Phường Đệ Tứ
Thị xã Quảng Trị, có khi gọi là thành phố Quảng Trị có 6 phường. Ấy là kể theo tình trạng trước 1945.
Phường Đệ Nhất và Đệ Nhị ở kế nhau, là khu vực nhà và phố chung quanh chợ Quảng Trị. Kể từ tiệm ăn Như Ý của bà mẹ Như Xuân + Định, - nhà ông Huy, - gia đình Thu Ba, Mỹ Lệ... dài ra tới sân Vận Động cũ, sau nầy là trường Nguyễn Hoàng là khu vực phường Đệ Tam. Từ đường Nguyễn Hoàng (trường Nguyễn Hoàng cũ), nhà bác Xạ Quí, thân phụ Quang Hiển, Bạch Mai... lên tới địa phận cầu Ga và nhà Ga Quảng Trị, là phường Đệ Ngũ. Tôi không nhớ chắc địa giới! Trước 1945, trong nội thành có hai trại lính. Vào cửa Hữu, đường bên trái là lối dẫn vào trại lính Khố Xanh (lính địa phương của Tây). Phía cuối thành cổ, là cửa Tả. Đây là khu vực công đường và tư dinh của các quan Nam Triều (triều đình Huế), gồm quan Tuần Vũ (tương đương tỉnh trưởng tỉnh nhỏ), quan Án Sát (tư pháp, tòa án), và quan Lãnh Binh (coi về binh lính). Sau khi Tây đô hộ, Nam triều không còn quân đội nên không còn quan lãnh binh. Canh gác và phục vụ cho quan Tuần Vũ, quan Án Sát thì có đội lính Khố Vàng.
Lính Khố Xanh và lính Khố Vàng đều là người Việt. Chỉ có một viên quản Tây chỉ huy lính Khố Xanh mà thôi. Gia đình lính Khố Xanh và lính Khố Vàng ở tại khu nhà trên “thượng thành”, tức là bờ đất phía trong của thành - phía ngoài xây bằng gạch -. Khu nhà “thượng thành” nầy nằm ở góc “tây nam” thành cổ, góc ngó ra sân vận động cũ. Khu nhà nầy, không quá một trăm nóc gia, được lập thành một phường, gọi là phường Đệ Lục.
Hồi còn nhỏ lắm, có lần tôi lên khu nhà “thượng thành” nầy. Trên đó, có nhà một người đàn bà, tôi gọi băng dì. Bà ấy là bạn của mẹ tôi, nên gọi bằng dì, theo phong tục người Việt Nam thời ấy. Tên chúng tôi thường gọi là “dì Chạy”, chồng làm cai lính Khố Xanh, là mẹ của thiếu tá Lê Bá Mùi (anh) và thiếu tá Lê Bá Ngọ (em), Biệt Động Quân. Sau 1945, dì dựng nhà ở phía ngoài Cửa Tiền, trong khu vườn của cụ Đốc Hy, có cửa hàng bán guốc tại chợ Quảng Trị. Ông chồng của dì hình như lúc đó đã qua đời.
Lần thứ hai tôi lên khu nhà “thượng thành” nầy là khi có trận đấu bóng đá ở sân Vận Động, trước 1945, có bán vé. Ba anh em tôi, còn nhỏ, không có tiền mua vé, bèn trèo lên khu nhà nầy, đứng trên thượng thành mà xem. Xa lắm, không thấy rõ, buồn tình bỏ về.
Sau năm 1946, Tây đóng trong cổ thành, dinh thự các quan Nam Triều không còn, dân chúng trên khu “thượng thành” bị Tây đuổi đi hết, thành ra phường Đệ Lục cũng bị “xóa sổ”.
“Phường Đệ Tứ của tui” ở chỗ nào?
“Lãnh thổ” phường Đệ Tứ thị xã Quảng Trị, chính yếu là khu dân cư, nằm dọc theo đường Cửa Hậu, tên cũ, thời Đệ Nhất Cộng Hòa đặt tên mới là Lê Văn Duyệt. Ông là một đại công thần nhà Nguyễn, nhưng lại là hoạn quan, nên tôi hơi buồn cho ông ta một chút! Đền thờ ông Lê Văn Duyệt ở Gia Định là Lăng Ông đấy, rất nổi tiếng “linh thiêng”.
Như vậy, người ta có thể kể phương Đệ Tứ là từ bờ sông Thạch Hãn, đầu đường Lê văn Duyệt, đến cuối đường, thường gọi là “Góc Bầu” - tại sao gọi là Bầu, bà cô nào có bầu hay xóm ấy có hình dạng như trái bầu? Tôi không rõ. Góc Bầu là ngã ba: đường Lê Văn Duyệt, nối góc vuông với đường Lê Văn Duyệt là đường Cửa Tả, tên sau nầy là Trần Cao Vân. Thứ ba là đường về làng Trí Bưu, cuối đường về Trí Bưu nầy là bến đò Ba Bến.
Tại Góc Bầu, có xóm Thợ Rèn, thuộc thổ địa phường Đệ Tứ. Sát đó, nhà Thầy Võ Lộc, giáo viên trường Tiểu Học Quảng Trị, thầy giáo lớp ba của tôi, đất làng Trí Bưu. Ba bốn lò rèn ở Xóm Bầu là của mấy ông thợ rèn họ Hoàng làng nội tôi - làng Hiền Lương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Làng Hiền Lương nầy là làng rèn. Các ông thợ rèn bà con họ Hoàng với tôi nói trên là các ông Hoàng Lem, Hoàng Vân (em ông Lem?), Hòang Kiểu, v.v... Thợ rèn khéo tay, từ rèn sắt, sau thành “thợ nguội”, rồi đóng xe hơi, rồi làm chủ xe hơi. Trước 1975, phần đông khá giả.
Từ ngã ba Góc Bầu, lên tới Cửa Tả, là hết địa phận phường Đệ Tứ. Từ Cửa Tả trở lên, thuộc phường Đệ Tam.
Đúng ra, địa giới phường Đệ Tứ, phía bờ sông, bắt đầu từ một con đường xóm nhỏ, gọi là đường Xóm Heo. Con đường xóm nầy, nối với đường Lê Văn Duyệt, chỗ sát Miếu Đôi (ngay góc bờ sông). Xóm Heo chuyên làm heo và bán thịt heo, ở phía trong. Bên phải đường xóm là đất phường Đệ Tứ, bên trái là đất làng Cổ Thành. Khu vực Chùa Tỉnh Hội, nhà Thầy Trợ Lẫn (Hồ Ứng Lẫn -1-), nhà ông ấm Cảnh (Hoàng Hữu Cảnh, bố nhà thơ Cuồng Vũ - Hoàng Hữu Chỉ -, quê làng Bích Khê), - Sau nầy ông Bùi Đình Diệp, (bố Bùi Đình Chi), và ông Minh Tuấn, chủ tịch Hội Quảng Trị Atlanta hiện nay, thuê ở nhà nầy; nhà cựu thiếu tá Lê Văn Tịnh (em rể tướng Lãm), nhà Thầy Trợ Hào (Hồ Xuân Hào), thuộc đất làng Cổ Thành. Hầu hết Xóm Heo đều ở trong đất phường Đệ Tứ.
Đất phường Đệ Tứ và thị xã Quảng Trị, ngày xưa, thời Gia Long, khi chưa xây thành cổ là đất làng Thạch Hãn.
Trong các năm chiến tranh 1945-54, lý trưởng làng Cổ Thành thường “lưu vong” vì sợ Việt Minh, dân khu xóm thuộc làng Cổ Thành nói trên, muốn xin giấy tờ, gặp ông lý trưởng cũng khó, nên dân chúng “tiện đâu xâu đó”, bèn xin ông phường Trưởng phường Đệ Tứ chứng giấy luôn cho họ. Anh Xạ Thử (xã trưởng, gọi theo địa phương là Xạ), - nhà sát nhà tôi nên quen biết, anh em chúng tôi thường gọi bằng anh - là người dễ tính, không tiếc gì chữ ký và khuôn dấu, nên ký tên đóng dấu luôn, quen thì miễn lệ phí, lạ thì đóng vài chục đồng cũng xong. Dần dà, làng Cổ Thành mất dân, phường Đệ Tứ thêm dân mà chẳng ai quan tâm. Thời chiến tranh loạn lạc, đâu có ai để ý làm gì. Thành ra, đất phường Đệ Tứ lấn ra đất làng Cổ Thành mà chẳng thấy thưa kiện gì cả, khác với thời xưa.
Anh Xạ Thử, tên đầy đủ là Lê Văn Thử, làm lý trưởng từ khi chính quyền tái lập, năm 1947, 48 gì đó. Chỗ nhà anh ở và cái chức lý trưởng nầy, là anh “nối nghiệp” của nhạc phụ anh: ông Xã Hưng. Sau năm 1945, ông Xã Hưng ở riệt trong quê, làng Cu Hoan, không hồi cư, nên cái chức lý trưởng thuộc về người con rể. Khi ông Xã Hưng còn làm lý trưởng phường tôi, tôi còn nhỏ lắm, nên tôi không biết gì nhiều về ông ta, nhưng tôi biết “anh Mọ” - là “thằng mõ” đấy. Anh người cùng làng với ông lý trưởng, tới đây ở để học may, với anh Thử là cái nghề gốc của anh ấy. Tôi không phải là người yêu âm nhạc, nhưng mỗi khi “anh Mọ” cầm mõ đi rao, thì tôi thích thú chỏng tai lên mà nghe: “Cóc, cóc, cóc...” Cũng thời gian đó, khi máy bay Mỹ tới oanh tạc lính Nhựt, cậu mạ tôi sợ nguy hiểm, cho chúng tôi tản cư về làng Nại Cửu, tạm trú tại nhà một ông đội Khố Xanh, là bạn của ba má tôi. Có đêm, nằm trong nhà, - nhà quê, không có đèn điện đi ngủ sớm - nên buồn lắm, tôi nghe có tiếng rao mõ, làm tôi nhớ “anh Mọ” phường tôi, nhưng cách rao ở đây, “lạ” hơn. Anh con trai ông Đội rao lại lời thằng mõ, nhưng có “edit” như sau: “Cóc, cóc, cóc... Ai có lồ... mốc thì đem ra phơi, kẻo mai động trời, phơi không được.” Có lẽ “lời edit” không phải của anh ấy, mà của nhân dân. Nhân dân thì cái gì cũng hay khiến thằng bé nầy nhớ lâu.
Đến thời Ngô Đình Diệm, “Tập Đoàn Công Dân” có trụ sở tại nhà Thầy Lệ, là một tổ chức làm “ngoại vi của đạo Thiên Chúa và chính quyền”, yêu cầu anh Xạ Thử phải “trở lại đạo” nếu muốn giữ cái chức “Phường trưởng” - “phường trưởng” là “cách gọi dân chủ” của chế độ mới đấy. Anh Xạ Thử than với mẹ tôi: “Chị coi! Tui bỏ “ôông bà răng” được!” Anh Xạ Thử xin vô làm Cảnh Sát, bỏ xứ mà đi nhận việc mới. Từ đó, gia đình anh đi mất. Sau đó thì anh Hoàng Kiểu, thợ rèn ở Xóm Bầu, được Tập Đoàn Công Dân cho thay chức anh Xạ Thử. Anh Hoàng Kiểu là dân thợ, học hành ít, không có khả năng. Anh chỉ làm bù nhìn để Thầy Lệ, thay mặt cho Tập Đoàn Công Dân, ngồi ở đằng sau mà giật giây. Cũng nhờ sự thay ghế, đổi chỗ nầy, mà trong cuộc bầu cử dân biểu năm 1958, Bà Lê Thị Ngộ, hiền thê cụ Tôn Thất Dương Thanh, được nhiều người bỏ phiếu cho mà lại thất cử, trong khi “thầy giáo làng (Hội Yên), nghề chuyên môn “xăng xít đít đui”, ít ai khen mà lại “đắc cử vẻ vang”. Đời bây giờ, có nhiều cái “vẻ vang”, “vinh quang” rất buồn cười!!! Tây cũng nói: “Oh! C'est la vie!!!!” mà.
Thổ địa phường Đệ Tứ thẳng mà không bằng. Khu vực gần bờ sông thì thấp, nên khi có lụt lớn thì bị ngập. Nhà mẹ tôi, chỗ thấp, lội nước lụt trong nhà là chuyện thường. Khu vực gần thành cổ thì cao, nước lụt không tới viếng. Khu đất nầy cao là nhờ khi đào hào thành, đất được đắp lên ở đây.
Trước 1955, trên đường Lê Văn Duyệt, nhà dân chỉ ở một phía, phía đối diện với thành cổ. Sau nầy, dân ngụ cư càng ngày càng đông, dân chúng mới dựng nhà phía bờ hồ. Góc đường Ga (Trần Hưng Đạo) và đường Cửa Hậu (Lê Văn Duyệt), có một bãi tha ma nhỏ, những nấm mộ nhỏ là nơi chôn những bào thai bị hư do bệnh viện Quảng Trị, gần đó, đem chôn. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, phía bờ hồ, ty Ngư Nghiệp cho đào một hồ nuôi cá phi giống để cung cấp cho dân, rào kẽm gai rất kỷ vì sợ chồn cáo. Nhưng chỗ đất nầy thấp, thường bị nước lụt, cá giống theo nước lụt “di tản” hết. Cá cung cấp cho dân chúng được mấy lần, sau đó, ít ai nuôi cá phi, vì Việt Cộng tuyên truyền Mỹ đem cá phi qua cho dân Việt Nam, ăn vào mắc bịnh phung mà chết cho mau, cho hết, để Mỹ lấy đất của nước ta đấy. Việt Cộng tuyên truyền như thế mà cũng có nhiều người tin, lạ chưa?!
Phường tôi không có chùa, chỉ có 2 ngôi miếu. Đầu bờ sông có hai cái miếu kế nhau, trên nền cao, tục gọi là “Miếu Đôi”. (2). Miếu nầy của làng Cổ Thành, việc cúng tế do làng nầy chăm lo. Đối diện với bãi tha ma tôi vừa nói trên là một “khu miếu”. Gọi là khu vì có nhiều ngôi miếu kề nhau, trong một khu đất khá rộng. Hình như miếu nầy thuộc làng Thạch Hãn, về sau, ông Xạ Thử phường tôi lo việc cúng tế hàng năm.
Phường tôi không có Chùa. Sau năm 1954, nhờ hòa bình, đời sống tôn giáo lại hồi sinh, phường có “Khuôn hội”. Khuôn trưởng đầu tiên là đại úy Đối, thân phụ của “con nhỏ học trò” B. Thảo. Gia đình nầy là dân di cư, mua lại nhà ông Thị Quế. Khuôn trưởng kế là bác thợ Khấu, thân phụ đại úy Võ Bang. Bấy giờ bác Cửu Luân, dọn nhà ra Đông Hà, bác “cúng” chỗ đất nhà của bác cho khuôn hội. Phật tử góp công, góp của dựng lên một “Niệm Phật Đường” ở đấy để dân chúng lui tới thờ lạy Phật và làm trụ sở cho khuôn hội.
Dân phường Đệ Tứ hầu hết là dân ngụ cư, nghĩa là không có ai bản quán ở đây cả. Không ít gia đình thuộc lính tráng (binh nhì - đơ-dèm cùi bắp), bếp (binh nhứt), cai, đội Khố Xanh... thời Pháp thuộc, đóng ở trong thành cổ: Tên các nhà tôi thường thấy là nhà ông Quản (thượng sĩ thời Tây), nhà ông Đội (trung sĩ), nhà ông Cai (hạ sĩ), nhà bác Bếp... Ông ngoại tôi quê ở làng Nhan Biều, bên kia sông, đi lính Khố Xanh, đóng loon “cai”, bà ngoại tôi người làng Cu Hoan, thuộc phủ Hải Lăng. Từ những cái “loon” cai, bếp nầy, mà hồi nhỏ tôi thường nghe câu nói đùa, vần B: “Bà Ba béo, bán bánh bèo, bên bộ Binh, bị bác bếp Bình bắt bỏ “boóc” ba bốn bựa” (đúng ra là bữa)
Dân chúng phần đông là dân lao động, và nghèo. Vài gia đình khá giả có sạp buôn bán ở chợ Quảng Trị, không ít người “buôn gánh bán bưng” - bán hàng rong như cháo lòng, bún bò (không có giò heo như ở Huế,) - cháo bò. Bún bò, không có giò heo, ăn với bún gạo đỏ là “hết sẩy”. Mùa hè thì bán đậu hủ. Đó là nghề mấy chị, mấy bà (tôi thường gọi là mợ hay dì, hay chị tùy theo có bà con hay không). Đàn ông thì làm thợ may, thợ nề (hồ), thơ mộc, thợ rèn. (3)
Phường tôi có mấy lò: Lò heo ở Xóm Heo, lò đậu hủ ở gần giữa phường, gần nhà bác Nẫm, thân phụ đại tá Bé; lò bánh ướt của gia đình Thầy Lệ, y tá (Tống Viết Lệ, thân phụ trung tá Biệt Đông Quân Tống Viết Lạc, Tống Thị Hồ và Tống Thị Sen); một lò bánh ướt nữa, ở Góc Bầu, tôi không rõ lắm. Rạp mộc Bác Khấu, rạp mộc ông Thú, ở Xóm Heo, rạp mộc thân phụ anh Võ Vọng, giáo viên. Lò rèn ở Góc Bầu, và một “xưởng đặc biệt”: “Xưởng Đẻ” (nói theo kiểu Dziệt Cộng), tức là “nhà hộ sinh” của mẹ tôi. Khi mẹ tôi dẹp “xưởng” thì một “xưởng mới” mọc lên, của Bà Hóa, mẹ của anh Trần Công Pháp, ở Góc Bầu.
Dân phường tôi hầu hết là “em ông quận công”, theo ý nghĩa câu tục ngữ “Nhất quận công, nhì ỉa đồng”. “Nhà vệ sinh” - nói thế cho văn minh một chút, là cánh đồng của làng Cổ Thành, chỗ có con “đường Ngự” - đường vua đi, từ cửa Hậu nối tới sông Vĩnh Định. Dân xóm tôi thì xuống “núp sau những bụi rù rì” ở bãi cát trước chùa Tỉnh Hội. Bụi rù rì là những bụi cây có tên như thế, chớ không phải ai hẹn ai sau những bụi cây đó mà nói chuyện rù rì. Sau khi nước thủy triều lên, thì dấu tích phân Bắc đều xóa sạch, chớ không phải có “con thuyền Nghệ An” đến vét sạch chở đi.
Tuy là dân ngụ cư, chữ nghĩa ít, nhưng con cái của họ đều học hành thành đạt: Đoàn Mâu, em ông cảnh sát Đoàn Quang, là thiếu tá, có thời làm quận trưởng Triệu Phong; thiếu tá Hồ Nậu, con ông Hồ Don; thiếu tá Hồ Xuân Anh, con thầy trợ hào; Trần Văn Tây, con ông Đội Chức, tốt nghiệp Đại học sư phạm, ban Anh Văn; Đại tá Nguyễn Bé, và em là thiếu tá Nguyễn Cẩm (“khách thường trực” của cát-xô Dziệt Cộng); thiếu tá Ngô Thu Thiện, con trung úy Ngô Lương; trung tá Tống Viết Lạc; thiếu tá Khanh, con ông Cai Ngữ; thiếu tá Khôn; thiếu tá Phương, con ông Xạ Lịch; thiếu tá Đỗ Văn Nghiêm, con bác Quản Xuyến; trung tá Dù Nguyễn Lô. Mẹ tôi sinh 4 người con trai: Ông anh cả, Hoàng Thế Thạnh, tức Hồng Quang, chủ báo Ý Dân ở Huế, báo chống Tây, chống Việt gian, bị thủ tiêu năm ông mới 21 tuổi. Anh kế tôi là Hoàng Thế Lợi, tôi và cố thiếu tá Hoàng Ngọc Hùng, em út. Con trai mẹ tôi, một người chết vì phe bên nầy, một người bị giết vì phe bên kia. Anh Lợi tôi đi tù vượt biên về không bao lâu thì qua đời.
Phường tôi sĩ quan cấp úy không thiếu chi, kể không hết. Loon lá như vầy, tù cải tạo về sớm thế nào được, ít ra cũng 5 – 7 năm nên đi HO cũng bộn lắm. Ở Mỹ, có nhiều Hội Quảng Trị, tình hình cũng na ná như thế cả.
Trước 1945, xứ tôi chỉ có vài nhà ngói. Đó là nhà Thầy Trợ Lẫn, nhà ông Võ Liêu, nhà ông Xạ Lịch, còn ngoài ra toàn là nhà tranh. Từ 1950 về sau, nhà ngói dần dần mọc lên. Đó là nhà ông Quản Bật, ở chỗ đất cũ của nhà Từ Thiện, sau bán lại cho thân phụ anh Võ Tư Đản, lại xây thêm lầu; nhà ông Đội Chức, nhà Thầy Lệ, nhà Bác Cai Lạp, nhà anh Lân, giáo viên; nhà cô Cơ, vợ thiếu tá Võ Lý; nhà anh Đỗ Văn Nghiêm, nhà ông trung úy Trương Lợ (thân phụ Trương Văn Thông, Trương Văn Hoàng).
Về dân “cố cựu”, nghĩa là sinh sống ở đây từ trước 1945, không rõ thời gian nào, thì có gia đình tôi. Bà chị cả của tôi sinh năm 1925, lúc đó cha mẹ tôi vừa khoảng 20 tuổi, như vậy, gia đình tôi cư ngụ ở đây trước khi “cậu mạ tui” có con đầu lòng. Khi tôi vào Sói Con, anh Trần Văn Vệ, con ông Đội chức là huynh trưởng của tôi, đã có nhà ở chỗ sau nầy. Gia đình Thầy Trợ Hào, Thầy Trợ Lẫn, ông Xạ Lịch; gia đình Thầy Lệ; gia đình ông Trương Lợ; gia đình mẹ Hoàng Văn Thị, Thị gọi tôi bằng anh, con dì, phần đông có thể gọi là “cố cựu”.
Những gia đình cố cựu, tản cư năm 1945, rồi đi luôn, không hồi cư thì có thể kể: Nhà ông Thị Quế, thân phụ ông Phấn, sau nầy làm giáo sư ở trường Nguyễn Du, Huế; gia đình ông Thị Bàng, sau dời lên phố chợ; gia đình ông Võ Liêu, bị Việt Minh giết năm 1947; nhà ông Đoàn Hòe, tản cư ra Thủy Ba, Vĩnh Linh, sau tập kết ra Bắc; vợ thứ hai ông Đoàn Hòe, “dì Lý”, sau nầy hồi cư, bà nầy bán nem chả ngon nổi tiếng.
Danh giá nhất là gia đình ông Ưng Siêu?
Tại sao có một ông Hoàng lưu lạc ra xứ quê mùa nầy?
Ông Ưng Siêu, còn có tên là Ưng Ly, con ông Hồng Chiêu, ông Hồng Chiêu là con trưởng vua Thiệu Trị. - Trong Việt Nam Sử Lược thì gọi là Hồng Bảo thay vì Hồng Chiêu -. Vì việc tranh ngôi giữa Hồng Bảo va Hồng Nhậm, - tức vua Tự Đức, mà Hồng Bảo bị bức tử. Đến đời Ưng Siêu, ông dính líu vào vụ Cao Bá Quát, thường gọi là “Giặc Châu Chấu”, nên bị tước bỏ “quốc tính” (họ vua), đổi tên là Nguyễn Siêu và bị đuổi khỏi kinh thành. Ông Nguyễn Siêu về sinh sống tại Quảng Trị. Con cháu đổi từ “Nguyễn Phước...” ra “Nguyễn Thành...” Các ông Nguyễn Thành Đăng, có thời làm quận trưởng Trung Lương, em là Nguyễn Thành Hương, nguyên chánh sở giáo dục Phú Yên, là con của ông Nguyễn Khánh (ông Ngự Khanh) tên trong gia phả là Bửu Khánh, là con của ông Ưng Siêu.
Vợ thứ sáu của ông Ưng Siêu là bà Nguyễn Thị Giao, thường gọi là Bà Nghè, nhà ở xóm đại tá Bé. Bà có hai người con gái lớn tên là Diệu, còn gọi là Bà Kỳ (chị), lấy chồng Tây, sau đi Pháp. Người kế là Nguyễn thị Nam Hy, còn gọi là bà Kỳ (em), tên trong gia phả là Công Tằng Tôn Nữ Kim Hy (hay Nam Hy?), và một người con trai tên là Nguyễn Thành Quế, (Vĩnh Quế) làm trưởng chi thông tin thị xã Quảng Trị (khoảng 1950) và các anh Nguyễn Thành Ngô, Nguyễn Thành Đồng. Gia đình nầy cũng rời khỏi phường Đệ Tứ vào thời gian ấy.
Bà Kỳ (em) là vợ thứ hai ông Xã Bào (Võ Bào) là thân sinh anh Võ Tử Đản (xin xem bài Làng Nại Cửu), cách nhà mẹ tôi chỉ có một cái hàng rào. Bà có người con trai riêng là Trương Đá, trung úy Dù (4) và ba con gái là An (hiện còn ở Quảng Trị), Mỹ (tên là Mỹ nên ở Hoa Kỳ?), và Tịnh hiện ở Hà Nội.
Một chuyện “động trời” thứ hai:
Năm 1949, “ông quan ba” Khanh từ trong Nam về. Hồi ấy, chưa gọi thiếu úy, trung úy, v.v... mà gọi như hồi còn Tây: “quan hai”, “quan ba”... Ông Khanh, người phường tôi, sau khi đậu tiểu học khoảng đầu thập niên 1940 thì lưu lạc vào Nam kiếm kế sinh nhai. Gần 10 năm sau, ông về, mang “loon quan ba”, quân đội Cao Đài. Ông đội ca-lô, quân phục kaki vàng, ba gạch trên cầu vai, tướng tá cao ráo, đẹp trai. Dù là quân đội Cao Đài, mang trên vai cái “loon quan ba” cũng le lói lắm, không thiếu cô bà chạy theo.
Ông về thăm bà mẹ già mà ông xa mẹ từ lâu. Thế rồi ông ta dựng một ngôi nhà tranh, rước mẹ về ở. Để mẹ có bạn chuyện trò, ông mời mẹ con “dì Lý” về ở chung, và cưới chị M., nhà ở làng Thạch Hãn làm vợ, để vợ chăm sóc cho mẹ. Ông ta nói chưa có vợ, chị M. là vợ cả. Trước khi về lại miền Nam, ông dặn vợ “vườn dâu em đốn, mẹ già em thương”, mặc dầu chẳng có vườn dâu. Lâu lâu ông sẽ về thăm. Khi nào mẹ qua đời, ông sẽ về “rước vợ”, để “thiếp theo chàng”.
Thế rồi việc đời đâu có như lời ông nói, mà theo ý ông làm. Không mấy lâu sau, mẹ ông qua đời, chị M. vào Nam tìm chồng chưa được mấy hôm thì lại hát bài “đường về quê”. Té ra ông ta có vợ con đùm đề ở Tây Ninh rồi. Chị M. gặp bà ấy, không biết bà vợ ông ta hiền dữ như thế nào, nhưng việc “Cô Quờn đốt chồng” là cái nét chung của mấy bà Nam Bộ, khiến chị M. lo dọt lẹ về quê để bảo toàn tính mạng. Dân chúng phường tôi lại náo động lên vì chuyện tráo trở, thủ đoạn của một con người. Ông ta có tính chuyện vợ con gì đâu, chẳng qua, ông “mướn khéo” một cô gái “đi ở đợ không công”, để chăm sóc mẹ già thay thế cho ông. Mẹ ông qua đời rồi, ông cắt đứt “sợi giây tình” một cái rẹt, chẳng một chút thương xót nào cả. Về câu chuyện nầy, mẹ tôi nói: “Thằng nớ làm rứa, mạ hắn chết xuống âm phủ mắt còn mở trừng trừng”.
Dân phường tôi là dân lao động, làm chi có tiền để chơi Tơ-nít, chơi bóng rỗ. Cứ một trái bưởi, cả chục thanh niên kéo nhau ra ruộng, chia phe đá banh cũng vui chán. Cũng nhờ vậy mà các anh Tẩu, anh Bái, anh Phục, anh Mông trở thành cầu thủ hay đội bóng tròn của tỉnh. Và mấy anh rủ nhau đi “Nam bộ kháng chiến”, rồi theo Việt Minh, sau thành Cộng Sản. Hai ông Bái và Phục, sau 1975, hồi kết về Saigon, hai ông đều là đại tá không quân Việt Cộng, dân vô sản trở thành đại tư bản. Thế cũng là “hy sinh cho dân tộc” đấy!
Tội nghiệp thằng Tâm!
Anh Mông em ông Hà, ông Hải ở Xóm Heo, đi “Nam bộ Kháng chiến” về, cưới chị Cháu, đẻ ra thằng Tâm. Xong rồi để thằng Tâm lại cho hai bác nuôi, hai anh chị kéo nhau lên chiến khu Ba Lòng rồi tập kết ra Bắc. Thằng Tâm lớn lên, không cha không mẹ, thiếu người chăm sóc dạy dỗ, học hành chẳng tới đâu, lêu lỗng, ăn cắp, ăn trộm, phá xóm phá làng. Đại tá Bé về đám ma ông thân sinh, bị Thằng Tâm nhơn cơ hội “tang gia bối rối”, chôm mất cái ví. Tiền bạc không quan trọng, nhưng còn giấy tờ. Tôi nói đùa, ông Bé sợ mất cái thẻ “Xịa” là kẹt lắm. Cả bọn ngồi uống cà phê với tôi đều cười, cho rằng tôi nói có lý đấy. Ông Bé phải cho người tìm thằng Tâm năn nỉ. Nó trả lại cái bóp, tiền nó giữ lại, như lời hứa của ông Bé. Tới tuổi “quân dịch quân gà”, thằng Tâm đi lính. Dân Quảng Trị, bị đưa tuốt vô miền Tây cho khỏi đào ngũ. Rồi nó tử trận đâu trong ấy. Gia đình nhận cái “giấy báo tử”. Thế là xong. Chỉ là thằng lính “đơ dèm cùi bắp”, chết đâu chôn đó, ai hơi đâu mà “con đò đưa xác” về quê. Cái “vinh quang của đảng” (CS) thì anh Mông chị Cháu cùng chia với đảng, nhưng nỗi ngậm ngùi “không cha không mẹ chết rấp ở đâu không ai biết” thì thằng Tâm một mình ôm xuống tuyền đài. Ai bảo đời không có gì gọi là mai mỉa!!!???
Lại chuyện điên mà chết của anh chàng Trần Văn Đại.
Đại là con ông Đội Chức, em Trần Văn Tây, bạn học của tôi.
Đầu thập niên 1950, ông Đội Chức lấn đất của cái miếu ở ngã ba Trần Hưng Đạo - Lê Văn Duyệt, dựng một cái nhà ngói. Việc nầy là không nên. Cái khu vực miếu nầy là linh lắm. Người người nói vậy. Tin hay không tin thì cũng lắm người sợ. Lê Văn Tịnh kể, một buổi trưa anh ta nằm nghỉ mệt trên bãi cỏ, gần miếu, sau một trận đá banh “chết bỏ” với mấy đứa bạn cùng lớp ở cái bãi tha ma bên kia đường. Đang tơ lơ mơ, Tịnh thấy “xẹt” một cái ngang trời. Tịnh nói: “Chắc là Bà về miếu”. Một hôm, tôi thấy bông sứ trong khu miếu thơm lắm, tính trèo cổng vào hái trộm đem về ướp vào sách chơi, nhưng cũng sợ Bà nên không dám vào. Ở nước ta, bông sứ thuộc loài hoa “linh thiêng”, chỉ được trồng ở các đền chùa miếu mạo. Vào miếu bẻ bông của Bà chắc là “đắc tội”, Bà không mấy rộng rãi, khoan dung:
Bàng hoàng cõi mộng Hương Khê
Vườn ai sứ trắng rụng về Tây Thiên.
(Hoàng Xuân Sơn – “Huế buồn chi”)
Đâu có phải vườn ai? Vườn Chùa, vườn miếu đấy!
Chùa, miếu là đất linh thiêng, vì ông đội Chức chiếm đất của Bà nên Trần Văn Đại mắc bịnh điên. “Bà bắt đấy”. Người ta đồn vậy. Cuối cùng, chạy đủ hết năm thầy bảy bà nhưng Trần Văn Đại cũng phải vào cõi âm, “đi mây về gió” để theo hầu Bà mà chuộc tội “lấn đất” của cha.
&
Sau khi Tây trở lại, phường tôi có sẵn mấy thầy cai, thầy đội, quan quản từng đi lính Khố Xanh, ra làm lính với Tây, rồi chuyển qua lính Bảo Vệ của Hội Đồng Chấp Chánh Lâm Thời, sau chuyển qua Quân Đội Quốc Gia mới thành lập. Cũng có vài ba gười đi lính Partisan Commando của Tây, đi lính Quốc gia.
Những người mới, đi khóa sĩ quan đầu tiên là anh Nguyễn Bé, sau nầy là đại tá, anh Đỗ Văn Nghiêm, sau nầy là thiếu tá Pháo binh, và ông anh kế tôi, Hoàng Thế Lợi. Anh Bé là con trai đầu bác Nẫm, trước 1945, bác Nẫm sắm xe hơi Vedette để đi chơi. Ông với một người bà con, - thân phụ nhà thơ kiêm vỏ sĩ Như Bi, - làm nghề xe hơi, chạy đường Đông Hà - Savanankhet (Lào), trúng độc đắc một triệu đồng Đông Dương. (lương ba tôi lúc ấy chưa tới một trăm đồng một tháng). Sau 1947, gia đình tới ngụ cư ở phường tôi. Năm đó, có khóa 4 Sĩ quan ở trường Võ Bị Địa Phương / Đập Đá Huế. Ông Bé mới cưới vợ, sau khi cho chúng tôi ăn một chầu, uống rượu Anis đã lắm, ông kiếm đường sinh nhai. Có con đường nào tốt hơn binh nghiệp. Thế là ông Bé rủ hai ông cùng phường, ông Nghiêm và ông Lợi cùng nhau nhập ngũ cho có bạn bè. Anh Lợi tôi lúc đó đang đi học, có lần nói với tôi: “Tao thấy ông Nguyễn Thanh Sằng mang loon quan một ngon lắm.” Thế rồi ông sửa giấy khai sinh cho đủ 18 tuổi để đi lính cùng khóa với ông Bé.
Thời đại tôi, sau hiệp định Genève có khác đi, “hòa bình” rồi, sự học phát triển, binh nghiệp ít ai ưa. Vã tôi cũng không có số làm quan. Tôi đi khóa 8 Quốc gia Hành chánh, rồi lại nộp đơn khóa 8 Sĩ quan Hải quân Nha Trang, lại cũng xin đi khóa 13 Võ Bị. Ông anh tôi “phán” một câu: “Chừ mi lo thân mi, nghĩ chi tới em út.” Nghĩa là Hùng móm, Lựu còn đi học. Tôi không lo cho em thì ai lo? Mẹ tôi già rồi. Vậy là tôi vừa học vừa dạy, nuôi thân và nuôi em. Chẳng có chi phải than van, khi mẹ và các anh chị em đều vui. Hai đứa em tôi vẫn tiếp tục cắp sách, trong khi tôi thì nửa đời nửa đoạn, lỡ dịp thời trai trẻ “thi gan với đời, với sương gió”... mãi đến 1968, cùng nhập ngũ với đám học trò của tôi.
Bạn nối khố của tôi ở thị xã Quảng Trị đông lắm, nói chi tới phường Đệ Tứ. “Thằng” mà tôi thương nhất là Nguyễn Cẩm, bạn học với tôi từ lớp Ba, em ông Bé. Tôi thường “làm quân sư quạt mo” cho nó, trong việc khuyên: “Thôi mày đi lính đi cho rồi!” vì Cẩm “văn chương phú lục” học trước quên sau. Tôi còn làm “quân sư” cho Cẩm ra tòa ly dị vợ, sau khi tôi và Cẩm, “được tha ra khỏi trại cải tạo” (chữ trong lệnh tha đấy). Người thứ hai, Trương Văn Thông, là anh bạn nối khố trước 1945, khi học chung lớp Đồng Ấu với Cô Hồ. Anh có đạo Thiên Chúa, nhưng là người độc nhất, đi biểu tình cùng tín đồ Phật giáo, hô to: “Lương giáo Đoàn Kết” do Việt Minh tổ chức năm 1946. Thông mồ côi mẹ khi mới 1 tuổi. Mẹ kế, cũng là dì ruột, “hiền” tới mức khiến anh ta phải làm “Thầy Mẫn Tử”. Bố là trung úy Quân đội Quốc gia, có tiền, có nhà ngói, nhưng Thông thì “đói triền miên”. Bà dì càng rầy, Thông bỏ nhà đi hoang càng nhiều. Bố về nhà, tìm Thông cho ít trận đòn về tôi ăn cắp tiền của dì. Hơn mười tuổi, Thông đã là “thiên tài” về tội làm “chìa khóa giả”. Chờ dì ngủ say, anh ta lấy chìa khóa, in vào cục xà bông, nhờ một người quen thợ rèn, làm cho một cái chìa khóa giả. Từ đó, anh ta có tiền tiêu đều đều, không còn “đói triền miên” nữa. Ba dì bỗng thấy tiền để trong rương, cứ 10 tờ bỗng mất vài tờ. Bà ta nghi Thông, nhưng không bắt được.
Có lần tôi hỏi Thông: “Mày ăn cắp tiền của dì. Chủ nhật đi lễ có xưng tội với cha không?”
“Có chứ sao không!” Anh ta trả lời.
“Cha nói răng?”.
“Cha biểu đừng!” Thông trả lời.
“Rồi còn ăn cắp tiền nữa không?” Tôi hỏi.
“Không ăn cắp, lấy chi sống?” Thông lại trả lời tôi.
Đời là vậy. Có khi ăn cắp, ăn trộm không phải là xấu.
Tới thời của Hùng, chẳng có “thằng” nào chịu trốn “quân dịch, quân gà”. Bọn nó nhập ngũ hết, “loon lá” đầy mình, như tôi kể ở trên, và nay làm kẻ ngụ cư nơi xứ người.
Thế rồi “Mùa hè đỏ lửa”, cùng với thành phố Quảng Trị, “phường của tui” tan tành hết cả. Sau khi tái chiếm cổ thành, anh Lợi tôi về thăm nhà, kể: “Nhìn không ra miếu đôi” (ngôi miếu kế bên nhà tôi, bên kia đường Xóm Heo). “Cột điện xi-măng (ngay trước nhà tôi), ngọn thì bay mất, gốc chổng lên trời. (Gốc là một khối xi-măng). “Từ nhà mình (đầu đường Lê Văn Duyệt) ngó thẳng tói Góc Bầu, thấy trống rốc”. Nghĩa là dọc suốt con đường Lê Văn Duyệt, không còn một ngôi nhà nào.
Từ 1972, dân chúng thất tán cả. Năm chính quyền VNCH dựng lại thành phố ở bãi cát gần Diên Sanh, đồng bào còn trở về lảnh gỗ, lảnh tôn do chính phủ cấp để làm nhà. Tới trận 1975, dân phường tôi bỏ xứ đi luôn, không thấy ai trở về phường cũ. Bây giờ, từ đầu tới cuối phường, đều là những “gia đình Dziệt Cộng” - Dziệt Cộng mà cũng có gia đình đấy nên cướp hết đất của dân cố cựu.
Năm 1982, tù cải tạo về, tôi ra khu “núi Chứa Chan” để thăm bà con mà cũng là dân cùng phường: Tôi kêu bằng chị (bà con) là bà mẹ của thiếu tá Ngô Thu Thiện, bà mẹ kế của trung tá Nguyễn Lô. Họ là chị em với nhau, cùng với cô em con bà dì của tôi, cùng con cái cháu chắt, đùm gói nhau kéo về định cư ở vùng đất mới, bỏ phường Đệ Tứ lại sau lưng.
Tôi vẫn thường ngồi buồn mà nhớ quê, nhớ phường Đệ Tứ trước 1945, có nhà Từ Thiện kế bên nhà bà ngọai tôi. Hồi ấy, thành phố Quảng Trị không có ăn mày. “Phú-lích” bắt được “cái bang” nào, đem về nhà Từ Thiện nuôi, “nhà nước Đại Pháp” cho ăn, cho mặc, và cho chữa bệnh, nếu cần. So với “nhà nước Cách Mạng” bây giờ, không rõ ai thương người (dân) hơn ai. Năm 1958, một lần cha bề trên Trí Bưu Lê Hữu Huệ (em giám mục Lê Hữu Từ) ghé nhà tôi để xin cái họa đồ nhà tôi mới xây xong, kiểu nhà mới, khá đẹp, tay ông xách gói bạc ba trăm ngàn đồng. Hỏi cha đi đâu về? Cha bảo mới ghé tòa hành chánh lảnh tiền để xây một cái nhà từ thiện khác, gần Góc Bầu, chỗ nghĩa trang mới dời đi. Người già, người nghèo khổ, người bệnh tật, người thất nghiệp phải được giúp đỡ, như thế mới gọi là một chính phủ “vì dân”. Việc đó, bây giờ ở nước ta, có “xa lắm rồi” hay không nhỉ?
Bến sông vào những ngày nắng nóng, bọn con nít thường xuống tắm, vui đùa, bên cạnh các mẹ các chị đang rửa rau, gánh nước hay giặt quần áo và những ngày lụt lội, nước sông cuồn cuộn, những đêm gió bấc thổi vi vút qua hàng cây dương liễu bên bờ sông, là những âm thanh, màu sắc không phai mờ trong lòng người xa xứ. Con đường của Hậu không dài lắm, nhưng những trưa hè nắng chói, như đổ lửa, hơi nóng bốc lên cao, bao giờ cũng là nỗi nhớ nóng hổi, lắm khi làm tôi quay quắt.
“Phường Đệ Tứ”, nơi cư trú của một đám dân nghèo, là nỗi ám ảnh không bao giờ nguôi trong tâm khảm tôi. Vợ tôi là người “ăn diện đúng mốt Hôngkông” nên mỗi khi họp mặt đồng hương Quảng Trị, tôi chỉ vào vợ tôi, nói đùa với bạn bè: “Đúng mốt Hồng Không, bên hông phường Đệ Tứ”.
Nếu bây giờ có trở về phường cũ, tôi chẳng gặp ai là người cũ. Ai ai cũng thất tán cả rồi. Cho nên, nhớ thì vẫn nhớ mà về thì tôi không về, không muốn về. Mỗi năm, tôi đi họp mặt đồng hương Quảng Trị, để mong gặp lại đâu đó, những khuôn mặt thân quen cũ, những em, những chị, những anh, các dì, các bác, các mợ... có thể có bà con máu mũ, mà cũng có thể là “nước lã” mà không bao giờ thấy họ là “người dưng”,/
hoànglonghải
Ghi chú:
(1)- Thầy dạy ông Lê Duẫn là thầy Trợ Lẫn. Khi ông Duẫn còn học lớp Ba, cứ thứ Năm, thứ Bảy, ông Duẫn từ làng Trung Kiên bên kia sông, qua “chơi với em” và dạy a,b,c... cho em, Thầy cho tiền tiêu. “Em” là ông Hồ Ứng Phùng, con trai độc nhứt của Thầy. Sau 1975, khi vào thăm Đà Nẵng, ông Duẫn có “ghé thăm cô”, Cô Trợ Lẫn, Thầy đã qua đời. Bấy giờ ông Phùng đang “học tập, cải tạo” ngoài Bắc. Cô xin cho con cô được về, ông Duẫn hứa, nhưng gần một năm không thấy gì. Khi ông Phùng đau nặng, Cô ra Hà Nội xin ông Duẫn một lần nữa, ông Phùng mới được tha. Về tới Saigon, ông Phùng được đưa thẳng vô Bệnh Viện Bình Dân, và qua đời sau đó không lâu. Cô Trợ Lẫn lo chôn cất cho con. Ông Duẫn tiết kiệm cho đảng được một cái hòm gỗ tạp.
(2)- Xem thêm nhiều chuyện vui về Miếu Đôi trong “Quê Ngoại, những bài viết về Quảng Trị”, cùng tác giả. Văn Mới xuất bản.
(3)- Hùng móm, em út tôi, rất “bụi đời”. Đang đi chơi giữa đường với Định, Hoài, Bích, v.v... vừa đói bụng, lại gặp gánh hàng rong của người quen hoặc bà con trong phường, Hùng chận gánh hàng lại: “Mỗi đứa một tô.” Xong, Hùng nói: “Về nhà, mạ em trả tiền”.
(4)- Trong cuộc Hành Quân Lam Sơn 719, Trương Đá là bạn từ thơ ấu của Hùng. Nhiệm vụ chung của trung úy Đá là lo “tiếp vận cho các đơn vị sư đoàn Dù” ở Lào, “nhiệm vụ riêng” là “tiếp vận rượu Mỹ” cho Hùng Móm. Hùng khoe với tôi: “Chưa bao giờ hành quân uống rượu đã như lần nầy”. Hồi ấy quân Mỹ còn đóng ở Ái Tử, rượu Mỹ khá rẻ. Dân cùng xóm, bà con, anh chị em gia đình tôi, ai ai cũng thương Hùng, lo gởi cho Hùng “vài chai”.
No comments:
Post a Comment