Sunday, February 26, 2023

CHÚ NGHẸC BÊN CHÙA SẮC TỨ



=

lạ thật, mỗi khi qua Chùa Sắc Tứ thăm mệ ngoại, tôi hay thấy chú Nghẹc? Thầy trụ trì Thích Ân Cần, mấy chú tiểu tu cùng bà ngoại tôi kêu chú cái tên là Nghẹc nên người viết mới nhớ hoài cái tên đó.


Bỗng nhiên hôm nay trên trang Facebook có người còn nhắc đến một người có tên Ngạc khiến tôi phải nhắc đôi ba dòng về chú Nghẹc để người đọc khỏi lầm chú Ngạc với chú Nghẹc. Tôi khó quên cái tên Nghẹc do nó vừa nghe 'ngồ ngộ'mỗi lúc có dịp qua Chùa.


di ảnh bà ngoại tác giả lúc làm bà vãi tại chùa Sắc Tứ trước 1972


Không biết Nghẹc giữ bò nhà hay bò nhà ai sau Thôn Ái Tử? Một con bê hay hai ba con bò to vừa là bầy bò của chú Nghẹc hàng ngày chú giữ. Chú bị tật nguyền từ thưở lọt lòng chứ không thương tật gì? Hai cánh tay co quắp. Đầu chú luôn nhúc nhích, ngoẹo qua một bên. Điều khó quên nhất, do miệng chú luôn luôn sùi nước bọt. Từ cổ họng luôn phát ra tiếng nói nhưng chẳng ra tiếng gì?


    Tội cho chú, có thể Nghẹc muốn nói nhiều lắm. Nhưng oan nghiệt thay cho số phận. Đó là lý do chú luôn ọ ẹ và phun phì phì. Nước dãi cứ ra liên tục đó là nguyên nhân làm miệng chú luôn lỡ lói trông quá tội nghiệp. Nỗi thống khổ của Nghẹc nếu muốn nói ra cho tỉ mỉ thì chúng ta có thể nghe bạn đồng môn cùng phường cùng thôn là Bảo Lâm. 


Bạn Bảo Lâm diễn tả như sau, đọc mới thương xót cho chú biết chừng nào...


"Cứ mỗi khi chùa tỉnh hội có lễ lớn là thấy chú Nghẹc ( Hai Lua Đinh viết đúng rồi ). Chú đi rất khó khăn, hai bàn chân xòe ra kiểu Charlot, còn tay cũng nâng lên hở nách , bàn tay ngón tay cong cứng , đầu nghẹo qua một bên , lưỡi hay lè ra , nói ú ớ nước dãi chảy cả khóe môi , nhìn thấy rất tội , có khi chú mặc cả bộ đồ lam của những người hay đi chùa!"



một quân nhân Mỹ ngoài căn cứ Ái tử vào thăm chùa 


Tội nghiệp cho Chú Nghẹc thật ! 


    Ngó vậy nhưng chú năng vào chùa. Chú chự bò, nghĩa là cơ hội cho chú qua “tu” với Chùa Sắc Tứ. Không những người viết mà nhiều đạo hữu đều thấy và nhớ hình ảnh Chú vào ngồi bên cái Đại Hồng Chung đánh chuông giúp chùa. Tiếng chuông công phu của Chú ai nghe trong lòng đều cảm động. Chú Nghẹc không nói được nhưng đánh chuông đều đặn lắm. Tiếng chuông chùa lúc này tôi nghe sao trầm buồn lan xa khắp lan tỏa ra một vùng thôn làng vắng vẻ. Có cơ hội viếng Chùa Sắc Tứ, có dịp nghe chuông công phu của kẻ tật nguyền đó là lúc lòng người trầm lắng và thương cảm. Trong chánh điện, pho tượng Phật bằng đồng, tọa vị trên cao như đồng cảm cho một số phận không may.


 Bà Ngoại tôi và mấy chú tu trong chùa, ai cũng thương Chú. Không ai hẹp hòi gì khi Chú vào nhà trai kiếm vài chút cơm chay. Có cái hay Nghẹc chẳng phá phách hay làm mất lòng ai. Chú không nói nên lời nào cả, ngoại trừ ba cái điệu bộ ngúc ngoắc một cách tật nguyền. Khách thập phương, ai qua thăm Sắc Tứ Tịnh Quang Tự  đều nhớ đến Chú.




Có khi Nghẹc ra ngồi gần Đài Quan Thế Âm, ngôi tượng mới xây xong. Chú ngồi đó cạnh cái hồ bông sen bông sún; vài con cá rô phi lượn lờ dưới mặt nước cạn trong veo. Chú nhìn cuộc đời trôi dần bên ngôi chùa và một thôn làng đìu hiu. Tôi không biết luc này Nghẹc vui hay buồn? Đố ai biết chú có biết cảm giác vui buồn nào chăng? Nhưng tôi mong rằng những bãi cát trắng trước Chùa, tiếng hàng dương vi vu theo gió ban trưa xen lẫn những hồi sơn ca lảnh lót có thể là niềm vui cho một kiếp người bất hạnh có tên là Nghẹc cũng nên?


Thế rồi khói lửa chiến tranh năm 1972 ập đến, người Quảng Trị tứ tán khắp nơi. Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang đổ nát. Từ đó kẻ ra đi không ai còn nhớ còn nghe lại cái tên Chú Ngẹc nữa./.


ĐHL 13/3/2019


No comments:

Post a Comment