Monday, October 31, 2022

TRẦN KIÊM ĐOÀN- TẢN CƯ

 

   

Từ nhỏ, đi học ở Huế, tôi thường nghe người lớn than thở rằng, Huế là xứ sở đi để mà nhớ chứ không phải ở để mà thương. Thời đó tôi không tin vì mỗi tuổi thơ đều có một bầu trời xanh và một cồn nắng ấm cho ước mơ tuổi dại theo diều căng gió mà nghe tiếng hát của Thằng Cuội ngồi gốc cây đa. Những cơn mưa thâm trầm và những trận lụt trùng trùng nước bạc của Huế đã khiến tôi nghĩ rằng, Huế là đất "đi để mà sợ, ở để mà kinh!".

Thế nhưng khi sắp sửa từ giã Huế tôi mới thấy cái lưu luyến vô hình của vùng đất đơn sơ nhưng lại có chất keo huyền hoặc và phù thủy nầy.

Tôi chọn về dạy học ở trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị với những lý do chẳng có bà con chú bác gì với Đinh Hùng, Nguyễn Bính hay Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên cả, nghĩa là chẳng có chút gì nên thơ giống như thời kỳ đi học tôi đã chọn về ở trọ tại Vỹ Dạ vì mê "nắng hàng cau" của Hàn Mặc Tử, tôi lại trổ chứng không muốn xa Huế để mà nhớ mặc dầu Huế không phải là nơi ở để mà thương. Khi ra trường sư phạm, đậu á khoa cộng thêm với mảnh bằng cử nhân văn chương còn "le lói" mực Tàu, tôi có được cái ưu tiên chọn một trong mấy chục nhiệm sở từ Quảng Trị đến Nha Trang, Bình Thuận, ngoại trừ Huế, vì nơi đây là cánh rừng già cổ thụ chằng chịt toàn các thầy, cô hàng tiền bối cả rồi. Dễ mấy ai giáo sinh mới ra lò mà được chen chân vào các trường Quốc Học, Đồng Khánh, Nguyễn  Tri  Phương, Kiểu Mẩu, Thành Nội. Vì vậy, thuở đó, Trần Hoài tốt nghiệp thủ khoa cũng phải ráng trèo đèo vô trường Nữ Trung Học Đà Nẵng. Tôi hàng thứ nhì lại chen chân ra vùng hỏa tuyến Quảng Trị cho gần với Huế, làm cho các chàng thầy mới ra lò người Non Mai, Sông Hãn thứ thiệt như Lê Đình Lộng Chương, Hoàng Thạch Tú cũng phải ngẩn ngơ với mấy nụ cười buồn.

Lý do tôi chọn về dạy học tại Quảng Trị vốn đã ít nên thơ mà kỷ niệm ban đầu với Quảng Trị lại càng không êm đềm chút nào, nếu không muốn nói là "rát da rát thịt".  Làm sao quên được ngày đầu tiên đến Quảng Trị làm thầy.

Sáng hôm đó, tôi không còn nhớ là có sương thu và gió lạnh của Thanh Tịnh hay không, nhưng tôi đã chọn ra mắt Quảng Trị bằng bộ đồ đắc ý nhất với chiếc quần màu xanh đậm học trò và chiếc áo sơ mi cụt tay trắng toát. Tôi đã tra chiếc cà vạt vào cổ nhiều lần nhưng cuối cùng đành cởi ra vì thấy nó không hợp trên những con đường nhiều người còn đi chân đất từ quê mới lên với đôi quang gánh nặng chĩu lo âu hằn lên khuôn mặt rám nắng lấm tấm mồ hôi. Tôi cầm theo tập giáo trình quốc văn trên bàn tay có hai ngón giữa còn kẹp điếu thuốc Capstan lơ lửng khói bay và lững thững bước vào cổng trường Nguyễn Hoàng đầy tự tin. Bỗng tôi giật nẩy mình vì một ngọn roi nào đó vừa vụt ngang lưng cùng với một giọng nói ồ ề đanh đá và đầy dọa dẫm:

- Đồ học trò vô phép vô tắc, cả gan vô cửa thầy cô hỉ!?

Tôi quay phắc lại và thấy ngay bác cai trường cao lêu khêu, mặt hầm hầm đang cầm cái roi dài ngoẵng, lăm lăm, vừa mắng, vừa toan vụt cho tôi một roi nữa về tội hút thuốc lá trong trường. Tôi đủ kịp phản ứng hét lên:

-Trời ơi! Ông muốn chi? Tôi là thầy giáo trường nầy mà.

Bác cai trường cười như mèo vờn chuột:

- Cái thằng láu cá! Tau nói cho mi biết, tau đã mần việc ở cái trường ni khi mi còn rãi mũi. Ruồi đực ruồi cái bay ngang tau còn biết từ cái xứ mô tới nữa huống chi là quý thầy quý cô ở đây ai mà tau không biết. Để tao trị cho hết cái thói hỗn láo, xưng bừa thầy bà đi nghe chưa.

Trước khi tôi kịp có một lời nào đó để trần tình thì bác cai trưòng đã hùng hổ giáng roi lên. Rất may cho tôi là Lê Văn Mãn, thầy dạy sử địa đã nhảy vào giải cứu kịp thời bằng cách la to lên:

- Ê tầm bậy, ông cai, đây là thầy Đoàn, giáo sư mới của trường mình...

Tôi nghe giọng bác cai có vẻ hoảng hốt:

- Thôi, chết cha tui rồi, rứa mà tui không biết. Xin thầy bỏ lỗi cho chớ thầy còn trẻ quá lại ăn bận như học sinh nên tui lầm.

 Tôi ráng mỉm cười rộng lượng, chứ cho dù có hẹp lượng đi nữa thì cũng chẳng làm gì được trong hoàn cảnh bi hài đó.

Trường Nguyễn Hoàng đối với Quảng Trị cũng giống như trường Sorbone đối với Paris hay Harvard đối với Boston. Đó là cơ sở giáo dục kỳ cựu nhất, bề thế nhất và nổi tiếng nhất đối với địa phương. Bởi vậy, Nguyễn Hoàng là niềm hãnh diện chung cho người học cũng như người dạy. Cái khổ nhất của thầy giáo trẻ trường Nguyễn Hoàng là phải trở thành những "viện sĩ" của viện đạo đức, bất luận là tự nguyện hay "bị" tự nguyện vì thành phố Quảng Trị quá nhỏ, phụ huynh và học sinh đều có truyền thống tôn trọng học đường và thầy giáo, nên sau giờ dạy, ló mặt đi đâu mà nghe hai tiếng "thưa thầy" rồi thì những nụ cười lãng mạn cỡ Trăng Rụng Xuống Cầu của Hoàng Thi Thơ cũng phải thành nét uy nghi Tam Tòng Tứ Đức của Khổng Tử! Tôi còn nhớ một buổi chiều lần đầu về ăn nem lụi Chợ Sãi với vài người bạn. Con đường dọc sông Thạch Hãn dẫn về Sãi đã nên thơ như con đường sông Hương đi về bánh bèo Vỹ Dạ, nhưng hai cô hàng trong quán nem lụi còn nên thơ hơn. Tôi thích nghe giọng nữ Quảng Trị khi phát âm chữ "t", chữ "n" sau cùng vì nó có cái âm hưởng đanh, gọn và xác quyết chứ không ỡm ờ như giọng Huế. Tôi đang bập bẹ nhái giọng Quảng Trị để vừa kêu món ăn, vừa để tán tụng vẻ đẹp trăng tròn, hồn nhiên, không đài các của cô hàng bằng những từ dễ thương nhưng không hợp với tự điển của viện đạo đức thì bị "pháo kích" bất thình lình khi cô hỏi lại bằng cái giọng lễ phép của Liêu Trai đã tu luyện ngàn năm:

- Thưa thầy, rứa còn về "mục" đồ uống thầy dùng thứ chi ạ?

Đôi mắt tôi và có lẽ cái giọng nói của tôi nữa, cũng phải đứng vào thế nghiêm lập tức để trả lời. Một thoáng, tôi bắt gặp nét nhìn rất nhanh của cô hàng, cái nét nhìn sắc, ướt và kéo dài đuôi mắt một chút nheo nheo mà tôi không biết mang ý nghĩa biểu đồng tình hay trách móc, nhưng tôi bỗng cảm thấy lòng vui xôn xao trong lặng yên. Tôi nói nho nhỏ với hai người bạn: "Giòng sông chảy về đây có tên Thạch Hãn là phải. Thạch Hãn là 'mồ hôi của đá'. Đá mà còn toát mồ hôi lạnh huống chi tau!"

Tôi đến và làm quen với Quảng Trị vào một trong những thời kỳ đen tối nhất của lịch sử xứ nầy, đó là giai đọan từ 1970 đến 1975. Trước "mùa Hè đỏ lửa 72", những bài giảng về văn chương Việt Nam với những bài thơ mượt mà tình bạn và xanh biếc tình quê của Nguyễn Khuyến, những tiếng cười xót xa của hàn sĩ lận đận Tú Xương, những tiếng gọi vào đời hào sảng của kẻ sĩ Nguyễn Công Trứ... đã bao nhiêu lần chững lại nửa vời vì tiếng máy bay trực thăng tải thương chở người lên xuống không ngớt trong khu quân sự Mỹ bên cạnh trường Nguyễn Hoàng. Tôi cũng đã trải qua nhiều đêm chấm luận văn của học sinh bên miệng hầm, đọc hoài không hiểu, vì đầu óc căng thẳng lắng nghe thử có tiếng "đề-pa" pháo kích hay không. Nhiều buổi sáng điểm danh, có vài ba em học sinh vắng mặt và sẽ không bao giờ trở lại vì đêm hôm qua đã lên rừng theo du kích. Tôi khó tránh khỏi nỗi mủi lòng xúc động khi có học sinh đến xin rút học bạ thôi học vì dưới quê bão lụt, mất mùa không đủ cơm ăn, áo mặc để tiếp tục theo học.

Mỹ Chánh, Quảng Trị, Đông Hà, Gio Linh, Cam Lộ, Khe Sanh đều ở trong cơn lốc chiến tranh trong cuộc chiến Hạ Lào, trước khi cơn lốc cuộn lại thành con mắt cuồng phong trên Cầu Dài của "Đại Lộ Kinh Hoàng". Con đường cái quan, quốc lộ số một, của quê hương Việt Nam yêu dấu bỗng biến thành "đại lộ kinh hoàng" trong mấy ngày ngắn ngủi 28, 29 và 30 tháng 4 năm 1972. Tôi là một trong đám người Quảng Trị khốn khổ cố băng qua đoạn đường có chiếc Cầu Dài trơ trụi, ngắn ngủi, bắc qua một giòng nước cạn. Cầu Dài lặng lẽ, vô danh như bao nhiêu nhịp cầu mà tôi đã đi qua từ Huế đến Quảng Trị bỗng rùng mình, biến thành cửa ngõ đi vào địa ngục. Buổi chiều khi tôi sắp sửa bước vào cửa địa ngục cùng với đoàn người chạy giặc thì bỗng nghe những tiếng thét kinh hoàng: "Chết! Chết! Chết hết rồi!” với sự triệt thoái hỗn độn ầm ầm như sấm động từ phía Bến Đá dạt ra. Tôi nghe rõ  nhiều tiếng súng nổ chợt xa, chợt gần. Tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng khóc tang thương, tiếng la hét thất thanh và cuồng nộ của đoàn người di tản thối lui vì đạn pháo như trùng vây không biết từ đâu tới, đã đưa đẩy tôi nhào tới và dạt lui như một người say rượu. Tôi rùng mình thảng thốt nghe tiếng thét bên tai: "Vì răng tới giờ ni rồi mà thầy còn ở đây? Chậm chút nữa là chết cả đám. Chạy theo em! Thầy, chạy!". Tôi chạy theo sức đẩy mà tôi không còn nhớ là từ đằng sau đẩy hay đằng trước kéo. Hơn cả nửa giờ sau, khi chạy lúp xúp trên những độn hoang đầy cát trắng tôi mới nhận ra người lôi kéo tôi ra khỏi cửa địa ngục là Nguyễn Kháng, người học trò lớp 11A2 của tôi ở trường Nguyễn Hoàng. Tôi đã chạy bọc quanh về ngả Kim Long, Kim Giao dẫn về Mỹ Chánh theo phía Đông, gần đường biển, tránh càng xa càng tốt vùng Bến Đá, Cầu Dài đang mịt mờ trong khói lửa. Mãi đến khi tôi ngồi đối diện với Kháng trong quán kem Anh Đào ở Huế, nghe Hùng Cường và Mai Lệ Huyền hát bài "một trăm em ơi, chiều nay một trăm phần trăm...", một bài hát mà trước đó tôi cho là "sến" nhất, rẻ tiền nhất và dễ ghét nhất, bỗng nhiên lại trở thành quá hay vào giờ phút đó. "Quá hay" có lẽ vì đây là thông điệp của sự sống, là tiếng hát quen thuộc của dương gian chứ không phải lời kinh buồn dưới chín tầng địa ngục. Tiếng hát cho tôi biết rằng là tôi đang sống. Đơn giản thế thôi nhưng nếu chưa đứng trước ngưỡng cửa của "đại lộ kinh hoàng" thì tôi không bao giờ biết được.

                                          

o0o

 

Sau biến cố mùa Hè 72, một Quảng Trị hiền hòa và bình an đã trôi nổi và phân ly như cánh bèo giữa ngả ba giòng nước. Một số ở lại bên kia sông Mỹ Chánh. Số ra đi thì tạm gởi cuộc sống tại các trung tâm tạm cư ở Hòa Khánh hay Non Nước và lẻ tẻ nhiều nơi khác. Tôi chọn dạy tại Hòa Khánh. Đây là một căn cứ quân đội Mỹ bỏ lại cách Đà Nẵng chừng hai, ba chục cây số. Những bàn tay cần cù quen vỡ đất và những cánh tay đầy sức sống quen ôm lúa chín ngày mùa giờ đây phải ngửa tay lãnh từng bữa gạo để sống ngày lại ngày trên áo cơm cấp phát của trại tạm cư. Người nông dân Quảng Trị sống tạm bợ trong các trại tạm cư Đà Nẵng cũng giống như cá kình mắc cạn và chim nhốt trong lồng. Tuổi già dương đôi mắt tinh anh quen nhìn cỏ nội hoa đồng ngày trước, bây giờ lờ đờ nhìn ngày tháng phù du đi qua trên những dãy nhà tôn khô khan, những con đường cũng đầy bụi, nhưng toàn là thứ bụi mù mệt mỏi chứ không phải bụi gió Lào dấy lên từ bùn đất của quê hương. Ai cũng mơ một ngày về, nhưng ai cũng sợ hãi cái bóng đen không tên nhưng thật hãi hùng của bom đạn.

Trường Nguyễn Hoàng dã chiến của tôi ở Hoà Khánh cũng chia chung số phận nổi trôi với đám học trò tỵ nạn của mình. Trường mở trong một cái nhà kho quân sự cũ. Các lớp học rất "đoàn kết nhất trí" vì không có vách ngăn, nên thầy cô nào không có được cái giọng hùng hồn như nhạc xuất quân thì kể như là trở thành tiếng đàn "Ta Lư" trên núi, nghĩa là thầy trò ai nói nấy nghe. Nếu một buổi sáng đẹp trời nào đó mà thầy giáo Nguyễn Bảo với cái giọng oang oang "thiết giáp hành" lên lớp cùng một giờ với thầy giáo Trần Phò với cái giọng "cụ Tú Lãm" thì kể như học sinh lớp quốc văn của thầy Phò mắt thì lơ láo học thơ mà tai thì lùng bùng học toán của thầy Bảo. Không hiểu vì bản chất thông minh, lanh lợi hay vì được học theo kiểu "double majors" bất đắc dĩ như trên nên tỷ số học sinh Nguyễn Hoàng thi đỗ tú tài năm 1973 khá cao, dù phải đi học trong cảnh đời tỵ nạn đầy gian nan và chịu đựng. Tôi có cái giọng tuy không hào hùng như thầy Bảo nhưng cũng khá hơn cái giọng thu vàng của thầy Phò nên cứ sau mỗi 4 giờ dạy liên tiếp, cũng nhâm nhi vài ba ly cối nước đá để lấy lại hơi sức cho ngày lên lớp hôm sau.

Cuối năm 1973, Quảng Trị hồi cư. Cảnh "tình nguyện phân ly" của người dân Quảng Trị cũng có nỗi xót xa riêng không thua gì khi chạy loạn. Tất cả đều phải đối diện với một tương lai mịt mờ trước mắt. Ra đi bỏ vùng đất thân yêu với mồ mả tổ tiên lại đằng sau thì không nỡ mà trở lại quê xưa trên vùng đất hoang tàn với tất cả làng xóm, đình chùa miếu vũ đã bị san thành bình địa thì số phận cũng chẳng biết về đâu khi một nửa Quảng Trị đã mất, sông Thạch Hãn trở thành sông Gianh và sông Bến Hải. Cuối cùng sự chọn lựa nào rồi cũng mang nỗi đau riêng của nó. Mùa Giáng sinh năm 1973, người Quảng Trị bỗng trở thành dân Do Thái ngay trên đất nước của mình: Một số lớn hồi cư, số khác vào Nam lập nghiệp, số còn lại sống rải rác khắp các tỉnh từ Huế đến Cà Mâu.

Tôi lại khăn gói quả mướp trở về Quảng Trị dạy học. Ngày đầu tiên trở lại Quảng Trị, tôi đến thăm thành phố Quảng Trị cũ. Khó mà tin được có một nơi nào đó trên thế giới đã từng có một cuộc chiến diễn ra ác liệt như thế. Những hố bom to và sâu hoắm như một vùng nước xoáy rải rác khắp nơi. Những cây đà sắt lớn hơn gốc cây cau cong xoắn và chảy thành giọt như nhựa đường đã khô cứng và lạnh lẽo. Không có một căn phố hay một mái nhà nào còn đứng vững. Trường Nguyễn Hoàng với các dãy lầu ngang nhà dọc chỉ còn trơ lại một phần cái trụ gạch của cổng chính. Nhìn sang phía Cổ Thành, tất cả chỉ là một bãi tha ma của đổ vỡ và tan nát. Tôi xúc động và lặng lẽ chùi nước mắt khi có giọng hát nào đó của một người lính trú phòng hát ra từ trong căn lều che giữa căn nhà đổ nát: "Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi, mơ thấy bên lề cuộc đời, áo dài đùa trong tiếng cười...”  Việt Nam có những giấc mơ nhỏ nhoi và đằm thắm như một chút đùa vui của nhân thế, nhưng bao năm rồi vẫn còn mất dáng xa vời ngoài tầm tay với.

Thành phố Quảng Trị hồi cư tạm xây dựng trên đồi cát trắng Hải Lăng bằng tôn và gỗ. Đó là những căn nhà tiền chế, suốt mùa lộng gió bốn bề. Lúc đầu tôi dạy học tạm ở trường trung học Hải Lăng, chờ cho đến khi trường Nguyễn Hoàng xây dựng khá khang trang trên "khu thị tứ".

Cuộc chiến tạm chấm dứt trên chiến trường đất cát, nhưng vẫn còn tiếp diễn giữa lòng người Quảng Trị hồi cư. Cái nơm nớp lo sợ bị kẹt giữa vòng lửa đạn vẫn ám ảnh từng ngày với sự hiện diện của Thuỷ Quân Lục Chiến trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đêm dêm tiếng đại bác “nốt ruột” vẫn dội về từ trên các dãy rừng núi phía Tây. Hình như trong cảnh khổ người dân dễ dàng thông cảm và thân thiết nhau hơn. Tình đồng nghiệp và thầy trò cũng vậy. Tối tối, nhóm thầy giáo hồi cư quen tìm đến nhau để chia xẻ một bình trà, một ấm cà phê hay "bốc" hơn nữa là kiếm vài chai để đọc thơ "thiên địa mang mang ai người tri kỷ, hãy lại đây cùng ta uống cạn một hồ trường...". Trong suy nghĩ của những người trẻ tuổi, thầy giáo cũng như học trò, "Quảng Trị hồi cư" phải có một phong thái, một nhịp sống khác với những ngày "tiền Đại lộ kinh hoàng". Quảng Trị đã thấm thía với trò chơi không đẹp của mấy "ông to bà nậy", mượn tạm sự đau khổ khốn cùng của nạn nhân chiến tranh để quảng cáo và để vinh thân phì gia. Trước lễ Giáng Sinh năm 1973, các thầy giáo Nguyễn Hoàng như Lê Hữu Thăng, Lê Văn Mãn, Lê Hữu Nam và tôi gặp nhau nhiều lần tại Đà Nẵng, Huế và Hải Lăng để bàn về chuyện "mình phải làm cái gì cho Quảng Trị sau ngày hồi cư". Ý tưởng dễ thương và lãng mạn nhất là vận động thanh niên xung phong lập ra những làng xã tập thể kiểu "Kibbutz" của Do Thái trong giai đoạn lập quốc. Mô thức "kibbutz" chỉ là một ước mơ của những tâm hồn yêu thương Quảng Trị với nhiệt tình nóng bỏng nhưng đầy mơ mộng. Thực tế là gíup người dân vật lộn với cuộc sống muôn vàn khó nhăn trước mắt. Những chương trình và công tác xã hội giúp đồng bào hồi cư đã được các cơ quan xã hội lớn của miền Nam như Hồng Thập Tự, Asian Christian Social Sevices và Vietnamese Christian Social Services ủng hộ nồng nhiệt. Trước đòi hỏi cấp thiết của tình thế, một nhóm giáo sư Nguyễn Hoàng đã đứng ra thành lập Đoàn Giáo Chức Công Tác Xã Hội Quảng Trị  và trường Hiền Lương Nghĩa Thục. Tôi đã ca bài "Never On Sunday" ở Huế hơn một năm trời vì lỡ ham vui nhận chức trưởng đoàn Thanh Niên Hồng Thập Tự Quốc Tế Quảng Trị nên ngày chủ nhật nào cũng phải lăn lộn cùng với mấy trăm đoàn sinh đi khắp các vùng quê Quảng Trị để sinh hoạt từ lợp nhà, lái máy cày... đến ca hát cho đời thêm vui!

Tôi dạy tại cả hai trường Nguyễn Hoàng và Hiền Lương Nghĩa Thục nhưng ngủ lại qua đêm nhiều nhất là tại trường Hiền Lương. Vùng đồi cát nơi trường tọa lạc có tin đồn nổi tiếng nhiều "ma" nhất trên Đại lộ kinh hoàng. Hằng tuần tối thứ hai và thứ ba chỉ có tôi và anh Lê Hữu Nam ngủ lại tại trường. Nam đặt lưng xuống là ngáy như sấm, trong khi tôi thao thức và lắng nghe tiếng vọng của "ma". Nhiều lần trong đêm khuya tôi nghe rất rõ tiếng gọi nhau ơi ới và tiếng la, tiếng gào tiếng thở dài dọc theo quốc lộ1 ngay trước cổng trường. Tôi không biết đấy chỉ là ảo gíác hay có ma thật, nhưng mỗi lần tôi ráng sức lôi cổ Nam dậy để cùng lắng nghe "tiếng ma" với tôi thì chỉ nghe tiếng trả lời ngái ngủ của Nam: "Ba láp, để ta ngủ!" và anh chàng lại ngáy như sấm trở lại, mặc tôi nằm queo chong mắt, trống ngực đánh thình thình. Trường Hiền Lương Nghĩa Thục một thời đã quy tụ hầu hết các thầy giáo và cô giáo cự phách của vùng Quảng Trị, từ những nhà giáo thâm niên như các anh Thái Mộng Hùng, Lê Mậu Tâm đến những thầy giáo mới ra trường như Dương Vạn, Nguyễn Phúc... đã chia xẻ với đồng nghiệp và học sinh nhiều kỷ niệm vui buồn chưa đầy hai năm học và sau đó, lịch sử đã sang trang: Trang 1975!

Mùa Xuân năm 1975, lần cuối tôi giã từ Quảng Trị như một quê hương thứ hai thân yêu của mình để nhập vào đoàn người chạy loạn vào Huế rồi Đà Nẵng. Tôi và anh Lê Hữu Nam ghé vào trường Hiền Lương Nghĩa Thục lúc đó đã thành trạm nghỉ chân cho đoàn người chạy giặc bơ phờ và mệt mỏi. Không có cảnh nào buồn hơn là cảnh trường học biến thành trạm xá bất đắc dĩ trong chiến tranh. Hai anh em chúng tôi buồn bã đi quanh trường như cố ghi lại lần cuối cùng những dư bóng dáng của kỷ niệm rồi đèo xe Honda vào Huế.

Sau năm 1975, có những cuộc gặp lại học trò, bạn bè, đồng nghiệp, người quen Quảng Trị trong những cảnh vui buồn lẫn lộn. Tôi còn nhớ rất rõ năm học cuối cùng trước khi Quảng Trị chia hai sau mùa hè 72 có một nữ sinh xuất sắc về môn quốc văn do tôi phụ trách trong một lớp 11A. Đời vẫn thế, Bá Nha cần phải có Tử Kỳ thì tiếng đàn mới khởi sắc được, cũng như mỗi lần lên lớp, đôi mắt thông minh và những câu hỏi đầy suy nghĩ của những học sinh xuất sắc thưòng có tác dụng như một chút hương hoa đối với thầy cô giáo. Tôi lại là một thầy giáo văn chương trẻ nên Thuận, tên em nữ sinh xuất sắc, thường cho tôi một cảm giác an ủi là bài giảng của tôi khá hay đủ dể làm át đi tiếng máy bay trực thăng gào thét ngoài kia. Có một lần Thuận nghỉ học, hôm sau tôi hỏi lý do, tôi thấy lòng mình chùng lại khi nghe em trả lời : "Thưa thầy, vì trời mưa to quá em phơi áo không khô!". Sau đó, tôi mới hiểu rằng Thuận chỉ có một chiếc áo dài trắng duy nhất dể đi học, nên em phải giặt vào mỗi chiều thứ tư để có áo mà đi học cả tuần. Trong dịp làm báo Tết năm đó, tôi đã tổ chức một cuộc thi viết văn mà tôi chắc thế nào Thuận cũng chiếm giải nhất. Với bài tùy bút "Hãy khóc đi, hỡi quê hương yêu dấu!", mượn tên một tác phẩm hay nhất của Alain Paton, Thuận chiếm giải nhất cuộc thi văn một cách dễ dàng. Giải thưởng cho bài viết của Thuận là phiếu may hai chiếc áo dài tại một nhà may lớn trên đường Trần Hưng Đạo.

 Năm 1972, Thuận ở lại bên kia bờ sông Thạch Hãn. Năm 1976 tôi gặp lại người học trò cũ đó trong một hoàn cảnh thật ngỡ ngàng. Cũng như bao nhiêu người trong cảnh có đức lang quân là "thầy giáo, tháo giày", bà xã tôi phải đi buôn hàng chuyến Huế- Sài Gòn để nuôi sống gia đình trong buổi giao thời.

 Một buổi chiều bà xã tôi về nhà với hai bàn tay không vì hàng hoá buôn chuyến Sài Gòn – Huế đã bị tạm giữ tại trạm thuế vụ Hương Thủy trước khi vào Huế. Sáng sớm hôm sau tôi theo bà xã về phòng thuế vụ Hương Thủy để nghe quyết định về vấn đề thuế khóa. Từ ngoài phòng đợi, tôi có thể nghe cái giọng nữ sắt và đanh nói về nguyên tắc, chính sách thuế má và buôn bán. Đến lượt chúng tôi được gọi vào văn phòng với một thái độ chờ đợi và căng thẳng. Bỗng tôi chững lại và người nữ cán bộ cũng hụt hẫng:

- Thầy!

 Và:

- Ô, Thuận!

 Là những gì mà thầy trò có thể nói với nhau trong hoàn cảnh đó. Tôi tính bước ra ngay cho khỏi cái hoàn cảnh khó xử nầy, nhưng Thuận đã giữ lại:

- Xin mời Thầy ngồi.

Cả ba người đều im lặng nhưng tôi có thể thấy được những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, trên má người học trò cũ. Chỉ là một phút phù du trôi qua thôi nhưng tôi biết cả một chiến trường khói lửa trong lòng người học trò giàu suy tư đó. Thuận như chợt nhớ ra điều gì và đứng phắt dậy, dáo dác nhìn quanh và cố nói to như cố tình cho mọi người xung quanh cùng nghe:

- Thưa thầy, cô.  Xin thầy cô hiểu cho vai trò và giới hạn của em. Trong giai đoạn mới đầu còn tranh tối tranh sáng nầy, nhiều mặt hàng buôn bán và thuế khóa vẫn đang còn trong vòng thảo luận, nên những nhân viên thuế vụ như em trong một số trường hợp phải căn cứ vào sự lượng giá chủ quan của mình để đánh thuế.  Mời thầy cô theo em để kiểm tra mặt hàng.

 Thuận hối hả bước vào phòng tạm giữ hàng hóa và tự tay lôi ra tất cả các bao hàng của bà xã tôi có gắn biển "đợi xử lý" và vuốt nhẹ lên từng gói hàng nhưng không mở bao, rồi nói với một nhân viên khác đứng bên cạnh:

- Đây là những mặt hàng sản xuất nội địa. Miễn thuế!

Thuận nói nửa như dặn dò, nửa như ra lệnh:

- Thầy cô vui lòng chở hàng ra khỏi đây càng nhanh càng tốt vì hàng mới sắp nhập và kho hết chỗ chứa!.

Tôi giúp bà xã chuyển hàng đi như một người mộng du câm nín.  Dù trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, nhưng cái hào khí Quảng Trị một thời vẫn còn lưu dấu. Thế đứng đầy bụi phấn trên bục giảng của một thời không thể ngã xuống thành chiếc nón trải xuống vệ đường đầu hàng cơm áo. Tôi băn khoăn tự hỏi không biết sự “lượng giá” của một cô học trò thông minh như Thuận có phải là một sự hy sinh.  Tôi sẽ không đủ bản lĩnh để thản nhiên nhận sự hy sinh của một người khác, nhất là khi sự hy sinh đó của một người học trò cũ như Thuận.  Lúc chia tay tôi chỉ còn biết cười buồn và lặng lẽ gật đầu khi nhìn đôi mắt gần như rơm rớm khóc của Thuận với câu hỏi nhỏ:

- Thầy còn nhớ “Hãy khóc đi, hỡi quê hương yêu dấu” không thầy?

Không hiểu Thuận muốn “hãy khóc đi” vì hoàn cảnh, tình cảm hay cả hai trong những ngày gió bụi chấm dứt và khởi đầu cho một trang đời mới.

Gần 20 năm sau 1975, tôi về lại Quảng Trị. Khắp nơi đã dựng lại được màu xanh của thời gian trước "mùa Hè đỏ lữa 72". Cây rất xanh như mơ ước của con người. Gặp lại những khuôn mặt thân thương và quen biết hơn hai mươi năm trước tôi nghe như có tiếng thời gian thoáng qua với nhiều mái tóc bạc hơn. Tình cảm Quảng Trị trong tôi và trong những người cũ gặp lại thì hình như mới chia tay đêm qua, vẫn ấm áp, chan chứa và thuần hậu cho dù hơn 20 năm chưa gặp lại.

Tôi đã xa Quảng Trị, bỏ "Huế đi để mà nhớ" đành đoạn để đi xa năm đồng bảy đội. Đã bao lần tôi căng mắt nhìn nhưng vẫn bước đi với tâm hồn dửng dưng qua những thành phố lớn. Tôi cũng đã ăn dầm ở dề suốt mười mấy năm trên nhiều tiểu bang nóng, lạnh của Mỹ nhưng tôi vẫn chưa tìm ra một nơi nào đó "ở để mà thương". Buổi chiều chia tay đầy lưu luyến với anh em trên đồi La Vang, mùi tràm chổi và đất nắng hanh rất nồng làm tôi bâng khuâng nhớ đến những bạn bè và học trò cũ chắc chừ đã dày dạn phong sương tay bế tay bồng. Hỡi những người "bất tri hà xứ khứ", hình như trong tôi, khi vó đã chồn, chân đã mỏi, tôi mới thấy rằng Huế là nơi đi để mà nhớ vì chan chứa kỷ niệm và Quảng Trị là nơi ở để mà thương vì sâu nặng tình người.

 

 

Trần Kiêm Đoàn

Sunday, October 30, 2022

ÔNG CỰU PHÓ TỈNH QUẢNG TRỊ -NGUYỄN NGỌC DIỆP

 

Nguyễn Ngọc Diệp: SINH KHÍ BAN ĐẦU-TRƯỜNG TƯ THỤC HIỀN LƯƠNG

 


 

Trường Hiền Lương Nghĩa Thục và kỷ Niệm Hồi Cư 

 

            Đang độ mùa hè nên buổi sáng trời trong xanh và mát dịu nhưng ở giữa đồng không mông quạnh thế này không làm sao nghe được tiếng ve sầu râm ran như ở Huế. Buổi sáng tôi thức giấc khá sớm, xếp chăn mền gọn ghẻ, bỏ vào tủ khóa kín rồi tự chế một tách cà phê thật thơm, ngồi nhâm nhi một mình trong căn nhà tôn vắng lặng này để nghĩ về cuộc đời dâu bể tang điền. Hương vị cà phê giúp tôi nhớ chút ít về những kỷ niệm thuở còn học trung học, đại học Huế. Hồi đó có dịp tôi đi theo đoàn sinh viên Huế ra thăm chiếc cầu Bến Hải oan khiên thuộc lãnh thổ tỉnh Quảng Trị. Chiếc cầu dài chín chục thước tây chia đôi đất nước. Nửa phần về bờ Nam cầu được sơn màu xanh biển đậm. Một nửa ra phía Bắc cầu được sơn màu đỏ tươi chói rực dưới ánh sáng mặt trời mùa hạ làm cho người giàu óc tưởng tượng phải rùng mình  vì nghĩ đến máu me và chết chóc, chiến tranh và tàn phá. Hình ảnh và vai trò con sông Gianh (Ranh) ngày xưa đang sống dậy trong lòng tôi. Lịch sử đôi khi cũng  chỉ là sự lập lại quá khứ cách này hay cách khác. Giờ đây con sông Thạch Hãn hiền hòa đang đóng vai trò lịch sử thay cho sông Gianh  nghiệt ngã ngày xưa và sông Bến Hải mới đây…Tôi hớp thêm một ngụm cà phê  đã nguội rồi đứng dậy vươn vai để sửa soạn bắt đầu một ngày làm việc. Thời gian ngắn vừa qua xã Mỹ Chánh nhỏ bé hiền lành trở nên rộn rịp và đầy sức sống. Một số căn nhà tôn nhỏ nhắn gọn ghẽ mọc lên, chợ búa đông đúc và nhộn nhịp. Sự hồi sinh  trông rõ nét. Sở dĩ được như vậy cũng nhờ bởi tòa Hành Chánh tạm thời đặt nơi đây, trên ngọn đồi nhỏ phong quang này. Gia đình thân nhân công chức quân nhân giáo chức…đang lần lượt trở về cố quận theo chương trình hồi cư định cư của chính phủ (người ngoại quốc dịch là R.T.V. tức là Returnees to village) do bác sĩ Phan quang Đán trách nhiệm thực hiện.


            Đặc biệt trường trung học tư thục Hiền Lương được dựng lên phía bên kia đường lộ gần tòa hành chánh tạm thời. Tuy là một ngôi nhà tôn với ba phòng lớp được phụ huynh học sinh và chính các học sinh đón nhận nhiệt tình. Các lớp học đã tràn đầy những dáng dấp các nữ sinh áo dài trắng thanh thoát với nét mặt rạng rỡ tuổi thanh xuân. Các nam sinh vẫn rộn ràng tiếng cười vô tư của tuổi trẻ cho dù đang đứng trên quê hương tàn tạ và đổ nát. Cái dễ thương của tuổi trẻ ở chỗ luôn luôn vui tươi và lạc quan trong cuộc sống để tiến thủ, để vươn lên cho một ngày mai tốt đẹp hơn.


Trung học Nguyễn Hoàng tại khu Thị Tứ Hải Lăng 


            Lúc ngôi trường chính của tỉnh là Trung Học Nguyễn Hoàng đang sửa soạn xây cất thì ngôi trường Hiền Lương  tư thục này đóng được vai trò giáo dục tuy khiêm nhường nhưng nhiều ý nghĩa. Trong hoàn cảnh hồi cư định cư thiếu thốn mọi bề thì sự hiện diện kịp thời của ngôi trường học này là bước đầu tạo được không khí an bình và củng cố niềm tin của tuổi trẻ vào con đường văn hóa giáo dục để thăng tiến về nhiều mặt. Nhớ lại ngày xưa Mạnh mẫu dạy con (thầy Mạnh Tử) ba lần dời chỗ ở vì không tìm thấy môi trường tốt đẹp thích hợp cho con mình trở thành người đạo đức thanh cao. Lần thứ ba Mạnh mẫu dọn nhà đến chỗ gần trường học. Tại đây bà nhận thấy trẻ em hằng ngày được học hành chữ nghĩa, được nghe thầy giáo giảng giải về đạo lý, về tình nghĩa…bà cảm thấy hài lòng về chỗ ở mới này cho con bà.


            Tuy không trực tiếp tham gia vào sinh hoạt của trường này nhưng tôi cũng cảm thấy vui vui và chút kỳ vọng.


Nguyễn ngọc Diệp

 

Nguồn

Nguyễn ngọc Diệp. Nhớ Về Quảng Trị Xa Xưa- giòng kỷ niệm-. Trung Tâm Văn Hóa Xã Hội Việt Nam Bruxelles, 2000.

Friday, February 11, 2022

Nguyễn Ngọc Diệp: KẾ HOẠCH HỒI CƯ, ĐỊNH CƯ, KHẨN HOANG LẬP ẤP, ĐẠI LỘ KINH HOÀNG

 



Tác giả: Nguyễn ngọc Diệp (nguyên phó tỉnh trưởng tỉnh Quảng Trị trước 1975)


            Thời gian ngắn sau khi Quảng trị (QT) được giải tỏa, tiểu khu Quảng Trị đưa binh sĩ trở lại diện địa để dần dần nắm chủ quyền lãnh thổ với sự trợ lực hữu hiệu của sư đoàn thủy quân lục chiến (TQLC) mà bộ tư lịnh đóng ở một trường tiểu học tại Cửa Việt. Các lực lượng bán quân sự như cảnh sát, cán bộ xây dựng nông thôn cũng theo bước về QT để bình định lãnh thổ.

            Trong lúc đó chính quyền quốc gia đang có kế hoạch hồi cư dân QT. Theo đó, đồng bào thuộc các lãnh thổ bờ Bắc Sông Thạch Hãn sẽ được đưa về cư trú tại một phần lãnh thổ của các quận phía nam. Các đơn vị công binh giúp đỡ chính quyền QT trong việc dựng nhiều nhà lều cho dân ở, cày xới ban đầu một diện tích ruộng hai trăm mẫu cho dân. Các kế hoạch làm nông nghiệp khác như mua máy cày, phân bón, lúa giống và các thứ hạt giống khác đang được nghiên cứu. Với các xã ngư nghiệp thì chính quyền sẽ thực hiện kế hoạch thích hợp như cung cấp lưới cá, ghe thuyền, máy đuôi tôm…Song song với việc thực hiện các dự án này để giúp đỡ dân chúng hồi cư thì bộ xã hội vẫn đảm trách việc trợ cấp gạo cho đồng bào. Trong lúc đó, tại các trại tạm cư ở Đà Nẵng việc trợ cấp cho gần hai trăm nghìn đồng bào QT tị nạn cũng phải tiến hành song song với kế hoạch khẩn hoang lập ấp. Tòa Hành Chánh phát động chiến dịch khuyến khích đồng bào tạm cư hưởng ứng kế hoạch khẩn hoang lập ấp tại các vùng đất tỉnh Bình Tuy, Long Khánh, Suối Dầu…Tại đây phủ quốc vụ khanh đặc trách Khẩn Hoang Lập Ấp (K.H.L.A.) đã cho làm nhà, đào giếng, cày xới đất hoang, cũng như đã có sẵn ngân khoản đặc biệt để giúp đỡ dân chúng xây dựng cuộc đời mới…

            Sau khi hiệp định Paris ký kết (27.01.1973) tình hình quân sự có phần dịu hơn nhưng vấn đề chính trị thì rất tế nhị, có khi cũng gay gắt! Cả hai phía liên hệ trực tiếp trong cuộc chiến và có chữ ký trong hiệp ước đình chiến đều cố gắng chiếm giữ ưu thế chủ quyền trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Dù gì thì nội dung của hiệp định này cũng đã mang nhiều thất lợi cho V.N.C.H. Điều lạ lùng là sau khi hiệp ước được ký kết tại thủ đô Paris thì phía chính quyền V.N.C.H. vẫ im lặng trong lúc đài phát thanh Hà Nội của cọng sản Bắc Việt đưa ngay lời bình luận và cho rằng đây là một sự thắng lợi to lớn của phe họ, đương nhiên là một sự thất bại nặng nề của phía đồng minh Hoa Kỳ và V.N.C.H. Để cố gắng giành dân và giữ đất ở miền Nam, chính quyền V.N.C.H.  phát động chiến dịch “cắm cờ”. Theo đó thì vùng đất nào có nhà dân cắm cờ quốc gia thì được kể là thuộc quyền kiểm soát của V.N.C.H. Thời gian đó, đồng bào tạm cư cũng thực hiện chiến dịch này bằng cách cắm cờ trên nóc các dãy nhà của trại tạm cư!



            Thời gian ngắn sau đó tòa hành chánh QT tạm thời  với nhiều dãy nhà  tôn cao được dựng lên tại Xã Hải Chánh  để bắt đầu điều hành công việc hành chánh cho đồng bào sắp lần lượt đưa về theo kế hoạch Hồi Cư Định Cư (bấy giờ phủ quốc vụ khanh đặc trách kế hoạch khẩn hoang lập ấp được nâng lên  hàng phủ phó thủ tướng đặc trách kế hoạch hồi cư định cư và bác sĩ Phan quang Đán là Phó thủ tướng). Phó tỉnh trưởng QT vẫn trách nhiệm công tác cứu trợ đồng bào tại các trại tạm cư ở Đà Nẵng. Đại tá Hà Mai Việt thay thế Đại Tá Phan Bá Hòa trong chức vụ tỉnh trưởng. Suốt cả mùa hè, đại tá Việt cố thực hiện nhiều công tác hạ tầng cơ sở  như làm đường, bắc cầu, xây dựng một số công sự an ninh diện địa cần thiết cho tiểu khu. Thời gian này tôi  làm chánh văn phòng tòa hành chánh và công việc thì lu bù. Tuy nhân viên các ty sở chưa về lại QT (đúng hơn là Mỹ Chánh) để làm việc nhưng các trưởng cơ quan  thì có mặt tại đấy để sắp đặt từ từ công việc cần thiết. Một lần bộ chỉ huy tiểu khu họp kín về công tác bình định và an ninh cho toàn lãnh thổ tỉnh dưới sự chủ tọa của Đại tá Việt. Các sĩ quan trưởng ban  của tiểu khu hiện diện với vũ trang đầy đủ sẵn sàng. Tôi là viên chức dân sự duy nhất của tỉnh tham dự buổi họp. Tôi mặc sắc phục của cán bộ xây dựng nông thôn, áo quần bà ba đen, đi giày lính, đội mũ sắt và mặc áo giáp. Cây súng ngắn bỏ trong cặp da. Cuộc họp được tổ chức trong một ngôi nhà xưa đổ nát nhưng còn khoảng không gian tạm đủ cho việc hội họp. Nhìn mọi người hiện diện tôi cảm thấy rất quen thân và gần gũi cho dù có một số sĩ quan chưa bao giờ tôi có dịp gặp mặt. Tôi chợt hiểu rằng cảm giác gần gũi và thân mến này đến từ những người đang làm việc cho mục đích duy nhất; đó là cố gắng tái tạo sự an ninh và sinh hoạt cho đồng bào hồi cư. Tự nhiên tôi cảm thấy thú vị và phấn khởi. Thoáng chốc tôi sực nhớ anh chàng Dũng lãng mạn đi làm cách mạng trong cuốn truyện Đôi Bạn của nhà văn Nhất Linh. Nhưng mà Dũng  thì có hình ảnh của Loan để mà nghĩ đến, mà thương nhớ xa xôi! Gần hai tháng sau khi cơ sở tạm thời của tòa hành chánh xong, nhân viên các ty sở trở lại cơ quan mới để điều hành công việc. Điều làm mọi người ngạc nhiên  đến sửng sốt trên đường trở về QT, đồng bào thấy hai bên bờ đường lộ có vô số vỏ đạn đại bác lớn nhỏ, hàng đống dài, đôi khi cao cả thước tây. Các vỏ đạn màu vàng tươi phản chiếu ánh sáng mặt trời làm cho con mắt thấy một trời tỏa sáng rực rở chói chan. Xe chạy một khoảng đường nhỏ, hình ảnh tương tự hiện ra trước mắt. Thêm nhiều xác xe tăng, xe nhà binh các loại đang nằm ụ bên đường, rải rác ít nhiều chiếc mũ sắt nằm hờ hững đó đây. Tôi liên tưởng xa xôi đến các chiến sĩ điều khiển các quân xa này, các chủ nhân của các chiếc mũ sắt kia, hiện giờ ở đâu, có được an bình êm ấm với người thân không hay đã âm thầm trở về lòng đất mẹ sau lần hy sinh cuối cùng cho từng tấc đất của quê hương! Xe tiếp tục hướng tới trước. Đây rồi đoạn đường gần chiếc cầu dài oan nghiệt đang hiện ra trước mắt. Nơi đây, năm ngoái đã diễn ra cuộc chết chóc  vô cùng thảm thương cho người dân vô tội. Bây giờ đây, để ghi nhớ đoạn đường  oan nghiệt này, lòng đường được ghi thêm hai hàng chữ sơn rất rõ: ĐẠI LỘ KINH HOÀNG (Avenue of Terrors)! Một số các nữ nhân viên trên xe trông thấy chứng tích ấy thì cúi mặt lấy khăn mù xoa lau mắt!




            Như vậy trong lịch sử cận đại này, QT có thêm một tên đường mang chứng tích chiến tranh ngoài tên Con Phố Buồn Hiu (Street without joy hay la rue sans joie) đã có trước đây nối liền quận Hải Lăng (QT) với quận Phong Điền (Thừa Thiên), theo ven biển phía đông! Qua chiến cuộc, Con Phố Buồn Hiu này cũng làm bị thương một số nhà báo, trong đó có Bernard Fall, phóng viên chiến trường nổi danh người Áo! Anh này sau đó bị trúng mìn Việt Cộng nát bụng chết tại vùng núi Thừa Thiên Huế vào tháng hai năm 1967.

            Nhìn đống đồng phó sản của súng đạn, tôi mơ màng nghĩ rằng nếu chính phủ có kế hoạch xuất cảng các đồ kim loại phế thải này thì dân chúng hồi cư định cư QT cũng thêm được ít nhiều phương tiện sống trong lúc khó khăn nhiều bề. Xe của tòa hành chánh đi thẳng đến thị xã QT. Không ai có thể định hướng được các cơ sở cũ một cách chính xác. Tòa hành Chánh ở đâu đây, một công chức nhìn tứ bề ngẩn ngơ buộc miệng hỏi! Nhiều ý kiến đưa ra! Trường trung học Bồ Đề chỉ còn một trụ cổng với bảng hiệu  đầy vết đạn treo tòn teng. Trước mắt tôi, cổ thành hay trại Đinh Công Tráng hình vuông với chiều dài gần 600 thước tây, cao 5 thước giờ đây chỉ còn lưu lại  một dấu tích: một phần bức tường cổ cao khoảng hai thước rưỡi, rộng hai ba thước với nhiều viên gạch sứt mẻ đang đứng chơ vơ bên đống gạch vụn! Bờ sông bị cỏ hoang cao che khuất. Thật khó nhận ra nếu không có dòng nước sông Thạch Hãn đang lững lờ óng ánh ngoài kia…Ôi Quảng Trị!


Nguyễn ngọc Diệp



Nguồn

Nguyễn ngọc Diệp. Nhớ Về Quảng Trị Xa Xưa- giòng kỷ niệm-. Trung Tâm Văn Hóa Xã Hội Việt Nam Bruxelles, 2000.

 

Monday, February 14, 2022

Nguyễn Ngọc Diệp: THĂM DÂN

 

 



THĂM   DÂN

Tác giả: Nguyễn ngọc Diệp


            Thời gian đảm trách chức vụ mới, Phó tỉnh trưởng, vì có đầy đủ thẩm quyền nên tôi giải quyết công việc hành chánh tốt đẹp. Riêng việc thực hiện kế hoạch hồi cư định cư cũng đạt được kế hoạch nhưng vẫn không tạo cho chính tôi sự an tâm về cuộc sống của đồng bào định cư (thành phần dân chúng các quận đã mất đất, tạm sinh sống trên lãnh thổ các quận phía nam sông Thạch Hãn) vì hoàn cảnh tổng quát tạo ra đời sống đó.

            Với các quận hồi cư, nghĩa là đồng bào trở về làng cũ thì đời sống đã tái lập tương đối có triển vọng. Các nhu cầu cho việc canh tác trồng trọt được giúp đỡ thích ứng. Cụ thể thì các xã nông nghiệp thuộc quận Hải Lăng, Triệu Phong và một phần Mai Lĩnh đã được cung cấp máy cày, loại lớn, nhỏ, lúa giống, phân bón loại urea và mixed, thuốc sát trùng v.v…Đồng bào định cư và hồi cư không có nhà ở thì đã được cung cấp gỗ làm nhà xẻ sẵn theo kích thước, tôn hạt mè, đinh, bù lon…Đồng bào ngư dân được cung cấp ghe thuyền, lưới dã cào loại lỗ lớn, nhỏ, máy đuôi tôm. Một số cá nhân có hiểu biết về máy móc, được khuyến khích mở các tiệm cơ khí nhỏ, dưới dạng hợp tác xã tự nguyện, để sửa chữa và bảo trì các máy đuôi tôm, máy cày…Hệ thống đường sá cầu cống được sửa chữa, tân lập. Hệ thống y tế cũng được chú ý hơn. Các chi y tế cấp quận tăng cường nhân số thuốc men, các trạm y tế cũng gia tăng theo nhu cầu dân chúng ở các xã.

            Đôi lần tôi đến thăm  một số xã nông nghiệp hồi cư thuộc quận Hải Lăng như Xã Hải Chánh, Hải Văn, Hải Nhi. Các xã trưởng cho biết đời sống đồng bào đang ổn định dần. Tôi đến thăm một cánh đồng lúa. Từng chọm lúa thần nông mập mạnh đầy sức sống chen nhau trên đám ruộng xanh rì bát ngát đang xô nhau  về phía trước theo cơn gió hiền hòa đồng nội, tạo nên những làn sóng mềm mại, phát tiếng rì rào êm tai. Tất cả đó hứa hẹn một mùa gặt rộn ràng náo nhiệt. Tôi bỗng nhớ câu kết luận của bài học thuộc lòng Nhành Lúa Mới, tác giả vô danh, trích từ tờ báo Tin Tức nào đó: trong lúc bom đạn tơi bời gieo rắc tang tóc và đổ nát thì ở đây người dân quê Việt Nam vẫn âm thầm gieo mầm sống… Tôi cũng biết là các hoa màu phụ như khoai lang, khoai tía, khoai từ, sắn (khai mì), bắp, các loại rau, trái như bí đao, bí ngô (bí rợ hay bí đỏ), các loại đậu phụng (phọng), xanh, trắng, đỏ, mè…cũng được mùa nhờ khí hậu điều hòa nắng mưa thích hợp. Các làng xã có nghề truyền thống cũng sinh hoạt bình thường như làng Phước Tích nổi tiếng chằm nón (làm nón), làm đồ gốm. Tôi mừng lắm.


            Một buổi xế chiều mùa hè, Trung Tá Kỳ tỉnh trưởng và tôi xuống thăm xã ngư dân Triệu Vân hồi cư thuộc quận Triệu Phong. Vì cố tình không báo trước cho chính quyền xã nên chúng tôi chỉ gặp vài viên chức xã đang giải quyết việc giấy tờ cho dân tại trụ sở xã. Thấy  chúng tôi tới các viên chức tỏ ra vui mừng  và nhiệt tình trình bày thực trạng vấn đề hành chính, đời sống hiện tại và triển vọng của ngư dân địa phương. Ông Trần Táo xã trưởng của xã này đang bận đi làm cá ngoài biển cùng gia đình con cháu, mặc dầu đã 82 tuổi. Tuy là xã trưởng được hội đồng nhân dân xã bầu lên (hội đồng này do dân bầu trực tiếp) nhưng thực tế chính ông xã trưởng là tộc trưởng của họ Trần, họ lớn, đông con cháu nhất xã. Các cử tri trong xã là con cháu gần xa của ông nên uy tín của ông khá lớn, tiếng nói của ông có giá trị thi hành với đồng bào trong xã. Chúng tôi rời trụ sở xã và đi vòng men theo bờ biển. Trời trong, nắng ấm, gió mát. Không khí biển mang cho tôi một cảm giác thoải mái và thanh thoát. Như hai du khách nhàn nhã trong cõi thanh bình, chúng tôi thả bộ đến gần một bãi cát đang có nhiều người ! Cũng nói thêm  rằng trung tá Kỳ tuy gốc gác là thủy quân lục chiến nhưng từ ngày nhận chức vụ tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng thì ông chỉ mặc áo bộ binh, nghĩa là màu xanh lá cây đậm, nôm na là màu cứt ngựa chứ không phải màu rằn ri. Tôi là viên chức hành chánh thường mặc loại áo gọi là “áo bốn túi”. Tay áo ngắn thích hợp khí hậu nóng. Những lúc làm việc hay họp hành anh em hành chánh thường cũng sử dụng loại y phục này thay bì “bộ đồ vét” vì gọn gàng và trông cũng “đàng hoàng”. Chúng tôi đi chậm rãi song song  để vừa được thư dãn chút ít vừa để trao đổi vài mẩu chuyện nhẹ nhàng. Hai tay thường vòng sau lưng như một thói quen. Chính tôi không biết “nhiễm” thói ấy từ độ nào ! Chúng tôi nhìn tới trước, thấy các ghe đánh cá gắn máy đuôi tôm từ từ tấp vào bờ sau lần ra khơi từ sáng sớm. Thân nhân đang chạy nhanh đến các ghe  máy để phụ kéo lên bờ số lượng cá đánh được. Nhìn các thanh niên ngư dân đánh trần với làn da nâu đậm rắn chắc, bắp thịt nổi cao phản chiếu ánh trời chiều, tiếng cười nói vô tư, tôi cảm nhận được sức sống mãnh liệt của đồng bào ở đây. Bỗng nhiên tôi sực nhớ bài thơ Tế Hanh tôi học từ bé về tình cảm mặn mà của trẻ em làng ngư dân: Làng tôi vốn làm nghề chài lưới. Nước bao la cách biển nửa ngày sông. Khi trời trong, gió nhẹ sớm mai hồng, Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá…nay xa cách lòng tôi buồn tưởng nhớ…nghe chất muối thấm dần trong thớ vó. Tôi cũng nhớ đến nhạc sĩ Phạm Đình Chương trong bài hát Tiếng Dân Chài và cảm thấy một cảnh tượng vừa đẹp mắt vừa thơ mộng an bình thích hợp với cảnh sống của ngư dân làng Triệu Vân này: đêm dâng với ngọn triều, dô hò dô, kéo thuyền nhổ neo, vi vu buồm lên cao, dô hò dô, sóng reo dạt dào…Anh em cùng ra đây, Con thuyền  đây tay chèo tay lái, Thấy đời nhọc nhằn mà vui..Tôi cảm thấy dâng lên trong lòng niềm thương yêu đời sống vô tư đơn giản của đồng hương ngư dân. Họ thường tỏ ra vui tươi với công việc, với nhọc nhằn. Họ ít thích sự nhàn hạ vô lối. Chính họ đang lưu trử và biểu hiện tâm hồn Việt Nam chất phát, siêng năng, nồng đượm tình quê hương. Nhưng cũng chính họ luôn luôn bị lừa phỉnh hoặc đe dọa bởi những mưu gian quỷ kế của bọn người cọng sản vong bản trong việc từng bước thực hiện một chủ thuyết ngoại lai phản dân tộc với những chiêu bài quái lạ. Họ chỉ cần có cơm ăn áo mặc, đau yếu có thầy, thuốc. Con cái có nơi chốn học hành nên người, sống theo đạo lý truyền thống tổ tiên, đóng góp phần mình cho thôn xóm làng nước. Họ không mơ ước viễn vông, mà sống thực tế. Họ không cần biết Marx, không cần hiểu chủ nghĩa cọng sản, chẳng thèm biết thế giới đại đồng…Nhưng nếu muốn thì cũng nên nhớ lại chính Marx, tổ sư của cái gọi là chủ nghĩa cọng sản, đã bị đả kích nặng nề bởi Bruno Bauer, cũng gốc Đức và sống đồng thời với Marx, chết 1882, trước Marx một năm. Thời đó, Bauer đã phân tích và nhận định rằng nếu học thuyết của Marx được áp dụng vào thực tế thì đó là một tai họa lớn lao cho nhân loại. Nhà triết học  này đã nói đúng…Bỗng Trung Tá Kỳ quay mặt phía tôi nói điều gì tôi không nghe rõ.Tôi hỏi lại thì được hiểu đó chỉ là câu trao đổi vui miệng trong những lúc thong dong ngắn ngủi của chúng tôi. Thói quen thông thường của hai chúng tôi là đi song song nói chuyện và ít khi nhìn nhau đối mặt. Tôi kể cho Trung Tá Kỳ nghe điều nhận xét thật nhỏ của tôi trong thời gian làm việc là dân chúng các xã ngư dân rất ít khi kiện tụng nhau mà thường đối xử rất tình nghĩa. Có lần, một ông trưởng ty lớn tuổi tâm tình với tôi rằng ông rất hãnh diện về gốc gác ngư dân của ông cho dù ông được học hành để làm công chức. Ông giải thích rằng đồng bào ngư dân có đời sống khá nhờ biển cả. Biển cả là ơn huệ chung của trời đất, không dành riêng cho ai nên không ai có thể tranh dành. Khi biển lặng gió êm thì cùng nhau ra khơi. Biển động sóng gầm thì ở nhà vui chơi với gia đình. Giản dị thế đó. Ông kết luận ngư dân chúng tôi không tham lam ích kỷ nhờ hoàn cảnh sống thiên nhiên. Từ đó tánh tình trở nên rộng lượng và ngay thẳng, xem như là một tập khí tốt đẹp. Cũng nhờ gió biển mà dân chúng ít bệnh tật…Tôi đang nghĩ miên man thì ông xã trưởng Trần Táo chạy đến trước mặt chúng tôi chào mừng thật nhiệt tình. Ông ái ngại nói là không nhận được tin của tỉnh nên không biết để tiếp đón kịp thời và đúng mức, xin bỏ qua. Chúng tôi vui vẻ bắt tay ông cùng nhiều đồng bào đến chào. Ông xã trưởng trình bày đại cương đời sống hiện tại và triển vọng tốt đẹp vì là ngư dân, bao giờ cũng thế, chúng tôi sống nhờ biển, không có gì để lo lắng. Vấn đề an ninh cũng tương đối được…Dứt câu ông nói một thanh niên cháu ông mang đến một con cá hồng biển khá lớn. Ông cho biết mùa hè là mùa của cá này. Có con nặng hai kí lô, con này nặng gần ba kí, thật đặc biệt. Chúng tôi gửi  lại một số tiền gọi là cám ơn lòng của ông. Chúng tôi bắt tay chào ông xã trưởng cùng mọi người rồi lên xe ra về. Ngồi trong xe, tôi cảm thấy yên lòng vì đời sống các xã ngư dân hồi cư đã tái lập và bình thường hóa nhanh chóng. Thật đáng mừng. Chúng tôi sống nhờ biển, bao giờ cũng thế. Câu nói còn vang vọng trong lòng tôi. Đúng rồi, biển này hiền lành nuôi sống ngư dân, đâu có phải là đại dương bi thảm, Oceano Nox mà thi sĩ Victor Hugo than thở vào tháng bảy năm 1836 thay cho các quá phụ của những thủy thủ đã bạc mệnh trên biển cả !

            Công vụ của tôi trôi tròn theo ngày tháng. Một số khó khăn và trở ngại được giải quyết một cách khôn khéo mà vẫn giữ được tánh chánh đáng. Những kinh nghiệm thủ đắc trong thời gian qua cũng giúp tôi khá nhiều trong vấn đề giao tiếp tế nhị  và đôi lúc phức tạp.


Nguyễn Ngọc Diệp


HOÀNG LONG HẢI- PHƯỜNG ĐỆ TỨ




Phường Đệ Tứ
Thị xã Quảng Trị, có khi gọi là thành phố Quảng Trị có 6 phường. Ấy là kể theo tình trạng trước 1945.
Phường Đệ Nhất và Đệ Nhị ở kế nhau, là khu vực nhà và phố chung quanh chợ Quảng Trị. Kể từ tiệm ăn Như Ý của bà mẹ Như Xuân + Định, - nhà ông Huy, - gia đình Thu Ba, Mỹ Lệ... dài ra tới sân Vận Động cũ, sau nầy là trường Nguyễn Hoàng là khu vực phường Đệ Tam. Từ đường Nguyễn Hoàng (trường Nguyễn Hoàng cũ), nhà bác Xạ Quí, thân phụ Quang Hiển, Bạch Mai... lên tới địa phận cầu Ga và nhà Ga Quảng Trị, là phường Đệ Ngũ. Tôi không nhớ chắc địa giới! Trước 1945, trong nội thành có hai trại lính. Vào cửa Hữu, đường bên trái là lối dẫn vào trại lính Khố Xanh (lính địa phương của Tây). Phía cuối thành cổ, là cửa Tả. Đây là khu vực công đường và tư dinh của các quan Nam Triều (triều đình Huế), gồm quan Tuần Vũ (tương đương tỉnh trưởng tỉnh nhỏ), quan Án Sát (tư pháp, tòa án), và quan Lãnh Binh (coi về binh lính). Sau khi Tây đô hộ, Nam triều không còn quân đội nên không còn quan lãnh binh. Canh gác và phục vụ cho quan Tuần Vũ, quan Án Sát thì có đội lính Khố Vàng.
Lính Khố Xanh và lính Khố Vàng đều là người Việt. Chỉ có một viên quản Tây chỉ huy lính Khố Xanh mà thôi. Gia đình lính Khố Xanh và lính Khố Vàng ở tại khu nhà trên “thượng thành”, tức là bờ đất phía trong của thành - phía ngoài xây bằng gạch -. Khu nhà “thượng thành” nầy nằm ở góc “tây nam” thành cổ, góc ngó ra sân vận động cũ. Khu nhà nầy, không quá một trăm nóc gia, được lập thành một phường, gọi là phường Đệ Lục.

Hồi còn nhỏ lắm, có lần tôi lên khu nhà “thượng thành” nầy. Trên đó, có nhà một người đàn bà, tôi gọi băng dì. Bà ấy là bạn của mẹ tôi, nên gọi bằng dì, theo phong tục người Việt Nam thời ấy. Tên chúng tôi thường gọi là “dì Chạy”, chồng làm cai lính Khố Xanh, là mẹ của thiếu tá Lê Bá Mùi (anh) và thiếu tá Lê Bá Ngọ (em), Biệt Động Quân. Sau 1945, dì dựng nhà ở phía ngoài Cửa Tiền, trong khu vườn của cụ Đốc Hy, có cửa hàng bán guốc tại chợ Quảng Trị. Ông chồng của dì hình như lúc đó đã qua đời.
Lần thứ hai tôi lên khu nhà “thượng thành” nầy là khi có trận đấu bóng đá ở sân Vận Động, trước 1945, có bán vé. Ba anh em tôi, còn nhỏ, không có tiền mua vé, bèn trèo lên khu nhà nầy, đứng trên thượng thành mà xem. Xa lắm, không thấy rõ, buồn tình bỏ về.
Sau năm 1946, Tây đóng trong cổ thành, dinh thự các quan Nam Triều không còn, dân chúng trên khu “thượng thành” bị Tây đuổi đi hết, thành ra phường Đệ Lục cũng bị “xóa sổ”.

“Phường Đệ Tứ của tui” ở chỗ nào?

“Lãnh thổ” phường Đệ Tứ thị xã Quảng Trị, chính yếu là khu dân cư, nằm dọc theo đường Cửa Hậu, tên cũ, thời Đệ Nhất Cộng Hòa đặt tên mới là Lê Văn Duyệt. Ông là một đại công thần nhà Nguyễn, nhưng lại là hoạn quan, nên tôi hơi buồn cho ông ta một chút! Đền thờ ông Lê Văn Duyệt ở Gia Định là Lăng Ông đấy, rất nổi tiếng “linh thiêng”.
Như vậy, người ta có thể kể phương Đệ Tứ là từ bờ sông Thạch Hãn, đầu đường Lê văn Duyệt, đến cuối đường, thường gọi là “Góc Bầu” - tại sao gọi là Bầu, bà cô nào có bầu hay xóm ấy có hình dạng như trái bầu? Tôi không rõ. Góc Bầu là ngã ba: đường Lê Văn Duyệt, nối góc vuông với đường Lê Văn Duyệt là đường Cửa Tả, tên sau nầy là Trần Cao Vân. Thứ ba là đường về làng Trí Bưu, cuối đường về Trí Bưu nầy là bến đò Ba Bến.

Tại Góc Bầu, có xóm Thợ Rèn, thuộc thổ địa phường Đệ Tứ. Sát đó, nhà Thầy Võ Lộc, giáo viên trường Tiểu Học Quảng Trị, thầy giáo lớp ba của tôi, đất làng Trí Bưu. Ba bốn lò rèn ở Xóm Bầu là của mấy ông thợ rèn họ Hoàng làng nội tôi - làng Hiền Lương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Làng Hiền Lương nầy là làng rèn. Các ông thợ rèn bà con họ Hoàng với tôi nói trên là các ông Hoàng Lem, Hoàng Vân (em ông Lem?), Hòang Kiểu, v.v... Thợ rèn khéo tay, từ rèn sắt, sau thành “thợ nguội”, rồi đóng xe hơi, rồi làm chủ xe hơi. Trước 1975, phần đông khá giả.

Từ ngã ba Góc Bầu, lên tới Cửa Tả, là hết địa phận phường Đệ Tứ. Từ Cửa Tả trở lên, thuộc phường Đệ Tam.
Đúng ra, địa giới phường Đệ Tứ, phía bờ sông, bắt đầu từ một con đường xóm nhỏ, gọi là đường Xóm Heo. Con đường xóm nầy, nối với đường Lê Văn Duyệt, chỗ sát Miếu Đôi (ngay góc bờ sông). Xóm Heo chuyên làm heo và bán thịt heo, ở phía trong. Bên phải đường xóm là đất phường Đệ Tứ, bên trái là đất làng Cổ Thành. Khu vực Chùa Tỉnh Hội, nhà Thầy Trợ Lẫn (Hồ Ứng Lẫn -1-), nhà ông ấm Cảnh (Hoàng Hữu Cảnh, bố nhà thơ Cuồng Vũ - Hoàng Hữu Chỉ -, quê làng Bích Khê), - Sau nầy ông Bùi Đình Diệp, (bố Bùi Đình Chi), và ông Minh Tuấn, chủ tịch Hội Quảng Trị Atlanta hiện nay, thuê ở nhà nầy; nhà cựu thiếu tá Lê Văn Tịnh (em rể tướng Lãm), nhà Thầy Trợ Hào (Hồ Xuân Hào), thuộc đất làng Cổ Thành. Hầu hết Xóm Heo đều ở trong đất phường Đệ Tứ.
Đất phường Đệ Tứ và thị xã Quảng Trị, ngày xưa, thời Gia Long, khi chưa xây thành cổ là đất làng Thạch Hãn.

Trong các năm chiến tranh 1945-54, lý trưởng làng Cổ Thành thường “lưu vong” vì sợ Việt Minh, dân khu xóm thuộc làng Cổ Thành nói trên, muốn xin giấy tờ, gặp ông lý trưởng cũng khó, nên dân chúng “tiện đâu xâu đó”, bèn xin ông phường Trưởng phường Đệ Tứ chứng giấy luôn cho họ. Anh Xạ Thử (xã trưởng, gọi theo địa phương là Xạ), - nhà sát nhà tôi nên quen biết, anh em chúng tôi thường gọi bằng anh - là người dễ tính, không tiếc gì chữ ký và khuôn dấu, nên ký tên đóng dấu luôn, quen thì miễn lệ phí, lạ thì đóng vài chục đồng cũng xong. Dần dà, làng Cổ Thành mất dân, phường Đệ Tứ thêm dân mà chẳng ai quan tâm. Thời chiến tranh loạn lạc, đâu có ai để ý làm gì. Thành ra, đất phường Đệ Tứ lấn ra đất làng Cổ Thành mà chẳng thấy thưa kiện gì cả, khác với thời xưa.
Anh Xạ Thử, tên đầy đủ là Lê Văn Thử, làm lý trưởng từ khi chính quyền tái lập, năm 1947, 48 gì đó. Chỗ nhà anh ở và cái chức lý trưởng nầy, là anh “nối nghiệp” của nhạc phụ anh: ông Xã Hưng. Sau năm 1945, ông Xã Hưng ở riệt trong quê, làng Cu Hoan, không hồi cư, nên cái chức lý trưởng thuộc về người con rể. Khi ông Xã Hưng còn làm lý trưởng phường tôi, tôi còn nhỏ lắm, nên tôi không biết gì nhiều về ông ta, nhưng tôi biết “anh Mọ” - là “thằng mõ” đấy. Anh người cùng làng với ông lý trưởng, tới đây ở để học may, với anh Thử là cái nghề gốc của anh ấy. Tôi không phải là người yêu âm nhạc, nhưng mỗi khi “anh Mọ” cầm mõ đi rao, thì tôi thích thú chỏng tai lên mà nghe: “Cóc, cóc, cóc...” Cũng thời gian đó, khi máy bay Mỹ tới oanh tạc lính Nhựt, cậu mạ tôi sợ nguy hiểm, cho chúng tôi tản cư về làng Nại Cửu, tạm trú tại nhà một ông đội Khố Xanh, là bạn của ba má tôi. Có đêm, nằm trong nhà, - nhà quê, không có đèn điện đi ngủ sớm - nên buồn lắm, tôi nghe có tiếng rao mõ, làm tôi nhớ “anh Mọ” phường tôi, nhưng cách rao ở đây, “lạ” hơn. Anh con trai ông Đội rao lại lời thằng mõ, nhưng có “edit” như sau: “Cóc, cóc, cóc... Ai có lồ... mốc thì đem ra phơi, kẻo mai động trời, phơi không được.” Có lẽ “lời edit” không phải của anh ấy, mà của nhân dân. Nhân dân thì cái gì cũng hay khiến thằng bé nầy nhớ lâu.
Đến thời Ngô Đình Diệm, “Tập Đoàn Công Dân” có trụ sở tại nhà Thầy Lệ, là một tổ chức làm “ngoại vi của đạo Thiên Chúa và chính quyền”, yêu cầu anh Xạ Thử phải “trở lại đạo” nếu muốn giữ cái chức “Phường trưởng” - “phường trưởng” là “cách gọi dân chủ” của chế độ mới đấy. Anh Xạ Thử than với mẹ tôi: “Chị coi! Tui bỏ “ôông bà răng” được!” Anh Xạ Thử xin vô làm Cảnh Sát, bỏ xứ mà đi nhận việc mới. Từ đó, gia đình anh đi mất. Sau đó thì anh Hoàng Kiểu, thợ rèn ở Xóm Bầu, được Tập Đoàn Công Dân cho thay chức anh Xạ Thử. Anh Hoàng Kiểu là dân thợ, học hành ít, không có khả năng. Anh chỉ làm bù nhìn để Thầy Lệ, thay mặt cho Tập Đoàn Công Dân, ngồi ở đằng sau mà giật giây. Cũng nhờ sự thay ghế, đổi chỗ nầy, mà trong cuộc bầu cử dân biểu năm 1958, Bà Lê Thị Ngộ, hiền thê cụ Tôn Thất Dương Thanh, được nhiều người bỏ phiếu cho mà lại thất cử, trong khi “thầy giáo làng (Hội Yên), nghề chuyên môn “xăng xít đít đui”, ít ai khen mà lại “đắc cử vẻ vang”. Đời bây giờ, có nhiều cái “vẻ vang”, “vinh quang” rất buồn cười!!! Tây cũng nói: “Oh! C'est la vie!!!!” mà.

Thổ địa phường Đệ Tứ thẳng mà không bằng. Khu vực gần bờ sông thì thấp, nên khi có lụt lớn thì bị ngập. Nhà mẹ tôi, chỗ thấp, lội nước lụt trong nhà là chuyện thường. Khu vực gần thành cổ thì cao, nước lụt không tới viếng. Khu đất nầy cao là nhờ khi đào hào thành, đất được đắp lên ở đây.

Trước 1955, trên đường Lê Văn Duyệt, nhà dân chỉ ở một phía, phía đối diện với thành cổ. Sau nầy, dân ngụ cư càng ngày càng đông, dân chúng mới dựng nhà phía bờ hồ. Góc đường Ga (Trần Hưng Đạo) và đường Cửa Hậu (Lê Văn Duyệt), có một bãi tha ma nhỏ, những nấm mộ nhỏ là nơi chôn những bào thai bị hư do bệnh viện Quảng Trị, gần đó, đem chôn. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, phía bờ hồ, ty Ngư Nghiệp cho đào một hồ nuôi cá phi giống để cung cấp cho dân, rào kẽm gai rất kỷ vì sợ chồn cáo. Nhưng chỗ đất nầy thấp, thường bị nước lụt, cá giống theo nước lụt “di tản” hết. Cá cung cấp cho dân chúng được mấy lần, sau đó, ít ai nuôi cá phi, vì Việt Cộng tuyên truyền Mỹ đem cá phi qua cho dân Việt Nam, ăn vào mắc bịnh phung mà chết cho mau, cho hết, để Mỹ lấy đất của nước ta đấy. Việt Cộng tuyên truyền như thế mà cũng có nhiều người tin, lạ chưa?!

Phường tôi không có chùa, chỉ có 2 ngôi miếu. Đầu bờ sông có hai cái miếu kế nhau, trên nền cao, tục gọi là “Miếu Đôi”. (2). Miếu nầy của làng Cổ Thành, việc cúng tế do làng nầy chăm lo. Đối diện với bãi tha ma tôi vừa nói trên là một “khu miếu”. Gọi là khu vì có nhiều ngôi miếu kề nhau, trong một khu đất khá rộng. Hình như miếu nầy thuộc làng Thạch Hãn, về sau, ông Xạ Thử phường tôi lo việc cúng tế hàng năm.
Phường tôi không có Chùa. Sau năm 1954, nhờ hòa bình, đời sống tôn giáo lại hồi sinh, phường có “Khuôn hội”. Khuôn trưởng đầu tiên là đại úy Đối, thân phụ của “con nhỏ học trò” B. Thảo. Gia đình nầy là dân di cư, mua lại nhà ông Thị Quế. Khuôn trưởng kế là bác thợ Khấu, thân phụ đại úy Võ Bang. Bấy giờ bác Cửu Luân, dọn nhà ra Đông Hà, bác “cúng” chỗ đất nhà của bác cho khuôn hội. Phật tử góp công, góp của dựng lên một “Niệm Phật Đường” ở đấy để dân chúng lui tới thờ lạy Phật và làm trụ sở cho khuôn hội.

Dân phường Đệ Tứ hầu hết là dân ngụ cư, nghĩa là không có ai bản quán ở đây cả. Không ít gia đình thuộc lính tráng (binh nhì - đơ-dèm cùi bắp), bếp (binh nhứt), cai, đội Khố Xanh... thời Pháp thuộc, đóng ở trong thành cổ: Tên các nhà tôi thường thấy là nhà ông Quản (thượng sĩ thời Tây), nhà ông Đội (trung sĩ), nhà ông Cai (hạ sĩ), nhà bác Bếp... Ông ngoại tôi quê ở làng Nhan Biều, bên kia sông, đi lính Khố Xanh, đóng loon “cai”, bà ngoại tôi người làng Cu Hoan, thuộc phủ Hải Lăng. Từ những cái “loon” cai, bếp nầy, mà hồi nhỏ tôi thường nghe câu nói đùa, vần B: “Bà Ba béo, bán bánh bèo, bên bộ Binh, bị bác bếp Bình bắt bỏ “boóc” ba bốn bựa” (đúng ra là bữa)
Dân chúng phần đông là dân lao động, và nghèo. Vài gia đình khá giả có sạp buôn bán ở chợ Quảng Trị, không ít người “buôn gánh bán bưng” - bán hàng rong như cháo lòng, bún bò (không có giò heo như ở Huế,) - cháo bò. Bún bò, không có giò heo, ăn với bún gạo đỏ là “hết sẩy”. Mùa hè thì bán đậu hủ. Đó là nghề mấy chị, mấy bà (tôi thường gọi là mợ hay dì, hay chị tùy theo có bà con hay không). Đàn ông thì làm thợ may, thợ nề (hồ), thơ mộc, thợ rèn. (3)
Phường tôi có mấy lò: Lò heo ở Xóm Heo, lò đậu hủ ở gần giữa phường, gần nhà bác Nẫm, thân phụ đại tá Bé; lò bánh ướt của gia đình Thầy Lệ, y tá (Tống Viết Lệ, thân phụ trung tá Biệt Đông Quân Tống Viết Lạc, Tống Thị Hồ và Tống Thị Sen); một lò bánh ướt nữa, ở Góc Bầu, tôi không rõ lắm. Rạp mộc Bác Khấu, rạp mộc ông Thú, ở Xóm Heo, rạp mộc thân phụ anh Võ Vọng, giáo viên. Lò rèn ở Góc Bầu, và một “xưởng đặc biệt”: “Xưởng Đẻ” (nói theo kiểu Dziệt Cộng), tức là “nhà hộ sinh” của mẹ tôi. Khi mẹ tôi dẹp “xưởng” thì một “xưởng mới” mọc lên, của Bà Hóa, mẹ của anh Trần Công Pháp, ở Góc Bầu.
Dân phường tôi hầu hết là “em ông quận công”, theo ý nghĩa câu tục ngữ “Nhất quận công, nhì ỉa đồng”. “Nhà vệ sinh” - nói thế cho văn minh một chút, là cánh đồng của làng Cổ Thành, chỗ có con “đường Ngự” - đường vua đi, từ cửa Hậu nối tới sông Vĩnh Định. Dân xóm tôi thì xuống “núp sau những bụi rù rì” ở bãi cát trước chùa Tỉnh Hội. Bụi rù rì là những bụi cây có tên như thế, chớ không phải ai hẹn ai sau những bụi cây đó mà nói chuyện rù rì. Sau khi nước thủy triều lên, thì dấu tích phân Bắc đều xóa sạch, chớ không phải có “con thuyền Nghệ An” đến vét sạch chở đi.

Tuy là dân ngụ cư, chữ nghĩa ít, nhưng con cái của họ đều học hành thành đạt: Đoàn Mâu, em ông cảnh sát Đoàn Quang, là thiếu tá, có thời làm quận trưởng Triệu Phong; thiếu tá Hồ Nậu, con ông Hồ Don; thiếu tá Hồ Xuân Anh, con thầy trợ hào; Trần Văn Tây, con ông Đội Chức, tốt nghiệp Đại học sư phạm, ban Anh Văn; Đại tá Nguyễn Bé, và em là thiếu tá Nguyễn Cẩm (“khách thường trực” của cát-xô Dziệt Cộng); thiếu tá Ngô Thu Thiện, con trung úy Ngô Lương; trung tá Tống Viết Lạc; thiếu tá Khanh, con ông Cai Ngữ; thiếu tá Khôn; thiếu tá Phương, con ông Xạ Lịch; thiếu tá Đỗ Văn Nghiêm, con bác Quản Xuyến; trung tá Dù Nguyễn Lô. Mẹ tôi sinh 4 người con trai: Ông anh cả, Hoàng Thế Thạnh, tức Hồng Quang, chủ báo Ý Dân ở Huế, báo chống Tây, chống Việt gian, bị thủ tiêu năm ông mới 21 tuổi. Anh kế tôi là Hoàng Thế Lợi, tôi và cố thiếu tá Hoàng Ngọc Hùng, em út. Con trai mẹ tôi, một người chết vì phe bên nầy, một người bị giết vì phe bên kia. Anh Lợi tôi đi tù vượt biên về không bao lâu thì qua đời.
Phường tôi sĩ quan cấp úy không thiếu chi, kể không hết. Loon lá như vầy, tù cải tạo về sớm thế nào được, ít ra cũng 5 – 7 năm nên đi HO cũng bộn lắm. Ở Mỹ, có nhiều Hội Quảng Trị, tình hình cũng na ná như thế cả.
Trước 1945, xứ tôi chỉ có vài nhà ngói. Đó là nhà Thầy Trợ Lẫn, nhà ông Võ Liêu, nhà ông Xạ Lịch, còn ngoài ra toàn là nhà tranh. Từ 1950 về sau, nhà ngói dần dần mọc lên. Đó là nhà ông Quản Bật, ở chỗ đất cũ của nhà Từ Thiện, sau bán lại cho thân phụ anh Võ Tư Đản, lại xây thêm lầu; nhà ông Đội Chức, nhà Thầy Lệ, nhà Bác Cai Lạp, nhà anh Lân, giáo viên; nhà cô Cơ, vợ thiếu tá Võ Lý; nhà anh Đỗ Văn Nghiêm, nhà ông trung úy Trương Lợ (thân phụ Trương Văn Thông, Trương Văn Hoàng).

Về dân “cố cựu”, nghĩa là sinh sống ở đây từ trước 1945, không rõ thời gian nào, thì có gia đình tôi. Bà chị cả của tôi sinh năm 1925, lúc đó cha mẹ tôi vừa khoảng 20 tuổi, như vậy, gia đình tôi cư ngụ ở đây trước khi “cậu mạ tui” có con đầu lòng. Khi tôi vào Sói Con, anh Trần Văn Vệ, con ông Đội chức là huynh trưởng của tôi, đã có nhà ở chỗ sau nầy. Gia đình Thầy Trợ Hào, Thầy Trợ Lẫn, ông Xạ Lịch; gia đình Thầy Lệ; gia đình ông Trương Lợ; gia đình mẹ Hoàng Văn Thị, Thị gọi tôi bằng anh, con dì, phần đông có thể gọi là “cố cựu”.
Những gia đình cố cựu, tản cư năm 1945, rồi đi luôn, không hồi cư thì có thể kể: Nhà ông Thị Quế, thân phụ ông Phấn, sau nầy làm giáo sư ở trường Nguyễn Du, Huế; gia đình ông Thị Bàng, sau dời lên phố chợ; gia đình ông Võ Liêu, bị Việt Minh giết năm 1947; nhà ông Đoàn Hòe, tản cư ra Thủy Ba, Vĩnh Linh, sau tập kết ra Bắc; vợ thứ hai ông Đoàn Hòe, “dì Lý”, sau nầy hồi cư, bà nầy bán nem chả ngon nổi tiếng.

Danh giá nhất là gia đình ông Ưng Siêu?
Tại sao có một ông Hoàng lưu lạc ra xứ quê mùa nầy?

Ông Ưng Siêu, còn có tên là Ưng Ly, con ông Hồng Chiêu, ông Hồng Chiêu là con trưởng vua Thiệu Trị. - Trong Việt Nam Sử Lược thì gọi là Hồng Bảo thay vì Hồng Chiêu -. Vì việc tranh ngôi giữa Hồng Bảo va Hồng Nhậm, - tức vua Tự Đức, mà Hồng Bảo bị bức tử. Đến đời Ưng Siêu, ông dính líu vào vụ Cao Bá Quát, thường gọi là “Giặc Châu Chấu”, nên bị tước bỏ “quốc tính” (họ vua), đổi tên là Nguyễn Siêu và bị đuổi khỏi kinh thành. Ông Nguyễn Siêu về sinh sống tại Quảng Trị. Con cháu đổi từ “Nguyễn Phước...” ra “Nguyễn Thành...” Các ông Nguyễn Thành Đăng, có thời làm quận trưởng Trung Lương, em là Nguyễn Thành Hương, nguyên chánh sở giáo dục Phú Yên, là con của ông Nguyễn Khánh (ông Ngự Khanh) tên trong gia phả là Bửu Khánh, là con của ông Ưng Siêu.
Vợ thứ sáu của ông Ưng Siêu là bà Nguyễn Thị Giao, thường gọi là Bà Nghè, nhà ở xóm đại tá Bé. Bà có hai người con gái lớn tên là Diệu, còn gọi là Bà Kỳ (chị), lấy chồng Tây, sau đi Pháp. Người kế là Nguyễn thị Nam Hy, còn gọi là bà Kỳ (em), tên trong gia phả là Công Tằng Tôn Nữ Kim Hy (hay Nam Hy?), và một người con trai tên là Nguyễn Thành Quế, (Vĩnh Quế) làm trưởng chi thông tin thị xã Quảng Trị (khoảng 1950) và các anh Nguyễn Thành Ngô, Nguyễn Thành Đồng. Gia đình nầy cũng rời khỏi phường Đệ Tứ vào thời gian ấy.
Bà Kỳ (em) là vợ thứ hai ông Xã Bào (Võ Bào) là thân sinh anh Võ Tử Đản (xin xem bài Làng Nại Cửu), cách nhà mẹ tôi chỉ có một cái hàng rào. Bà có người con trai riêng là Trương Đá, trung úy Dù (4) và ba con gái là An (hiện còn ở Quảng Trị), Mỹ (tên là Mỹ nên ở Hoa Kỳ?), và Tịnh hiện ở Hà Nội.
Một chuyện “động trời” thứ hai:
Năm 1949, “ông quan ba” Khanh từ trong Nam về. Hồi ấy, chưa gọi thiếu úy, trung úy, v.v... mà gọi như hồi còn Tây: “quan hai”, “quan ba”... Ông Khanh, người phường tôi, sau khi đậu tiểu học khoảng đầu thập niên 1940 thì lưu lạc vào Nam kiếm kế sinh nhai. Gần 10 năm sau, ông về, mang “loon quan ba”, quân đội Cao Đài. Ông đội ca-lô, quân phục kaki vàng, ba gạch trên cầu vai, tướng tá cao ráo, đẹp trai. Dù là quân đội Cao Đài, mang trên vai cái “loon quan ba” cũng le lói lắm, không thiếu cô bà chạy theo.
Ông về thăm bà mẹ già mà ông xa mẹ từ lâu. Thế rồi ông ta dựng một ngôi nhà tranh, rước mẹ về ở. Để mẹ có bạn chuyện trò, ông mời mẹ con “dì Lý” về ở chung, và cưới chị M., nhà ở làng Thạch Hãn làm vợ, để vợ chăm sóc cho mẹ. Ông ta nói chưa có vợ, chị M. là vợ cả. Trước khi về lại miền Nam, ông dặn vợ “vườn dâu em đốn, mẹ già em thương”, mặc dầu chẳng có vườn dâu. Lâu lâu ông sẽ về thăm. Khi nào mẹ qua đời, ông sẽ về “rước vợ”, để “thiếp theo chàng”.
Thế rồi việc đời đâu có như lời ông nói, mà theo ý ông làm. Không mấy lâu sau, mẹ ông qua đời, chị M. vào Nam tìm chồng chưa được mấy hôm thì lại hát bài “đường về quê”. Té ra ông ta có vợ con đùm đề ở Tây Ninh rồi. Chị M. gặp bà ấy, không biết bà vợ ông ta hiền dữ như thế nào, nhưng việc “Cô Quờn đốt chồng” là cái nét chung của mấy bà Nam Bộ, khiến chị M. lo dọt lẹ về quê để bảo toàn tính mạng. Dân chúng phường tôi lại náo động lên vì chuyện tráo trở, thủ đoạn của một con người. Ông ta có tính chuyện vợ con gì đâu, chẳng qua, ông “mướn khéo” một cô gái “đi ở đợ không công”, để chăm sóc mẹ già thay thế cho ông. Mẹ ông qua đời rồi, ông cắt đứt “sợi giây tình” một cái rẹt, chẳng một chút thương xót nào cả. Về câu chuyện nầy, mẹ tôi nói: “Thằng nớ làm rứa, mạ hắn chết xuống âm phủ mắt còn mở trừng trừng”.

Dân phường tôi là dân lao động, làm chi có tiền để chơi Tơ-nít, chơi bóng rỗ. Cứ một trái bưởi, cả chục thanh niên kéo nhau ra ruộng, chia phe đá banh cũng vui chán. Cũng nhờ vậy mà các anh Tẩu, anh Bái, anh Phục, anh Mông trở thành cầu thủ hay đội bóng tròn của tỉnh. Và mấy anh rủ nhau đi “Nam bộ kháng chiến”, rồi theo Việt Minh, sau thành Cộng Sản. Hai ông Bái và Phục, sau 1975, hồi kết về Saigon, hai ông đều là đại tá không quân Việt Cộng, dân vô sản trở thành đại tư bản. Thế cũng là “hy sinh cho dân tộc” đấy!

Tội nghiệp thằng Tâm!
Anh Mông em ông Hà, ông Hải ở Xóm Heo, đi “Nam bộ Kháng chiến” về, cưới chị Cháu, đẻ ra thằng Tâm. Xong rồi để thằng Tâm lại cho hai bác nuôi, hai anh chị kéo nhau lên chiến khu Ba Lòng rồi tập kết ra Bắc. Thằng Tâm lớn lên, không cha không mẹ, thiếu người chăm sóc dạy dỗ, học hành chẳng tới đâu, lêu lỗng, ăn cắp, ăn trộm, phá xóm phá làng. Đại tá Bé về đám ma ông thân sinh, bị Thằng Tâm nhơn cơ hội “tang gia bối rối”, chôm mất cái ví. Tiền bạc không quan trọng, nhưng còn giấy tờ. Tôi nói đùa, ông Bé sợ mất cái thẻ “Xịa” là kẹt lắm. Cả bọn ngồi uống cà phê với tôi đều cười, cho rằng tôi nói có lý đấy. Ông Bé phải cho người tìm thằng Tâm năn nỉ. Nó trả lại cái bóp, tiền nó giữ lại, như lời hứa của ông Bé. Tới tuổi “quân dịch quân gà”, thằng Tâm đi lính. Dân Quảng Trị, bị đưa tuốt vô miền Tây cho khỏi đào ngũ. Rồi nó tử trận đâu trong ấy. Gia đình nhận cái “giấy báo tử”. Thế là xong. Chỉ là thằng lính “đơ dèm cùi bắp”, chết đâu chôn đó, ai hơi đâu mà “con đò đưa xác” về quê. Cái “vinh quang của đảng” (CS) thì anh Mông chị Cháu cùng chia với đảng, nhưng nỗi ngậm ngùi “không cha không mẹ chết rấp ở đâu không ai biết” thì thằng Tâm một mình ôm xuống tuyền đài. Ai bảo đời không có gì gọi là mai mỉa!!!???

Lại chuyện điên mà chết của anh chàng Trần Văn Đại.
Đại là con ông Đội Chức, em Trần Văn Tây, bạn học của tôi.
Đầu thập niên 1950, ông Đội Chức lấn đất của cái miếu ở ngã ba Trần Hưng Đạo - Lê Văn Duyệt, dựng một cái nhà ngói. Việc nầy là không nên. Cái khu vực miếu nầy là linh lắm. Người người nói vậy. Tin hay không tin thì cũng lắm người sợ. Lê Văn Tịnh kể, một buổi trưa anh ta nằm nghỉ mệt trên bãi cỏ, gần miếu, sau một trận đá banh “chết bỏ” với mấy đứa bạn cùng lớp ở cái bãi tha ma bên kia đường. Đang tơ lơ mơ, Tịnh thấy “xẹt” một cái ngang trời. Tịnh nói: “Chắc là Bà về miếu”. Một hôm, tôi thấy bông sứ trong khu miếu thơm lắm, tính trèo cổng vào hái trộm đem về ướp vào sách chơi, nhưng cũng sợ Bà nên không dám vào. Ở nước ta, bông sứ thuộc loài hoa “linh thiêng”, chỉ được trồng ở các đền chùa miếu mạo. Vào miếu bẻ bông của Bà chắc là “đắc tội”, Bà không mấy rộng rãi, khoan dung:

Bàng hoàng cõi mộng Hương Khê
Vườn ai sứ trắng rụng về Tây Thiên.
(Hoàng Xuân Sơn – “Huế buồn chi”)
Đâu có phải vườn ai? Vườn Chùa, vườn miếu đấy!
Chùa, miếu là đất linh thiêng, vì ông đội Chức chiếm đất của Bà nên Trần Văn Đại mắc bịnh điên. “Bà bắt đấy”. Người ta đồn vậy. Cuối cùng, chạy đủ hết năm thầy bảy bà nhưng Trần Văn Đại cũng phải vào cõi âm, “đi mây về gió” để theo hầu Bà mà chuộc tội “lấn đất” của cha.

&

Sau khi Tây trở lại, phường tôi có sẵn mấy thầy cai, thầy đội, quan quản từng đi lính Khố Xanh, ra làm lính với Tây, rồi chuyển qua lính Bảo Vệ của Hội Đồng Chấp Chánh Lâm Thời, sau chuyển qua Quân Đội Quốc Gia mới thành lập. Cũng có vài ba gười đi lính Partisan Commando của Tây, đi lính Quốc gia.

Những người mới, đi khóa sĩ quan đầu tiên là anh Nguyễn Bé, sau nầy là đại tá, anh Đỗ Văn Nghiêm, sau nầy là thiếu tá Pháo binh, và ông anh kế tôi, Hoàng Thế Lợi. Anh Bé là con trai đầu bác Nẫm, trước 1945, bác Nẫm sắm xe hơi Vedette để đi chơi. Ông với một người bà con, - thân phụ nhà thơ kiêm vỏ sĩ Như Bi, - làm nghề xe hơi, chạy đường Đông Hà - Savanankhet (Lào), trúng độc đắc một triệu đồng Đông Dương. (lương ba tôi lúc ấy chưa tới một trăm đồng một tháng). Sau 1947, gia đình tới ngụ cư ở phường tôi. Năm đó, có khóa 4 Sĩ quan ở trường Võ Bị Địa Phương / Đập Đá Huế. Ông Bé mới cưới vợ, sau khi cho chúng tôi ăn một chầu, uống rượu Anis đã lắm, ông kiếm đường sinh nhai. Có con đường nào tốt hơn binh nghiệp. Thế là ông Bé rủ hai ông cùng phường, ông Nghiêm và ông Lợi cùng nhau nhập ngũ cho có bạn bè. Anh Lợi tôi lúc đó đang đi học, có lần nói với tôi: “Tao thấy ông Nguyễn Thanh Sằng mang loon quan một ngon lắm.” Thế rồi ông sửa giấy khai sinh cho đủ 18 tuổi để đi lính cùng khóa với ông Bé.
Thời đại tôi, sau hiệp định Genève có khác đi, “hòa bình” rồi, sự học phát triển, binh nghiệp ít ai ưa. Vã tôi cũng không có số làm quan. Tôi đi khóa 8 Quốc gia Hành chánh, rồi lại nộp đơn khóa 8 Sĩ quan Hải quân Nha Trang, lại cũng xin đi khóa 13 Võ Bị. Ông anh tôi “phán” một câu: “Chừ mi lo thân mi, nghĩ chi tới em út.” Nghĩa là Hùng móm, Lựu còn đi học. Tôi không lo cho em thì ai lo? Mẹ tôi già rồi. Vậy là tôi vừa học vừa dạy, nuôi thân và nuôi em. Chẳng có chi phải than van, khi mẹ và các anh chị em đều vui. Hai đứa em tôi vẫn tiếp tục cắp sách, trong khi tôi thì nửa đời nửa đoạn, lỡ dịp thời trai trẻ “thi gan với đời, với sương gió”... mãi đến 1968, cùng nhập ngũ với đám học trò của tôi.

Bạn nối khố của tôi ở thị xã Quảng Trị đông lắm, nói chi tới phường Đệ Tứ. “Thằng” mà tôi thương nhất là Nguyễn Cẩm, bạn học với tôi từ lớp Ba, em ông Bé. Tôi thường “làm quân sư quạt mo” cho nó, trong việc khuyên: “Thôi mày đi lính đi cho rồi!” vì Cẩm “văn chương phú lục” học trước quên sau. Tôi còn làm “quân sư” cho Cẩm ra tòa ly dị vợ, sau khi tôi và Cẩm, “được tha ra khỏi trại cải tạo” (chữ trong lệnh tha đấy). Người thứ hai, Trương Văn Thông, là anh bạn nối khố trước 1945, khi học chung lớp Đồng Ấu với Cô Hồ. Anh có đạo Thiên Chúa, nhưng là người độc nhất, đi biểu tình cùng tín đồ Phật giáo, hô to: “Lương giáo Đoàn Kết” do Việt Minh tổ chức năm 1946. Thông mồ côi mẹ khi mới 1 tuổi. Mẹ kế, cũng là dì ruột, “hiền” tới mức khiến anh ta phải làm “Thầy Mẫn Tử”. Bố là trung úy Quân đội Quốc gia, có tiền, có nhà ngói, nhưng Thông thì “đói triền miên”. Bà dì càng rầy, Thông bỏ nhà đi hoang càng nhiều. Bố về nhà, tìm Thông cho ít trận đòn về tôi ăn cắp tiền của dì. Hơn mười tuổi, Thông đã là “thiên tài” về tội làm “chìa khóa giả”. Chờ dì ngủ say, anh ta lấy chìa khóa, in vào cục xà bông, nhờ một người quen thợ rèn, làm cho một cái chìa khóa giả. Từ đó, anh ta có tiền tiêu đều đều, không còn “đói triền miên” nữa. Ba dì bỗng thấy tiền để trong rương, cứ 10 tờ bỗng mất vài tờ. Bà ta nghi Thông, nhưng không bắt được.
Có lần tôi hỏi Thông: “Mày ăn cắp tiền của dì. Chủ nhật đi lễ có xưng tội với cha không?”
“Có chứ sao không!” Anh ta trả lời.
“Cha nói răng?”.
“Cha biểu đừng!” Thông trả lời.
“Rồi còn ăn cắp tiền nữa không?” Tôi hỏi.
“Không ăn cắp, lấy chi sống?” Thông lại trả lời tôi.
Đời là vậy. Có khi ăn cắp, ăn trộm không phải là xấu.

Tới thời của Hùng, chẳng có “thằng” nào chịu trốn “quân dịch, quân gà”. Bọn nó nhập ngũ hết, “loon lá” đầy mình, như tôi kể ở trên, và nay làm kẻ ngụ cư nơi xứ người.

Thế rồi “Mùa hè đỏ lửa”, cùng với thành phố Quảng Trị, “phường của tui” tan tành hết cả. Sau khi tái chiếm cổ thành, anh Lợi tôi về thăm nhà, kể: “Nhìn không ra miếu đôi” (ngôi miếu kế bên nhà tôi, bên kia đường Xóm Heo). “Cột điện xi-măng (ngay trước nhà tôi), ngọn thì bay mất, gốc chổng lên trời. (Gốc là một khối xi-măng). “Từ nhà mình (đầu đường Lê Văn Duyệt) ngó thẳng tói Góc Bầu, thấy trống rốc”. Nghĩa là dọc suốt con đường Lê Văn Duyệt, không còn một ngôi nhà nào.
Từ 1972, dân chúng thất tán cả. Năm chính quyền VNCH dựng lại thành phố ở bãi cát gần Diên Sanh, đồng bào còn trở về lảnh gỗ, lảnh tôn do chính phủ cấp để làm nhà. Tới trận 1975, dân phường tôi bỏ xứ đi luôn, không thấy ai trở về phường cũ. Bây giờ, từ đầu tới cuối phường, đều là những “gia đình Dziệt Cộng” - Dziệt Cộng mà cũng có gia đình đấy nên cướp hết đất của dân cố cựu.
Năm 1982, tù cải tạo về, tôi ra khu “núi Chứa Chan” để thăm bà con mà cũng là dân cùng phường: Tôi kêu bằng chị (bà con) là bà mẹ của thiếu tá Ngô Thu Thiện, bà mẹ kế của trung tá Nguyễn Lô. Họ là chị em với nhau, cùng với cô em con bà dì của tôi, cùng con cái cháu chắt, đùm gói nhau kéo về định cư ở vùng đất mới, bỏ phường Đệ Tứ lại sau lưng.

Tôi vẫn thường ngồi buồn mà nhớ quê, nhớ phường Đệ Tứ trước 1945, có nhà Từ Thiện kế bên nhà bà ngọai tôi. Hồi ấy, thành phố Quảng Trị không có ăn mày. “Phú-lích” bắt được “cái bang” nào, đem về nhà Từ Thiện nuôi, “nhà nước Đại Pháp” cho ăn, cho mặc, và cho chữa bệnh, nếu cần. So với “nhà nước Cách Mạng” bây giờ, không rõ ai thương người (dân) hơn ai. Năm 1958, một lần cha bề trên Trí Bưu Lê Hữu Huệ (em giám mục Lê Hữu Từ) ghé nhà tôi để xin cái họa đồ nhà tôi mới xây xong, kiểu nhà mới, khá đẹp, tay ông xách gói bạc ba trăm ngàn đồng. Hỏi cha đi đâu về? Cha bảo mới ghé tòa hành chánh lảnh tiền để xây một cái nhà từ thiện khác, gần Góc Bầu, chỗ nghĩa trang mới dời đi. Người già, người nghèo khổ, người bệnh tật, người thất nghiệp phải được giúp đỡ, như thế mới gọi là một chính phủ “vì dân”. Việc đó, bây giờ ở nước ta, có “xa lắm rồi” hay không nhỉ?

Bến sông vào những ngày nắng nóng, bọn con nít thường xuống tắm, vui đùa, bên cạnh các mẹ các chị đang rửa rau, gánh nước hay giặt quần áo và những ngày lụt lội, nước sông cuồn cuộn, những đêm gió bấc thổi vi vút qua hàng cây dương liễu bên bờ sông, là những âm thanh, màu sắc không phai mờ trong lòng người xa xứ. Con đường của Hậu không dài lắm, nhưng những trưa hè nắng chói, như đổ lửa, hơi nóng bốc lên cao, bao giờ cũng là nỗi nhớ nóng hổi, lắm khi làm tôi quay quắt.
“Phường Đệ Tứ”, nơi cư trú của một đám dân nghèo, là nỗi ám ảnh không bao giờ nguôi trong tâm khảm tôi. Vợ tôi là người “ăn diện đúng mốt Hôngkông” nên mỗi khi họp mặt đồng hương Quảng Trị, tôi chỉ vào vợ tôi, nói đùa với bạn bè: “Đúng mốt Hồng Không, bên hông phường Đệ Tứ”.

Nếu bây giờ có trở về phường cũ, tôi chẳng gặp ai là người cũ. Ai ai cũng thất tán cả rồi. Cho nên, nhớ thì vẫn nhớ mà về thì tôi không về, không muốn về. Mỗi năm, tôi đi họp mặt đồng hương Quảng Trị, để mong gặp lại đâu đó, những khuôn mặt thân quen cũ, những em, những chị, những anh, các dì, các bác, các mợ... có thể có bà con máu mũ, mà cũng có thể là “nước lã” mà không bao giờ thấy họ là “người dưng”,/
hoànglonghải


Ghi chú:
(1)- Thầy dạy ông Lê Duẫn là thầy Trợ Lẫn. Khi ông Duẫn còn học lớp Ba, cứ thứ Năm, thứ Bảy, ông Duẫn từ làng Trung Kiên bên kia sông, qua “chơi với em” và dạy a,b,c... cho em, Thầy cho tiền tiêu. “Em” là ông Hồ Ứng Phùng, con trai độc nhứt của Thầy. Sau 1975, khi vào thăm Đà Nẵng, ông Duẫn có “ghé thăm cô”, Cô Trợ Lẫn, Thầy đã qua đời. Bấy giờ ông Phùng đang “học tập, cải tạo” ngoài Bắc. Cô xin cho con cô được về, ông Duẫn hứa, nhưng gần một năm không thấy gì. Khi ông Phùng đau nặng, Cô ra Hà Nội xin ông Duẫn một lần nữa, ông Phùng mới được tha. Về tới Saigon, ông Phùng được đưa thẳng vô Bệnh Viện Bình Dân, và qua đời sau đó không lâu. Cô Trợ Lẫn lo chôn cất cho con. Ông Duẫn tiết kiệm cho đảng được một cái hòm gỗ tạp.
(2)- Xem thêm nhiều chuyện vui về Miếu Đôi trong “Quê Ngoại, những bài viết về Quảng Trị”, cùng tác giả. Văn Mới xuất bản.
(3)- Hùng móm, em út tôi, rất “bụi đời”. Đang đi chơi giữa đường với Định, Hoài, Bích, v.v... vừa đói bụng, lại gặp gánh hàng rong của người quen hoặc bà con trong phường, Hùng chận gánh hàng lại: “Mỗi đứa một tô.” Xong, Hùng nói: “Về nhà, mạ em trả tiền”.
(4)- Trong cuộc Hành Quân Lam Sơn 719, Trương Đá là bạn từ thơ ấu của Hùng. Nhiệm vụ chung của trung úy Đá là lo “tiếp vận cho các đơn vị sư đoàn Dù” ở Lào, “nhiệm vụ riêng” là “tiếp vận rượu Mỹ” cho Hùng Móm. Hùng khoe với tôi: “Chưa bao giờ hành quân uống rượu đã như lần nầy”. Hồi ấy quân Mỹ còn đóng ở Ái Tử, rượu Mỹ khá rẻ. Dân cùng xóm, bà con, anh chị em gia đình tôi, ai ai cũng thương Hùng, lo gởi cho Hùng “vài chai”.