Sunday, October 16, 2022

MỘT THỜI CON NÍT VÀ TRƯỜNG NAM QUẢNG TRỊ

 Bạn đọc NH thân mến 

Đây là bài đăng lại nhưng tổng hợp từ hai ký ức của tác giả về hình ảnh thời con nít dưới khung trời Quảng Trị và nhất là những cậu học trò có thời học tiểu học tại Trường Nam.

Trong nhiều góp nhặt  hồi ức, chắt chiu từ những kỷ niệm ấu thơ ắt hẳn có nhiều chi tiết mập mờ, tuy nhiên chủ đích của người viết mong chúng ta cùng nhau đưa trí tưởng tượng bay về một vùng kỷ niệm vĩnh viễn rời xa. Hãy quên đi tuổi già đang 'sòng sọc' chạy tới cùng thư thả như phiêu bồng cho tâm hồn bay về một QT Ngày Xưa

Ôi trong nhiều dấu tích phai tàn đó, có những người muôn năm cũ và nhiều thanh âm cùng hình ảnh thơ dại, một thời tuổi ngọc, tất cả đều cất cánh bay xa về một vùng thăm thẳm mù khơi mà chúng ta gọi là quá khứ.


ĐHL edit 2.8.2023


CÁI THỜI KẸO XÓC













Những lứa học trò Trường Nam Tiểu Học Quảng Trị thời đó làm sao quên được kẹo xóc Ôn Phổ? 
QT và Trường Nam có gọi kẹo xóc là kẹo ú hay không, người viết không đoan chắc. 
Kẹo xóc trường Nam QT. Có nhiều điều đáng nhớ cho các cậu nam sinh (xin mở ngoặc ra đây không có các cô), đó là hai cái cổng trường. Nhộn nhịp nhất là cổng sau ngó ra đường chính Trần Hưng Đạo. Cái cổng chính ngó ra bờ sông ít ai đi, tuy là chính nhưng nó vắng vẻ làm sao!


nước tràn Thạch Hãn năm 1959 khoảng trước Toà Hành Chánh

 Nhớ làm răng những lần lụt về! nước tràn lên con đường Gia Long. Một dòng sông đỏ ngầu, nước cuồn cuộn sóng, xoáy lớn, xoáy nhỏ chảy băng băng. Nước mấp mé vào đến sân trường. Lụt to quá, có lúc học trò phải nghỉ học. Cũng tội oan cho bác phu trường, do đó là lúc nhà ôn trường mất khách không ai mua kẹo.








hồ thành đoạn mé sát đường Duy Tân gần trường Nguyễn Hoàng lụt 1959 

Ngày đông tháng giá, bầu trời mây xám hay mưa rả rích, cái thời những đứa học trò Trường Nam choàng tơi nylon đi học. Nhớ làm răng, hình ảnh lụt tràn qua đường, những con cá vượt qua hồ Thành lội ngược về sông. Người Quảng Trị đi cất rớ, kẻ lượm củi nguồn về. Những lúc này là học trò mong nhất là được ở nhà để đi lội nước hay đi chơi lụt. Chúng tôi dám men ra tới bờ sông ngó người ta kiếm cá. Chúng tôi thích thú với mấy bụm cá trắng đang nhảy long chong trong cái rớ vừa cất lên, hay coi làn nước mênh mông đầy sóng dữ...



cây ngô đồng và trái khô của nó


Thôi, người viết xin  trở lại cái sân trường với chuyện kẹo xóc để khỏi miên man qua chuyện khác.
  Các bạn còn nhớ hàng phượng vừa lên trưóc dãy trường chính không? Chỉ có mấy cây ngô đồng là lâu năm nhất. Không ai dám gần do lớp gai nhọn hoắc mọc chi chít quanh cái thân cổ thụ của chúng. Thế mà khi ngô đồng rụng trái khô thì chúng tôi lượm đem về làm bánh xe chạy chơi. 



Nhớ ôn phu trường là nhớ con dáng người ôm ốm, khắc khổ, nước da ngăm đen. Dãy nhà lẹp xẹp sau lưng trường chính là nhà cho mấy ôn phu trường. Sau này mới gọi là lao công, hồi đó chúng tôi gọi các bác là phu trường thôi. Ăn kẹo xóc thì phải có sẵn bạc cắc hay bạc một hai đồng.


Nhớ ôn Phổ, không chỉ thứ kẹo xóc nhà ôn làm nhưng ta nên nhớ cái trống trường. 

Tùng! Tùng! Tùng! ...

Mỗi lúc vào lớp hay lúc ra chơi.
Tiếng trống ra chơi là lúc chúng ta ùa ra khỏi lớp và chạy ù đi mua kẹo xóc.




Ba tiếng trống ra chơi  là lúc tâm hồn chúng ta sao mà thích thú lạ lùng? các trự bạc 5 giác tức là nửa đồng, đứa nào kha khá thì có trự một đồng hình cây trúc, vội chạy ù lui sau nhà Ôn.

Người viết còn nhớ một đồng 12 cái kẹo xóc chứ không phải 6 cái.  Một đồng còn giá trị lắm. Khúc kẹo kéo cũng mua "năm giác" tức là nửa đồng thôi. (người viết không hiểu sao kêu là năm giác?)

Những cái kẹo xóc vừa làm xong còn dính bột trăng trắng dẻo thơm mùi gừng răng mà "ngon lạ, ngon lùng". Có thể ngon là do chúng ta chẳng có cái chi hơn mà chọn lựa. Nói tới nói lui, vào thời đó chẳng ai lo toan hay cảnh cáo cái chuyện "sâu răng" do ăn kẹo xóc cả, thế mới lạ kỳ? Mặc dù thầy cô có dạy đánh răng mỗi buổi sáng (ít nghe chuyện đánh răng buổi tối) và cũng không nghe nhiều vấn đề bảo vệ răng như  thời sau này?

Tiếp đến những năm sau này, song song với sự xây dựng của Trường Nữ Tiểu Học phía bên kia con đường Trần hưng Đạo thì hàng quà nở rộ. Cái cổng thứ hai của Trường Nam phía đường Trần Hưng Đạo, giờ ra chơi nườm nượp hàng quà. Có thể lúc này kẹo xóc Ôn Phổ và dãy nhà phu trường phía lưng trường chính có thể trở thành hiu quạnh.

Một thời ngây thơ, những thèm muốn hồn nhiên, những chia sớt với bạn bè khi tiếng trống ra chơi vừa đánh. 


KẸO XÓC VÀ NHỮNG TÊN GỌI


Giã kẹo mới cắt xong còn nguyên trên trẹt, chờ nguội sẽ được phủ một lớp bột mì sau đó xóc thật đều. Đây là lý do thời này đặc biệt lứa nam sinh Trường Nam chúng tôi, nhà Ôn  Phổ gọi tên là "kẹo xóc'. Vào nam người ta hoàn toàn quên hay không biết tiếng "xóc' này. Người QT tại Bình Tuy kêu là kẹo ú, kẹo gừng ...người viết còn nhớ như in tại Xã Sơn Mỹ Hàm Tân, người dân ở đây (phần nhiều gốc Gio Linh) còn kêu cái tên rất ư 'đặc biệt' là kẹo..."c. mèo'?

Răng mà gọi là "c. mèo" hỉ? có thể thứ kẹo này sau khi cắt ra, nó đen và xấu xí như 'c. mèo' chăng? ôi cái tên chi mà nghe "hình tượng", các em ngày đó "nhìn răng gọi rứa" tâm hồn mộc mạc ngây thơ quá đi thôi.

Hình trắng đen chụp năm 1986, học trò lớp 3 chụp chung với cô giáo tức là vợ tôi NH 65-72 Trần Túy Huệ. Còn chồng là phu trường cùng các con sống tạm trú  trong ngôi trường cũ xây từ năm QT KHẨN HOANG LẬP ẤP  Bình Tuy 1973-74, vách hông trường đã đổ nát trong chiến tranh, nên qua cửa sổ chúng ta thấy một khoảng sáng trắng ...



TRỞ LẠI CĂN NHÀ CUẢ PHU TRƯỜNG SAU LƯNG TRƯỜNG NAM QT

Kẹo trên trẹt để nguội xong mới được nhà bác phu trường bỏ vào thẩu. Có đôi khi kẹo Ôn Phổ chưa bỏ vào thẩu mới vừa xóc bột thì đã được học trò mua hết trơn. Con Ôn Phổ cũng học chung một trường Nam nhưng người viết không biết được? Mấy ai còn nhớ đến Ôn; mà chữ "Ôn' vừa thân mật vừa trìu mến, có chút gì trân trọng đến một người hàng ngày cầm đùi đánh trống. Ôn còn bảo vệ Trường Nam; thỉnh thoảng thầy Lưu Hiệu Trưởng còn nhờ Ôn đem mấy thứ gì đó tới tận cửa lớp cho các thầy cô.

Các cậu học trò Trường Nam tại sao nhớ kẹo xóc nhiều? chẳng qua hồi đó Ôn Phổ chỉ làm kẹo xóc bán cho học trò thôi. Những thứ gọi là ăn hàng một thời sao đơn sơ và bình dị quá đi thôi. Khác với học trò tiểu học thời bây giờ ăn hàng đủ thứ. 

Những "ước ao thèm muốn" theo đó cũng bình dị đơn sơ và dỉ nhiên sự cần thiết về tiền bạc cũng không cuồng nhiệt quá sá như thời đại hôm nay của game điện tử của Internet của hàng trái cóc, bò viên, chua ngọt bò khô "hầm bờ lằng" không kể xiết?

Một thời kẹo xóc nó không đơn sơ như hình ảnh cái kẹo mà là những tình bạn ngây ngô chất phát, những âm vang vui vẻ náo nhiệt của giờ ra chơi dưới khung trời Quảng Trị vĩnh viễn không bao giờ có lại.

Con sông xưa Thạch Hãn giờ còn lững lờ trôi, nhưng cái bến vắng cái Trường Nam xa xưa giờ đã mịt mù sâu thẳm trong ký ức của bao đứa học trò Trường Nam tỉnh Quảng. Màu xam xám của mấy cái kẹo ú như những mãng trời vào đông mưa bay lất phất; đó là khung trời Quảng Trị chứa chan kỷ niệm cho nhau. 


Người dân miền trung đặc biệt Quảng Trị và Huế ai cũng biết đến thứ kẹo này. Kẹo ú, kẹo gừng, kẹo 'c... mèo' nào chăng nữa nó chính hiệu là thứ kẹo 'xóc' ngày xưa mà những lứa học trò Trường Nam quen thuộc hay luôn miệng gọi.  Một cái tên nghe sao thương mến do nó đưa tôi về một thời tuổi nhỏ hồn nhiên./.

ĐHL
San Jose 1/8/2017 

Nhớ về Trường Nam Quảng Trị 1960-1965

===================== 

ÔNG TÀU BÁN PÁNH PÒ VÀ ÔNG PHƯƠNG KẸO KÉO

 


Rồi cũng về lại phố xưa

Về trong mùa thu bồi hồi làn mưa lối vắng

Rồi cũng về lại phố quen

Về trong tình em dịu dàng, dịu dàng ...

Về Lại Phố Xưa

Tác giả: Phú Quang

 

ÔNG TÀU BÁN PÁNH PÒ

 


Có những người Tàu ly hương từ thời ông vải ông cố chúng ta. Họ sống ở Việt Nam quá lâu nên tuy nói tiếng Tàu mà họ vẫn dùng tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ. Ai cũng biết người Tàu thích mua bán; ví dụ quanh chợ Quảng Trị có những tiệm người Tàu. Nhưng không phải người Tàu nào cũng mua bán lớn như ở chợ Quảng Trị. Có mấy ông Tàu quanh năm suốt tháng vẫn trung thành với cái nghề thủ công của mình không hề thay đổi.

Đó là lý do người viết muốn dùng chữ "pánh pò" thay cho bánh BÒ

*

BẠN BÈ nhắn với tôi rằng nên viết lại một bài về ông Tàu bán Pánh Pò, một thời Quảng trị.

Quý bạn nói đúng; tôi nghĩ nên nhắc lại chuyện ông Tàu này. Tôi muốn gợi cho bạn bè cùng trang lứa bất kể trường nào, dù Nguyễn Hoàng, Bồ đề hay Thánh Tâm hình dung lại hình ảnh một ông già bán dạo, một thời khó quên.

Minh Hương hay Tiều cũng là người dân QT cùng một thời góp tiếng cùng đồng cam cộng khổ dưới bầu trời mưa gió sụt sùi hay nắng nam Lào cay nghiệt.

ÔNG TÀU BÁN 'PÁNH PÒ'

Ông Tàu Pánh Pò làm cư dân QT không biết từ bao giờ. Ông ở đâu? có thể có số bạn người QT biết? nhưng có điều tôi chắc chắn ông Tàu này là người Tàu lưu lạc , không hội đoàn như nhóm "Trung Hoa Hội QuÁn' trên chợ QT

Ông người cao lỏng khỏng, nước da đồng cua đen bóng vì dãi dầu nắng mưa chẳng gì làm lạ. Ông hư một mắt, đó là điều đặc biệt để nhớ về ông. Hình ảnh để nhớ về ông là chiếc áo ka ki vàng cũ cùng cái quần đùi ông bận.

Bánh bò của Ông bán từ Bồ đề về đến phố Quảng trị. Chiếc xe đạp giàng và lồng kiếng pánh pò ông cột đàng sau. Ít khi ông về đến phường tôi ở. Người viết còn nhớ bánh ông đó là năm Mậu Thân gia đình lên tạm trú tại phường Đệ Nhất. Miếng bánh bò thơm nhẹ, nở đều ngọt tan vào từng góc lưỡi. Đố ai bắt chước được? bởi thế, tôi đoán không lầm rằng ông "độc chiêu, độc quyền' bán bánh bò rong.

 

 

ÔNG PHƯƠNG KẸO KÉO



-Kẹo kéo, kẹo kéo đây!!!

Hôm nay ngồi định tâm edit lại bài, người viết xin nhắc lại với bạn đọc có một ông bán kẹo kéo tên Phương nhưng không phải là Ông Tàu Minh Hương trong đoạn trên. Ông Phương này người Việt và cũng là cái dáng cao lỏng khỏng nhưng nước da không đen bằng Ông Tàu.

Cái giá xếp móc bên vai, giờ ông bỏ xuống. Ông đặt cái thùng kẹo lên đó xong bắt đầu kéo kẹo tay ông lia lịa làm việc . Khúc kẹo kéo một đồng to bậm, con nhà có tiền mua thôi. Chúng tôi chỉ mua 'năm giác' (nửa đồng) là thuờng sự nhất.

Ôi! cái tay ông Phương sao 'dẻo queo'? miếng vải phin vàng úa theo thời gian, ông dùng để 'kéo' kẹo dài ra...to nhỏ đường kính tùy theo một đồng hay 'năm giác' [cho đến nay tôi khong hieu, nửa đồng sao gọi là năm giác? [1]...

-rắc!

Mềm mà cứng, cứng mà mềm; ông chỉ rung 'nghệ thuật' một cái là khúc kẹo đứt lìa như một 'phép lạ?

Tôi chắc chắn quý bạn và tôi nêu không có kéo thì đành chịu thua, không thể nào 'bẻ' kẹo như ông Phương được?

-Thật là 'tuyệt chiêu'!

nói theo thời này cho cách ngắt kẹo kéo kia.

Khúc kẹo bậm bạp thuờng cho chúng ta thuởng thức những hạt đậu phụng thơm giòn bên trong. Nó đang hòa lẫn với cảm giác ngọt, thơm, dẽo của lớp kẹo kéo bọc bên ngoài. Thời con nít, ăn ngon như thế, nhưng chúng ta chưa hẳn nhớ ơn ai đã cho đồng bạc hay nhớ công ông Tàu làm ra thứ bánh ngày xưa?

Ông không dùng chuông leng keng, ông chỉ rao hàng thôi. Từ xa, không đứa nào lầm lẫn được tiếng rao của ông Phương. Tới nơi, vừa đặt cái giá xếp xuống, lũ nhỏ vội tụ lại quanh ông.

Kẹo kéo là mùa học sinh đi học. Bánh Pò ông Tàu là thứ ông bán quanh chợ QT nơi người có tiền và biết thuởng thức . Lạ thât? thời nhỏ chúng tôi ưa kẹo kéo thôi. "Tại răng" ? kẹo kéo ngoài ngon lành hơn , tôi còn tự kéo nhỏ ...nhỏ hơn nữa, để 'ngứt' cho một hai đứa bạn thân mỗi đứa một 'tí tì ti' vì sáng 'nớ mạ hắn không cho hắn tiền'.

Dĩ nhiên, ông Phương hay Ông Tàu không thấy héo lánh đến trường Nguyễn Hoàng làm gì? Tuổi trung học lớn rồi , ăn hàng kiểu này thì "ốt giột' lắm? Lớp tuổi biết yêu thường hay thấy trong mấy quán cà phê thôi. Mà cà phê chỉ một thời cho nam sinh. Phái nữ trung học thời đó ra sao? Ký cóp vài đồng cho nhau me cam thảo hay ô mai bới theo trong cặp vở là cùng. Thế thì hai ông lên đây làm chi? làm sao bán chạy hàng. Đó là tại sao khi lên trung học hình ảnh hai ông phai nhoà dần.

Cám ơn các bạn đã nhắc đến ông Tàu bán Pánh Pò và Ông Phương kẹo kéo hai hình ảnh khó nhòa trong trí óc tuổi thơ Thị Xã. Sau cuộc Can Qua 1975 nghe đâu Ông Phương về lại đất xưa (khu M cũ –cầu Lòn gần Trung Đoàn I)); tuổi già xế bóng ông còn có một ‘dịp may’ giã từ trần thế trên vùng đất quê nhà nơi mà ông bao ngày rảo bước chân đi cùng tiếng rao thân quen và cống hiến vị ngọt cho đời. Còn Ông Tàu Pánh Pò,có thể bạn đọc nào đó biết tin về ông? Người viết nghe đâu ông đã về “miền miên viễn” nhưng xa vời quê cũ, nơi ông sinh ra, lớn lên cùng hòa nhịp truân chuyên với người Thị Xã.

                                   *****

 

Pánh Pòn và kẹo kéo, hai tiếng rao xưa vang dưới một trời kỷ niệm- lứa tuổi học trò. "Rồi Cũng về Lại Phố Quen" như lời bài hát thời nay nhưng đó là niềm mong cho những ai một lần về lại Phố Xưa. Ôi lần về trong trống vắng, nhớ làm sao thanh âm ngày cũ.? Khi ta vuốt lại mái tóc hoa râm cố tìm lại đường xưa khó hay chẳng kiếm đâu ra? Ngày đó có chúng ta, những ngày tuổi nhỏ, vui bên con phố hiền hoà...

Ôi kỷ niệm ập về cho ai bước chân về phố cũ, ai đó cố uống giọt cà phê nén tiếng thở dài, sướt mướt trong lớp áo phong sương hay lụa là hoa gấm, tất cả đều cô đơn chẳng gì so bằng tuổi ngọc?

Một chặng đời, mấy lứa tuổi thơ vui chơi bình dị cùng sẻ chia hương vị ngọt ngào của khúc kẹo kéo đơn sơ, miếng bánh bò thơm ngọt...tất cả đều đã ra đi ./.

ĐHL 20/8/2015

edition 21/9/ 2019 nhờ góp ý thêm từ độc giả QT

 

[1] thật sự không hiểu tại sao gọi là năm giác, hình như 1/2 đồng trong nam gọi là năm cắc ? nghe đâu hồi xưa ở SG một đồng bạc người ta xé đôi tự lưu hành vì nhu cầu nửa đồng không đủ - tôi nhớ thời tt Ngô đình Diệm đồng bạc cắc nửa đồng nhẹ và lớn . sau này Đệ Nhị Cộng Hòa


No comments:

Post a Comment