Tuesday, October 11, 2022

GIỐNG LÚA NGẮN NGÀY

ký ức gia đình của ĐHL

                   minh họa: gánh lúa về nhà 

LIÊN HOAN SAU VỤ MÙA


       -Mời, mời, mời  eng mời chú ….

    Mâm cúng cơm mới của nhạc phụ tôi  vừa tàn hương và đang dọn xuống. Khách khứa trong nhà chẳng ai xa lạ. Lui tới gì tôi cũng gặp chú Bửu chú A, chú Mạnh và ông Hai Than là bốn người mà ông gia tôi thân nhất. Những lúc trống vắng, ngày đơm tháng kỵ tết nhất, ông năng lui tới nhà mấy chú này. Lợp nhà dựng cửa chi, chẳng bao giờ thiếu vắng mấy người hàng xóm thân thiết đó. Khác với mọi năm,  mâm cơm mới hôm nay có "chuyện lạ" để bà con bàn tán tới thêm vui cửa vui nhà, đó là gạo  chuyện lúa“Xê Ka”? Lạ thật? hai tiếng kia tôi nghe sao thì viết lại chứ chưa bao giờ đọc được bằng chữ nên chẳng biết nó đúng hay sai? Tôi phải nhận rằng nó là loại lúa quý. Sao mà không quý?  Giống lúa gì mà  vừa ngon vừa ngắn ngày nhất: chỉ non hai tháng là có ăn. Ông gia tôi không biết kiếm đâu ra giống lúa quý  như vậy? Trong thôn ông lanh lợi không thua ai. Ngày trước trong quân đội ông là một Thường Vụ tháo vát; hôm nay ‘cày sâu cuốc bẫm”  ông cũng dạn dày kinh nghiệm  thuộc lớp "lão nông tri điền" trong  cái việc ruộng nương khiến người con rễ như tôi thật lòng thán phục.


(hình nhạc phụ tôi đang gói bánh tét tết cuối trong đời 2017)



    Mâm cơm mới dọn xuống cái bàn chính, giữa nhà. Mẹ gia tôi tất bật bếp núc nên ậm ừ lấy lệ chứ trước sau gì bà cũng chối từ và chạy lui xuống bếp lo nấu nướng thêm.  Ngày xưa khi nào cũng vậy, đàn ông ưu tiên ngồi bàn giữa. Người con rễ như tôi hôm nay may mắn được ưu ái cho ngồi chung với ông gia cùng mấy chú. Cánh đàn ông chuyện trò tương đắc hơn nhất là khi khề khà thêm chút rượu. Rượu vào thì lời ra. Phải vậy chớ, nói ra cho vơi đi bao ngày cuốc cày, rìu rựa,  đã quá chai tay.

    Cái lệ cúng cơm mới  hàng năm  thật ra vào thời này ít ai còn giữ. Thế mà vào làm rể trong nhà tôi mới biết ba vợ tôi từ khi vác cái cuốc lên vai  vẫn còn duy trì cái lệ ấy. Đất ruộng hiếm hoi, một mùa về chẳng đặng là bao nhưng ông không đợi được mùa, lúa vô đầy ăm ắp mới bày chuyện cơm mới. Đối với người dù được mùa hay mất ông vẫn cúng một mâm cơm cho đủ lễ vừa tạ ơn đất đai vừa cùng gia đình liên hoan cho quên đi tháng ngày nặng nhọc. Chén tạc chén thù, ba tôi và mấy người khách gật gù khen loại gạo Xê Ka (?) nấu ra miếng cơm ‘thơm lạ, thơm lùng”...


LÚA NGẮN NGÀY 


  Thêm vài ba chung rượu, rồi từ chén cơm thơm từ nguồn gạo quý đó và cái ý cuối cùng trong câu chuyện cơm mới là chú nào  cũng xin ông gia tôi đổi cho một ít giống “Xê Ka” này mới thỏa lòng...

      -Chỉ nửa thúng thôi nghe! 

    Tiếng nhạc phụ tôi vừa nói vừa cười sang sảng.

Chú A cười khà khà:

      -Cái rẻo đất tốt của tui vô mùa đầu, có nửa thúng giống của eng thì tha hồ cắt đó nghe!

   Chú Mạnh và các chú khác như chú Bửu, chú Hai Than chỉ tủm tỉm cười, chỉ có ông gia tôi và chú A là cười nói thoải mái nhất. Không khí trong nhà thay đổi và vui nhộn hẳn lên chẳng khác chi ngày tết.

   Ông gia tôi không lạ gì cái rẻo đất cuối đám ruộng của Đội Sáu, sát lối ra biển. Ông cũng nhòm ngó nó lâu rồi. Nhìn tranh lên cao gần bằng người thì ông đoán chắc đất nó tốt ra sao? Nhưng con người ta chỉ hai bàn tay thôi, hơn nữa chẳng nên tham lam quá, mình sống thì phải để bà con xóm giềng sống với.  Ông gia tôi không bon chen giành giựt miếng rẻo đó làm gì, để thời gian cố công  san cho được cái hố bom cho ‘liên canh liên cư’ cái sào ruộng trong nhà. Chú A nhờ vậy, có được rẻo đất này. Không thiệt thòi gì, mình có cơm thì kẻ khác có miếng cháo, ông gia tôi thường bảo trong nhà vậy. Hơn nữa, bạn bè lối xóm chứ ai vô đó? Có điều hay là những miếng đất này không tính vào phần thuế trong Hợp Tác do công sức khai canh của người làm nông chính quyền chưa liệt vào dạng đất tính thuế; ít nhất là trong ba năm đầu…



minh họa: HỐ BOM GIỮA RUỘNG

   Lúa “Xê Ka” chỉ ròng năm mươi lăm ngày, con số mà ông gia tôi nói như “đinh đóng cột”. Ai mà chẳng tin? Lúa về tới nhà, cơm và vào miệng như buổi tiệc hôm nay trước mặt mọi người mà. Qua bữa Cơm Mới này, miệng thử giống gạo thơm chú A được đổi nửa thúng giống thì còn gì vui hơn. “Xê Ka”  quý thì quý đó, nhưng  nhưng tình bạn vẫn quý hơn, ba vợ tôi không nệ hà gì mồi người được ưu tiên đổi cho nửa thúng.  Mỗi người được đổi nửa thúng thôi - nhưng bốn người khách hôm nay, ba vợ tôi đã mất đi hai thúng giống rồi. Cái giống lúa này trồng và ăn để “lấy vị”  để thưởng thức. Nó không ra tiền bạc được do thu hoạch quá ít so với lúa Thần Nông thì có đất nhiều cũng chẳng ham. Đã quý thì phải hiếm, thứ gạo cất làm của cho nó “vui cửa vui nhà”.  Cả sào ruộng loại lúa đó, ông gia tôi chỉ cắt được  năm sáu thúng. Một sào đất ruộng mới “toanh” ở giữa là cái hố bom nó đã biến mất sau bao ngày cả một gia đình kiên trì chịu khó san lấp cho bằng được.


   Dù Thôn Cam Bình đất ruộng hiếm hoi nhưng ai nhìn cái hố bom ‘quỷ tha ma bắt’ kia, nước sâu đến nỗi cá tràu lội từng bầy, họ  đều ‘ngán’!  Công sức đâu lấy đất lấp cho đầy cái hố kia? Chẳng ai dám, thế mà ba vợ tôi làm được. Cái tính kiên trì chịu khó của ông, trong thôn ai cũng biết tiếng. Một năm trời, lúc có thời gian là ông đem hết người trong nhà ra lấp.  Người gánh kẻ khiêng; đất từ các gò mối hay lấy bớt bề mặt của miếng ruộng trong nhà. Hố bom  kia không thể sâu hơn nhưng đất gánh tới ngày này qua ngày đương nhiên càng lúc càng nhiều …thế là xong.          

   Sào đất mới, những nhánh lúa mới vàng óng nặng trỉu khiến ông gia và chàng rể tương lai tức là tôi, đứng ngắm say sưa không chán mắt. Ngọn gió biển thổi vào làm từng nhánh lúa nặng hột chen nhau lay động. Chúng như xì xào vui lây với chủ. Tôi thấy rõ cái phần lúa trên mặt cái hố bom trước kia tốt hơn so với xung quanh.  Những nhánh lúa nặng hạt hơn chĩu xuống sâu hơn đang đu đưa lúc lắc theo gió. Chỉ còn ít hôm thôi, những gánh lúa mới sẽ về sân nhà vợ tôi. Đụn rơm sẽ cao thêm và thơm mùi rơm mới.


cảnh chợ xế trưa Cam Bình,  vắng  ngắt. Chợ này nay đã xây mới gọi là Chợ Tân Phước

   Chén tạc chén thù... Có dịp đặc biệt như hôm nay trong nhà mới kiếm cho ra ba xị rượu gạo. Cái chai bia con cọp thời xưa còn đó nhưng chỉ để mua rượu. Chai bia này đong đúng ba xị lúc đó. Nó đem ra mua rượu chỉ để vào dịp tết nhất hay liên hoan vui vẻ như hôm đó mà thôi. Một thời, nếu ai còn cái tâm mà nhớ lại thì nấu rượu gạo là điều ‘quốc cấm’ là điều ‘tội lỗi’ ngoại trừ rượu mì là thứ dễ mua dễ làm.
                       
    Tình bạn của ông gia tôi đối với mấy người bạn lối xóm có thể gọi là “tri âm tri kỷ”.  Tôi vẫn nhớ, cứ sáng sớm  tinh mơ ông Hai Than đã gõ cửa nhà ba vợ tôi cùng nhau đối ẩm -uống trà. Trà gì cho cam, chỉ là loại nước hột chè nấu cho đậm thay trà đó thôi.  Chuyện xưa tích cũ đâu từ thời ngoài Quảng Trị, một thuở huy hoàng một thời làm việc và sau hết là nhớ thương bao kỷ niệm vơi đầy...

   Tiếng nói tiếng cười cùng nhau, khật khù, chan hòa, để ngày mai lại là những buổi vác cuốc ra đồng. Ruộng vườn đâu phải là ‘thẳng cánh cò bay’ nên những miếng ruộng hiếm hoi kia nó quý báu làm sao? Người nào cũng phải tém nhặt hay chắt chiu từng bờ mương con nước, thậm chí từng cọng cỏ cọng rơm. Bao sức lực dù muốn hay không ai nấy đều cùng cả gia đình bao tháng ngày miệt mài trên rẫy. Những thời gian một nắng hai sương nhưng hoa lợi chẳng là bao? Những sào đất rẫy, tiếng là rộng nhiều nhưng càng lúc càng bạc màu, chỉ còn trơ cát trắng. Mang tiếng là đất  rẫy nhưng  tranh còn chưa lên nỗi huống gì là bắp và mỳ? Bao nỗi lo toan, tuyệt vọng theo với thời gian với những vồng khoai luống bắp thiếu chất kia mà cùng nhau tạm quên với nhau trong ly rượu trắng hôm nay trong niềm vui cơm mới.

    Đó là giống lúa lạ nhưng nó tồn tại chỉ được một thời gian không bao lâu. Tiếc làm sao, do nó hoàn toàn mất giống khi lúa Thần Nông theo phong trào hợp tác đem về? Người ta cần năng suất, thiên hạ đang cần số nhiều cho no cái bụng hơn là 'thơm và ngon'? . Những cây lúa "Xê Ka" tuy quý thì quý đó, nhưng khó đương đầu nỗi với hàng hàng lớp lớp giống lúa Thần Nông tràn ngập bủa vây xung quanh. Thế ba vợ tôi dần dà mất giống lúa này! Ông không còn sức đâu giữ được cái giống lúa ngắn ngày ngon thơm, một thời gian vang tiếng trong vùng.  

    Người ta đồn rằng, trong nam, châu thổ Cửu Long một đồng bằng bao la bát ngát. Vào thời trước, nổi tiếng không biết bao nhiêu giống lúa ngon thơm? Nào gạo Nanh Chồn, Nàng Hương, Nàng Thơm ...tôi ngày đó có nghe tiếng. Giờ đây những giống lúa quý này cũng 'đội nón' ra đi theo lợi tức canh nông, kinh tế là trên hết. Ngẫm lại trên đời này, con người ta xấu còn tu thân còn tốt lại được. Nhưng của "trời cho" trong đó có những giống lúa quý báu đã lỡ mất giống đi thì xem như vĩnh viễn chẳng còn, không bao giờ với lại được. 

    Chuyện ngày xưa, khi ruộng và người làm nông còn gắn bó trong tình cảm chân thành giữa người và đất. Đất nuôi người và người yêu đất. Từng gánh lúa thơm  từng được người gánh về, vẫy nhịp về nhà nơi miền thôn cũ. Những gánh lúa ngày đó, kỷ niệm một vùng quê một thời gian khó nay đã theo nhạc phụ tôi trôi xa về miền dĩ vãng. Lúa “Xê Ka”, cái tên tôi chỉ nghe chứ chưa hề thấy chữ,  một giống lúa ngắn ngày gắn bó với hình bóng của những người thân thiết, làm tôi cứ mãi nhớ suốt đời./.

Đinh Hoa Lư  12/6/2020 (21/4 Canh Tý)

San Jose USA

EDITION  6/4/2021
 last 18/12/2023


hình phụ:
Nồi bánh tét đón tết 2017 tại Cam Bình còn gặp Nhạc Phụ tôi 










No comments:

Post a Comment