KỶ NIỆM "TRẠM XÁ" CỦA TÙ CẢI TẠO tại ÁI TỬ QT
thân nhớ và biết ơn BS Quân Y Hoàng thế Định
Đinh hoa Lư
======================
TÙ ĐI THẮT TRĨ
Cái Trạm Xá ( tên thường gọi cho trạm y tế thời chiến của bộ đội CS) của Đoàn 76 (đơn vị bộ đội coi tù VNCH) nằm dối diện Trại 3 cạnh con đường đất đi lên các trại khác - Trại 4, Trai 5 và Trại 1.
Tiếng là trạm xá tức là nơi chữa bệnh nhưng nó chỉ là ngôi nhà lợp tranh, cạnh mấy chuồng heo. Nhà bệnh cùng chuồng heo đều do tù Trại 3 dựng lên. Đặc biệt Trạm xá không có hàng rào, chỉ là ngôi nhà tranh khá lớn, nền đất cao, có vách đất. Một phòng để giải phẫu còn phòng kia rộng dài có mười mấy cái giường cho 'tù bệnh' nằm.
Trạm Xá nằm bên này con sông nhỏtừ trên núi đổ về. Phía bên kia là Trại 3. Trại 3 nằm gần khu chỉ huy của Đoàn 76. Đoàn ở đây- người viết xin giải thích thêm là tiếng gọi gọn lại của chữ Trung Đoàn- tức là Trung đoàn 76 thuộc Sư Đoàn 337 của miền bắc. Hồi đó Sư Đoàn 337 chưa đi đánh Campuchia lật đổ Polpot và Yieng Sar. Sau khi giao tù cải tạo lại cho Bộ CA thì Sư đoàn 337 mới đi đánh Campuchia.
*
Khoảng tháng 8/ 1979 sau khi đi chặt rừng để xây dựng Lòng Hồ Sông Mực tại Thanh Hóa, chúng tôi được đưa vào lại Ái Tử, Quảng Trị. Tôi được vào nằm ở đây để "cắt trĩ " trước khi trại được dời vào Bình Điền Huế. Cũng như đa số các tù nhân khác, chứng trĩ ngoại kinh niên của tôi đều do điều kiện ăn uống cực khổ trong trại sinh ra. Mà đã vướng vào trĩ rồi, thì khó mà lành được.
Tuy nhiên, khi được đi cắt trĩ, chúng tôi lại tạm xem được "nghỉ lao động" vài tuần. Thế là sướng "như tiên" rồi. Từ chuyện cắt trĩ, tôi lại có đôi ba kỷ niệm với Trạm Xá Đoàn 76 cùng BS Hoàng thế Định...
Anh Định hồi đó đặt tên là THẮT TRĨ thay vì nói "cắt trĩ"; có nghĩa là anh sẽ dùng dây chỉ bình thường khâu thắt vào bướu trĩ cho đến khi khối u đó thối rữa ra và dứt lìa thân thể người tù.
Chuyện nghe đơn giản, thế mà không phải vậy. Trước tiên phải có một ít thuốc tê để bs Định làm việc. Hàm lượng thuốc tê của trại cấp thì quá loãng nên chẳng áp phê chi. Trước khi thắt anh Định cho uống thuốc gây bón vì thắt rồi xem như bế lỗ ra không còn đi cầu được. Và phải đợi năm sáu ngày cho đến khi khối trĩ đó thối rữa ra.
Quý bạn cứ tưởng tượng trong trạm xá chật hẹp của tù mười mấy anh em tù đang cắt trĩ , người nào cũng mang một khối thịt thối thế kia thì mùi hôi chịu chi thấu. Thế nhưng phải cắn răng chịu biết kêu ai ? được cắt trĩ , tôi quên THẮT TRĨ là ưu tiên đãi ngộ rồi. Nhờ vào thuốc tê hiếm, tôi còn nhớ bs Định cũng được linh động về Huế để lấy thuốc tê tư nhân tốt hơn. Mà rõ ràng nó tốt hơn thiệt tình và cũng nhờ vậy anh Định cũng có dịp về nhà chút chút "cải thiện" đem ít quà ra lại trại.
Tù thắt trĩ được ưu tiên ăn cháo trắng với đường, mà không đi ra được thì ăn vô làm gì, sống cầm hơi là tốt rồi.
Cục trĩ chưa rụng thế mà tôi với anh Hồ văn Chuân cùng trại 4 cả hai bệnh nhân chúng tôi được ưu tiên "công tác " cho trạm xá đoàn vào một ngày đáng nhớ.
Ngày hôm đó bác sĩ Định được giao nhiệm vụ phải phẫu gấp cho một cán bộ đoàn về ruột thừa lên biến chứng và cần mỗ ngay tại trạm xá đó. Cái phòng cũng trát đất phên nói trên được che vội một lớp vải mùng trắng. Anh Hồ văn Chuân (Hải Quân trung Úy) cùng người viết thay phiên nhau quay một cái moteur nhỏ có mục đích phát ra điện cho anh Định làm việc phía trong.
Thiếu thốn mọi thứ kể cả thuốc tê thuốc mê nhưng bên trại biết khả năng anh Định và tận dụng khả năng quân y của anh. Hai anh em, anh Chuân và tôi, rõ khổ, do cái thế ngồi cho người đang thắt trĩ chưa lành phải nhoai hay nghiêng một nửa cái bàn tọa của mình qua một bên, hai tay vừa quay máy điện trong gần 2 tiếng đồng hồ. Công việc cứu người thấy cũng ý nghĩa cho lương tâm của một bác sĩ như anh Hoàng thế Định rồi cuối cùng chúng tôi đã hoàn thành.
toa thuốc cho tù tại Trại Cải Tạo Bình Điền Huế , anh Phan tế Nam y tế trại 3 Bình Điền viết, tôi còn giữ làm kỷ niệm
Chuyện anh Định "bó tay" buồn bã khi chúng tôi chứng kiến cái chết của người bạn tù- thiếu úy Tưởng từ Trại 3 qua nằm đây với chúng tôi. Rủi cho anh, qua nằm trạm xá ngày đầu tưởng lầm chỉ do "đau bụng" ai ngờ đâu sau một hai ngày BS Định khám phá ra bạn đó bị ung thư ruột già. Lúc phát giác ra chứng bệnh, thì thân hình Tưởng đã tiều tụy quá mức, chỉ còn da bọc xương. Anh Định lắc đầu lẩm bẩm "vô phương"!
Ngày Tưởng mất, người viết còn nhớ người thân của anh từ Huế có thuê được chiếc xe đò renault từ Huế ra. Tội nghiệp cho bạn Tưởng. Xác thân của một người tù sau những ngày đói khát lại lâm thêm chứng bệnh quái ác là ung thư. Anh "về" với một thân xác nằm mà tưởng chừng như bẹp dí trên chiếc băng ca. Má Tưởng hóp sâu, miệng anh vẫn còn há hốc, hai mắt vẫn mở như còn nuối tiếc và mong đợi người thân... Tôi nhớ khuôn mặt người em trai đang khiêng xác anh mình ra, khuôn mặt em đanh lại như cố kìm giữ cho tiếng khóc đừng bật ra khi thấy thân thể anh mình. Gia đình Tưởng hiểu lắm, do đây còn trong 'phạm vi trại tù'. Xác Tưởng được mang đi trong im lìm câm nín- không khóc- phần chúng tôi cúi đầu, lòng nhẩm niệm thế cái chào để vĩnh biệt Anh một đồng đội- một người bạn tù thiếu may mắn. Chúng tôi chia tay Tưởng cùng gia đình trong chua xót do thúc thủ bó tay.
Thế là Tưởng đã về với gia đình những người thương mến. Anh đã trả xong nợ nước. Một ngày buồn bên một trại tù, có con suối tháng ngày len qua mấy rặng đồi sim hoang dại. Tưởng thực sự ra đi, hương hồn anh như đang vẫy tay từ tạ chúng tôi, anh đi về miền miên viễn. Thôi, Tưởng hay đi trước, hãy chia tay với ngày tháng lao lư, nhục nhằn, buồn tủi của những chiến bại binh như bọn mình. Bạn hãy đi trước, xa rời nhục vinh nhân thế, về với thế giới hư vô chẳng còn gì là buồn thương hay trăn trở, khổ đau, đói khát...Linh hồn anh nếu có còn chút gì lưu luyến tụi này hiểu lắm, chút gì bâng khuâng khi chữ hiếu chưa tròn với mẹ cha, anh chưa dịp đáp đền công ơn sinh thành dưỡng dục.
Trong kia, Huế đang đợi anh về. Có thể là cơn mưa buồn- MƯA TRÊN PHỐ HUẾ hay mưa về Thành Nội. Có tiếng cười khúc khích của cậu nhỏ học sinh- một thời con nít hay khi anh lớn lên với tuổi biết yêu, biết tương tư đợi chờ người con gái anh yêu trong đám nữ sinh Đồng Khánh. Hình ảnh áo trắng tan trường cùng cầu Trường Tiền rộn tiếng guốc khua...
Xin vĩnh biệt Tưởng, chúng tôi ở lại, những ngày trước mắt chẳng biết ra sao?
***
Chuyện buồn vui đời tù trong trạm xá cũng có lắm thứ cười ra nước mắt. Chẳng hạn bác sĩ Thông được trại 'ưu ái" cho một việc "nuôi heo" trong khi khả năng chuyên môn anh Thông đâu phải chuyện này. Những con lợn ủn ỉn trong chuồng làm anh Thông quần quật suốt ngày từ đôi tay không chuyên môn làm chúng tôi cảm thấy thuơng cho anh. Thế mà anh Thông hay vô ra thăm chúng tôi với cái giọng nam anh pha trò làm chúng tôi vui đáo để.
Làm tại trạm xá y tế này, BS Định thiếu thốn mọi bề. Tuy vẫn mang danh là trạm xá đoàn nhưng thuốc men thì phải đi "cải thiện " lấy. Cũng nên giải thích "cải thiện" có nghĩa là linh động đi kiếm, về Huế một hai ngày mà kiếm...
Lúc đó, "phong trào đông y" trong trại tù phát triển. Thuốc Tây hiếm hoi, Đông y hay thuốc nam trại nào cũng cho tù đi tận mấy quả đồi vùng núi Ái Tử đào bới. Nào hoàng đằng, mật nhân, hà thủ ô , cây quờn, bướm bạc ...về làm dược liệu nấu cho tù uống. Có còn hơn không. Người viết còn nhớ vị đắng của hoàng đằng, mật nhân. Chất đắng của nó cũng trị được đau bụng nhất là tiêu chảy.
Nghe tôi từ Lòng Hồ Sông Mực đã vào lại Ái Tử, mẹ tôi từ Bình tuy lặn lội ra thăm con cũng tại trạm xá này. Hơn một ngàn cây số đường xa, mẹ tôi chỉ được phép gặp tôi vỏn vẹn hai mươi phút ngay trước mái tranh trạm xá đó. Thương quá mẹ ơi, hình ảnh mẹ ngồi bệt trước cái sân đất, hai giỏ quà trong chẳng có chi...Mắt mẹ buồn xa vắng, nỗi thương nhớ con dâng trào nhưng chỉ trong 20 phút hiếm hoi. Tôi chẳng có đủ thì giờ dặn dò những gì muốn nói với mẹ tôi, rồi người phải vội vô nam sống những ngày cực khổ nơi vùng kinh tế mới thiếu vắng con trai, thiếu sức lao động. Tội cho mẹ, chỉ gặp được con trong hai mươi phút đánh đổi một chặng đường xa, một ngànhơn ngàn cây số ngập tràn lao lư khổ nhọc. Tội nhớ làm sao nét mặt buồn bã của mẹ mình. Mẹ chỉ kịp nói nhỏ với tôi có "gửi 20 đồng" nơi o Cai - người bạn gái quen từ thời trước. O ấy bán chè lá tại Chợ QT...
Con đường trước trạm xá cũng là con đường người dân đi kinh tế hay còn gọi là đi trung du tức là lên rừng khai phá trồng sắm khoai. Hàng ngày có từng toán dân đi qua, đôi lúc nhờ vậy làm chúng tôi đỡ nhớ gia đình. Người gồng kẻ gánh bao lớp người dân đang lên khai phá vùng cao. Núi rừng càng bạch hóa khai hoang lạ thay người dân càng lúc càng đói thiếu. Bao đoàn người hàng ngày đi qua trước mắt chúng tôi, họ bỏ làng cúi đầu đi lên vùng núi xa; nơi đó tù chúng tôi hay lên đốn gỗ đều thấy. Những ngôi nhà tạm bợ trên đó, dưới làng thay phiên nhau lên làm cho có làm, thu hoạch thường bị heo rừng phá hết, không đủ bù cơm đùm gạo bới. Thật là một tương lai vô định.
Ngoảnh lại với nhau trong cái trạm xá này với 'mùi hôi nồng nặc' từng ngày, ai đi qua cũng bịt mũi. Thế nhưng chúng tôi chịu đựng được cách thức chữa bệnh lạ đời thế kia. Tù chữa cho tù, cùng thông cảm với nhau trong thiếu thốn từ miếng ăn cho đến thuốc men vật liệu. Tù chữa cho tù chính đây là lúc những thân phận cùng cảnh ngộ đang sẻ chia nhau những cái gì đang có.
Bác Sĩ Hoàng thế Định gắn bó mấy năm trong trạm xá đoàn 76 với sự phục vụ tận tình từ tay nghề anh có để giúp anh em tù nằm bệnh. Có một điều khá oan cho anh Định, do anh lại phải 'ở tù lâu hơn' do trại đang lợi dụng khả năng của anh để phục vụ cho cả Đoàn 76. Có những ca bệnh mà bác sĩ "cách mạng " làm quá tệ hay bó tay. Anh Hoàng thế Định vẫn chấp nhận vì trong lòng anh biết rằng anh còn nhiều cơ hội để giúp đỡ bạn tù.
Lời cám ơn chân thành của chúng tôi, tuy muộn màng, tới bác sĩ Hoàng thế Định với những ngày nằm bệnh trong Trại Tù Ái Tử để cùng ghi nhớ một kỷ niệm không quên-TRẠM XÁ ĐOÀN 76 ÁI TỬ QUẢNG TRỊ./.
ĐHL
edition by ĐHL
25.1.2024
San Jose USA
No comments:
Post a Comment