Chuyện tình cô lái đò Bến Hạ (Hoàng Thi Thơ)
Chào bạn đọc
Mỗi độ nước lụt về ngang thành phố Quảng Trị là lúc mặt hồ bao quanh Thành Cổ tràn lên mấy con đường Duy Tân, Lê thái Tổ, Phan đình Phùng, Lê văn Duyệt. Thành phố QT xưa có các đồng ruộng Thạch Hãn phía nam, Quy Thiện phía đông, ruộng hai làng Hạnh Hoa, Cổ Thành phía bắc. Mỗi năm lụt tràn Thạch Hãn, nước thuờng theo nhánh sông Vĩnh Định băng qua cầu Rì Rì, đầu tiên là tràn vào đồng Cổ Thành, Hạnh Hoa. Năm nào cũng thế, cái đập Rì Rì chẳng bao giờ ngăn được mức nước. Con đường Gia Long- còn gọi là đường Bờ Sông- chạy nắp theo bờ sông thuờng bị lụt tràn qua. Có khi nước tràn vào đến chợ tỉnh. Cầu Ga coi vậy nhưng kiên cố, chưa bao giờ bị nước lụt cuốn trôi, nhưng chỉ sụp đổ do cuộc chiến 1972.
Sau năm 1975 lụt thiên nhiên không còn thấy vì sông Thạch Hãn bị ngăn dòng để xây một con đập; đập đó có tên là Đập Trấm. Tuy vậy lụt vẫn xảy ra được, cũng như mọi con sông miền trung khác sau này, nếu người ta xả lũ. Đây là nạn lụt do người tạo ra mà thôi. Còn những trận lụt thiên nhiên do ôn 'trời làm ra' thì chỉ còn trong ký ức của người QT.
ĐHL edit 27/2/2023 San Jose USA
“Ông tha mà Bà chẳng tha
Làm nên cơn lụt hăm ba tháng mười”
(ca dao)
Thời con nít tôi luôn mang một ý nghĩ 'lạ lùng' rằng câu ca dao trên chỉ dành cho quê Ngoại thôi . Sao mà 'không riêng' cho được ! khi hàng năm cứ gần cuối tháng mười âm lịch, bầu trời QTrị chỉ một màn đen xám ngắt , tối ‘sầm sập’ của mưa- gió, một thứ không khí ẩm ứơt, nặng nề. Tất cả gom lại, báo trước dấu hiệu của cơn lụt tháng mười đến gần. Đêm đêm tôi nằm nghe tiếng sấm từ hướng biển, phía mấy thôn Gia đẳng, Ba lăng hay Long Quang vọng lên...
Ùng ục, ùng ục ...
Tiếng sấm nghe sao lạ tai, mệ ngoại tôi hay gọi là "sấm đất":
-Ôn Trời có sấm đất chắc sắp mần lụt rồi!
Tuổi nhỏ hay thắc mắc, tôi cứ la cà bên ngoại để hỏi hoài. Đêm về, tôi tuy nằm nhưng lại cố lắng tai nghe tiếng "sấm đất" đầy bí ẩn đó ra sao? Sao lại gọi 'sấm đất' hỉ? Đố ai biết? có thể nó vọng lên từ huớng biển chăng? có khi tôi nghe như dưới lòng biển dội lên chân trời hướng đông, nghe như xa lắm. Tôi gắng ghé mắt nhìn ra khe hở cửa sổ, bao tia chớp chốc chốc lóe lên trên nền trời đen thẩm.
Lại cũng tiếng "ùng ục... ùng ục" từng hồi. Chớp lóe liên tục huớng biển- mưa dội đầu nguồn; bầu trời QT như muốn 'trở mình', giăng giăng bao màn mây, mưa u ám.
-Rứa là lụt về!
lụt về Thạch Hãn
-Mưa nguồn!
Mưa không còn là tiếng rả rích, tôi hay nghe trên bụi chuối sau nhà ngoại mỗi khi đông về, tháng chạp gần tết. Mưa giờ là mưa to xám xịt trên nguồn. Hướng núi xa xa-dãy Trường Sơn nay là một 'cõi trời' riêng, huyền bí và ầm ỉ. Tuổi nhỏ chỉ dám tưởng tượng mà thôi. Mưa trên kia chắc đang gầm thét, che núi, phủ rừng. Cứ thế, suốt một tuần chỉ một màu đen.
Mưa! mưa lớn lắm, những màn mưa khổng lồ trên đó che luôn cả ngọn núi cao, không còn thấy dạng. Tôi còn nghe tiếng sấm- sét trên đó vọng về. Rồi "cái sự kiện vĩ đại"nhất, tuổi thơ bọn tôi trong xóm mong đợi, trước sau gì cũng đến. Tiếng bọn tôi nghe như mừng rỡ kêu nhau, phá tan sự tĩnh lặng trong cái xóm thân yêu:
Lụt!, lụt! bây ơi đi coi lụt!
Lụt!, lụt! bây ơi đi coi lụt!
Tiếng mấy thằng bạn í- ới kêu nhau ngòai ngõ.
Có gì thích cho bằng mỗi năm lũ bạn chúng tôi được dịp cùng nhau chạy về hướng bờ sông coi lụt. Bọn chúng tôi sẽ được lội nước , được chứng kiến thỏa thích những gì ‘dữ tợn nhất' của ‘ôn Trời ' dành cho một dòng sông và một thành phố nhỏ bé .
*
Con đường Lê v Duyệt chẳng bao xa là đến giáp với đường bờ sông ngang cống của trại Quân Cụ là thông ra sông. Người đi coi lut khá đông. Dù mưa gió, ướt át nhưng người lớn con nít chi cũng ưa đi coi lụt. Thú vui với thiên nhiên không là cảnh nắng xuân hoa nở mà là cảnh mưa gió bão bùng. Thế mà ai cũng chạy ra khỏi nhà. Lụt về thì nước dâng, con sông thân yêu lại một lần nước lên cao.
Giữa đường người ta râm ran hỏi nhau:
- Lụt năm ni to hơn năm ngoái khôn hè?
-To hơn chơ nị !
Riêng bọn tôi cứ "cắm đầu, cắm cổ', cố chạy cho mau đến tận bờ sông, phía gần chùa Tỉnh Hội.
-Ôi chao ơi!
Mới mấy tuần núp trong nhà 'tránh mưa, trốn gió' , giờ ra đây mới thấy giòng sông hiền lành đã biến đổi không biết lúc mô? Con sông nhỏ bé giờ đã hóa thành một biển nước đỏ ngầu? Nước 'mô trên rừng trên núi', từ Trường Sơn trùng trùng -điệp điệp, đổ về...
Dòng nước rộng lớn, ùn ùn chảy về như vây khắp chốn. Nước đỏ chảy xiết không bến, chẳng bờ. Bãi cát Nhan Biều bên tê, không còn dấu vết. Nước trên nguồn tràn về, ‘hùng hổ', đỏ ngầu băng băng chảy. Lụt đã về. Nước chẳng cần biết bao nỗi âu lo của người hay ngay cả thú vui vô tư tuổi nhỏ là chi. Nước vẫn ‘cắm đầu, cắm cổ' trôi nhanh về biển. Giữa dòng vô số xoáy nước, to nhỏ, quay cuồng xoắn tít. Rồi vô số lau lách, củi gỗ cứ thế mặc sức đua trôi theo dòng. Tôi ngẩn người ra coi, xem chừng dòng nước đục ngầu như chen chúc với rác củi, đua nhau trôi thật mau về với biển cả. Theo làn nước dữ, nhấp nhô mấy cấy gỗ mục. Nhà ai thật gan, dám vớt được cả đống củi “trời cho". Thuở này thiên hạ còn nấu ăn bằng củi. Gỗ rừng trôi về tấp cho một mớ vào bờ làm họ "mừng ơi là mừng".
Hướng lên Cầu Ga, tôi vẫn thấy hình ảnh chiếc cầu màu đen quen thuộc. Cầu vẫn đứng vững, nối nhịp hai bờ.
-“ năm ni, chắc nước khôn vô chùa mô hè?"
-“ năm ni, chắc nước khôn vô chùa mô hè?"
Một ông già đứng cất rớ, kiếm mớ cá nước lụt, ôn lo ngại nói với bọn tôi.
Tôi ngoảnh nhìn hướng cống chùa Tỉnh Hội QT, nước còn một chút nữa là đến cổng ‘Tam Quan’. Bãi cát trước chùa thì hoàn toàn mất hẳn, nước đang mấp mé bờ đường. Cái Miệu Đôi tuy ngó ra sông nhưng cao hơn, nên chưa hề gì. Phía đâp “Rì Rì’ thì không còn thấy nữa, giòng lụt cắt ngang. Hướng Sải nay chỉ còn thấy hình dáng lũy tre mờ mờ, cong cong ...
- biết tin chi dưới ‘nớ’ khôn?
Chẳng ai biết do lụt chặn. Chẳng ai dám liều băng mình qua giòng nước đang xé con đập, tràn vào nhánh con sông nhỏ chảy vào Vĩnh Định. Không ai qua được đoạn đập dài non cây số bị nước cắt ngang. Bờ tre phía Sải xa xa, như đang ' rướn mình chịu đựng, oằn oại, cố sức ngăn cản' giòng nước dữ đang xô đẩy, hất tung tất cả để xoáy vô làng. Tuy biết lụt sẽ hết, nước sẽ rút dần, thế mà khoảng thời gian đó, không về được làng, không lên được Tỉnh, người ta xem chừng lâu quá, như "cả cuộc đời'.
Hai bờ lóng ngóng, những người kẹt lại trên này nhấp nhỏm chờ nước rút. Ai không liên can thì đi kiếm củi, rớ cá , hay mang 'tơi' đi xem lụt. Riêng bọn nhỏ chúng tôi đi xem lụt mà không bị cấm thì cũng thật may, không gì 'khoái chí' cho bằng. Tôi thích thú nhìn mấy con cá trắng nhảy long chong trong cái ‘rớ' ông già vừa cất lên. Ông rung rung cho mấy cọng rều rớt xuống nước, đùn mấy mấy chú cá trắng xuống tận đáy lưới. Buổi cất rớ của ông phần nhiều là cá 'lòng tong' nếu không muốn nói lái lại là 'long hội' ! Đôi lúc ông may mắn có vài con diếc 'ngu ngơ' đâu theo nước lụt trôi về, lọt vào lưới ông . Mùa lụt, cá diếc có trứng càng hay. Ông già vội hắt hết vào cái vợt nhỏ, xong ông bỏ cá vô cái oi bên thắt lưng. Tôi nhớ đến tô cháo cá diếc, trứng vàng hươm béo ngậy, mạ tôi thường nấu vào mùa này. Hình như mùa lũ cá diếc cũng tức trứng đi tìm nơi đẻ giống cá gáy. Tôi không hiểu lắm, nhưng con cá diếc mà to ra thì trông hơi giống con cá gáy. Đó là ý nghĩ của tôi ngày đó, chưa hẳn là đúng.
Xem chừng nước càng lúc càng dâng. Tôi nghe phía sau tiếng người kêu nhau í ới. Mấy con đường nhỏ trong xóm Heo. Người trong xóm bắt đầu lội nước. Xóm Heo thấp hơn mặt đường nên nước lên mau, có nơi sâu ngang ngực. Xế trưa nước tràn lên đường. Cống Quân Cụ trước mặt Ty Thú Y, giờ này nước đã tràn qua thật rồi. Vài con cá từ trong hồ, tôi không biết cá gì, như “bon chen” trườn mình theo làn nưóc lấp xấp trên mặt đường băng ngang để ra với sông.
Thằng Mẹo, một đứa trong bọn tôi vắng đi một hồi không thấy hắn đâu? thì ra hắn đang hì hục kéo một nhánh phượng gãy thật to đem về nhà làm củi.
- Cái thằng ! Ngó rứa’ mà thương nhà hắn dữ thiệt a , thật là thằng con có hiếu , đi chơi lụt hắn cũng không quên chuyện kiếm củi về cho mạ hắn.
Bao thân cây rừng thật to đang nhấp nhô trôi giữa dòng nước chảy băng băng . Người ta xuýt xoa chỉ trỏ, ước chi nó tấp được vào bờ . Riêng tôi chẳng màng chi thứ viêc 'người lớn'; con nít chỉ một 'cái thú', đó là lội qua xong lội lại trên làn nước đang băng qua hai cái cống trước mặt Trại quân cụ và Ty Thú Y. Nước tràn qua mặt cống khá mạnh, vừa lội tôi vừa hồi hộp, tim đánh liên hồi sợ nước cuốn tôi về biển mất thôi?
Lụt về đến đồng bằng thì trời lại ngưng mưa. Nhưng bao nhiêu nước trên nguồn dồn hết về đây. Bốn mặt hồ bao quanh thành, nước dâng cao tràn lên bốn con đường bao quanh. Nước tràn vào sông Vĩnh Định, ngập đồng ruộng An tiêm, Hạnh Hoa và luôn cả cánh đồng sau xóm Cửa Hậu.
một cảnh nơm cá ngoài đồng mùa lụt
Đây cũng là dịp trong xóm tôi nghe chừng rộn ràng, ‘bát nháo’ vì cái chuyện đi ‘ nơm’ cá ngòai đồng. Hàng năm vào lúc lụt như thế, rất nhiều cá gáy theo cơn nước lên đồng tìm chổ đẻ trứng. Thỉnh thoảng chúng ‘tức trứng’ thi nhau quẫy cạnh mấy bụi cây còn nhô lên làn nước đục. Đứng xa thấy cá quẫy, dân trong xóm đua nhau cầm nơm, bươn bả nhào tới, tiếng la tiếng hét ôi 'loạn xị ngầu' vui quá đi thôi. Trên cánh đồng ngập nước phía sau phường Đệ Tứ, lúc này người ra nơm cá rất đông. Nước ngập quá bụng mà chẳng ai lo chi chuyện ướt lạnh. Thú vui 'trời cho', hào hứng trong mùa nước dâng, làm người nào cũng không còn biết lạnh. Phía xa có ai dùng rựa chém một con gáy thật to; đằng kia có người nơm được một con, mừng quá la toáng lên, bà con lao tới phụ bắt.
chèo bè chuối
Thằng Mẹo xóm trên, cái thằng coi bộ việc chi cũng rành. Hắn kết xong từ lúc nào cái bè chuối thật to. Vừa chống bè, hắn khoái chí kêu tôi cùng lên bè đi chơi với hắn. Tôi là thằng “nhát gan, thằng thỏ dế” làm chi dám nghĩ tới chuyện lên bè với hắn.
Nghĩ cũng “tội ” cho cái xóm mới 'mọc lên' sau. Nhà họ sát cánh đồng, bìa ngoài xóm Hậu của tôi. Họ đang bị cái họa “ách nước tai trời” đày đọa . Bà con phải đi tránh lụt, phải đi xin “ăn nhờ ở đậu” ít ngày tận xóm ngoài, tức mấy chục nóc nhà “ cố cựu” cạnh con đường nhựa, con đường Lê v Duyệt trước Cửa Lao Xá. Xóm ngoài này may mắn không bị nước lụt 'xâm lăng'. Dĩ nhiên, không ai nỡ lòng từ chối.
- Ai chà !
Răng lại mong cái cảnh lụt lội như thế này mãi để chạy đi xem, đi chơi, đi lôi lụt trong lúc bà con sau xóm lại đang vất vả ngược xuôi khổ sở trăm bề? Thật ra thì chính “Ôn Trời” gây họa chứ ai vô đây? lũ con nít bọn tôi chỉ là 'vui ké’ mà thôi. Cái nhà thằng Bốn bạn cùng lứa với tôi, ba hắn có xe đò QTrị- Huế. Năm trước, chú Ba -tức ba hắn- mới xây xong cái nhà ngói thật to sau xóm. Ba hắn bán nhà cũ ngoài đường mua đất sau đồng này có vườn tược rộng rãi vui thú tuổi già. Nền nhà thằng bạn ‘nối khố’ này xây lắm công phu và tốn kém rất ‘hung’ (nhiều). Cát đổ nền, ba hắn (xin lỗi, tức là chú hắn) thuê xe lấy tận bờ sông chở về, mất cả tháng trời mới xong. Nội cái nền không thôi đã cao hơn một mét thế thì làm chi có chuyện nước lụt làm ướt đồ đạc trong nhà hắn được. Xóm Hậu “Mới” này chỉ có nhà thằng Bốn không lo lụt thôi, chiếc xe hàng (xe khách) ba hắn (tôi lại quên nữa! của chú hắn) thì tạm thời ‘lánh nạn’ ngoài đường ‘quan’ tức là con đường nhựa Lê v Duyệt. Còn lại, đa số bà con ngoài này phần nhiều chạy giặc từ dưới làng lên ở tạm, bởi thế nhà cửa mới tạm bợ, bấp bênh. Bà con dưới làng, mấy năm chạy lên, chạy về, tránh bom đạn. Riết một hồi không biết làm chi ăn nên đành phải ở lại luôn. Nhà cửa tạm bợ: cái lợp tranh, cái lợp tôn, “lỏng chỏng, le te”. Vợ con gia đình, ăn theo đồng lương 'lính tráng', kiếm được đồng nào “xào đồng đó” nên vách nhà của họ thì tôn , ván ép Mỹ lung tung , tạm che gió lánh mưa mà thôi, cần chi cho đẹp. Nhà tạm dung thân, nên 'dựng vội - xây vàng' bên mé ruộng, bờ ao. Thế là những cái nền đất thấp lè tè; cơn lụt mới lên, nước đã 'liếm' tận vạt giường khiến bà con mất ăn bỏ ngủ...
Lội bì bõm dò theo con ĐƯỜNG NGỰ, tôi thấy cánh đồng thân yêu giờ đã loang loáng nước. Nước phủ tràn trề, từ con sông Vĩnh Định chặng thôn An Tiêm mênh mông lan đến xóm Tiêu, xóm thằng Hiệp vươn đến xóm Hậu của bọn tôi rồi lan qua đến tận thôn Hạnh Hoa. Đứng mé xóm sau tôi thấy giờ tất cả chỉ là một màn nước đục giống một cái đầm vĩ đại mà Ôn Trời sau một đêm đã tạo một “ cảnh biển dâu” như thế.
hình ảnh năm 2012 cho thấy ĐƯỜNG NGỰ nhà đã xây lấp mất--có chỉ mũi tên thẳng đứng --nền nhà của DHL ở cho đến 1972 là địa điểm nay la` cái nhà lầu 3 tầng- cạnh mũi tên
từ cổng thành ngó ra này đã bị cư dân mới xây nhà cửa bít hết không còn nhìn ra được nữa
cổng thành CỬA HẬU tức cửa Lao Xá còn được một tàn tích ở giữa còn hai bên và cống đi vô đều được xây lại mới sau 1975 (hình chụp năm 2012)
Những làn sóng trên cánh đồng sau xóm chúng tôi chỉ nhỏ lao xao, nước đục ngầu. Theo làn gió nhẹ văng vẳng tiếng bà con đi nơm cá kêu nhau, loáng thoáng vài con chim nhạn bay lướt qua mặt nước. Thạch Hãn lụt về, cái vòng mưa lụt vẫn trở lại hàng năm đã an bài lên đôi vai gầy người dân Quảng Trị. Đông về gió thét mưa gầm, bao con đò bập bềnh bên con nước lũ.
Người đi để lại phía sau, hình ảnh quê hương của nắng cháy da người, mưa dầm thối đất. Nhưng cứ độ lụt về Quảng Trị, ai ở xa chi mấy cũng hỏi thăm quê cũ vài câu. Bao kỷ niệm nhạt nhòa của người xa xứ; nhưng người xa quê lòng luôn nhớ về dòng sông kỷ niệm. Thương quá ngày xưa, một quá khứ êm đềm nay mãi ra đi không còn trở lại ./.
ĐHL
edition 26/2/2023
No comments:
Post a Comment