Saturday, October 1, 2022

CHÚT QUÀ CHO QUÊ HƯƠNG - AI CÒN NHỚ CHĂNG?



Thưa bạn,

Cuộc đời này có lắm khi bất mãn với nhau; rồi có người lại buông câu oán trách thà cứ mãi nghèo và đói như cũ còn hơn. Nói nghe thật cay đắng; nhưng cũng có cái nguyên do sâu xa của nó.

Cách vài thập niên; ngày đó khác thời nay nhiều. Đó là về miếng cơm manh áo so với thời nay. Hôm nay nhờ vào thời thế đổi dời con người khấm khá hơn nhưng tâm lý người đời thay đổi khá nhiều. Thiên hạ có khi quên mất đi những tình cảm của năm xưa biết bao kỷ niệm nhọc nhằn đói rét. Từng thùng quà gửi 'chui' từ Mỹ qua Pháp từ Pháp về lại VN biết bao nhiêu truân chuyện vật lộn mới về được Tân Sơn Nhất.



Rồi qua "kiểm Tra" bao chặng hao mòn? Khi thùng quà về tay thân nhân thì hao hụt mấy phần. Người thân xúc động mừng vui đếm từng viên thuốc, từng mét vải, từng li từng tí biết bao nhiêu thứ nhưng thứ nào cũng quý hơn vàng cùng tính toán chi ly trải trang cho bao nhiêu thứ? Ôi cám ơn những tấm lòng của người thân thích dũng cảm ra đi nhưng trong lòng luôn canh cánh một tâm tình thương cha nhớ mẹ lưu luyến chị em ...


Cả quê hương thiếu vật chất hàng hoá đến cùng cực:
thiếu gạo, ăn thiếu vải mặc thiếu thuốc men ...tất cả đều ngóng đợi từng gói quà đi vòng vo tam quốc mới đến tay người thân cật ruột?

Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá
Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay
Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con quê huơng quá đọa đầy
(Việt Dũng/ Chút quà Cho Quê Hương
)

Rồi đổi mới đi đến đổi đời, tiền bạc mua bán thông thương của cải tăng dần những thiếu thốn tận mạng năm đó tan biến dần hồi. Nay xã hội đã khác xưa phần nhiều đầy đủ và thừa mứa vật chất.

Những thế hệ sinh sau 1990s, không biết gì những cảm xúc của cha mẹ hay người thân ngày xưa đó từng mừng đến phát khóc do mọi thứ nhỏ mọn đến đâu cũng là một 'trời đợi mong".

Người ra đi liều mình qua sóng gió đại dương , bão tố hải tặc thập tử nhất sinh. Tới bến bờ tự do chăng cũng lạ tiếng nói xa văn hoá cùng trải qua bao kỳ thị tủi thân để có lại cuộc đời. Người ở lại rung động nâng niu chắt bóp ôi quý hoá làm sao những món quà gói ghém tình cảm dạt dào cùng thẩm đượm mồ hôi nước mắt của kẻ ra đi.

Hình như cái thời đó đã qua thật sự? Những người cha, người chị hay người anh ở lại nay đã "ra đi" về trời miên viễn. Sóng gió của biến nạn nhọc nhằn hay thiếu thốn cam go cũng theo những thế hệ ngày trước nằm sâu trong quá khứ.

Khó lòng tìm lại cảm giác ngày xưa lúc vật chất nay đã đầy đủ, dư thừa!

 Thế hệ sinh sau không tài nào có những cảm giác của cha mẹ trước đây, hoạ chăng  hoàn cảnh trở về như trước.

THỜI NÀY "VIỆT KIỀU NAY THUA VC"


Lớp người VN mới nay đi lên cùng tăng tốc kinh tế, tất cả mọi người trong một xã hội quay cuồng trong vật chất dẩy đầy.

Có lời cho rằng "Việt Kiều nay thua VC"?

Không, xin thưa những người từng ra đi, chẳng bao giờ có ý nghĩ hơn thua hợm hĩnh ngoại trừ sự hi sinh trước sau như một, tình cảm đong đầy lúc nào cũng thế. Người đi về với tình cảm yêu thương nhung nhớ, những từ ngữ oái ăm "việt hay Kiều" cũng từ người khác đặt cho. Họ trở về không hề khoác trên vai hai chữ VK, trái lại chỉ do bà con 'trao tặng' thôi.


Làm sao thế hệ lớn lên sau đổi mới hay đúng ra sau năm 2000 hình dung ra nỗi trống trải và hụt hẩng của thế hệ đi trước... cha anh mình từng thấm thía bao cay đắng khi sự thế sụp đổ phũ phàng? Nỗi hoang lạnh bơ vơ của lớp người tay trắng tay cùng mất đi tất cả? Tình người ra đi bên kia bờ đại dương chắt chiu nhưng sâu đậm làm sao?

Thời gian qua mau mọi tâm lý, tình cảm cũng qua mau và thay đổi theo dòng đời. Nhưng có một chuyện chẳng hề thay đổi đó là tấm lòng của kẻ ra đi. Những lớp người ly hương biệt xứ có khi về thăm lại cố hương lại  nhận lấy sự bạc bẽo phủ phàng? 

Thời nay quê hương không còn như xưa nữa, người về thăm quê biết vậy. Khi về thăm cố hương có lúc họ chạnh lòng buồn tủi, nhưng khi qua lại nước NGƯỜI, kẻ xa quê vẫn miệt mài và tình cảm vẫn y nguyên như "CHÚT QUÀ CHO QUÊ HƯƠNG" ngày trước ./.


Đinh hoa Lư 1/10/2022

No comments:

Post a Comment