáng qua vườn tôi, chen chúc trong khóm chanh hay đuổi bắt nhau trên cành thông cao hàng xóm, rộn ràng một hồi rồi lại bay mất. Lủ giẻ xóm tôi xem khác hẳn. Chúng quanh quẩn, thi nhau kêu hót trên mấy cây mận  hay thông trong vùng, không hề bay xa.

       Có điều chim giẻ chỉ ở vùng Bắc Cali này;  cũng như hai loài chèo bẻo và cà cưởng chỉ có bên quê nhà. Qua đây lâu ngày tôi không còn nghe lại tiếng chim chèo bẻo bên nhà. Mỗi lúc nắng lên cao tiếng chúng kêu nhau náo động trong rừng.

      Từ quê huơng sang đến xứ người, tôi có dịp so sánh tiếng hót của một vài loài chim. Chim trời cá nước, làm sao so sánh hết được? Thiên nhiên quá bao la rộng lớn, bao cánh chim bay khắp bầu trời mang theo tiếng hót giúp vui cho đời một ý nghĩa thanh tao bên sắc màu rực rở của lá hoa cây cỏ.


người viết đã chụp được hình con giẻ xám này, nó đang nghểnh cổ hót liên hồi như sơn ca. Xuân về là loài chim này bay trở lại 

        Đông đi xuân đến, vẫn mãi là vòng tuần hoàn bất tận của thời gian. Dù nắng ấm lên cao hoa rộ nở, nếu như đời này vắng tiếng chim hót líu lo thì xem ra tẻ nhạt biết chừng nào? Đó là cảm nghĩ của tôi, những lúc thức giấc cố lắng tai nghe tiếng chim gọi sáng. Bỗng nhiên trong tôi dâng lên một cảm xúc trìu mến lạ lùng. Thật thế, tôi thầm cám ơn tạo vật đã sinh ra cho chúng ta nhiều loài chim để hàng ngày chúng hót líu lo cho đời thêm vui ./.

ĐHL
San Jose April 14, 2013
edit 20.2.2023




No comments:

Post a Comment