Tuesday, October 11, 2022

NHỚ BẢN PHỐ ĐÊM cùng ĐẠI ĐỘI CHIÊU HỒI tại PHƯỜNG ĐỆ TỨ QUẢNG TRỊ

 

NHỚ ANH HÓA HAY CA BẢN PHỐ ĐÊM VÀ ĐẠI ĐỘI CHIÊU HỒI QUẢNG TRỊ

 




Khoảng sau 1963 phong trào dân tạm cư từ các làng ở Triệu Phong chạy lên phường Đệ Tứ tránh chiến tranh càng lúc càng đông. Sau cánh đồng từ Cửa Hậu (Lao Xá) đi ra có một trung tâm gọi là Đại Đội Võ Trang Chiêu Hồi

 Tại sao tôi có nhiều kỷ niệm để kể cho quý bạn đọc nghe như thế?  Do tôi sinh ra và lớn lên tại xóm Cửa Hậu- một cổng thành thuộc Thành Cổ.  Hơn ai hết,Trần Tài người bạn cùng xóm chắc nhớ nhiều về Đại Đội này do bạn ấy là người con út hiếu thảo; sáng sáng theo phụ mạ bán gánh hàng sáng cho Đại Đội đó ăn...

  Chúng tôi là "con dân thứ thiệt" của xóm Cửa Hậu ngày đó. Ôi nhớ da diết phường xưa, từ lúc tôi cất tiếng khóc chào đời tại nhà Hộ Sinh O Hóa kế cận Góc Bầu cho đến lúc 'bỏ chạy'  thì đã mười chín tuổi đời.

Hôm nay tình cờ nghe lại bản nhạc Phố Đêm nhắc tôi nhớ về xóm cũ. Năm đó tức trước năm 1967,có một  Đại Đội (Võ Trang) Chiêu Hồi thành lập cùng một ban văn nghệ thân quen theo kiểu "cây nhà lá vườn". Anh Hóa hay về hợp tác giúp vui cho ban văn nghệ nói trên, là người hát bản Phố Đêm hay nhất.

      ngôi sao đỏ là xóm Cửa Hậu 

  Anh Hóa kém may mắn nên có con mắt hơi bị 'hư' và
 một bàn tay có tật. Bởi thế nên khi đứng hát, anh luôn bỏ một bàn tay vào túi. Anh hay về phụ diễn văn nghệ tại Đại Đội Chiêu hồi đó và hình như bài hát "ruột" của anh là bản Phố Đêm. Quả thật, mỗi lần nghe anh hát bài đó tôi nghe nó "mùi"  làm sao! Cũng lạ, sao thời nay  người ta ít nghe bài hát đó, họa may ở hải ngoại có người còn lưu luyến chút âm hưởng nào đó của ngày xưa hoài niệm chăng? Có thể nhờ thế, tôi mới có dịp nghe và nhớ lại khuôn mặt cùng mái tóc quăn quăn của Anh ngày xưa, một thời Quảng Trị. Sau hơn năm mươi năm, ngồi nghĩ lại không biết vì sao đơn vị Chiêu Hồi ngày đó lại "sướng thiệt"? 

Trước tiên tôi phải nhắc đến công trình của quân đội Mỹ nhiều tháng trời liên tục chở đất tới làm cao một vùng ruộng trũng sát ranh giới nhà Ông Nguyễn Tri Duyến. Khi nhắc đến nhà ông Duyến tôi phải nhớ hai con chó đen và trắng. Mỗi lần qua ngõ nhà ông Duyến để ra xem văn nghệ của đại đội Chiêu Hồi này tôi rất 'ngán' hai con chó nhà ông.

Có khi người Mỹ họ còn đem cả đội kèn trống từ đâu bên Ái Tử qua biểu diễn cho cán binh VC hồi chánh thưởng thức. Một bữa nọ bà con xóm chúng tôi nô nức ra nghe họ hòa tấu bản “Đêm Đông”. Ai cũng khen do nghe sao hay đáo để. Văn nghệ 'đều đều' cho đơn vị Chiêu Hồi này làm xóm Cửa Hậu được nhờ lây.  Nhất là về đêm, bà con  xóm có dịp tụ hội đông đúc làm tôi phải nhắc lại bản Phố Đêm anh Hóa hát ngày đó:

Phố đêm đèn mờ giăng giăng
Màu trắng như vì sao gối đầu ngủ yên...

Một thời chiến chinh, phải nói đó là tâm trạng người lính chiến về lại hậu phương. Người lính đó từng dìu người em gái nhỏ dạo phố trong đêm, dù chỉ một đêm thôi để mai anh còn lên đơn vị.

Nhưng thú thật hồi đó tôi nghe chỉ để mà nghe, đâu có thông cảm gì cho tâm tư người lính trẻ. Mà sao anh Hóa cứ ‘độc quyền’ hát nhiều lần bài hát đó? Điều chắc chắn anh hát bài hát đó hay nhất. Sau này tôi có dịp đọc lời nhạc vào phần chót thấy nó lãng mạn làm sao:


Cho tôi mười ngón thiên thần
Cho tôi mười ngón thiên thần
Để rồi dìu người tôi yêu
Dìu người không yêu
Và người chưa yêu...

 
      nhạc sĩ Tâm Anh (1948-2006)
Nhạc sĩ Tâm Anh tên thật là Trần Công Tâm sinh tại Sài gòn vào ngày 29 tháng 7 năm 1948. Khi còn là học sinh của trường Kỹ Thuật Phú Thọ, ở tuổi 20, Tâm Anh đã thành lập ban kích động nhạc trình diễn hằng đêm tại các phòng trà vũ trường và bắt đầu sáng tác. Nhạc sĩ Tâm Anh đánh dấu bước đầu của sự thành công trong âm nhạc nghệ thuật qua bài Phố Đêm vào cuối năm 1968..

***

Nhạc sĩ Tâm Anh tên tuổi nghe khá lạ nhưng nhìn chung nhạc thời trước lời và nhạc thưởng thức là "hết ý"!

Hèn chi anh Hóa hay hát bản này làm mỗi lần nghe bản này làm tôi cứ nhớ đến anh. 
Các bạn ở hai đường Lê văn Duyệt và Duy Tân có thể biết đến Đại Đội Võ Trang Tâm Lý chiến Chiêu Hồi này và ban văn nghệ này. Cán binh VC chiêu hồi thì người viết có quen anh Sơn dân Hà Nội chính cống. Sau vụ 1967 đánh vào Cửa Hậu thì anh ta “biệt tích’ luôn. Cùng với một hai người nữa biệt tích sau vụ 1967, có người đồn họ giả dạng chiêu hồi để về vẽ bản đồ trước khi đánh vào Cổng Lao Xá (Cửa Hậu)? Sau vụ 1967 cổng này bị đóng hoàn toàn. Đơn vị Chiêu Hồi tôi kể trên cũng không còn "nhộn nhịp vô tư" cho đến 1972: thành phố thân yêu QT không còn!

Sau tháng Tư Đen, khi Trại Tù Ái Tử  thành lập (giữa năm 1975): trong năm trại tù tôi còn nhớ như in rằng có Trại Năm, một trại ở giữa Trại Bốn và Trại Một. Chúng tôi ở tù tại Trại Bốn lại gọi quen miệng Trại Năm là  TRẠI CHIÊU HỒI. Những người chiêu hồi trước đó đều đâu có thoát, họ bị "tù cải tạo" trại trại này. Trại 5 sinh hoạt cách biệt. Chúng tôi nhớ lại chẳng có một liên hệ gì với trại đó cả. Những lúc về Đoàn lãnh đồ chỉ có 4 trại chúng tôi gặp nhau và chẳng bao giờ gặp được các người tù Trại 5. Lên rừng hay đi củi gổ chúng tôi chẳng bao giờ gặp người trại 5.  Do sao thì hi vọng ai cũng hiểu thôi và dĩ nhiên chúng tôi chẳng muốn liên hệ gì với họ. 


Trại Năm, một trại tù 'Cải Tạo' cho những người chiêu hồi. Một trại xem chừng biệt lập và âm thầm nhất, ít ai để ý nhất. Đối với tôi lại khác, do tôi có một kỷ niệm nho nhỏ đối với một đơn vị chiêu hồi ngày xưa xóm cũ. Nơi đó có tiếng hát của một người anh văn nghệ hát bản Phổ Đêm  quá hay nên tôi phải kể lại đôi dòng cho quý bạn đọc chơi./.

ĐHL 3/10/ 2019
edit 11/10/2022

No comments:

Post a Comment